Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.046
123.201.748
 
VĂN HỌC trên KÊNH TRUYỀN HÌNH VTV3 : '' NGÔNG'' là PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT NGUYỄN TUÂN !
Trần Mạnh Hảo

Sáng chủ nhật, lúc 10 giờ ngày 5-6-2005 vừa qua, trên Đài Truyền  hình Việt Nam kênh VTV3, chương trình “Lên đỉnh Olanhphia”, có câu hỏi cho thí sinh rằng : “ Năm ô trên bảng là sáu chữ cái nói lên phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân”. Có mấy thí sinh trả lời là chữ “NGÔNG” và được vỗ tay cho điểm là đúng. Như vậy, qua truyền hình, “một phương diện quốc gia” uy tín vào bậc nhất, lại được một ban cố vấn chương trình toàn là các giáo sư đáng kính thì trăm phần trăm : “NGÔNG” là phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân, đây chắc chắn là chân lý rồi ! Chính vì vậy, nhờ diễn đàn báo THỂ THAO VĂN HOÁ – nay chúng tôi muốn bàn sơ qua xem “NGÔNG” có thực là phong cách của Nguyễn Tuân ngoài đời và phong cách nghệ thuật của ông hay không ?

 

            CÁI ĐẸP là đối tượng nghiên cứu của mỹ học nhưng lại là tinh thần, thậm chí là bản chất của văn học. Vì vậy, người ta gọi thi ca là NÀNG THƠ; vì thơ nói riêng, văn học nói chung đều hướng vào CHÂN THIỆN MỸ, tức nghệ thuật của CÁI ĐẸP. Do đó, quá trình tiếp nhận văn học phải thông qua cảm xúc của sự thích thú, khoái cảm để nâng lên thành TÍNH THẨM MỸ. Văn chương Nguyễn Tuân không nằm ngoài quy luật của CÁI ĐẸP này.

 

            Chúng ta thử hình dung, một buổi sáng thức dậy, bà vợ xinh đẹp của ta, cô em gái dịu dàng của ta, con gái tuổi trăng tròn yểu điệu thục nữ của ta và tất cả các bà các cô xinh như mộng trong khu phố ta ở, trong thành phố ta cư trú, bỗng nói dại tự nhiên biến thành những CÔ NGÔNG, những EM NGÔNG, những BÀ NGÔNG…thì thử hỏi phái yếu kia có còn được gọi là PHÁI ĐẸP hay không ? Trời ơi, đi làm về mệt chết rồi, tự nhiên bà vợ kiều diễm của ta trở thành VỢ NGÔNG, con gái dễ thương của ta trở thành ĐỨA CON GÁI NGÔNG, em gái kiều diễm của ta trở thành ĐỨA EM GÁI NGÔNG, thì ta còn có thể sống được hay không hở giời ? Mới giả sử như thế thôi, ta mới biết cái SỰ NGÔNG không bao giờ đi cùng CÁI SỰ ĐẸP, hay nói cho gọn ĐÃ ĐẸP THÌ KHÔNG THỂ NGÔNG, ĐÃ NGÔNG THÌ KHÔNG THỂ ĐẸP.

 

            Do đó, việc VTV3 bảo “NGÔNG” là phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cầm bằng như bảo : VĂN NGUYỄN TUÂN KHÔNG THUỘC PHẠM TRÙ CỦA CÁI ĐẸP vậy ! Cứ kết luận đó mà suy ra, thì chao ôi, tác phẩm của Nguyễn Tuân KHÔNG PHẢI LÀ VĂN HỌC mất rồi! Do đó, bảo “NGÔNG” là phong cách nghệ thuật của văn Nguyễn Tuân là một sự phủ nhận, thậm chí xóa sổ Nguyễn Tuân đấy !

