Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.159
123.224.737
 
Đọc thơ Đặng Xuân Xuyến
Châu Thạch

 

 

 

 

Với hai bài thơ “Bạn Quan” và “Quê nghèo” của mình, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến không làm nổi lên một cơn sốt trên mạng xã hội như bài thơ “Đất nước mình lạ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam nhưng gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc trên các trang web, nhất là giới văn nghệ sĩ và trí thức. Từ hai bài thơ đó tôi đi tìm đọc thơ của Đặng Xuân Xuyến và cảm nhận được phong cách riêng lạ của một nhà thơ đương đại. Hình như nhà thơ Đặng Xuân Xuyến làm thơ không nhiều lắm nhưng mỗi bài thơ của anh như ngón tay chỉ ta nhìn thẳng vào cuộc sống và buộc ta phải suy nghiệm bức tranh hiện thực đó, hoặc cho ta hưởng thụ những phút giây sâu nhiệm diễn biến trong tâm hồn nhạy cảm của người thơ.

Trước hết tôi xin lỗi tác giả, cho phép tôi rút gọn bài thơ “Bạn Quan” gồm có 39 câu còn lại 10 câu để bạn đọc có ý niệm khái quát về bài thơ đó:

Bạn cũ lâu ngày gặp lại

Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần

Rượu tới tầm

Mày ghé tai tao

Nói thật nhỏ

Chốn quan trường vịt chó giống nhau

Trời nhiều gió

Hay lòng tao nổi gió

Rượu đầy vò

Tao ngất ngưỡng vờ say

Cái hay đầu tiên của bài thơ là tác giả làm cho mọi người đọc đến đây đều giật mình cảm thấy ớn lạnh. Chính người trong cuộc cũng ớn lạnh nên “ngất ngưởng vờ say”. Sau câu nói của người bạn cũ tác giả đã cho gió nổi lên. “Trời nhiều gió / Hay lòng tao nổi gió” là một tứ thơ giống như tiếng gầm tiếng rú trong một bi kịch sảy ra trên màn hình. Người xem truyền hình yếu bóng vía hay người đọc thơ cảm thấy như mình cũng run rẩy. Run rẩy không vì gió thật mà run rẩy vì tâm lý lo sợ trước quyền lực của tội lỗi.

Tục ngữ ta có câu “Rung cây nhác khỉ”. Bài thơ nầy tác giả đã thành công khi rung cây nhưng không nhác khỉ mà là để chỉ cho khỉ thấy thật tình cái cây độc hại.

 Bài thơ “Quê Nghèo” không có sự bạo miệng của kẻ ngất ngưởng say, ngược lại là những giọt lệ rơi vào, là tiếng khóc nghẹn ngào trong tâm tình thổ lộ. Tôi lại mạn phép tóm gọn bài thơ dài 41 câu bằng 7 câu thơ của chính nó:

Quê tôi nghèo lắm

Nước mắt rơi từ thời chị Dậu

Âm ỉ bủa quanh

Bám đeo đặc quánh

Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp

Giam hãm đời người

Tù túng giấc mơ.

Bài thơ cho ta thấy một nỗi đau truyền kiếp từ thế kỷ 19 đến nay. Nỗi đau đó do đâu, nhà thơ không nói rõ nhưng nó đã “giam hãm đời người” ngay “từ trong giấc mơ”. Như thế nỗi đau nầy không chỉ là nỗi đau vật chất mà còn là nỗi đau tinh thần. Ngày xưa chị Dậu nghèo lắm về vật chất nhưng không ai cấm ước mơ. Bây giờ “Giam hãm đời người / Tù túng giấc mơ”, nghĩa là có thêm cái “nghèo lắm” tinh thần.

Bài thơ làm thức tỉnh cơn mê của những người nhìn vào mặt phải mà không thấy mặt trái bao giờ.

Qua hai bài thơ trên ta thấy nhà thơ Đặng Xuân Xuyến vừa gan dạ vừa ngổ ngáo khi đề cập đến mặt trái của xã hội nhưng với mặt trái của tình yêu, nhà thơ trở nên rất hiền hòa, nhẫn nhịn:

Ta dẫu biết trăng lúc mờ lúc tỏ

Vẫn không quen lời yêu chóng hao gầy

Ta sẽ cố để không ai thấy

Héo hắt chiều

Sưng tấy trái tim yêu.

(Vế cuối bài thơ Tim Đau)

Đâu rồi cái khí phách dám nói thẳng ra mặt xấu ở đời? Bây giờ chỉ “để không ai thấy / héo hắt chiều / sưng tấy trái tim” nghĩa là những hệ lụy tình yêu xin nhận hết về mình. Có phải đây là trái tim Hàn Mặc Tử hôm nay? Vâng, còn hơn thế nữa vì Hàn Mặc Tử tuy nhận hết đau thương về mình nhưng oán trách mối tình tan vỡ “mi là nơi ta chôn hận ngàn thu / Mi là nơi ta sầu hận ngất ngư” còn Đặng Xuân Xuyến thì lại nhẹ nhàng thay: “Ta dẫu biết trăng lúc mờ lúc tỏ / Vẫn không quen lời yêu chóng hao gầy”.

