Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.215.546
 
Nhớ Muối
Nguyễn Hàng Tình

                             

 

      Đắng cay là quà tặng miễn phí  vô hạn của Thượng đế để con người hiểu được mình cùng cõi ta bà của mình.  Đời người quá ngắn, quá buồn, quá dư thừa nước mắt, nên tôi chẳng cần hiểu tôi nữa để làm gì, thưa Thượng đế. Tôi phải sống cái đã, cái sống đơn giản nhất, ngài có thể gọi tên  nó là “tồn tại” mà, hay tên gọi gì khác cũng được.

 

                                                            

 

 

 

                                                              

         Tôi xuống núi, tìm tới Cà Ná là để được nhìn giọt nguồn muối, tri ân lẫn tò mò, của một người nương sống trên miền cao lùi sâu vào lục địa kia mà tiếng Chăm cổ xưa gọi là miền Kirata(Tây Nguyên). Sống trên miền núi mới thấy muối quí đến chừng nào. Rằng công thức hóa học của hợp chất muối ăn dĩ nhiên là NaCl. Nhưng điều này cũng chẳng quan trọng. Bởi với đời sống dân gian cơ hàn, mọi thứ chỉ cần ở ý nghĩa hiện sinh, trực diện, là đủ, ai hơi đâu để ý lý thuyết hay thuật ngữ làm cái khỉ mốc gì. Như tôi đây không rõ về diêm nghiệp, chỉ cần biết nếu không có thứ chất mằn mặn mang tên dân dã là Muối này tôi sẽ mờ mắt, mỹ nhân trên đời vô nghĩa, chẳng tồn tại được, không sự sống. Muối chẳng từng được quản lý cấp quốc gia ở suốt những thế kỷ dài phong kiến trước, là sản phẩm đặc biệt, cốt yếu, hàng quốc cấm sao. Giờ thì nắng miền duyên hải Cà Ná đã vả vào mặt tôi, thứ nắng khô không khốc, xát sạt, mang mùi mặn tanh nồng của biển từ những cánh đồng đầy bờ thửa trắng bao la màu nước kia phơi ra. Vốn đã lưu truyền nơi đây thừa nắng thiếu mưa mà. Cái nắng hạn tàn khốc dai dẳng cả mười trong mười hai tháng của năm có lẽ hiện hữu để cho muối. Mà thực ra, nắng bể sa mạc thế này nếu không muối thì cũng chẳng làm ra sản vật quái quỉ nghĩa lý nào khác.

     Kia nữa, cái đình để tên Thương Diêm nhiều trăm tuổi sờ sờ ra đó. Nhưng sao mà làng vắng lặng, buồn, cô quạnh quá thế này. Tôi nhìn những đứa trẻ trong làng trèo lên những đống muối ngút ngàn giữa đồng chứa nước biển để chơi, trò đuổi bắt, tuột như máng trượt ở các công viên thị thành. Lũ trẻ con bảo rằng nó thích chơi với muối hơn thứ khác, mà chẳng ngại muối bám vào. Nhưng những đống muối này không phải của cha mẹ chúng, rằng là “của người ta”. Gia đình chúng không can dự vào muối sao. Rồi chúng nó chỉ lên dãy núi Hồ phía sau lưng, cái dãy núi chạy từ đất liền nhô ra chạm biển, nhưng bóng của nó thì soi xuống đồng muối Thương Diêm. “Cha mẹ tụi con trên ấy!”, bọn trẻ cười tưng.

 

 

                                                      

                                      Gốc biển và tàn tro muối

 

 

 

       Chỉ có hai lối ngõ bước xuống đồng muối trước làng thôi. Nhưng hàng loạt những con đường ngõ lối còn lại đều hướng lên núi, rất nhiều đường mòn. Cái tín hiệu trên lẽ là phải thuộc một địa bàn nào đó trên cao nguyên chứ nhỉ. 

       Nghe nói trước đây không ai lên núi cả.

       Vừa xuống chân núi, người đàn ông có tên Đặng Bảo ngồi ình ra xả mồ hôi và nhìn tôi với ánh mắt như của một kẻ tự thú rằng mình phạm một tội gì đó. Ông bảo ông sợ tôi, vì cứ hễ người lạ xuất hiện ở làng nghĩ ngay là kiểm lâm. Cư dân biển mà sợ kiểm lâm, rừng. Ông rằng, gần mười năm rồi ông lên núi tìm đất trồng bất cứ cây gì đó ra trái để bán kiếm sống. Tiếp nối những dãy núi Chà Bang, Đá Trắng, núi Hồ ở sát biển này làm gì có đất để cắm cây xuống được. Toàn đá, núi đá. Đá khối, đá tảng, đá tròn, đá nhọn, đá to, đá nhỏ, như một trận đồ đá, lô nhô làm trắng cả dãy núi. Tôi đảm bảo với ông tôi không phải kiểm lâm.

