Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.087
123.232.853
 
Bà mẹ già và thúng khổ qua
Trang Thế Hy


Ai bảo văn kể chuyện là không sâu sắc? Nếu người kể đã đi tới nhẽ cái ý tưởng của mình thì dẫu là văn nói, cũng không một chữ nào thừa. Có một người viết theo lối “kể chuyện” như thế là nhà văn Trang Thế Hy. Truyện ngắn sau đây của ông như một bài ca về nhân cách và lòng cao thượng (của con người). Một câu chuyện thấm thía, nhẹ nhàng mà vẫn lấp ló đâu dó những ngang trái, bất công và cả vị đắng của cuộc đời.

                                                                                             VPL

 

 

Tôi đã gặp lại bà trong một buổi chợ Tết, mới đây thôi, gặp trong một trường hợp mà sau đó tôi cố gắng quên đi vì mỗi lần nhớ đến tôi lại bị một nỗi chạnh lòng làm ray rứt đến khó chịu. Bà bưng một thúng khổ qua di chuyển chậm chạp và vất vả trên lối đi hẹp giữa lòng đường đang buổi chợ đông. Một viên quản lý chợ xuất hiện từ xa. Lập tức những người chiếm lòng đường bất hợp lệ ùa nhau tuôn chạy hổn loạn . Một người vô ý lấn bà già té nhào, cáithúng rơi xuống, những trái khổ qua đổ vung vãi trên mặt đất . Vài trái bị giẩm nát. Nhiều trái lăn lóc nằm dưới gầm một sạp hàng gồm đồ chơi trẻ con, quần áo người lớn, bánh kẹo cao cấp, mỹ phẩm và nhiều thứ linh tinh khác. Một sạp hàng loại lớn vốn toàn đồ ngoại nhập  đắt tiền không phải hạng tẹp nhẹp . Chủ sạp là một người đàn bà quen mặt ở cùng xóm với gia đình tôi, trước đây từng là một mệnh phụ tỉnh lẻ thời chính quyền cũ. Bà già bán khổ qua là một mẹ chiến sĩ ở xã quê nội tôi , một xã vùng căn cứ lõm , thường được nêu tên trên báo, đài vì những thành tích chống càn và bao vây đồn bức rút bức hàng. Bà có một đứa cháu ngoại là du kích xã , hàng ngày nó bám địa hình chiến đấu , bà sống một mình trong một căn chòi nhỏ giữa đồng. Lần nọ, hai cán bộ bị trực thăng bầu nốc rượt nột quá phải chui vào chòi bà. Lập tức, một cặp trực thăng cá lẹp (cobra) được gọi tới bắn nát căn chòi bằng rốc kết  rồi bầu nốc quang lựu đạn lửa thiêu huỷ luôn . Cũng may là căn chòi quá nhỏ , cây lá không đủ sức làm bổi nướng ba người núp trong cái hầm đất kiên cố. Sau đó, hai cán bộ sợ bà phiền , hết lời năn nỉ . Bà cười : "Hai con không chết, không bị thương là má mừng rồi. Dòng thứ chòi đá, chòi đạp nầy , nó bị đốt trụi thành tro không biết bao nhiêu lần , hơi sức đâu mà đếm". Hai cán bộ nói : "Tụi con đâu phải nói về cái chòi, mà nói về tánh mạng của má đó chớ". Bà lại cười : "Mạng hai con không quí hơn mạng má hay sao , má già rồi ". Những chuyện loại đó không chỉ xảy ra một đôi lần trong đời mà suốt trong hai cuộc chiến tranh dài 30 năm.

Sau giải phóng bốn năm, đứa cháu ngoại đã hy sinh của bà mới được nhận là liệt sĩ  vì lúc hy sinh, nó thuộc một đơn vị chủ lực, chiến đấu ở xa, phải chờ sự xác nhận của cấp chỉ huy đơn vị đó vốn là cấp chỉ huy mới, phải làm công tác sưu tra hồ sơ cũ, cấp chỉ huy thời nó hy sinh đã chết hết  không còn ai. Trong bốn năm chờ đợi bà không hề làm phiền ai , cũng không hề thở than một tiếng.

Bây giờ bà ngồi giữa chợ đông lượm từng trái khổ qua , dùng chiếc khăn rằn cũ cáu bẩn của bà lau sạch bùn sình xếp vào thúng cũng không một lời than thở chê trách ai. Tôi ngồi xuống phụ lượm với bà. Bà nhận ra tôi, mừng rỡ hỏi thăm sức khoẻ mẹ tôi mà bà nghe nói mấy năm gần đây thường đau yếu . Người đàn bà chủ sạp hàng  cũng khom người xuống dùng dép của chị hất hai trái khổ qua dưới gầm sạp cho nó văng ra ngoài để lượm. Hai trái khổ qua nằm trên một vũng sình. Bùn nhão và đen bắn lên tung toé vào người bà già, dính luôn vào áo tôi. Chị đàn bà nhận ra tôi, xin lỗi rối rít.  Tôi hỏi : "Sao chị không lo xin lỗi bà già trước mà xin lỗi tôi?". Chừng đó chị mới nói bằng cái giọng của một người sơ sót, lỡ tay trong khi làm "Việc nghĩa" : "Bà đừng giận nghe bà già, vì quá sốt sắng giúp đở bà mà tôi sơ ý". Bà già không nhìn chị, không nói gì, tiếp tục hỏi tôi thăm công tác ở đâu, gần về hưu chưa, vợ con sống ra sao, có mạnh giỏi không, trong lúc chị chr sạp hàng cau mày, nhăn nhó, cầm nùi giẻ lau vết bùn sình làm bẩn chiếc dép loại đắt tiền của chị. Tôi tiếp tục lượm những trái khổ qua với ảo giác là nó đắng hơn bất cứ loại khổ qua nào khác. Tôi nhìn gương mặt gầy gò, đầy nếp nhăn của bà già. Gương mặt đó thanh thản hiền hậu ánh lên niềm vui hồn nhiên được gặp lại một người cùng quê còn sống sót sau chiến tranh. Không biết bà có suy đoán để cảm thông với nỗi chạnh lòng của tôi hay không. Nhưng chắc chắn là trong tâm hồn hào hiệp của bà, một nỗi chạnh lòng như vậy không hề có.

Trang Thế Hy
Số lần đọc: 3994
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại