Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.424
 
Thi nhân rã rời
Nguyễn Hàng Tình

 

  Đừng để con người trong nhung lụa. Hãy quất cho nó đủ đau may ra nó mới  quay lại với căn tính hồn nhiên, mơ mộng ban đầu của loài thú ở trong rừng. Đô thị, cơ cầu, bạc tiền làm loài người thành quỉ chứ không thành thú được. Thi nhân là con đường đốn ngộ, từ bỏ, giải thoát đấy, đi đi...

                                                                               

                                                                                 

                                                                                                                                        

 

       

 

            Anh ta thường bị thế nhân, kể cả những người làm thơ, coi rẻ. Họ coi rẻ, vì anh ta quá nghèo, thường không tiền trong túi, ăn mặc tuềnh toàng, lếch thếch, lại lang thang. Mà lang thang, ít để ý đến xung quanh, và sống mơ tưởng là trạng thái được đám đông ta bà xếp vào khùng điên. Tôi thì không làm được cái điều như đám đông là e ngại, coi rẻ người làm thơ. Nên tôi thường ngắm nhìn anh ta, bởi anh ta là một thực thể của vũ trụ, mà mỗi con người như Phật nói là một tiểu vũ trụ, đều màu nhiệm, chung thân phận bọt bèo trong cõi vô thường xung quanh, không ai là chủ nhân của cuộc đời cả. Thì có sao đâu, riêng gì thế nhân, anh ta từ lâu đã làm thơ rằng, mà lại làm để gửi cho vợ mình: Giờ em  ghét kẻ lang thang/ Nên anh ngồi lặng bên đàng xin ăn.

            Con người anh ta là thế, mọi thứ phù hoa mà đám đồng mê say trở thành vô nghĩa, anh ta không để ý. Anh ta cho rằng nếu con người có sao sống vậy, không đòi hỏi, so bì, hơn thua thì cuộc đời này là Thơ, và không bao giờ có  tỵ hiềm, xung đột, chiến tranh. Đám đông ta bà thường đi khoe khoang và tôn vinh sự khôn lanh,  mưu mẹo, và cho đó là tỉnh táo, nhưng họ không biết mầm mống của chiến tranh và cái ác là từ điều đó, lòng tham. Đám đông với đặc tính lòng tham không dừng lại của nó đã luôn kéo thế gian đi xuống, làm cuộc đời mất Thơ. Công thức đời thật đơn giản, rằng, càng ít nhu cầu càng sống có đạo đức. Anh ta không đủ ác để phát triển năng lượng theo chiều hướng đám đông, mà cứ mơ tưởng, chân thành với cuộc đời, chảy theo tình thương, dù trong bất cứ tình cảnh gì: Quê nhà đất bạc như vôi/ Con tôi tuổi dại mồ côi bên rừng.

 

                                                 

            

                                                   Phế liệu thơ

 

 

              

             Tôi nhảy chiếc xe buýt cọc cạch chạy bốn chục cây số men theo những núi cát rẽ ra hai bên cao ngất trong cái không gian sa mạc ven duyên hải để tìm về nơi anh ta sống, khi vừa đặt chân xuống Qui Nhơn. Xứ sở gì mà ngay mọi cái tên từ xóm thôn, lên đến xã, huyện đều gắn với chữ Cát, còn gió thì cứ thổi vút vút nghe mà hoang liêu, nỉ non quá. Anh ta sững sờ nhìn tôi giữa cánh đồng: Đến đây thiệt hả, T.! Rồi anh ta quay đầu bước đằng trước, tôi theo sau. Vừa đi anh ra vừa bảo, kia là núi Bà, còn đây là ruộng đồng. Quê mình thế đó.

           Nhưng với anh ta, ngọn núi kia thì còn được nhìn, được trèo lên, nhưng ruộng không được bước xuống nữa.

