Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.218.767
 
Ái Nhân " Một hồn thơ nhân hậu"
Nguyễn Thanh

 

 

  

  Ái Nhân là bút danh của nhà thơ tên thật Nguyễn Văn Khâm (hay Nguyễn Thành Khâm). Ông còn có thêm tên: Nguyễn Thành, Nguyễn Lương và được anh em trong kháng chiến gọi là Thần Hòa Bình (Theo nhà thơ Hà Thanh Trúc) do tính tình nhân hậu của ông.

   . Ái Nhân sinh năm 1913 tại làng Tân Quới, quận Trà Ôn, Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long). Nguyễn Thành Khâm là cán bộ kháng chiến hai thời kỳ hoạt động trong địa bàn TP Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long) sau đó lên Sài Gòn.

Sau giải phóng, ông làm Trưởng phòng Luật sư tỉnh Vĩnh Long.. Ái Nhân nguyên là hội viên của hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, và đã mất năm 2013

   . Tác phẩm: - Giải thưởng Truyện ngắn “Tàn nhẫn” (1962) của nhật báo Tiếng chuông (Sài Gòn) do Đinh Văn Khai làm chủ bút.

     -   Thuyền và bến (Thơ,2010), NXB Văn nghệ.

     -   Thơ in chung với nhiều tác giả trong tuyển tập thơ văn “Cây bằng lăng trổ

         bông”, Hội VHNT Tỉnh Cần Thơ ấn hành.

     -   Hương thời gian (với nhiều tác giả) I, II, IV, VI}

     -   Sông nước Trà Mơn                                            } do nhà thơ Nguyễn Hoàng Triều biên tập

    -   Có mặt trong tập Điểm thơ                           }

     -   Bài thơ  “Người em gái ra tù” được Ngũ Lang chọn bình trong tập thơ “Lời tự tình mùa thu” NL (NXB Văn nghệ-2004) và trong tập tiểu luận “Những nét đan thanh” NL ( NXB Văn nghệ-2008). Bài thơ “Đằng sau thơ giã biệt” được Nguyễn Thanh phổ thành ca khúc – 2002.

     -   Nhà thơ Ái Nhân được nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Bích giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp văn chương trên nhật báo Nông nghiệp số….ngày…….

 

 

          Con Rạch Cái Tắc hiền hòa bốn mùa rợp bóng dừa xanh đôi bờ như một cánh tay dài sải thẳng, từ dòng sông Trà Mơn mầu mỡ phù sa. Nước rạch không sâu, đủ cho đàn trâu nghỉ trưa hì hục tắm mát, rẩy bùn nước văng tua tủa khắp mặt sông. Cạnh đó, bên bờ rạch, đàn vịt ta lông trắng như bông bưởi đang lặn hụp đùa giỡn, hình thành nên một bức tranh quê ngày hè sinh động.

          Ngôi nhà gỗ xưa cổ kính của nội tổ để lại cho cậu tôi* lo việc thừa tự, thờ cúng ông bà nằm yên ả giữa hai đầu rạch Thông Lưu và vàm kênh Mười Thới. Bên kia bờ rạch Cái Tắc, đối diện với nhà tôi là ngôi nhà gạch lớn rộng trang nghiêm của bà bảy Phố, với hàng rào sắt cột bê tông kiên cố, che chắn hết phía mặt sông. Chính từ ngôi nhà lớn nổi trội cả một vùng quê này, anh Ba Pôn (Paul Bastien), người cháu ngoại ruột rà yêu quí của bà Bảy, một “ông Tây Việt Minh” trong một đêm đã từ vùng trong trở về, tự tay cùng các bạn đập phá và phóng lửa đốt cháy ngôi nhà tổ ấm của ngoại mình vào đầu mùa tiêu thổ kháng chiến theo lời kêu gọi của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa….

 

*        *

*

          Cách mạng tháng Tám thành công với khí thế như nước vỡ bờ. Toàn dân ba miền vùng lên giành chính quyền cho nhân dân từ tay giặc Pháp tàn bạo và bọn Việt gian tay sai. Đông bào hồ hởi vui mừng, nam nữ thanh niên tay cầm giáo mác, tầm vông vạc nhọn miệng hát vang suốt ngày đêm các bài Thanh niên hành khúc Lên đàng của Lưu Hữu Phước. Họ đi rầm rập trên khắp nẻo đường quê. Trong niềm vui háo hức ngập lòng của bà con xã Tân Quới cũng như đồng bào cả nước trong ngày hội lớn non sông, những cán bộ Việt Minh cốt cán địa phương trong số đó có Nguyễn Hùng (Nguyễn Thanh Hà) tức nhà thơ Hà Thanh Trúc, Nguyễn Thành Khâm (Nguyễn Văn Khâm) tức nhà thơ Ái Nhân và một số cán bộ khác đứng ra thành lập chính quyền cách mạng - Ủy ban Kháng chiến – tại đầu vàm kênh Mười Thới… Nhưng chỉ hơn một năm sau, thực dân Pháp lật lọng, quay đầu trở lại xâm chiếm miền Nam. Nhân dân ba miền được kêu gọi thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến. Cán bộ cách mạng, một số phải rút vào bưng hoạt động và một số phân tán ra các nơi để tiếp nối cuộc chiến đấu bí mật hay hoạt động công khai hợp pháp. Trong số đó có Hà Thanh Trúc, Trần Kim Côn tức nhà thơ Lão Nông, Lê Trung Ngân (quốc tịch Pháp) và Ái Nhân…

 

          Xuất thân từ một gia đình lao động lúc đó làm nghề bán thuốc với thương hiệu “Nhà thuốc Hay” – tại đầu vàm kênh ông Nghệ, Nguyễn Thành Khâm (Sáu Khâm) tức nhà thơ Ái Nhân cùng các anh em cả gia đình: Bảy Chiếu, Tám Chỉ, Mười Nghiệp… sớm tham gia cách mạng. Riêng Ái Nhân, vì năng nổ xuất đầu lộ diện hoạt động nổi bật trên chính trường địa phương nên thực dân và nhóm giáo phái phản động biết mặt và đặc biệt thoeo dõi. Nhà thơ phải thoát ly, hoạt động xa gia đình trong địa bàn thành phố Cần Thơ, Ô Môn, Sa Đéc, Sài Gòn, Dù rất nghiêm túc, kỹ luật trong công tác chính trị, nhà thơ vẫn chắt chiu giờ phút quí hiếm còn lại để dành cho văn chương vốn đã chiếm một không gian rõ nét trong tâm hồn mình. Truyện ngắn “Tàn nhẫn” chiếm giải nhất của báo Tiếng Chuông (1962) đã mang dấu ấn tư tưởng và năng khiếu văn nghệ buổi đầu của Ái Nhân, Tấm lòng vị tha, giàu lòng thương người hòa quyện với một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế phóng khoáng khiến hồn thơ Ái Nhân dễ rung động và lên tiếng trước mọi tình huống không gian…

          Môi trường gần gũi với nhà thơ ngay từ lúc còn ấu thơ là gia đình, chiếc nôi ấm áp của tất cả mọi người. Cha mẹ cưu mang, sanh thành con cái nên ân tình phụ mẫu của nhà thơ rất sâu đậm. Ái Nhân nhớ mẹ da diết, thương mẹ tuổi cao, mắt mờ còn phải sống trơ trọi vẫn phải khóc thương con trong cảnh tù đày: Chạnh niềm nhớ mẹ cảnh bơ vơ…/Chắc mẹ giờ đây mắt đã mòn. (Trong tù nhớ mẹ). Lời thơ Ái Nhân dung dị, không tỉa gọt, thể hiện tính hồn nhiên của con người đôn hậu. Nhà thơ thương cha với công ơn như non Thái không gì sánh nổi. Tác giả suy nghĩ, trong đời mỗi người chỉ có một cha, một mẹ, nếu không may cha mẹ bị mất sớm thì con cái không sao tìm lại được: Bởi vì chỉ một cha thôi/Bởi vì chỉ một mẹ thời sinh ra (Ơn nghĩa sinh thành).

          Với người thơ Ái Nhân, thể hiện sự tận tụy, tình yêu nồng nàn đối với con cũng là dịp tác giả cảm nhận lại được sự hy sinh và lòng yêu thương con của cha mẹ đối với mình: Con hiền đâu sợ những ngày tuổi cao/Nuôi con nào ngại gian lao (Nuôi con). Với bè bạn, đồng chí, càng ân tình chung thủy. (Tôi-Anh, Nhớ Hoàng Phong Linh) Nhà thơ không sao ngăn được xúc động khi gặp lại người đồng chí ngày trước của mình, giữa trưa hè nắng đổ “để đấu trần” lầm lũi tìm ghi được bảy trăm tên những đồng đội đã hy sinh của mình trong suốt ba mươi năm bằng cách đọc từng tấm mộ bia tại nghĩa trang thành phố. Viết và sổ cầm tay…/Săm soi từng mộ bia…/Chút tình cùng đồng đội (Chút tình cùng đồng đội).

          Về tình yêu, Ái Nhân đã thể hiện một tình cảm cao đẹp đặc biệt vì nó là một hợp thể giữa tình yêu đôi lứa và tình đồng chí. Bài thơ “Người em gái ra tù” có những vần thơ cảm động, khá hay về thi tứ có thể gây xúc động cho người đọc mà không cần phải đòi hỏi thêm ở nhà thơ về cấu trúc yếu tố nghệ thuật kinh điển. Nơi đây, tác giả đã khéo léo dìu người đọc đến những ý thơ khá mới lạ qua bối cảnh tiễn đưa đầy luyến lưu bịn rịn giữa hai người bạn tù kẻ được trả tự do sắp ra về, người thì còn phải ở lại nơi tù ngục tối tăm. “Anh ở em về, ai nhớ ai/Chắc là thương nhớ cả về hai” . Bài thơ “Đằng sau thơ giã biệt” (Nguyễn Thanh đã phổ nhạc – năm 2002) có những câu dễ lay được lòng người đọc và gần gũi với những vần thơ tuyệt bú của Hàn Mặc Tử “Chửa gặp nhau mà đã biệt ly / Hồn anh theo bóng em đi (Hàn Mặc Tử).

          Trong sáng và cao cả trên hết là tình cảm thủy chung dào dạt của Ái Nhân với Bác Hồ, vị lãnh tụ anh minh lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Tấm lòng của Ái Nhân với Bác trong “Một ngày không bao giờ quên” là sự hóa thân của một lý tưởng sắt son – là “mặt trời chân lý” soi đường hành động và đấu tranh suốt cả cuộc đời mình” Bác dạy chúng con rằng: thắng Mỹ…/Cá - nước quân – dân chiến đấu chung”

 

*        *

*

          Nếu quan niệm “Văn tức là người” thì thơ, bút danh và cả cuộc đời của Ái Nhân là tấm lăng kính phản ánh trung thực thế giới tâm tư, tình cảm và lý tưởng của nhà thơ. Đó là lòng trung kiên với cách mạng, một tâm hồn trong sáng nhân hậu. Ái Nhân không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để trải rộng tấm lòng yêu thương của mình ra để cùng san sẻ đau khổ, đói no cùng với đồng bào. Nhà thơ dựng kịch “ Nạn đói Bắc Trung” rồi cho trình diễn, gom tiền gởi cho nhân dân ở các nơi đang lâm nạn đói. Bà con nhiệt liệt hưởng ứng, mua vé đến xem đông nghẹt. Cũng chính trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, tại quê nhà, ở cương vị chủ tịch ủy ban kháng chiến xã, nhà thơ đã bình tĩnh đấu tranh với cấp lãnh đạo quân sự là anh Khương (Bộ đội anh Khương) để minh oan cho hai chị em ruột thoát khỏi tội tử hình. Họ bị tình nghi là Việt gian vì tiếp tế lương thực cho Tây. Bản thông báo giờ và địa điểm hành quyết đã được treo lên, thông báo và cảnh giác cho mọi người. Khi giờ thi hành án chết tội phạm đã gần kề, Nguyễn Thành Khâm đã nghe ngóng, tìm hiểu kỹ nơi bà con xung quanh và mạnh dạn vận động biện minh cho hai chị em khỏi phải bị chết oan chỉ vì đem mấy con vịt đi đám giỗ ở nhà người thân ở kênh Mười Thới. Phải chăng nhờ suốt đời xử sự với lòng bác ái thương người mà nhà thơ sống ung dung, khỏe mạnh, lúc nào cũng được bạn bè, đồng đội và bà con làng xóm hết lòng kính trọng yêu thương. Vượt tới ngưỡng đỉnh thượng thọ, nhà thơ Ái Nhân cứ thong dong cỡi xe đạp đi hội họp hay thăm bà con, bạn bè như một thanh niên khỏe mạnh. Hôm nay, Nhà thơ Ái Nhân đã ngấp nghé tuổi bách niên, thế mà nhà thơ Phật sống vẫn cứ vô tư, lạc quan sinh hoạt, giao lưu văn nghệ bình thường cùng bạn bè, thi khách bốn phương. Thơ và đời Ái Nhân quả thực vô cùng đằm thắm, sâu lắng một tinh thần nhân văn cao quí đáng yêu.

          Xứ Trà Mơn, làng Tân Quới, vàm kinh Ông Nghệ từ hơn sáu thập kỷ qua đã bao lần mịt mùng dậy sóng lửa binh, nhưng con người và hồn thơ Ái Nhân vẫn yên bình và đôn hậu như muôn đời mặt nước sông quê…

          Với tư cách là bạn đồng điệu vong niên vông coi như ruột thịt, tôi xin được âu yếm hôn lên hồn thơ đẹp của nhà thơ nhân hậu Ái Nhân !

       

                                                              

      Trung Thu . 2015  

                                                                      

                                                                                          

* Thân phụ tôi

 

 

                   

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 2238
Ngày đăng: 06.10.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu - Nguyễn Thanh
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa - Nguyễn Thanh
Thanh Nga "Tài hoa bạc phận" - Nguyễn Thanh
THẨM THỆ HÀ - Một tài hoa và nhân cách văn học - Nguyễn Thanh
Nguyễn Quang Sáng - nhà văn cầm súng - Nguyễn Thanh
Nguyễn Ngọc Tư - nữ nhà văn xóm rẫy - Nguyễn Thanh
Kiên Giang - Mộc mạc "Một sắc thơ miệt vườn" - Nguyễn Thanh
Giới thiệu tác giả,tác phẩm - Man Nhiên - Từ Sâm
Inrasara - nhà nghiên cứu, phê bình thơ thời kỳ đổi mới - Chế Diễm Trâm
Du Tử Lê - Đặng Phú Phong
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)