Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.212.056
 
Phùng Há - Vị đắng của tài hoa
Nguyễn Thanh

 

 

              Phùng Há (1911-2009), tên thật Trương Phụng Hảo, là nghệ sĩ tiền phong nổi tiếng của sân khấu cải lương Việt nam. Bà gắn bó suốt cả cuộc đời cho nghệ thuật, có công đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế thừa mà về sau nhiều người đã đạt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân. Nghệ sĩ Phùng Há cũng dấn thân vào công tác từ thiện rất tích cực trong giới nghệ sĩ : đề xuất mua đất và xây dựng Chùa Nghệ sĩ tại Sài Gòn (1958). Phùng Há từng là giảng viên của trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (trước 1975). Sau ngày thống nhất đất nước, nghệ sĩ Phùng Há là Ủy viên Hội đồng các nghệ sĩ, với nhiệm vụ giúp Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước trong việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân cho diễn viên và những người hoạt động nghệ thuật. Năm 1984, Phùng Há được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Sau khi qua đời, NSND Phùng Há được an táng tại nghĩa trang chùa Nghệ sĩ do chính bà sáng lập.

 

               Nghệ sĩ Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) - một địa danh quen thuộc từng đi vào thơ ca dân gian : Đèn Sài Gòn, ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèm Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu/ Anh về học lấy chữ nhu/ Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ. Đó cũng là chiếc nôi ấm áp và rộng lớn của những người hoạt động nghệ thuật cải lương với những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng như : Năm Châu, Năm Phỉ, thầy Năm Tú,.. Thân phụ của Phùng Há là Trương Nhân Trưởng, gốc người huyện Hạc Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và mẹ là bà Lê Thị Mai, người Mỹ Tho. Phùng Há là phát âm theo tiếng Quảng Đông từ tên Phụng Hảo (- -). Vì là con thứ sáu trong gia đình nên bà được gọi theo cách của người miền Nam là cô Bảy Phùng Há. Năm Phùng Há được 9 tuổi, không may người cha qua đời. Gia đình gồm có bà và mẹ đưa cha về Trung Quốc chôn cất. Khi trở lại Việt Nam thì nhà cửa, gia sản đã bị anh ruột và người chú tìm cách chiếm đoạt khiến Phùng Há và mẹ bơ vơ không nơi nương tựa. Năm 1923, nhân phong trào đờn ca tài tử nổi lên ở Mỹ Tho, bé Phụng Hảo sáng đi bán trái cây, chiều đi học, tối vốn thích cải lương, xin phép mẹ đi nghe đờn ca. Mới học tiểu học được một thời gian, cô bé Phùng Há phải vất vả cùng mẹ xin vào làm công trong lò gạch của ông Bang Hoạch để sinh sống.

 

              Nhan sắc không có gì đặc biệt, nhưng nhờ sở hữu được giọng ca thiên phú ngọt ngào được nhiều người đồn đãi, Phùng Há được lọt vào mắt xanh của ông bầu Hai Cu, gánh hát Nam Đồng Ban cũ. Dù chỉ nghe lóm, Phùng Há cũng hát rất đúng nhịp điệu một số bài trong các bản nhạc cổ ba Nam sáu Bắc với một giọng hát rất trong trẻo mà nghe rất thống thiết bi ai! Khi lập xong gánh hát Tái Đồng Ban (1924), ông bầu gánh Hai Cu - chủ tiệm vàng lớn ở Mỹ Tho - chính thức mời Phùng Há (14 tuổi) ký bản hợp đồng với số tiền 20 đồng trong 3 năm (một số tiền rất lớn thời bấy giờ nhất là đối với người nghèo). Phùng Há về gánh hát và bà Mai, mẹ Phùng Há được theo con ăn ở khỏi tốn tiền. Phùng Há đường hoàng tham gia vào gánh hát với vai trò đào chính để đóng cặp với kép chính

                                                                1

Năm Châu (Nguyễn Thành Châu). Cũng do ông bầu đã gợi ý, bà dùng luôn cái tên Phùng Há làm nghệ danh. Với bà, chính thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh, nhạc sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) và nghệ sĩ Năm Châu là những người thầy, bậc đàn anh đầu tiên trong đời đã hết lòng dìu dắt, hướng dẫn Phùng Há để có được những bước đi vững vàng trên con đường nghệ thuật. Tư Chơi dạy đàn và ca, Năm Châu hướng dẫn về diễn xuất cho Phùng Há. Chính nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi là những người đàn ông từng hiện diện trong cuộc đời tình ái của Phùng Há thời gian sau này.

 

                Xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu, Phùng Há có vai diễn Giả Thị - vợ của Hoàng Phi  Hổ trong vở tuồng  Hoàng Phi Hổ quy Châu (soạn giả Nguyễn Công Mạnh). Khán giả Mỹ Tho đã đổ xô đến xem ban hát Tái Đồng Ban diễn tại nhà lồng chợ Mỹ Tho, chứng kiến cô bé nghèo ở lò gạch ngày nào hát trên sân khấu. Bà Mai nghẹn ngào xúc động nhìn con gái xiêm y rực rỡ, sáng sủa mặt mày mỗi khi cất lên tiếng hát khiến khán gia ai nấy cũng chắt lưỡi hít hà. Tiếp theo đó là các vở : Mổ tim Tỷ Can Anh hùng náo Tam Môn Nhai (Nguyễn Châu Thành); Khúc oan vô lượngTội của ai  (Tư Chơi). Giai đoạn này, Phùng Há đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu, rất được công chúng tán thưởng. Năm 1926, Phùng Há (16 tuổi) kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi, bậc đàn anh ân nhân của bà. Không bao lâu sau, nghệ sĩ Năm Châu rời gánh hát. Tư Chơi là một nghệ sĩ tài năng, đẹp trai, hát hay, đàn giỏi. Thông thạo Việt văn, Pháp văn, ông còn giỏi cả Hán văn và là tác giả của nhiều vở cải lương nổi tiếng với bút danh lấy tên thật là Huỳnh Thủ Trung. Sau khi có với nhau được một bé gái bụ bẫm đặt tên là Bửu Chánh thì gia đình xảy ra mâu thuẩn, không thể hàn gắn vì những bất hòa trong cuộc sống hằng ngày. Tư Chơi, rượu chè be bét suốt ngày đêm lại với bản tính hảo ngọt, đang theo đuổi cô đào Kim Thoa (Cần Thơ) xinh đẹp và hát hay khiến Phùng Há không thể chịu đựng nỗi. Ba năm sau (1929), li dị với Tư Chơi, Phùng Há (cùng các nghệ sĩ Năm Châu, Tư Chơi và Ba Du) về đầu quân cho ban hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa, gốc người Cần Thơ rồi thời gian sau lại gia nhập ban hát của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Tại đây, Phùng Há được tiếp đón nồng hậu, hợp đồng tốt, lãnh lương cao và làm đào chánh. đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu. Hôn nhân tan vỡ, bà ngoại mất rồi người mẹ yêu thương qua đời khiến Phùng Há cô đơn còn lại một mình giữa muôn vàn chông gai, khắc nghiệt của cuộc đời ở độ tuổi 18. Cô đành gom góp tiền bạc, nhờ người đưa con gái Bửu Chánh về làng Hạc Sơn, Trung Quốc, gởi cho các anh chị chăm sóc và lo cho việc học hành. Sau một thời gian, cuộc sống ổn định, cô Bảy mới đón con về. Trong thời gian đó, ở Mỹ Tho có Bạch công tử (*) Lê Công Phước (thường gọi là George Phước), 30 tuổi, con một đốc phủ rất giàu có, mới du học ở Pháp về, được cha mẹ cho quản lý gia sản. George Phước có dáng dấp thư sinh, mặt mày trắng trẻo, tính tình phóng khoáng, bặt thiệp có thể tung tiền bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào như trong các buổi họp mặt bạn bè tại nhà hàng, vũ trường, sòng bạc,..rất được tình cảm của nữ giới và anh em. Bạch công tử thích nhất là nhảy đầm, và xem cải lương, nghe đờn ca tài tử. Ban hát nổi tiếng của thầy Năm Tú diễn ở đâu, có Phùng Há đóng vai chính Mộc Quế Anh trong tuồng Mộc Quế Anh dâng cây, Bạch công tử đều tới xem và khen nức nở vai nữ chính do Phùng Há đóng. George Phước càng tỏ ra si mê Phùng Há,