      Và người đàn ông luôn mang nỗi sợ pháp luật như bất cứ ai trong làng Thương Diêm đã chứng minh với tôi là trên núi đá vẫn có thể trồng lên cây. Và tôi đã lội trong đá để nhìn những cây mãng cầu chen trong hốc đá. Lúc này ông kể, để mãng cầu lên cao xanh thế này, ban đầu ông đã trục gỡ từng khối đá để đặt cho được từng cây con xuống. Không cần trồng thành vườn, thành rẫy, miễn sao đặt lọt một cây con xuống là có cái để hy vọng. Ông mô tả say sưa hơn, là chỉ cần lòi ra một hốc đất rộng như hai bụm bàn tay này là đã trồng được cái cây. Để có cái đắp đổi qua ngày trước khi cây lâu niên mãng cầu ra trái, cái ăn trước mắt, vào mùa nào có mưa ông cố cắm cho được thật nhiều cây đu đủ non xuống cạnh cây mãng cầu con. Mùa mưa tuy ngắn ngủi ở xứ này, nhưng cũng đủ ẩm để cây đu đủ lớn lên. Rồi đu đủ cũng tàn tạ khi trời đất sang mùa nắng. Nhưng nó sẽ ngóc đầu dậy vào mùa mưa, để ra trái. Hàng năm gia đình ông bán mấy tấn đu đủ để sinh tồn.

       Kết quả của gần mười năm đánh vật với đá, thay vì bám mặt cho ruộng muối như ông cha, thì ông đã cắm xuống được một trăm năm chục cây mãng cầu chen trên vách núi như thế. Dĩ nhiên như bao người xung quanh, ông biết mình gốc biển, con dân dại dương.

       Thế mà năm nay, nắng hạn kéo dài, đến các tỉnh ngoài kia chịu không nổi. Thì xứ Phước Diêm này còn gì là cây với trái. Sáu trăm cây đu đủ trên vách núi của ông chỉ còn lại cái đọt, vì nắng nuốt mất lá cả rồi. Cũng như ông Bảo, gia đình diêm dân Văn Đạo lân cận cũng bám vào đá như thế để tìm cây trái. Mười mấy năm dời đá, ba trăm cây mãng cầu đã mọc lên ở sườn núi cạnh đó và cho ra trái cùng với bảy trăm cây  đu đủ. Nếu như nhà ông Bảo chỉ mỗi ông đủ sức khỏe lên núi thì gia đình Đạo huy động cả nhà. Nàng Mai, vợ Đạo, còn rì rầm là đời ông cha chỉ biết làm muối, dựa vào mặt nước biển để sống, đâu ngờ tự dưng cầm cuốc ngon lành, như nông dân chính gốc.

 

 

 

                                              *

 

 

 

        Giờ thì Mai đã là nông dân chuyên nghiệp, như bao nàng khác. Thế mà tự nhiên Mai dụi mắt: cứ sáng ra, nghĩ leo núi là sợ !. Bây giờ có ai thuê mỗi ngày mười lăm ngàn đồng, để được làm dưới làng, khỏi leo núi, là Mai bỏ núi ngay. Mai sẵn sàng quay lưng với những trảng đu đủ, khóm cây mãng cầu kia. Đến giờ thì Mai đã biết ăn của núi còn khó hơn ăn của biển dã.

        Khi đi khắp làng, càng rõ là ở Thương Diêm nhà nào giờ cũng liên lụy tới núi. Mấy năm gần đây càng đổ xô lên. Ngọn núi chật cả người. Rằng, cứ chỗ nào lòi ra chỏm đất, hoặc có khe nước, là có những  trảng cây đu đủ, mãng cầu xuất hiện. Và khi những khe núi gần hết hốc đất tra cây, người ta tìm qua những sườn núi, khe suối mà đường đi phải tính bằng ngày đường.

       Núi ở sau lưng làng. Không sống được ở trước làng thì vọng cái cổ ra phía sau làng. Bóng núi lồng xuống bóng đồng muối trước làng. Hơi nước từ đồng muối tỏa lên núi. Như tàn tro của muối.

