Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.166
 
Nho giáo Korea qua tiểu thuyết "Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan"
Trần Xuân Tiến

 

Nguồn: Tạp chí Hàn Quốc (2016), ISSN 2354-0621, trang 89-99

 

Tiếu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan 성균관 유생들의 나날 của nhà văn Jung Eun Gwol 정은궐 kể về cuộc sống của các nho sinh tại trường đại học Sung Kyun Kwan vào thời vua Chính Tổ 正祖 / 정조.. Tìm hiểu Nho giáo Korea qua tác phẩm này là một cách tiếp cận thú vị. Theo hướng đó, bài viết đi đến xác lập những đặc trưng cùng những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực của Nho giáo đối với đời sống chính trị, xã hội và văn hóa xứ sở Hàn Quốc thời kỳ trung đại.

 

1. Khung cảnh của vấn đề

Tiếu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan 성균관 유생들의 나날 (dịch sát nghĩa là Cuộc đời của các nho sinh Sung Kyun Kwan) của nhà văn Jung Eun Gwol được xuất bản lần đầu tại Hàn Quốc vào năm 2009. Đến cuối năm 2010, tác phẩm này được chuyển thể thành phim truyền hình dài hai mươi tập mang tên Vụ rắc rối tại Thành Quân Quán성균관 스캔들. Tại Việt Nam, sau khi được cộng đồng các cư dân mạng chia sẻ trên những website cung cấp phim Hàn và tạo nên làn sóng yêu thích khá cuồng nhiệt, cuối cùng bộ phim cũng được trình chiếu chính thức trên kênh VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam với nhan đề Chuyện tình ở Sung Kyun Kwan vào đầu năm 2012. Có lẽ thấy được sức hút của bộ phim cổ trang này, một năm sau đó (2013), các đơn vị phát hành sách ở Việt Nam đã dịch và giới thiệu tác phẩm này với cái tên khá độc đáo nhằm tạo hiệu ứng chú ý ở độc giả: Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan.

Cả tác phẩm văn học lẫn phim chuyển thể đều đã cuốn hút người đọc, người xem bởi hàng loạt các tình tiết hấp dẫn xung quanh bộ tứ nhân vật Thùy diện tứ nhân bang잘금사인방. Riêng với tác phẩm văn học, dù có dung lượng khá dày, với hai tập sách hơn 800 trang, nhưng vẫn khiến người đọc mê đắm khôn nguôi bởi lối văn bay bổng, nhẹ nhàng và tinh tế. Điều đó phần nào cho thấy giá trị về nghệ thuật lẫn nội dung của tác phẩm này. Tuy vậy, ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu về Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan, nhất là dưới góc nhìn tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa xã hội. Trong khi đó, bối cảnh của tác phẩm diễn ra vào thời vua Chính Tổ 正祖 / 정조Lý Toán (李 祘). Trong 24 năm trị vì của mình (từ năm 1776 đến năm 1800), vua Chính Tổ đã cố gắng giúp đất nước đi lên qua việc cải cách bộ máy chính quyền, dựa vào những niềm tin về lý thuyết quản lý xã hội của Nho giáo. Được du nhập vào Hàn Quốc từ thời ba vương quốc (khoảng thế kỷ IV) nhưng phải đến thời kỳ Koryeo, Nho giáo mới bắt đầu có những ảnh hưởng mạnh mẽ. Và vương triều Joseon (조선 / 朝 鮮) của nhà Lý là vương triều ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc nhất. Vì những lẽ đó, chúng tôi tiến hành tìm hiểu Nho giáo Korea qua tiểu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan như một cách đọc, cách tiếp cận nhằm gợi mở những quan tâm về tác phẩm này.

 

2. Câu chuyện về Thùy diện tứ nhân bang

Lấy bối cảnh vào thời vua Chính Tổ, tác phẩm Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan kể về câu chuyện nàng Kim Yoon Hee 김윤희cải nam trang để vào học tại Sung Kyun Kwan. Gia đình Kim Yoon Hee chẳng may lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi cha nàng đột ngột qua đời, em trai Kim Yoon Sik김윤식lại đau ốm nằm liệt giường. Yoon Hee đã giả trai thành Yoon Sik để ra đời kiếm tiền lo cho gia đình. Cuộc đời của Yoon Hee xảy ra bước ngoặt nghiệt ngã khi bị Binh phán ép về làm thiếp để trừ vào món nợ 100 lượng mà gia đình cô đã vay. Hy vọng thoát khỏi nghịch cảnh, Yoon Hee đồng ý thi hộ trong kỳ thi tiểu khoa năm Canh Tuất (1790) nhằm lấy tiền trả nợ cho Binh phán. Trong ngày thi hộ định mệnh ấy, Kim Yoon Hee bị Lee Sun Jun 이선준 (con trai độc tôn của Tả thừa tướng) bắt quả tang. Song, khi nhận thấy tài năng của Kim Yoon Hee, Lee Sun Jun lại ra tay hỗ trợ để nàng tham gia kỳ thi khoa bảng. Cả hai cùng thi đậu và vào học tại học phủ cao nhất thời bấy giờ là trường Sung Kyun Kwan ở kinh thành. Duyên phận kéo họ thêm gần nhau khi hai người được xếp ở chung tại Trung nhị phòng.

Khi theo học tại Sung Kyun Kwan, Kim Yoon Hee (lúc này thường bị mọi người gán cho biệt danh Đại Vật) bị Gu Yong Ha구용하 (biệt danh Nữ Lâm여림, một chàng trai thích hưởng lạc, sống phóng túng tiêu diêu tự tại nhưng thường có suy nghĩ sâu sắc hơn người) nghi ngờ là nữ nhi nên thường bị anh chàng này trêu đùa. Cùng ở Trung nhị phòng với Kim Yoon Hee và Lee Sun Jun còn có Mun Jae Sin문재신 (biệt danh Kiệt Ngao걸오, con trai của Đại tư hiến) tính khí đôi phần hoang dã, nóng giận lạnh lùng thất thường, hành tung khó đoán biết.

Theo thời gian, đặc biệt là trong quá trình chống lại thói hách dịch, lộng quyền của Chưởng nghị Ha In Sôo, bộ tứ tuổi trẻ tài cao, tràn đầy nhiệt huyết này dần trở nên thân thiết và tập hợp thành Thùy diện tứ nhân bang nổi tiếng khắp kinh thành. Tình cảm của Yoon Hee và Sun Jun dành cho nhau trong thâm tâm càng thêm sâu đậm. Nhưng nếu như Yoon Hee luôn nén lòng đau khổ tự nhủ sau khi hoàn thành việc học ở Sung Kyun Kwan sẽ về quê với một chức quan nhỏ thì Sun Jun do chưa biết Yoon Hee là nữ nên luôn cảm thấy dằn vặt vì trái với luân thường, và ám ảnh rằng mình bị nam sắc (yêu người cùng giới). Sun Jun quyết định đính hôn với con gái nhà Binh phán là Hyo Eun nhưng khi bình tĩnh trở lại, chàng quyết định hủy hôn, lên thư viện trên núi để trốn tránh. Sau khi biết được Yoon Hee là nữ, Sun Jun đã trở về và hai người đã thề nguyền hẹn ước. Hoàng thượng giao mật lệnh yêu cầu Tứ nhân bang tìm kiếm Kim Đằng Chi Thư và Yoon Hee đã tìm thấy. Một kết thúc có hậu ở cuối truyện, hoàng thượng tha tội cho Yoon Hee khi chuyện giả trai của nàng bị bại lộ.

 

3. Nho giáo Korea – những yếu tố tích cực

Qua câu chuyện về Thùy diện tứ nhân bang, tiểu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan đã xây dựng một không gian Hàn Quốc thời vua Chính Tổ hết sức sống động. Đây là triều đại mà Nho giáo vô cùng hưng thịnh. Xây dựng các nhân vật là các nho sinh, đang ngày đêm dùi mài kiến thức để sau này ra sức phò vua giúp nước, nhà văn Jung Eun Gwol cũng dành nhiều tình tiết để các nhân vật trao đổi về những biểu hiện của tư tưởng Nho giáo trong đời sống. Qua đó, nổi bật lên tâm thức của thời đại được chi phối bởi ý thức hệ Nho giáo.

 

3.1. Tinh thần trung quân ái quốc

Nho giáo xem quốc gia là sự mở rộng của gia đình, coi vua là cha mẹ của bách tính. “Trong xã hội truyền thống Hàn Quốc xưa (…) vua dựa vào nước, nước dựa vào vua” [5, tr.211]. Cũng như ở Việt Nam, tư tưởng trung quân của Nho giáo khi truyền đến Hàn Quốc đã được người Hàn tiếp thu trên cơ sở tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc sẵn có nên đã biến đổi thành trung quân ái quốc (忠君愛国). Lòng tin vào Nho giáo đã tạo nên cho người Hàn lòng yêu nước sâu nặng. Lịch sử Hàn Quốc cho thấy, mỗi khi đất nước và dân tộc gặp tai họa hay nạn ngoại xâm, lòng trung thành và ái quốc của quốc dân lại được phát huy. Trong tiểu thuyết Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan, tinh thần yêu nước của các nho sinh được thể hiện suốt chiều dài tác phẩm. Khi được Hoàng thượng giao mật lệnh yêu cầu tìm kiếm Kim Đằng Chi Thư, nhóm Tứ nhân bang đã dành nhiều tâm sức để thực hiện. Song kỳ thực, từ trước đó, với tinh thần quan tâm chính sự, một lòng phó tá đức vua, và lo lắng cho đông đảo bách tính, tất cả Kim Yoon Hee, Lee Sun Jun, Gu Yong Ha và Mun Jae Sin đều luôn suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến Kim Đằng Chi Thư. Cuối cùng, Yoon Hee đã tìm thấy Kim Đằng Chi Thư.

 

3.2. Đề cao chữ hiếu

Thương mẹ tảo tần cực khổ nuôi mình và em trai Kim Yoon Sik bệnh tật, Kim Yoon Hee đã giả trai, lấy danh nghĩa của Yoon Sik để tìm con đường sinh kế. Công việc chủ yếu của cô là chép sách cho cửa hiệu Sechaekbang. Không muốn mẹ thêm phiền muộn vì tình cảnh khó khăn của gia đình, Yoon Hee đã mạo hiểm chép những tiểu thuyết tình cảm (bị xem là sách cấm vào thời bấy giờ). Đây là việc làm bị cấm nên tiền trả khá cao. Thậm chí, trước áp lực phải kiếm nhiều tiền để mua thuốc cho em trai, Yoon Hee còn cả gan chép bài tập, chép những tài liệu để các nho sinh Sung Kyun Kwan sử dụng gian lận trong các kỳ thi. Những nghĩa cử thảo hiền của Yoon Hee cho thấy một tinh thần hiếu đễ sâu đậm. Đây cũng là tinh thần của người dân Hàn. Coi trọng tình cảm gia đình, hiếu kính với mẹ cha, thương yêu anh em, nhân hậu với người thân, quý trọng tình bè bạn, hoà mục với quê hương là những chuẩn mực đạo đức, những hành vi ứng xử mà Nho giáo Hàn Quốc hướng đến. Trong các mối quan hệ cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, thân tộc thì mối quan hệ và trách nhiệm đối với đấng sinh thành là cao nhất. Khi bậc song thân còn sống, nếu là kẻ hiếu đạo phải có trách nhiệm phụng dưỡng chu toàn. Nho giáo xưa có câu Phụ mẫu tại bất viễn du; du tất hữu phương. Khi cha mẹ chẳng may qua đời, phải toàn tâm chú ý tang tế theo đúng lễ tục. Cha mẹ là đấng tối thượng, phận làm con không được bất hiếu với mẹ cha. Chính ý thức có tính giáo dục cao này đã tạo ra một lối sống nhân bản, hiếu kính.

 

3.3. Tinh thần hiếu học

Xem trọng hiền tài là một trong những tư tưởng nền tảng về đạo trị quốc của Nho giáo. Các triều đại phong kiến tôn sùng Nho giáo đều chủ trương tìm ra nhân tài phục vụ đất nước thông qua các kỳ khoa cử (과거/ 科擧), còn gọi là khoa bảng (科榜). Khởi đi từ Trung Quốc, chế độ khoa cử đã được Hàn Quốc tiếp nhận và cải biến có phần nghiêm ngặt hơn. Được bắt đầu từ năm thứ 9 đời vua Quang Tông 광종 / 光宗 (tức năm 958) và kéo dài cho đến năm 1894, chế độ khoa cử tại Hàn Quốc là chế độ khoa cử dài thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). Trong quá trình tranh luận khi học tập, Lee Sun Joon cho rằng: “triều đình phải chọn ra được những vị quan thanh liêm” [6, tr.58, tập 1].

Với chủ trương ghi nhận những đóng góp của chế độ khoa cử do Nho giáo thiết lập, Cho Dong-il, trong công trình Lý luận nền văn minh Đông Á, đã chỉ ra một trong những nguyên nhân của chế độ khoa cử là nhằm hướng đến “giữ gìn di sản văn hóa chung và làm cho văn viết không bị cuốn vào khẩu ngữ” [7, tr.90]. Từ thực tế hình thức khoa cử được thực hiện sớm ở Đông Á (Trung Quốc từ năm 589, Hàn Quốc từ năm 958, Việt Nam từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông), Cho Dong-il cho rằng “nền văn minh Đông Á đã đi trước và vượt trội” [7, tr.91], “ở những nền văn minh trung đại khác không có được sự nới lỏng chế độ thân phận như vậy” [7, tr90]. Cho Dong-il cũng nhận định “chế độ khoa cử cho dù không thực hiện được đúng chức năng cân bằng xã hội nhưng đã góp phần đáng kể vào việc nới lỏng quy định áp đặt theo xuất thân” [7, tr.91]. Những lập luận này của Cho Dong-il, không hẹn mà gặp, được nhân vật Sun Joon thể hiện trong cuộc đối thoại giữa chàng và Yoon Hee: “Để bảo vệ quyền lợi của bách tính, chế độ khoa cử của chúng ta cần phải nghiêm ngặt hơn nữa. Một thế giới mọi người đều bình đẳng không tự nhiên xuất hiện nếu chúng ta không cố gắng” [6, tr.58, tập 1]. Tức là, Sun Joon và các nhân sĩ trí thức thời trung đại Hàn Quốc quan niệm chế độ khoa cử là cơ hội để các sĩ tử có thể hiến dâng sức mình giúp dân giúp nước; song song đó, bách tính muôn dân có được những vị quan tài đức song toàn. Chính hình thức khoa cử đã tạo nên một tinh thần hiếu học đáng quý trong tính cách của người Hàn Quốc.

 

4. Nho giáo Korea – những yếu tố tiêu cực

Là đứa con tinh thần lạ kỳ bởi cuộc giao phối diễm tình giữa văn chương và lịch sử, tiểu thuyết lịch sử vừa mang trong mình đặc tính sáng tạo, hư cấu vừa là nơi dung chứa những ký ức sử liệu của một thời đại đã qua. Đặt vấn đề trong một khung cảnh của quá khứ, tiểu thuyết lịch sử một mặt tạo ra những giá trị nghệ thuật mới, một mặt tìm cách lý giải những hiện tượng xưa cũ trong ánh nhìn của hiện đại. Đằng sau câu chuyện tình bi ai và gay cấn của đôi trai tài gái sắc Sun Jun và Yoon Hee, tiểu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan chuyển đến độc giả những tác động tiêu cực của Nho giáo đối với đời sống xã hội Hàn Quốc thời kỳ trung đại. Đó không chỉ là cản lực đối với tình yêu của hai nhân vật chính mà còn là cản lực khiến xã hội trì trệ.

