Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.213.201
 
Từ một trang văn
Nguyễn Thanh

   

      Tiếng sấm” Đồng Khởi Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng nhiều năm khiến chế độ cũ còn kinh hoàng lo sợ, tiếp tục bắt lính khắp nơi để tăng quân, không chừa cả sinh viên, giáo viên ở các trường học. Năm 1963, bị gọi đi quân dịch, tôi rời bỏ Trường Trung học ở một huyện lỵ xa, lánh về Cần Thơ xin dạy Việt văn tại Trường Trung học tư thục Hậu Giang ở đường Quang Trung (Cần Thơ) của thầy Nguyễn Hữu Thị. Tình cờ, không phải nói là may mắn, tôi gặp một bài văn của Trang Thế Hy mà không rõ vì lý do nào, soạn giả lại không ghi xuất xứ. Đoạn văn được nhà văn, nhà giáo Thẩm Thệ Hà (1) biên soạn, đưa vào quyển Giảng văn lớp Đệ Lục, do nhà xuất bản Sống Mới ấn hành năm 1962. Nhan đề bài giảng văn là “Con người quả cảm”. Mới đọc qua một lần Con người quả cảm, tôi thực sự xúc động, bị chinh phục bởi nội dung của nó và tôi đã tâm đắc đem bài Kim văn ấy giảng dạy cho học sinh những lớp tôi phụ trách. Đám đệ tử tôi cũng tỏ ra tâm đắc, thích thú mà không giấu nổi sự cảm động. Bài văn trích miêu tả lại những giờ phút cuối cùng, đối diện trước mũi súng kẻ thù ở pháp trường của một thanh niên yêu nước bị giặc bắt và kết tội tử hình. Bằng bút pháp tinh tế điêu luyện, nhà văn Trang Thế Hy đã làm sống lại trong lòng người đọc chân dung vĩ đại, tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng. Từ dáng đi chậm rãi, với ánh mắt rực sáng thể hiện sự bình tĩnh, không hề nao núng trước kẻ thù không khác chi hình ảnh cao đẹp của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sau này. Cả hai đều biểu tượng cho khí phách anh hùng, trong lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của nhân dân Việt Nam. Trải qua mấy mươi năm, Con người quả cảm ấy đã khắc đậm vào lòng tôi một niềm kính phục. Với lòng ngưỡng mộ, tôi mong có dịp được tìm hiểu tác giả bài văn ấn tượng ấy dù đối với ông tôi chỉ nghe danh mà chưa biết mặt (văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình).

Trang Thế Hy bước vào tuổi trưởng thành ngay thời điểm chín muồi của cách mạng Việt Nam – khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà văn Trang Thế Hy vừa 21 tuổi – và chỉ còn le lói ánh sáng yếu ớt tàn lụn của chế độ thực dân Pháp. Yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng, sau khi tham gia giành chánh quyền tại Bến Tre, Trang Thế Hy thoát ly gia đình vào chiến khu. Sau hiệp định đình chiến năm 1954, ông được phân công ở lại hoạt động hợp pháp nội thành Sài Gòn trên lĩnh vực văn nghệ. Ông thường viết cho tuần báo Nhân loại (do nhà thơ Đông Hồ chủ biên), tạp chí Bách khoa và một vài tờ báo khác cùng với các nhà văn Lê Vĩnh Hòa, Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Viễn Phương, Dương Tử Giang, Tô Nguyệt Đình, Ngọc Linh…

                                                     1

 

Sống trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm thống trị, thấy rõ những điều chướng tai gai mắt, xúc động đau lòng trước cảnh đau thương diễn ra hằng ngày của đồng bào, ngòi bút của Trang Thế Hy không thể không vẽ lại những dấu ấn đậm nét về bối cảnh lịch sử, xã hội và con người lúc bấy giờ.

