Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.451
 
Tiềm năng,tiềm lực của một vùng văn hóa cần được phát huy.
Hồ Tĩnh Tâm

Năm 1974, trung đoàn tôi đóng quân tại vùng Tà Nu, tỉnh sroaivieng. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một nền văn hóa mới: văn hóa Biển Hồ, văn hóa Tông Lê Sáp, văn hóa Ăng Co thom, Ăng Co Vát, văn hóa Bayon. Câu đầu tiên mà tôi học là "a nưng ha ây", "xơ mua ây". Từ cái vốn ban đầu ít ỏi ấy, tôi từng bước làm giàu vốn ngôn ngữ Môn - Khơ Me của mình. Và tôi chợt nhận ra, ngôn ngữ Việt rất gần với ngôn ngữ Khơ Me, bởi lẽ nó cùng chung hệ ngôn ngữ Môn - Khơ Me ở khu vực Đông Nam Á.

 

Hơn ba tháng ở vùng sông Trăng biên giới, tôi được tiếp xúc với một nền văn hóa mới, rất mới, nhưng tôi không hề cảm thấy xa lạ, ngỡ ngàng; bởi hình như tôi vẫn đang được sống trong vòm văn hóa của nền văn minh cây lúa nước. Chỉ có điều, ở đây, thay cho cày bằng trâu, bà con cày bằng bò, bò đôi từng hai con một. Và trên các nẻo đường đến các phum sóc, người ta cũng thường dùng bò đôi để kéo xe. Đó là những con bò to cao, lực lưỡng- gần giống như bò bô ở nước ta ngày nay. Tôi đã vài lần được ngồi trên những chiếc xe bò ấy, rong ruỗi trên những nẽo đường đầy nắng và gió; xuyên qua những cánh rừng dầu, những vườn cây thốt nốt, dừng lại ỏ một vài ngôi chùa cổ kính. Và không biết từ lúc nào, tôi yêu những làn điệu dân ca của nền văn hóa này. Nhưng để hiểu được một phần vẻ đẹp của nền văn hóa này, mãi tới những năm đầu của thập kỷ 80 TK 20, tôi mới có điều kiện để học tập và nghiên cứu.

 

Rất may cho tôi, là vào thời điểm này, nhóm nghiên cứu Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa và Lê Giang đã sưu tầm được hàng loạt dân ca Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã tập hợp các sưu tầm nghiên cứu của mình thành sách. Đó là các tập dân ca Cửu Long, dân ca Hậu Giang, dân ca Kiên Giang, dân ca Bến Tre… Vốn âm nhạc của tôi chưa đủ để nghiên cứu hình thức âm nhạc của dân ca Khơ Me, nhưng phần văn học của ca từ thì tôi có thể tiếp cận được. Trong các làn điệu Bompê Kôn, tôi thấy tâm hồn của một dân tộc được trãi rộng trong lời ru của các bà mẹ, cũng như các bà mẹ Việt từng ru con của mình.

 

Thôi đừng khóc nữa mẹ thương

Lớn lên con sẽ tới trường học ngoan

Học về sẽ có cơm ăn

Khi khôn lớn, con siêng năng giúp đời

 

Có ru con, tất nhiên cũng sẽ có ru em, bởi dân ca là những khúc hát dân gian, thuộc về dân gian, tức là thuộc về đại đa số người dân lao động. Mà con người, trên bán đảo Đông Dương này, hầu như có đời sống tâm hồn rất gần gũi với nhau, trong tiềm thức cũng như trong nếp tư duy nằm trong hệ ngôn ngữ Môn - Khơ Me. Sau đây là lời một bài Bompê ôn, ở Trà Vinh.

 

Em yêu ơi, ngủ cho ngon

Tình anh sẽ hát điệu chồng em nghe

Lời ru thành ngọn gió đưa

Quạt anh sẽ vuốt giấc mơ vợ hiền

Chìa tay anh, em gối lên

Xõa ngực anh, mái tóc mềm của em

Anh ở bên em ngày đêm

Em đừng lo sợ những điềm chẳng may

 

Từ những lời ru ấy, tôi đến với những bản tình ca Khơ Me, và nhận thấy sự hồn nhiên trong trẻo của những mối tình rất đẹp trên quê hương chùa tháp. Ca từ lấy từ những bài ca dao, rất gần với tư duy ngôn ngữ của các dân tộc ít người ở Việt Nam. Chẳng hạn như bài  Mlup đôông, mượn hình bóng cây dừa để tỏ tình một cách rất thật.

 

Dưới bóng dừa mát mẻ

Anh lót chiếc sạp tre

Để những khi hẹn hò

Em không ngồi dưới đất

Sợ con kiến con vắt

Cắn lên người anh yêu

Ơi anh cưng, anh chiều

Anh bồng em lên sạp

 

Một lần tôi hỏi anh Thạch Nên, về nghĩa của bài Xavaichanti, bài dân ca mà Bộ GD- ĐT dịch sang lời Việt, để đưa vào chương trình Hát - Nhạc tiểu học, có tên là "Cây muỗm". Anh Thạch Nên cho tôi biết, đây là bài hát kể về một chuyện tình của cô gái đã hóa thân thành cây đào lộn hột. Bởi vậy tôi rất lấy làm lạ về sự phóng tác phần lời, không hề tôn trọng văn bản dân gian. Tuy nhiên, trong lĩnh vực âm nhạc, người ta có thể đặt lời mới cho dân ca, nhưng về học thuật, các tác phẩm có tính kinh điển, tốt nhất là phải tôn trọng nguyên tác. Từ đó tôi nghĩ, chúng ta rất cần những chuyên gia về ngôn ngữ Khơ Me, mà tốt nhất, họ là những người thuộc dân tộc Khơ Me, biết sử dụng ngôn ngữ Khơ Me một cách thành thạo.

 

Trong một lần đi thực tế sáng tác ở Trà Cú, khi xuống tới chùa Cò gần vàm Cá Lóc, tôi mới phát hiện ra anh Bé Cần (Triệu Văn Bé) rất giỏi tiếng Khơ Me, cũng như rất thông hiểu phong tục tập quán của đồng bào Khơ Me Nam Bộ. Có thể vì điều này, anh Bé Cần tiếp xúc rất dễ dàng với bà con Khơ Me, dễ dàng gây được cảm tình với họ. Và tất nhiên, chính vì điều đó, sự lãnh đạo của anh - với tư cách bí thư huyện ủy - rất sâu sát, rất hiệu quả đối với cộng đồng bà con Khơ Me trong tỉnh.

 

Lục cả trụ trì chùa Cò năm đó đã ngoài 80 tuổi, ông không biết tiếng Việt, nhưng lại rất giỏi tiếng Pháp. Bởi vậy, khi muốn tìm hiểu lịch sử chùa Cò, hầu như tất cả chúng tôi đều phải nhờ anh Bé Cần Phiên dịch. Càng hỏi tôi càng nhận thấy sự uyên thâm trên rất nhiều lĩnh vực của lục cả. Sau này, khi đến chùa Hang ở Trà Vinh, chùa Dơi, chùa SàLôn ở Sóc Trăng, tôi đều nhận thấy sự am hiểu khá tường tận về văn hóa Khơ Me Nam Bộ của các vị lục cả. Như vậy, rõ ràng muốn nghiên cứu sâu nền văn hóa này, ta không thể không quan tâm tới các vị lục cả, cũng như các tăng ni của họ. Và tốt nhất là nên kết nạp họ vào Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bản thân tôi, nếu không thông qua tri thức của họ, sẽ khó lòng mà hiểu được lối kiến trúc đền núi của năm ngọn tháp Ăng Co. Các đền núi Khơ Me thời kỳ Ăng Co hoàn toàn là những kiến trúc mang biểu tượng tôn giáo, do đó hình dáng, bố cục và các thành phần kiến trúc đều mang nội dung ý nghĩa tôn giáo sâu sắc. Các đền núi Khơ Me thời kỳ Ăng Co đều là những kiến trúc hình kim tự tháp nhiều bậc, có năm ngọn tháp ở đỉnh tượng trưng cho đỉnh núi Meru (núi vũ trụ), và những vòng rào hồi lang đồng tâm, những hào nước bao quanh tượng trưng cho các lục địa, các bức thành và đại dương bao quanh núi vũ trụ. Ngoài ra, những hình rắn Naga bằng đá nằm dọc theo các lối đi dẫn vào đền, hay nằm vắt qua hào nước… đều là biểu tượng cho nhịp cầu nối giữa thế giới trần tục và thế giới thần linh. Lối kiến trúc Ăng Co này có mặt ở tất cả các chùa Khơ Me Nam Bộ.