 

 

 

                                               Thất vận

 

 

 

       Tôi nhìn những dải rừng trên núi Hồ, Đá Trắng. Chúng cũng mang đặc điểm chung của rừng ven biển là rừng cùn, thực vật kiểu hoang mạc khắc nghiệt, cây thấp lùn, và màu trắng của đá granite phong sương cùng nắng quắc chế ngự hết màu xanh.

       Cứ sáng ra tôi đứng nhìn người dân tay rựa tay liềm, dây thừng, cơm đùm cơm nắm lên núi. Họ đi như một sinh hoạt bình thường, tất yếu. Hình ảnh này nó logic với cảnh chiều về. Là khi từ trong các ngõ ngách xuống núi vào làng, người người vác gỗ, mang than, khiêng cây. Chiến lợi phẩm nhẹ thì một người tha về, nặng thì họ theo nhóm nhỏ nhóm lớn mà khiêng. Quái lạ thật, thấy than, gỗ kia được bán mua ngay giữa làng. Lúc này cả làng trở thành một chợ mua bán lâm thổ sản công khai, mà nếu chúng ta gọi họ là làng rừng cũng chả sao. Rằng, những người không đủ sức leo rừng hạ cây, đốt than, hoặc gia đình đơn chiếc thì chọn cách là trở thành những đầu mối thu mua những thứ đó. Những người khai thác củi bảo ở xứ Cà Ná ngay kế, mấy năm nay, chẳng có cái gì dễ tiêu thụ hơn củi. Nơi đó có nghề hấp cá biển chuyên nhiệp, nhưng không có núi. Thế thì bao nhiêu củi từ trên núi Hồ, Đá Trắng  của người Thương Diêm đều chảy xuống những cái làng hấp cá như Lạc Nghiệp đó. Củi cứ giá bảy đến tám chục ngàn đồng cho một mét khối. Than thì cứ mỗi ký một ngàn đồng. Với than, hễ khi nào ngư dân bên Tân Nghiệp, Lạc Nghiệp kén chọn, chê ép giá thì cả làng dồn lại cho thương lái nào đó chở lên Quốc lộ I  bán cho xe liên tỉnh chở thẳng vào Sài Gòn. Sài Gòn lại càng xa núi xa rừng.

 

 

                                                                 

                                                 *

 

 

 

       Ở làng này là thế. Từ người đàn ông trung niên, thanh niên, phụ nữ, cho đến những đứa trẻ mười bốn tuổi đầu đều trở thành lâm tặc tự lúc nào chắc chính họ cũng không cần hiểu. Ông cán bộ về hưu Văn Liễng khẳng định chỉ một số rất ít người được đi làm dưới đồng muối trước mặt làng. Xưa đồng muối đó là đồng muối thuộc làng, nay thì đã thuộc về xí nghiệp muối Cà Ná của công ty muối Ninh Thuận. Ông bảo chẳng có gì phải giấu diếm hay tránh né cả. Kể cả sự thật là chỉ một ít người không biết leo núi mới phải đi đánh cá thuê cho các tàu đánh cá ngang qua vùng biển này. Còn lại bà con đều sống bằng nghề phá rừng. Ông bảo nếu không nhờ nguồn lương hưu, chắc ông cũng đi làm lâm tặc thôi. Chứ lấy gì sống đây. Chẳng lẽ ra biển múc nước về uống mà tồn tại được. Gia đình ông, vì không thể tìm việc gì được cho cậu con trai út hăm ba tuổi nên đã xin cho cậu được đi lính chuyên nghiệp, dù gia đình đã ba người đi bộ đội rồi. Gọi là vì nước, nhưng thực chất là “cứu” mình trước về cơm áo. Thì như ông trưởng thôn Thương Diêm tỉ tê là ít nhất năm chục anh lính giải ngũ về làng thất nghiệp. Không ít người trong số đó đã bước vào cuộc sống dân sự bằng bất cứ việc gì  trên núi kia.

