Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.590
 
Lambada
Nguyễn Trọng Nghĩa

Một hôm thằng bạn nói với tôi:

- Anh sống nghèo bỏ mẹ, để hôm nào em bày anh đi buôn.

- Thì buôn! - Tôi nói.

- Anh còn visa đi Kisinev không?

- Còn. Nhưng hết hạn lâu rồi, từ năm ngoái.

- Đưa em xem!

Tôi mở ngăn bàn lấy đưa nó cái visa tôi làm năm 90. Xem xét một lúc nó nói:

- Tuyệt vời!

Vì sao tuyệt vời? Bởi vì chỉ cần sửa một tí. Vào những ngày này năm ngoái tôi làm visa đi chơi Kisinev, cho nên bây giờ chỉ cần sửa số không (0) thành một (1); năm 1990 thành 1991. Gì chứ sửa visa người Việt Nam ở Nga có nghề. Năm phút sau cái visa cũ của tôi trở nên hợp lệ không chê vào đâu được.

- Anh sẽ mang phấn "Lambada" xuống Kisinev bán nhân dịp 8-3. Lời chia hai, lỗ anh chịu.

- Thì chịu! - Tôi nói.

- Tiền em bỏ ra. Chiều nay em với anh qua "đôm 5" lấy hàng. Lẽ ra em đi một mình cũng được, nhưng cái chính là em muốn giới thiệu anh với họ để sau này anh có thể đi một mình. Sáng mai mua vé máy bay, chiều mai anh bay.

Nếu như không phải tất cả thì cũng một nửa số lượng xe taxi của thủ đô Max-cơ-va biết "đôm 5". Buổi chiều ở ngoài đường, khi taxi dừng lại, bạn tôi nói:

- Phố Dmitri Ulianov.

- Ngồi vào! - Lão tài xế nhấn ga. - Nhà số 5 của bọn nghiên cứu sinh phải không?

- Phải.

- 20 rúp. Bình thường chứ?

- Bình thường.

Lát sau đến nơi. Đồng hồ chỉ số tiền phải trả không đầy 5 rúp.

Ở "đôm 5" chúng tôi lên phòng anh Sáng. Tên anh là Sáng nhưng gương mặt khá tối tăm. Điều này thường xảy ra, cũng như tôi có một người quen tên Cao nhưng anh ta lại quá lùn. Phòng anh Sáng chật chội và tối tăm như gương mặt anh, tối tăm vì nhiều lẽ, thứ nhất phòng anh không có cửa sổ. Thứ hai, vì ở đâu hàng hóa cũng đều chất gần đụng trần nhà. Anh Sáng ngồi lọt thỏm giữa bốn bề hàng hóa không khác chi ông chủ gian hàng xén; cái gì cũng có để bán từ gạo mì, bia bọt đến máy móc điện tử. Nhưng nhiều nhất vẫn là son phấn, quần áo. Sắp hè rồi, các anh chuẩn bị chưng diện cho chị em liên bang.

Sau mọi thủ tục buôn bán cần thiết, tôi và thằng bạn khiêng về nhà hai trăm hộp phấn "Lambada". Loại phấn trang điểm này được đưa về từ Ba Lan nhưng không rõ ai sản xuất. Chiều hôm sau tôi bay đi Kisinev, tất nhiên bay cùng với hai trăm hộp phấn.

*

Đó là giai đoạn một của chuyến đi làm ăn. Giai đoạn hai là giai đoạn bán không được phải mang trở về. Thằng bạn tôi thuộc loại nhìn xa trông rộng nhưng so với người khác nó còn phải học hỏi dài dài, bởi khi tôi tới Kisinev, phấn "Lambada" đã bày bán đầy các cửa hàng, người ta không thèm mua. Giai đoạn ba, cũng là giai đoạn chót: bán lại. Giờ đây chúng tôi đang ở vào giai đoạn chót và đang có mặt tại "đôm 5", hành lang tầng bốn. Thằng bạn tôi đã thử gõ cửa hết các phòng, nhưng ở đâu cũng trả lời bằng một động tác như nhau: lắc đầu. Tất nhiên anh Sáng cũng lắc đầu. Bởi vậy bạn tôi đành phải đứng chắn ngang cầu thang với hai thùng "Lambada" để rao bán cho khách thập phương. Nó bảo tôi đứng xa xa nó, làm như giữa chúng tôi không liên quan gì với nhau bởi mặt tôi trông có vẻ hãm tài. Tôi nghe lời rồi đứng cách nó khá xa, hút thuốc. Mặc dù trong tay tôi chẳng có gì, nhưng ai đi qua cũng hỏi: "Có gì bán không anh ơi?". Lắc đầu hoài cũng buồn, tôi bèn trả lời: "Không có gì cả, chỉ có tấm thân gầy này thôi, anh (chị) có mua không?"

- Bao nhiêu? - Một cô gái hỏi tiếp khi nghe tôi trả lời như thế.

- Một trăm rúp.

Cô gái móc tiền đếm, đoạn cô đưa cho tôi:

- Anh đếm lại đi.

Tôi đếm lại rồi bỏ tiền vào túi.

- Bây giờ anh là của tôi. Nào, ta đi.

Xuống tới tầng một, cô gái nhét vào túi tôi một cọc tiền nữa, - để đi taxi, - cô nói.

Công việc mới của tôi hàng ngày là ngồi xe taxi, tất nhiên với cô, và làm phiên dịch - cũng không dịch gì nhiều và quan trọng, chỉ nói chuyện với gã tài xế, chẳng hạn như đến phố nào, ở đó phải đậu chờ cô bao nhiêu phút, sau đó đi đâu, sáng hôm sau xe phải đến đón chúng tôi vào lúc mấy giờ... và trả tiền xe, thế thôi. Cô nói với tôi bằng tiếng Việt, tôi dịch sang tiếng Nga. Tôi hoàn thành nhiệm vụ không có gì khó khăn. Theo nguyên tắc, tôi không được phép theo cô đến những nơi cô cần đến mà chỉ ngồi ngoài taxi cùng với gã tài xế, chờ. Có lần gã hỏi tôi:

- Vợ mày à?

- Không. Đó là bà chủ của tao.

- Cô ta làm nghề gì vậy?

- Có trời mà biết.

- Thế mày là ai?

- Là sinh viên.

- À, trí thức! Cô ta thuê mày làm phiên dịch à?

- Không, tao bán mình.

Gã cười đểu cáng rồi hỏi tiếp:

- Tối mày ngủ ở đâu?

- Tao ngủ dưới đất, cô ta ngủ trên giường.

Mà tôi ngủ dưới đất thật. Tối, cô trải tấm nệm giữa nhà rồi ra lệnh cho tôi nằm ngủ. Phần tôi hễ nằm xuống là ngủ li bì chẳng biết cô chủ của tôi sau đó làm gì, có vui buồn, trăn trở, thao thức?

Một hôm cô chủ mở tủ thảy cho tôi bộ quần áo mới bảo tôi thay. Tôi thay. Chúng tôi ra xe. Cô nói nơi cần đến. Tôi dịch. Xe chạy. Được một quãng bất ngờ cô bảo dừng lại. Tôi chuyển lệnh cho gã tài xế. Xe dừng. Hóa ra là cái công viên, nơi thanh lịch, văn hóa.

- Anh bảo nó hôm nay muốn đi đâu thì đi nhưng đúng tám giờ sáng mai phải đến đón chúng mình. Còn anh ra đây với em.

Cô chủ tôi khoác tay tôi đi dạo trong công viên, vừa đi cô vừa mỉm cười một mình. Đôi lần cô âu yếm ngước nhìn gương mặt tôi nói trông tôi cũng không đến nỗi nào, còn đẹp trai nữa là đằng khác. Tôi nói vậy hả, cô nói ngố rồi nép đầu vào vai tôi...

Tối hôm đó cô chủ của tôi ra lịnh cho tôi ngủ trên giường của cô. Trước khi nhắm mắt chìm vào giấc nồng tôi còn kịp nhận thấy cô cẩn thận xoay ngược tấm ảnh chụp người đàn ông và một con bé con quay mặt vào tường - tấm ảnh màu khổ lớn đặt trên bàn mà tôi nhận thấy từ lúc mới đến. Sau đó cô ngồi vào đi-văng bấm máy tính điện tử.

Tôi tỉnh dậy bởi lò xo giường tôi nằm kêu cọt kẹt, và tuy trong bóng tối, tôi vẫn biết bên cạnh tôi có một người vừa nằm xuống: cô chủ. Dù vậy nhưng mắt tôi không thể mở tiếp. Lúc sau tôi lại thức vì cô chủ trở mình, thở dài và lẩm bẩm điều gì đó. Bất ngờ cô hỏi lớn:

- Này, anh ngủ hay thức đấy?

- Ngủ! - Tôi nói.

- Đã ngủ sao còn trả lời tôi?

- ...

- Tôi bỏ tiền ra mua anh về không phải để anh ngủ đâu đấy nhé, cái đồ điên.

Lần này thì tôi tỉnh dậy thiệt. Tôi nằm mở mắt thao láo, chờ.

- Anh không phải là đàn ông à?

- Tôi là đàn ông! - Tôi nói đúng sự thật bởi vì trước kia tôi đã là đàn ông.

Cô chủ nhanh chóng đưa tay kiểm tra bộ phận đàn ông trên người tôi rồi bất thần tuyên bố một câu nghe lạnh sống lưng:

- Đàn ông như anh thì vứt bố nó đi!

Sáng hôm sau tôi dậy muộn và biết mình bị vứt thật, đúng ra không phải bị vứt mà bị bán lại cho người khác. Vậy là kể từ chuyến xe vào tám giờ sáng mai đã vắng mặt tôi.

Tôi theo cô chủ mới về nơi mới, không biết họ bán buôn thế nào, giá cả bao nhiêu.

Tối hôm đó, vừa ngồi đếm tiền, cô chủ mới vừa hỏi tôi học về ngành gì, năm thứ mấy. Chắc trước khi sang bán tôi, họ kịp biết tôi là sinh viên. Tôi trả lời học ngành văn, năm cuối. Cô chủ mới ngừng tay, trố mắt nhìn tôi:

- Anh đọc, viết tiếng Nga thạo chứ?

- Thạo.

- Tuyệt vời! Vớ phải của bở "giồi" đây.

Nói rồi cô mở ngăn kéo trao cho tôi tập giấy:

- Anh viết đi. Luận văn tốt nghiệp của tôi đấy. Một vùng thẩm mỹ trong thơ! Anh thấy thế nào, được chứ? Cái tít là do tôi tự nghĩ ra đấy. Anh cứ thế mà phát triển. Tôi sẽ thù lao xứng đáng cho anh nếu như được điểm cao.

Tôi bắt đầu miệt mài lao động trên cái "vùng thẩm mỹ" trong căn phòng riêng mà cô giành cho tôi, còn cô làm gì thì tôi không biết. Sáng sớm cô đi, chiều tối cô về với những cặp tiền, sau đó ngồi đếm tới khuya. Nhiều hôm chưa đếm xong tiền cô đã bò lăn ra ngủ không kịp thay quần áo. Tiền bạc vung vãi từ trên giường cho tới dưới đất. Sáng sớm khi tôi bước ra phòng ngoài thì cô đã biến mất. Tuy vậy có nhiều đêm khuya khoắt, cô rón rén lẻn vào phòng tôi nhẹ nhàng như một con mèo trong chiếc áo ngủ mỏng dính như không mặc và hỏi tôi: "Cái vùng thẩm mỹ của em ra sao rồi?" Đó là những hôm tuyết rơi mù trời, đèn phố nhạt nhoà, gió rít veo veo ngoài cửa kiếng...

... Cho dù đôi lúc có tỏ ra yếu mềm, nhất là những hôm mưa gió bão bùng, cái thân gái dặm trường có chạnh lòng trắc ẩn khi nghĩ về cố hương, song cô chủ mới của tôi là con người công nghiệp. Năm ngày sau khi tôi kết thúc chương cuối của cái "vùng thẩm mỹ", cô dắt tôi ra đường, trao cho tôi chiếc cặp:

- Kể từ giờ phút này anh được tự do. Đây là thù lao của anh, - cô trao cho tôi chiếc cặp. - Anh hãy quên hết những gì xảy ra giữa hai chúng ta, và tôi mong rằng sau này có vô tình gặp gỡ, chúng ta sẽ là những người xa lạ. Anh đồng ý chứ? Tạm biệt anh.

Và cô đi, thoáng cái đã mất tăm, không hiểu cô biến ngả nào. Tôi cũng bắt đầu đi theo hướng cô. Lần mò một lúc trong các lùm cây rậm rạp, tôi trổ ra cái công viên, nơi thanh lịch văn hoá. Chính trong cái công viên này có lần cô chủ cũ của tôi khoác tay tôi đi dạo. Tôi bèn ngồi xuống ghế, mở cặp xem cái thù lao của mình. Toàn tiền lẻ, từ một đến năm rúp, cái loại tiền mà cô chủ mới của tôi thường bỏ đống không thèm đếm.

Vừa lúc ấy tôi nghe có tiếng ai rù rì. Thì ra thằng bạn tôi đang tiễn một cô gái lên xe taxi, mà cô gái ấy cho dù đứng cách nhau bao xa tôi cũng nhận ra: cô chủ cũ. Chờ cho xe chạy, tôi lẻn đến vỗ vai nó:

- Ai vậy mậy?

- Mối làm ăn. Ơ, mà sao anh lại ở đây? Lâu nay anh biến đi đâu thế?

- Anh đi hơi bất ngờ vì có chuyện riêng. Xin lỗi...

- Lỗi gì? Này, tiền lời, - nó móc túi đưa tôi một xấp - em vừa mới bán xong "Lambada".

- Bán cho ai vậy?

- Thì cho "con bé" vừa rồi chứ còn ai. Thôi em vội. Tối đến chỗ em. Hôm nay em có "sinh nhật". - Nói rồi nó leo lên chiếc taxi thứ hai đang đậu chờ nó.

Thằng bạn tôi lưu vong từ năm thứ nhất. Lý do lưu vong: nó tự ý bỏ học vì người ta phân không đúng ngành. Tuy vậy nó vẫn sống đàng hoàng một mình một phòng trong ký túc xá và vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với những giáo sư người Nga trước kia dạy nó. Khi tôi bấm chuông, một cô gái ra mở cửa:

- Anh tìm ai? - Cô ta hỏi bình thản.

Tôi nói tên người cần tìm và được mời vào salon. Trong phòng có hai người, thằng bạn tôi và cô gái. Nó giới thiệu tôi:

- Đây là anh bạn tôi, học ngành văn học, năm thứ năm (cô gái gật đầu). Còn đây là K., bạn gái của em (tôi gật đầu). Bọn em đang bàn về cái luận án tốt nghiệp của anh bạn nghiên cứu sinh văn chương - nó đưa tôi tập giấy, - anh xem thử.

"Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Luận văn tốt nghiệp của nghiên cứu sinh Việt Nam: Minh Sáng. Thầy hướng dẫn: Viện sĩ hàn lâm, Giáo sư tiến sĩ Vaxili Vaxiliêvich. Đề tài: "Một vùng thẩm mỹ trong thơ". Tôi trả lại tập giấy với lời nhận xét: "Nghe cũng có vẻ lắm".

- Em có đưa cho mấy ông giáo cũ của em đọc. Thấy họ cũng khen.

Lại có tiếng chuông. Cửa vừa mở tôi nhận ra ngay gương mặt tối tăm của anh Sáng "đôm 5"! Thằng bạn tôi nói luôn:

- Đảm bảo tiền nào của ấy. Thằng em anh (là nó) chẳng cần phải thêm lời nào cho tốn nước bọt. Chốc nữa chính miệng các vị giáo sư người Nga nói để anh tin. Anh yên chí, "tay" này chuyên viết luận văn. Hắn đã viết hằng tá cho bọn kandidat và bọn doktor.

Cuối cùng có thêm mấy người đàn ông Nga, chắc là các vị giáo sư của thằng bạn tôi. Họ mang hoa và quà (mấy quyển tập) đến, ôm hôn thằng bạn tôi, chúc mừng nó nhân sinh nhật (nếu tôi nhớ không lầm thì trong năm nay nó đã có mấy lần sinh nhật!?). Sau li sam pan khai vị, tôi thủ chai cô nhắc cho mình và cô K., còn thằng bạn tôi, anh Sáng và các vị giáo sư Nga uống vốt ka. Đàn ông Nga gặp vốt ka giống như lân gặp pháo: họ uống không tiếc rượu và khen "cái vùng thẩm mỹ" của anh Sáng không tiếc lời. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga, chỉ riêng anh Sáng thỉnh thoảng phải nhờ người dịch.

Uống chút đã ngà ngà, thằng bạn tôi mở nhạc đề nghị mọi người nhảy. Nó nháy mắt đểu cáng với tôi rồi vặn thật to cái băng Lambada. Lambada? Tôi bỗng nhớ lại hai thùng "Lambada" mà tôi đã khổ sở vì nó ở Kisinev rồi nhanh chóng giành lấy cô gái duy nhất trong phòng, cô K., bắt đầu sàng theo nhạc. Sàng được một lúc cô K. tì cằm vào vai tôi, thỏ thẻ:

- Cám ơn anh nhiều, chàng hiệp sĩ. Anh đã cứu em bàn thua trông thấy. Hãy đến với em nếu như anh thích. Căn phòng ấy vẫn là của anh, có điều bây giờ thì anh nghỉ ngơi, không phải khổ sở với cái vùng thẩm mỹ.

Nhưng lúc ấy tôi không nghĩ tới danh hiệu cao quí vừa được phong: hiệp sĩ, không nghĩ tới chiếc áo ngủ mỏng dính như không mặc và những đêm tuyết rơi mù trời, đèn phố nhạt nhòa, gió rít veo veo ngoài cửa kiếng. Tôi nghĩ tới trường lớp. Không hiểu tôi đã trôi nổi bao lâu rồi và cái gì đang chờ đợi tôi? Rất có thể bị đuổi học. Tôi hấp tấp từ giã mọi người rồi lội bộ về trường, vừa đi tôi vừa thắc mắc: tại sao cái đêm nằm bên cạnh cô chủ cũ tôi không phải là đàn ông?

 

Nguyễn Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 2932
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Lambada (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)
Cuốn sách thiếu (truyện ngắn)
Ngón chân cái (truyện ngắn)
Trễ tàu (tuyển truyện)
Trái đắng (truyện ngắn)
15-Khỉ thật! (truyện ngắn)
Thiêu thân truyện (truyện ngắn)
Chết trẻ (truyện ngắn)
Xa xứ (truyện ngắn)