 

Năm 2003, tôi và nhạc sĩ Vũ Loan, mỗi người có hai bài hát viết trên nền âm nhạc cổ truyền Khơ Me, được sử dụng tại tháng Liên hoan Văn hóa Khơ Me Nam Bộ, Do Bộ Văn hóa và Trung tâm Triễn lãm Văn hóa Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Khi Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in thành tập, tôi thấy không phải chỉ các nhà nghiên cứu Văn hóa Khơ Me mới quan tâm tới âm nhạc Khơ Me, mà rất nhiều nhạc sĩ người Việt cũng quan tâm tới lĩnh vực này. Ngay như họa sĩ Trần Minh Thái, nhiếp ảnh gia Vương Trạm ở Vĩnh Long, cũng là các tác giả rất quan tâm tới lĩnh vực này. Trần Minh Thái khi vẽ chùa, đặc biệt chú ý tới sắc màu và đường nét hoa văn cũng như bố cục tầng lớp của chùa Khơ Me. Vương Trạm chụp ảnh chùa Khơ Me, luôn chú ý sự sống động của nó qua hình ảnh các vũ nữ Apsara, tầng mây, bầu trời và những cánh chim tự do. Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Chung, thường đi sâu nghiên cứu đời sống tâm linh của đồng bào Khơ Me Nam Bộ, cũng như đời sống văn hóa cộng đồng của họ. Biên đạo múa Vũ Hùng khai thác triệt để vũ đạo nhịp hai theo tiết tấu vỗ trống, vỗ tay của hầu hết các làn điệu dân ca Khơ Me. Các nhạc sĩ Vũ Loan, Sơn Ngọc Hoàng, Sơn Lương, Lý Dũng Liêm và Cửu Long… đều có những thành công trong sáng tác âm nhạc mang hơi hướng dân ca Khơ Me, do nắm bắt được lối kiến trúc cung quãng và tiết điệu  của nền âm nhạc ngũ âm Khơ Me truyền thống.

Đến với với tứ giác Long Xuyên, hay đến với Tịnh Biên, Tri Tôn ở An Giang, Hà Tiên ở Kiên Giang nhiều lần, tôi rất tâm đắc với địa thế đồng bằng và núi. Chính điều này đã góp phần khẳng định sức mạnh của truyền thống nền Văn hóa Khơ Me Nam Bộ, trước hết là sức mạnh hội tụ của nền văn minh nông nghiệp, gắn chặt với nền văn minh cây lúa nước.

 

Về mặt nhân chủng học, đất nước Campuchia có khoảng từ 7 đến 8 triệu người, trong đó người Khơ Me chiếm khỏang 85 - 90 %; người Hoa, người Việt chiếm 5%, người Mã Lai, người Thái, người Lào, người Ấn và một số dân tộc bản địa khác chiếm khoảng từ 2 - 3 %. Theo dòng thiên di lịch sử, ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, người Khơ Me có mặt rất sớm, họ thích sống ở những vùng đất cao, khô ráo, thường là các giồng cát; nhưng điều quan tâm đau đáu muôn đời của họ vẫn là nước. Nước cho sinh hoạt và nước cho cây lúa. Ở Nam Bộ, nước nhiều hay ít là tùy thuộc vào mùa mưa hay mùa khô. Nền nông nghiệp cây lúa nước, tất nhiên đã từng phụ thuộc khá lớn vào tiết tấu nhịp điệu này của thiên nhiên. Tính chất địa văn hóa chính là một đặc thù sức mạnh hội tụ của nền văn minh nông nghiệp đồng bằng và núi.

 

Tôi đặc biệt yêu thích lời ca trong một bài oum tuck, do ông Lâm Phan ở Lương Hòa, Châu Thành - Trà Vinh cung cấp. Lời ca như sau:

 

Chiều xuống anh đưa em đi chơi

Xóm làng mình sông sâu nước chảy

Để em ngồi trên thuyền sao lòng anh áy náy

Sợ sóng đánh làm ướt đôi chân em.

Để em ngồi đằng trước thì sợ trúng mái dầm

Ngồi ở giữa thuyền thì xa lơ xa lắc

Em ngồi ở đâu thật khó lòng tính được

Chỉ có cách là bồng em đặt lên đùi anh.

 

Chính đặc thù đồng bằng và núi của nền địa văn hóa châu thổ sông Cửu Long, đã góp phần rất lớn trong việc định hình các giá trị văn hóa của vùng đất này. Sông nước đồng bằng tạo ra các làn điệu oum tuck, xăccơrôva, xarikakeo và choôlchap. Núi để lại huyền thoại Thạch Động thôn vân với chàng Thạch Sanh tài hoa, dũng cảm; dám chém mãng xà tinh giúp bạn, bắn đại bàng cứu công chúa, và dùng tiếng đàn để đánh tan quân giặc. Truyện cổ tích Thạch Sanh là hội tụ sự đa dạng sắc màu đa dân tộc ở đồng bằng châu thổ. Hãy đến với Thoại Sơn, đến với Châu Phú, đến với Bảy Núi, ta sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. Gần đây, cùng với sự phát triển của trào lưu âm nhạc Hoa, Khơ Me, âm nhạc Chăm cũng đang bùng nổ rất mạnh. Nếu đồng bằng không phát triển được các Chi Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt nam, sẽ là một sự thiệt thòi rất lớn cho cả một vùng đất rộng lớn, rất giàu có về tiềm năng văn hóa trên nền phồn thực đầy tiềm ẩn.

 

Để khẳng định các di sản văn hóa ở Nam Bộ, tất nhiên phải tiếp cận với các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở đồng bằng châu thổ. Mà để làm được điều đó, chúng ta cần có một đội ngũ những người tâm huyết, tâm đắc với lĩnh vực này. Thời gian như dòng chảy, nó sẽ trôi đi, sẽ xói mòn tất cả- nếu chúng ta không biết lưu giữ dấu tích của lịch sử. Nhưng không gian rộng lớn thì tồn tại vĩnh viễn. Và cuộc sống rộng lớn thì mãi mãi vẫn là cây đời xanh tươi. Hàm lượng chất xám ở Nam Bộ đang càng ngày càng được gia tăng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Vấn đề là sự quy tụ, sự tập hợp và sự định hướng chiến lược của tổ chức. Vấn đề là sự bồi dưỡng trí tuệ cho lực lượng này, nâng nó lên tương xứng với tầm vóc của công việc, đủ sức đáp ứng với những đòi hỏi cấp thiết của công việc. Vấn đề là nhiệt huyết và tình yêu cháy bỏng của những con người đang sống trên chính vùng văn hóa mà tổ tiên của họ đã để lại, đã hy vọng vào các thế hệ có ý thức lưu giữ và phát triển, làm giàu và làm phong phú cho nó.

Làm gì để tháo gỡ và hóa giải, chính là công việc của chúng ta hôm nay.

 

(tham luận về bồi dưỡng phát triển đội ngũ nghiên cứu văn hóa

 các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ)

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 4406
Ngày đăng: 02.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện xảy ra từ cái thời loạn lạc - Phạm Lưu Vũ
Mấy lời cùng Báo “NGƯỜI VIỆT+NGƯỜI VIỆT ONLINE” của ÔNG ĐỖ NGỌC YẾN - Trần Mạnh Hảo
Đọc sách : “ Cao hơn bầu trời” - Lê Phú Khải
Nhiều người bảo Kinh Dịch khó hiểu - Phạm Lưu Vũ
Cảm thương thầy Đồ Chiểu - Trần Đồng Minh
"MỜI TRẦU" hay "MẮNG TRẦU " ? - - Trần Mạnh Hảo
VĂN MẪU hay VĂN DỎM ? - Trần Mạnh Hảo
Một bài văn VĂN MẪU LÀM GƯƠNG XẤU - Trần Mạnh Hảo
Một số đề văn KHÔNG CHUẨN XÁC - Trần Mạnh Hảo
Hội chứng “ VĂN MẪU " :SOS (!) - Trần Mạnh Hảo
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)