Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.165
123.224.112
 
Từ Nghìn Thu Đến Mười Năm (Einstein & Bùi Giáng)
Đặng Ngọc Như

                                                                                                

               

 

Quảng Nam có hai người làm thơ thuộc cỡ 'nhà',được giới văn chương truyền nhau qua cách nói không chính thức: một người làm thơ 'điên',một người làm thơ 'tỉnh'.Nhưng điên đến mức tự phong và được công nhận là 'thượng thừa 'thì kể ra cũng hiếm ,đó là Bùi Giáng.

Có một sự thực cần nêu rõ:dù ai từng đọc nhiều thơ ông,gặp ông,thậm chí được sống gần ông để rồi tập tành làm thơ kiểu ông cuối cùng cũng phải nhìn nhận và thú nhận:làm được kiểu thơ Bùi Giáng thật khó,mà phải hay nữa thì thật thiên nan vạn nan.

Bùi Giáng là người cổ kim có một,ông tài tình và thần tình;vừa tàn nhẫn,quyết liệt,tiêu diệt ,xáo trộn;vừa ngây thơ,hồn nhiên sắp xếp lại từ ngữ tiếng Việt-cả nôm lẫn hán-theo một trật tự tân kỳ,đột ngột,làm nảy sinh một năng lượng hạt nhân về nghĩa,quen mà lạ lẫm dị thường,một năng lượng nhiệt hạch về ý,cuồn cuộn phiêu bồng cơn lũ thi ca "đổ lộn nguyên khê".

 

Lũ hay thời gian,lời hát cũ? Đâu chỉ có vậy

 

   Bây giờ điệu cũ bay xa

  Nguồn trôi nước bạc đổ ra vô cùng

 

Nhận xét về tranh Chagall

 

  Máu me tàn lạnh điệu chào

 Trên đầu phố lạ vẽ màu quê chung

 

Ông cũng nói đến thị 'trường',một thị trường kiểu Bùi Giáng

 

  Giã từ cõi mộng điêu linh

 Tôi về buôn bán với mình phôi pha

 

đùa đùa 'cà rỡn' mà vẫn rất thâm thúy

 

 Mai sau còn một chút gì

 Ấy là khu vực nhu mì của em

 

Bước sang thế giới tự nhiên,một hiện tượng vốn quen với con người như mưa,thường gợi một nỗi nhớ nhung thường khó tả như mưa trong Thơ Mới chẳng hạn

 

  Mưa đổ búi êm êm trên bến vắng

  Đò biếng lười để mặc nước sông trôi

  Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

  Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời 

 

     (Anh Thơ)

 

hoặc mưa cổ điển của Huy Cận

 

    Đêm mưa làm nhớ không gian

 

Cũng không phải mưa buổi sớm đẫm bụi nhẹ trong thơ đường mà Vương Duy đã làm cho buổi chia tay giữa hai người bạn trở nên bất tử

 

    Vị thành triêu vũ ấp khinh trần

    Khách xá thanh thanh liễu sắc tân

    Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu

  Tây xuất Dương quan vô cố nhân

 

Cũng không phải mưa nguồn chớp bể,nắng sớm mưa chiều trong dân gian hay bình dân hơn như 'mưa trên phố Huế' 'mưa nửa đêm' mà là mưa-bùi giáng

 

   Mưa nguồn từ thuở tuôn ra

   Tới bao giờ giội màu hoa trên ngàn

 

Sao lại phải 'tới bao giờ' ?

Vì chúng ta đã quá quen với mưa thường ngày.Mưa trong thơ Bùi Giáng được thiết đặt trong một quan hệ Không gian-Thời gian thăm thẳm muôn trùng vốn không có trong thi ca truyền thống rất khác với quan niệm không gian,thời gian cổ điển.