                                                                     2

khiến ông bà phủ đành phải cho cậu quý tử si tình cưới cô đào trẻ đẹp hát hay dù thực lòng không muốn cô đào hát về làm dâu gia đình ông bà đốc phủ. Cô bé làm gạch nghèo khổ ởxóm Chợ Giồng ngày nào, giờ đây đã nghiễm nhiên là dâu của ông bà đốc phủ, vợ của Bạch công tử giàu sang nhất xứ. Cô dâu đào hát Phùng Há vẫn được ông bà đốc phủ rất mực yêu thương do tính tình hiền lành chơn thật.

 

               Vốn là người say mê cải lương, năm 1929, Lê Công Phước thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ cho bà vợ Phùng Há làm bầu gánh kiêm luôn đào chính khi mới 18 tuổi. Lúc này, gánh Huỳnh Kỳ lần lần tập họp được rất nhiều đào kép nổi tiếng : Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Hai Nữ, Tư Bé… và được coi là gánh cải lương lớn nhất ở Nam kỳ Lục tỉnh. Sau nhiều tháng tập luyện, đại ban Huỳnh Kỳ khai trương tại nhà lồng chợ Mỹ Tho (vì ngày trước chưa có rạp hát). Như một ngày lễ hội, áp phích, biểu ngữ, treo rợp trời trên đường phố và trung tâm chợ Mỹ Tho. Hai ghe bầu loại chở lúa lớn nhất chở tranh cảnh, phông màn và nghệ sĩ, công nhân đậu tại bờ sông Mỹ Tho. Bạch công tử, với bộ com – plê màu trắng , đội nón màu trắng cùng cô đào Phùng Há trên chiếc xe hơi mui trần hiệu Fiat Sport, từ bungalow (nhà dùng làm khách sạn) ở bờ sông chạy chầm chậm tới chơ Mỹ Tho - nơi ban hát Huỳnh Kỳ khai trương. Pháo nổ rền vang, người xem đứng chật ních hai bên đường, trẻ con hò reo inh ỏi. Có người buột miệng nói: “Từ cha sanh mẹ đẻ đến bây giờ mới thấy chuyện lạ lùng như vậy”. Sau Mỹ Tho, ban Huỳnh Kỳ dọn lên Sài Gòn ra mắt bà con mộ điệu cải lương. Ở hòn ngọc viễn đông, trong đêm diễn đầu tiên, khi ban Huỳnh Kỳ chưa hát, Bạch công tử mở tiệc thết đãi bạn bè thân hữu, nghệ sĩ và chính quyền. Khách mời Việt, Tàu, Tây đủ giới đến dự với những món cao lương mỹ vị xen với toàn rượu Champagne, Martel. Có cả một sân nhảy đầm (khiêu vũ), nhạc tây, và một phòng có vài mâm á phiện với những cô gái xinh đẹp chực chờ tiêm thuốc cho khách hút. Hôm sau, ban Huỳnh Kỳ trình diễn tại nhà hát Tây. Tại Sài Gòn, buổi sáng hai vợ chồng Bạch công tử đi ăn điểm tâm bằng xe hơi. Tới nhà hàng, xe vừa mở cửa, người của nhà hàng (tiếp viên) cầm dù chạy ra đưa Bạch công tử và Phùng Há tới cửa. Bạch công tử vẫn không quên móc túi boa cho tiếp viên vừa đón mình. Ban hát Huỳnh Kỳ diễn bất cứ nơi nào, không chỉ ở Sài Gòn mà cả Nam kỳ lục tỉnh, khán giả cũng đều chật kín rạp. Ban hát của Bạch công tử và Phùng Há ngày càng phát triển, khán giả đến xem mỗi lúc càng đông. Thừa thắng xông lên, Bạch công tử cho xây dựng rạp hát đặt cùng tên là Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà đường bệ của ông tại Mỹ Tho, dùng làm nơi biểu diễn thường xuyên cho gánh hát của gia đình. Nhưng đến năm 1931, do tình hình biến động, kinh tế gia đình của George Phước bắt đầu gặp khó khăn, ban hát lỗ lã đi lần đến đến chỗ suy sụp.