 

            Chúng tôi biết cái lỗi này chỉ do VTV3, hay cái vị giáo sư, hoặc tiến sỹ cố vấn về văn học cho VTV3 đều căn cứ điều này khi các vị được học ở bậc trung học và đại học. Chuyện này, chúng tôi đã viết đến 3 bài đăng báo phê bình sách giáo khoa cách đây gần 10 năm, nhưng Bộ Gíao Dục &Đào tạo không chịu tiếp thu, cứ tiếp tục dạy trong môn văn phổ thông và khoa văn đại học rằng : “NGÔNG” là PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN TUÂN”. Trong cuốn văn mẫu dùng cho học sinh trung học thi tú tài, thi vào đại học : “217 đề và bài văn” dày bằng 3 cục gạch ( NXB Đại học Quốc gia xuất bản năm 2000 và tái bản nhiều lần sau đó) của một số vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chuyên phụ trách soạn sách giáo khoa văn trung học, đã ra một đề bài như sau : “ Dựa vào những hiểu biết của mình về con người và sáng tác của Nguyễn Tuân, anh hay chị hãy phân tích và miêu tả trên nét lớn cá tính và phong cách nghệ thuật của nhà văn”. Sau đó, chính các vị giáo sư soạn cuốn văn mẫu này tự làm bài văn mẫu cho học sinh lớp 12 cả nước học thuộc mà đi thi. Qua bài văn mẫu làm về “NGÔNG LÀ PHONG CÁCH CUỘC ĐỜI VÀ VĂN CHƯƠNG CỦA NGUYỄN TUÂN”này của các vị giáo sư chuyên soạn sách giáo khoa, chúng tôi đã rút ra một hằng đẳng thức về phong cách văn Nguyễn Tuân do chính các giáo sư soạn, như sau :

 

            “ VĂN NGUYỄN TUÂN = ngông = không nghiêm túc = chơi tài = trêu ghẹo thiên hạ = văn chơi = văn đùa = khoe tài = khoe chữ = khinh bạc = gây sự = ghẹo người ta = suy tôn cái tôi = ngông ngạo = nghêng ngang = lan man = lông bông = tài tử = coi khinh những gì quan trọng = thiêng liêng hoá những tầm thường. xoàng xĩnh…” ( sách đã dẫn, từ trang 518-522)

 

            Than ôi ! Dạy văn Nguyễn Tuân như thế này là giết chết Nguyễn Tuân, là bôi tro trát trấu lên gương mặt của một đại tác gia thuộc hàng ĐẸP NHẤT CỦA VĂN CHƯƠNG HIỆN ĐẠI VIỆT NAM rồi ! Thưa rằng trong đời và trong văn của Nguyễn Tuân không bao giờ có chữ NGÔNG PHẢN ĐẸP ấy đi kèm ! Viết bài báo nhỏ này, chúng tôi muốn rung chuông báo động cấp 12 với quốc dân đồng bào, với chính phủ, với Bộ GD&ĐT rằng, ai, những ai cứ để những điều QUÁ SỨC BẬY BẠ, CHÀ ĐẠP, BÔI NHỌ VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TUÂN như thế này mãi trong sách giáo khoa ?  Để những điều sai quấy này đẻ ra một số luận văn tiến sĩ làm về một chữ NGÔNG trong văn Nguyễn Tuân, đẻ ra hàng triệu học trò tưởng nhầm chuyện CHỬI NGUYỄN TUÂN là VĂN NGÔNG như thế này là tôn vinh Nguyễn Tuân, thì còn trời đất gì nữa không, thưa quý độc giả ?

 

Sài Gòn chiều 9-6-2005

Nguồn : tạp chí “KIẾN THỨC GIA ĐÌNH” ( Tuần san của báo “Nông Nghiệp Việt Nam) số 25 ( 380)

Trần Mạnh Hảo
Số lần đọc: 7477
Ngày đăng: 14.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bánh bèo Ngự Bình xưa - Tiểu Kiều
Thức ăn theo mùa của Huế - Tiểu Kiều
Qua SỰ KHỦNG HOẢNG của SÁCH GIÁO KHOA, Bàn thêm về TÁC ĐỘNG CỦA XÃ HỘI vào việc DẠY VÀ HỌC MÔN VĂN - Trần Mạnh Hảo
“DÒNG SÔNG MÍA” của ĐÀO THẮNG - Trần Mạnh Hảo
Tiềm năng,tiềm lực của một vùng văn hóa cần được phát huy. - Hồ Tĩnh Tâm
Chuyện xảy ra từ cái thời loạn lạc - Phạm Lưu Vũ
Mấy lời cùng Báo “NGƯỜI VIỆT+NGƯỜI VIỆT ONLINE” của ÔNG ĐỖ NGỌC YẾN - Trần Mạnh Hảo
Đọc sách : “ Cao hơn bầu trời” - Lê Phú Khải
Nhiều người bảo Kinh Dịch khó hiểu - Phạm Lưu Vũ
Cảm thương thầy Đồ Chiểu - Trần Đồng Minh
Cùng một tác giả