Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.126
 
Ăn cơm nhà... (phần 4)
Phạm Lưu Vũ

Ông anh họ tôi, mặt lúc nào cũng sưng húp như vừa bị đánh. Được cái hào hoa, quan hệ rộng, lại chuyên làm thơ hay. Một bận nghe anh đọc thơ, tôi bảo:

- Thơ mà đến như bác thì loài cú phải diệt chủng.

- Thế nào là loài cú phải diệt chủng? - Anh hỏi

            - Nghĩa là không còn con cú nào sống sót. Như thế gọi là... “tuyệt cú” - tôi trả lời.

Lẩn mẩn thế nào anh lại bỏ ngang thơ, đi học tiến sĩ. Thấy thế, tôi lại bảo:

- Thơ bác bây giờ mới đạt đến “tuyệt tác”.

- Thế nào là tuyệt tác? - Anh lại hỏi.

            - Nghĩa là bác... không làm thơ nữa - tôi trả lời.

 Nhưng cũng phải ngoài năm mươi tuổi, anh mới đỗ tiến sĩ. Bấy giờ lại sinh chứng rầu rĩ, mặt lúc nào cũng như người vừa bị mất của. Gặp tôi, anh túm lấy khóc hu hu. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi:

- Bác đã học đến tiến sĩ, đời này thế là hiếm lắm, phải sướng mới đúng. Sao lại khóc lóc thế này?

Vị tiến sĩ lau nước mắt, vừa sụt sịt, vừa kể lể:

- Chính thế mới vừa đau, vừa tiếc đấy chú ơi. Chú xem. Ở đời quý nhất là di truyền lại được cái gì cho con cái. Thế mà tôi có ba thằng con giai, lại trót đẻ trước cả mất rồi, đẻ từ cái hồi tôi còn ngu lắm. Bây giờ mình thành tiến sĩ, dẫu có giỏi, có thông minh ra mấy cũng không còn cơ hội di truyền cho con nữa. Cái gien di truyền đang nằm trong người chúng lại là cái gien ngu của tôi ngày trước. Giá bây giờ hẵng đẻ chúng ra, có phải chúng được thừa hưởng cái gien tiến sĩ này hay không?

Té ra vị tiến sĩ của tôi “nhiễm” Tây học nặng quá. Tôi nghĩ hay là đem thuyết di truyền của phương Đông ra trình bày thử xem. Bèn bảo:

- Thế bác không biết câu chuyện “tuyệt giáo” ngày trước hay sao?

- Cái gì là “tuyệt giáo”?, tôi chưa nghe thấy bao giờ. - vị tiến sĩ trố mắt.

Thế là tôi kể chuyện “tuyệt giáo” cho tiến sĩ nghe. Đầu đuôi câu chuyện như sau:

 

Có một ông thầy giỏi bách nghệ. Nghề nào cũng đạt tới chỗ tinh tuý, thâm diệu không ai lường nổi. Từ những nghề vặt vãnh, tầm thường như làm ruộng, làm nhà, đến những nghề khó nhọc, cao quý như làm thầy, làm quan, cả những nghề viết sách, viết sử, làm thơ, đi buôn, làm ra âm nhạc... Ai cũng tưởng những việc ấy tồn tại trong thiên hạ là chuyện bình thường, đời nào chẳng có. Thế mà qua kiến thức của ông thầy, mới biết tất cả những nghề ấy đều có chỗ cao thâm, tinh diệu của nó. Người ta sống ở đời, biết việc gì, làm nghề gì, cứ tưởng đến thế thì thôi, gặp chăng hay chớ. Nhưng nếu biết được cái chỗ tinh diệu cuối cùng của nghề nghiệp, thì bất cứ nghề nào cũng mang lại hiệu quả không thể đo đếm nổi. Ví dụ nghề làm ruộng, đừng có tưởng nghề này đơn giản, chỉ dành cho những kẻ chân cu bụng bị. Làm ruộng mà đạt tới mức thâm diệu thì nhàn nhã như thể thóc lúa tự tìm về nhà, gọi là làm ruộng như thần...

Ông thầy đi khắp thiên hạ để truyền nghề, ai thích nghề gì truyền nghề ấy. Có người chỉ học được một phần, có người học được ba bẩy phần. Cũng có người học đến hết sách, nghĩa là đạt tới cái chỗ tinh tuý cuối cùng của nghề nghiệp. Nhưng lạ một điều, bất cứ ông dạy nghề gì, những kẻ học được ít thì không nói, hễ kẻ nào học đến cái chỗ cuối cùng ấy thì thay vì hành nghề cho tử tế, lại xoay sang... ăn cắp. Giỏi nghề nào, ăn cắp kiểu nghề ấy. Cứ gọi là muôn hình vạn trạng, từ thô thiển đến tinh vi, từ ngẫu hứng đến bài bản, ăn cắp từ tiền bạc, của cải đến cả ý nghĩ của người khác, thậm chí ăn cắp vặt... Trăm người như một, nếu chưa học được đến nơi đến chốn thì còn tử tế đàng hoàng, hễ cứ học đến hết sách là y như rằng lại biến thành... kẻ cắp.

