Kỷ niệm 3 năm ngày mất của Võ Hồng (31-03-2013*31-03-2016)
Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế
Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường
Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương
Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi
……
(Võ Hồng, Di Ngôn,1989)
Từ trước hôm Phục sinh 27-03, tôi đã liên tưởng nhớ đến nhà văn Võ Hồng, người thầy mà tôi có may mắn về thăm ông trước ngày mất 4 tháng. Nhớ tới ông, tôi lại nhớ đến những điều bình thường, những sự việc lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian cuối đời.
Không gian sống thời xa xưa của ông không còn rộng lớn nữa. Khu vườn nhỏ nay càng nhỏ hơn chỉ còn để lại vài chậu cây cảnh nhỏ gọi là chút màu xanh ký ức. Võ Hồng mỗi ngày chiêm nghiệm nỗi đời trên “chiếc ghế uy nghi”-nói theo cách viết của Võ Hồng-. Mà thật sự uy nghi. Thử tưởng tượng mình đang ngự trị trên một vùng đất dù không người, nhưng mọi ý nghĩ, mọi lời nói dù một mình của ta đều không thể có ai không tuân phục. Như câu kinh nguyện hư vô dựa trên lời kinh Lạy Cha của Hemingway ” Lạy nada của chúng con, ở trên nada, nguyện danh nada cả nada, nước nada trị đến, xin dâng nada trên nada bằng nada vậy. Xin nada cho chúng con hằng ngày nada và nada chúng con như chúng con nada, nhưng nada của chúng con, lạy cho nada trong nada và chữa khỏi chúng con cho khỏi nada, nada y pues nada y nada y pues nada “. Trong cõi tịch lặng, không một bóng người trong nhà, chiếc ghế trên sân thượng, tầm mắt không còn thấy người và xe di động, trước mắt chỉ còn là những khối kiến trúc cao thấp lạnh lùng, khô khốc, bất động, Võ Hồng đã nghĩ gì. Tôi nghĩ là sự trống rỗng, sau khi đã nhòa mắt trước quang cảnh quá đơn điệu, ngày nào cũng thấy len lỏi theo tầm nhìn của ông trên “chiếc ghế uy nghi”. Sau sự trống rỗng vô vị đó, giòng nhớ mới tuôn trào về dồn dập để ông ngụp lặn suy mê theo chúng. Và chỉ những giây phút đó, ông mới trở về chính mình. Sinh động trong buồn bã cô đơn. Trống rổng cứ ập tới và ông cứ phải trở về chiếc ghế để tìm mình cùng hư vô.
“Sau khi tôi chết
Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết
Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi
Ðây : cây bút màu đen sớm tối không rời
Ðây : cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt
Kia : chồng sách không bao giờ ngăn nắp
Này : góc vườn, hoa rụng trải lối đi
Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì (Di Ngôn, Võ Hồng)”
Hàng ngày, dọc theo đường dẫn dưới cầu Nguyễn văn Cừ, tôi thường gặp một ông già sửa xe bên đường. Hình ảnh ông ngồi buồn bã trên chiếc ghế nhựa vuông cũ kỷ như ông, trong cặp mắt vô hồn chờ đợi khách sao buồn héo hắt. Có lẽ những lúc đó ông cũng đang lặn hụp cùng giòng cũ đang dần phai theo năm tháng. Có gì vui trong năm tháng hoàng hôn. Tiếng đời cứ nỉ non một lời đơn điệu, nghe ra như một khúc nhạc đời chạy trên chiếc đĩa hát hư, cứ vấp tới lui hoài một lời nhạc ngán ngẫm buồn tênh.
Và tôi, cũng chiếc ghế tôi hàng ngày ngồi xuống khi không có việc cần lui tới. Tôi ngồi đó, dán mắt trên màn hình, đọc từng giòng email, từng mẫu messages nhỏ, từng hình ảnh gởi về, để rồi hòa cảm xúc theo từng lới, từng ảnh đó. Đôi khi là những nụ cười vu vơ, một mình. Đôi khi bất chợt lệ rơi, một mình. Cứ thế chẳng thể rời. Cứ như một sinh linh trong trạng thái sống đời thực vật, chỉ nhờ vào đường truyền đó duy trì một thế giới ảo quanh đời mình
“Năm giờ sáng mở mắt
Nhìn quanh: chỉ ghế bàn
Thèm thấy một khuôn mặt
Thèm nghe tiếng dịu dàng
Mười giờ đêm thâm u
Bóng tối như cõi chết
Tình yêu tìm nơi đâu
Hạnh phúc, chào vĩnh biệt
Vậy đó, ngày bắt đầu
Vậy đó, ngày kết thúc
Những ngày nặng buồn đau
Một chuỗi ngày tù ngục
(Quạnh hiu, Võ Hồng)”
Những người già cô đơn dường như chỉ thở dài mà không than, họ sống lặng lẽ như chiếc bóng bên đời. Cô đơn hơn nữa khi người bạn đời đã sớm khuất bóng như Võ Hồng. Cõi của ông sống có lẽ chỉ là cõi âm nếu không có những người bạn đồng thời. Họ có cùng giòng sống nên họ cũng là những nguồn an ủi cùng nhau. Cứ vui và mơ như thế đến khi ta lãng quên thế sự. Chìm trôi.
