Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.836
 
Giới thiệu tác giả - tác phẩm (6) - Trần Hữu Dũng
Từ Sâm

 

 

Trân Hữu Dũng. Quê ở Tiền Giang.

 

Anh cùng tuổi con khỉ với tôi. Khi “con khỉ tôi” lúc 17 tuổi còn đang cặm cụi viết Báo Tường thì “con khỉ thi ca Trần Hữu Dũng” đã cho xuất bản tập thơ - Thơ Trần Hữu Dũng (thơ, NXB Con Đuông, 1973).

 

Anh kết duyên với báo Văn Nghệ TP HCM mấy chục năm nay. Vừa kiếm sống, vừa sinh những đứa con xinh xắn và thông minh. Anh đặt những cái tên ngộ nghĩnh và đáng yêu như “Dọc đường nhặt lấy nụ cười”, (thơ, NXB Trẻ, 1990), “Cô em bé bỏng”, truyện vừa, NXB Đồng Nai,1996, “Lá thông non & em - trăng - sương mù”, thơ, NXB Hội Nhà Văn,2005.vv..

 

Gần đây, anh tặng tôi cuốn “Lúc O giờ - At zero hour”, thơ tiếng Việt và tiếng Anh, NXB Hội Nhà Văn.

 

Mừng cho anh vì bạn đọc ở mọi nơi trên thế giới tiếp cận được hồn  thơ của người Việt.

 

Lúc O giờ, đó là thời điểm, là bước chuyển dịch đầu tiên của khắc thời gian. Là số đếm bằng không. Đối diện bên kia địa cầu là giờ “ngọ”. Là chia nửa của ngày. Nghĩa là anh đang ở thái cực “âm” để đối thoại với bạn đọc ở thái cực “dương” của ngày mới, ngày hôm sau.

 

Một lần anh ra Nha Trang, nghỉ lại nhà tôi. Sau khi dành vương miện thi sĩ có “số đo tửu lượng“ khá nhất trong các thi sĩ có mặt đại diện ba miền.

 

Anh, Đêm và Tôi ngồi cùng nhau.

 

Lúc đó là O giờ.

Anh nói, Tôi và Đêm lắng nghe. Nghe tí tách giọt thời gian của Anh nhỏ giọt xuống cuộc đời.

Cuộc sống qua viên mãn và đắng cay. Anh cùng Cô đơn  làm bạn.

 

Tình đời đã lên men. Anh  chưng cất thành những câu thơ cháy bỏng, có khi đau buốt.

 

Uống cả bình rượu chưa say, nhưng chỉ thêm giọt  Tình  ta đã say.

 

Và từ đây, anh  tính thời gian từ lúc O giờ. Một ngày là O giờ + 24, hai ngày là O giờ +  48….

 

Đó cũng là một khái niệm mới về thời gian của nhà thơ. Tôi tôn trọng và xem nó như một định nghĩa để khi giải phương trình cảm nhận thời cuộc lấy nó làm tham chiếu. 

 

 

Tôi như “con khỉ” bị nhốt trong chuồng và mỉm cười khi người ta đưa cho quả chuối. Còn anh là “con khỉ” chăm chỉ hái lượm những quả đắng để sinh tồn.

 

Và khi rừng đã hết. “Khỉ” biết buồn đau với tiếng chim bị bỏ rơi, với tiếng suối rì rào đang cạn dần…

 

 

Xin giới thiệu với bạn đọc các tác phẩm dưới đây (do người viết tự chọn) để hiểu thêm về “con khỉ thi ca- Trần Hữu Dũng) nhé.     

 

Ảnh. Từ trái sang - Nhà văn (NV) Trương Văn Dân, NV Elena, NV Nguyên Minh (chủ biên TS Quán văn), Nhà nghiên cứu Khổng Đức, Nguyễn Hòa vcv (chủ biên vanchuongviet.org), Từ Sâm, Nhà thơ Trần Hữu Dũng, Nhiếp ảnh gia Trần Công Ánh (TBKTSG) tại TP HCM năm 2011.

 

 

     

 

 


CỤNG LY VỚI NHÀ VĂN Y ĐIÊNG

 

Mưa lất phất phủ mờ cảnh vật

Quán nhỏ

Đèn nhòe khuôn mặt thân quen

Gió thốc tháo

như bầy ngựa hoang luồn qua thị trấn

Chúng tôi ngồi cụng ly

với nhà văn Y Điêng

Mùa nầy sông Hinh cá lội ngược dòng,

cọp không còn hú dài núi Lá.

 

Cơn hưng phấn bốc lên,

huyên thuyên lắm chuyện

Chúng tôi không dám hỏi

buôn làng giờ ra sao?

