Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.861
 
ăn cơm nhà... (phần 6)
Phạm Lưu Vũ

Chẳng cần biết trong nhà có ai, dẫu được mời, không vừa mắt vẫn có quyền không vào. Trót vào rồi, chẳng cần biết chủ đãi món gì, dẫu ngửi thấy mùi rồi, không vừa mũi vẫn có quyền không ăn. Trót ăn rồi, chẳng cần biết có ngon, có bổ hay không, cứ không hợp “khẩu vị”, là có quyền chê cái đã. Đó mới là người theo... chủ nghĩa “Khẩu vị”. Vậy chủ nghĩa ‘Khẩu vị” có đặc điểm gì?

 

Chủ nghĩa “Khẩu vị” cốt ở thời, không cốt ở người.

Thời nào có “khẩu vị” của thời nấy. Giống như thời trang, thời thượng, thời giá... nhưng tổng quát và... dễ thi hành hơn.

 

Ví dụ bây giờ là thời “hiện đại” (đã xuất hiện “hậu hiện đại” rồi), tất cái gì cũng phải “hiện đại”. Không cần xét lục phủ ngũ tạng của mình ra sao, cứ “hiện đại” cái đã. “Khẩu vị” chính là “hiện đại”. Chế ra văn thơ phải hiện đại, hiện đại ngay từ cách gọi trở đi. Ví dụ không gọi là “viết văn” nữa, gọi như thế cũ rồi. Bây giờ phải gọi là “mổ văn”, có nơi gọi là “gõ văn” hay “enter văn”. Cả ba cách gọi đều hợp “khẩu vị” vì văn thơ hiện đại được chế trên máy vi tính. Đừng lo không ai hiểu, chỉ mình mình hiểu là được. Văn như thế gọi là “thủ văn”. Thậm chí đến chính mình cũng không hiểu văn mình nữa thì lại càng “hiện đại”. Văn đó gọi là “vụt văn” (“vụt” ở đây là vụt hiện, làm ơn đừng hiểu nhầm thành vụt... roi). Cũng có thứ văn dành cho mọi người đọc, mọi người cùng hiểu y chang nhau. Văn ấy gọi là... “công văn”. Cách đọc cũng cần hiện đại, ví dụ trồng cây chuối mà đọc chẳng hạn. Đọc như thế gọi là “hành văn” (tự “hành” mình). Cách nghe cũng cần hiện đại, ví dụ nghe bằng cách nhét bông gòn vào hai lỗ tai, rồi vặn tướng volume lên. Nghe như thế cũng gọi là “hành văn”, nhưng mà là “hành”... người khác. Cuối cùng đến cái sự thẩm văn chương. Theo chủ nghĩa “Khẩu vị” thời nay thì, phàm cái gì không có “mùi” hiện đại đều phải chê tuốt luốt. Đọc rồi chê đã đành mà chưa đọc, không bao giờ đọc cũng có quyền chê...

 

Chủ nghĩa “Khẩu vị” chính là dùng để phân biệt một cách quyết liệt giữa cái hiện đại với cái lạc hậu, giữa cái mới và cái cũ, giữa “bảo tân” (bảo vệ đến cùng cái mới mẻ) và “bảo thủ” (bảo vệ  đến cùng cái thủ cựu), giữa trẻ và già... Và mặc dù đã dùng khối cách để phân biệt ví dụ ăn mặc, nhẩy nhót, nhuộm tóc vàng, nói tiếng lạ... nhưng vẫn phải có thêm cái chủ nghĩa “khẩu vị” này nữa, thì một số thuộc thế hệ non trẻ bây giờ mới tách bạch hẳn với các thế hệ từ bánh tẻ trở lên.

 

Thơ văn bây giờ rẻ (không có giá), thế thì phải cố tìm một cái “danh” cho thật hiện đại, thật thời thượng... đặng tương xứng với cả một thế hệ ví dụ 8x, 9y, 0z, a còng (@)... Mặc dù tất cả đều là hệ quả của chủ nghĩa “Khẩu vị” nói trên. Nhưng cái “danh” a còng (@) rõ ràng là ngộ nghĩnh, dễ thương nhất.

Chữ “a còng” mới xuất hiện trong thời đại công nghệ thông tin kĩ thuật số này(?), nên được sử dụng để chỉ một thế hệ chuyên chế tác văn thơ hiện đại, trẻ trung. Xét Đông Tây kim cổ, rõ ràng sự thông minh, nhanh nhẩu này chưa từng diễn ra.