        Thanh niên ở đây nói ai có bắt thì bắt chứ không đi phá rừng thì lấy gì bỏ miệng. Họ quan niệm, nghề rừng cũng đổ mồ hôi sôi bong bóng, chứ đâu đơn giản. Cứ như thể, miễn đừng đi ăn cướp, ăn trộm là khỏi hổ thẹn với đời rồi. Mỗi ngày lội ít nhất tám đến mười tiếng đồng hồ mới tìm được một cây rỏi_một loại cây thân mộc, cao nhưng nhỏ, thường mọc chen trong đá núi, nó thường được dùng để dựng nhà tranh, lều lạm, hay dàn giáo. Khi mang cây này về, bán được bốn chục ngàn đồng. Họ thách tôi hãy cõng một cái cây trên lưng như thế băng từ dãy núi này sang dãy núi kia thử. Lách đá mà đi. Trầy lên trật xuống. Thương tật hoài, đầy giò, mình mẩy. Họ khai thật là họ đi đốt than như thế này nhiều năm rồi. Để đốt được một hầm than hai trăm năm chục kilôgam như thế này họ mất chục ngày đi tìm cây bìn bìn, mun, thị, trắc, cộng với hai tuần để đốt cho ra than. Mà lắm phen, đời thằng đốt than mà còn thua lỗ. Ấy là khi lấp đất chôn không kín, hở gió, hầm than chỉ còn là một đống tro. Tro thì ai mua bao giờ. Có ai đến bắt họ, thì  thường cũng chỉ bắt người, còn trả lại gỗ, than cho gia đình họ sống được ít bữa. Họ khẳng định, khi thả ra, họ sẽ lại lên núi. Bắt ban ngày thì lên núi ban đêm vậy. Tôi mang câu này của họ về gặp lại ông Liễng ở dưới chân núi: Họ nói thiệt hay giỡn vậy, bác ?.

       _Sự thật đã diễn ra thế thường rồi. Có gì mà họ phải đùa giỡn, hay thách thức_ông Liễng.

      Tôi ngơ ngác. Một thế giới sống tỉnh rụi.

 

 

Mơ về… diêm dân

 

 

 

        Hỏi ước gì ở cuộc đời này. Ai cũng bảo “Thích làm diêm dân”. Muốn được làm việc trên cánh đồng muối trước làng.

        Đã là diêm dân mà mơ ước trở thành… diêm dân. Tình cảnh này lại tiếp tục đưa tôi vào những xúc cảm trái khoáy về họ. Tôi biết cha ông họ sống bằng diêm nghiệp, mấy chục đời làm muối rồi chứ phải chơi. Trong giấy tờ ai cũng khai nghề nghiệp là: “Làm muối”, “Diêm dân”. Họ sinh ra trên đồng muối, lớn lên trước đồng muối, trong hơi thở có muối, giọng nói có muối. Mở mắt ra nhìn là thấy muối. Cha ông họ từng đánh Tây để dành quyền làm chủ trên đồng muối công nghiệp này, đưa vùng muối Cà Ná nổi tiếng về cho người Việt Nam, thay cho các tay tư bản Pháp thời thuộc địa hôm nào. Thế mà nay thèm đi làm muối. Giờ thì  ông Nguyễn Tánh, một trong hiếm hoi thợ làm muối cao tuổi nhất hiện còn sống, từng chính kiến bao biến cố trên sở muối Cà Ná trở nên chậm rãi: Ông cha tôi sinh ra, sống và thác đều trên đồng muối này. Nhưng thằng Tới con tôi nay lên núi làm… lâm tặc. Xin làm công nhân cho đồng muối người ta không cho, vì “không có chỗ”. Ông bảo ông thương thằng Tới. Còn tôi, tôi nhìn đôi vai chai sần và thân hình gầy guộc của Tới khi nó cởi trần gánh than từ trên núi về mà lặng người.

     Tôi tự hỏi mình, nếu là người Thương Diêm, Phước Diêm, Cà Ná tôi sẽ làm gì.

 

 

 

                                              *

 

 

 

   Nên ông trưởng làng Thương Diêm hàng ngày cứ nhìn dân đi lên núi phá rừng. Thấy chợ than, chợ gỗ họp công khai giữa làng. Ông chỉ biết ngẩn ngơ nhìn. Làng ông ba ngàn dân, với trên một ngàn tư người đương tuổi lao động. Xí nghiệp muối Cà Ná chỉ chứa, sử dụng một trăm mười lăm lao động.

