Tặng học trò tôi
Cuối buổi sáng một ngày thu muộn đầu tuần. Sắc trời trong xanh, long lanh màu nắng thủy tinh. Con hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thụ gối đầu bờ kè sông Cái Khế tấp nập người xe đi về sau nửa ngày làm việc. Cuộc thống nhất đất nước mới ngày nào như một mùa xuân đến sớm làm thay da đổi thịt xóm Vú Sữa (1) nghèo nàn. Chưa mấy năm sau giải phóng 1975, những ngôi nhà khang trang, mái ngói đỏ au đã thay thế mấy túp nhà lá ọp ẹp, viền thẳng nếp hai bên lộ tráng nhựa bằng phẳng khác hẵn ngày nào.
Vừa về đến cổng nhà sau buổi dạy ở trường, tôi chợt nhận được mảnh giấy báo, gọi đến lãnh đồ bảo đảm tại bưu điện. Trong thoáng chốc, tâm trí tôi tràn ngập muôn vàn suy nghĩ. Bà con ở xa của tôi trong nước trong thời gian gần đây ít có thư từ đi lại. Bạn bè thân thiết, họ hàng ruột thịt của tôi từ trước đến nay cũng không có ai ở hải ngoại. Tín hiệu vui từ miếng giấy nhỏ hóa ra làm tôi bắt đầu băn khoăn trong lòng từ ban sáng.
Vì không có sổ nhận hàng từ nước ngoài, nghe lời người quen ở xóm chỉ dẫn hộ, tôi mang sẵn theo sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân đến nhận hàng tại bưu điện. Vừa đi tôi vừa lẩm bẩm: Quà tặng của ai đây mà như tự trên trời rơi xuống ?
Nằm gọn trong một bao giấy dầu gói kỹ là một chiếc áo lạnh khá dày, lớp ngoài bằng lụa màu lục; một gói nhựa gồm nhiều loại thuốc bổ, vitamine, calcium sủi bọt; bút máy, một hộp màu nước cùng với mấy cây cọ. Một mảnh giấy nhỏ ghi vội mấy dòng chữ: Em kính gởi thầy nhân ngày nhà giáo – Xuân Mai. Trầm ngâm giây lát, tôi cố khơi dậy những ký ức từ quá khứ xa xưa. À, Xuân Mai nào ? Có phải Mai Mít Ướt hồi còn học lớp 10 trong lần đi cắm trại ở trường bị ngã vì bệnh tim mà tôi đã phải bế em đi viện…?
Mấy năm sau giải phóng, đời sống tinh thần và vật chất của công chức, giáo viên miền Nam chưa thật sự ổn định. Tại một thành phố lớn được coi là trung tâm văn hóa miền Tây, đa phần giáo viên sống trong hoàn cảnh tất yếu của một nước phải chịu nhiều mất mác và khổ đau sau mấy mươi năm bị bởi tác động chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Thời bao cấp với cảnh người người nối đuôi nhau hằng ngày khệ nệ cầm sổ chực chờ nhận gạo và thực phẩm ảnh hưởng đến công tác và lòng tin của người dân trong tình hình mới của đất nước. Giáo viên và học sinh mỗi ngày, với mặt mày nhợt nhạt, thân hình khệnh khạng, mang bụng trống đến trường lớp là bức tranh thời sự hiện thực trong buổi giao thời xã hội. Phong thanh bên chuyện cô Y, vợ nhà văn Trần Hoài T vượt biên gặp cướp biền, bị làm nhục là sự vắng mặt không lý do của vài thầy cô giáo ở các tổ hay học sinh ở các lớp trong nhà trường. Cô giáo Võ Xuân D đẹp, có duyên dạy Hóa ban đêm âm thầm vượt biên có tin bị hải tặc giày vò thân xác rồi mất tích. Cô Lê Thị T tổ Địa hay em L lớp … vắng không phép rồi biệt vô âm tín luôn. Hay chuyện Vượt biên ăn thịt người là những tin tức rùng mình được nghe thì thầm kể lại trong bối cảnh còn khá nhiều vấn đề nhạy cảm lúc bấy giờ. Nhìn chung, có những người chịu không nổi cảnh khó khăn vật chất hay lập trường không vững mới đâm ra dao động hoang mang, muốn bỏ đất nước ra đi. Cột đèn đi được thì nó cũng đi ! lời càu nhàu của một gã Hoa Kiều già vác quang gánh đi mua ve chai lông vịt hằng ngày trên đường mà tôi tình cờ được nghe. Thỉnh thoảng tôi cũng được nghe giới thương nhân giàu có, và những nhân vật có địa vị trước đây bí mật tìm
1
mua hải bàn và tàu ghe lớn đi biển nhưng tôi cũng lờ đi vì công việc chuyên môn bức thiết hơn đến cho tôi mỗi ngày.
