Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.221
 
Vang dội Cái Ngang
Lê Tương Ứng

CÁI NGANG là tên một con rạch bình thường ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) như bất cứ con rạch khác cùng mang hương vị đồng quê muôn đời, khởi đầu bằng tiếng “Cái” thân thương: Cái Lóc, Cái Cam, Cái Cá, Cái Đôi, Cái Vồn, Cái Cạn...

 

Đặc biệt Cái Ngang có cơ hội sớm vươn lên để đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc trong giai đoạn 9 năm chống Pháp (1945 - 1954).

 

Với nhân dân Nam Bộ, cuộc chiến chống Pháp hồi nửa đầu thế kỷ XX đã  mang hai tính chất đặc biệt: tính chất ngấm ngầm của lớp người dân thuộc địa quyết đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước, kể từ mùa thu 1945 về trước; và tính chất ào ạt hào hùng của công dân Việt Nam độc lập công khai đấu tranh bảo vệ nền độc lập sau Tuyên ngôn Ba Đình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trước và sau mốc thời gian 1945, địa danh Cái Ngang luôn luôn được nhắc đến trong các sự cố quan trọng. Địa chí Cửu Long (1989) ghi:

 

“Ngày 23-11-1940, nhân dân nhiều nơi như Vũng Liêm, Tam Bình, Cái Ngang, Cầu Kè... đã anh dũng nổi dậy tiến công vào quân thù và giành được quyền chủ động trong một thời

gian ngắn”.

 

“... Quân khởi nghĩa thu 20 súng..., đánh trả 6 đợt tấn công của giặc, đánh lui hai đợt tiến công lớn tại thị trấn Cái Ngang (huyện Tam Bình) và tại Giồng Ké (huyện Vũng Liêm).

 

Sau đó mấy năm ta giành được độc lập mùa thu 1945 nhưng ngày 30-11- 1945 thực dân Pháp trở lại chiếm thị xã Vĩnh Long. Địa chí ghi tiếp:

 

“Từ cuối năm 1946 đến cuối tháng 9-1949, các lực lượng vũ trang đánh địch hàng chục trận trên các tuyến lộ giao thông và đồn bót, giải phóng hoàn toàn huyện Tam Bình, thị trấn Cái Ngang, Ba Kè... Đầu năm 1949, lần đầu tiên lực lượng vũ trang Vĩnh Long dùng súng bộ binh bắn tan xác một chiếc máy bay của địch tại quận lỵ Tam Bình”. Vai trò của Cái Ngang hiện rõ. Cái Ngang đã trở thành một điểm chiến lược quan trọng, mặc dù có vẻ trống trải. Các đơn vị lẻ tẻ của địch chưa dám dòm ngó đến từ nhiều năm liền. Nay nhờ có không quân yểm trợ, giặc Pháp mới dám mò đến làm đề tài cho một nhà thơ già ở Ba Kè. Nhà thơ Thượng Tân Thị nổi danh cả nước, định cư tại Ba Kè (Tam Bình), bấy giờ đã 71 tuổi, có làm bài thơ dài lên án giặc Pháp, xin trích moat đoạn như sau:

 

Ba mươi Tết noi theo tục nước

Dọn bàn thờ cúng rước ông bà

Cúng rồi bưng cỗ dọn ra

Quanh bàn xúm xít cả nhà ngồi ăn

Đang trò chuyện lăng xăng năm mới

Máy bay đâu bỗng tới một đoàn

Nghe xa bỏ đũa vội vàng

Mạnh ai nấy chạy tìm hang ẩn mình

Bom thả xuống ình ình bốn phía

Người ta đều hồn vía lên mây

Chắc là bỏ cái Tết này

Chờ ngày độc lập vui vầy

Tết sau

Trong quân đội ai đâu giỏi quá

Súng F.M. bắn hạ máy bay

Trên cao rớt xuống loay hoay

Bình xăng bựt nổ cháy ngay tức thì...