 

Có lẽ chúng ta cũng nên tạm xa rời một lúc quan niệm thông thường về thời gian để thử tìm hiểu khái niệm quá khứ,hiện tại,tương lai theo khoa học hiện đại.Hiểu theo khoa học hiện đại (vật lý lượng tử), không có ngày hôm qua , hôm nay, ngày mai theo nghĩa thực sự của chúng,nói cách khác thời gian chỉ là ảo giác.Bởi vì hôm nay là ngày mai của hôm qua và hôm qua của ngày mai.Bất cứ ngày nào cũng là tập hợp của cả ba khái niệm này.Thời gian không triển khai theo một trục hướng ra hai đầu,chỉ là khái niệm có tính qui ước của con người.Nhà vật lý đương đại Stefan Hawking có nêu một nhận định đáng chú ý "thời gian ảo mới là thời gian thực"

Do vậy, cái lý chính là đừng đi tìm cái hữu lý,hợp lý trong thơ Bùi Giáng.Quan niệm đã khác thì phương thức thể hiện cũng khác đi,hỏi và hiểu cũng khác đi

 

Hỏi rằng người ở quê đâu

Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

 

Cũng đừng đem số đếm thông thường ,trật tư tuyến tính trong quan niệm không gian, thời gian cổ điển mà hỏi ông , ông sẽ trả lời ngang ngang

 

  Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

 

Dường như ông muốn thức tỉnh chúng ta ra khỏi mê lầm, ảo mà cứ cho là thực như Hawking đã nói . Hỏi một đường, trả lời một nẻo ,kiểu công án của các thiền sư như Trúc Lâm nhất tổ nói với một vị tăng: "Chớ bám vào đó,bám vào đó sẽ ăn 30 gậy".Nên chăng đắc ý vong ngôn ?

 

    Hỏi tên rằng biển xanh dâu

    Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa

 

Cho nên ,việc đầu tiên khi đến với thơ ông dường như chúng ta buộc phải từ bỏ thế giới qui ước của mình,để đến ở hẳn trong thế giới ảo của ông để sẽ thấy bao điều mới lạ-nỗi nhớ mong lạ ,âm thanh sắc màu lạ,lạ mà quen,quen mà lạ,nghịch lý nghệ thuật là nghịch lý mê hoặc

 

Thơ Việt còn để lại những quan sát ,cảm nhận vô cùng tinh tế nhớ "mòn con mắt" ,"cá đâu đớp động dưới chân bèo" "tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng","mày ai trăng mới in ngần".Nhưng đó vẫn chỉ là những quan sát cảm nhận trong thế giới qui ước thường nghiệm.Trong thơ Bùi Giáng, tâm tình con người được đặt ra theo chiều thứ tư Không-Thời gian,tới chỗ nhà phật gọi là "vạn pháp giai không."Nhưng không đây không có nghĩa là hư không,hư vô, không có gì mà là "tri không không tức giác hữu", lại là diệu hữu. Vì thế, đến với thơ Bùi Giáng đòi hỏi một kinh nghiệm cao hơn ,huyền bí hơn-kinh nghiệm thông linh- lạ mà quen,quen mà lạ,hữu lý bất ngờ,mới mẻ chưa từng có.Chúng ta phải "quán" nghĩa là nhìn sâu đến độ "không" thì trăng sao,thời gian hoa lá,âm thanh màu sắc sẽ có sự biến hiện,trình hiện "kinh dị"

 

      Em về mấy thế kỷ sau

      Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

      Ta đi còn gởi đôi dòng

      Lá rơi có dội ở trong sương mù ?

 

Nghe được tiếng"dội"của lá thì phải đo sự vật hiện tượng theo một hệ vật chất ,hệ tốc độ,hệ qui chiếu khác.Thời gian tuyệt đối làm gì có ,còn xét  tương đối lại là hoàn toàn chủ quan . Thế thì, chúng ta không chỉ có quá khứ-hiện tại-tương lai bằng kinh nghiêm, mà còn có -và điều này quan trọng hơn-một hiện tại tiếp diễn miên viễn vô thủy vô chung.Trong trường hợp đó, nhà thơ trở thành một thuật sĩ-kiểu William Blake thấy thế giới qua hạt cát,bầu trời qua bông hoa dại (to see the World in a Grain of Sand,And a Heaven in a Wild Floower)-Bùi Giáng thấy thời gian lộn ngược,lồng vào nhau chứ không chỉ tiếp diễn

 

   Nằm nghe ngọn lúa trổ hoa

   Mây trời kết trái tên là hột sương

   Xuống vô ngần khắp nẻo đường

   Đó xuân phố thị đây hường thu thôn

   Tôi mơ mãi chiếc lá cồn

   Sống mười mấy kiếp mà hồn lang thang

 

Trong khi chúng ta sống trong không gian 3 chiều khối hoặc 2 chiều phẳng qui ước,ta sẽ hoặc nhìn nó bất định,phó mặc hoặc sợ hãi thấy nó thăm thẳm,ám ảnh.Đó là cái nhìn của Kiều ngoái lại 15 năm oan nghiệt -Dứt lời nàng vội gạt đi/Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ .Thời gian trong thế giới dẫu qui ước cũng có gì đó huyền bí .

Nhưng chính chỗ huyền bí mới là điều đáng nói.Nhà bác học Einstein đã nói "Cảm xúc trước sự huyền  là cội nguồn của tôn giáo, thi ca, khoa học chân chính nẩy nở,ai không còn những cảm xúc đó,không còn biết ngạc nhiên,chỉ còn biết ngẩn người ra thì sống cũng như chết mà thôi ".Rõ ràng

Không-Thời gian trong thơ Bùi Giáng đươc xác lập theo một quan hệ mới mẻ "ngàn thu rớt hột",chính đó là một cuộc cách mạng trong thi ca. Như thế ta hiểu vì sao Bùi Giáng luôn xáo trộn tất cả.Ông đặt thiên nhiên giữa lòng phố thị, mang bình nguyên về nơi đô hội,ôm hoa mèo, dắt chó đi giữa phố phường  như một  nghịch hành Bồ Tát, có lối thị hiện 'đặc chủng' kiểu Tế Điên đi giáo hóa chúng sinh.Ông luôn nhắc bằng cách cấp cho chúng ta cái nhìn ,cách nhìn cao nhất ,thanh khiết đề thấy được những cái bình thường nhất , ai cũng nhìn nhưng không thấy, không thấu 

 

           Kể từ tao ngộ đầu tiên

           Làm sao em biết anh phiền ưu sao

 

        Người con gái lội qua khe

       Bàn chân và nước cùng đè lên nhau

 

        Dạ thưa xứ Huế bây giờ

       Vẫn còn Núi Ngự bên bờ Sông Hương

 

Cái bình thường -lạ thường ấy ai chẳng biết nhưng ai nói ra ? 

Ông lại có kiểu nhìn mình, ngắm mình theo kiểu tự khảo, tự đối thoại trong một không gian vô cùng hẹp,  hẹp mà vô cùng

 

    Bây giờ riêng đối diện tôi

    Còn hai con mắt khóc người một con

 

Đó là khóc thương theo kiểu Bùi Giáng, so với giật mình mình lại thương mình của Nguyễn Du, khác ở chỗ một từ xót xa .Ông khóc mà sao ráo hoảnh thế? ,khóc người hay khóc người một con ? Con mắt còn lại của Bùi Giáng như còn nhìn chúng ta. Dường như ông muốn nhắn gởi thông điệp đính kèm qua thông điệp thơ. Con mắt để dành của ông cứ làm bối rối chúng ta như một koan thiền .

 

Tóm lại ,vài sự phân tích rời rạc trên đây đã giúp hé lộ một điều : Vượt lên tất cả sự việc ,cung cách sống,nói năng,hành vi đời thường, ông là một nhà thơ thuộc loại hiếm có trong gia tài thi ca dân tộc, người đã chạm được tay vào chính chỗ ta vẫn thường nói khi thảo luận vế tôn giáo, đó là quyền năng tinh thần. Nhưng Bùi Giáng không là một giáo chủ, càng không là một nhà chính trị ,trước sau ông vẫn là một nhà thơ , nhà thơ nắm được quyền lực, quyền lực thi ca. Trong thế giới tâm linh-trực giác thiên khải đó và trần gian vật dục-nhiễu nhương này, ông luôn đi-về như một tự do nhân, không một vết xướt nhân quyền.

Biết bao bài nghiên cứu,phê bình, đánh giá, qui ông vào nào là biểu hiện của thi ca -hậu thơ mới, hậu hiện đại , nhưng rồi xem ra chưa có gì thỏa đáng cả .Ta gặp ông chăng vẫn ở nơi ngã ba luôn có khả năng dẫn đến miên trường

 

     Xin chào nhau giữa con đường

     Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

 

Nhưng có điều này là chắc chắn nhất :đừng gán cho ông, thơ ông ý nghĩa cô đơn,yếu đuối. Ông không hướng thơ mình vào chỗ ấy .Chúng ta thường khăng khít với thời gian, muốn gần mà phải xa , muốn có mà không được,nghĩa là đau khổ vì nó; trong khi đó ông chỉ cho ta nó tương đối .