 

Sử Tàu còn chép rành rành. Cách đây trên năm nghìn năm, khi mà vua Phục Hy chế ra thứ chữ tối cổ của loài người, bao gồm đúng... hai “chữ cái” (hai vạch). Đó là một vạch liền và một vạch đứt. Thế rồi chỉ với hai “chữ cái” đó, Đức Phục Hy đã làm ra sáu mươi tư quẻ với ba trăm tám mươi tư hào của Kinh Dịch - một bộ sách... số học trùm hết vũ trụ, nhân tình... không bỏ sót bất cứ việc gì, mà cho đến tận bây giờ, con người thông minh, kỹ thuật số chỉ hiểu được phần nào. Thậm chí không có hy vọng hiểu hết trong... thế kỉ hai mốt này. Cách cấu tạo “văn tự” bằng hai chữ cái ấy té ra lại giống y chang cách thiết lập ngôn ngữ của máy tính hiện đại, siêu hiện đại ngày nay. “Lớp trẻ” thời Đức Phục Hy giá cũng thông minh như lớp trẻ bây giờ, chắc phải chớp ngay lấy cái “khẩu vị” ấy mà đặt “danh” cho thế hệ của mình, ví dụ gọi là thế hệ... “hai vạch” chẳng hạn?

 

Lại còn cái thời người châu Âu phát minh ra máy hơi nước. Cái máy mới kỳ diệu làm sao (tất nhiên là đối với thời chưa “hiện đại” bấy giờ). Thời ấy đi đâu người ta cũng nói đến máy hơi nước, nằm ngủ cũng mơ thấy máy hơi nước... Nhắc đến máy hơi nước trở thành mốt, thành thời trang, thành... “khẩu vị” của cả một thời. Tiếc rằng “lớp trẻ” châu Âu thời ấy hình như cũng không biết lối mà đặt danh cho thế hệ mình một cách hợp “khẩu vị”. Chẳng hạn gọi là thế hệ... “hồng hộc” (ngụ ý mô phỏng tiếng kêu của máy hơi nước)?

Hay là cái lúc mới phát minh ra cột thu lôi. Người ta thích thú đến mức chế ra những chiếc mũ đội đầu có cái đuôi ngất ngưởng chĩa lên trời. Và “lớp trẻ” lúc bấy giờ nếu cũng được như ngày nay thì phải gọi thế hệ mình một cách thời thượng là thế hệ... “đầu đuôi” (trên đầu có đuôi).

Vân vân và... vân vân...

 

Không nghi ngờ gì nữa, việc dùng cái chữ a còng (@) kia để chỉ thế hệ văn chương “hiện đại” thời nay, không những xưa nay chưa từng có, mà còn “đắc địa” lắm, thể hiện sự thông minh nhanh nhẩu nhất cổ kim. Không biết ba bốn chục năm sau, lớp trẻ lúc ấy sẽ tự gọi mình là thế hệ gì. Có điều chắc chắn là đến lúc ấy, hầu hết các “a còng” bây giờ đều đã trở thành những... “bà còng” cả rồi.

 

Thế thì (bèn) có “ca rao” (theo kiểu hậu “hậu hiện đại”, gọi là trường phái thơ Kungfu (công phu). Gớm, trình bày toát mồ hôi mới được hao hao... cây thông nô en lộn ngược. Mỗi dòng xin chỉ đọc hai chữ in đậm. Còn lại xin mời... ngắm chứ đừng đọc mất công) như sau:

 

             Bà còng cong cong cong cong cong còng

                           đi chợ ch ch ch chợ

                                      đường xa

Đường xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa

                có chợ ch ch ch ch ch ch chợ 

                            đâu mà ma ma ma mà

                                          bà đi

              Đường xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa

                         Chẳng có co co co co co có

                                        chợ gì

Cái tôm tom tom tom tom tom tom tom tom tom tom tôm

            cái tép... tep tep  tep tep tep tep tep tep tép

                         theo chi... chi chi chi chi

                                       bà còng

                                            ?

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3672
Ngày đăng: 27.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa mưa.ra đảo… - Huỳnh Kim
Ăn cơm nhà... (phần 5) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 4) - Phạm Lưu Vũ
ăn cơm nhà... (phần 3) - Phạm Lưu Vũ
Mùa yêu - Nguyễn Thành Nhân
Họ đã yêu nhau như thế nào ? - Hồ Tĩnh Tâm
Cuộc họp mặt văn chương phương Nam - Hồ Tĩnh Tâm
Tổng ông kỵ mã - Lâm Triều An
Quê hương - Nguyễn Bá
Mùa xuân - nhớ về một kỷ niệm - Vĩnh Xuân
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)