Tôi có những tấm hình chụp lại từ màn hình của cô Nguyễn Thị Đạm, người học trò, cũng là người luôn giúp đỡ Võ Hồng trong những ngày tháng đau yếu cuối đời. Những tấm hình chỉ giữ lại mà không bao giờ xuất hiện công khai bởi nhìn vào buồn quá. Đó là hình ảnh của một ông già nằm bất động trên giường buông màn, chụp qua chiếc camera quan sát từ xa. Khi tôi thăm thầy, tôi đã không dám chụp trực tiếp vì quá ngậm ngùi. Đó cũng sẽ là hình ảnh của tôi những năm tháng tới. Buồn thiu.
Chợt buổi sáng nay đọc tình cờ một bài văn ngắn Giá Người của Tản Đà do anh Vũ Ngọc Tiến chia sẻ. Lại vẩn vơ có liên quan gì giữa cái giá của con người và cái ghế của một người. Tản Đà viết:
“Giá người là một vật kiếm được bởi sự coi trọng của người khác. Phàm người ai cũng có giá, mà nói chung ai cũng thích được giá. Giá người ai cũng có: mà rộng hay hẹp, nông hay sâu, lâu hay ngắn, thì đó là ở chỗ người ta hơn kém nhau
Trong nhà người ốm thì ông thầy thuốc có giá; trong đám hội chùa thì ông sư có giá; trong bàn xóc đĩa thì ông mở bát có giá; trong đám mổ lợn thì ông cầm dao bầu có giá; sông to sóng cả, khách lạ trời chiều, bến vắng đò thưa, một chiếc thuyền nan thì cô lái có giá .Đình đám ai, giá người ấy; giá ai, đình đám ấy. Giá ông mở bát chỉ ở trong bàn xóc đĩa; ngoài bàn xóc đĩa, ông mở bát không có giá. Xóc đĩa tan bàn thì hết giá ông mở bát. Giá ông cầm dao bầu, chỉ trong đám mổ lợn; ngoài đám mổ lợn, ông dao bầu không có giá .Thịt lợn đã lên đĩa, cũng hết giá ông dao bầu .Mấy cái kia đại khái cũng như thế. Dẫu rộng, hẹp, lâu, chóng, hoặc có hơn kém nhau ít nhiều, nhưng tự người quân tử coi xem, chỉ như thanh đóm ướt tẩm dầu tây, sáng không được là bao nhiêu mà thì giờ rất ngắn ngủi. Ông Mạnh Tử thưa vua Tề Tuyên có nói rằng: ” Xin vua đừng thích cái mạnh bạo nhỏ “. Ta cũng muốn người đời đừng thích CÁI GIÁ NHỎ.”(Tản Đà)
Cuộc đời dường như ai cũng thích cái giá to, nhưng chung cuộc,giá to nhỏ, rời khỏi cuộc chơi thì cũng hư vô như nhau khi định mệnh gọi tên mình. Tiền tài, danh vị khi đã phủi sạch rồi chỉ còn lại chính mình. Còn lại chính cuộc sống mình đã thể hiện cùng đời. Hãy cứ thỏa vui cùng bạn, cùng người. Hãy cứ là người tử tế khi còn đương thời. Ích gì khi đã phùi tay mới cố gắng làm người tử tế, nghe quá mị mông.
Tôi cũng thích như thầy Võ Hồng, con gà trống nuôi con, sống lặng lẽ cùng văn chương, khi không còn thỏa sức thì nói năng cùng thú vật, khi tàn hơi thì lặng ngắm uy nghi mình. Uy nghi để suy tàn bước tới hư vô.
“nada y pues nada y nada y pues nada” như một mật ngôn để suy tàn.