. Lê Văn Đệ (1906-1966), sinh tại Bến Tre. Nổi tiếng vẽ giỏi ngay từ nhỏ, học trường: Tabert (Sài Gòn), học vẽ thêm với họa sĩ Huỳnh Đình Tựu. Ra Hà Nội học mỹ thuật, Lê Văn Đệ là một trong 8/400 thí sinh đỗ khóa đầu tiên (1925) vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương (1) và tốt nghiệp thủ khoa (1930) sau những năm học được coi là sinh viên xuất sắc của trường. Nhận học bổng SAMIPIC (3), sang Pháp (1931) tiếp tục học Mỹ thuật (4), Lê Văn Đệ bắt đầu nhận các giải thưởng nghệ thuật ở nước ngoài : 1 giải nhì (1933) tại Pháp, 1 giải nhất (1936) tại Ý, nhiều tranh của Lê Văn Đệ được chọn triển lãm và lưu giữ tại viện Bảo tàng Luxembourg (Pháp), Vatican (Ý) và Bảo tàng Mỹ thuật Aix La Chapelle. Năm 1939, họa sĩ về nước tiếp tục sáng tác, nghiên cứu hội họa. Năm 1942, thành lập nhóm Nghệ thuật An Nam (F.A.R.T.A : Foyer de l’Art Annamites) sinh hoạt mỹ thuật, triển lãm cùng thế hệ họa sĩ đàn em. Năm 1954, họa sĩ là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) cho đến khi mất (1966). Am tường nghệ thuật Đông và Tây phương, họa sĩ Lê Văn Đệ sở trường về sơn dầu và tranh lụa theo trường phái cổ điển (classicism), tân cổ điển (neo-classicism) có khuynh hướng dân tộc. Lê Văn Đệ được học trò kính yêu tạc tượng sau khi họa sĩ mất, hiện nay tượng nhà danh họa vẫn còn được lưu giữ tại trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Xứ dừa Bến Tre thơ mộng của miền đất mới Nam bộ, nằm cặp bờ sông Hàm Luông hiền hòa là tụ điểm văn hóa lịch sử sung túc màu mỡ đến hôm nay vẫn còn in đậm dấu ấn rạng rỡ của nhiều tinh hoa ưu tú của dân tộc : nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Lê Anh Xuân, nhà văn hóa Ca Văn Thỉnh, tiến sĩ - nhạc sĩ Trấn Văn Khê, nữ tướng rừng dừa Nguyễn Thị Định… Cũng tại quê hương của phong trào Đồng Khởi này, cách đây đúng 110 năm, câu bé Lê Văn Đệ ra đời trong một gia đình công chức trung lưu, giàu nền nếp lễ giáo nho phong. Thân sinh là cụ Lê Quang Hòe “có hoa tay”, vẽ khéo, có đến 13 người con. Lê Văn Đệ là con trai thứ mười nên ở nhà thường gọi là Dix (đọc là đít-xờ) tiếng Pháp có nghĩa là mười). Vào tiểu học tại quê nhà chưa bao lâu, Lê Văn Đệ lên Sài Gòn tiếp tục học trường Taberd rồi ra Hà Nội theo dự định của gia đình là để học trường Luật hoặc trường Y. Nhưng Lê Văn Đệ có ước mơ theo Mỹ thuật. Do vậy, Lê Văn Đệ xin thi và đỗ vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương (1925). Học với thầy hiệu trưởng họa sĩ người Pháp Victor Tardieu và giáo sư Joseph Inguivaberty. Thế hệ mỹ thuật tiền phong cùng thời hoặc nối tiếp sau này với Lê Văn Đệ và được nổi tiếng có : Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, , Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn … Miệt mài gắn bó 5 năm với môn học yêu thích, Lê Văn Đệ đã được toại nguyện. chàng sinh viên mỹ thuật xứ dừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương (1930), với ghi nhận là họa sĩ sở trường về tranh lụa, sơn dầu và bích họa. Năm 1931, niềm hạnh phúc được nhân đôi, với thành tích sáng chói, Lê Văn Đệ được cấp học bổng SAMIPIC du học tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp. Theo thông lệ, Lê Văn Đệ lẽ ra phải qua một lớp học dự bị trước. Nhưng nhờ có thư giới thiệu đứa học trò ruột xuất sắc của thầy hiệu trưởng Victor Tardieu cùng với chất lượng một số tranh mang theo từ Việt Nam nên Lê Văn Đệ được nhận ngay vào học chính thức. Biết được đứa học trò giỏi, giáo sư uy tín của trường J. Pierre Laurence tình nguyện dạy riêng về tranh sơn dầu cho sinh viên Lê Văn Đệ vào ngay tại xưởng vẽ của mình, nên chàng sinh viên Việt Nam tiến bộ rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lê Văn Đệ đã sáng tác hàng loạt tác phẩm có giá trị ấn tượng thu hút sụ chú ý của công luận và được chọn gởi đi tham gia triển lãm. Chỉ một năm vừa đặt chân tới “kinh đô nghệ thuật” Paris, Lê Văn Đệ đã có
1
tác phẩm chiếm giải Nhì trong cuộc thi mỹ thuật do Hội Nghệ sĩ Quốc gia Pháp tổ chức ngày 1/05/1932. Lê Văn Đệ đã gởi đến tham gia với 3 tác phẩm : “ Mụ thầy bói”, “Sân ga Montparnasse”, “Thiếu nữ điểm trang”. Theo Đông Dương tuần báo, đã có hơn 40 tờ báo Pháp đưa tin và bình luận về các tác phẩm của Lê Văn Đệ. Chất lượng tranh của Lê Văn Đệ mỗi lúc một lên cao, danh tiếng họa sĩ ngày càng vang rộng. Họa phẩm “Trong gia đình” tác giả vẽ năm 1934 được triển lãm tại Milan (Ý). Với bố cục mẹ bế con nằm võng, kỹ thuật điêu luyện, bút pháp vững vàng và cách phối họp sắc màu sáng tạo, tinh tế mượt mà, bức tranh này được Bộ trưởng Thương mại Pháp Lamoureux mua về, đem trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg tại Paris – Một thành công lớn cho tác giả đồng thời cũng là niềm tự hào cho nền mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ, ngay đến như họa sĩ nổi danh Nhật Foujita cùng thời cũng chưa có được vinh dự ấy. Lê Văn Đệ chắc chắn cảm thấy hạnh phúc khi nhận biết mình là họa sĩ Á Đông đầu tiên có tác phẩm được trưng bày tại nơi vô cùng trang trọng. Nhớ lại trước đây, tranh của Lê Văn Đệ đã vinh dự được chọn tham gia cuộc triển lãm của Hội Nghệ sĩ Quốc gia Pháp – một cuộc triển lãm hoành tráng với sự hiện diện tác phẩm của hơn 5.000 họa sĩ của nhiều nước trên thế giới. Sau thành công đặc biệt này, Lê Văn Đệ trở hành người Việt Nam thứ nhất được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Pháp. Thành tựu mãi thăng hoa, niềm vui cứ nở rộn ràng, chàng sinh viên tài hoa đất Nam bộ tiếp tục nhận học bổng tu nghiệp thêm về hội họa tại Roma (Ý) vùng đất hứa phì nhiêu của nghệ thuật thời phục hưng ở châu Âu và tại Athena (Hy Lạp). Trong quyển sách “Một nhà họa sĩ ta : Lê Văn Đệ” (ở chương Vào Vatican), theo tác giả Nguyễn Văn Hanh (5) : năm 1936, Lê Văn Đệ được vào đền Vatican xếp đặt các gian phòng Đông Pháp và luôn cả các nước Á châu gồm có Tiểu Á, Thiên Trước, Mã Lai, Xiêm La, Nam Dương quần đảo, Trung Hoa, Nhật Bản đến Úc Châu trong cuộc Đấu Xảo báo chí toàn cầu mở ra năm ấy. Lê Văn Đệ chỉ huy kiến trúc, điêu khắc, trang sức, hội họa, gia cụ. Dưới quyền họa sĩ da vàng có 1 nhà kiến trúc, 1 nhà điêu khắc, 3 họa sĩ, 1 kỹ sư, 5 chuyên viên trang trí... Tất cả đều là người da trắng ! …Cuộc Đấu Xảo này có trên 30 nước tham dự và có tặng thưởng của thành Rome (Ý). Nước Pháp cũng cử qua kiến trúc sư lừng danh Hilt và họa sĩ nổi tiếng Bouleau. Nhưng chỉ một mình Lê Văn Đệ vinh hạnh được lãnh công việc trong tòa thánh trước bao nhiêu tài nhân nghệ thuật khác. Khi thực hiện xong công việc, bức bích họa của Lê Văn Đệ chiếm giải nhất, được giới mỹ thuật Ý hết lời ngợi khen. Cũng trong năm này, họa sĩ có sáng tác thêm 2 bức bích họa hoành tráng mang nội dung tôn giáo khác được lưu trữ tại viên Bảo tàng Vatican. Những thành tựu gắn liền với nhiều giải thưởng cao quí trong hoạt động mỹ thuạt của Lê Văn Đệ đã làm thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của nhiều người về nền mỹ thuật còn xuân trẻ buổi đầu của Việt Nam.
Sau gần mười năm được coi là vừa nỗ lực tập huấn thêm vừa đem hết công sức tài năng hoạt động mỹ thuật, Lê Văn Đệ đạt nhiều thành tích rực rỡ ở nước ngoài, có thể được xem là ‘đem chuông đi đánh xứ người’. Với lòng tự hào, năm 1939, Lê Văn Đệ rời Paris trở về Việt Nam. Thật cao đẹp khi họa sĩ quyết định ở luôn lại với quê hương bên cạnh người thân để phục vụ cho nghệ thuật nước nhà. Trong khi, với uy tín và tài năng của mình, Lê Văn Đệ rất dễ có điều kiện đầy đủ và sống hạnh phúc với vợ con ở nước ngoài. Trong năm đầu, vừa chân ướt chân ráo mới trở lại quê nhà, với bản tính năng động và lòng yêu nghệ thuật bất biến, họa sĩ Lê Văn Đệ lại bắt tay ngay vào công việc được coi là niềm đam mê nhất đời mãi phừng phực cháy trong lòng mình. Họa sĩ vừa hăng hái sáng tác và nghiên cứu, vừa đứng ra thành lập nhóm Nghệ thuật An Nam F. A. R. T. A quy tụ các họa sĩ tài danh lúc bấy giờ như : Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tỵ…tổ chức triển lãm, gây được tiếng vang lớn với nhiếu tác phẩm giá trị.
2
Ngoài tác phẩm sơn dầu và bột màu, tranh lụa Lê Văn Đệ được coi là mảng tác phẩm làm dư luận quan tâm nhiều không kém người bạn đồng khóa Nguyễn Phan Chánh. Cả hai đều là những họa sĩ tài năng đáng coi là những bậc thầy về tranh lụa Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng họa phẩm vẽ lụa của mỗi tác giả đều bộc lộ những bản sắc độc đáo riêng nên kỹ thuật của hai nghệ sĩ có thể bổ túc điều tích cực cho nhau để đạt đến nghệ thuật cao hơn. Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đặc biệt được tạo theo mặt phẳng dẹt bàng bạc một gam màu nâu cố hữu, bình dị, mộc mạc chứa đựng một sắc điệu quê hương. Trong khi ở Lê Văn Đệ, tranh lụa mượt mà, óng ả, mang vẻ tinh tế, quý phái phảng phất nét đài cát phương Tây dù trong cuộc sống thường nhật, họa sĩ họ Lê hay nghiêng về sự dân dã . Điều này cũng dễ hiều vì Lê Văn Đệ có cơ hội được gần gũi, tiếp thu với cả hai cung cách vẽ lụa Đông Tây lúc còn học tập trong nước và khi du học hải ngoại. Trên tinh thần không ngừng khám phá sáng tạo, Lê Văn Đệ đã có những tìm tòi độc đáo như việc thay thế màu hóa học bằng cách dùng màu thiên nhiên chế tạo từ lá, vỏ cây hoặc đất đá để làm tăng thêm nét tự nhiên, trung thực và vẻ mêm mại của loại tranh này. Quá trình thực hiện một bức tranh lụa, họa sĩ cũng phả đi từng bước một: mỗi lần vẽ xong, phải rửa bằng nước vừa phải cho cặn màu trôi đi, sao đó mới lại nhuộm thêm… cũng không chà, cọ xát nhiều để tránh làm giảm độ mướt và bị xù lông của lụa. Làm như vậy, Lê Văn Đệ tạo được cho những bức tranh lụa vẻ mềm mại, thớ lụa rõ ràng, trông rất đài cát, Với bố cục mạch lạc, bức tranh lụa thực hiện theo kỹ thuật cải tiến như vậy, sẽ tạo cho người xem cái cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng thoát tục.. . nơi tâm hồn, để tạm quên đi cuộc sống thực tế tất bật bon chen. Có điều, do hoàn cảnh xã hội của nước ta ở thế kỷ trước, tranh lụa của hai họa sĩ đàn anh bậc thầy này hiện nay rất hiếm tìm thấy. Chỉ được biết là vào năm 1942, công chúng yêu nghệ thuật hội họa Nam bộ lần đầu tiên được dịp xem tận mắt bức tranh lụa “Rèm thưa” của danh họa Lê Văn Đệ tại Hội Chợ Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ nhất. Và năm 1962, tại Vườn Tao Đàn, Sài Gòn, khách yêu tranh cũng có dịp thưởng ngoạn bức tranh lụa rất nổi tiếng “Nắng hè” của Lê Văn Đệ, được họa sĩ sáng tác năm 1954, tại Hà Nội. Được biết, Sở Văn hóa Thông tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã sử dụng bức tranh này in vào trang bìa của cuốn lịch Tết để tăng bạn đọc. Do quá bề bộn việc điều hành trường lớp và giảng dạy học trò, họa sĩ Lê Văn Đệ không có thời gian sáng tác được nhiều trong nửa sau cuộc đời khi họa sĩ trở về với đất nước quê hương. Dù vậy, bù lại cho họa sĩ là đã có thế hệ học trò giỏi kế tục sự nghiệp của người thầy tài năng đáng kính. Từ nữ họa sĩ tài sắc một thời Trương Thị Thịnh - phu nhân của họa sĩ chuyên vẽ màu nước Nguyễn Trí Minh - nổi tiếng về chân dung sơn dầu hay Nguyễn Thanh Thu điêu khắc, Nguyễn Văn Minh, Nguyên Khai, Hiếu Đệ (Nguyễn Tánh Đệ, có thời gian dạy Mỹ thuật tại trường Trung học Phan Thanh Gỉản, Cần Thơ) … đang sống ở hải ngoại, đến Nguyễn Trung, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Quang Em, , Hồ Hữu Thủ… (Việt Nam). Đinh Cường, một họa sĩ tên tuổi trước đây ở Việt Nam được nhiều người biết đã đánh giá Lê Văn Đệ “ là một họa sư bậc thầy về tranh lụa Việt Nam”. Vậy mà tiếc thay, trong suốt năm thập niên, có phải do hạn chế từ môi trường hoạt động nghệ thuật hay vì một nguyên nhân sâu xa nào mà Lê Văn Đệ ít khi được nhắc đến. Một họa sĩ tài năng thực sự, có tác phẩm giá trị được công nhận trong và ngoài nước và có cả một cuộc đời phục vụ cho sự nghiệp giảng dạy mỹ thuật cho học trò như Lê Văn Đệ thật ra rất đáng được vinh danh và to3 lòng ngưỡng mộ. Thế mà ngậm ngùi thay, có tác giả viết về mỹ thuật tỏ ra lơ là hoặc thiếu khách quan với một họa sĩ bậc thầy quá cố thì thật là chuyện không bình thường trong thế giới nghệ thuật !
Dù không trực tiếp làm văn học nghệ thuật, chúng ta cũng cần có thái độ và tấm lòng trân trọng nghệ sĩ vì đó là những con người mà tạo hóa đã gán cho một cơ duyên hầu như
3
suốt đời thường phải sống long đong trong cảnh khó khăn nghèo đói để theo đuổi nghiệp dĩ. Do vậy, có lẽ ta nên mở rộng tấm lòng bao dung khi thấy họ cũng có những phút giây nông nổi, trót lỡ đánh đồng tư tưởng để chịu ngậm ngùi trước tên tuổi và sự nghiệp có thể bị chìm dần vào lãng quên của lịch sử.
Nam bộ là không gian của một miền đất mới, chỉ mới hình thành hơn ba trăm năm. Không thuận lợi được như những nơi khác, ở vùng đất rộng người thưa, lắm cây lành trái ngọt, tôm cá đủ đầy này, vẫn còn thiếu thốn nhiều yếu tố trong đó có con người. Đã ít ỏi lại thiếu trải nghiệm, nhân tài thực sự ở Nam bộ như loài hoa hiếm hoi chẳng dễ tìm. Có được một họa sĩ tài năng như Lê Văn Đệ quả là một điều đáng hảnh diện không chỉ cho một địa phương mà còn cho cả ba miền đất nước. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định mà Họa sĩ Lê Văn Đệ được cử làm hiệu trưởng đầu tiên, là đứa em sinh sau đẻ muộn so với trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng cả nhà trường và hiệu trưởng Lê Văn Đệ đều đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa nghệ thuật nước nhà. Về chức năng và chuyên môn của Lê Văn Đệ, ta có thể công bình thẩm định họa sĩ đã làm tròn và có những thành tựu đóng góp không ít cho nền nghệ thuật dân tộc. Bên cạnh Nguyễn Phan Chánh họa sĩ nổi tiếng về tranh lụa được tôn vinh từ lâu, với sự cống hiến to lớn thể hiện bằng nhân cách và tài vẽ sơn dầu, bích họa, nhất là tranh lụa, họa sĩ Lê Văn Đệ thật xứng đáng và hội đủ điều kiện để được tôn vinh là nghệ sĩ hội họa bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam.
04.2016
* (1) École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine : Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do họa sĩ Pháp
Victor Tardieu (cùng với họa sĩ Nam Sơn) sáng lập vào năm 1925 và làm hiệu trưởng. Khóa đầu tiên
của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ( École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine), lấy 8/400
người. Lê Văn Đệ cùng với Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Mai
Trung Thứ, Lê An Phan, Công Văn Trung và George Khánh.
(2) Victor Tardieu (1870-1937) : họa sĩ nổi tiếng Pháp, tác giả nhiều bức tranh hoành tráng giá trị ở Pháp và
Việt Nam. Họa sĩ là người có công rất lớn trong việc đào tạo thế hệ họa sĩ nổi tiếng đầu tiên ở Việt Nam như:
Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân…
(3) SAMIPIC : Société d’Amélioration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de Cochinchine : Hiệp
hội Đức, Trí và Thể dục của người bản xứ Nam Kỳ.
(4) tại École Nationale Supérieure des Beaux-Arts : Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật (Pháp)
(5) Xuất bản tại Sài Gòn, năm 1939.