 

                  Về chuyện tình giữa Phùng Há và George Phước, hai người chung sống nhau được 7 năm và có được hai người con : con trai đầu tên Paul Lộc, con gái kế tên Suzane. Nhưng cùng với những thành công trên sân khấu cải lương của Phùng Há, thói ăn chơi hoang phí bẩm sinh của George Phước càng có điều kiện bộc phát dữ dội hơn. Ông vẫn có dịp dồn hết thời gian vào rượu chè, bài bạc, gái tơ…dần dà chẳng ngó ngàng gì đến gánh hát. Chỉ mình cô Bảy vừa lo cho con nhỏ, vừa lo hoạt động nghệ thuật, không có thời gian lo cho việc điều hành quản lý, gánh hát Huỳnh Kỳ suy sụp lần và đào kép lần

                                                                       3

lượt bỏ đi và tan rã sau đó. Có lúc cô Bảy đau khổ ôm hai đứa con bị bệnh, đi tìm chồng thì bắt gặp George Phước đang sống với một cô gái trẻ đẹp tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân. Người chồng ăn chơi tệ bạc đã quát mắng vợ, rồi phũ phàng xua đuổi ba mẹ con cô Bảy. Trở về nhà, không tiền chạy chữa thuốc thang, hai đứa con lần lươt chết trên tay cô. Chôn cất con xong, cô Bảy làm thủ tục xin ly hôn chồng. Về chung sống với bà con bên ngoại, gắng gượng đứng dậy, làm lại từ đầu, chẳng bao lâu sau, tiếng tăm cô đào Phùng Há lại nổi như cồn.

 

