Hễ vào tháng này, Hà Nội lại gánh mưa bão. Trước đấy là những trận nắng tới số, hun ran số cây còn lại sau trận đổ chồng nhau ở Hà Nội. Ai ra ngoài cũng mũ nón, kín mít như sẵn sàng cách ly nhau. Sau nhiều vòng ôm nóng bỏng của mặt trời, là mưa, mưa nhỏ, mưa lớn, hạt nối hạt, cơn tiếp cơn như mưa tên, tiếng trống báo về trận bão quét. Sáng hôm nay, cây đổ trước cổng nhà tôi, chẳng có tai ách nào dù về xe hay người. Lòng đường hết xe cộ, một vật chướng chưa ai buồn kéo đi vì vẫn mưa, gió quất gãy mấy lá cờ. Cũng lý do không đi đâu, tôi có thời gian lang thang trên Wed. Vào Da Màu, tất nhiên thôi, một thói quen một tuần vài lần. Cũng tình cờ, tôi nhặt thấy cái tên Trần Băng Khuê và đọc và thấy ưng. Cái tên này lạ, có lục tung google cũng không tìm được thông tin gì ngoài vài ba truyện đăng rải trên các wed văn chương, ít báo giấy chính thống. Ở đây, tôi thấy một phương ngữ không quá mới nhưng xa cách hoàn toàn với những bó buộc truyền thống. Chữ rất bay dù vẫn khả dĩ nắm bắt được và vẫn để vuột, tuồng như ngôn ngữ trong văn chị vừa trơn như vây cá, vừa thoắt biến thoắt hiện như mây. Lý thú. Trước giờ hiếm lắm, một người viết mới, hẵng vô danh lại khiến tôi đọc mà phải run lên vì khoái khẩu như Trần Băng Khuê. Một nỗ lực phá ra khỏi thứ xiềng cổ hủ chăng, tôi không rõ lắm, nhưng có thể đây là một mẫn cảm cần thiết trước khi hóa thân.
“Xưng tội” và “Ju” là hai truyện trong ít ỏi những truyện ngắn tôi đọc được của TBK, cá nhân tôi cho rằng đay là hai dấu mốc quan trọng trong sự viết, bất kể trước sau của chị.
“Xưng tội” viết về một cô gái luôn ngờ vực Chúa, và luôn mặc cảm tội lỗi. Cô nàng không theo đạo và có chồng là người Công giáo. Bố chồng cô cũng là người trong đạo và nhân vật nữ/cô là người duy nhất trong truyện không mang máu Chúa. Sẽ vô dụng nếu cố tìm một cốt truyện trong “Xưng Tội”, TBK từ bỏ lối kể tuyến thống, dọn cỗ mà phá bỏ bằng cách đi vào tâm thức, đúng hơn, sự vỡ ra của tâm thức. Sợi nối giữa những mảnh truyện với nhau là biên giới về ngày, về những dằn vặt liên quan đến lời răn “bới đất nhặt cỏ” lặp đi lặp lại, rồi hành động gọt táo, dao cắt vào ngón tay. Theo dõi một mạch và viết chúng lại, sẽ thấy một dàn xếp tỉ mỉ. Cách một chuỗi ngày (tuần) máu là một tuần về cái chết. Các phân đoạn tiếp nhau và kết thúc ở tuần xưng tội. Cái gì đang xảy ra trong truyện. Có phải cô gái đang đánh lừa mình bằng việc xưng tội, bắt đầu từ việc phải thuộc nằm lòng lời của Chúa “bới đất nhặt cỏ” và mỗi dấu thánh luôn bắt buộc phải đặt trên mình mỗi khi vào nhà thờ. Nơi tôi được rửa tội vào ngày mùng một tháng tư. Ngẫu nhiên không khi lễ rửa tội trùng vào ngày nói dối? Cô gái và người chồng của mình không có nhiều liên hệ với nhau ngoài thư từ. Sự xuất hiện của anh chàng thường là vị trí người được nhắc đến, kẻ đứng ngoài cuộc sống. Một con dân của Chúa và luôn than thở về những nhàm chán trong công việc. Cho đến khi anh biến mất. Nhân vật nữ tự do, và để mình kẹt vào các ngõ ngách suy tưởng. Làm theo lời Chúa hay không/xưng tội hay không/lý do mình xưng tội. Cô đến nhà thờ, đặt dấu thánh mỗi chúa nhật, bài bản như chiên. Đời sống cô không có gì, ngoài lo lắng và nghi hoặc. Cô ngờ vực chồng mình, ngờ vực những dấu thánh lẫn phòng xưng tội Ai dám chắc rằng kẻ đang đứng bên kia