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, còn ký với các bút danh khác như: Văn Phụng Mỹ, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm, Triều Phong, Phạm Võ… Ông sinh ngày 9-10 năm 1924, tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, miền đất của cách mạng miền Nam với phong trào Đồng Khởi, một địa linh nhân kiệt với Nữ tướng rừng Dừa Nguyễn Thị Định và nhiều danh nhân văn hóa: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Lê Anh Xuân, Ca Văn Thỉnh… Thời thơ ấu, Trang Thế Hy học trường tiểu học ở huyện nhà, sau lên học trường Trung học Mỹ Tho. Khi ở Sài Gòn, ông kiếm sống bằng cách đi dạy kèm. Khi tham gia cách mạng, Trang Thế Hy làm cán bộ Ty Thông tin tuyên truyền Bến Tre (1945) rồi cán bộ Thông tin Nam Bộ. Trong sinh hoạt văn nghệ những năm 1956-1958, ông được coi là một trong những cây bút chủ lực của tuần báo Nhân loại – một cơ quan ngôn luận tiến bộ rất uy tín ở Sài Gòn. Do những tác phẩm mang nội dung yêu nước nên ông bị bắt giam năm 1962. Một năm sau ra tù, Trang Thế Hy tiếp tục hoạt động văn nghệ báo chí ở Sài Gòn. Khi vào vùng giải phóng (1964), ông làm việc ở ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn – Gia Định, sau chuyển sang tiểu ban Văn nghệ Giải phóng cho đến ngày 30-4-1975. Từ năm giải phóng đến 1990, ông là cán bộ biên tập tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.

Không tính đến vầng trán rộng thông minh và mái tóc nghệ sĩ luôn chảy ốp về phía sau, nước da bánh ít, lại ít nói biếng cười khiến ai mới thoáng nhìn cũng có thể nghĩ Trang Thế Hy là người dân vườn tược. Với đôi mắt sâu hay nhìn xuống lúc đi lại, ông sống lủi thủi chỗ không ồn ào như người có tâm sự thầm kín nếu không nói ông là mẫu người hướng nội (introvert) với tình cảm sâu lắng, không thường biểu lộ ra bên ngoài bằng ngôn ngữ và hành động cụ thể… Có dịp tiếp xúc, gần gũi với nhà văn Trang Thế Hy mới biết ông thông tiếng Pháp, đọc nhiều tác phẩm của Anatole France, Guy de Maupassant, Gustave Flaubert… và Ernest Hemingway, Lỗ Tấn… Với kiến thức rộng tiếp thụ từ văn học thế giới, nhất là nền văn chương Pháp, Trang Thế Hy có được một óc tưởng tượng phong phú và một văn phong mượt mà giàu chất lãng mạn (Nắng đẹp miền quê ngoại, Trời xanh như mắt em). Sức mạnh tinh kết từ ưu thế của ngòi bút tài hoa Trang Thế Hy dường như được dàn trải đều đặn trong tác phẩm của ông. Dù có làm thơ, nhà văn Trang Thế Hy được biết đến nhiều hơn ở truyện ngắn và ký, được in thành tập hay đăng rải trên các báo và tạp chí văn nghệ: Nắng đẹp miền quê ngoại, (Sài Gòn, 1964) – Anh Thơm râu rồng (Giải thưởng của Hội VNGP miền Nam, 1965) – Mưa ấm (1981) – Người yêu và mùa thu, Vết thương thứ 13 (1989) – Tiếng khóc và tiếng hát (Giải thưởng của Hội Nhà văn

                                                     2

 

VN – 1993) – NXB Kim Đồng in lại năm 2002) – Nợ nước mắt (Giải A của UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2002) và những truyện ngắn khác (có thể coi là một tuyển tập của ông được in gần đây nhất). Tổng cộng, Trang Thế Hy đã viết hơn 50 truyện ngắn (phần viết trước 1975 bị thất lạc nhiều vì chiến tranh). Và một số bài thơ in trong “Tuyển tập 15 nhà thơ ĐBSCL” (NXB Mũi Cà Mau và Ban Liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL-2003).

Những tác phẩm chính của Trang Thế Hy sáng tác trong thời kỳ miền Nam còn chịu sự quản lý của Ngô Đình Diệm (1956-1963) mang nội dung yêu nước cũng như nhiều cây bút tiến bộ khác. Đọc tác phẩm của Trang Thế Hy sáng tác trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, công chúng yêu văn nghệ dễ nhận ra những nét lớn trong nội dung tư tưởng bao giờ cũng nhất quán với chủ đề:

Với lòng yêu quê hương tha thiết và canh cánh nặng lòng với hoàn cảnh, thân phận của đồng bào, nhà văn viết về quê ngoại ở vùng bưng biền Đồng Tháp Mười (Áo lụa Giồng), nơi đó có hình ảnh những “Chiếc áo lụa Giồng” thân quen luôn gợi lại một thời thơ ấu đã trải qua “một thực tế buồn” vì hậu quả khói lửa chiến tranh. Nơi đó, nét đẹp quen thuộc trữ tình của “những dòng kênh thẳng băng giống như một tấm lụa dài vô tận, màu xanh gờn gợn”, của một quê hương tươi đẹp có “Vầng trăng bên kia sông” hay trong những ngày “Nắng đẹp miền quê ngoại”. Nhà văn miêu tả thân phận những người lao động nghèo mà nhân hậu, trước tham vọng đê hèn và dã tâm ác độc của kẻ thù dân tộc. Ông cảm thương cuộc đời cô gái xinh đẹp mà gầy ốm, khi chết chỉ được chôn cất qua loa trong không khí chém giết còn ngột ngạt mùi khói súng và bom đạn (Một cuộc đời).

Từ lòng yêu quê hương, đồng bào, Trang Thế Hy dùng ngòi bút của mình để tố cáo giặc Pháp gây tội ác, tàn phá, hủy diệt đất nước giống nòi “Những kẻ muốn tàn phá hết, sát phạt hết… Không muốn chừa lại một chút gì tươi đẹp trên dải nước non này”. Ông phơi bày sự cám dỗ của chốn đô thành quyến rũ dễ giết chết tình yêu trong sáng giữa những người lương thiện. Cái chết của cô gái Hoa Kiều giữa độ xuân thì, làm bừng dậy dạt dào mối cảm xúc ở nhà văn. Từ đó, ông muốn khắc đậm lại niềm tin ở mọi người “Dục vọng xấu xa không thắng nổi ý chí thiết tha bảo vệ sự cao đẹp của con người” (Một chút tình xưa, Mấy dòng thư cũ). Nhà văn muốn thức tỉnh người đọc về tinh thần tự chủ và ý chí đấu tranh bất khuất mà không khép nép ù lỳ chịu nhục (Mối tình bên rạch Giồng Chanh): “Có nước mà không biết yêu, người ta đàn áp chỉ biết sợ hãi, mà không biết cách chống cự lại. Cái dốt đó mới nhục”. Cả đến lòng tham lam tiền bạc vật chất, quên đi tình máu thịt ruột rà của một số người cũng được nhà văn xa xôi nhắc đến để thể hiện sự phản kháng.

Nhìn chung, truyện ngắn Trang Thế Hy viết trong giai đoạn từ năm 1963 trở về trước, tức là thời kỳ miền Nam còn sống dưới chính sách cai trị khắc nghiệt của chính quyền Sài Gòn lệ thuộc vào Mỹ, phản ánh sự phân hóa suy đồi của xã hội

                                                     3

 

phồn hoa nơi đô thị. Do vậy, nhà văn viết rất xúc động về tội ác chiến tranh của quân xâm lược Pháp, đồng thời nói lên thân phận bi đát của những thường dân hiền lành trước dục vọng và bom đạn của kẻ thù. Qua đó, ta thấy Trang Thế Hy muốn khơi gợi lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước của người dân thành thị.

Do truyện mang nội dung yêu nước tiến bộ - nhất là với tập truyện đầu tiên: Nắng đẹp miền quê ngoại (gồm 10 truyện ngắn) ký tên Văn Phụng Mỹ mà tác giả bị bắt nhốt. Khi được trả tự do, nhà văn quyết định ra chiến khu và tiếp tục sáng tác. Truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng” và một số truyện khác viết ở vùng giải phóng. Đọc những tác phẩm này, ta thấy Trang Thế Hy đã thay đổi nghệ thuật viết truyện. Trong bối cảnh mới, nhà văn vẫn tìm cảm hứng từ những con người và cảnh đời quen thuộc quanh mình, nhưng nhà văn đã bắt đầu chú ý đến tâm trạng (Vết thương thứ mười ba) hơn là khắc họa tính cách nhân vật. Trong “Nợ nước mắt”, nhà văn xa xôi muốn nói lên, giữa cuộc sống mới đang thay đổi theo từng sát-na thời gian một cách chóng mặt, những con người từng trải gian nan, vào sinh ra tử trong chiến tranh hay có lòng hoài niệm về quá khứ (Chị Ba Hường), nuối tiếc lại những hành động thấm đẫm nghĩa tình và hy sinh cao đẹp (Anh Thơm râu rồng) không còn nữa.