            Anh ta không thể bước xuống ruộng vì anh ta không có chủ quyền nào ở đó. Ngày trước anh ta cày ruộng và làm thơ. Sau anh ta đem mấy sào ruộng đó cho người ta cày rẻ, còn mình vào tít Sông Bé làm công nhân cạo mủ cao su và làm thơ. Rồi quay về cày ruộng lại, và làm thơ. Khi đứa con duy nhất trúng đại học, anh ta mang hai sào rưỡi ruộng thuế chấp ngân hàng để lấy tiền cho con theo học. Cứ thế, đám ruộng xẻo ra bán dần, bán dần cho nông dân khác trong làng_ đổ tiền vào giáo dục. Đến lúc nợ lãi ngân hàng phình ra to quá, người ta dọa lấy ruộng và siết nhà, hết đường, anh ta bán luôn diện tích ruộng bao quanh căn nhà của mình để trả nợ ngân hàng. Một ngày, nhìn lại, anh ta thấy chỉ còn cái doi đất có căn nhà là “của mình”.  Căn nhà lạc loài giữa ruộng. Cứ mở mắt ra anh ta thấy ruộng quen đã thành ruộng lạ. Phía trong những mảng cây um tùm đó là căn nhà nhỏ bé của anh ta, cái căn nhà đã qua mấy đời người. Nhà có cổng, nhưng gia chủ sống lơ mơ, bận làm thơ, thế là cây dại bò lên, chế ngự, cuối cùng cổng cũng thành rào luôn, không còn mở được. Tôi chui qua cái cổng để vào nhà anh ta. Cũng chưa bao giờ có ai mời tôi vào nhà kiểu đó.

 

 

 

                                                             *

 

 

 

          Tôi đi quanh làng, nhà nào cũng giản dị như nhau, và đều có cây rơm trước nhà. Rơm là xác của cây lúa đã phơi khô sau khi tuốt lấy hạt, và cây rơm là chất xác đó thành trụ để rút dần làm chất đốt và làm ổ cho vật nuôi. Dĩ nhiên nhà anh ta không thể có được cây rơm, và là căn nghèo nhất rồi. Sống trong tận khổ thế này mà vẫn sinh nở ra thơ nổi sao, Trời. Tôi tự nghĩ. Tôi hỏi mọi người già trẻ trong làng có ai biết anh ta làm thơ. Họ nói, ở đây ai cũng bận cày ruộng, hoặc đi biển kiếm cái ăn, không để ý thơ đâu. Lúc này, gió cứ thổi, thứ gió vừa mang mùi của ruộng đồng vừa mang mùi của biển, bởi chừng vài trăm mét bên kia đường đã là biển Đông.

            Anh ta ra trước chỗ bụi tre còi nơi có người con gái da nâu đang bán cái rổ cá biển_toàn là cá thải loại, vì cá ngon ngư dân đã dành bán cho thương lái đưa đi thành phố Qui Nhơn, mua một túm. Anh ta trải chiếc chiếu rách trước sân nhà, bày đĩa cá vừa xào không gia vị, và chai rượu đế ra để đãi khách. Tôi vừa cụng ly vừa hỏi: Khổ đến thế này mà vẫn ra thơ, là sao, Ngài !? Anh ta không nhìn tôi, mà nhìn ra đồng ruộng quê hương: Có còn Thi sĩ ở quê không/ Hay là tiến hóa bay ra phố/ Bỏ lại quê xanh các cụ già. Rồi anh ta bảo, quê mình mọi thứ  đơn giản, như có như không. Cha đi biển chết oan cùng mộ gió/ Mẹ còng lưng rải giống khắp ruộng phèn/ Khổ quá nhiều nên không còn biết khổ/ Anh ở đợ cày thơ kiếm sống để yêu em.

            Cách không xa làng anh ta là cửa Thử đã bồi lấp, nơi buổi xa xưa lịch sử điệu nàng Huyền Trân về phía biển để đưa lên giàn hỏa thiêu, táng cùng lúc theo vua Chăm Chế Mân, rải tro xuống biển, khi ngài qua đời, và cuộc giải cứu ngang trái thị phi của Trần Khắc Chung phía Đại Việt đã diễn ra. Nhưng chuyện lịch sử kia không quan trọng bằng đời thi ca và cơm áo của anh ta. Cũng như hòn Vọng Phu nổi tiếng trên dãy núi Bà kia cũng không quan trọng bằng đó là nơi Khổng Vĩnh Nguyên, tức anh ta, lên đó để làm tiều phu, chặt cây bó củi bán, rồi rà bom gỡ mìn để kiếm phế liệu mưu sinh, và… làm thơ. Đó là những năm sau một chín bảy lăm, hàng ngày anh lên núi. Ngày đi kiếm củi đèo truông/ Sáng đem đổi gạo mà thương mẹ già. Sau đó, thấy bom rơi đạn thừa trên núi là cái đẻ ra tiền để sống_ người thành phố mua để nấu đồng nát. Vậy là chui vào các hốc đá kia để rà bom. Không biết anh ta đã phân thân thế nào giữa việc rà mìn và làm thơ, nhưng khi xuống núi mang cả hai thứ về là có, bình thường. Anh ta lang thang  lăn lóc trên dãy núi ven biển chạy dài lê thê từ  địa bàn Phù Cát này ra tận huyện An Lão ngoài kia. Dải núi đá hiểm trở, đầy hang hốc này là nơi ẩn náu hoạt động của cách mạng Bình Định nên phía bên kia từng thả nhiều bom đạn xuống. Rà được bom, anh ta mang về tháo ngòi nổ để lấy cái vỏ sắt, vỏ đồng của trái bom. Không biết có phải nhờ Thơ cứu không mà anh ta rất nhiều lần thoát chết, dù vài đồng nghiệp phế liệu của anh ta thì cụt chân, mất tay, thậm có đứa tan xác trên núi vì mìn. Anh ta thương cha mà đi rà phế liệu để cha bớt khổ vì cày ruộng. Cha chết, anh ta thương người Mẹ mù mà quyết định “lên đời” từ đời  tiều phu, kẻ rà phế liệu, chàng nông dân, để thành “Công nhân”. 

          Làm thi nhân đúng là tự làm khổ mình, và nhất là khó chung chạ được với thế nhân phàm phu. Như bận anh ta đi làm công nhân ở đồn điền cao su quốc doanh, thời bao cấp, khi tay Tổng cục trưởng Tổng cục cao su bảo anh ta và những công nhân chở một xe đất đỏ bazan từ  Sông Bé về nhà y ở giữa Sài Gòn để trồng lấy một trụ tiêu làm cây kiểng chơi. Thấy vị này ngạo mạn chơi siêu xa xỉ giữa lúc dân tình cả nước đang kham khổ, anh ta lên tiếng phản ứng kiểu sống này, và không thi hành. Ít ngày sau anh ta phải rời đồn diền cao su kia, về lại Phù Cát để cày ruộng. Có thời kỳ ở xã, người ta thấy anh ta thông minh, hiểu biết, có trình độ học vấn mời anh làm cán bộ phụ trách văn hóa xã hội. Trong một lần họp ủy ban, ngài Chủ tịch xã trẻ tuổi mới lên phán một chuyện trật lất về mặt học thuật nhưng ép bộ máy bên dưới cứ phải thực hiện điều đó. Anh ta kiên trì cố vấn, khuyên cản, ngài Chủ tịch vẫn không nghe. Thế là anh ta bước lên bạt tai vào ngài Chủ tịch: “Mày ngu quá! Không biết nghe lời điều hay, đúng, để được dân yêu, mọi người tôn trọng.”. Vị Chủ tịch là cháu ruột của anh ta, và là người giới thiệu anh ta cho xã. Anh ta làm công chức được ba tuần.

 

 

 

                                                   Ngôn sứ

 

 

               

            Mùa xuân năm một chín tám mốt anh ta lấy vợ. Mùa đông một chín tám hai chia tay vợ, chính xác là nàng bỏ anh ta. Anh ta ngóng lên hướng đèo An Khê về hướng Gia Lai mờ xa kia, nơi nàng đi lấy chồng mới: Thương em nhón gót nhìn qua núi.

            Từ đó anh ta tự tay chăm nuôi bé con mới bảy tháng tuổi ấy. Khốn khổ, thằng làm thơ, vụng về, tận tâm gia sự nhưng vẫn chăm con không khéo, ngon lành được. Vậy là người mẹ mù lòa của anh ta ra tay làm mọi thứ với đứa trẻ. Anh ta chỉ lo phần kiếm tiền. Bom đạn thừa thải sau hậu chiến trên núi kia rồi cũng hết. Nắng nung rẫy cát khoai sùng/ Con ăn lót dạ một vùng quê hương, thì cũng đành lòng để đứa con cho mẹ mù xoay sở, tha phương làm công nhân cao su để kiếm đủ tiền gửi về cho nhà sống. Phu đồn điền cao su đời mới mà cứ mộng mơ phơi phới giữa áo cơm, Gió chiều viễn xứ đùa trên tóc/ Sương xuống đời trai bỏ ruộng vườn.

