Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.650
 
Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng*
Trần Hoài Anh

                  

               Nhớ 10 năm ngày mất của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (2006 - 2016)

 

                                                                                                

     1.Không phải ngẫu nhiên, một người viết bút ký tài hoa vào loại nhất nhì nước Việt là Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi đọc tập tùy bút Cỏ hoa xứ Huế của Nguyễn Xuân Hoàng đã không tiếc lời ngợi ca văn tài của Nguyễn Xuân Hoàng và những gì Hoàng viết về Huế, khi ông xác quyết: “Tôi đã gặp trên những trang sách này cái bóng thầm lặng của Nguyễn Xuân Hoàng cúi xuống trên tấm vải của linh hồn mình để tìm cách giải mã từng sợi vải. Ở đó anh đã thấy hiện ra khuôn mặt của Huế: không phải là khuôn mặt của người tình, mà là những rung động sâu thẳm của một thế giới còn trinh nguyên, đầy chất điền dã.” (1)

      Nhận xét của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn rất am hiểu về Huế và văn hóa Huế đối với những trang viết của Nguyễn Xuân Hoàng về Huế đã cho thấy tâm thức văn hóa Huế đã trở thành một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh trong sáng tác của Nguyễn Xuân Hoàng. Có thể nói, Huế đã trở thành một trong những cảm hứng chủ đạo chi phối hành tình sáng tác và cũng là nhân tố góp phần định hình phong cách văn chương Nguyễn Xuân Hoàng.

    2. Sinh ra tại Pleiku, lớn lên ở quê ngoại Quảng Ngãi, nhưng trưởng thành ở quê nội Thừa Thiên - Huế. Huế là nơi Nguyễn Xuân Hoàng lăn lóc, dấn thân, sống những ngày tháng vui buồn, ngắn ngủi của kiếp người và cũng là nơi lưu giữ thân xác Hoàng  khi Hoàng đi ra “ngoài cõi sống” (chữ dùng của Tạ Tỵ - THA). Vì vậy, sự hiện hữu của Huế trong sáng tác Nguyễn Xuân Hoàng là điều tất yếu.

     Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng là sự kết hợp hài hòa những giao cảm của tâm thức hiện sinh chuyển vận giữa hai trục cảm xúc không gian và thời gian từ một tâm hồn đa cảm, một óc quan sát hiện thực tinh tế luôn hướng đến cái đẹp với một khao khát mỹ cảm cháy bỏng của một nghệ sĩ đa tài.

      Nói đến không gian văn hóa Huế, không thể không nói đến một trong những không gian mang đặc trưng rất Huế với vẻ đẹp diệu kỳ, huyền ảo đó là sông Hương, con sông đã trở thành cảm hứng sáng tạo của biết bao văn nghệ sĩ và mỗi người đều có cái nhìn riêng tùy theo tâm cảm của mình, đến nỗi Hoàng Phủ Ngọc Tường phải thảng thốt tự hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” Sông Hương trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng là một không gian văn hóa rực rỡ sắc hoa trùm lên thiên nhiên, cảnh vật, con người xứ Huế với bao khát vọng:“Khi trời Huế trở gió se lạnh, nắng vàng hanh hao đổ xuống đôi bờ sông Hương, sương mù nhẹ như màu sữa non choàng lên thành phố, cánh hoa mai đầu tiên trước Phu Văn Lâu vội nở từng đóa nhỏ đón ngày thứ nhất của mùa xuân. (...) Cùng với sương mù, sông Hương chảy hoài như một kỳ vọng khôn nguôi về biển cả, bỏ lại sau lưng phố phường và làng mạc đang được dệt bởi muôn màu hoa.”(tr.8) Không những thế, sông Hương trong cái nhìn của Nguyễn Xuân Hoàng còn là “chiếc quạt” làm dịu những cơn nóng mỗi khi hạ về, là nơi trú ngụ của tâm hồn khi trò chuyện cùng sông:“Vào những ngày nóng nhất của mùa hạ, sông Hương là chiếc quạt hầu mang làn gió dịu mát cho thành phố. Màu tím từ những làn gió nhẹ lan tỏa sâu vào tâm hồn và mọc thành rễ để trú ngụ đời đời ở đấy.”(tr.21) Còn trong những ngày mưa vốn không mấy dễ chịu của Huế, sông Hương trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng “mang hình hài của một triết gia và đang thiu ngủ trên mình nó là những bóng đò nhẫn nại. Trong mưa, sông Hương là một Thiên Thai ở giữa cõi trần mộng mị và mờ ảo. Màu cỏ xanh mướt hai bờ gợi nên bao kỷ niệm học trò gần gũi. Mặt sông như chìm trong mù sa lách tách tiếng mưa kêu thảnh thót.” (tr.61)

