Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.317
 
Nửa điều còn lại
Phạm Lưu Vũ

Hạng “Bỉ nhân” học lỏm được chút đạo lý bé bằng móng tay, ngắn tựa khoảnh khắc, chưa qua nổi một đời đã bị thiên hạ chê là u tối, thế mà cứ cho mình là ghê gớm lắm, không những tự đẻ thêm ra thuyết này thuyết nọ, cốt sao trộn lẫn đạo đức với lưu manh, nhập nhằng tử tế với bịp bợm... lại còn tập hợp lâu la, muốn “nắn” lại cả thiên hạ cho hợp với ý mình. “Nắn” một đời chưa thỏa, còn muốn “nắn” mãi đến muôn đời. Vì thế luôn luôn phải lo tìm người nối được cái “chí” ấy của mình để đi tiếp cái con đường có khi dẫn đến chỗ làm hỏng cả thiên hạ.

Bậc Thánh nhân sở dĩ có chỗ khác. Thánh nhân hiểu đạo lý lớn ngang Trời Đất, dài suốt cả quá khứ, vị lai rồi, mà vẫn còn lo thiên hạ hỏng. Vì thế, để sáng được cái “đạo” của mình, làm cho đạo lý ngày càng trọn vẹn, không những luôn luôn mong có người phản biện, thậm chí có khi phải tìm cho bằng được kẻ sẽ đi ngược lại con đường do chính mình đã vạch ra...

Trên đây trích “Lời tựa” trong “Luận ngữ Tân thư”, một kiểu sách lai rai về đạo lý tân thời, thỉnh thoảng cũng có chỗ vừa quen vừa lạ. Song quen thì hình như cũng không cũ đi mà lạ cũng chẳng làm mới thêm. Sau đây xin trích một phần của bộ sách đó, phần chép về việc của Mạnh Tử lúc cuối đời:

 

Nước Lỗ năm ba trăm... trước Công nguyên.

Mạnh Phu Tử chủ trương: “Nhân tri sơ, tính bản thiện” (Cái gốc của con người trước khi có nhận thức là tính thiện). Ngài lập nên cả một học thuyết về tính thiện, lại còn đặt ra đạo lý “Nhân nghĩa” được phần lớn thiên hạ tin theo, học trò đông vào bậc nhất đời bấy giờ. Thế mà Ngài vẫn thường than: “Thiên hạ sắp hỏng mất rồi. Ta chỉ mới nói ra có nửa điều hay đấy thôi. Vậy mà ai cũng tin cả như thế, thì còn nửa điều hay kia nữa, bao giờ mới nói nốt được đây?” Ngài vẫn áy náy về chuyện đó đến nỗi mất ăn mất ngủ, vì thế thường để ý tìm người khả dĩ có thể truyền lại hết cái sở học của mình. Nhưng tìm mãi vẫn chưa ra. Một hôm có kẻ xưng là Hư Tử đến ra mắt hỏi:

- Nghe nói Phu Tử còn nửa điều hay mà thiên hạ chưa ai có thể nghe được. Vậy như tôi đây liệu có nghe được chăng?

Mạnh Tử hỏi:

- Ngươi khác mọi người ở chỗ nào?

Hư Tử trả lời:

- Không khác gì cả, tôi vốn cũng có tính bản thiện như mọi người.

Mạnh Tử lại hỏi:

- Vậy cái ác từ đâu mà có?

Hư Tử trả lời:

- Cái ác từ trong loài cầm thú, con người học ở loài cầm thú mà có.

Mạnh Tử bảo:

- Có kẻ làm vua suốt đời ở trong cung, không hề tiếp xúc với cầm thú, vậy mà đối với thiên hạ vẫn ác hơn cả loài cầm thú, đến mức bắt trăm họ phải đời đời thần phục sự vô đạo, bất nhân của mình là cớ làm sao?

Hư Tử không trả lời được. Từ đó đành cắp tráp theo làm học trò, suốt đời học về “nhân nghĩa”. Về sau, vị Hư Tử ấy cũng trở thành một triết giả có tiếng đời bấy giờ.