 

4.1. Tư duy bảo thủ, giáo điều

Hết sức đề cao lễ nghi, Nho giáo cống hiến cho đời sống xã hội những truyền thống lễ nghĩa giá trị, mang tính giáo dục cao, được cụ thể hóa thành những phong tục, lối sống gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày. Hàn Quốc từ xưa đã được gọi là Đông phương lễ nghĩa chi quốc (동방예의지국 / 東方 禮 義 之國). Tuy vậy, hệ thống lễ trị của Nho giáo cũng chính là sợi dây ràng buộc suy nghĩ cũng như hành động của con người. Con người trở nên cứng nhắc, chỉ chăm chăm một khuôn phép xưa cũ, lâu dần sinh ra tính bảo thủ. Những quy tắc trong Sung Kyun Kwan chính là biểu hiện sinh động cho những hạn chế này của Nho giáo ở Hàn Quốc thời đại phong kiến. Vì quy định “trước khi những hậu bối mới đến hành lễ ra mắt tiền bối thì không được phép bước chân vào nhà ăn” [6, tr.141-142, tập 1] nên Sun Joon và Yoon Hee phải nhịn đói cả buổi tối đầu tiên khi mới đến Sung Kyun Kwan. “Ở Hàn Quốc, Nho giáo được tiếp nhận một cách nhiệt tình và có hình thái nghiêm ngặt đến độ ngay bản thân người Trung Quốc cũng cho rằng những môn đồ người Triều Tiên tỏ ra đoan chính hơn họ” [12, tr.203]. Việc áp dụng thái quá những quan niệm về tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức, chính danh.... trong cuộc sống, đã sinh ra một lối quản lý xã hội có phần chuyên quyền, chủ quan, kém dân chủ, trở thành những lực cản đối với sự phát triển của xã hội. Trong tiểu thuyết Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan, những chi tiết kiểu như “dám cả gan mắt chạm mắt với hoàng thượng cũng là tội bất kính rồi” [6, tr.29, tập 2] không hề khó tìm. Đây là những ví dụ rõ nét cho thái độ giáo điều của Nho giáo.

 

4.2. Phân cấp thứ bậc, giai tầng xã hội

Với hình thức khoa cử, “về mặt lý thuyết, triều đình cũng là một hệ thống cai trị theo tài năng được điều hành bởi những học giả xuất sắc nhất được lựa chọn thông qua những cuộc thi ở các địa phương và ở cấp toàn quốc tổ chức theo từng thời điểm định kỳ” [12, tr.204]. Thế nhưng, thực tế diễn ra cho thấy chế độ khoa cử đã bộc lộ những mặt hạn chế của nó. Nho giáo cổ xúy xây dựng một xã hội ổn định. Song, nếu xét về căn nguyên của vấn đề thì hầu hết những phép tắc nhằm tạo ra sự trật tự ổn định ấy đều hướng đến việc duy trì cho đặc quyền đặc lợi của thiên tử, củng cố hệ thống quan quyền cai trị, từ đó gây ra tình trạng kéo dài sự phân biệt đẳng cấp. Chính vì luôn đứng ở tâm thế và lập trường của giai cấp thống trị nên Nho giáo chưa nhận thấy được vai trò của những người thuộc tầng lớp bị trị trong công cuộc cải tạo xã hội. Sự phân cấp thứ bậc, giai tầng xã hội thể hiện qua trường hợp của anh chàng Geo Yong Ha đào hoa. Geo Yong Ha là con một thương nhân. Để có thể vào học ở Sung Kyun Kwan, anh đã được gia đình mình nạp mãi nhằm có tên trong gia phả của một Quý tộc Lưỡng ban (yang bang/ 양 반/ 兩 班). Hàn Quốc giai đoạn này, theo Andrew C.Nahm, trong Lịch sử và văn hóa bán đảo Triều Tiên, ngoại trừ giới vương tộc (dòng họ của nhà vua), xã hội gồm có bốn giai cấp: Quý tộc Lưỡng ban và gia đình của họ; Trung nhân (con ngoài giá thú của Quý tộc, những người làm việc cho triều đình như: thái y, quân đội, nghệ sĩ…); Thường dân (gồm nông dân, thợ thủ công, các nhà buôn), và cuối cùng là Tiện dân (천민 / 賤 民hay còn gọi là Bạch đinh, gồm những người nô lệ, gia nhân, những người tham dự vào các nghề không mong muốn…) [1, tr.132-134]. Đến thời vua Chính Tổ (bối cảnh của tiểu thuyết Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan), vua này đã cho phép tầng lớp Nam ban (một phần thiểu số của Lưỡng ban, còn gọi là Thứ nghiệt, tức con của vợ lẽ hoặc của người hầu nữ) được tham gia ứng thí kỳ thi Cử nhân và Tiến sĩ. Nhưng dù vậy, khi bước vào Sung Kyun Kwan, tầng lớp này vẫn bị phân biệt đối xử, “không được vào sống ở Thanh trai, mà chỉ được tá túc tạm Nam hiên” [6, tr.226, tập 1]. Ngoài ra, còn có quy định: “Tây trai là chỗ ở của tiến sĩ, Đông trai là chỗ ở của cử nhân” [6, tr.117, tập 1]. Tất nhiên, phòng ốc, tiện nghi sinh hoạt của Tây trai và Đông trai là hoàn toàn có khoảng cách.