   Bên cạnh vẻ đẹp của sông Hương, Không gian văn hóa Huế trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng còn được mở ra với các khu vườn Huế mà trong cái nhìn của Nguyễn Xuân Hoàng: “Vườn Huế có lẽ là không gian đặc trưng nhất của tâm hồn nơi trú ngụ của những giấc mơ và một cuộc sống thanh thản không ưu phiền.” (tr.63) Vườn Huế không chỉ là nơi người ta tìm về để cởi bỏ ưu phiền, lãng quên những lợi danh ở cõi nhân gian đầy bụi bặm và lắm bất an mà còn là “nơi cư ngụ của đời sống tâm linh”, nơi lưu giữ những phong tục tập quán đầy tính nhân văn thể hiện sự giao cảm giữa con người và tự nhiên:“Bằng chứng là khi có người thân qua đời, cả khu vườn được mang băng tang.”(tr.64)

      Không những thế, trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng, khu vườn ở Huế không chỉ là biểu tượng của cái đẹp, của những giá trị văn hóa mà còn hàm chứa trong đó một triết lý sống thanh cao. Bởi, từ những “dấu vết chiêm nghiệm của những khu vườn Huế” ta sẽ nhận ra “sự từng trải và vị tha, nỗi khổ hạnh và sự ban phước, cuộc sống chung ưu hiền... là bài học lớn để con người làm vốn hành xử với đời. Không bon chen tư lợi, sống như là góp một chút màu xanh cho thế gian. Không cả ưu phiền, hồn nhiên như trẻ thơ, nói cười qua bao tháng năm cùng với mưa gió, vô ưu như giọt nắng mới đầu mùa ở cuối mảnh vườn xưa.” (tr.66)

     Huế là cái nôi của Phật giáo, với hàng trăm ngôi chùa nên trong những trang viết Nguyễn Xuân Hoàng luôn hiện hữu không gian văn hóa của các khu vườn chùa xứ Huế. Đó là những khu vườn “thường rộng, mênh mang. Bốn mùa gió dại tự do thổi qua ngàn cây lá, gió thổi miệt mài như một người làm vườn cần mẫn nhặt từng chiếc lá rơi để nuối tiếc một ngày đã qua.”(tr.56) Vì vậy, với Nguyễn Xuân Hoàng những chiếc lá trong các vườn chùa là thân phận của kiếp người trong cõi nhân gian đang tìm sự nương tựa trong chốn Phật đài: “Tôi nghĩ về những chiếc lá rơi thênh thang ở những khu vườn chùa Huế như đã nghĩ về đời người trong một cõi tử sinh luân xa nhiều hư ảo.”(tr.55) Vì “mỗi chiếc lá dù nhỏ cũng có một số phận riêng kỳ lạ”(tr.55)