.

 Như tác giả Nữ Hoàng Cá ( Queen Fish ) Victor Astafiev đã viết :"Dường như dưới cõi thế gian này vạn sự đều có một mùa, một thời. Một thời để sinh ra-một thời để mất đi ; một thời gieo trồng-một thời thu hoạch; một thời chém giết- một thời hàn gắn ; một thời để khóc- một thời để cười ; một thời ca hát- một thời tiếc thương;một thời ôm ấp-một thời nín nhịn; một thời giữ gìn-một thời buông thả; một thời cắt xé-một thời vá may;một thời lặng yên-một thời lên tiếng; một thời để yêu-một thời để ghét; một thời chinh chiến-một thời bình hòa...", chúng ta có tất cả,được và mất, tại sao dằn vặt ? Chúng ta có cả vòng nguyệt quế và cả chiếc lá trong sân vườn cũ một chiều nào thơ dại...có bao giờ mất đâu ?

 

Ở trên ta đã nghe Bùi Giáng gọi cả thế gian này bằng Em để nhắn gởi trước khi giã từ,giờ hãy nghe Bùi Giáng nói thêm về trần gian

 

       Mưa buổi sớm nắng chiều tà

       Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu !

 

Ông " đùa với tuyết zỡn với vân " chăng ?

Chắc chắn không phải thế. Vì thế, 

 

Đến với thơ ông, đừng 'rắp tâm' tìm một 'cái gì đó' hoăc là cái 'không có gì ' và đọc thơ ông,nên đọc bằng đôi mắt trẻ thơ, chúng ta sẽ luôn luôn ngạc nhiên, vì nhận ra cùng lúc mình không chắc chắn là biết và cả không chắc chắn là không biết , một cái gì đó tuyệt vời nhưng mà chết điếng, nói như Emily Dickinson, ta rơi vào trạng thái của người "nếu chưa từng sống thì không thể cảm nhận được" ( He has not lived who has not felt ).

 

Đến với thơ ông ,tôi và bạn hãy để toàn thể các giác quan của mình 'run rẩy'. Mà như thế cũng chưa đủ. Hãy để từng tế bào khắp cả thân thể rung lên.Hãy quên đi ngôn ngữ ,hay nói như Bùi Giáng ta bước đi từ ngữ rụng 2 lần.Lúc đó ta buông bỏ hết ,trần trụi ,rộng mở, chính là lúc điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Ta sẽ kêu lên như Bùi Giáng Em,ồ Em, xưa chính ở nơi này ! Khoảnh khắc các bậc chân tu ngộ đạo,bất khả tư nghì

 

Đến với thơ ông ,tôi hay bạn, có lẽ đừng cố hiểu mà hãy cảm , hãy cảm tiếng thơ ấy như một tiếng lòng Làm như thế tôi hay bạn còn có cơ may gặp gỡ ông bất ngờ đâu đó lúc ông đang du xuân ở quê nhà, ở cõi người ta mà ông vĩnh viễn hiện tồn .Ông nói líu lo như hát :

 

     Xuân về xuân lại xuân đi ,

    Đi là đi biệt từ khi chưa về .

 

 

        1998-2000            

    Lần thứ 3 ngày mất Bùi Giáng  10/2000

    Đọc, bổ sung 7/2016

                                                         

 

Đặng Ngọc Như
Số lần đọc: 2253
Ngày đăng: 08.08.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mô hình gia đình Việt Nam từ Truyền thống đến thời kinh tế thị trường. - Đặng Kim Thoa
Bảo tồn phát huy Và bảo tồn phát triển văn hóa nghệ thuật. - Tuấn Giang
Giới thiệu tác giả - tác phẩm (3) - Vũ Trọng Quang - Từ Sâm
Giới thiệu tác giả, tác phẩm (3) - Nguyên Minh - Từ Sâm
Giải pháp quản lý nghệ thuật biểu diễn - Tuấn Giang
Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt” - Đỗ Quyên
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (phần 3) - Đặng Ngọc Tuân
Ý Nghĩa của Nghệ Thuật - Võ Công Liêm
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (phần 2) - Đặng Ngọc Tuân
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (Phần 1) - Đặng Ngọc Tuân