 

Một hôm khác, lại có kẻ xưng là Hấp Tử tìm đến ra mắt. Hấp Tử hỏi:

- Nghe nói Phu Tử còn nửa điều hay mà thiên hạ chưa ai có thể nghe được. Vậy như tôi đây liệu có nghe được chăng?

Mạnh Tử hỏi:

- Ngươi khác mọi người ở chỗ nào?

Hấp Tử trả lời:

- Không khác gì cả, tôi vốn cũng có tính bản thiện như mọi người.

Mạnh Tử lại hỏi:

- Vậy cái ác từ đâu mà có?

Hấp Tử trả lời:

- Ấy là do con người không được học hành tử tế, không hiểu đạo lý nên làm bậy.

Mạnh Tử bảo:

- Khối kẻ làm quan cũng được học hành, đỗ đạt, lại suốt ngày rêu rao, dạy dỗ mọi người hết đạo lý này đến đạo lý khác... Vậy mà rốt cuộc tự mình vẫn ác hơn chó dữ, vẫn ngày ngày bắt dân gian phải cung đốn, hầu hạ. Đục khoét của dân cả đời chưa thỏa, lại còn thả cho con cháu, họ hàng, lâu la mặc sức nhân danh pháp luật, ăn cướp của dân giữa ban ngày ban mặt đem về chia nhau, coi dân chẳng khác gì cỏ rác... là cớ làm sao?

Hấp Tử cũng không trả lời được. Từ đó cũng đành cắp tráp theo làm học trò, học về “nhân nghĩa”. Về sau, vị Hấp Tử ấy cũng trở thành một bậc đại hiền đời bấy giờ.

 

Một hôm khác, tiếp tục có kẻ xưng là Mạt Tử tìm đến. Mạt Tử hỏi:

- Nghe nói Phu Tử còn nửa điều hay mà thiên hạ chưa ai có thể nghe được. Vậy như tôi đây liệu có nghe được chăng?

Mạnh Tử hỏi:

- Ngươi khác mọi người ở chỗ nào?

Mạt Tử trả lời:

- Không khác gì cả, tôi vốn cũng có tính bản thiện như mọi người.

Mạnh Tử lại hỏi:

- Vậy cái ác từ đâu mà có?

Mạt Tử trả lời:

- Cái ác có ở ngoài đời, con người do bị dụ dỗ, lôi kéo mà làm ác...

Mạnh Tử bảo:

- Vậy có kẻ suốt đời ở nơi thôn dã, không hề bị ai dụ dỗ, lôi kéo. Thế mà có khi chỉ vì cái kim, sợi chỉ cũng nổi hứng giết người là cớ làm sao?

Mạt Tử cũng không trả lời được. Từ đó cũng đành cắp tráp theo làm học trò, học về “nhân nghĩa”. Về sau, vị Mạt Tử ấy cũng trở thành một người hiền đời bấy giờ.

 

Một hôm khác, lại tiếp tục có kẻ xưng là Tắc Tử tìm đến. Tắc Tử hỏi:

- Nghe nói Phu Tử còn nửa điều hay mà thiên hạ chưa ai có thể nghe được. Vậy như tôi đây liệu có nghe được chăng?

Mạnh Tử hỏi:

- Ngươi khác mọi người ở chỗ nào?

Tắc Tử trả lời:

- Không khác gì cả, tôi vốn cũng có tính bản thiện như mọi người.

Mạnh Tử lại hỏi:

- Vậy cái ác từ đâu mà có?

Tắc Tử trả lời:

- Cái ác sở dĩ có là do con người chưa biết tôn trọng mạng sống của kẻ khác...

Mạnh Tử bảo:

- Vậy có kẻ coi thường đến cả mạng sống của chính mình, hoặc vì thù oán, mất hết tính người, hoặc nhân danh cái thiện, mà sẵn sàng huỷ hoại cả thân thể do cha mẹ đẻ ra, chỉ cốt gieo rắc tai họa cho đồng loại là cớ làm sao?

Tắc Tử cũng không trả lời được. Từ đó cũng đành cắp tráp theo làm học trò, học về “nhân nghĩa”. Về sau, vị Tắc Tử ấy cũng trở thành một người hiền lành tử tế đời bấy giờ.

 

Rốt cuộc, Mạnh Tử vẫn không tìm được ai để có thể nói ra nốt nửa cái điều hay kia. Ngài vì thế càng lấy làm buồn rầu lắm. Mãi đến năm Ngài ngoài tám mươi tuổi, vào một ngày cuối đông u ám, bỗng có kẻ xưng là Tuân Tử, người nước Triệu tìm đến xin gặp. Người này mày xếch trán hẹp, mũi gồ như một dãy núi dựng giữa mặt, giọng vang như chuông, dáng như hổ báo. Khi đến không vào hẳn trong nhà, mà chỉ đứng ở dưới thềm vái một cái rồi hỏi:

- Nghe nói Phu Tử còn nửa điều hay mà thiên hạ chưa ai có thể nghe được. Chính tôi cũng chỉ muốn nghe duy nhất có nửa điều ấy mà thôi?

Mạnh Tử từ trong nhà hỏi ra:

- Tại sao Ngươi lại chỉ muốn nghe có nửa điều ấy?

Tuân Tử trả lời:

- Những điều khác tôi đều đã từng nghe, song vừa nghe bằng tai nọ, thì ngay lập tức, đã cho ra tai kia hết cả rồi.

Mạnh Tử lại hỏi:

- Vậy ngươi còn gì khác với mọi người?

Tuân Tử trả lời:

- Tôi từ nhỏ đã coi mình chẳng qua cũng hệt như những loài cầm thú khác mà thôi. Thế mà nói rằng ai cũng vốn có tính bản thiện cả thì khác gì ru ngủ người ta. Như vậy chẳng những sẽ làm cho con người tự ảo tưởng về mình, mà còn sinh ra mất cảnh giác trước tính ác của đồng loại thì sao?

Mạnh Tử nghe nói vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Ngài bảo:

- Người có phải là kẻ ta đang đi tìm đó không? Người nói như thế, tức là đã nghe cái nửa điều còn lại ấy của ta rồi đấy.

Tuân Tử lại hỏi:

- Phu Tử tìm thấy cái nửa điều ấy ở đâu ra?

Mạnh Tử vẫn ngồi trong nhà mà trả lời:

- Ở giữa thiên hạ này, trong cuộc đời này. Vả lại cứ xem chữ thì biết. Sở dĩ gọi là “chữ nghĩa”, bởi vì trên mặt chữ vốn đã có sẵn nghĩa, thậm chí cả đạo lý nằm ở ngay đó rồi. Ta từ khi đọc chữ thánh hiền, đã biết rằng cái gọi là thiện chẳng qua chỉ có ở nơi đầu lưỡi mà thôi. Thiện là cái thuộc về khẩu (cửa miệng). Vì thế chữ thiện(*) vốn chỉ là chữ khẩu (miệng) ngụy trang đi mà thành. Chính cái ác kia, mới thực là có sẵn trong con người, tự lòng người mà ra. ác là cái thuộc về tâm. Cho nên chữ ác(**) chính là một cách đọc khác, một cái nghĩa phía bên kia, nghĩa thứ hai của chữ... tâm (lòng người) đó vậy. Ta xưa nay sở dĩ cứ phải giảng điều ngược lại, là vì hy vọng con người sẽ quên đi cái ác trong tâm mình mà gắng làm điều thiện đấy thôi. Không ngờ kết quả chẳng được là bao, con người cứ càng ngày càng thích nhân danh cái thiện để làm điều ác. Tất cả chỉ là nhân danh cái thiện mà thôi... Rồi sẽ tới lúc, tính ác kia sẽ thả sức lộng hành đến mức quỷ thần cũng không lường được cho mà xem.

Tuân Tử nghe đến đó, bấy giờ mới nhìn rõ mặt của Mạnh Tử phía trong nhà, hốt nhiên đang đứng giữa sân bỗng rùng mình một cái. Lại hỏi tiếp:

- Vậy còn chữ “Nhân” của Khổng Tử ngày trước, tại sao Phu Tử phải hạ thấp xuống bằng cách thêm vào một chữ “nghĩa”, thành ra “nhân nghĩa” làm gì?

Mạnh Tử trả lời:

- Cũng là sự cùng bất đắc dĩ đấy thôi. Ta vì thấy những kẻ loạn thư bại tự trong thiên hạ cứ mải miết hiểu sai chữ “Nhân” (***) đó của Đức Khổng Tử. Họ cho rằng hai vạch song song trong chữ “Nhân” kia là ngụ ý chỉ cốt đạt tới sự bình đẳng, ngang bằng đối với tất cả mọi người(?). Thế thì “Nhân” tầm thường quá, lừa dối quá. Đức “Nhân” kia mà hiểu thành như vậy, thì kẻ làm vua thật ra sẽ chỉ biết có mị dân, kẻ làm dân sẽ suốt đời bị mê hoặc mà không bao giờ ngóc đầu ngóc cổ lên được. Có biết đâu rằng hai vạch ấy thì một vạch tượng trưng cho Trời, một vạch tượng trưng cho Đất. Chữ “Nhân”, chính là con “người” đứng trước Trời, Đất, ngang bằng với Trời, Đất, đóng vai trò là cái phần hồn vía của cả vũ trụ “Thiên, Địa, Nhân” này. Đức “Nhân” lớn như thế, ghê gớm như thế, người đời không ai hiểu nổi, thì làm sao có thể theo được. Trong khi đó lại đem cái sai ra mà lừa dối nhau, mà bịp thiên hạ, làm hỏng cả thiên hạ thì ta thà hạ thấp xuống còn hơn. Song “Nhân nghĩa” dẫu có thấp hơn “Nhân”, thì đó cũng là cái đạo cốt để hướng tới đức “Nhân”, mục đích cuối cùng vẫn là chữ “Nhân” ấy mà thôi.

Tuân Tử lại hỏi:

- Phu Tử còn điều gì muốn nói nữa không?

Mạnh Tử vẫn từ trong nhà trả lời:

- Còn một điều cuối cùng này thôi. Ta biết người là kẻ có thể tự mình làm ra đạo lý, cũng như ta, đều cốt hướng thiên hạ tới cái đức “Nhân” kia của Đức Khổng Tử. Vì thế gặp được người là ta có thể yên tâm rồi. Người cứ việc bắt đầu từ cái phía mà người cho là đúng. Dẫu có ngược lại với cái chỗ bắt đầu của ta, thì từ nay, chính điều đó mới làm cho ta mãn nguyện.

Tuân Tử cáo từ ra về, từ bấy giờ không gặp lại Mạnh Tử nữa. Vài năm sau, Mạnh Tử mất. Về cuộc gặp gỡ duy nhất này của hai vị, nghe nói lúc đầu cũng có chép trong Sử kí. Nhưng không hiểu sao đến lúc Sử kí được lưu hành thì lại không thấy có?.

Về sau, Tuân Tử quả nhiên lập ra một học thuyết riêng, mới mẻ, tự do, hoàn toàn không vướng víu gì đến những lối mòn tư tưởng đang thịnh hành của các triết giả lẫy lừng đời trước, thậm chí phủ nhận hết cả, không chừa một ai. Học thuyết ấy kể từ khi lưu hành ở đời làm giật mình hết thảy thiên hạ cho đến tận bây giờ. Ngược một trăm tám mươi độ với Mạnh Phu Tử, học thuyết của Thầy Tuân Tử xuất phát từ chỗ chủ trương con người ta sinh ra vốn gốc là ác (“ác - nhân chi bản”). Đó là cái nửa điều còn lại kia nghe được từ chính Mạnh Phu Tử. Sách Tuân Tử có hẳn một thiên luận về tính ác, theo đó thì tính thiện của con người (nếu có), chẳng qua là nhập từ ngoài vào, tuỳ lúc, tuỳ người mà “nhập” được nhiều hay ít, có kẻ chẳng “nhập” được tý nào. Chính cái tính ác kia mới là có sẵn trong gan ruột, từ trong gan ruột mà ra. Thầy còn nói chắc như đinh đóng cột: “Nhân chi tính ác, kì vi thiện giả, ngụy dã” (tính của con người ta vẫn là ác, sở dĩ làm ra thiện chẳng qua chỉ là giả (ngụy) đấy thôi). Lạy giời, nếu đúng như thế thì thật là xấu hổ, bẽ mặt cho cái gọi là “con người” trên thế gian này, xem ra cũng chẳng khác loài cầm thú là bao...

Tuy thế, học thuyết của Thầy Tuân Tử lại có tác dụng làm cho con người phải luôn luôn đề cao cảnh giác với cái tính ác tiềm tàng của chính mình và của đồng loại, cái ác từ đó đâm ra khó có cơ hội mà tác oai tác quái, thiên hạ lại có nhiều cơ may được yên ổn hơn. Giống như đám sói kia sở dĩ yên, không cắn lẫn nhau, không phải vì chúng yêu thương gì nhau, mà chính vì chúng biết tỏng nhau đều là giống ác, cho nên con nào con nấy phải luôn luôn để ý, dè chừng lẫn nhau vậy. Chứ giả sử chúng cũng ảo tưởng, tự ru ngủ mình là giống thiện thì có khi chúng lại cắn nhau suốt ngày. Ví như thế thì quả thực khó mà thuận tai, nhất là đối với các nhà đạo đức từ đầu đến chân. Vì vậy, từ những kẻ hủ nho, cho đến những hạng đạo đức giả đời sau đều ra sức đả phá, đều ghét cay ghét đắng Thầy, cho là Thầy cố tình bêu xấu cái giống người vừa đẹp đẽ, vừa cao quý này, cố tình đi ngược lại đạo lý của Khổng Mạnh... Có biết đâu rằng chính học thuyết ấy của Thầy mới làm cho đạo lý Khổng Mạnh thêm phần rực rỡ, trọn vẹn. Thậm chí nếu không có Thầy, không gặp được Thầy, thì ngay cả Đức Mạnh Tử kia cho đến lúc chết có khi cũng khó mà nhắm được mắt...

Thế nhưng tại sao Ngài (Mạnh Tử) biết vậy, mà suốt đời vẫn không tự mình nói ra điều ấy, như một cách hoàn thiện nốt cái đạo lý của mình, lại phải chờ gặp cho bằng được Tuân Tử? Đó là điều mà kẻ viết lại câu chuyện này không giải thích được. Có lẽ phải trông chờ vào các nhà chuyên làm cái công việc giáo dục, xưa nay chuyên đi dạy dỗ thiên hạ, thì mới có thể hiểu được thâm ý ấy của Thánh nhân mà thôi.        

2005

 

Chú thích:

(*) Chữ thiện (), phía trên gồm 9 nét trùm (ngụy trang) lên chữ khẩu () là miệng.

(**) Chữ ác (), phía trên là chữ á (), dưới là chữ tâm (). “Á” có nghĩa là thứ hai (ví dụ “á hậu”, “á thánh”…). Ngoài ra theo cách cấu tạo (hội thanh) của chữ Hán, chữ á nằm trong chữ ác có tác dụng chỉ cách đọc thành âm “ác” của chữ tâm.

(***) Chữ nhân () gồm chữ nhân ()(người) và hai vạch song song.

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3609
Ngày đăng: 08.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
ăn cơm nhà... (phần 6) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 7) - Phạm Lưu Vũ
Mùa mưa.ra đảo… - Huỳnh Kim
Ăn cơm nhà... (phần 5) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 4) - Phạm Lưu Vũ
ăn cơm nhà... (phần 3) - Phạm Lưu Vũ
Mùa yêu - Nguyễn Thành Nhân
Họ đã yêu nhau như thế nào ? - Hồ Tĩnh Tâm
Cuộc họp mặt văn chương phương Nam - Hồ Tĩnh Tâm
Tổng ông kỵ mã - Lâm Triều An
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)