      Sóng ngầm cơm áo đã diễn ra ở cái làng được gọi là làng diêm nghiệp này kể từ khi đồng muối lên đời “hiện đại hóa” qui trình sản xuất muối, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Nguồn nhân lực từ năm trăm nhân công trên đồng muối cho rụng, sa thải dần xuống còn hơn trăm. Nhiều người từng vì sự khốn khó của thời bao cấp mà tạm xa nghề làm muối đi làm thuê lặt vặt, chạy chợ, làm ngư phủ nay cũng đều không thể quay trở lại. Huống chi những lớp người mới lớn, chen đâu. Vì thế mà trong tình cảnh gian khổ chung đó, đi đâu trong làng cũng nghe người ta so bì, trách móc nhau, kiểu: bây giờ muốn được làm muối phải con ông cháu cha, họ hàng, tiền, hoặc thân thích với giám đốc xí nghiệp muối, với lãnh đạo Công ty muối. Khó khăn của đời sống, làm mọi thứ nó li ti, chật chội, nghiệt ngã theo. Tôi như tê dại khi nghe người ta so bì nhau nhà bà X, ông Y… có đến hai người được ra đồng làm muối. Còn nhà họ, năm bảy lao động vẫn duy nhất một nghề… phá rừng, thứ nghề không phải tổ tiên dạy, để lại.

 

 

 

                                            *

 

 

 

      Chàng Tới, con diêm lão Nguyễn Tánh nói vu vơ như không cần sự chia sẻ của ai cả: Cứ mỗi ngày mở mắt, bước ra khỏi làng là gặp đồng muối. Mà thấy nó xa lạ với mình quá.

      Bạn lại làm mặn hơn cả… muối, Tới ơi.

      Nghe vậy, tôi sao bước lại ra đồng muối nỗi. Tôi quay ngược ra sau, rồi nhìn lên núi Hồ, dãy Đá Trắng mà hãi hùng. Bất chợt nhớ lại người làng đã kể về cơn lũ quét từng ào ào đổ xuống làng Thương Diêm này hai năm trước. Khiến cả làng ngập hết. Đá lăn và nước đổ từng gần như nuốt chửng những diêm dân nơi đây, khi mà chính họ đã dọn sạch những cây gỗ thưa thớt hiếm hoi vốn là vật cản đá khối duy nhất trên dãy núi đá này.

 

 

                                                              

                                                               *

 

 

 

        Hàng ngày người Thương Diêm lầm lũi lên núi, và đã tiến xa hơn đến dãy Đá Trắng. Họ sẽ dọn nốt những cây gỗ cuối cùng của một dãy núi non nhìn ra biển cả bao la. Bước tôi lê trên quê muối mà chân như không chạm được mặt cát, vì đây đó chợt nghe lương dân đang xì xào một chuyện còn nóng lạ hơn nữa là người ta đang tính đưa cả xứ muối này thành vùng công nghiệp sản xuất thép, thương hiệu sẽ là “Thép Cà Ná”, “Thép tôn Hoa Sen” gì gì đó. Mà công dân biển, cá muối thuần thục, quen tay ấy còn hụt hơi, nào ai biết mô tê gì về sắt thép, kỹ nghệ, công nghiệp ở thế giới đó. Ngàn năm làm muối còn tuột khỏi tay. Ngay thực tại đây, tôi không thể hình dung khi đã quét sạch cây bìnlin, mun, trắc  cuối cùng kia, họ sẽ làm gì, và rồi cháu chắt họ, mai này. 

      Thương Diêm này, là một làng xứ nằm bên biển, thuộc xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Người Thương Diêm này, sống sát mép nước biển kia. Tổ tiên họ tạo nên “muối Cà Ná” nức tiếng khắp Đông Nam Á, và sau này cũng là vùng sản xuất muối công nghiệp sớm nhất trên dải đất Việt Nam ngày nay từ đầu thế kỷ trước. Tên làng của họ mang linh cốt nơi bán mua muối, và… yêu… muối, thương …muối. Tên chi mà tới gan ruột thế.

     Tôi đi khám phá muối, mà sao rơi vào tình cảnh thế này, “Lingik  tathik  lo (cảm ngữ người Chăm ở các làng quanh xứ Cà Ná hay dùng hàng ngày)_ (Trời Biển ơi)” ! ./.

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 2411
Ngày đăng: 22.10.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu xưa Tuy Phong - Phan Chính
Ngọc trong đá - Nguyễn Thanh
Rừng trong phố - Minh Tứ
Ghi chép Március - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Trần Dzạ Lữ - Nhật ký hành trình Tuy Hòa - Phú Yên, một lần đến... - Trần Dzạ Lữ
Ngày Hạ Xanh Cabramatta - Phạm Nga
Shiva Bạc Phơ Trong Panduranga - Nguyễn Hàng Tình
Sức sống trên cao nguyên đá - Minh Tứ
Ghi chép Április - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Ghi chép Május - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả