Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
977
123.200.826
 
Qua SỰ KHỦNG HOẢNG của SÁCH GIÁO KHOA, Bàn thêm về TÁC ĐỘNG CỦA XÃ HỘI vào việc DẠY VÀ HỌC MÔN VĂN
Trần Mạnh Hảo

Chiều nay, 18-5-2005, vài người bạn văn đến nhà chúng tôi chơi, hết  sức kinh ngạc về bài báo : “Bút chẳng “tà” là chẳng xấu”, in trên trang 11, báo “ Người Lao Động” cùng ngày. Bài báo kể chuyện rằng trong kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 9, Sở GD&Đ T TP.HCM. ra đề thi về Nguyễn Đình Chiểu, bèn gửi tài liệu hướng dẫn chấm thi. Tài liệu cấp Sở ấy hướng dẫn hiểu hai câu thơ : “ Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đ âm mấy thằng gian bút chẳng tà” như sau : “TÀ” : “xấu”, “KHẲM” : “chìm”. Than ôi ! Người phụ trách môn văn cấp Sở GD&ĐT của một thành phố lớn nhất nước, dứt khoát phải là một ( thầy, cô) giỏi văn nhất nhì, sao lại có thể tỏ ra không chút hiểu biết sơ đẳng về văn học đến thế ! Ở Nam Bộ này, một đứa con nít cũng thuộc hai câu thơ trên của cụ Đồ Chiểu, không cần học văn một ngày nào, cũng hiểu được “ TÀ” trong câu thơ kia là : “cùn / mòn / vẹt / tù/ tày” và ‘KHẲM” là “đầy”…

 

            Nhân chuyện này, Trần Mạnh Hảo tôi bèn mở sách giáo khoa trung học Văn 11, trang 30, NXB Gáo Dục 1991, do GS. Nguyễn Đình Chú soạn, đã nhầm câu thơ hay nhất của Nguyễn Đình Chiểu : “ Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” thành ra câu thơ của Xuân Diệu ngay trong bài giảng về Nguyễn Đình Chiểu. Lại mở sách giáo khoa Văn 11, in năm 2000, cũng của NXB Giáo Dục, cũng bài giảng về Nguyễn Đình Chiểu, cũng do GS. Nguyễn Đình Chú soạn, giảng chữ “TÀ” của câu thơ trên phải hiểu là CHÍNH –TÀ , rằng : “TÀ : xiên xẹo, không ngay thẳng”…”Viết văn là đâm mấy kẻ gian tà, đâm mấy cũng không xiên xẹo”…Chúng tôi lại mở sách giáo khoa Văn 11- dành cho giáo viên, đọc cho mọi nghe một đoạn GS. Chú bình bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” mà tất cả cùng bò ra cười vì lời bình quá ngô nghê, dung tục, tầm phào. Nếu có em học sinh nào viết bài luận như thế, chắc chắn thầy cô sẽ cho điểm kém ngay; đằng này, lại là văn mẫu của vị GS. đầu ngành soạn mẫu cho thầy cô giáo cả nước noi theo, thì than ôi, việc giảng văn trong nhà trường xuống cấp tới mức không còn giới hạn nữa. ( Xem thêm bài : “Nhân chuyện em Nguyễn Phi Thanh phản ứng bài giảng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc : NGHĨ VỀ VẤN NẠN CỦA MÔN VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY- báo Công An TP. HCM số 1343, thứ ba, ngày 17-5-2005).

 

            Như vậy, một vị GS. đầu ngành soạn SGK về Nguyễn Đình Chiểu còn hiểu sai đến thế, còn không hiểu nổi một từ của thơ Nguyễn Đình Chiểu, còn bình tào lao đến thế về bài văn tế kiệt tác kia, thì thử hỏi, một học sinh lớp 11 ( dù là học sinh giỏi văn) làm sao có thể hiểu và thấy thơ Nguyễn Đình Chiểu hay được ? Nên, việc em Nguyễn Phi Thanh nói thật trong “bài văn lạ” kia chính là một cơ hội may mắn để toàn xã hội cùng giật mình thấy sự khủng hoảng của việc dạy môn văn trong nhà trường đã tới mức không còn chấp nhận được nữa. Việc soạn SGK về Nguyễn Đình Chiểu sai lạc đến không ngờ như thế, tưởng khi các vị soạn SGK về các tác giả khác sẽ khá hơn. Không, các tác giả và tác phẩm khác được học trong sách giáo khoa văn đã soạn bởi các GS đầu ngành, vẫn để lộ hàng trăm sai lạc nghiêm trọng khác, hơn cả sự sai lạc của vị GS soạn về Nguyễn Đình Chiểu trên. Từ năm 1994, chúng tôi ( TMH) đã viết hàng trăm bài báo chỉ ra rất nhiều sai trái của riêng SGK Văn trung học. Bộ GD&ĐT đã tiếp thu phê bình, cho sửa lại “SGK chỉnh lý hợp nhất” năm 2000 mà sai sót mới lại hiện ra không sao đếm xuể. Xin quý độc giả tìm cuốn sách “ Văn học-phê bình-tranh luận” của chúng tôi ( TMH) do NXB Lao Đ ộng ấn hành năm 2004 sẽ rõ; hoặc cuốn “ Hầu chuyện các giáo sư” ( TMH-NXB Văn Học -1999),

 

            Khâu quan trọng nhất của việc dạy văn trong nhà trường là khâu sách giáo khoa. Mà sách giáo khoa thì KHỦNG HOẢNG trầm trọng đến như thế, làm sao có thể giảng dạy tốt môn văn cho được ? Chương trình dạy văn bị nhồi nhét đến vô lý, xin dẫn lời của một em học sinh lớp 11 : “Tại sao các thầy cô lại cam chịu cách dạy như thế bay lâu? Học 2 tiết 3 bài thơ Đường, 2 tiết là xong chuyện Chí Phèo, 1 tiết là xong 3 trích đoạn Truyện Kiều ! Trời đất ! Học mà không cảm được văn, học mà không hiểu về văn, học mà không có thời gian sống với tác phẩm thì làm sao có hiệu quả đây ?...” ( trích bài “ Hệ thống giáo dục đừng làm uổng công học tập của chúng cháu” của Bùi Nghiêm Đ ắc Vinh _ lớp 11 A 1 trường THPT Củ Chi TP.HCM.).

 

            Khâu thứ 2 quan trọng không kém SGK là khâu các thầy cô giảng văn trên lớp. Chúng tôi thiết nghĩ, trên đất nước này, chắc chắn có hàng vạn thầy cô giỏi, nhưng với SGK ấy, với sự nhồi nhét chương trình ấy, với thời gian ấy, lối giảng dạy khô khan hình thức bấy lâu giảng dạy theo “văn mẫu” ấy, thì thầy cô có giỏi như trời cũng không sao làm cho trò mê văn chương hay giỏi văn được. Mặt khác, dạy văn là phải dạy bằng rung cảm, bằng nhiệt lượng tâm hồn, thầy có “lửa”, có rung động sâu xa thì mới truyền cho trò vẻ đẹp của tâm hồn tác phẩm được. Dạy văn cũng phải “mê” như khi yêu vậy! Mà các thầy cô một ngày, một tuần dạy nhiều giờ đến tối mặt tối mũi thế thì “mê” thế nào được, thì riết rồi sẽ như cái máy dạy văn, giống với rất nhiều “ cái máy dạy văn” trên truyền hình. Và học trò sẽ thành những cái máy chép bài. Than ôi, khi dạy văn trở thành thứ công nghệ như thế, thì làm sao truyền cảm, làm sao có “lửa” được ? Vì vậy, chất lượng dạy văn chắc chắn là không cao.

 

            Khâu quan trọng thứ 3 quyết định thành bại của việc dạy văn trong nhà trường là việc học của học sinh. Dạy văn, nói cho cùng là dạy người, dạy phương pháp thẩm mỹ, tiếp cận tác phẩm văn học; khơi sự sáng tạo cho học sinh, giúp chúng có cơ hội ngồi một mình trước tác phẩm để tự mình tìm ra con đường riêng, để trái tim người đọc gặp được trái tim người viết đang mã hoá dưới hình tượng và ngôn từ. Tâm hồn các em đang như tờ giấy trắng. Các em rất nhạy cảm, rất ngây thơ tin tưởng và cũng rất dễ nghi ngờ, dễ tuyệt vọng. Với những lời vàng ngọc, với lý tưởng tốt đẹp và những hình ảnh thiêng liêng cao quý trong sách vở, các em bước ra cuộc đời ở ngay ngoài đường phố và dễ bị choáng ngợp vì hàng loạt những vấn đề xã hội tiêu cực do những hành vi, những sự việc diễn ra rất phũ phàng, giả dối, ngược lại những điều các em vừa học trong nhà trường. Thầy giáo vừa dạy chỉ trong xã hội phong kiến của thời Thuý Kiều mới có cảnh vu oan giá họa cho người lương thiện thế, mới có cảnh nhà thổ trác táng như thế, cảnh bán người chuộc cha thế ! Nhưng khi các em đọc báo thì than ôi, xã hội chúng ta còn đầy ra những thứ tiêu cực hơn cả thời Thuý Kiều ! Làm sao giải thích ?

 

            Những vấn nạn của xã hội, những gương xấu tràn ngập ngoài đời, những tiêu cực khắp nơi đang là những sức ép tâm lý, đè nặng lên tâm hồn các em học sinh, chính là những trở ngại không nhỏ chắn ngang con đường đến với môn văn, làm thương tổn thẩm mỹ văn chương, góp phần giải thiêng thế giới lý tưởng của chân thiện mỹ trong nhà trường. Ngoài ra, căn bệnh thực dụng, sự xâm chiếm toàn diện của công nghệ nghe nhìn… cũng chính là những yếu tố bất lợi cho việc tiếp nhận thẩm mỹ văn chương của các em trong nhà trường. Sức quyến rũ của đồng tiền, thói hào nhoáng của văn hoá hình thức, lối sống gấp chỉ biết hưởng thụ không nghĩ đến ngày mai, ti vi, internet, truyện tranh, tiếng Anh… choán hết thời gian…đang làm nghèo trí tưởng tượng của học sinh, khiến tâm hồn các em chai đá, thiếu không gian lãng mạn và một tình yêu thiên nhiên …chính là những yếu tố làm các em xa dần môn văn. Vì những nguyên nhân trên, chúng ta thấy việc dạy và học văn trong nhà trường hiện nay thật khó thay! Vấn nạn này là hậu quả của sự vô trách nhiệm lâu năm không chỉ của ngành giáo dục, mà còn của toàn xã hội với các thế hệ tương lai, cần được báo động gấp để cùng nhau tìm ra lối thoát cho nền giáo dục đang khủng hoảng toàn diện của đất nước ta hôm nay.,.

 

Sài Gòn 18-5-2005

Trần Mạnh Hảo
Số lần đọc: 3560
Ngày đăng: 08.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“DÒNG SÔNG MÍA” của ĐÀO THẮNG - Trần Mạnh Hảo
Tiềm năng,tiềm lực của một vùng văn hóa cần được phát huy. - Hồ Tĩnh Tâm
Chuyện xảy ra từ cái thời loạn lạc - Phạm Lưu Vũ
Mấy lời cùng Báo “NGƯỜI VIỆT+NGƯỜI VIỆT ONLINE” của ÔNG ĐỖ NGỌC YẾN - Trần Mạnh Hảo
Đọc sách : “ Cao hơn bầu trời” - Lê Phú Khải
Nhiều người bảo Kinh Dịch khó hiểu - Phạm Lưu Vũ
Cảm thương thầy Đồ Chiểu - Trần Đồng Minh
"MỜI TRẦU" hay "MẮNG TRẦU " ? - - Trần Mạnh Hảo
VĂN MẪU hay VĂN DỎM ? - Trần Mạnh Hảo
Một bài văn VĂN MẪU LÀM GƯƠNG XẤU - Trần Mạnh Hảo
Cùng một tác giả