    Và nói đến không gian văn hóa Huế, không thể không nói đến không gian kinh thành Huế, nơi đã làm nên một vẻ đẹp riêng có của văn hóa Huế tự ngàn xưa. Nó không chỉ gắn với tâm thức của người Huế mà còn gắn với tâm thức của những người yêu Huế. Bởi, ai đã một lần đến Huế mà không đi thăm các đến đài, lăng tẩm ở xứ cố đô. Nhưng để hiểu được vẻ đẹp sương khói của kinh thành Huế  không phải là điều đơn giản nếu không có trái tim và cái nhìn của người nghệ sĩ. Trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng, kinh thành Huế hiện lên những vẻ đẹp lung linh, huyền ảo tựa như sương khói mơ hồ bởi “Bốn mùa trong năm, kinh thành Huế choàng chiếc áo the đọng đầy sương khói. Có thể hình dung chiếc áo sương mù ấy trải dài từ đồi Vọng Cảnh phủ đôi tà mỏng về đến tận Cồn Hến, rồi bất ngờ vén lên duyên dáng ở đoạn cuối thành Hóa Châu xưa.”(tr.67) Và từ góc nhìn đậm chất hội họa, Nguyễn Xuân Hoàng đã vẻ lên bức tranh của kinh thành Huế mang sắc màu siêu thực khi xác tín: “Dường như vẻ đẹp thiệt thà của Huế đã được nhân lên nhiều lần, lãng đãng và hư hồ trong cái màu trắng loãng trong như sữa mẹ của sương mù”(tr.68) Và sương mù phải chăng cũng là một thứ đặc sản của không gian văn hóa Huế. Nó không chỉ làm nên vẻ đẹp của Huế mà theo Nguyễn Xuân Hoàng đó là “những góc khuất sương mù đẹp tuyệt mỹ”(tr.69) mà còn là nơi chia sẻ những yêu thương. Thế nên, Hàn thi sĩ mới thở than trong xa xót: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / Ai biết tình ai có đậm đà?” (2) Nói đến không gian văn hóa Huế, bên cạnh những kinh thành lộng lẫy, không thể không nói đến không gian của những làng ven sông như Kim Long, Vỹ Dạ mà trong tâm thức Nguyễn Xuân Hoàng: “Vẻ đẹp cổ kính của thôn Vỹ có lẽ đã bắt đầu từ những con ngõ xưa được xây dựng mô phỏng kiến trúc cung đình Huế, mái thấp vòm cửa cong, trang trí ô hộc và nhiều kiểu họa tiết dân gian đẹp mắt.” Không những thế “Thôn Vỹ cũng là nơi có ánh trăng đẹp nhất Huế. Trăng sáng vằng vặc suốt đêm thâu. Ánh trăng đổ lênh láng xuống lòng những con đường nhỏ. Dưới những vòm cây, ánh sáng chợt xanh lên màu cổ tay con gái. Vào mùa trăng, những hương bưởi, hương cau, hương chanh đua nhau trổ hoa. Hương bay lùa trong ánh sáng, e ấp chút duyên cây mong được đến với người.”(tr.91) Ánh trăng nơi thôn Vỹ cũng là ánh trăng đầy mộng mị, huyễn hoặc mà Hàn Mặc Tử đã không tiếc lời ngợi ca: “Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay?”(3) Song, Vỹ Dạ trong tâm thức Nguyễn Xuân Hoàng không chỉ có vẻ đẹp huyễn mơ của nhà vườn, của ánh trăng, của những con ngõ mô phỏng kiến trúc cung đình mà còn có dấu ấn của công cuộc đô thị hóa thiếu kiểm soát có thể “phá vỡ những giá trị văn hóa độc bản”(tr.93) Bởi, “hiện nay, Vỹ Dạ là điểm nóng của xu thế đô thị hóa ở Huế. Nhà mọc lên san sát, cánh đồng lúa đã thay bằng gò đống và nhà ở...”(tr.93) Đô thị hóa là cần thiết và xét về một phương diện nào đó cũng thể hiện sự phát triển của một vùng miền theo hướng văn minh hiện đại. Nhưng đô thị hóa bằng mọi giá mà không quan tâm đến môi trường văn hóa tất sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Vì thế, trong cái nhìn của Nguyễn Xuân Hoàng việc “lấp cánh đồng lúa Vỹ Dạ để xây dựng nhà cao tầng, hình thành một phố Vỹ mới, người Huế đang đứng trước một sự lựa chọn éo le và khắc nghiệt. Bước từ lau lách dân dã sang bê tông hiện đại, bỏ lại sau lưng một nền văn hóa lúa nước ruộng đồng. Ruộng vườn bị đẩy lùi, phố xá dang dở mọc lên, nếp sống đô thị chưa định hình lấn át bản chất thôn dã. Vỹ Dạ mà vốn tên là Vi Dã (đồng nội lau lách) chỉ còn là cái vỏ làng chứa phố...”(tr.94).  Có thể nói những điều cảnh báo của Nguyễn Xuân Hoàng là một thông điệp đầy trách nhiệm với những ai quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị làm nên bản sắc của không gian văn hóa Huế, để Huế mãi mãi là một thành phố của mộng mơ và cổ kính với thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây xanh ngát hiền hòa. Mất những điều này Huế sẽ không còn là Huế...

    Như đã nói ở trên, tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng là sự hợp hôn diệu kỳ giữa hai trục cảm xúc không gian và thời gian. Vì vậy, bên cạnh cảm thức của Nguyễn Xuân Hoàng về không gian văn hóa Huế, ta còn thấy ở trang viết của Hoàng cảm thức về thời gian qua sự chuyển đổi cảm giác giữa các mùa mà nếu không có sự tinh tế và những trải nghiệm của một tâm hồn nghệ sĩ trước thiên nhiên thì khó có thể nhận biết, chứ chưa nói đến những phát hiện thú vị như Nguyễn Xuân Hoàng đã cảm nhận: “Bây giờ đã là mùa xuân. Lá vẫn chưa thôi rơi trong những khu vườn chùa xứ Huế. Lang thang sau một ngày bận rộn đi vào tận cõi tít mù của xứ sở lặng im, tôi bỗng thấy mình như được sống lại, khi đằng sau chiếc lá rơi có gương mặt của một tâm hồn.”(tr.58)