         Từ những rừng cao su xanh ngát ở Lộc Ninh mà dõi về hình bóng mẹ mù nơi cát cháy núi khô bên biển: Mẹ già nhìn gió trên rừng/ Gió lang thang đắng, gió lừng khừng bay. Là mẹ đang nghe gió đó chứ  nào thấy gió.

           

 

 

                                                          *

 

 

 

         Thời buổi người ta ai nấy chịu nhục để tồn tại thì anh ta cứ thọ phụng cái đẹp, sự tử tế. Mất việc ở đồn điền cao su, “nền” kinh tế gia đình anh ta rơi vào đại khủng hoảng. Chỉ còn cách gửi thơ đăng báo, tập trung làm thơ. Từ chỗ làm thơ không để ý đến công bố hay đăng báo nay đành phải thế. Dựa vào cái mác nhà thơ để làm quan, trục lợi thì có chứ ở đất nước này có ai sống bằng tác phẩm thơ. Anh ta biến mình thành kẻ thử nghiệm. Nhuận bút cho thơ cũng bay về. Thơ dở, thơ minh họa, hoặc thơ hay vừa vừa thì báo đăng chứ thơ thật hay thì báo nào mà đăng. Oái ăm, càng khổ, anh ta càng yêu thương chốn quê mùa, đau đáu với kẻ nghèo, sống và viết càng nặng tình hơn, hay hơn. Thơ càng hay thì thi nhân càng sống lây lất, bần hàn, đói khổ. Tôi thương quá những cánh đồng cháy xém/ Bãi cỏ vàng nuôi ốm những thân trâu. Ôm vào lòng mọi trắc trở của nhân gian, Đời văn minh tàn hại những tiều phu/ Buồn hóa thành vui anh đăng ký ở tù. Thử nghiệm sống bằng thơ thật oan nghiệt, không thành. Anh ta lại trở lại cày ruộng ở miền Cát Hải. Thơ lại bay lên từ những luống cày. Trước kia, Anh về làng cũ học cày/ Thấy em cơ cẩn hơn ngày yêu nhau. Nay, Anh nằm ngủ bên bờ lau xào xạc/ Nghe mùa màng xao xác ven sông/ Mà gió chướng khô cánh đồng định mệnh/ Tay bút tay cày hổn hển mồ hôi. Ân nghĩa với cả cửa hàng tạp hóa trong làng, Hết tiền ăn chịu em ơi/ Chứ anh đâu phải bụi đời bất lương.

           Người con gái để lại con cho anh ta và đi, đẩy tuổi trai trẻ anh ta vào khổ lụy đời. Anh ta không một lời than trách. Thậm chí còn bảo là do mình không đáp ứng được những gì cần thiết với một cô gái, thì tính trượng phu đó chỉ có thể Thi nhân đúng nghĩa mới hành sự nổi. Anh ta bám vào thơ, trong cuộc tròng trành của chiếc bè sống tan vỡ giữa cõi người, hay anh ta đã là một sứ giả của thi ca nơi đồng nội, Ngôn sứ, mà ta không biết. Một kẻ chân thành với quê quán, nói tiếng nói của quê mùa, ở thời đại mình.

           Từ cuộc tình đầu tiên đó, anh ta chốt lại luôn đó là cuộc tình cuối cùng của đời trai. Anh ta sống siêu thoát, phiêu bạt, như một thiền sư. Chỉ có điều, thiền sư Khổng Vĩnh Nguyên bị nghiệp báo nên quá yêu chốn nhân quần, cõi dục phàm, nên phải để ý đến cái khổ của thế nhân, và làm thơ về nó. Nghe đâu nhiều nàng nông dân trong vùng sau đó yêu thích tâm hồn anh ta, muốn được cưới, nhưng anh ta không muốn thêm nàng nào bất hạnh nữa vì yêu phải đứa làm thơ. Cũng chẳng ai như anh ta, khi đứa con trai duy nhất của mình yêu được con gái của một người quét rác ở một chợ huyện, về xin cưới, thì anh ta nhảy dựng lên, vỗ ngay vào đùi mình: “Thằng này được!”. Phải thuần khiết yêu lấy những con người lao động chân chính ấy, đó mới là sự cao sang thật, không bị che đậy, là ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống. Bởi hình ảnh của họ đã là một vẻ đẹp tuyệt diệu, mà những người giàu có không bỏ tiền mua được, hoặc không đủ nội lực con người để rung lên, thi hành. Anh ta tự hào về đứa con của mình, và bảo bao nhiêu thơ ca của mình không bằng một hành động của nó.

 

 

                                                  

                                                Thi nạn

                                   

             

                   

 

         Cuộc đời không tiền không bạc cũng cười vang như Khổng Vĩnh Nguyên  làm cánh thơ ca giang hồ_khác thơ phú hội hè, ngưỡng mộ. Khi không có xu cắc trong túi anh ta vẫn có thể đi tới nơi mình muốn đi. Ở đó, anh ta kết thân với bất cứ thành phần cần lao liêm chính nào của xã hội, và người ta luôn mở cửa đón. Thế mới lạ. Tôi đã từng thấy anh ta nằm lăn ra sườn đồi, vệ cỏ, bờ hồ ở Đà Lạt để làm thơ. Không giấy trong người, anh ta bứt lá dã quì để viết. Tôi cũng đã thấy anh ta đọc thơ sang sảng trên những xóm làng ở Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Cát Tiên, Madagouil. Khi anh ta đọc thơ, thì cứ như ma nhập, đánh bạt mọi âm thanh ồn ào xung quanh. Người có có nội lực và tâm hồn nghệ sĩ nghe anh ta đọc thơ thấy thăng hoa cùng; người yếu bóng vía thì hớt hãi, thấy anh ta bị thơ nhập, như gã khùng. Trịnh thượng và thường ảo tưởng về vị trí trung tâm như cánh thơ  phú ở Thủ đô mà cũng từng chết đứng khi nghe anh ta đọc thơ làm về Hà Nội, đọc giữa Hà Nội: Tôi yêu sông Nhị núi Nùng/ Yêu người điên với anh hùng ngang nhau.

             Anh ta làm thơ chuyên từ năm mười bốn tuổi. Nhưng mười tuổi đã biết đi biển, và mười ba tuổi đã làm đàn ông ngư phủ, ra đại dương đánh cá cùng họ hàng, cùng lúc tự đào tạo mình thành thi nhân mộng trên những con sóng bạc đầu. Ngay từ buổi đó, anh ta đã cho rằng biển chỉ là một cái ao lớn. Giữa biển khơi, lại ước đời mình chuyên về nghề cày ruộng, mai này. Đánh cá, và đi học. Vì đi học, có cái chữ, trí thức của làng chài và ruộng đồng chua chát, thì buộc phải thao thức, làm thơ. Mười  sáu tuổi, giữa buổi quê hương đang chiến tranh Khổng Vĩnh Nguyên đã xuất bản tập thơ có tên Thắp Lại Niềm Tin, đưa cho Sài Gòn xuất bản. Lúc đấy, đương là thiếu niên, không biết đến cây súng, mà đã nhìn thấy cõi nhân quần yêu dấu: Ta đang sống giữa trùng vây xương máu/ Người gục ngã nối liền người gục ngã/ Nghĩa địa dậy bao nhiêu mồ mả/ Ai quấn khăn tang khóc suốt đêm sầu. Tâm hồn đa mang đến thế thì khổ là phải rồi. Ai bảo hồi mới ở tuổi đó mà đã suy tư,  Anh làm thơ len trong màu nhạt nắng/ Như mưa sa trên mảnh đất khô cằn/ Như suối đàn vang tiếng yêu em.

 

 

 

                                                           *

 

 

                  

          Làm thơ như con người buộc phải thở như anh ta thì liệt kê ra tác phẩm của anh ta chi cho mệt, lại rối đầu tha nhân. Chỉ biết rằng, sau thời đại đã xa tít của Bàn Thành Tứ Hữu với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, Quách Tấn thì trời văn Bình Định lấp lánh một Khổng Vĩnh Nguyên trong phẩm chất văn nhân cho một thời khác. Cả cuộc đời Khổng Vĩnh Nguyên đã là một thi phẩm, mà không phải hết thẩy “tứ hữu” kia đều thành thế. Người ta đã đặt tên đường cho mấy vị kia. Nhưng Khổng Vĩnh Nguyên thì  bảo nhà thơ mà cũng cần để lại dấu vết ư(!?). Bất cần. Lạy trời đừng xúc phạm thi ca. Cái đẹp tuyệt đối nhìn lợi phàm là cái không quan trọng, ô trọc. Thế nhân ngày càng lầy lội trong cái dối và cái lợi, anh ta nhìn mà sầu, sầu đến độ làm thơ “ Đăng Ký Ở Tù”. Bài thơ mà anh ta bảo gửi hết mấy trăm tờ báo trên xứ sở song không tờ nào đăng, mày ạ. Thách các báo sao mà thơ thế này: Em ra phố bị mẹ mìn bán gả/ Lừa sang Miên, sang Thái, sang Tàu. Trăng qua phố trăng nhớ làng đứt ruột/ Buồn hóa thành vui anh đăng ký ở tù. Thời nay, ở xứ sở này, làm Tổng biên tập là làm quan, công ăn việc làm, thu vén lợi, mà anh ta cứ ngỡ họ làm văn hóa, dân khí. Tía đứa nào dám đăng: Đời văn minh tàn hại những tiều phu/ Buồn hóa thành vui anh đăng ký ở tù. Hàng loạt khổ thơ như thế, cứ xuống mỗi khổ là một lần đăng ký ở tù.

          Thi nhân, đời họ khốn đốn thế.

           Khổng Vĩnh Nguyên đã siêu thoát rồi.

           Ta không phải thi nhân, là người phàm, thì chỉ cần biết sòng phẳng với cái đẹp. Như rằng, để tôn kính thơ, chỉ cần nhận ra người làm thơ có nhiều cấp loại. Rằng có người yêu thơ, có người thích thơ, có người chơi thơ, có người sinh hoạt với thơ, có người giải trí với thơ, có người dạy thơ cho học sinh kiếm sống, có người mượn thơ để tán gái, có người lợi dụng thơ để vinh thân lợi lạc, lòe mắt thế nhân hoặc để bớt mặc cảm với nhân quần, nhưng rằng người thích thơ, thợ thơ, khác với sáng tạo ra thơ, và đặc biệt Nhà thơ cũng khác với Thi sĩ, Thi nhân. Cần cù, siêng viết cũng thành nhà thơ, nhưng Thi nhân là sống, sống như thơ, đức hạnh tuyệt đối, trong sáng và chân thành vô tận. Anh ta chịu nạn trước thi ca, vượt qua phàm tục, gánh trần gian trên vai. Thi nhân là đỉnh cao của thi ca. Thi nhân là sự viên thành.        

         Song tôi cứ muốn khuyên mọi người tôi quen biết trên đường, đừng bao giờ trở thành Thi nhân, bởi nó quá xót xa. Những ai tỉnh táo máu lạnh và quen nhìn hệ giá trị kiểu đám đông thô phàm có thể bảo Thi nhân là ngốc dại_thì cũng đúng, và chẳng sao. Người ta không dè bớt hướng ngoại cùng kiêu hãnh về vật chất đề nhận ra được rằng, mọi thứ kinh kệ trong nhà Chùa, Nhà Thờ, Thánh đường mà họ bước vào đảnh lễ đều bằng ngôn ngữ thi ca.

          Đời mà không có Thi nhân, con người soi vào đâu để thấy sự tinh tế, cái đẹp, thấy hành trình làm người là cuộc gian truân, cơn vật vã, nghĩa lý, và nhận ra thân phận giống loài. Giống người vì thơ như anh ta lội dòng ngược lại với đám đông ta bà, để kiên trì với cái đẹp, bản năng thiện lành gốc của loài người.

         Anh ta là Nhà thơ thật, Thi nhân đích thực cuối cùng trên đất nước này chăng../.           

 

………………

 

       * Ảnh: Hình ảnh thi nhân  hân hoan vô tận khi sống thanh lành mãi với rau vườn cỏ nội.

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 2507
Ngày đăng: 04.04.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi chép Január - Február - 2017 - Nguyễn Hồng Nhung
Đầm đìa - Nguyễn Hàng Tình
Ghi chép December - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Bến đò xưa - NP Phan
Ghi chép Nobember - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Chữ - Tru Sa
Chim Phí Ca Hoang Tái Miền Thảo Nguyên Dlei Yang - Nguyễn Hàng Tình
Chuyện ở lò thiêu - Phạm Nga
Dọc đường văn nghệ của tôi - Hồi ức (tiếp phần 5) - Trần Dzạ Lữ
Pleiku - Một buổi chiều lòng bỗng bâng khuâng. - Nguyễn Hùng
Cùng một tác giả