Bài thơ “Chia Tay - Với Nguyễn Minh Phượng -” gồm có 29 câu thơ. Tôi xin mạo muội dùng 9 câu thơ trong bài thơ ấy để rút ngắn bài thơ lại:

Chia tay nhé

Đừng buồn em nhé

Ánh hoàng hôn tím sẫm chân trời

Em nhớ đến bến sông ngày ấy

Nhặt cho anh câu hát lỡ quên

Qua bến cũ đừng nghe sóng dội

Cũng đừng nhìn ghế đá tuổi thơ

Em hãy nhớ giờ là kỷ niệm

Dư âm buồn

Day dứt cũng thế thôi.

Tôi rất cảm động khi đọc bài thơ nầy vì tôi thấy lệ trên mắt và màu tan vỡ của máu trong tim khi tác giả rất ôn tồn thỏ thẻ cùng em. Đọc toàn bộ bài thơ ta mới thấy cái bình tĩnh phi thường của tác giả và ta mới thấy nỗi u sầu được nén xuống lớn làm sao!. Tất nhiên tôi cảm thông với nỗi buồn chia tay ấy nhưng tôi không rung động vì nó, bởi trên đời nầy có trăm vạn cuộc chia tay mà Đặng Xuân Xuyến cũng thế thôi. Tôi rung động khi đọc bài thơ nầy vì chính bài thơ là một tác phẩm tuyệt vời, thể hiện tài hoa của tác giả đã phát tiết nỗi sầu vào trong tiếng thơ, vọng buồn lên cao, lên xa và lắng xuống trong lòng ta khi đọc nó.  

Tôi không muốn so sánh Hàn Mặc Tử với Đặng Xuân Xuyến vì như thế sẽ trở nên khập khiễng, nhưng thi sĩ dẫu cách nhau hàng ngàn năm có khi vẫn đồng rung cảm, khiến cho bạn đọc thơ của người nầy lại nhớ đến người kia. Ta hãy đọc một đoạn trong bài thơ “Đôi Ta” của nhà thơ họ Hàn:

Lúc ấy sóng triều rên rỉ chưa bưa

Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết

Cứ sảng sốt, tê mê và rũ liệt

Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang

Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian

                    (Đôi Ta)

Rồi ta hãy đọc một đoạn trong bài thơ “Khát” của Đặng Xuân Xuyến:

Tay siết tay xua giá lạnh tan rời

Đôi ngực trần cọ xiết ngùn ngụt hơi

Dòng nham thạch cuộn từng cơn nóng hổi

Thế. Thế. Thế.

Căng người

Em hứng đợi

Môi đốt môi

Anh thiêu trụi đất trời

Trăng thượng tuần ngấp nghé đón triều dâng

                           ( Khát)

Thi âm, thi tứ hai người có khác nhau nhưng cái chất “Thơ Điên” tiềm ẩn trong hai linh hồn hai người không khác biệt. Hai tâm hồn có những giây phút cuồng si loang ra cả đất trời và làm đảo điên vạn vật. Cái câu “Trăng thượng tuần ngấp nghé đón triều dâng” của nhà thơ họ Đặng không những là một hình ảnh rất đẹp mà nó còn phô bày hết cái giây phút ân ái của con người biến thành giây phút thánh của vũ trụ. Giây phút tuyệt đỉnh sung sướng sắp sảy ra cho con người làm thăng hoa cả trời đất và nó cũng có thể là giây phút chết trong hoan lạc khi tác giả nói “Môi trong môi / Anh thiêu trụi đất trời”. Đọc bài thơ “Khát” ta cảm thấy hình như hơi nóng cũng căng phồng trong da thịt.

Lướt sơ qua vài bài thơ của Đặng Xuân Xuyến ta thấy tính cách thơ rất ngạo nghễ, rất ngang tàng trong cuộc sống mà cũng vô cùng nồng cháy khi yêu. Nhà thơ phẫn nộ trước bất công, trước nỗi đau của đồng loại nhưng lại nhận hết niềm đau về mình trong tình yêu cao thượng. Đọc Đặng Xuân Xuyến ta cảm nhận được hết tiếng thơ bộc lộ và tiếng thơ lặng thầm, kích thích tình cảm trong lòng ta có khi cháy bùng, có khi âm ỉ, khiến niềm vui có ít lại chỉ như cái cười gượng gạo mà nỗi buồn thì triền miên như dòng sông lặng lờ chảy mãi không thôi./.    

 

 

 

Châu Thạch
Số lần đọc: 2449
Ngày đăng: 02.08.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn nhân Bình Định một góc nhìn, một cuốn sách với góc nhìn " thiếu văn hóa' - Vương Kiều
Trung-Việt Việt-Trung, Kỳ vọng của tiểu thuyết - Nguyễn Đức Tùng
Thơ Hồ Việt Khuê vẫn mượt cỏ ngày xưa! - Phan Chính
Đôi lời cảm nhận khi đọc - viết cho ngày Valentine - Chử Văn Long
Một cách "đọc lại" truyện Kiều (Đọc Từ Hải và Ẩn sĩ - Hiếu Tân) - Chế Diễm Trâm
Vũ điệu Lam - Điệu ca của nỗi buồn (Nhân đọc tập thơ của Bạch Diệp - Nxb Văn Học 2011) - Hoàng Vũ Thuật
Những bước gió trong trường ca của Phan Hoàng - Hoàng Thụy Anh
Quê nghèo, nghèo đến xót xa cõi lòng - Nguyễn Bàng
Đọc bài thơ "Quê nghèo" của Đặng Xuân Xuyến - Chử Văn Long
Ẩn tượng bàn tay nhỏ trong mưa (Đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của tác giả Trương Văn Dân) - Chế Diễm Trâm