Khi bắt gặp ánh mắt ông

chìm khuất trong màn sương mù đục núi rừng

 

 

 

LỊCH SỬ LẶP LẠI


Lịch sử lập lại như ván cờ, như trò đùa tai ách

Tất cả hi vọng, ước mơ, cuộc sống đều vô bổ

 

Chân lý giả

Tự do giả

Dân chủ giả

Em buồn rầu bảo: “Đây là hồi chuông báo tử”

 

Những cánh tay tuyệt vọng, cầu cứu biển khơi

Những cái nhìn căm thù chôn vùi dưới đất cát

Chỉ còn gió đưa xa lời run rẩy đám lá xanh

Và cái hôn cứu rỗi người tình thất tiết, lạc loài

 

Ánh thời gian trườn dài theo dòng Cửu Long trôi mê mải

Đâu là gương mặt thật lịch sử?

Con hổ giấy vồ mồi trên vách tường thành phố

Tuyên bố hùng hồn ẩn chứa gai nhọn tráo trở

Chờ nuốt chửng mọi thứ

Tọng vào chiếc họng tham lam vô đáy.

 

 

 

 

GỬI MỘT NHÀ THƠ

 

Ban ngày, em thầm thì với các thiên thần

lơ lửng trên tàn cây thành phố,

và thử đoán vận mệnh bầy chuột

chui rúc ở nhà trọ sinh viên mình ven kênh Nhiêu Lộc.

 

Trong thơ em, đông đúc người chết

quì gối trên thảm đọc kinh Bà-la-môn

giữa lòng Tháp Chàm, xen lẫn với vũ nữ, chiến binh,

thợ thủ công, nông dân đang cầu nguyện

mong đợi điều mầu nhiệm xảy ra.

 

Tối tối, em phát hiện ở Sài Gòn

bầy sao mù đục, không toả sáng trên trời

giống như ở thung lũng xương rồng đầy bụi Ninh Thuận.

 

Vội vàng em tái sinh thơ như hơi thở,

tuôn chảy những dục tình,

ẩn ức cháy bỏng vào vực sâu hiểm hóc đời mình.

 

Trên bước đường trải dầy đặc chữ xám xịt

em kiêu hãnh bước,

hướng tới mặt trời rỉ máu

lên bãi cát ngoằn ngoèo dọc bờ biển miền Trung.

 

 


 

TUA TỦA GAI NHỌN Ý NGHĨ

 

Nằm vò võ trong căn phòng tối. Nghe mưa

Lơ đễnh dõi theo những chiếc bóng câm sờ soạng

Bầy dơi trộm trái chín bên vườn kêu chí chít

Chờ đợi một phép lạ. Nỗi bàng hoàng vây tụ

 

Giống hệt đứa trẻ con sợ sấm sét

Đếm thầm từng giọt hi vọng mong manh

Tí tách giọt thời gian nhỏ thủng cuộc đời

Trơ ra bao gương mặt biến hình

Tua tủa vô số chiếc gai nhọn ý nghĩ trong suốt

Dựng lên giữa viện bảo tàng mặt nạ người...

 

 

 

 

 

   
       

 

Từ Sâm
Số lần đọc: 2300
Ngày đăng: 08.08.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mô hình gia đình Việt Nam từ Truyền thống đến thời kinh tế thị trường. - Đặng Kim Thoa
Bảo tồn phát huy Và bảo tồn phát triển văn hóa nghệ thuật. - Tuấn Giang
Giới thiệu tác giả - tác phẩm (3) - Vũ Trọng Quang - Từ Sâm
Giới thiệu tác giả, tác phẩm (3) - Nguyên Minh - Từ Sâm
Giải pháp quản lý nghệ thuật biểu diễn - Tuấn Giang
Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt” - Đỗ Quyên
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (phần 3) - Đặng Ngọc Tuân
Ý Nghĩa của Nghệ Thuật - Võ Công Liêm
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (phần 2) - Đặng Ngọc Tuân
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (Phần 1) - Đặng Ngọc Tuân
Cùng một tác giả
Luyến (thơ)
Làng (thơ)
Khuyết (thơ)
Ảo (thơ)
Nợ em (thơ)
Tôi (thơ)
Sắn (thơ)
Ghép (thơ)
Chị (thơ)
(thơ)
Thằng Tít-rằn (truyện ngắn)
Gánh (thơ)
Nụ hôn trầm tích (truyện ngắn)
Cổ phần đêm 30 (truyện ngắn)
Gửi trái tim (tiểu luận)
Văn nghệ khai Xuân (điểm sách)
Mùi của bếp (tạp văn)
Mùi của bếp (phê bình)