Là giáo viên trường Trung học Đệ Nhị cấp Phan Thanh Giản- Cần Thơ trước đây, sau 1975, tôi vẫn tiếp tục dạy Văn tại trường C3. TP- Cần Thơ. Nhà tôi là cô giáo Nguyễn Thị S, dạy tại trường Nữ Tiểu học Tỉnh Cần Thơ đã mất gần mười năm. Tôi làm thân gà trống nuôi con. Để kiếm thêm chút ít thu nhập đỡ đần cho gia đình với đàn thơ nheo nhóc, mỗi ngày tôi lặng lẽ thức sớm tử 3 giờ khuya để chạy xe đạp ôm. Túc trực khi đợi khách ở Chợ Gà, lúc ở bến phà Cần Thơ (lúc đó phà còn đưa, chưa có Cầu Cần Thơ), có lúc đậu xe tại cột đèn 3 ngọn tại ngả ba đường Ngô Quyền – Hai Bà Trưng bây giờ. Hôm nào, đón được khách, có tiền, tôi mua rau muống, ba khía hoặc cá biển cho các con ăn. Ngoài việc thức đêm soạn bài để sáng hôm sau lên lớp, tôi làm công việc lao động chân chính dù hơi khó coi này một cách âm thầm để các con tôi ngủ yên. Đám con tôi, trong đó đứa lớn nhất chưa tới mười tuổi, hiểu rõ nỗi cơ cực của cha, phân công cho các em nó trong ngày nghỉ lễ, chủ nhật hay các buổi không có giờ học vất vả làm thêm. Đứa đi bán bánh bò, bánh củ cải ở các quán cà phê, đứa bán cóc ổi tại các quán nhậu. Nhiều ngày đi dạy về, nhìn đàn con thơ nhỏ dại mồ côi mẹ đi bán về khuya hay chịu cảnh gió mưa lạnh lẽo, lòng tôi đau đáu không yên.
Buổi họp khối tổng kết ở nhà trường vào tối thứ bảy cuối tháng kéo dài khá lâu, khi tôi về đến nhà, trời đã tối đen như mực. Ngày hôm sau là chủ nhật được nghỉ hoàn toàn công việc ở nhà trường, tôi khỏi phải nôn nóng chuẩn bị giáo án lên lớp.
Trời ngã về khuya. Cảnh quan bên ngoài con hẻm nhỏ ít đèn đường càng vắng vẻ tối tăm. Tiếng côn trùng nơi đám cỏ gà trước nhà bắt đầu rì rào dạo bản nhạc hoang dã, buồn tênh. Soạn bài xong, chuẩn bị đi nghỉ, bất chợt tôi nghe động tiếng chân người trước cửa nhà. Lò mờ qua song cửa gỗ và tán hoa giấy lưa thưa, hình như bóng một cô gái đứng rụt rè bên ngoài hàng rào.
- Ai vậy ? Tôi khe khẽ đánh tiếng.
- Thưa thầy em … em là Mai, học trò thầy đây. Giọng cô gái nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng trong cảnh khuya thanh vắng. Tôi ngờ ngợ đến một giọng nói quen thuộc của học trò nhưng trong bóng tối mù mờ chưa trông rõ mặt người.
- Mai…? À, Xuân Mai, lớp chủ nhiệm của thầy ! Tôi ậm ừ lúc đầu nhưng rồi cũng nhận ra đúng người con gái đến nhà tôi đột ngột trong đêm khuya khoắc như thế này.
- Thầy mở cửa cho em vào ! Trong khi đang băn khoăn nghĩ đến tình cảnh một cô học trò gái đang đêm đến nhà thầy mình, tôi hơi do dự vì các con tôi giờ đây đang ngủ yên.
- Xin thầy nhanh nhanh, bị cảm mấy hôm rồi, ở ngoài nầy em lạnh. Tôi khẩn trương mở cửa rào để Mai dẫn xe đạp theo tôi vào nhà. Tôi cũng không tránh khỏi bất ngờ trước lời giục giã của Mai với thái độ tỏ ra hết sức bình thản.