Trên đây, chúng ta đã có dịp nhận thấy mặt tích cực của Nho giáo khi xây dựng và duy trì chế độ khoa cử. Nhờ khoa cử mà văn minh trung đại Hàn Quốc nói riêng, văn minh trung đại Đông Á nói chung đã đi trước và vượt trội các khu vực khác trong vấn đề thay đổi xuất thân, địa vị xã hội. Tuy vậy, chế độ khoa cử lại mang tính hai mặt khi chính nó cũng dần trở thành rào cản để các tầng lớp thấp trong xã hội có thể thay đổi thân phận. Dù luôn khẳng định vấn đề tu thân là nhiệm vụ của tất thảy mọi người (tức là từ thiên tử, quan quân cho đến thường dân) nhưng thực tế cho thấy việc học tập, tu dưỡng của tầng lớp thống trị vẫn được quan tâm nhiều hơn ở xã hội phong kiến. Cơ hội để thường dân tham gia học tập là rất khó. “Trên thực tế, chỉ con trai của giai cấp quý tộc yangbang mới có đủ thời gian và tiền bạc để học toàn bộ sách kinh điển của Khổng giáo, để làm thơ và tập viết chữ” [4, tr.19]. Khi Yoon Hee cho rằng bách tính “chỉ biết làm việc và sản xuất đến hết đời. Với những người có của thì thế gian này rất đủ đầy, nhưng đối với những người không có gì trong tay thì thế gian này hoàn toàn thiếu thốn.” [6, tr.390, tập 1], Jae Shin đã kết luận về thực trạng xã hội thời bấy giờ: “Thực ra, thế gian này không thiếu thốn. Chỉ là của cải đều dồn về một phía nên những phía còn lại phải chịu phần thiệt thôi” [6, tr.391, tập 1].

Nhằm khẳng định tính lỗi thời của sự phân biệt giai cấp, nhà văn Jung Eun Gwol đã xây dựng nhân vật Sun Joon với hình tượng là một trí thức cấp tiến của thời đại với biệt danh Giai lang가랑- hoàn hảo cả về gia thế, ngoại hình, nhân phẩm lẫn học thức. Trong cảm nhận của Yoon Hee, Sun Joon “là con cái nhà quyền quý, mà không những chẳng tự kiêu, trái lại chàng còn rất khiêm nhường hòa nhã” [6, tr.38, tập 1], “thái độ đối với kẻ hầu của chàng lại như đối với tiểu đệ” [6, tr.40, tập 1]. Tại buổi Lễ tân bảng, Sun Joon hỏi Đông Chưởng Nghị: “Giữa thể diện quý tộc và đạo lý làm người, nếu nhất định phải bỏ một trong hai thứ, huynh sẽ bỏ thứ gì?” [6, tr.145, tập 1]. Câu hỏi này không chỉ là Sun Joon hỏi Đông Chưởng Nghị mà dường như đó còn là sự chất vấn của nhà văn Jung Eun Gwol đối với tư tưởng phân cấp của Nho giáo. Một sự định giá lại trong hoàn cảnh, tâm thức của đương đại.

 

4.3. Tư tưởng trọng nam khinh nữ

Khi tình cờ đến Hưởng quán thính và phát hiện thân phận nữ nhi của Yoon Hee, sau giây phút ngạc nhiên, Jae Shin đã vô cùng lo lắng. Điều đầu tiên mà Jae Shin nghĩ đến là Yoon Hee đã dám cả gan giả nam nhân bước chân vào Sung Kyun Kwan và đặc biệt là đã dám “tham gia đầy đủ các buổi lễ dâng hương được cử hành ở Đại Thành điện, những nghi thức mà nữ nhi không bao giờ được nghĩ đến” [6, tr.74, tập 2]. Dẫu thể hiện sự quan tâm dành cho Yoon Hee nhưng những suy nghĩ băn khoăn của Jae Shin đã cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ không những được thể chế hóa thành những luật lệ trong chốn triều đình mà còn trở thành tâm thức hiển nhiên của con người thời bấy giờ. Câu nói tựa như một mặc định của Sun Dol: “Đàn bà con gái sao biết đọc sách gì được” [6, tr.114, tập 1] là một minh chứng cho ý thức hệ mang tính tất định này. Nho giáo chủ trương tạo ra những hình mẫu nam giới tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (Thân tu nhi hậu gia tề, gia tề nhi hậu quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình 身修而後家齊, 家齊而後國治, 國治而後天下平). Với thái độ nam tôn nữ ti남존여비/ 男尊女卑, hạ thấp vai trò, khả năng và phẩm chất của phụ nữ, Nho giáo đã tạo ra một hiện thực bất bình đẳng giới vô cùng nghiêm trọng trong xã hội. Quan điểm phân biệt về giới này là tiền đề cho chủ nghĩa gia trưởng phát triển, gây ra hàng loạt hệ lụy mà rõ nét nhất là việc kìm hãm người phụ nữ thông qua những quy ước xã hội hết sức ngặt nghèo. Phụ nữ “chỉ được hưởng một chút sự giáo dục hoặc không hề được học hành và là nô lệ thật sự trong suốt cuộc đời họ đối với cha, chồng và con trai” [4, tr.19]. Họ phải tuân theo đạo tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), phụ thuộc tuyệt đối với nam giới, khi còn nhỏ thì phải nghe lời cha, lúc xây dựng gia đình thì nhất mực thuận theo ý chồng (phu xướng phụ tuỳ), ngay cả đến khi chẳng may góa bụa thì cũng phải nương theo tâm ý của con trai mà sống. Ở tư thế bị động, người phụ nữ thời phong kiến ở Hàn Quốc phải chú tâm hơn hết vào việc tề gia nội trợ để trở thành một người phụ nữ của gia đình, không được tham gia vào các hoạt động khác bên ngoài xã hội. Việc học hành, thi cử, làm quan đối với phụ nữ trở thành một thứ xa xỉ, một giấc mơ quá đỗi xa vời trong cuộc đời của họ. Rõ ràng, đây là quy định trái với quyền và nhu cầu của người phụ nữ!

Vấn đề người nữ bị khinh rẻ còn thể hiện qua hai nhân vật mẹ của Yoon Hee và kỹ nữ Điêu Thuyền. Vì sao Điêu Thuyền lại dành trọn cả trái tim yêu thương cho Yoon Hee? “Lúc đầu chỉ muốn đùa giỡn, nhưng rồi Điêu Thuyền đã thích Yoon Hee. Vì chỉ có Yoon Hee công nhận giá trị của Điêu Thuyền, tốt hơn cả trăm lần những gã đàn ông ôm vàng bạc châu báu đến nói lời yêu thương nàng” [6, tr.162, tập 2]. “Từ trước đến giờ Điêu Thuyền chỉ gặp những gã đàn ông không bao giờ quan tâm đến thứ gọi là thể diện của kỹ nữ” [6, tr.170, tập 1]. Suy nghĩ của Điêu Thuyền cũng chính là nhận định mà Sun Joon có lần chia sẻ cùng Yoon Hee khi thảo luận về đời sống xã hội: “Thường thì đàn ông chúng ta rất ít khi nghĩ cho phụ nữ” [6, tr.287, tập 1]. Còn mẹ của Yoon Hee thì có lần đã tâm sự một cách chân thành mà buồn bã: “Không có học vấn, cũng chẳng biết gì về chính trị (…) Mẹ là nương tử của các con, là mẹ của Yoon Hee và Yoon Sik” [6, tr.361, tập 2].

Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào ý thức hệ của con người thời kỳ phong kiến. Ngay cả tư tưởng của chính nữ giới cũng không thể thoát khỏi vòng kim cô được đặt lên số phận của họ. Yoon Hee “chỉ đơn giản lớn lên cùng tiếng đọc sách của cha” [6, tr.31, tập 1]. Nàng có niềm đam mê với việc học: “thế giới sách vở lại càng cuốn hút cô, càng khiến cô muốn được đắm mình lâu hơn trong đó, miệt mài nghiên cứu không kể giờ giấc” [6, tr.32, tập 1]. Dẫu có tinh thần quyết đoán, mạnh mẽ hơn người, nhưng khi bước chân vào học tại Sung Kyun Kwan, tâm trạng Yoon Hee vẫn vô cùng căng thẳng và sợ hãi, cô sợ chuyện cải nam trang của mình bị bại lộ. “Mấy con thú bằng đá trên bốn góc thành cầu nhìn chằm chằm từng người đi qua như giám sát. Yoon Hee cảm giác chúng đang tra khảo cô, tại sao lại có một đứa con gái dám chen vào đám nam nhân thế này, hai gối cô run lên cầm cập” [6, tr.92, tập 1]. Ý nghĩ về một thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến được Yoon Hee cay đắng cảm nhận: “Đàn bà cũng là người sao? Yoon Hee chỉ biết cười chua chát. Ở đất nước này, đàn bà chỉ là đàn bà, không được xem là con người” [6, tr.15, tập 2].

 “Thế giới quan và nguyện vọng của nhóm phụ nữ thuộc tầng lớp yangban sống ở thủ đô sẽ khác so với những phụ nữ dân thường sống ở khu vực nông thôn” (The worldview and aspirations of an upper status yangban woman living in the capital would have been quite different from those of a commoner status women living in a rural area) [10, tr.3]. Đó là trường hợp của Phù dung hoa Ha Hyo Eun. Là con gái của Binh phán, Hyo Eun đem lòng yêu thương Sun Joon nhưng kết cục không thành. Cuộc đời của nàng tuy có được may mắn học hành chút ít nhưng cũng chỉ là học những lễ nghi, cầm kỳ thi họa để sau này phụng sự cho gia đình chồng, chứ không vì mục đích cho bản thân. “Những phụ nữ là vợ của các yangban hay các nhà quý tộc thì được học hành nhưng những quy định nghiêm ngặt về quan hệ xã hội cấm họ giao thiệp với những người đàn ông xa lạ” [4, tr.19].