     Và những vẻ đẹp mùa xuân xứ Huế trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng còn được thể hiện qua cảm nhận của Hoàng về cỏ hoa xứ Huế mà ở đó người đọc không chỉ thấy những vẻ đẹp lạ lùng, đầy ma mỵ của thiên nhiên Huế mà còn gắn với những hoài niệm sâu thẳm trong tâm cảm của mỗi người. Đó là hình ảnh một cội mai vàng trước Phu Văn Lâu “vội nở từng đóa nhỏ đón ngày thứ nhất của mùa xuân” là những cây mai vườn chùa “thanh khiết nhất mùa xuân. Hoa nở lặng lẽ trong tiếng kinh cầu nguyện, vì thế mà sắc vàng đốn ngộ một vẻ đẹp riêng”, là hình ảnh rừng hoa mai mọc tự nhiên ở Thủy Xuân với “lớp lớp mai già phủ tràn cả đồi núi, làm nên những động hoa vàng đẹp như cảnh thiên thai.”(tr.13). Bởi, trong tâm thức văn hóa Huế: “Chúa của mùa xuân là hoàng mai hoa. Hoa nở trong sương mù, trong nắng mới ban mai, trong giá rét và sắc vẫn vàng như tơ lụa. Ôi sắc vàng của hoa mai là một kỳ tích của tạo hóa. Như nắng mà không phải là nắng, như gió mà không phải là gió, như sương mù cũng không phải là sương mù. Sắc vàng hoa mai là tích số của trời và đất. Những chuyển biến của thái hư đã sinh thành nên một màu hoa lụa là.” (tr.9) Hoa mai trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng đã trở thành một cõi tâm linh, ở đó hoa mai như những sinh thể có linh hồn mà Xuân Hoàng gọi là “Hồn mai”, luôn ẩn chứa “một cái đẹp siêu thoát không làm sao có thể đi đến cuối cùng.” (tr.9) Cõi tâm linh ấy không phải là điều gì bí ẩn, xa lạ với cuộc sống con người mà nó là một vẻ đẹp đang hiện hữu trong cõi nhân gian nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết nếu không có một tình yêu và sự trân quí cái đẹp của tự nhiên. Nguyễn Xuân Hoàng đã thức nhận cho chúng ta điều ấy khi anh biết lắng nghe và lặng nhìn từng chiếc lá rơi trong lúc giao mùa với sự cảm nhận tinh tế của một nghệ sĩ đích thực: “Cuối mùa xuân ở Huế, lá ngô đồng rụng để cả nhân gian biết rằng đã từng có những ngày lá xanh, đã từng có cái đẹp đi đến cuối cùng từ chiếc lá rụng đầu tiên...”(tr.110)

     Và khi những chiếc lá ngô đồng rụng cũng là lúc cơ thể Huế chuyển mùa, Nguyễn Xuân Hoàng lại đưa ta về với mùa hạ của Huế, cái mùa hạ không chỉ có nắng nóng và những cơn gió Lào oi bức, mà còn có những vẻ đẹp riêng: “Ở Huế nhiều năm, tôi chợt nhận ra rằng mùa hạ đến Huế rất sớm và bất ngờ với những tín hiệu đa dạng vô cùng. Khi đi tha thẩn dưới những hàng cây nghe sau lưng áng chừng rất nhiều nắng, hoa phượng nở đỏ cháy lòng và tiếng ve râm ran hun hút những ngỏ phố, ấy là khi mùa hạ đã về...”(tr.20) Vì thế, “Nếu như mùa đông, những người Huế thường đổ ra hiên nhà mong mỏi chờ nắng lên, thì mùa hạ vào giấc chiều họ chậm rãi rời ngôi nhà nhỏ của mình để ngồi đón buổi chiều tím bên bờ sông Hương”(tr.20) Không những thế “mùa hạ của Huế còn bắt đầu từ một tín hiệu khác rất gần gũi đó là thơm hoa sen. Suốt mấy dặm vuông quanh Thành Nội, hoa sen tỏa hương thơm như một lời tâm sự nồng nàn.”(tr.21) Chính điều này đã góp phần làm nên nét văn hóa độc đáo của Huế, đi vào tâm thức Nguyễn Xuân Hoàng và tỏa ngát hương thơm trên những trang viết của anh, ám ảnh tâm hồn người đọc mỗi khi nghĩ về Huế. Bởi, theo Nguyễn Xuân Hoàng: “Hoa sen Thành Nội là một phần, cái phần hiển nhiên trinh bạch của mùa hạ xứ Huế.”(tr.23) Cùng với hoa sen, hoa phượng cũng là một phần không thể thiếu của mùa hạ xứ Huế, gợi biết bao cảm hứng cho các nghệ sĩ, được Trịnh Công Sơn đưa vào nhạc của mình như gợi nhớ trong mỗi người vẻ đẹp của tình yêu đầy ám ảnh “Đường phượng bay mù không lối vào / hàng cây lá xanh gần với nhau” (Mưa hồng). Còn với Nguyễn Xuân Hoàng thì: “Suốt cả một mùa hạ, thành phố Huế đỏ ôi ối hoa phượng. Hoa nở vồ vập trên những con đường đầy người qua lại, hoa nở chậm rãi ở một góc sân trường từ nay vắng bóng bạn bè. Hoa nở lặng lẽ ven sông như một tình yêu đơn phương giản dị mà nồng hậu vô cùng. Mùa hoa phượng nở thành phố Huế bỗng dưng trẻ ra đến hàng trăm tuổi. Nét yêu kiều phô phang trên những chiếc giỏ xe đầy ắp cánh phượng hồng. Tiếng cười trẻ trung rải qua tà áo dài lụa bạch bay lay lắt như những đám mưa bụi nhỏ bâng khuâng.”(tr.21)

    Mùa hạ ở Huế trong tâm thức Nguyễn Xuân Hoàng không chỉ có hoa phượng, hoa sen mà có tiếng ve xao xác như một tín hiệu làm xôn xao lòng người. Trong tâm thức Nguyễn Xuân Hoàng “tiếng ve chính là ngôn ngữ của phố Huế. Dù sinh ra chỉ để ca hát, nhưng con ve sầu tầm thường kia đã tận tụy dành hết tâm lực và thậm chí cả sinh mệnh mình để góp chút nhỏ nhoi cho vẻ đẹp phố phường. Trong lời ve có tình yêu cuồng mê của đất, có nỗi đắm say của sương mù và mặt trời, và ở đó có chút cay đắng tử sinh ngắn ngủi của... vô thường.”(tr.32) Và chú ve sầu  với tiếng kêu nỉ non kia trong tâm thức văn hóa của người Huế, qua trang viết của Nguyễn Xuân Hoàng phút chốc đã biến thành một nghệ sĩ đầy minh triết khi ngộ ra sự mong manh của phận người và sự bất tử của nghệ thuật:“trong thăm thẳm chiều sâu tâm hồn vốn rất nghệ sĩ của người Huế, tiếng ve sầu ẩn náu như một lời ngụ ngôn cuộc đời. Rằng sống là mang lại niềm vui cho mọi người. Rằng lời ca của chú ve nghệ sĩ là lời tình yêu tha thiết cuộc đời. Rằng con người ta có thể chỉ là cát bụi nhưng lời ca thì còn lại và vĩnh cửu với thời gian.” (tr.33)

    Sau hạ là thu. Mùa thu xứ Huế trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng cũng mang một dáng vẻ riêng nhẹ nhàng, mơ hồ như sương khói nhưng vô cùng sâu lắng mà những bài “Chớm thu”, “Sang thu” là những bức tranh thủy mặc đầy quyến rũ phác họa vẻ đẹp của thu Huế: “Khi những giọt nắng cuối ngày đã lịm tắt trên những chiếc lá xanh, gió thoảng hương ngọc lan từ bóng tối khu vườn chùa đổ tràn xuống phố, tôi nghe như cơ hồ mùa thu đã về với những bước chân rất nhẹ. Và trong biếc trên cao một màu áo xanh vời vợi mùa thu. Thu về lòng vẫn thường tự hỏi mùa thu xứ Huế đã bắt đầu từ đâu? Từ những đám rêu xanh nổi trên mặt nước sông Hương hay ánh đèn ngư hỏa u hoài những sầu mộng khiến lòng ai lan man những hoài niệm thu xưa.”(tr.47) Và những lúc thu về cũng là lúc: “người Huế thèm một ly cà phê đen bên bờ sông Hương để ngẫm ngợi những câu chuyện bao đồng. Để nghe trên trời cao tiếng chim vạc đầu mùa kêu thảng thốt như một melody la thứ buồn tênh.”(tr.50) Còn đây là một góc nhìn khác về thu Huế mà theo Nguyễn Xuân Hoàng là “một chút siêu thực ấm áp môi người”. Nhưng trong cái cảm nhận tưởng chừng siêu thực ấy lại là một cái nhìn rất hiện thực mang tính nhân văn sâu sắc khi nhà văn đã đưa mùa thu xứ Huế từ những khung trời lảng đảng khói sương trở về ẩn nấu trong ánh đèn chài của xóm cần lao lặng thầm trên sông Hương: “Ở Huế dường như là mùa thu đã bắt đầu từ ánh đèn chài mịt mùng trên sông Hương. Từ trên cao, ánh trăng nương theo tiếng chuông xa dát thứ ánh sáng xanh xuống xóm chài cần lao, và từ đây mùa thu men theo sương mù lên phố, làm một chút siêu thực ấm áp môi người.”(tr.51) Và những hình ảnh này đã xác quyết một điều rằng, văn chương Nguyễn Xuân Hoàng đâu phải hoàn toàn duy mỹ, đâu phải thứ văn chương hoàn toàn “vị nghệ thuật”. Bởi, suy cho cùng, văn chương nào mà chẳng vị nhân sinh, kể cả loại văn chương đã từng bị ghép “tội” là “vị nghệ thuật” như văn học lãng mạn Việt Nam 1932 - 1945, thì nó cũng viết cho con người và vì con người. Bởi, đối tượng của văn học không có gì khác chính là cuộc sống con người. Vì vậy, vấn đề tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh” chỉ là câu chuyện của một thời quá vãng!?

      Nói đến mùa thu xứ Huế không thể không nói đến hoa cúc, điều này ta cũng bắt gặp trong tùy bút “Hoa cúc vườn xưa” của Nguyễn Xuân Hoàng. Trong tùy bút này Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng: “Vỹ Dạ có lẽ là nơi trồng nhiều hoa cúc nhất ở Huế.”(tr.16) Và cũng như hoa mai, hoa cúc đã trở thành một sinh thể của thiên nhiên làm nên bản sắc văn hóa Huế. Bởi lẽ, hoa cúc không chỉ là sản phẩm của tự nhiên mà nó còn là biểu tượng của “nhan sắc” Huế với vẻ đẹp sâu thẳm và quyến rũ: “Tiết trùng cửu, mùng chín tháng chín, hoa cúc Vỹ Dạ đã nở những nụ duyên đầu tiên. Màu hoa vàng phai tơi tả trong gió lạnh. Hương nhu mì lan tỏa khắp vườn. Trong hương cúc như có mùi cỏ dại, mùi mồ hôi sau chân tóc con gái đằm thắm quê mùa. Chút hương ấy tàn phai trong mê muội khiến chân muốn đi mà lòng không sao bước nổi khỏi vườn xưa.”(tr.16) Và như vậy, cùng với sông Hương, hoa cúc đã trở thành một tâm thức văn hóa Huế ám ảnh tâm cảm của Nguyễn Xuân Hoàng và phủ trên tâm hồn Hoàng những mộng mị vô thường và đây cũng là cảm hứng làm nên tính triết luận trong tùy bút của Hoàng như một mỹ cảm neo đậu mãi trong tâm cảm người đọc. Đây cũng là một giá trị riêng có trong tùy bút của Nguyễn Xuân Hoàng: “Như một ảo ảnh, những đóa hoa cúc bên triền sông Hương chợt gần, chợt xa cứ đè lên ngọn gió mà đi như một giấc chiêm bao. Và cho đến khi bừng tỉnh, màu hoa vẫn còn trước mặt như một hiện hữu của ký ức. Tôi mệnh màu hoa cúc vàng ấy là màu hoa của tương tư.”(tr.19) Không chỉ thế hoa cúc còn là hoa của nhớ thương, của mộng mị vô thường. Bởi thế, thi sĩ tài hoa Nguyên Sa đã mượn hoa cúc để thổ lộ tình yêu trong bài thơ đầy mộng ảo của cái đẹp: “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường/ Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/ Tôi thay mực cho vừa màu áo tím”(4)

       Sau mùa “thu quyến rũ”, là mùa đông giá buốt đến tê tái ở xứ Huế. Có lẽ ở Huế mùa đông là mùa đáng sợ nhất vì mùa đông gắn liền với những cơn mưa không dứt. Nhưng mùa đông cũng là mùa gợi tình, là mùa kéo con người về với nhau trong những yêu thương mặn nồng để tạm quên cái lạnh giá của những đêm dài cô quạnh. Vì vậy, trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng, mùa đông Huế cũng có vẻ đẹp riêng cuả nó: “Suốt một mùa đông dài lê thê mưa gió, nắng sau đông về sưởi ấm từng chiếc lá non vừa có mặt với cuộc đời chung ... Những khu vườn Huế sau đông đã trở mình thức dậy. Ánh nắng đầu mùa xuyên qua ngàn nách lá, rơi những giọt mật ong vàng sậm xuống chân cây. Lá rụng từ cuối đông vẫn còn đang thành một tấm thảm dày nâu nâu.” (tr.63) Và đó là vẻ đẹp của sương mù đặc trưng của Huế mà có người cho rằng, những sáng mù sương xứ Huế đẹp hơn những sáng sương mù ở thành phố Luân Đôn của nước Anh. Điều này cũng được ghi lại khá tinh tế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng: “Mùa đông kinh thành Huế chìm trong sương mù. Đứng ở đỉnh núi Ngự Bình hun hút gió mùa đông bấc chỉ nhìn thấy những vạt sương dày nặng như mây. Sông Hương chìm sâu trong giấc ngủ khói sương và nằm trễ nãi như một cô gái đương xuân đang mơ ngày hợp hôn.”(tr.68) Hình như trong cảm thức của Nguyễn Xuân Hoàng cái giá lạnh và những cơn mưa dài lê thê của mùa đông Huế không làm mất đi vẻ đẹp và sự quyến rũ vốn có của Huế, ngược lại nó tạo nên cho Huế một vẽ đẹp riêng, một lực hút riêng, lực hút của yêu thương và gắn bó trong ân ái nồng nàn của những buổi sáng mù sương dậy muộn...

      Song thời gian trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng, không chỉ được cảm nhận qua sự chuyển động trong mỹ cảm giữa các mùa với những vẻ đẹp riêng, mà còn được cảm nhận từ mùi hương và sắc màu xứ Huế qua sự tinh tế của một nghệ sĩ. Điều này đã được thể hiện thật độc đáo ở các tùy bút: “Màu của phố” “Hương trong phố” “Tim tím Huế Xưa” “Đêm Huế”... Ta hãy lắng nghe màu và hương thời gian xứ Huế trong ngòi bút Nguyễn Xuân Hoàng: “Một đêm đã qua. Một ngày đã tới. Buổi sáng thành phố Huế đầy mặt trời. Tiếng chuông Thiên Mụ cuối cùng âm vang trên mặt sông rộng như một lời hẹn ước. Và âm thầm từ đêm qua, hoa trên phố lặng lẽ tỏa hương.”(tr.114) Còn đây là tâm thức thời gian được Nguyễn Xuân Hoàng cảm nhận qua màu của rêu phong: “Huế là thành phố của sương mù... Nhưng Huế còn là thành phố của rêu phong. Không ở đâu mà rêu xuất hiện nhiều như ở Huế. Cái màu xanh nhỏ nhoi như những đám mây sà nhanh xuống mặt đất, bám trai gái vào những vách tường cổ và ở đó vĩnh cửu như một lời ngụ ngôn về cuộc đời. Đọc những dòng chữ trên rêu, có thể nhận ra một chiều sâu mới về những năm tháng đã qua, đồng vọng trong sắc rêu phai là tiếng long mã xa rải đều bước kiệu. Tưởng chừng bao nhiêu năm tháng đi qua bỗng dưng dừng lại, mượn lời của rêu xanh để nói chuyện ngày xưa.”(tr.115) Có thể nói, tùy bút Lời của rêu phong là một trong những tuyệt tác của Nguyễn Xuân Hoàng và cũng là một trong những tùy bút hay của văn chương Việt. Đây là một tác phẩm kết tinh phong cách tùy bút của Nguyên Xuân Hoàng với những phẩm chất vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa pha sắc màu siêu thực, vừa tự sự lại vừa trữ tình, vừa thi vị lại vừa đậm chất triết luận nên cũng là tùy bút viết cực hay về rêu phong xứ Huế mà nếu không có một thiên năng và sự quan sát tinh tế thì không thể tái hiện được. Ta hãy xem cách Nguyễn Xuân Hoàng tả màu rêu Huế: “Chỉ một màu xanh nhưng rêu Huế có đến hàng chục sắc. Màu rêu đỏ sậm trên những bức tường thành Đại Nội, màu rêu xanh đậm trên vách những ngôi chùa cổ, màu rêu xanh nhạt và tươi mơn mởn trên nền gạch. Có lúc màu rêu ấy chợt xanh đen trên những cội mai già... và xanh để chưa từng xanh hơn ấy là màu rêu trên mái ngói những ngôi nhà xưa. Nói như vậy về sắc rêu xanh để thấy chỉ riêng về rêu thôi, Huế đã phong phú biết chừng nào. Nhỏ nhoi một chút màu xanh nhưng rêu Huế đã làm ấm những con đường lạ, phố xá huyền thoại hơn với nét duyên ngầm của những bóng rêu mọc lặng lẽ khiêm nhu không chờ một sự đoái hoài.”(tr.118) Tôi muốn trích nhiều hơn nữa những đoản văn Nguyễn Xuân Hoàng tả về rêu Huế để minh chứng và luận giải cho phong cách tùy bút của Nguyễn Xuân Hoàng. Nhưng vì dung lượng của bài viết không cho phép nên tôi chỉ trích một đoạn tiêu biểu sau: “Có nói gì thì màu rêu xanh cũng là một cổ tích của Huế (...) Nói về một chút rêu phong, để thấy vì sao nhiều người đã quá đỗi yêu Huế, một tình yêu nhiều khi mụ mẫn mà không có bến bờ. Khi đối diện với sắc rêu, có phải là con người đang đối diện với quá khứ, tự soi trong sắc rêu ngày cũ để tìm hoài một nét đẹp của tự nhiên mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng”(tr.118) Và khi đọc những lời văn đầy sức ám gợi này của Nguyễn Xuân Hoàng, tôi bỗng dưng tự hỏi, có khi nào trong cuộc sống ồn ào và quá đỗi xô bồ này, ta dừng lại, tình tự với sắc rêu để lắng lòng ngẫm ngợi về những điều mình đã sống trong cõi nhân gian nhỏ nhoi nhưng đầy bất an… và lúc đó, ta sẽ thấy rêu phong cũng không phải là một cõi vô tư !?

        3. Nguyễn Xuân Hoàng sinh năm 1966 mất năm 2006 tại Huế. Vậy là đã  mười năm Nguyễn Xuân Hoàng rời xa “cõi tạm phù hoa”** để về với cõi vĩnh hằng. Anh rong chơi trong cõi đời chỉ có 40 năm ngắn ngủi, những trang văn anh để lại cho đời không nhiều chỉ với 5 tác phẩm: Hương mùa Thu (2001); Cỏ hoa xứ Huế (2003); Ký ức Quỳnh Hương (2007); Hồn Mai (2007); Cõi tạm Phù hoa (2011) mà phần lớn là tùy bút viết về Huế và văn hóa Huế, chứng tỏ, Huế đã trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm thức của Nguyễn Xuân Hoàng.

        Đọc tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng ta thấy ở Hoàng ẩn chứa một tình yêu Huế đến cuồng mê. Chính tình yêu này đã kết tinh thành những dự phóng sáng tạo giúp Hoàng chuyển tải những thông điệp đầy tính nhân văn về những vẻ đẹp văn hóa của thiên nhiên, đất nước và con người xứ Huế. Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút của Nguyễn Xuân Hoàng vì thế, là một cảm hứng thường trực trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của Hoàng nên cũng là một trong những giá trị của văn hóa Huế cần được lưu giữ và phổ biến mà cách hữu hiệu nhất là giới thiệu tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng viết về Huế ở phần văn học địa phương trong nhà trường của Thừa Thiên – Huế, để từ đó chọn lọc những tùy bút đặc sắc đưa vào sách giáo khoa phổ thông các cấp, bởi những giá trị nghệ thuật và tính nhân văn của tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng sẽ thức nhận cho học sinh tình yêu đối với Huế và tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa Huế với tư cách là một di sản văn hóa của nhân loại. Qua những giá trị văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng, có thể khẳng định, Nguyễn Xuân Hoàng là một trong những tài năng văn chương của nền văn học hiện đại nước nhà và những tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng sẽ không đoản mệnh như cuộc đời ngắn ngủi của Hoàng bởi những vẻ đẹp văn chương và tính nhân bản trong sáng tác của Nguyễn Xuân Hoàng nói chung và tùy bút nói riêng luôn găm lại trong lòng người đọc những dấu ấn khó mờ phai...

 

     Chú thích

    (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Lời giới thiệu tùy bút Cỏ hoa xứ Huế”, của Nguyễn Xuân Hoàng, Nxb. Trẻ, 2004, tr.5

    (2) (3) Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vỹ Giạ, (dẫn theo Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến, Quyển hạ, Sống mới xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.417)

    (4), Thơ Nguyên Sa, Tuổi mười ba, Tổ hợp gió xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.14

   * Những dẫn chứng trong bài viết đều trích ở tùy bút Cỏ hoa xứ Huế, Nxb. Trẻ, 2004 của Nguyễn Xuân Hoàng

    ** Nguyễn Xuân Hoàng, Cõi tạm phù hoa, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2011

                                                     Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp 12/8/2016

 

 

     

  

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 2294
Ngày đăng: 22.12.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một bản tuyên ngôn chống giặc nội xâm đầu thế kỷ XVII - Nguyễn Anh Tuấn
Yasunari Kawabata với ngàn cánh hạc - Võ Công Liêm
Tòa soạn Quán Văn - Trương Văn Dân
Vài nhận xét về hai bài thơ của Quách Tấn - NP Phan
(Đọc Một Phút Tự Do - Tập truyện ngắn - Tùy bút của Elena Pucillo Truong) Nhà Xuất Bản Văn Hóa Văn Nghệ - 10-2014 - Nguyễn Thị Kim Ngân
Tản mạn về nghĩa của "mực tàu" 墨艚 (phần 2) - Nhiều Tác Giả
Một hướng mới tiếp cận hiện thực của Đạo diễn Đặng Nhật Minh - Nguyễn Anh Tuấn
Văn chương và con người - Võ Công Liêm
Bùi Hữu Nghĩa - Rồng vàng Đồng Nai - Nguyễn Thanh
Trương Vĩnh Ký và Gia Định Báo - Trần Xuân Tiến
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)