Tự đó, Trang Thế Hy như muốn bóng gió thông điệp đến nhiều người về tình cảm thủy chung, về đạo lý sống ở đời. Có thể coi, ở đây chủ đề của nhà văn là kêu gọi lòng hướng thiện ở con người. Người đọc nhận ra trong một số truyện và ký của Trang Thế Hy sự hiện hữu nỗi ưu tư, trăn trở về những vấn đề liên quan đến văn chương nghệ thuật như nhân cách của nhà văn, khát vọng chính đáng của nghệ sĩ… (Tiếng khóc và tiếng hát, Chút hào quang từ mảnh vỡ, Một nghệ sĩ buồn thích đùa…). Riêng cốt truyện “Tiếng khóc và tiếng hát” xây dựng với hai nhân vật biểu tượng cho hai lớp người vốn có nghề nghiệp long đong trong xã hội: một nghệ sĩ sân khấu và một chị bán quán nghèo trong một buổi chiều mưa buồn tẻ. Từ lúc trò chuyện mở đầu đi dần đến lời tâm sự chân thành, cảm động của chị bán thuốc lá hiền lành, người nghệ sĩ đã cảm nhận ra một cách sâu xa về cuộc đời của những kiếp người nghèo khổ đáng thương. Truyện có vẻ lan man lúc đầu nhưng dẫn đến một kết thúc bất ngờ, mang ý nghĩa rất đáng suy ngẫm: sự thức tỉnh người cầm bút về sứ mệnh cao quí thiêng liêng của mình trước hiện thực đa dạng đa sắc của xã hội “Tôi nghe đó là lời răn dạy rất nghiêm, có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.

Ấn tượng sâu sắc hơn hết ở người đọc là vết thương vô hình trong người, âm ỉ không nguôi như chất độc dioxin ở vị trung tá thương binh về hưu (Hữu) đã mang trước mười hai vết thương trong người. Đó là lúc ông nhận ra người bạn đời đồng chí của mình (chị Châu) đã thất tiết với một người đàn ông khác (Nhiệm) để hoàn

                                                     4

 

thành công tác được giao. Ta hãy nghe nhân vật đau khổ này tâm sự với em út: “Viên đạn làm tao bị thương lần thứ mười ba này đã được bắn ra cách đây ba mươi lăm năm, bây giờ mới chạm mục tiêu. Vết thương không làm chảy máu, không để thẹo nhưng tao sẽ đau hoài cho đến chết” (Vết thương thứ mười ba) (2). Hoặc nỗi đau nhục “bí hiểm” của cô gái câm có gương mặt và vóc mình dễ trông mà phải đi làm đĩ để nuôi thân. Có lúc người ta không phân biệt được cô ta đang khóc hay là đang hát lúc cô vui, buồn, cũng chỉ với tiếng ú ớ trong miệng (Tiếng khóc và tiếng hát).

Nhìn lại thế giới truyện ngắn Trang Thế Hy, người đọc dễ thấy nổi rõ lên trước hết là ánh sáng chủ đề: Lòng yêu quê hương tha thiết, đầm thấm, tình cảm đồng bào chân thành, sâu nặng biểu hiện dưới nhiều hình thức trong một đất nước, xã hội u ám rối ren vì khói lửa binh đao. Nhân vật xuất hiện thường gặp trong tác phẩm nói trên là người dân lương thiện, người lao động nghèo đôn hậu mà tiến bộ, ý thức được trách nhiệm của mình, những người công dân chân chính trong thời chiến (Anh Thơm râu rồng). Để phác họa cảnh vật trong truyện, Trang Thế Hy dùng lối văn trong sáng mà trôi chảy mượt mà, nhiều chỗ rất trữ tình và lãng mạn, lung linh một phong cách Tây phương (Áo lụa Giồng, Trời xanh như mắt em (3)). Nhiều đoạn văn trong truyện ngắn Trang Thế Hy, tác giả tả cảnh gợi tình rất màu sắc và nghệ thuật, đẹp như một bức tranh: “Heo hút đằng chân mây một rặng cây màu lục, mờ mờ trong sương sớm. Trên nền trời lờn lợt màu xanh dương, vài cụm mây trắng mỏng, đôi ba vệt khói, một con chim nhỏ lững lờ nghiêng cánh mỏi, ngập ngừng… Một khu vườn yên tĩnh dưới bóng một tàn bưởi đang tiết ra mùi thơm thoang thoảng của hoa mới nở. Tiếng líu lo của bầy sáo uống sương trên hoa vông…” (Trời xanh như mắt em).

Đôi lúc có dùng từ ngữ Nam bộ nhưng văn Trang Thế Hy vẫn điêu luyện một sắc thái quốc gia, ít bị ảnh hưởng nhiều bởi cách nói, cách viết của địa phương.

Thiển nghĩ: Hiểu về mình, không ai bằng mình. Do vậy, để thấy rõ hơn chân dung nhà văn Trang Thế Hy, trong đó có tác phẩm, những đứa con tinh thần ông cưu mang, nuôi dưỡng và trách nhiệm, ta thử đọc thêm phần ông tự nhận xét về mình như một lời tự bạch: “Tôi tự đánh giá mình có được tạo hóa nhểu cho vài giọt năng khiếu bẩm sinh về văn chương nhưng bản thân kém ý chí và thiếu sự đam mê nghề nghiệp nên không có thành đạt đáng kể.

Riêng trong thời kỳ hoạt động (hợp pháp) ở Sài Gòn tạm chiếm (1956-1963), với hai bút hiệu Văn Phụng Mỹ và Trang Thế Hy, tôi được độc giả nhất là giới trẻ của hai vùng nông thôn và đô thị mến mộ nhiều, có thể nói là nổi tiếng bên cạnh các anh Sơn Nam, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa…

Tôi cho rằng văn chương tuy không giải phóng được con người nhưng đối với bản thân người viết văn, văn chương góp phần thanh lọc tâm hồn và cung cấp cho người đó sự bình tĩnh và lòng can đảm”.

                                                             5

 

 

Nếu coi “Văn là người”, ta có thể nói sự nghiệp văn chương của nhà văn yêu nước Trang Thế Hy là chiếc lăng kính tốt hình thành sắc thái tài năng và nhân cách của một nhà văn đích thực, ý thức sâu xa được sứ mệnh của người cầm bút, và thể hiện đúng đắn quan niệm “Nhà văn là thơ ký thời đại”, tác phẩm Trang Thế Hy từ đó thật sự đã đầy ắp tính nhân văn.

 

                                12.12. 2015

                                                                                  

 

 

(1)        Thẩm Thệ Hà: Nhà giáo, viết văn, làm thơ, tác giả của nhiều tập truyện mang nội dung yêu nước, tiến bộ: Gió biên thùy, Đời tươi thắm, Vó ngựa cầu thu, Người yêu nước, Hoa trinh nữ, Bạc áo hào hoa…, sách về văn hóa giáo dục cùng rất nhiều bài thơ được trân trọng. (Tự điển Văn học  - Bộ mới - NXB Thế Giới - 2004)

(2)        Tuyển tập 18 nhà văn ĐBSCL (NXB Mũi Cà Mau và Ban LLHNV VN tại ĐBSCL – 2003).

(3)        Truyện ngắn trên trang Web Văn nghệ SCL (NXB Văn học – 2005).

 

 

 

                                                                            6

 

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3006
Ngày đăng: 11.04.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tám phút mười chín giây - Chế Diễm Trâm
Khó quên những ngày Tạ Chí Đại Trường ở Phan Thiết! - Phan Chính
Những trang viết rời: Bình Định, nỗi nhớ - Nguyên Minh
Xuân muộn - Nguyễn Thanh
Giấc mơ giữa đời thường - Trần Lệ Thường
Chuyện tình trên cao nguyên - Xuân Tuynh
Mưa rừng thông - Phạm Hoài Vũ
Đà Lạt - Nguyễn Thị Hương Thảo
Như người bạn cũ - Đinh Lê Na
Thư viết cho mẹ. - Elena Pucillo Truong
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)