                 Trong thời gian đó, Bạch công tử thành hôn với nghệ sĩ Ngọc Sương quê ở Phan Thiết, vốn là một nghệ sĩ tài năng nhan sắc mặn mà, có thể biểu diễn   vừa ca vọng cổ vừa đàn guitar trên sân khấu và là cô đào chánh của nhiều đoàn hát lớn sau này. Qua đôi năm chung sống, sanh được một con gái đặt tên là Ngọc Tuyết- tự Liliane, không chịu nỗi thói ăn chơi bạt mạng của George Phước, cô trao con gái lại cho chồng và trở về Phan Thiết (1937). Hay được tin cô Ngọc Sương và Bạch công tử chia tay, vì ông cha chơi bời này không thể nuôi con nhỏ, cô bảy Phùng Há cho người đưa thư xuống  xin được nuôi con gái của Bạch công tử và cô Ngọc Sương. Năm 1948, Phùng Há cùng các nghệ sĩ : Năm Châu, Ba Vân, Trần Hữu Trang… thành lập hội Ái Hữu Nghệ sĩ  tương tế, mua một căn nhà nhỏ tại 133 đường cô Bắc làm nhà Truyền thống, thờ thánh tổ cải lương. Lúc này, Phùng Há đã làm vợ của ông Châu Văn Sáu - chủ một trang trại lớn nuôi bò với hàng trăm con, cung cấp sữa cho các nhà hàng và doanh nhân. Năm 1950, khi dựng lại đoàn hát Phụng Hảo, Phùng Há có dịp ra Huế và Hà Nội biểu diễn và cũng được tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng sau đó, đoàn hát lại tan rã tại rạp Thuận Thành Đa-kao và cô Bảy cùng ông Châu Văn Sáu cũng chia tay. Nỗi đắng cay buồn khổ cứ tiếp tục đeo bám người nữ nghệ sĩ tài hoa. Đứa con gái ruột do cô Bảy sinh ra là Bửu Chánh (Lý Bữu Trân) lại bị bệnh, mất đi bỏ lại hai con ở hải ngoại. Năm 1966, sau khi sang Pháp thăm cháu ngoại về, Phùng Há tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Buổi tối, cô Bảy đi hát chầu cho ban Ca kịch Năm Châu, ban ngày đi dạy bộ môn cải lương cho trường Quốc gia Âm nhạc. Thời gian sau đó, Phùng Há kết hôn với kỹ sư Nguyễn Hữu Bửu, một đại điền chủ ở Trà Vinh. Ông Bửu là cha của Nguyễn Long - cán bộ cách mạng tập kết ở miền Bắc và tướng Nguyễn Khánh của chế độ cộng hòa Sài Gòn. Chính kỹ sư  Bửu đã thành lập đoàn hát Phụng Hảo cho cô Phùng Há. Ông Nguyễn Hữu Bửu và Phùng Há có một ngôi nhà ở Gò Vấp, cùng sống chung với các con cháu như : Bửu Chánh – con gái ruột đã rước từ Trung Quốc về với tên Lý Bửu Trân, Nguyễn Long, Nguyễn Khánh, Lili, Nam Hùng và vài người cháu khác. Sau khi Nhật đảo chánh Tây, tình hình biến động gây khó khăn cho việc di chuyển của đoàn hát đến các nơi trình diễn nên đoàn Phụng Hảo phải rã gánh tại Mỹ Tho. Và thời gian sau, cô Phùng  Há và ông Nguyễn Hữu Bửu cũng chia tay. Với Lili, tức Ngọc Tuyết - Liliane, con của Bạch công tử và cô sáu Ngọc Sương, khi đem về nuôi, cô Phùng Há thương như con ruột, cho tới lớn và gả chồng đàng hoàng, hiện Lili ở với gia đình tại Canada.

 

                  Sau ngày thống nhất đất nước, vở hát đầu tiên Đời cô Lựu có mặt cô bảy Phùng Há cộng tác với các nghệ sĩ kỳ cựu như : Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Ba Vân,

                                                               4

 

 

Thanh Nga, Ngọc Nuôi, Nam Hùng… Khi đoàn cải lương Sài Gòn 1 được thành lập sau đó với các nghệ sĩ tài danh và kịch bản nổi tiếng : Sân khấu về khuya, Phụng Nghi đình,

Người ven đô, Ngao sò ốc hến… nghệ sĩ Phùng  Há đã tham gia với vai trò chỉ đạo nghệ

thuật. Ở vở tuồng hoành tráng Phụng Nghi đình trình diễn ngày 6/12/1976, hát suất trưa và suất tối, với sự có mặt hùng hậu của dàn nghệ sĩ lừng danh, cùng trình diễn rất độc đáo với : 3 Lữ Bố : Phùng Há, Thành Được, Nam Hùng ; 5 Điêu Thuyền : Thanh Nga, Kim Cương, Mỹ Châu, Phượng Liên, Ngọc Hương ; 3 quan tư đồ : Út Trà Ôn, Ba vân, Út Bạch Lan ; 3 Đổng Trác : Ngọc Giàu, Trường Xuân, Văn Khoe ; 2 Lý Nhu : Bảy Nam, Kim Hoàng. Khán giả chật rạp, nghệ sĩ hồ hởi, hát rất nhiệt tâm, đêm hát hết sức tưng bừng. Không ngờ, đó là đêm hát cuối cùng nghệ sĩ Phùng Há hát với người học trò cưng mà cô hết sức yêu thương : Thanh Nga trong lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền, lớp diễn mà cô Bảy và Thanh Nga đã làm say mê ngây ngất bao nhiêu khán giả mộ điệu - Ngày 26/11/1978, nghệ sĩ Thanh Nga, 36 tuổi và chồng là luật sư Phạm Duy Lân (đứa con trai nhỏ Phạm Duy Hà Linh thoát nạn) bị ám sát và chết ngay sau suất diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga. Nghệ sĩ Phùng Há có rất nhiều vai diễn gây được ấn tượng mạnh với công chúng nghệ thuật, từ đó các nghệ sĩ lớp sau được học hỏi như : Lữ Bố (Phụng Nghi đình), Dương Quý phi (Tình sử Dương Quý phi), Kiều Nguyệt Nga (Kiều Nguyệt Nga), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt)…Phùng Há cũng là nghệ sĩ tiên phong cho trào lưu đào đóng thay cho vai kép, trong hoàn cảnh sân khấu cải lương thiếu nam nghệ sĩ giỏi nghề. Chính nghệ sĩ Phùng Há đã thủ diển vai nam thành công độc đáo : Đường Minh Hoàng, Tào Tháo, Lữ Bố…Ấn tượng hơn cả là trong vai Lữ Bố mà cô Bảy đã từng diễn chung với rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi như : Năm Phỉ, Thanh Nga, Kim Cương…và đã cùng nhau đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, làm rạng rỡ nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.

 

                Ngoài tài năng nghệ thuật bẩm sinh ở một nghệ sĩ cải lương tiền phong bậc thầy bậc thầy rất đáng trân trọng, điểm sáng nổi bật ở nhân cách nghệ sĩ Phùng Há là tình cảm đôn hậu, thương người đặc biệt và tấm lòng hỉ xả khoan dung hiếm thấy trong làng nghệ sĩ và cả xã hội nhân loại đời thường. Người ta hay nhắc lại chuyện nghệ sĩ Phùng Há, trong những ngày cuối đời của tuổi 90, bà còn nhớ tìm về xây lại đàng hoàng cho ngôi mộ chỉ là một nấm đất nhỏ eo sèo không bia của George Phước - người chồng công tử ăn chơi trác táng, một thời gian vừa đưa bà lên tuyệt đỉnh vinh quang nghệ thuật mà cũng vừa khiến bà như bị rơi xuống tận cùng khổ nhục, đắng cay của một đời nghệ sĩ.

 

 

                 22.10.2016

                                                                                                        

                                                                    

 

(*) Cùng với Trần Trinh Huy (Hắc công tử) ở Bạc Liêu, được coi là cặp đôi : Hắc công tử -       Bạch công tử, nổi tiếng đốt tiền, ăn chơi khét tiếng ở Nam bộ.

 

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 2805
Ngày đăng: 28.10.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sơn Nam - Ấn tượng của tình đất tình người - Nguyễn Thanh
Ái Nhân " Một hồn thơ nhân hậu" - Nguyễn Thanh
Phan Văn Trị - Mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu - Nguyễn Thanh
Nguyễn Đình Thi - kẻ sĩ tài hoa - Nguyễn Thanh
Thanh Nga "Tài hoa bạc phận" - Nguyễn Thanh
THẨM THỆ HÀ - Một tài hoa và nhân cách văn học - Nguyễn Thanh
Nguyễn Quang Sáng - nhà văn cầm súng - Nguyễn Thanh
Nguyễn Ngọc Tư - nữ nhà văn xóm rẫy - Nguyễn Thanh
Kiên Giang - Mộc mạc "Một sắc thơ miệt vườn" - Nguyễn Thanh
Giới thiệu tác giả,tác phẩm - Man Nhiên - Từ Sâm
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)