Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.165
123.224.256
 
Ẩn tượng bàn tay nhỏ trong mưa (Đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của tác giả Trương Văn Dân)
Chế Diễm Trâm

Chế Diễm Trâm là nhà giáo, nhà phê bình văn học,cộng tác viên của vanchuongviet.org. Với tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của nhà văn Trương Văn Dân, có rất nhiều bài viết, mỗi tác giả, mỗi phong cách và cách nhìn khác nhau. Và cuốn tiểu thuyết của anh để lại ấn tượng qua bài viết của Chế Diễm Trâm. Nó như ánh sáng qua lăng kính, bảy sắc cầu vồng rực rỡ hơn, rõ nét hơn dưới ánh ngày.

vanchuongviet.org xin giới thiệu bài viết của chị được rút trong FB Chế Trâm.

 

 

 

 

Trước khi được đón nhận chính thức cuốn sách Bàn tay nhỏ dưới mưa do chính nhà văn Trương Văn Dân gửi tặng, tôi đã được tiếp cận với một trong những đoạn nóng bỏng nhất của cuốn tiểu thuyết này trên tạp chí Quán Văn. Sau đó, nhà thơ Từ Sâm cho mượn bản gốc khi nó mới được in thử vài cuốn.

Mấy năm qua, đã có rất nhiều bạn đọc bị hấp lực của ngòi bút tác giả cuốn vào cuốn tiểu thuyết trên nhiều phương diện. Riêng tôi, đọc đi đọc lại, và lần nào gấp cuốn sách lại, tôi cũng không thể rời mắt khỏi cái bìa sách rất ấn tượng và ý nghĩa. Và lần nào cũng không thể không suy tư về hai biểu tượng được tác giả chọn làm nhan đề: Bàn tay nhỏ – Mưa.

Văn học nghệ thuật luôn lấy biểu tượng (symbole) làm phương tiện để chuyển tải ý tưởng của tác giả đến bạn đọc. “… trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời…”([1]). Người viết có tài là người tạo ra được những biểu tượng nghệ thuật mang nghĩa mới để mời gọi khám phá, tiếp nhận. Cho nên muốn đi vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm không thể bỏ qua ý nghĩa của biểu tượng.

Tôi muốn gọi Bàn tay nhỏ dưới mưa là một cuốn tiểu thuyết luận đề, bởi nó ôm chứa trong hơn 400 trang sách rất nhiều vấn đề tác giả muốn truyền đạt và đối thoại: khổ đau, hạnh phúc, tình yêu, thân phận người phụ nữ trong xã hội còn nhiều tàn dư của ý thức hệ phong kiến, giá trị và số phận con người trong xã hội hiện đại, trong thời kỳ toàn cầu hóa… – những vấn đề của không chỉ của riêng ai, được soi chiếu khi đi qua một trái tim đau đáu tình đồng loại và tình đồng hương.

Dung lượng nghệ thuật càng lớn thì sự chọn lựa và xây dựng biểu tượng nghệ thuật càng khắc nghiệt và đòi hỏi công phu. Ít hoặc hời hợt thì không chuyển tải hết ý đồ sáng tạo; nhiều thì loãng và rối, hoặc nhiễu. Có thể nói, thành công củaBàn tay nhỏ dưới mưa là đã biểu tượng hóa những ưu tư, triết lý của nhà văn về con người trong dòng chảy và vòng xoáy của cuộc đời. Con người sẽ thụ động, gục ngã hay cố gắng đứng vững và vươn thoát? Cách chọn câu trả lời của tác giả đã quyết định tính nhân văn của tác phẩm.