Thượng Tân Thị

(Ba Kè, 1950)

 

Về mặt quân sự, Địa chí cho biết mấy nét chánh:

 

“ - Từ năm 1946, đơn vị Hồ Chí Minh đã anh dũng xung phong khắp các chiến trường Bến Tre, Sa Đéc, Trà Vinh, Vĩnh Long, v.v... và sau này phân tán hoạt động du kích trong huyện Tam Bình.

 

- Năm 1952 - 1953, tình hình căng thẳng hơn, giặc càn quét mạnh hơn trước và dùng nhiều hình thức sâu độc để đối phó với du kích ta. Đơn vị Hồ Chí Minh được Đảng đưa về làm nhiệm vụ phát động nhân dân du kích chiến tranh trong huyện Tam Bình...”.

 

Xem thế, thị trấn Cái Ngang quả là căn cứ quan trọng của ỦY BAN KHÁNG CHIẾN VĨNH LONG bấy giờ. Sau này các nhà cách mạng lão thành đánh giá rất cao khu vực Tam Bình nói chung. Đây là nơi lãnh đạo cuộc chiến đến thắng lợi cuối cùng, lại là nơi rất lý tưởng tiếp nhận chỉ thị, quân nhu, thuốc men, hàng hóa từ Sài Gòn - Chợ Lớn về để phân phối lại cho các tỉnh miền Tây.

 

Trải qua hơn nửa thời gian đấu tranh của ta (1945-1954), địch gần như không biết gì về Cái Ngang (trong báo cáo họ ghi là Cái Ngan). Điều suy đoán này dựa vào các báo cáo mật họ gởi hàng tháng từ Vĩnh Long về chánh phủ Sài Gòn.

 

Thật thế, qua một số tư liệu do Ban Giám đốc Thư viện khoa học tổng hợp Vĩnh Long dành cho giới nghiên cứu lịch sử Vĩnh Long, chúng tôi đã lưu ý:

 

1. Những mốc chánh của CM ở Vĩnh Long:

 

a) Thời kỳ bao vây địch và giải phóng nông thôn 1946 – 1949

 

b) Thời kỳ đối phó với liên quân Liên hiệp Pháp 1950 – 1952

 

c) Thời kỳ chia lửa với Điện Biên Phủ 1953 – 1954

 

2. Trong thời kỳ quân Pháp mở rộng chiến tranh toàn tỉnh, họ cũng chỉ mới nhắc tổng quát hai huyện Vũng Liêm và Tam Bình mà từ lâu họ chưa đủ sức chạm tới. Trong các báo cáo trước họ thú nhận chỉ có “sáng kiến” thả truyền đơn trên bè để “phản tuyên truyền” lại VM (báo cáo tháng 7 năm 1949) rồi đến báo cáo ngày 8-3-1950 họ mới khoe việc rải truyền đơn bằng phi cơ. Trong khi đó thì truyền đơn của Cái Ngang tháng nào mà chẳng có.

 

3. Thời kỳ chia lửa với Điện Biên Phủ (1953 -1954). Tháng 12-1953, ta Bao vây Điện Biên Phủ. Ở Nam Bộ lực lượng vũ trang của ta tranh thủ thời cơ địch vét quân về Bắc cứu nguy, đã liên tục tiến công, bẻ gãy các cuộc càn quét của chúng. Ở Vĩnh Long, địch càng thấy được tầm cỡ của CÁI NGANG, từ báo cáo 3-1953.

 

“Mặt khác, số tháp canh xây được là 6 trong quận Tam Bình, 2 từ Ba Kè đến Mỹ Hưng và 4 từ Mỹ Hưng đến Long Tân (ranh Cần Thơ trên rạch Cái Ngang), thu hẹp rất nhiều không gian sinh hoạt của Việt Minh. Nhưng những kết quả quân sự ấy phần nào bị hóa giải bởi sự đào thoát của 39 tù giam trong trại Vĩnh Long, họ đã lấy của lính coi ngục hai tiểu liên và 1 súng trường. Số lớn đám này hiện đang phân tán trong vùng Tam Bình là nơi có chỗ cho họ hoạt động”.

 

- Trong báo cáo tháng 4-1953 họ xác định tầm quan trọng của Cái Ngang:

 

“Mặt khác, cảm thấy vùng Cái Ngang sắp bị lực lượng Pháp Việt chiếm mất, các Chi bộ VM đã làm những việc cần thiết để di chuyển sang nơi khác tất cả cơ quan họ thiết lập ở đây từ nhiều năm qua. Sau rốt, còn một sự kiện đáng ghi báo. Đó là việc đào thoát cả khối 79 tù binh chiến tranh thuộc Tiểu khu Vĩnh Long vào đêm 24 rạng 25 tháng 3”.

 

Trong báo cáo này họ tỏ ra đã làm chủ tình hình ở Cái Ngang, một vùng tường đồng vách sắt, nhưng họ biết đâu Cái Ngang đã như có phép mầu “thiên biến vain hóa, ẩn ẩn hiện hiện” bảo toàn lực lượng từ lâu”

 

4-1953 được đánh yếu qua sự tái chiếm vùng Cái Ngang (xã Mỹ Lộc và Hậu Lộc) nơi này VM mạnh mẽ, có nhiều ĐĐ đồn trú thường trực và đã thành lập nhiều cơ sở quan trọng (cấp quận, cấp tỉnh)”. Kèm theo báo cáo, họ tự khai một số thua thiệt ở Cái Ngang:

 

- 10-4-1953 hành quân ở Cái Ngang, bị thương 11

 

- 11-4-1953 hành quân ở Cái Ngang, bị thương 18

 

- 25-4-1953 sụp bẫy mìn đường Tam Bình - Ba Kè, gần cầu Petillot, một xe bọc thép hư nặng. Đoàn xe định chiếu bóng ở Cái Ngang bị kẹt lại Ba Kè.

 

- 4-5-1953 hành quân ở Cái Ngang, bị thương 3, chết 2.

 

Thời gian lùi xa, tư liệu khó sưu tầm đủ, muốn có nhận xét vừa tổng quát vừa trung thực về di tích lịch sử của Cái Ngang oai hùng, sức một người không sao làm nổi. Chúng tôi xin mượn ngay đoạn trên hết của bản báo cáo (mật) tháng 3 năm 1954 của địch, để tạm kết thúc bài viết này - với long kính ngưỡng sâu xa mảnh đất CÁI NGANG lịch sử anh hùng (lược dịch từ bản Pháp văn đính kèm):

 

“NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT:

 

Đặc điểm của tháng 3 là các hoạt động nổi bật của địch và ta. Địch quyết làm hư ruỗng làng xã ta. Ta vận dụng lực lượng dân và quân sự các cấp để lập lại tình thế có nguy cơ suy sụp tệ hại.

 

Quả thế, lợi dụng sự gia tăng cường độ hoạt động toàn diện trở lại, sự thắng lợi của nhiều cuộc tấn công và nhiều cuộc chiếm đồn không tốn đạn một mặt, và mặt khác do sự co cụm lại của dân vệ, sự xóa bỏ một số tháp canh và sự thiếu hụt quân số của ta, VM có thể hiện diện trong các vùng bỏ trống để thực hiện các cuộc tuyên truyền chứng giải, tối thiểu cũng được dân tin nghe, mặc dù họ chẳng bám lâu.

 

Vận dụng mọi phương tiện, họ có sáng kiến luồn lách mỗi nơi một ít, gây nên nỗi sợ hãi trong dân chúng, cả trong Hương chức và nhiều phần tử thuộc lực lượng Cảnh sát.

 

Đến cuối trung tuần, tinh thần củ a dân chúng, Hương chức, Bảo an, Dân vệ (trừ vài ngoại lệ) đều dao động và xuống rất thấp. Một số nơi có dấu hiệu chuẩn bị cụ thể để di tản. Đơn từ nhiệm tới tấp. Viễn ảnh không sáng sủa và theo đà này nhiều bót sẽ lặng lẽ quy hàng”.

 

(Dân chúng ở đây nên hiểu là số ít người chuyên ăn theo giặc Pháp - ND)

 

Nhiều lần nhân dân ta hỏi nhau, địch đã hành quân quyết liệt nhưng liệu có gay hại gì không? Câu trả lời là “KHÔNG”. Báo cáo tháng 3-1954 của họ đã ghi rõ là “không có kết quả gì đáng kể”.

 

“c) Tập trung quân lực VM

 

Một trung đội ở giữa Chợ Lách - Cái Mơn

 

Nhiều trung đội ở ranh Vĩnh Long - Sa Đéc

 

Ở quận Tam Bình có sự hiện diện của lực chánh quy Những sự có mặt đồng thời của họ mới to rộng làm sao.

 

Bởi thế, những cuộc hành quân đã tổ chức, những cuộc có quy mô lớn, đã không có kết quả gì đáng kể”. (Nguyên văn câu cuối: Aussi les opérations organisées, les opérationsd’envergure n’ont-elles pas été très rentables).

 

Trước khi dừng bút, chúng tôi tưởng cần nói thêm mấy điều:

 

1. Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những người hùng Vũng Liêm, bay giờ ở Rạch Giá, Bạc Liêu, là một thành viên trong cấp lãnh đạo Tây Nam Bộ, nhất định đã có rất nhiều đêm nặng lòng vì đất Vĩnh thân yêu...

 

2. Đến ngày 7 tháng 5 năm 1954 chúng ta đã góp xong phần chia lửa với ĐIỆN BIÊN PHỦ, đánh sụp nền thực dân Pháp. Ở Vĩnh Long, địch đã tỏ ra e sợ sự lớn mạnh của quân đội ta khiến ta càng tự hào, vì nhớ lại non 10 năm trước đó, ngày 22-12-1944, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thành lập chỉ vỏn vẹn với 34 người, nhưng ai nấy đều nay tinh thần dũng cảm gương mẫu.

 

3. Phần nhận định tổng quát “tâm phục khẩu phục” trên đây bằng Pháp văn của địch, có lẽ chúng ta nên cho triển lãm tại khu di tích Cái Ngang (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) để nói lên tính trung thực của lịch sử địa phương mình với khách tham quan. Cũng có thể xem đây là những lời trăng trối chung của thực dân Pháp ở đồng bằng sông Cửu Long, thanh toán dứt khoát món nợ cướp nước năm Đinh Mão (1867)...

 

Hiện nay Cái Ngang không còn là tên gọi đơn sơ của một miền thôn dã chung chung. Nó đã thấm đượm khí phách hiên ngang của một vùng đất lịch sử vinh quang, có thể sánh vai với tất cả các địa danh lừng lẫy của tỉnh bạn trong đồng bằng sông Cửu Long cũng như trong cả nước.

 

Tự thân là một vùng đồng ruộng không thuộc hạng phì nhiêu, không có chút hơi hướm gì của núi của rừng hiểm trở, vậy mà nhờ vị trí đặc biệt trên bản đồ, nhờ lòng dân yêu nước, yêu Đảng, nhờ lãnh đạo sáng suốt công minh, Cái Ngang đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, trở thành một địa danh vang dội và... hiên “ngang”, từ thành công trong chống thực dân Pháp đến thành công trong chống thực dân mới (giặc Mỹ) tiếp sau

 

Tháng 4-2005

 

Tư liệu chính:

- Cửu Long Địa chí, NXB Cửu Long 1989

- Rapport d’ensemble (của tỉnh Vĩnh Long gởi về chánh phủ Sài Gòn từ 1947 đến 1954 (do Thư viện Vĩnh

Long sao lục lưu trữ).

- Thượng Tân Thị, giai tế đất Vĩnh Long (tác giả sưu tập)

Lê Tương Ứng
Số lần đọc: 3876
Ngày đăng: 22.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ? - Lê Phú Khải
TRẬN ĐÁNH chỉ được THẮNG không được BẠI - Lê Phú Khải
Di tích lịch sử Côn Đảo - - Nguyễn Đình Thống
Tiềm năng biển và đảo - Nguyễn Trọng Tín
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY - Trần Dũng
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 2 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 3 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam - Khuyết danh
6 biểu tượng thiên nhiên của Phần Lan - Khuyết danh