chưa bao giờ phạm lỗi? Ai dám chắc những người đang xưng tội như tôi sẽ không thể phạm lỗi sau khi bước chân ra khỏi nhà thờ? Chửi thề và máu là biểu hiện của sự chống lại. Không phải phản Chúa như Nietzche, Không giống Eco, cô phản lại chính những quan niệm hà khắc không cách nào thoát ra. Việc xưng tội giống như một phương pháp che mắt, một cứu vãn hữu hiệu khi không lối. Tội lỗi trong mình cô không được trút sau mỗi lần đến nhà thờ, cô tìm đến con dao và gọt quả táo. Quả táo đỏ, một ẩn dụ dễ thấy, liên tưởng đến trái cấm. Khác với sách kinh, táo không được ăn và chỉ gọt. Lưỡi dao bén vào ngón tay, đau, đấy là cảm giác đầu tiên của nhân vật. Cái đau khi bị vật sắc cắt vào, như một hình phạt mà cô gái dành cho chính mình. Bởi những trăn trở không bao giờ dứt, cô gái cắt thêm nhiều ngón tay trong lúc gọt táo. Cái đau về sau trở thành một sở thích, khoái lạc. Một trò chơi sau giờ xưng tội. Và như thế, cuộc chơi giữa xưng tội và nuôi tội tiếp diễn như một vòng tròn.
Nhà thờ trong “Xưng Tội”. Dường như chính nhà thờ là nơi kềm lại những tội lỗi. Cô gái đến nhà thờ mỗi chủ nhật, xưng tội để trừ đi những ám ảnh bủa vây mình nhưng không bao giờ, chính xác thế, cô vào nhà thờ với sự đè nặng và trở ra với trống rỗng. Lời kinh hoặc việc xưng tội không nghĩa lý gì chỉ bằng việc tuân thủ cứng nhắc. Tiếng chửi thề có là một cách chống lại trong vô thức lời chúa răn “phải bới đất tìm cỏ”? Tôi không ít lần vào nhà thờ vào Chúa Nhật. Cá nhân tôi không tôn giáo và lọt thỏm trong những con chiên, thấy loay hoay mỗi khi họ hành lễ, đọc lời chúa dạy. Tôi làm theo, nhái họ như cái máy. Lúc họ đáp ca, tôi nhẩm câu được câu chăng, ngay đến những cái đứng lên, cúi chào nhau, quỳ xuống, chắp đôi bàn tay nhìn lên tượng Chúa Jesu trên thánh giá, tôi cũng vụng về mãi mới quen. Giờ xưng tội thường liên quan đến những cái đấm ngực, miệng xưng lỗi tại tôi, tại tôi, tôi đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói việc làm…tôi làm theo dù chẳng biết tội mình. Tôi vẫn thường mắc lỗi/tội, nhưng giờ khắc đấy tôi không thể nghĩ ra một cái cớ phù hợp để dằn vặt và nhổ chúng, dâng xin vị Chúa xa lạ một phép rửa. Đấy là tôi, kẻ đứng ngoài cổng Chúa. Và tôi cũng từng băn khoăn, những kito hữu kia đấm ngực, thở than là thực lòng hay chỉ như một hành lễ, một thủ tục cần thiết không thể chối bỏ vào mỗi Chúa Nhật. Nếu chỉ bằng những cái đấm ngực, đôi lời xưng tội, có trút được hết tội mình không? Nếu thế, thánh giá là vật trang sức trên cổ chứ không phải một gánh nặng, đá tảng của công lý. Cuối truyện, nhà thờ cháy không vì một lý do gì. Tôi lại nghĩ, chính những dằn vặt, bất tín, những nghi ngờ đã nhen lửa từng ngày trong cô gái (hoặc không chỉ cô gái). Lửa dồn lửa, thế rồi nhà thờ cháy. Đức tin lớn luôn tạo ra phép màu. Cái ác lớn cũng sinh phép phù thủy. Sau khi nhà thờ cháy, cô gái thôi xưng tội, không cắt máu ngón tay. Có đúng mọi tội lỗi đã cháy hết trong ngọn lửa hủy nhà thờ thành kiến trúc tro đen. Nếu vậy, nhà thờ này là một vật cản. Vác trên mình quá nhiều truyền thống, sẽ không cựa mình được, nhưng khi nó cháy đi rồi, cô gái lại trống rỗng, không biết víu vào đâu. Không thể đánh lừa mình bằng việc xưng tội nữa. Chính lúc này, nhân vật phải tự vác thánh giá, thay vì trao thánh giá cho nhà thờ.
TBK, vẻ như thích thú với chủ đề thời gian. “Xưng tội” viết về ngày, còn Ju viết về giờ. Luôn là 2 giờ, chỉ thời khắc đấy, không lệch một giây. Chị còn một truyện ngắn, nếu tôi nhớ chuẩn là “Khói vỡ” viết về 0h. Khác với “Xưng Tội”, “Ju” thuộc thể truyện huyền ảo, siêu hư cấu, viết về cõi mơ và chết. Một nhân vật kể về một nhân vật đã chết. Trừu tượng về Ju, trừu tượng về phẩm tính nghệ sỹ thích vẽ những con ngài sau cánh bướm. Trong trạng thái chỉ 2h này, luôn là những hồi tưởng giữa vẽ và cấm đoán. Người đàn ông lạ theo dõi, đánh cắp những bức tranh có kí hiệu, tiếp tục theo dõi, gõ cửa và tịch thu Lí do bị bắt rất buồn cười. Ju sáng tạo. Tôi đọc thấy một thế lực núp bóng, thứ thực trạng đáng buồn vẫn tiếp diễn không biết sẽ bao nhiêu lâu nữa nhằm dồn những nghệ sỹ xuống vực thẳm Ju biết nếu vẽ con Ngài, họ sẽ cấm. Ju chuyển sang vẽ sâu. Ấy vậy, họ vẫn không buông tha cho Ju. Họ cho rằng Ju đã vi phạm điều gì đó mang tính cấm đoán. Sáng tạo cũng cần có giới hạn. Họ dứt khoát đề ra nhiều lề luật đối với việc sáng tạo. Rồi, họ quyết định tịch thu những bức tranh vẽ sâu của Ju. Sau đó, giam giữ nàng trong bốn bức tường đầy những thanh sắt. Cái chết của Ju, hay cái chết của tôi. Ju chết đã lâu, tôi chỉ kể lại về Ju từ những miểng ký ức rời nhau. Phần cuối truyện, Ju được chôn, một cách giã biệt cuộc sống. Cái chết của Ju ở nơi Ju đốt những bức tranh của mình. Từ vị trí này, có thể hiểu rằng tôi đã đốt tôi, Ju đốt Ju. Một phản kháng bất lực để mong một tự do tưởng tượng. Nhưng ngay nơi cái chết bay lên giữa một bầu trời đầy sâu, người đàn ông lạ vẫn xuất hiện. Cái im lặng không như thỏa mãn, nó như một mặc niệm, một hối hận. Cả “Xưng Tội” lẫn “Ju” đều có một người đàn ông giữa vị trí ngoài cuộc nhưng chi phối toàn bộ tuyến truyện. Ở “Xưng Tội”, người đàn ông trong vai trò người chồng, phiếm dụ dụ cho sự không thể hiểu cả khi anh xuất hiện ngoài vùng (các thư từ, mail…) hay trực diện trong nhà thờ. Còn “Ju”, người đàn ông là một diễn giải về thứ thiết quyền không cảm xúc. Kẻ canh cửa nghệ thuật, cái bóng lớn nhưng rất thật, không to lớn nhưng đổ bóng thành cái bao bố. Và làm sao những con ngài hóa bướm giữa một bầu trời đầy sâu? Hoặc đấy là một cứu vãn vô vọng, trong một cái cũi đầy gai thép, trong tường đá lăng mộ, con người làm được gì ngoài việc cắt cánh mình, chôn chúng xuống đất và ngồi xuống gốc cây cổ thụ lớn ngắm (Ju) qua những tầng lá thủng phía trên đầu mình.
Ju thích chơi dao và luôn làm đứt ngón tay. Trong “xưng tội”, cũng một nhân vật chơi dao, các ngón tay đấy vết cắt. Một truyện ngắn khác của TBK cũng đề cập đến việc ngón tay và dao. (Mặc niệm những ngón tay đau) Vậy tại sao lại là dao và sao lại là ngón tay. Tay là chi quan trọng hàng đầu của mọi giống loài, còn dao là vật dụng chỉ dành cho con người. Chơi dao và đứt tay, giữa cái cầm với con dao như có một mối liên kết. Người phụ nữ trong ‘xưng tội” cầm dao cắt vào chân lý nhưng cắt vào tay mình còn “Ju” chỉ là sự nhắc qua. Cả hai nàng đều cầm dao, tự làm mình chảy máu. Dao ở đây hiểu như một công cụ/vũ khí tạo ác, tay là thứ thao túng cái ác. Bàn tay của cô gái xưng tội sau/trước khi cầm dao, làm dấu thánh còn thiếu nữ Ju thì cầm bút. Tôi ngờ đây là một sự ngăn chặn chính mình vào tội lỗi. Những ngón tay đầy vết cắt là bằng chứng của tội lỗi được nuôi trong những ăn năn vờ vĩnh. Vết thương ngón tay cũng là vết thương trong tâm hồn. Tự dày vò mình cũng là từ tâm, tránh đi một tội ác lên người khác. Nếu Ju không cầm bút, sẽ cầm dao. Dao, máu trong “xưng tội” là sự giải cứu, tự chữa mình còn ở “Ju” dự cảm về cái chết.
Ju. Cái tên nhân vật và tên truyện, chủ đề truyện. Chữ Ju này có phải viết tắt từ Judgement (phán xét), hay chỉ là một chữ riêng đầy sáng tạo. Ju, gợi ra một cõi hư vô, mơ màng, rất sánh cuộn, rất liêu trai. Ju cũng biểu hiện một trạng thái, một cái tên (trong truyện nhân vật tôi không có tên).
Hai truyện ngắn, TBK đặt ra hai vấn đề lớn, tội lỗi và cái chết (tự do/nghệ thuật). Lối viết của TBK rất nhuần, ngôn ngữ sàng kỹ. Mọi dẫn dụ đều khôn ngoan, vừa lém lỉnh vừa mơ màng trong thứ mẫn cảm tiên quyết. Văn của TBK vừa đẹp vừa buồn. Khác với nhiều người viết chỉ cố công trau chuốt cái mỹ miều, đẹp để chỉ mà đẹp, buồn để chỉ mà buồn, chữ nghĩa của TBK có sức nặng. Cách viết của chị lãng đãng, không theo một luật viết nào, hủy cốt truyện, hủy cả tình huống, nhưng vẫn thống nhất trong một chủ trương có sẵn. Chị giăng đủ thứ tơ dính lẫn không dính, dẻo dai lẫn ẻo xẹo, lắm lúc thấy vướng víu, không cách nào gỡ hết vì chưa tìm ra nguyên lý “cắt” nhưng đi hết, hoặc đi lại nhiều lần trên me lộ lưới, Kim Các Tự sẽ hiển sau sương mù. Điều làm tôi thích thú ở người viết này là cá tính ngang ngược, tất nhiên, văn chương thiếu tố chất này, sẽ chỉ là món hài thi bèo nhẽo, thứ hoa giấy không sức sống. TBK viết với sự hoài nghi. Camus đã hoài nghi cuộc sống đến mức viết ra thuyết phi lý tự sát nhưng ông cũng hoài nghi cái chết và không tự sát, chỉ đến khi chuyến xe nọ chấm dứt đời ông ở tuổi 40. Hoài nghi con người, hoài nghi cuộc sống, hoài nghi cả những chân lý đã đóng đinh, cắm rễ thành tôn giáo, TBK dường như muốn vác một thánh giá gai chưa từng có, không thuộc về Chúa cũng không thuộc về ai, thứ thánh giá nặng nề này chỉ dành cho chị. Đấy là cách chị bay lên. Kafka hóa thân sau một sáng lạ lùng, côn trùng lớn, còn TBK, vẫn đương ngài. Cuộc hóa thân này, sẽ là Ju hay…
Nhưng hãy cứ bay lên, không là bầu trời, thì xích sắt.
20/8/2016
Hà Nội, bão
Tranh : Tiếng hót cuối cùng, tranh Lê Minh Phong Arylic trên bố. 80x60. 2015