 

4.4. Tư tưởng chạy theo danh vọng

Bên cạnh tính tích cực là đề cao sự phấn đấu, trau dồi kiến thức, năng lực để cống hiến cho xã tắc, tư tưởng chính danh của Nho giáo, do quá đề cao danh phận, đã khiến tư tưởng hám danh có dịp nảy sinh và phát triển thành thói tệ. Khoa trường như chiến trường, như chính cảm nhận của Yoon Hee thì “là bãi chiến trường không vũ khí” [6, tr.47, tập 1]. Bị ám ảnh bởi tư tưởng danh vọng, nhiều sĩ tử đi thi cả đời không đậu gây ra chuyện dở khóc dở cười. Nhà văn Jung Eun Gwol miêu tả cảnh trường thi trong một lát cắt trớ trêu như thế. Gặp đề thi khó, có người phải bỏ dở giữa chừng, hoặc nếu cố gắng làm bừa thì tâm trạng cũng chán nản, âu lo: “có những người bài làm còn chưa xong một nửa cũng đang thở ngắn than dài không chút che đậy. Trong đó, một số thí sinh đứng tuổi thì đúng là lệ rơi khoa trường, gặp ai cũng kể lể cảnh ngộ bi thương của mình (…) vài người đã nộp quyển xong thì tới bên an ủi hoặc khóc lóc cùng họ” [6, tr.62, tập 1]. Khi yết bảng kết quả, tình cảnh vừa thương vừa tội này cũng một lần nữa khiến độc giả suy ngẫm về tư tưởng chạy theo danh vọng của người Hàn: “Xung quanh, rất nhiều thí sinh xem xong bảng tên liền tiu nghỉu ra về hoặc tu tu khóc lóc tại chỗ, trong số họ có không ít người đã lớn tuổi” [6, tr.87, tập 1]. Tư tưởng chạy theo danh vọng, thậm chí còn biến tướng thành những mê tín mù quáng như đoạn kể về các nho sinh trước kỳ thi: “có người bảo ngủ với phu nhân của hoạn quan thì chắc chắn sẽ đỗ (…) hoặc mua lại quần trong của một người đã từng đỗ đạt trước đó” [6, tr.341, tập 2].

 

5. Nho giáo Korea – nhìn từ lăng kính hiện đại

Câu chuyện cải nam trang của Yoon Hee cùng với mối lương duyên của cô cùng với Sun Joon khiến cho độc giả không khỏi liên tưởng đến truyền thuyết diễm tình nổi tiếng của Trung Quốc là Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài (梁山伯與祝英台). Tuy nhiên, duyên nợ giữa Yoon Hee và Sun Joon mang màu sắc hoàn toàn khác, không chỉ bởi tính chất nhẹ nhàng, kết thúc có hậu, mà còn vì định hướng nhìn nhận lại Nho giáo thời trung đại được nhà văn Jung Eun Gwol cố tình dụng công. Mối tình của Yoon Hee và Sun Joon bước qua một giai đoạn mới khi Sun Joon biết được sự thật Yoon Hee là nữ nhi. Giờ đây, Sun Joon đã không còn dằn vặt bản thân với ý nghĩa mình mắc bệnh nam sắc: “Đây đúng là một giấc mơ. Không thể có chuyện bao nhiêu hy vọng, tưởng tượng của tôi đều trở thành hiện thực” [6, tr.194]. Và từ đây, đôi uyên ương ngập tràn trong niềm hạnh phúc đắm say. Nhưng đương lúc tưởng như sắp bước vào cuộc mây mưa, Sun Joon vốn là người điềm đạm, đã tỏ thái độ chần chừ và hỏi Yoon Hee: “Chưa tổ chức hôn lễ chính thức mà đã giao hợp thì khác gì cầm thú. Ta thì không sao, nhưng ta không thể để nàng mang tiếng xấu được” [6, tr.195]. Trong hoàn cảnh này, nhà văn Jeong Un-Gwol, một cách sắc sảo và táo bạo đã để nhân vật Yoon Hee phát ngôn hết sức mạnh mẽ: “Chuyện tình dục giữa nam và nữ là lẽ tự nhiên do trời định, còn đạo nam nữ thụ thụ bất thân là của các thánh nhân đặt ra. Nhưng huynh nghĩ xem, trời là bậc cao hơn cả, chi bằng ta cứ phá vỡ các luân thường đạo lý, chứ sao có thể đi ngược lại ý trời. Huynh định giữ lễ nghĩ cho mình mà không nghĩ cho tôi sao” [6, tr.195]. Trong bối cảnh “tiếng nói của phụ nữ đôi khi rất khó để tìm thấy trong các tài liệu chính thức và các tác phẩm văn học thời kỳ Joseon” (women’s voices are oftentimes difficult to find in the official documents and literary records of Chosŏn) [10, tr.6] thì tiểu thuyết lịch sử thời hiện nay, rõ ràng, được đặt lên vai sứ mạng phải giải quyết những mâu thuẫn xã hội đương thời và lý giải những thực trạng này bằng lăng kính hiện đại. Và Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan của Jeong Un-Gwol, trong một chừng mực nhất định, đã hoàn thành nỗ lực đó qua cách xây dựng nhân vật Yoon Hee có tinh thần phóng khoáng và chủ động trong tình yêu.

