Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.211
123.206.187
 
Hoàng Đế Minh Mệnh
Lê Ngọc Trác

 

 

Trong thời gian trị vì đất nước, vua Minh Mạng đã có những cải cách nổi bật về chính trị, văn hóa, về bộ máy tổ chức hành chính của triều đình và đạt những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Triều Nguyễn trải qua 13 đời vua. Giai đoạn vua Minh Mệnh trị vì đất nước là thời kỳ cực thịnh của triều Nguyễn :

I. VUA GIA LONG CHỌN NGƯỜI KẾ NGHIỆP

 

 

Vua Gia Long là vị vua sáng nghiệp triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, tên húy là Chủng, còn có tên khác là Noãn. Nguyễn Phúc Ánh sinh năm 1762, con thứ ba của Nguyễn Phúc Luân và là cháu nội của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.

Gia Long lên ngôi hoàng đế năm 1802, đặt quốc hiệu là Việt Nam, trị vì đất nước hơn 18 năm. Sau khi băng hà, Gia Long được truy tôn miếu hiệu là Thế Tổ Cao hoàng đế. Gia Long là người thông minh, đầy mưu lược, suốt cuộc đời luôn kiên định ý chí và quyết tâm duy nhất là giành lại vương quyền cho dòng họ chúa Nguyễn dù phải nhiều phen trải qua cái chết và bao gian nan, khổ cực trong đời. Năm 1774, mới 12 tuổi đầu, Nguyễn Phúc Ánh đã đau lòng nhìn cảnh gia đình dòng họ ly tán, phủ chúa ở Phú Xuân rơi vào tay nhà Trịnh. Năm 1777, quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy quét dòng họ chúa Nguyễn. Gia đình dòng họ tôn thất chúa Nguyễn bị Tây Sơn bắt và giết. Nguyễn Phúc Ánh may mắn trốn thoát. Năm 15 tuổi phải sống cuộc đời bôn ba trôi nổi khắp nơi. Với chí kiên định, Nguyễn Phúc Ánh vượt qua gian khổ, tập hợp lực lượng, bền bỉ đấu tranh vũ trang với quân Tây Sơn suốt 25 năm trời, với quyết tâm giành lại vương quyền, phục hưng công nghiệp của tổ tiên. Năm 1792, vua Quang Trung mất. Nội bộ nhà Tây Sơn chia rẽ. Lợi dụng tình hình Tây Sơn suy yếu, năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh dốc toàn lực phản công, đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi vua tại Huế (Phú Xuân) và thống nhất đất nước.

Trong quá trình đánh nhau với Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh không từ bỏ một thủ đoạn, biện pháp nào, kể cả cầu viện quân đội nước ngoài. Tháng 3 năm 1783, Nguyễn Phúc Ánh cầu viện 5 vạn quân Xiêm cùng 300 chiến thuyến sang đánh nước ta, đã bị quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh tan tác ở Rạch Gầm, Xoài Mút (Mỹ Tho). Cầu viện quân Xiêm bị thất bại, năm 1784, Nguyễn Phúc Ánh đã giao hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh mới 4 tuổi cho giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pineau de Behaine ) đi Pháp cầu viện binh . Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh đã yến kiến Pháp hoàng Louis XVI. Ngày 28/11/1787 Bá Đa Lộc (thay mặt Nguyễn Phúc Ánh) cùng Bá tước De Montmorin - Thượng thư Bộ ngoại giao nước Pháp - thay mặt vua Pháp Louis XVI ký một Hiệp ước. Nội dung bản Hiệp ước có những điều khoản chính như sau: "Vua nước Pháp thuận giúp cho Nguyễn Vương 4 chiếc tàu chiến, 1200 lục quân, 200 pháo binh và đủ các loại súng thuốc đạn. Nguyễn Vương phải nhượng đứt cho nước Pháp cửa Hội An, Côn Đảo, phải cho người Pháp vào Việt Nam buôn bán tự do và không được cho người nước nào ở châu Âu sang buôn bán ở Việt Nam. Khi nào nước Pháp cần đến lính thủy, lính bộ, lương thực, tàu bè ở phương Đông thì Nguyễn Vương phải cung cấp đủ cho nước Pháp. Khi đã khôi phục được nước rồi, thì mỗi năm, làm 1 chiếc tàu y như tàu của Pháp đã giúp đem sang trả cho Pháp hoàng". Đây là một Hiệp ước bất lợi cho Việt Nam.. Sau khi ký hiệp ước, nội bộ triều đình Pháp có những ý kiến không thống nhất, nên các khoản những điều trong hiệp ước nước Pháp không thực hiện.

Tuy không cầu viện binh được từ nước Pháp, nhưng Bá Đa Lộc đã chiêu mộ được những người Pháp như Chaigneau, Vannier, De Forçan, Victor Ollivier và hơn 20 người Pháp sang Việt Nam giúp Nguyễn Phúc Ánh. Thực chất đây là một đội lính đánh thuê người Pháp giúp cho Nguyễn Phúc Ánh đánh nhau với quân Tây Sơn. Việc cầu viện binh nước ngoài  đánh nhau với Tây Sơn, tranh giành quyền lực là những vết đen, mảng tối trong cuộc đời và sự nghiệp của vua Gia Long. Thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành lại vương quyền với quân Tây Sơn của Gia Long - Nguyễn Phúc Ánh có sự đóng góp giúp đỡ của giám mục Bá Đa Lộc và đội quân đánh thuê người Pháp .Là người sớm giao thiệp và trong văn minh phương Tây, dựa vào kỹ thuật của Pháp. Nhưng , ngay sau khi giành được vương quyền, lên ngôi hoàng đế, Gia Long cai trị đất nước theo mô hình nhà nước phong kiến cổ truyền Việt Nam, lấy học thuyết Khổng Mạnh làm nền tảng chính trị. Đối với những người Pháp từng giúp Gia Long trong thời kỳ đấu tranh khó khăn, nhà vua không bổ nhiệm họ vào những chức vụ trọng yếu trong triều đình. Ngoài mặt, thì quan hệ bình thường, nhưng trong thâm tâm vua Gia Long bắt đầu xa lánh họ và có ý nghi ngờ, cảnh giác với các giáo sĩ và nước Pháp . Nhà vua cố thoát ra khỏi ảnh hưởng của người Pháp.

 Các thời đại phong kiến ở Việt Nam và các nước phương Đông, việc truyền ngôi vua thường được truyền cho con trưởng và dòng đích. Đối với vua Gia Long, từ năm 1793 đã lập người con trưởng là Nguyễn Phúc Cảnh làm Đông cung Thái tử. Hoàng tử Cảnh bị bệnh mất vào ngày 20/03/1801. Sau khi Gia Long lên ngôi, trong triều đình có nhiều người đề nghị Gia Long xác lập người kế vị. Những cận thần như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt đề nghị hoàng tôn Đán là Nguyễn Phúc Đán (Nguyễn Phúc Mỹ Đường) con trai của hoàng tử Cảnh làm người kế vị. Lúc bấy giờ, hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán còn nhỏ tuổi, gia đình hoàng tử Cảnh lại gần gũi, ảnh hưởng của các giáo sĩ người Pháp. Tuyệt nhiên, vua Gia Long không nghe lời thỉnh nghị của các đại thần.

Kinh nghiệm lịch sử và bản thân cho vua Gia Long rút ra một bài học là: Những vị vua "trẻ con" chỉ là “ con rối” trong tay các quan đại thần, dễ dẫn đến rối loạn triều đình, vương quyền của dòng họ có nguy cơ sụp đổ.

Nhà vua trả lời với các quan cận thần và triều đình: "... Nhà nước mới yên, phải chọn người lớn tuổi cầm quyền, chẳng nên dùng kẻ thơ ấu...".

Trong những người con của vua Gia Long có hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm (Nguyễn Phúc Kiểu) sinh năm 1791 là người có tư chất minh mẫn, hiếu học, tinh thâm Nho học, am hiểu học thuyết Khổng Mạnh. Nguyễn Phúc Đảm là người siêng năng, nhạy bén, quyết đoán trong công việc, được vua Gia Long yêu mến. Về chính trị, Nguyễn Phúc Đảm là người có tư tưởng bài ngoại, không thích Pháp và các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo. Ông đề cao Nho giáo. Năm 1816, Gia Long thiết triều tại điện Cần Chính, chính thức xác lập Nguyễn Phúc Đảm làm Hoàng thái tử và ban chiếu "Thái tử là ngôi trừ nhị của nước, cần phải lập để trọng chính thống và giữ bền gốc nước". Gia Long đã cho Nguyễn Phúc Đảm thay mặt mình đảm trách những công việc quan trọng của triều đình, chỉ khi nào có việc trọng yếu, to lớn, phức tạp mới trình vua Gia Long quyết định.

Ngày 19/12 năm Kỷ Mão (1820), vua Gia Long bị bệnh qua đời. Ngày mồng một tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), tại điện Thái Hòa, Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mệnh. Vua Minh Mệnh trị vì đất nước 21 năm, từ năm 1820 đến năm 1840. Sau khi qua đời được truy tôn miếu hiệu là Thánh Tổ Nhân hoàng đế.

Trong thời gian trị vì đất nước, vua Minh Mạng đã có những cải cách nổi bật về chính trị, văn hóa, về bộ máy tổ chức hành chính của triều đình và đạt những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Triều Nguyễn trải qua 13 đời vua. Giai đoạn vua Minh Mệnh trị vì đất nước là thời kỳ cực thịnh của triều Nguyễn.

 

 

 

 

 

 

II. MINH MỆNH VỚI NHỮNG CẢI CÁCH NỔI BẬT

 

 

Triều Nguyễn trải dài 133 năm từ 1802 đến năm 1945 với 13 đời vua. Minh Mệnh là vị vua thứ hai. Gia Long là người sáng nghiệp triều Nguyễn, thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Thì, vua Minh Mệnh trong 21 năm trị vì đã có những cải cách nổi bật đưa triều đại nhà Nguyễn và đất nước lên một tầm cao mới. Vua Minh Mệnh là người thông minh, tài năng, quyết đoán, chuyên cần lo việc triều đình và đất nước. Nhà vua mang hoài bão muốn trở thành một người như vua Lê Thánh Tôn. Minh Mệnh thường nói với các cận thần trong triều đình: "Các vua đời trước của nước ta như là Lê Thánh Tôn cũng có thể gọi là vua hiền không phải đời nào cũng có được, trẫm hâm mộ".

Vua Minh Mệnh quan tâm đến việc học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Ngay sau khi lên ngôi, năm 1821, cho mở trường Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài. Thời vua Gia Long chỉ có thi Hương. Năm 1822, vua Minh Mệnh mở khoa thi Hội, thi Đình để lấy Tiến sĩ. Đến năm 1829, nhà vua cho những người trúng cách được đỗ phó bảng. Thời trước cứ 6 năm mới tổ chức khoa thi, thời Minh Mệnh, 3 năm tổ chức một lần (Các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương. Các năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi tổ chức thi Hội, thi Đình). Nhà vua còn đặt quan Đốc học ở Gia Định để khuyến khích việc học tập ở Nam bộ. Đồng thời, cho thành lập Quốc Sử Quán để tổ chức biên soạn lịch sử đất nước và các triều đại. Vua ban chiếu khuyến khích động viên ban thưởng cho những người tìm được sách cũ hay soạn sách mới hay. Từ đó, có nhiều nhà Nho, văn nhân trong nước dâng lên triều đình nhiều bộ sách quý.

Thời Gia Long, bộ máy tổ chức quan lại triều đình giống như nhà Lê. Vua Gia Long bỏ chức Tham tụng, Bồi tụng tương đương Tể tướng. Triều đình có 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), mỗi bộ có 1 quan thượng thư đứng đầu và thị thư viện làm cơ quan trọng yếu tương tự như văn phòng của vua. Năm 1829, Minh Mệnh đổi Thị thư viện thành nội các, tuyển chọn quan tứ phẩm có năng lực ở các bộ, viện... đưa vào làm việc ở nội các. Đến năm 1834, nhà vua thành lập cơ quan Cơ mật viện. Đây là cơ quan chuyên trách quân cơ quan trọng của triều đình. Cơ quan được cơ cấu gồm 4 quan đại thần có thực tài và năng lực, Hàm từ Tam phẩm trở lên, được đeo kim bài đích thân Minh Mệnh tuyển chọn cùng với nhà vua giải quyết những công việc trọng đại của triều đình và đất nước.

Minh Mệnh áp dụng chính sách Trung ương tập quyền để giải quyết nạn cát cứ địa phương. Thời vua Gia Long, toàn quốc được chia ra làm 23 trấn, 4 doanh. Từ Thanh Hóa trở ra gọi là Bắc gồm có 11 trấn. Từ Bình Thuận trở vào Nam gọi là Gia Định Thành gồm 5 trấn. Ở Bắc Thành và Gia Định Thành đặt chức tổng trấn, phó tổng trấn để trông coi mọi việc. Trấn lại chia ra phủ, huyện, châu. Đến năm 1831, vua Minh Mệnh xác lập lại địa giới hành chính và cải cách hành chính quy mô trên cả nước. Vua bãi bỏ các trấn, chia cả nước làm thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên (nơi có kinh đô thuộc Trung ương). Phía Bắc chia thành 18 tỉnh, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Phía Nam chia thành 12 tỉnh, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên. Nhà vua đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh sứ, Án sát sứ và Lãnh binh để trông coi, quản lý các tỉnh. Tổng đốc thì lo toàn bộ công việc quân và dân tình trong tỉnh. Tuần phủ đảm trách việc chính trị, giáo dục, xã hội. Bố chính lo công tác thuế má, đinh điền, binh lính, thông báo các mệnh lệnh của triều đình. Án sát đảm trách việc hình luật, trạm dịch bưu truyền. Lãnh binh chuyên trách công việc quân sự, binh lính. Từ Tuần phủ trở xuống phải thực hiện mệnh lệnh của quan Tổng đốc. Chức Tổng đốc chỉ được bố trí ở những tỉnh có quy mô lớn. Còn lại các tỉnh chỉ đặt quan Tuần phủ làm quan đứng đầu tỉnh.

Công việc chia tỉnh và xác lập địa giới hành chính của các tỉnh trong cả nước từ thời Minh Mệnh đến sau này hơn 100 năm vẫn còn phù hợp trước sự phát triển của xã hội. Điều này cho thấy: Vua Minh Mệnh và những người tham gia việc xác lập địa giới hành chính các tỉnh có tầm nhìn sâu rộng. Địa giới, quy mô các tỉnh sau hơn 1 thế kỷ vẫn phù hợp với; yêu cầu phát triển, không bị lạc hậu trước những đổi thay, phát triển của xã hội và nhu cầu cuộc sống.

Cùng với những cải cách bộ máy tổ chức, chia địa giới phân định tỉnh, vua Minh Mệnh quy định lại chế độ tiền lương cho các quan, đặt chức tước, phẩm hàm từng vị trí công việc của các quan. Hệ thống thứ bậc các quan định từ chánh nhất phẩm đến tòng cửu phẩm cách nhau 18 bậc. Tiền lương cũng chênh lệch khoảng cách từ 18 đến 20 lần. (Cụ thể lương bổng đồng niên và tiền xuân phục của quan chánh nhất phẩm là 400 quan tiền, 300 phương gạo, tiền xuân phục là 70 quan. Lương của quan cửu phẩm gồm 18 quan tiền, 16 phương gạo và tiền xuân phục là 4 quan...).

Nhằm động viên các quan hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nếp sống lành mạnh. Đồng thời, phòng chống tệ nạn nhũng nhiễu tham nhũng, Minh Mệnh cho thành lập quỹ Dưỡng liêm để khen tặng cho các quan thanh liêm từ 20 quan đến 50 quan tùy theo cương vị khác nhau. (Cụ thể như Tri phủ thanh liêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được thưởng 50 quan; Tri huyện, Tri châu được thưởng 40 quan...).

Về kinh tế, đất nước ta là chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nhân dân phần lớn là nông dân. Vua rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian ở ngôi, vua Minh Mệnh đã thực hiện hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở miền Bắc. Đặt quan khuyên nông, tổ chức khai hoang ven biển ở miền Bắc, lập ra 2 huyện mới là Kim Sơn và Tiền Hải. Nhà vua đã chỉ đạo phá bỏ đê phía Nam Hà Nội, đào sông thoát lũ ở Cửu An, Hưng Yên. Công cuộc khai hoang và các công trình thủy lợi ở miền Nam cũng được đẩy mạnh. Nhằm phát triển kinh tế, Minh Mệnh là vua có những chính sách khuyến nông, với những biện pháp thưởng phạt hữu hiệu, nhất là công cuộc khẩn hoang. Cụ thể: Nếu xã trưởng, lý trưởng khai hoang được 20 đến 50 mẫu ruộng được thưởng "ngân tiền Phi Long" lớn nhỏ mỗi thứ 3 đồng, cộng thêm 4 quan tiền... Đối với chánh phó tổng, tri phủ, tri huyện, tổng đốc, tùy theo số diện tích ruộng khai hoang được hưởng theo mức độ khác nhau. Ngược lại, nếu ruộng đất bị bỏ hoang hóa, các quan chức tùy theo hàm, tước và số diện tích bị bỏ hoang sẽ bị kỷ luật, xử phạt rất nặng. Cụ thể với tri phủ, tri huyện bỏ hoang từ 100 đến 200 mẫu ruộng bị phạt 6 tháng lương. Đối với quan đầu tỉnh, nếu bỏ hoang dưới 1% diện tích ruộng đất bị phạt 3 tháng lương. Triều Minh Mệnh tổ chức vận động cả nước khai khẩn đất đai. Nhân dân được tự do khai khẩn ruộng đất nơi triều đình yêu cầu hoặc tự chọn. Và, triều đình tổ chức khẩn hoang giao lại cho dân canh tác. Diện tích khai hoang, sau 3 năm triều đình mới thu thuế. Triều đình còn khuyến khích khen thưởng cho những ai chiêu mộ được 30 người khai hoang thì được làm ấp trưởng, chiêu mộ 50 người thì làm lý trưởng, 20 người thì được làm trại trưởng. Nếu làng, ấp, trại phát triển, người có công được xếp vào hàng vọng tộc, thế gia. Nhân dân tham gia khai khẩn ruộng đất được, cứ 5 người, được triều đình cấp 1 con trâu, 1 cái bừa, 1 cái cày, 1 cái cuốc, 1 cái thuổng.

Năm 1836, nhà vua cho kiểm kê đạc điền toàn bộ diện tích ruộng đất ở Nam kỳ. Đồng thời, quy định lại thuế điền thổ trong cả nước. Minh Mệnh cũng định ra thuế muối. Cứ mỗi ruộng muối đồng niên phải nộp thuế bằng muối từ 6 đến 10 phương muối (mỗi phương trị giá bằng 3 tiền đến 4 tiền 30 đồng). Dân Tàu sang nước ta lập hương ấp gọi là Minh Hương. Mỗi người phải nộp thuế 2 lạng bạc. Người Tàu buôn bán ở nước ta, mỗi năm phải đóng 6 quan 5 tiền. Người nào không có khả năng nộp thì thu một nửa, quy định sau 3 năm thì chiếu lệ thu cả thuế.

Song song với những cải cách về chính trị, kinh tế, vua Minh Mệnh còn chú trọng đến lĩnh vực văn hóa và phong tục. Nhà vua còn biên soạn 10 điều Huấn dụ để giáo dục nhân dân sống đúng đạo lý, chăm lo lao động, sống tiết kiệm, lành mạnh, giữ gìn và phát huy những phong tục tốt đẹp của dân tộc. 10 điều huấn dụ của nhà vua nêu rõ: "Trọng tam cương ngũ thường, làm việc tốt, giữ bản thân và tâm hồn trong sạch, chăm lo nghề nghiệp, chuộng tiết kiệm, giữ phong tục thuần hậu, dạy bảo con em, chuộng học chính đạo, răn tránh những điều gian tà, dâm dục. Cẩn trọng giữ gìn pháp luật,  cộng sự làm lành".

Minh Mệnh còn là vị vua chú trọng đến thời trang và cách tân y phục. Năm 1827, vua ban chiếu bắt buộc phụ nữ phải mặc quần có đáy (quần 2 ống), áo thì mô phỏng áo dài người Chăm và áo dài xẻ của người Trung Hoa để chế ra trang phục áo dài giống như áo dài ngày nay. Việc bắt buộc cách tân quần cho nữ giới, ban đầu đã gặp ý kiến chống đối được thể hiện qua hò vè, ca dao:

"Tháng Chín có chiếu vua ra (*)

Cầm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi ra bóc lột quần chồng sao đang

Có quần ra đứng bán hàng

Không quần, không đứng đầu làng trông quan".

((*): Có bản truyền ghi: Tháng Chạp, có bản ghi tháng Tám)

Việc này cho thấy: Thời nào và ngay các thời hiện đại cũng vậy, việc cải tiến y phục, cách tân thời trang, lúc đầu đều có đông đảo người ủng hộ cũng như chống đối, bài xích.

Minh Mệnh không chỉ chăm giáo dục con dân, nhà vua còn lo cho đời sống người nghèo khổ. Vua đã truyền lệnh cho các quan ở các tỉnh phía Bắc xây dựng nhà Dưỡng Tế. Những người lớn tuổi, cô đơn, nghèo khó, tàn tật không nơi nương tựa được đưa đến nhà Dưỡng Tế để sống. Mỗi ngày, những người sống ở nhà Dưỡng Tế được Triều đình cấp 20 đồng tiền và nửa bát quan đồng gạo.

Công việc quốc phòng là nhân tố quyết định đến an ninh trật tự của triều đình, đất nước và chủ quyền quốc gia. Vua Minh Mệnh chú trọng đến việc xây dựng lực lượng quân đội để chủ động phòng bị khi có biến cố. Lực lượng quân đội gồm có bộ binh, thủy binh, kỵ binh và pháo thủ binh. Bộ binh gồm có kinh binh, cơ binh. Kinh binh được chia ra Doanh, Vệ, Đội để đóng giữ ở kinh thành và điều động đóng giữ ở các tỉnh. Mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội, mỗi đội có 50 người do đội trưởng cai quản. Trang bị của mỗi vệ có 2 khẩu súng thần công, 200 khẩu điểu thương. Cơ binh là lính riêng của tỉnh, được chia ra Cơ và Đội. Tượng quân chia ra thành Đội. Mỗi đội 40 con voi chiến. Riêng ở kinh thành có 150 voi chiến. Thủy quân có 15 vệ, chia làm 3 doanh. Thời Minh Mệnh rất coi trọng thủy binh. Những bờ biển trọng yếu được xây dựng đồn trấn giữ và thường xuyên luyện tập thủy quân và chiến thuyền.

Minh Mệnh chú trọng đến xây dựng lực lượng quân đội và quốc phòng. Vua còn lập ra trường Giáo dưỡng binh cho con em các võ quan vào học, cấp lương bổng và cử các quan dạy võ nghệ, quân sự.

Năm 1827, quân Xiêm xâm chiếm nước Lào. Vua Minh Mệnh lệnh cho quan Thống chế Phan Văn Thúy đem lực lượng bộ binh và tượng binh sang giúp Lào, đẩy lui quân Xiêm.

Năm 1833, nhân cơ giúp Lê Văn Khôi chống lại triều đình, nước Xiêm đưa quân vào nước ta. Minh Mệnh sai tướng Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đánh bại quân Xiêm. Đồng thời, lệnh cho Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân tiến quân vào Nam Vang truy đánh quân Xiêm và bảo hộ Cao Miên. Năm 1834, vua sai Lê Văn Đức làm Khâm Sai đại thần cùng với tướng Trương Minh Giảng và Doãn Uẩn đóng quân ở Cao Miên và bảo hộ cả Cao Miên và Ai Lao.

Trong thời kỳ này Việt Nam là một quốc gia lớn mạnh so với các nước trong khu vực. Năm 1838, vua Minh Mệnh đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam thể hiện sự hưng thịnh của đất nước và triều đại. Vua Minh Mệnh cho đúc 9 cái đỉnh bằng đồng gọi là cửu đỉnh tượng trưng cho sự bền vững trường cửu của triều đại. Trên mỗi cái đỉnh đồng, nhà vua cho khắc danh lam thắng cảnh tiêu biểu của đất nước từ Bắc vào Nam. Chín cái đỉnh đó là:

1/ Cao đỉnh nặng 2.601 kg, cao 2,02 mét, miệng rộng 1,61 mét.

2/ Nhân đỉnh nặng 2.496 kg, cao 1,8 mét, miệng rộng 1,33 mét.

3/ Chương đỉnh nặng 2.083 kg.

4/ An đỉnh nặng 2.557 kg.

5/ Nghị đỉnh nặng 2.524 kg.

6/ Thuận đỉnh nặng 1.938 kg.

7/ Tuyên đỉnh nặng 2.053 kg.

8/ Dũ đỉnh nặng 2.047 kg.

9/ Huyền đỉnh nặng 1.950 kg.

Các đỉnh: Chương đỉnh, An đỉnh, Nghị đỉnh, Thuận đỉnh, Tuyên đỉnh, Dũ đỉnh, Huyền đỉnh có chiều cao và miệng rộng giống Nhân đỉnh.

Bên cạnh những cải cách về bộ máy chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và giáo dục đạt được những thành tựu đưa vị thế của đất nước và triều Nguyễn lớn mạnh. Vua Minh Mệnh cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Đó là việc nhà vua ảnh hưởng nặng nề nước Trung Hoa, nếu không muốn nói là thuần phục. Trong khi đó, đến triều Minh Mệnh thì ở Trung Hoa vua Càn Long đã qua đời, các triều Thanh Nhân Tông - Gia Khánh và Thanh Tuyên Tông - Đạo Quang nước Trung Hoa đã suy yếu, phân hóa và nhiều hủ bại, bảo thủ, lạc hậu. Vua Minh Mệnh đã có chủ trương bế môn tỏa cảng, cấm đạo Thiên Chúa hoạt động. Từ năm 1822, Minh Mệnh đã ra lệnh cấm người các nước phương Tây vào nước ta buôn bán. Và, cấm triệt để cả nước buôn bán giao thương hợp tác với người các nước phương Tây. Đến năm 1825 thì ban bố lịnh cấm đạo Thiên Chúa hoạt động. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo người phương Tây, người Pháp không được hoạt động truyền đạo tại Việt Nam và cấm dân theo đạo. Nhà vua đã ra chỉ dụ: "Đạo phương Tây là tà đạo, làm mê hoặc lòng người, hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo".

Đành rằng để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ vương quyền, Minh Mệnh phải cảnh giác với âm mưu xâm lược đất nước ta. Có những giáo sĩ làm tay sai cho chính quyền Pháp đi xâm lược. Nhưng, nhìn chung phần đông giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa chỉ phụng đạo. Tiếc rằng, Minh Mệnh và các quan trong triều đình không phân biệt được ai là "người đội lốt tôn giáo", có ý đồ xấu với đất nước để mà phân biệt, đề ra biện pháp, cách đối phó hữu hiệu.

Chính sách bế môn tỏa cảng, không giao thiệp với các nước phương Tây và cấm đạo Thiên Chúa của Minh Mệnh và triều đình là bảo thủ, tự cô lập Việt Nam đối với thế giới. Và, chủ trương cấm đạo là tạo ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, làm suy yếu sức mạnh của đất nước và dân tộc. Tiếc rằng, chủ trương này còn kéo dài đến các triều vua sau này. Đây là những yếu kém của Minh Mệnh và cả triều đình nhà Nguyễn đã làm cho đất nước chậm phát triển, ảnh hưởng đến các thời kỳ sau này.

 

III. MINH MỆNH -

Vị hoàng đế sinh ra nhiều nhà thơ tài hoa

 

 

Cùng với tài năng chính trị, vua Minh Mệnh là người thích văn chương. Giống như vua Lê Thánh Tôn, mặc dù bận rộn với công việc trọng đại của triều đình và đất nước, Minh Mệnh đã dành thời gian cho việc trước tác. Vua Minh Mệnh đã để lại cho hậu thế 4 tập thơ "Ngự chế thi""Ngự chế văn"... Nhà vua từng nói về thơ văn của mình: "Những bài thơ ta làm phần nhiều là tự răn dạy mình về đạo kính trời, yêu dân..., không có lời chải chuốt... cũng không tranh hay với các văn nhân, mặc khách... Vua chúa không phải lấy thơ hay làm chức vụ... ".

Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, vua Minh Mệnh có 142 người con (78 hoàng tử và 64 hoàng nữ). Vua đã viết 11 bài thơ cho con, cháu của mình để đặt tên. Trong đó, có bài "Đế hệ thi""Phiên hệ thi". Mỗi bài thơ có 4 câu, 20 từ. Vua dùng những từ có ý nghĩa tốt, uyên bác để bày tỏ hoài vọng tốt đẹp, bền vững cho thế hệ con cháu của Người.

Bài thơ "Đế hệ thi" như sau:

"Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh

Bảo, Quý, Định, Long, Trường

Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật

Khế, Thụy, Quốc, Gia, Xương".

Theo phép đặt tên đôi nầy, tất cả các con trai của vua Minh Mệnh đều phải có từ "Miên" đặt trước tiên ghép với tên của gia đình đặt. Con của thế hệ "Miên"Hồng... cứ thế tiếp tục đặt tên. (Cụ thể như vua Thiệu Trị có tên là Nguyễn Phúc Miên Tông... Vua Tự Đức có tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm... Bảo Đại có tên là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy...).

Vua Minh Mệnh có nhiều con trai trở thành những nhà thơ tài danh. Trong đó có: Nguyễn Phúc Miên Bửu (1820 - 1854), được phong Tương An Quân Công, hiệu Khiêm Trai, Nguyễn Phúc Miên Tông (1807 - 1847) tức vua Thiệu Trị, Nguyễn Phúc Miên Thanh (1830 - 1877) hiệu là Quân Đình được phong tước Trấn Biên Quân Công, Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819 - 1870) tước Tùng Thiện Vương, Nguyễn Phúc Miên Trinh (1820 - 1887) tước Tuy Lý Vương, Nguyễn Phúc Miên Định (1808 - 1885) hiệu Đông Trì).

Trong những hoàng tử của vua Minh Mệnh thì sự nghiệp thơ văn của Miên Bửu (Tương An Quân Công), Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương) và Miên Trinh (Tuy Lý Vương) là nổi bật hơn cả, được người đời tôn vinh là "Tam Đường".Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát được tôn vinh là "Tứ kiệt" trên văn đàn.

"Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán

Thi đáo Tùng,Tuy thất thịnh Đường".

Hai câu thơ trên của người đời ca ngợi văn tài của Tứ Kiệt và được truyền tụng trong dân gian từ xưa mãi đến ngày nay. Thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương là những đỉnh cao, nếu không muốn nói là cao nhất trong dòng thơ chữ Hán của nước ta thời bấy giờ.

Riêng các công chúa con Minh Mệnh có 3 người cũng có tài thơ như những người anh của mình. Đó là Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824 - 1892), tự là Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình; tác phẩm chính: Nguyệt Đình thi thảo; Nguyễn Phúc Trinh Thuận (1826 - 1904), tự là Trúc Khanh, hiệu là Diệu Liên, Mai Am; tác phẩm chính: Diệu Liên thi tập và Nguyễn Phúc Tỉnh Hòa (1830 - 1882), tự Quý Khanh, Dưỡng Chi, hiệu là Huệ Phố; tác phẩm chính: Huệ Phố thi tập. Ba người được người đời tôn là "Tam khanh" (Cả 3 là em gái của Tùng Thiện Vương). Về thơ nổi bật hơn các chị em của mình là Mai Am. Các danh sĩ đương thời như Trương Đăng Quế, Bùi Ân Niên, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Thuật, Nguyễn Trọng Hợp đã không ngần ngại xếp Mai Am có thể "ngồi chung chiếu" với các nhà thơ đời Đường, đời Tống.

Hậu duệ vua Minh Mệnh, những người có tên bắt đầu từ "Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh"... đều có nhiều người có tài văn chương. Ở bài viết nhỏ bé này, chúng tôi không thể thống kê đầy đủ, chỉ xin giới thiệu những tài thơ nổi bật trong thời cận đại và hiện đại như: Nguyễn Phúc Hồng Y (1833 - ?), tước Thụy Quân Công, tác giả của các tập thơ: Hậu uyển thi tập, Thị học tụng. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (1829-1883) tức vua Tự Đức. Tài lãnh đạo đất nước và Triều đình, Tự Đức không bằng các vua trước , nhưng là hoàng đế có tài thơ văn. Tác phẩm chính của ông gồm :Ngự chế thi tập,Cơ dư tự tình thi tập,Việt sử tổng vịnh, Luận ngữ diễn ca, Thập điều diễn ca…Vua Tự Đức viết nhiều đề tài, từ lịch sử, cảnh vật, đến  nhân tình…rất đa dạng, phong phú . Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877 - 1961), bút hiệu Thúc Gia Thị (Ông là cháu nội của nhà thơ Tuy Lý Vương). Ưng Bình Thúc Gia Thị có gia tài sự nghiệp văn chương thật đồ sộ. Sở trường của ông là văn thơ chữ Hán và ông viết nhiều thể loại. Các tác phẩm chính của Thúc Gia Thị gồm có: Lộc Minh thi tập (chữ Hán), tuồng: Lô Địch, Tuồng tào lao, Tình Thúc Giạ, Đời Thúc Giạ, Bán buồn mua vui, Tiếng hát sông Hương. Ngày ông qua đời, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã cảm niệm:

"Tình Thúc Giạ như thơ Thúc Giạ

Đằm hai mái tuyết đổi cao sâu

Hơn ai người đẹp, ai khanh tướng

Chẳng dám cùng xuân hẹn bạc đầu

...

Thiên Mụ chùa xa chuông hãy rót

Cho tươi thắm lại cánh hoa nhàu."

Nguyễn Phúc Bửu Đình (1898 - 1931) có bút hiệu là Hà Trì. Ông là người có tài thơ, văn; nổi danh như một nhà báo ở Nam Kỳ; suốt đời hoạt động yêu nước, chống Pháp và chống cả triều đình phong kiến. Năm 1931, ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Khi cùng bạn tù cùng chí hướng tổ chức vượt biển, bị mất tích. Ông để lại cho đời những tác phẩm chính: Thể loại tiểu thuyết: Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ, Giọt lệ tri âm, Sông hồ Ba Bể.

Trong thời hiện đại, có nữ văn sĩ Minh Quân, nhà thơ Kim Tuấn, Hải Bằng và Tôn Nữ Hỷ Khương, Trần Hoàng Phố (Nguyễn Phúc Bửu Nam)...

Nhà văn Minh Quân (1928 - 2009), tên thật là Công tằng Tôn nữ Bích Lợi. Bà khởi đầu sự nghiệp văn chương bằng làm thơ từ năm 1951, sau chuyển sang chuyên viết văn xuôi và dịch các danh tác nước ngoài bằng tiếng Pháp sang tiếng Việt. Bà đã xuất bản trên 40 tác phẩm. Trong đó có những tác phẩm tạo được tiếng vang, thu hút được nhiều bạn đọc như: Trời Âu qua mắt Việt, Những ngày cạn sữa... Văn Minh Quân thấm đẫm tính nhân văn.

Tôn Nữ Hỷ Khương, tên thật Công tằng Tôn nữ Hỷ Khương, sinh năm 1937, con gái của Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Bà bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1954. Đến hôm nay đã xuất bản được những thi phẩm: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2005) và Hồi ức về cha tôi (Năm 1996, tái bản 2002).

Tôn Nữ Hỷ Khương là một tâm hồn thơ giàu cảm xúc. Thơ bà nhẹ nhàng, tình cảm, thể hiện tình yêu con người và cuộc đời.

Hải Bằng (1930 - 1998), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Tôn. Thơ Hải Bằng chân thật, gắn bó với cuộc sống và những miền quê mà ông đã sống. Hải Bằng đã xuất bản những thi phẩm: Sóng đôi bờ, Mưa Huế, Thơ tình Hải Bằng, Hát về ngọn lửa, Đè lên năm tháng, Mưa lại về, Tuổi Huế trong ta, Trăng đợi trước thềm, Độc hành.

Kim Tuấn (1938 - 2003), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Khuê. Ông là hậu duệ đời thứ 5 của Miên Thẩm - Tùng Thiện Vương. Kim Tuấn là một tên tuổi lớn trong làng thơ hiện đại. Nhiều người yêu mến thơ Kim Tuấn. Thơ Kim Tuấn thấm đẫm tình cảm, sang trọng, điêu luyện, giàu nhạc điệu. Có những nhà phê bình đã nhận xét: "Kim Tuấn là chiếc cầu nối giữa thơ ca và âm nhạc". Thơ Kim Tuấn được nhiều nhạc sĩ tài danh phổ nhạc như: Phạm Duy, Y Vân, Nguyễn Hiền, Trương Quang Tuấn, Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Trúc Sơn, Thanh Trang. Bài thơ "Nụ hoa vàng mùa xuân" của Kim Tuấn được Nguyễn Hiền phổ thành nhạc phẩm "Anh cho em mùa xuân" và thơ ông được nhạc sĩ Y Vân phổ thành nhạc phẩm "Những bước chân âm thầm" đã làm lay động bao con tim từ khi mới ra đời cho mãi đến hôm nay. Thơ Kim Tuấn xoay quanh chủ đề: "Thiên nhiên, chiến tranh, tình yêu và cuộc sống". Nhà thơ đã để lại cho đời những thi phẩm: Hoa mười phương, Ngân thương, Dấu bụi hồng, Thơ Kim Tuấn, Tuổi phượng hồng, Tạ tình phương Nam...

Nhìn chung, là hậu duệ của vua Minh Mệnh, dù sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ, họ là những nhà thơ có nhiều đóng góp cho kho tàng và  dòng chảy của  nền văn học nước ta nhiều thêm nhiều hương sắc , phong phú.

 

IV. TẠI SAO TRIỀU ĐẠI MINH MỆNH CÓ NHIỀU
CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA NÔNG DÂN ?!

 

 

Khi giành được vương quyền, cai trị đất nước, nhà Nguyễn gặp phải sự chống đối của các lực lượng xã hội. Theo sử sách, thời Gia Long có 90 cuộc khởi nghĩa chống đối. Thời Minh Mệnh số lượng cuộc khởi nghĩa, chống đối quyết liệt lên đến 250 vụ lớn nhỏ. Mặc dầu, các cuộc khởi nghĩa, chống đối, phản loạn được dẹp bỏ. Nhưng, đã khiến cho xã hội và đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, bất ổn, nội bộ nhân dân chia rẽ, bất an, khổ cực.

Trong bối cảnh, trước khi nhà Nguyễn nắm quyền làm chủ, đất nước ta trải qua một thời kỳ dài loạn lạc, chiến tranh, chia rẽ liên miên. Trịnh, Nguyễn phân tranh; chiến tranh chống quân Thanh, nhà Tây Sơn nội chiến. Chiến tranh đối đầu giữa Gia Long và nhà Tây Sơn. Khi Gia Long lên ngôi, thống nhất đất nước, lòng người vẫn còn ly tán, phân rẽ. Trong nhân dân, một số còn tưởng vọng nhà Lê, nhớ và cảm phục Quang Trung - Nguyễn Huệ với những chiến công, chiến thắng quân Thanh, giải phóng dân tộc, đất nước.

Những cuộc khởi nghĩa, chống đối nổ ra gây tiếng vang lớn như: Thời Gia Long, do Nguyễn Văn Tuyết cầm đầu binh lính Tây Sơn nổi dậy chống đối ở Hải Dương. Thời Minh Mệnh, năm 1826, Phan Bá Vành nổi lên ở Nam Định, Hải Dương. Năm 1833, Lê Duy Lương dấy binh chống đối ở Ninh Bình với chiêu bài phục hồi nhà Lê. Năm 1833, ở miền Bắc, có Nông Văn Vân. Trong Nam, có Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) nổi lên chống đối... Nguyên nhân là do quan lại tham nhũng; Thiên tai, mất mùa, nhân dân đói khổ. Nhiều người phải bỏ xứ lang thang kiếm ăn. Ở Hải Dương có đến trên 2 vạn người lang thang cơ nhỡ, đi xin ăn. Nghệ An bị thiên tai làm hơn 4 vạn ngôi nhà bị sụp đổ, hơn 5.200 người bị chết. Ở miền Bắc, số người bị bệnh, bị đói đến chến lên trên 6 vạn. Tình hình nhân dân khốn khổ, nhưng triều đình ban hành những chính sách chỉ có lợi cho quan lại và vương triều, lại thêm chủ trương bế môn tỏa cảng và cấm đạo, có lúc cấm họp chợ. Triều đình độc quyền và ngoại thương, làm cho dân gặp nhiều khó khăn trong buôn bán, mưu sinh và không có cuộc sống tự do. Nhiều người phải bỏ làng quê trốn vào vùng đất phương Nam sinh sống.

Thời kỳ Minh Mệnh, tuy có nhiều cải cách và chú trọng đến phát triển nông nghiệp, khai khẩn đất đai. Nhưng trong những nguyên nhân dẫn đến sự chống đối khởi nghĩa của nông dân có nguyên nhân về chính sách ruộng đất của triều đình. Chính sách ruộng đất của triều Nguyễn nói chung, cũng như dưới thời Minh Mệnh đều ưu ái cho tầng lớp giàu có như địa chủ và quan lại.

Thời vua Gia Long, tình trạng bao chiếm ruộng đất của giai cấp địa chủ diễn ra gay gắt trong cả nước. Đến thời vua Minh Mệnh nạn bao chiếm đất đai đã đến lúc nghiêm trọng. Tình trạng tư hữu, bao chiếm ruộng đất của địa chủ và quan lại đã phổ biến lấn áp cả bộ phận ruộng đất nhỏ của nông dân. Do không có điều kiện kinh tế, ruộng đất của người dân sớm rơi vào tay người giàu, địa chủ và trở thành người làm thuê cho địa chủ, vạn hộ, thiên hộ ngay trên mảnh đất mình vừa khai phá. Chính sách tô, thuế của triều đình lại có lợi cho địa chủ.

Trước thực trạng trên, triều đình đã chủ trương lấy bớt ruộng tư của địa chủ làm công điền. Năm 1838, Tổng đốc Bình - Phú là Vũ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Minh Mệnh xin áp dụng chính sách hạn điền, chỉ để lại cho chủ tư nhân 5 mẫu ruộng. Còn lại đem chia cấp cho dân nghèo theo lệ quân điền. Nhưng Minh Mệnh và nhiều quan trọng thần trong triều đình không đồng ý, vì sợ "chưa thấy lợi mà thành nhiễu sự". Triều đình nhà Nguyễn chọn giải pháp ít căng thẳng hơn là yêu cầu địa chủ bỏ ra 50% ruộng tư để làm ruộng công. Trước ở Bình Định có 70.000 mẫu ruộng tư và chỉ trên 6.000 mẫu ruộng công. Sau khi điều chỉnh chính sách ruộng đất, triều đình đã có thêm 40.000 mẫu ruộng công để cấp theo phương thức quân điền. Đến năm 1840, Bố chánh Gia Định Lê Khánh Trình xin triều đình cho áp dụng kinh nghiệm đã làm ở Bình Định, nhưng vua không đồng ý. Riêng với địa chủ ở miền Nam, vua Minh Mệnh tỏ ra muốn áp dụng chính sách mềm dẻo hơn.

Nhìn chung, triều Nguyễn và vua Minh Mệnh đã có nhiều cố gắng trong giải quyết vấn đề ruộng đất. Nhưng, vẫn không thoát khỏi chính sách lỗi thời về ruộng đất của các triều đại phong kiến trước đây là duy trì chế độ quân điền. Từ những hạn chế của chính sách ruộng đất dẫn đến tình trạng phân hóa, chia rẽ trong nội bộ nông dân và trong xã hội. Nông dân nghèo đói, không có đất canh tác, mưu sinh dễ dẫn đến phản kháng chống đối triều đình. Chính sách ruộng đất từ đời Minh Mệnh còn kéo dài đến các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức... sau này. Quan lại tham nhũng, chính sách tập quyền bảo thủ, hà khắc, độc quyền kinh doanh giao thương, chính sách ruộng đất... là những nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng, chống đối triều đình của nông dân. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá, không hề xưa cũ cho các triều đại.

 

                                                                                    

                                                       La Gi, tháng 3/2017

________________________________________

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1/ Quốc triều chính biên.

2/ Đại Nam thực lục.

3/ Lịch sử Việt Nam của giáo sư Nguyễn Phan Quang

    và tiến sĩ Võ Xuân Đàn (NXB thành phố Hồ Chí Minh - 2005)

4/ Lược sử Việt Nam của Trần Hồng Đức

    (NXB VHTT - 2009)

5/ Tiến trình lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên)

    (NXB Giáo dục - 2006)

- Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam

   (NXB Văn hóa Thông tin - 1999)

- Tùng Thiện Vương - Nhất đại thi ông

   (Lê Ngọc Trác - NXB Văn Nghệ - 2008)

- Mai Am Công Chúa

  (Vũ Ngọc Khang và Nguyễn Ngọc Bích - NXB Văn hóa Thông tin - 2008)

6) Chân dung các vua Nguyễn của Đồ Bang - Nguyễn Minh Tường.

7) Triều Nguyễn - những vấn đề về lịch sử tư tưởng và văn học.

    (NXB Đại học Sư phạm Huế - 1994)

8/2) Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (NXB Thông Tin - 1999)

 

 

 

 

 


                                                                                            

 

Lê Ngọc Trác
Số lần đọc: 3075
Ngày đăng: 12.03.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cliometrics - Mỹ Phương
Sự “tùy tiện” phá phách, đầy thách đố trong cách ứng xử với đề tài lịch sử ở các sáng tác của Trần Vũ - Đoàn Huyền
Minh oan cho Ngài Đốc Binh Hương! - Diệp Hồng Phương
Võ Nguyên Giáp và vấn-đề Lịch-Sử - Nguyễn Quỳnh USA
Sử gia bị đạo sử (PHẦN BA) - Nguyễn Lục Gia
Sử gia bị đạo sử (PHẦN HAI) - Nguyễn Lục Gia
Sử gia bị đạo sử (PHẦN MỘT) - Nguyễn Lục Gia
Lịch sử khủng hoảng - Khổng Ðức
Hỏi – đáp về thời Âu Lạc - Nguyễn Văn Toàn
Từ hành hương đến du lịch – Khái lược lịch sử bản sắc - Đinh Lê Na
Cùng một tác giả