Căn nhà mái lá cột gỗ đơn sơ nhỏ hẹp chỉ còn lại hai người một nữ một nam dù là thầy và trò. Các con tôi giờ đã ngủ say sau một ngày tập trung đầu óc học hành ở lớp với thầy cô và vất vả lao động thêm ngoài giờ ngoài đường phố. Trong thâm tâm muốn hỏi Mai lý do em đến, nhưng tôi chưa kịp nói ra trước người học trò gái của mình. Sau một thoáng yên lặng, ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ khuất sau vách nhà, Mai như lấy lại sự bình tỉnh:
- Thưa thầy… Thưa thầy… khuya nay mẹ em đi… Tàu đã chuẩn bị đầy đủ… Giọng Mai thều thào, đứt quãng vì quá xúc động trong giờ phút nhạy cảm trước người thầy học của mình. Tôi hiểu thêm và cảm thấy dao động trước lời lẽ chân thật, bất ngờ của Mai nên chưa kịp nói ra
2
điều gì. Thấy thầy mình trầm ngâm lặng yên, Mai vừa thông tin vừa củng cố thêm niềm tin ở tôi:
- Ba đã định cư bên ấy cùng anh hai em trước đây. Tất cả đã ổn định đời sống, có nhà cửa cơ sở làm ăn đàng hoàng. Có trình độ, biết ngoại ngữ như thầy, ra sống ở nước ngoài không đến nỗi đâu ! Ba mẹ em hoàn toàn tin tưởng ở thầy. Mai nói đến đây, giọng em dịu đi vì xúc động.
Nhìn thẳng đôi mắt long lanh của Mai lúc ấy…. tôi vô cùng bối rối trước lời đề nghị quá bất ngờ của gia đình Mai mà em là người đại diện.
Mai là cán bộ lớp tôi chủ nhiệm từ lớp 10 đến lớp 12 tính đến nay đã gần ba năm. Làm công tác chủ nhiệm gắn bó tìm hiểu sát từng hoàn cảnh gia đình học sinh, tôi rất hiểu rõ Mai là đứa con gái giỏi giang và hiếu thảo với cha mẹ. Trong lớp, em là học sinh mẫu mực, học giỏi, đạo đức tốt, hoạt động phong trào tích cực. Mai năng nỗ sát cánh với bạn bè và thầy chủ nhiệm trong công tác xã hội, văn nghệ và báo chí. Tính mít ướt, mỗi khi xúc động nhưng Mai là khuôn mặt rất quen thuộc trong lớp được hầu hết bạn bè yêu mến, cả khối và ban giám hiệu nhà trường đều nhất trí tuyên dương em thường xuyên trong những lần tổng kết thi đua trước sân cờ. Ngày rảnh rổi, em thường đến nhà tôi hỏi thêm bài và cùng quay quần vui chơi thân ái với các con tôi như chị em trong gia đình. Do vậy, cùng lúc khi nghĩ lại hoàn cảnh gia đình, thực lòng tôi cảm thấy khó xử trăm bề.
Trời càng khuya, cảnh bên ngoài im vắng không còn một bóng người qua lại.
- Thưa thầy, xin thầy quyết định để em còn về. Mẹ em đang đợi… Thấy tôi đang phân vân, Mai vội vã rời chỗ ngồi, thản nhiên đến ôm chầm lấy tôi, nhìn sâu vào mắt tôi như nài nĩ. Thời gian rất khẩn trương, chỉ còn tính từ sát-na.
- Thầy thông cảm nhiều hoàn cảnh Mai, nhưng nếu thầy đi ... thì đám con không mẹ của thầy còn bé bỏng, lấy ai chăm sóc, dưỡng nuôi. Hình hài nhà tôi, phần mộ thiêng liêng của cha mệ tôi còn ở đây. Hơn nhữa tôi là thầy giáo văn chương. Văn học là nhân học. Tôi dạy Văn trong đó một phần lớn là dạy đạo làm người. Lẽ nào hôm nay hai thầy trò đánh mất lương tri quên đi lịch sử oai hùng của dân tộc, không cảm nhận được tự hào với hiện thực vinh quang của tổ quốc, vô tình kéo nhau tử bỏ đất nước quê hương. Trong thâm tâm muốn nói với em như thế nhưng sao tôi chưa dám mạnh dạn.
- Thầy… Giọng Mai nghẹn ngào lại giục tôi. Bỗng đứa con gái lớn của tôi đột ngột giật mình thức giấc hỏi thăm chừng các em nó, Mai vụt buông tôi ra và sịch ngồi xuống nền gạch tàu nhà tôi. Em nhìn vội lên chiếc đồng hồ trên vách kim giờ đã chỉ gần 12 giờ khuya rồi nhìn tôi, ôm mặt sụt sịch khóc. Tôi nhìn em, lắc đầu, ngụ ý chối từ với cảm giác mình hành động phản xạ như một cái máy vô tri giác.
Tôi thẩn thờ mở cửa rào tiễn Mai đang tháo nhanh ra về như một kẻ mất hồn. Không dám ngó lại tôi, cũng chẳng từ giã tôi nửa lời, Mai hối hả, loạng choạng trên chiếc xe đạp rồi bóng em vút chìm trong biển đêm sâu thẳm, khẩn trương về nhà cho kịp chuyến đi định mệnh không có mặt người thầy chủ nhiệm.
11. 2014