1. Mưa, cứ mưa mãi như thế này thì tưởng như bao nhiêu quần áo phơi không khô đều mốc hết. Từ sáng sớm, trời đã u u ám ám, và cả đoàn lô tô, xổ số lo lắng, ước lượng: "không khéo mưa tới đêm!" . Người ta ngủ vùi trong những gian hàng dựng tạm bằng ván, giữa những bảng số sặc sỡ, những thau mũ, mì ăn liền, bột ngọt làm phần thưởng. Tỉnh dậy, thấy trời lành lạnh, đường ruộng vắng tanh và không ai đoán được bây giờ đã là mấy giờ.
Cứ vài tháng, lại có một đoàn về khu ngoại thành này một lần. Đóng đô trên một bãi đất trống ngày thường vẫn dùng để phơi bọc ny lông và thỉnh thoảng bọn con trai ra đá banh chiều, đoàn lô tô đến khi nắng đã ngập khoảng đất, sương trên cỏ đã khô, vài anh nhỏ thó, tóc dài chấm ót, mặc những cái áo in hình đen trắng rằn rợ, vạt bầu nhọn lê thê... thoăn thoắt dựng sạp, mắc điện đèn, thỉnh thoảng quay lại cười đáp lễ mấy đứa con gái mặc đồ bộ, ngoài phủ sơ mi dài tay, mặt lọt thỏm trong nón lá, đi cắt cỏ ngang, đùa ẽo uột: "Con số gì đây, số gì đây..."
Trẻ con đã mắm môi trợn mắt thảy vòng hai đêm nay, lô tô cũng đã ra rả hát hai đêm nay. Bá đứng chân trên chân dưới một cái bục gỗ ở góc gian hàng, một tay cầm micro, tay kia đỡ dây điệu đàng như ca sĩ. Trẻ con, người lớn, kẻ đứng lô nhô dưới ruộng, trong quầng sáng đô hội của đèn nê-ông, kẻ ngồi chồm hổm trên bờ đất, tay cầm cục phấn con, chăm chú dò theo mẫu giấy kẻ ngang dọc toàn số. Mấy đứa con gái với những bộ đồ láng lẩy, tóc kẹp nhổng toàn nơ to, không mua vé cũng không thảy vòng, thả chuột, túm lại nhìn Bá, bình luận. Một đứa nén hết tình cảm để thốt ra một câu : "Thằng lô tô mới này đẹp hơn thằng trước, há!" ... một cách lạnh lùng, công minh, mấy đứa kia, mừng rỡ vì đã có kẻ mở đường hộ, khen Bá giống ca sĩ X., cách cầm micro cũng giống, chỉ tội hát không hay bằng!
... Đã hai đêm ra rả, bây giờ thì mưa. Trên bãi đất, không ai đem ny-lông ra phơi, tự nhiên cũng thấy buồn. Những chàng lô tô mặt thẫn thờ ngái ngủ, ngồi bó gối im lìm. Bá rủ : "Ăn bún bò, tụi bay!" và tất cả kéo nhau đi, dưới mưa nhỏ, ra cái quán khuất một bên vạt tre.
Quán ẩm ướt, nền đất đầy rau sống vương vãi, mấy con chó lông lem nhem, lom khom dưới gầm bàn nhặt thức ăn thừa. Một đứa con gái với một cái giẻ con vắt vẻo, đến lau bàn qua quít rồi hỏi : "Các anh dùng gì?" Đó là một đứa con gái ngăm đen, đeo đầy vàng: những trăng, sao, tim, hoa đeo đầy tai, đầy cổ. Nó cỡ mười sáu, chắc nịch và đầy vẻ trong sáng với má lúm đồng tiền một bên sâu thăm thẳm. Bá cười, đứa con gái cúi đầu, bóp cái giẻ, chờ đợi và cũng cười. Ngay lập tức, cả lũ đều hiểu ra và khi con bé đi khỏi, một đứa nói nhỏ với Bá : "Thằng này khốn nạn thật, đi đâu cũng vậy!", một đứa khác xúi: "Cua nó đi mày!" Bá cười, vẻ khiêm tốn thật lão luyện : "Thôi, việc đó để tụi mày, tao không có năng khiếu". Một người trong quầy gọi: "Thảo! Tính tiền bàn chú Tư" và con bé vừa cười mủm mỉm vừa đi nhanh về phía mấy ông lão đang xỉa răng đợi trả tiền, mấy anh lô tô nhìn theo, nói nhỏ : "Nó tên Thảo!"
2. Thảo rủ Hằng : "Ra chợ mua sổ chép bài ca với tao không ?". Hai đứa chở nhau trên cái mi ni vàng, mỗi đứa một cái kẹp voan rủng rỉnh trên đầu. Ngang qua bãi lô tô, cả hai đều kín đáo liếc vào rồi vội vã quay đi sau khi đã bắt gặp cái nhìn của anh chàng Bá, ngồi trên thành rạp, cởi trần, trắng như một cục bột. Im lặng một lúc, rồi Hằng nói : "Mấy thằng lô tô đi nhiều mà trắng thấy ghê há!". Thảo cũng bảo : "ờ thấy ghê" rồi cả hai đều thầm nhận xét rằng, chẳng ghê chút nào cả, cái anh chàng đẹp trai ấy, so với bọn con trai quê đen nhẻm ở đây.
Ở chợ, hai đứa vào hàng tạp hoá, xin coi mấy loại sổ tay, rồi cuối cùng, cả hai cùng reo lên hoan hỉ khi thấy lần đầu tiên ở cái chợ quê chuyên bán rau này xuất hiện một loại sổ tay kiểu cách, giấy ca rô trắng muốt, cứ vài trang lại in một cụm hoa cỏ, màu có lem luốc một tí nhưng thế là văn minh lắm rồi, văn minh không ngờ. Hằng hỏi : "Mày có cuốn bài ca rồi mà!" - "Tao chép lại cuốn khác!", rồi Thảo mua thêm một cái băng-đô to bản, tím lịm. Hằng mua một đôi bông tai mũ, hình trái tim, màu hồng, rồi lại chở nhau về, ngang qua bãi đất lại liếc vào, lần này thì không thấy Bá đâu, hai đứa con gái giả vô tư, rủ nhau : "Tối nay đi hội chợ chơi, mày!"
3. Vài tháng một lần, hội chợ lô tô, xổ số lại tạo cơ hội cho người ta mơ màng một chút ở cái xó xỉnh quê mùa này. Những ngày ấy, trẻ con, thanh niên ăn cơm chiều qua quít, rồi trẻ con thì ăn mặc sao cho thoải mái nhất, người lớn ăn mặc sao cho cầu kỳ nhất, vội vã hay lững thững, đổ về bãi đất trống. Micro liếng thoắng, đèn sáng trưng, người ta chơi thì ít, xem thì nhiều; người ta tìm kiếm nhau, nói những câu bóng bẩy và e thẹn. Trẻ con bỏ ra một đống tiền lẻ để thu về một gói mì tôm, vài cục xà bông không thơm, không hôi, sung sướng chạy ve vẩy khắp nơi.
... Thảo hỏi : " Anh từ đâu về đây?", Bá nói tên một vùng đất xa lạ, rồi khoe: " Anh đi đây đi đó nhiều lắm!", xong cúi mặt, đúc kết bằng một vẻ nghiêm túc: "Nghề này mà!".
Sổ bài hát, Bá đã chép cho Thảo hai bài, chữ ngả như gió thổi và thích viết hoa là viết, Hằng đã xem và suy diễn: " Người vậy là lãng mạn lắm!". Thảo nói lại điều này với Bá, rồi nhìn dò xét, Bá ra vẻ đăm chiêu, xa xôi rồi buồn bã nói: " Ngày xưa thì có thật, nhưng bây giờ hết rồi!", xong nói sang chuyện khác. Thảo thấy, thật khác hẳn với bọn con trái ở đây, ông ổng và thô lậu, anh chàng Bá này kín đáo và kỳ bí, anh viết thư lại hay nữa. Những cái thư ngọt ngào, đọc xong chỉ thấy ngọt ngào, cũng chẳng rõ có yêu hay không, tuy vậy vẫn ngọt ngào.
Còn Bá, Bá thấy Thảo cũng dễ thương, dễ thương và dễ tính như rất nhiều cô gái anh gặp, ở những vùng khác nhau, những cô gái dễ tin và hay ngộ nhận, Bá chỉ cần tung ra một nắm câu ỡm ờ là tình yêu đã có thể nảy mầm nhanh như cỏ.
Đường tre vắng vẻ và hoa dại không hương sắc lấp ló thật tội nghiệp. Bá nói : "Tụi mình quen nhau mấy ngày rồi ha?"- "Sáu ngày, từ bữa em ra hội chợ, anh đưa em gói kẹo pháo đó, thứ ba, phải không ?". Bá"ờ", cúi đầu, tay nắm cổ xe mi ni của Thảo: "Mai anh đi!" và anh ta hẹn Tết sẽ về lại đây. Tết sẽ có thêm vài trò mới, rồi em sẽ thấy, anh nói, rồi đưa Thảo một cái thư gấp cầu kỳ, bảo về nhà hẵng xem, rồi anh nói, vẫn buồn buồn, nói nhiều lắm, nhưng không dặn Thảo phải đợi gì cả, không dặn nhưng Thảo thấy mình không đợi không được. Thảo nói : "Tết về, chắc anh không nhớ ra em?". Bá cười: "Sao quên được!". Trời sụp tối nhanh chóng và cây cỏ bắt đầu toả hương ngai ngái hoang dã của mình, và Bá thấy, cái khung cảnh này đã gặp ở đâu rồi thì phải, ở đâu thì quên mất rồi!
4. Đoàn lô tô chưa thấy quay trở lại, cũng không thấy thư từ của ai nhắn nhủ gửi về. Bãi đất trống đã bắt đầu có người tới đo và cắt bán, những gưong mặt xa lạ từ đâu đổ về, họ xây nhà nhanh như đổ bánh, những căn nhà tô đá rửa giống nhau, chen chúc cạnh nhau.
Trong xóm, nhà nào cũng có xe cub, mấy thằng con trai đã có thể tự tin mặc quần ông già, rồ máy giữa trưa, đi ra đầu hẻm cũng bằng xe, đến ăn tô bún cũng đi xe... Những vườn rau nhỏ bán đã gần hết, cái hốc hẻo lánh này dần dà cũng đông vui. Bãi đất trống-khu đất hội chợ- cũng dần dần thu hẹp lại. Một sáng, đứng tựa cửa quán, Thảo nghĩ, giá bây giờ Bá quay trở lại, cái đoàn lô tô của anh chắc sẽ lúng túng, rồi đi. Mà đi đâu? ở đâu cũng thế cả thôi, ở đâu cũng hết chỗ rồi, tội nghiệp! Và Thảo mở những cái thư cũ ra xem, vẫn thấy ngọt ngào, vẫn thấy vui, chỉ không thấy rằng, hoá ra, mình đang hồn nhiên thực hiện cái thiên chức của phụ nữ là : Chờ đợi.
12.92