 

6. Kết luận

Trải qua những biến thiên của lịch sử, trong mọi mặt đời sống của Hàn Quốc ngày nay, Nho giáo đã trở thành một trong những hệ tư tưởng triết học đạo đức, triết học chính trị - xã hội có sức ảnh hưởng đậm nét. Nho giáo luôn khẳng định vị thế là sợi chỉ đỏ chi phối hầu khắp các tư tưởng và hành động, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, giáo dục và luân lý. Trong Hàn Quốc - Đất nước và con người, Kiến Văn và Nguyễn Anh Dũng cho biết: “cách thức hành xử và những quan hệ xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo vẫn còn là một nhân tố quan trọng trong nếp suy nghĩ và sinh hoạt” [12, tr.204] của người Hàn Quốc hiện nay. “Quy tắc ứng xử của xã hội Hàn Quốc là tuân theo những nguyên tắc của Nho giáo, cho dù từng người dân có thể theo các tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Kitô giáo hay Tin lành (…) Nho giáo như mạch nước ngầm ngấm sâu vào xã hội Hàn Quốc” [3, tr.45].

Đề cao tình bạn chân thành bất chấp đảng phái chính trị thông qua hình tượng nhóm Thùy diện tứ nhân bang, cũng như dành nhiều chương đoạn để đặc tả về những mối quan hệ gia đình, triều chính phức tạp, tác phẩm Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan phần nào cho thấy những đặc điểm của Nho giáo Hàn Quốc trong thời kỳ trung đại. Bên cạnh những điểm tích cực như tinh thần trung quân ái quốc; đề cao chữ hiếu, nền luân lý gia đình được chú trọng; tinh thần hiếu học, Nho giáo Hàn Quốc cũng còn nhiều yếu tố tiêu cực làm trì trệ xã hội. Đó là tư duy bảo thủ, giáo điều; sự phân cấp thứ bậc, giai tầng trong xã hội; tư tưởng trọng nam khinh nữ và tư tưởng chạy theo danh vọng. Thiết nghĩ, thưởng thức tiểu thuyết Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan chính là học sử ở trong truyện vậy.

 

Nguồn: Tạp chí Hàn Quốc (2016), ISSN 2354-0621, trang 89-99

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Andrew C.Nahm (1993), Lịch sử văn hóa bán đảo Triều Tiên (Introduction to Korean history and culture), Nguyễn Kim Dân dịch (2005), NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[2] Dương Thu Ái và Nguyễn Kim Hanh biên soạn (2014), Tìm hiểu văn hóa người Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[3] Mai Ngọc Chừ và Lê Thị Thu Giang (2013), Nhập môn Hàn Quốc học, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

[4] Cơ quan thông tin hải ngoại Hàn Quốc (1994), Hàn Quốc: lịch sử và văn hóa (Korea – It’s history và culture), Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội dịch (1995), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[5] Phạm Văn Đức, Hwang Eui Dong và Kim Sea Jeong đồng chủ biên (2015), Trách nhiệm xã hội của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam và Hàn Quốc, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[6] Jeong Un-gwol정은궐 (2009), Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan성균관 유생들의 나날, Nguyễn Việt Tú Anh dịch (2013), NXB Hồng Đức.

[7] Cho Dong-il (2010), Lý luận nền văn minh Đông Á, Hà Minh Thành dịch (2015), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

[8] Kim Moon-Jo (2013), Người Hàn Quốc là ai?, Phạm Quỳnh Giang dịch (2016), NXB Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM.

[9] Trần Thị Thu Lương (2010), Đặc trưng văn hóa Hàn Quốc từ truyền thống đến hiện đại, NXB Tổng hợp TP.HCM, TP.HCM.

[10] Michael J. Pettid and Youngmin Kim (2012), Introduction of Women and Confucianism in Choson Korea, State University of New York Press.

[11] Nguyễn Bá Thành chủ biên (1996), Tương đồng văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[12] Kiến Văn và Nguyễn Anh Dũng biên dịch (2010), Hàn Quốc - Đất nước và con người, NXB Thời đại, Hà Nội.

[13] Tsuboi Yoshiharu, Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, Đoàn Lê Giang dịch, http://www.caphechieuthubay.com/2012/08/nho-giao-o-trung-quoc-nhat-ban-han-quoc.html, ngày truy cập: 12/6/2016.

Trần Xuân Tiến
Số lần đọc: 2646
Ngày đăng: 11.10.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sứ điệp văn hóa nơi cuộc sống tha hương - Nguyễn Đăng Trúc
Kính gửi cụ Nguyễn Du "nhân dịp về Hà Tĩnh vào ngày Giỗ lần thứ 196 của đại thi hào (10.8 ÂL) - Nguyễn Anh Tuấn
Lữ Kiều của Huế và một thời Ý Thức. - Hiếu Tân
Mạch văn cấu trúc và lý thuyết phân tích thuộc ngữ ngôn văn chương - Võ Công Liêm
"Bàn tay nhỏ dưới mưa" Bầu lên nhà văn không nhỏ Trương Văn Dân - Paul Nguyễn Hoàng Đức
Nghĩ về “cô điếm lễ độ” Kịch Jean-Paul Sartre: “The Respectful Prostitute” - Hiếu Tân
Bàn tay nhỏ dưới mưa - Đồng cảm, trân trọng và yêu thương! - Lê Thị Thanh Xuân
Tham vọng của Chữ Nghĩa - Võ Công Liêm
Giới thiệu tác giả - tác phẩm(4) - Hải Kỳ - Tôi ra cửa biển Kỉ niệm 5 năm ngày mất (25.7) nhà thơ Hải Kỳ (1949-2011) - Từ Sâm
Đi tìm Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Anh Tuấn