Ông thầy thất vọng lắm. Chẳng lẽ đi truyền nghề hoá ra lại gieo rắc kẻ cắp khắp thiên hạ. Từ đó ông thề không dám dạy đến hết nghề nữa. Gặp ai ông cũng chỉ dạy có chừng có mực, dạy cho thạo việc thì thôi. Nghề nào cũng vậy, dù kẻ theo học có giỏi đến đâu, ông cũng giữ lại cái chỗ thâm diệu cuối cùng của nó mà không truyền cho nữa. Nhưng cái nghiệp làm thầy, biết trò giỏi mà không được truyền cho đến hết nghề thì không đau đớn nào bằng. Ông thầy luôn phải day dứt, vật vã giữa hai ngả, nghiệp làm thầy và trách nhiệm với cuộc đời như thế.

Bấy giờ có một học trò giỏi lắm, đã theo học ông thầy suốt ba chục năm trời, nay đã ngoài sáu mươi tuổi, con cháu đầy đàn. Không biết học phải nghề gì, chỉ biết rằng trình độ đã gần đạt tới cái chỗ cuối cùng, tinh vi của nghề ấy. Tất nhiên ông thầy kiên quyết giữ lại, không truyền nốt cho nữa. Bất ngờ người học trò mắc phải bạo bệnh, lên cơn hấp hối, sắp chết đến nơi. Ông ta chết mà có nguy cơ không nhắm được mắt, vì vẫn tiếc là chưa được thầy truyền đến hết nghề cho mình. Thật là một tinh thần ham học hiếm có. Con cháu kéo đến van lạy ông thầy rủ lòng thương. Ông thầy nghĩ đến tình nghĩa thầy trò, vả lại ông ta sắp chết, có truyền hết nghề cho thì cũng chẳng sao. Bèn tạm gác lời thề, đến ghé tai người học trò già, thì thầm truyền nốt cái bài cuối cùng ấy. Người học trò lúc này đã chỉ còn thở hắt ra, vậy mà vẫn tỏ ra sung sướng, mãn nguyện khi nghe thầy giảng, ánh mắt vẫn sáng lên những tia sáng cuối cùng. Bài học vừa kết thúc, thì cũng là lúc vị học trò lìa khỏi cõi trần, mang theo cả cái tinh tuý nghề nghiệp vừa học được về nơi chín suối.

Ông thầy sau lần được truyền hết nghề cho vị học trò kia thì khoan khoái như giải được nỗi niềm ấm ách bấy lâu. Lại yên chí rằng không phải vì việc ấy mà thiên hạ sinh thêm một kẻ ăn cắp. Ông vẫn tiếp tục đi khắp nơi để truyền đủ các loại nghề. Tất nhiên lời thề không truyền cái bài học cuối cùng thì ông vẫn giữ. Bất ngờ một thời gian sau, vị học trò kia không biết đã mồ yên mả đẹp cỡ nào, mà từ đó, đám con cháu ông ta lại nhất loạt chuyển sang... ăn cắp. Ăn cắp nổi tiếng cả một vùng, ăn cắp y như những kẻ cũng được ông thầy truyền hết nghề trước kia. Chẳng những thế, cái sự ăn cắp của đám con cháu nhà này còn tỏ ra... có mả hẳn hoi. Không nghi ngờ gì nữa, chung quy cũng tại cái bài học cuối cùng kia. ông thầy đã tính toán sai, cứ tưởng truyền hết nghề cho một kẻ sắp chết, thì kẻ đó dù có muốn biến thành kẻ cắp cũng không còn cơ hội. Ai ngờ cái sự oái oăm ấy lại được di truyền cho con cháu, để rồi sinh ra cả một mả ăn cắp thế này... Khỏi phải nói ông thầy tuyệt vọng, đau đớn biết chừng nào. Từ đó ông đóng cửa nằm nhà, treo bảng viết hai chữ “tuyệt giáo” ngay trước ngõ, thề từ nay không dạy cho bất cứ ai nữa.

Vị tiến sĩ nghe tôi kể đến đây, mặt vẫn có vẻ băn khoăn chưa thỏa mãn. Tôi bèn kết luận:

- Di truyền bằng cái gien mà bác lo ấy là của Tây học, người ta nhìn bằng kính hiển vi. Còn cái thứ di truyền bằng mồ mả, bằng hồn vía này là thuyết của phương Đông, khoa học không giải thích được, kính hiển vi làm sao nhìn ra nổi. Bác thấy đấy. Người ta xuống mả rồi mà vẫn còn di truyền lại được cho con cháu. Huống chi bác còn sống lâu chán, lo gì.

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3686
Ngày đăng: 02.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
ăn cơm nhà... (phần 3) - Phạm Lưu Vũ
Mùa yêu - Nguyễn Thành Nhân
Họ đã yêu nhau như thế nào ? - Hồ Tĩnh Tâm
Cuộc họp mặt văn chương phương Nam - Hồ Tĩnh Tâm
Tổng ông kỵ mã - Lâm Triều An
Quê hương - Nguyễn Bá
Mùa xuân - nhớ về một kỷ niệm - Vĩnh Xuân
Tết cố hương - Thanh Giang
Bữa cơm gạo mới - Thanh Giang
Bửu Chỉ, người chiến sĩ, chiến sĩ quả cảm - Võ Quê
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)