Trong Bàn tay nhỏ dưới mưa, nhân vật Gấm trải qua nhiều mưa gió nặng nề trong cuộc đời, hai lần hôn nhân tan vỡ, nếm trải hạnh phúc bên người yêu chưa lâu thì bị căn bệnh ung thư cướp đi sự sống. Nhà văn đã chọn Mưa làm biểu tượng cho những giông bão mà Gấm phải hứng chịu và đối mặt. Cái đêm cô dắt con gái ra khỏi ngôi nhà mà ở đó người chồng và mẹ chồng, em chồng đã khiến cô cảm nhận sâu sắc nỗi cô đơn, bơ vơ bởi sự vênh lệch về quan niệm sống, là một đêm mưa: “Mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Tôi quay mặt bước đi. Tay trái dắt con, tay phải đưa lên che đầu. Nhưng bàn tay bé nhỏ của tôi không che nổi trời, những hạt mưa vẫn tưới xuống những sợi tóc, ướt, xoắn thành lọn… nước nhỏ thành giọt lạnh xuống đôi vai.”

Bất hạnh và hạnh phúc của nhân vật chính đều gắn với Mưa, bởi mưa làm cho người ta run rẩy và cần một Bàn tay ấm. Chính Gấm cũng nhận thấy số phận dun dủi cái đêm mưa nặng hạt cô trở về căn nhà lạnh lẽo và dắt bé Liên ra đi như chạy trốn nhục hình thể xác và tinh thần đeo bám dai dẳng. Người đàn ông sau này là người tình lý tưởng của cô lúc ấy đang đứng trên ban-công hút thuốc, tình cờ chứng kiến cảnh tượng hai mẹ con đưa bàn tay bé nhỏ che mái đầu ướt mưa. Cô gọi đó là “phút giây kỳ diệu”, “phút giây lịch sử” “vì chỉ cần một phút thôi đã đủ sức làm thay đổi số phận của cả một đời người”. Cô cảm ơn đời, cảm ơn anh vì “anh đến, chẳng những chỉ lối mà còn nắm tay tôi dắt lên cõi thiên đường, đóng lại cánh cửa thông ra địa ngục”.

Nhà văn đã chọn biểu tượng Bàn tay nhỏ dưới Mưa để ký thác nhiều suy tưởng về thế giới, về môi trường, về con người, nhất là về lẽ sống, ở đó, những con người chân chính là nạn nhân của đồng loại, chính xác hơn, là nạn nhân của những kẻ chỉ mang hình dáng người, còn tâm hồn, nhân cách đã méo mó, thảm hại vì nhiều lẽ: sự ti tiện, lòng ích kỷ, thói tham lam, sự hãnh tiến… Cô Gấm, với những nỗ lực vượt thoát bền bỉ, cộng với hạnh phúc của một tình yêu muộn mằn nhưng ngọt ngào đã làm bạn đọc tin vào giá trị của sự sống và tình yêu.

Nếu cuốn tiểu thuyết còn có một điều gì đó làm bản thân tôi băn khoăn, thì tôi cũng xin thưa ngay: tôi thích nhà văn thay một chữ trong tựa đề, một chữ thôi,Bàn tay nhỏ TRONG Mưa. Cái chữ DƯỚI chừng như hơi thụ động chăng? Cho dù đọc lướt hay đọc nhanh, bạn đọc không thể không dừng lâu ở đoạn cô Gấm vừa đi đến tận cùng của số phận vừa vượt thoát lên trên số phận. Sự ra đi của Gấm diễn ra trong một đêm có trăng. Mới nửa tiếng trước là sự hòa quyện giữa hai người yêu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc trong ánh trăng mông mênh và huyễn hoặc. Nửa tiếng sau… “ánh sáng đã bị mây che kín”, “hàng chục tiếng sấm nối tiếp nhau, rồi những đám mây to, đen kịt, vùn vụt, điên cuồng kéo đến. Nước trên trời trút xuống giận dữ.” Để khi đêm dần về sáng, Gấm ra đi:

“… nàng đã bay cao, đạt đến đỉnh điểm hạnh phúc rồi hạnh phúc ra đi.

          Gấm như con bướm thoát xác, chỉ để lại vỏ kén.

          Còn hồn nàng vút lên trời, như quả pháo thăng thiên.”

Hạnh phúc tận hiến – tận hưởng của Gấm khi bước vào cõi tử sinh là “một thứ hạnh phúc không phải ai cũng được cơ may trải nghiệm”, nó làm cho người đọc tin rằng con người có thể mãn nguyện trong tích tắc ngưng đọng vĩnh viễn của sự hủy diệt và tái sinh. Quan trọng không phải ở thời gian sống mà nó nằm ngay ở chất lượng sống và cách đón nhận cái chết, vượt lên trên cái chết. Bàn tay của nhân vật Gấm bị đau trong Mưa nhưng đã bền bỉ và can đảm chắt lọc những giọt sống rười rượi trong Mưa.

Tôi thầm phán đoán, sau bao nhiêu năm xa xứ, ngày đêm tác giả đau đáu nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ biển với biết bao nỗi niềm của một người dân miền biển: “Nhiều lần anh ở lâu trong thành phố, không nhìn thấy biển, mà thành phố quê hương như cứ ở trong anh.” Nỗi nhớ biển ăn sâu trong ý thức và hằn sâu trong tiềm thức hóa ra lại là một ẩn tượng đi liền với cơn mưa trong cuốn tiểu thuyết của anh. Hình ảnh cô gái mỏng mảnh và mong manh đứng trước biển dậy sóng, mây đen vần vũ trên bầu trời, hai tay tự ôm tròn thân mình dễ gợi cho người đọc những liên tưởng và suy tư về kiếp người trong mênh mông, thăm thẳm khổ đau; trong không cùng của hóa công… Trong vòng xoáy của dòng đời và nhân gian, con người cô đơn, yếu đuối biết bao nhưng cũng mạnh mẽ, quyết liệt biết bao!

Tôi cũng đặc biệt chú ý đoạn cô Gấm đọc một bài báo của nhà báo người yêu của cô viết về một nhân vật tên Nguyễn Quang – nhà văn, dịch giả, tổng biên tập, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục: “Đọc Nguyễn Quang, tôi không chỉ lướt qua con chữ mà còn cảm nhận được những rung động của trái tim ông. Ngoài sự quý trọng một tài năng, tôi còn đồng cảm và chia sẻ một tấm lòng. Trong làng văn hiện nay, tôi hiếm thấy người nào có cách nhìn đời trìu mến và thiết tha như ông vậy. Trong những trang viết về tình yêu, người ta thấy ông say đắm như một chàng trai ở tuổi đôi mươi và khó tìm thấy một sự dửng dưng, lạnh nhạt. Dường như sức lay động chính là những rung cảm của trái tim, khi rạo rực, khi ngây ngất, không lúc nào không xao xuyến trước vẻ đẹp của tình người. Câu chữ của ông nhẹ nhàng, tình cảm nồng nàn, truyền cảm xúc vào lòng người đọc nên thường tạo ấn tượng sâu sắc.

Xin mượn đoản văn trên của nhà văn Trương Văn Dân để bày tỏ niềm yêu mến cuốn tiểu tuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa – cuốn tiểu thuyết được viết ra bằng tất cả tâm hồn và tài năng xoay quanh hai ẩn tượng Đau nhưng Đẹp tuyệt vời: Bàn tay nhỏ trong Mưa…

 

 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 2536
Ngày đăng: 15.06.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi tìm người thấu hiểu hay sự đồng cảm trong thơ nhân đọc - Từ Sâm
Đọc bài thơ " Bạn Quan" của Đặng Xuân Xuyến - Chử Văn Long
Về bài thơ cổ "Nam quốc sơn hà" - Yến Nhi
Trầm Thụy Du - Hoài niệm tuổi thơ và những khúc tình buồn - Mai Bá Ấn
Giá trị truyện cổ tích “Con chim bìm bịp”. - Tuấn Giang
Nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt hậu Đổi mới - Đỗ Quyên
Vũ Hải Đoàn "Chơn chất đất và tơ non cỏ" - Mai Bá Ấn
Ngô Minh - Ngựa đá và những bông hoa cỏ - Từ Sâm
Dòng sông Mẹ trong tâm thức một người con đất Việt - Nguyễn Anh Tuấn
Bàn tay nhỏ dưới mưa - Lam Hồng
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)