Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.563
 
Vĩnh biệt giáo sư Trần Quốc Vượng
Hồ Tĩnh Tâm

Hôm nay, khi truy cập vào Việt Nam Express, đập vào mắt tôi đầu tiên là thông tin về sự ra đi của cây đại thụ sử học Việt Nam: giáo sư Trần Quốc Vượng. Bất ngờ tới không thể tưởng được. Cách đây chưa đầy một năm tôi còn ngồi uống rượu chung bàn với ông tại thị xã Trà Vinh. Ấy là lần ông cùng giáo sư tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, tiến sĩ Lê Hồng Lý vào mở lớp "Tìm hiểu các đặc trưng văn hóa văn nghệ dân gian". Bấy giờ ông còn khỏe lắm, còn nâng ly lai rai như không hề đang bị ủ bệnh ung thư thực  quản trong người. Vui chuyện với ông giáo sư dễ tính và tài hoa, đào hoa, tôi đã hỏi thăm về chuyện ông có bí quyết gì mà ở tuổi 70 vẫn cưới được người vợ xinh đẹp thua ông những 30 tuổi. Trần Quốc Vượng cười mà rằng: "yêu nhau thì cưới nhau chứ bí quyết gì".  Rồi ông nói thêm: "thiên hạ họ có bàn tán đấy, họ gán cho tôi cái tên là lão Vượng gàn". Tôi biết là Trần Quốc Vượng chỉ nói cho vui, chứ ông gàn là gàn trong trong công việc, trong phong cách tư duy theo một nghĩa nào đó mà ai tiếp xúc với ông cũng biết. Như cái việc mỗi năm 360 ngày mà ông chỉ ở tại Hà Nội khoảng trăm ngày, còn thì ông lặn lội khắp nơi để đào bới, tìm hiểu các tầng địa văn hóa Việt Nam- ngay cả khi ông đã vào tuổi xưa nay hiếm. Con người Trần Quốc Vượng là vậy. Ngay từ nhỏ đã lang thang ngang dọc khắp các nẻo đường đất nước. Lên rừng xuống biển, ra tận ngoài các đảo xa. Ở đâu có dấu chân ông là ở đó có tác phẩm của ông để lại.

Chính ông đã dạy cho chúng tôi rằng: "chúng ta là người đi khảo cổ trong tâm hồn cho nên con người đối với chúng ta là di sản sống, là người lưu trữ cho chúng ta toàn bộ di chỉ mấy ngàn năm". Có lẽ đó cũng chính là châm ngôn sống của ông. Đi tới đâu ông cũng tìm cách để đến với con người nhiều nhất. Ngay cả khi đang giảng bài trong lớp, ông cũng rất ít đứng trên bục giảng, mà thường thọc một tay túi quần, một tay vung vẩy theo lời nói, đi tới đi lui đến từng bàn trong lớp học. Đặc biệt ông rất sẵn sàng tranh luận, và luôn là người tạo ra cơ hội để người khác có thể tranh luận với mình. Nhiều vấn đề ông đặt ra khiến mọi người phát hoảng nhưng không thể không tham gia tranh luận với ông. Với những cuộc tranh luận ấy, ông giúp mọi người hiểu ra chân lý, hiểu ra sự thật sâu sắc của từng vấn đề. Được học với ông, bao giờ ta cũng thấy dường như mình không phải là học trò, mà có vẻ như mình đang cùng ông tìm cách khám phá ra một điều gì đó. Nhưng khi nhìn lại, rõ ràng chính giáo sư Trần Quốc Vượng là người dẫn dắt ta sục vào những mê hôn trận của các tầng lớp văn hóa, các nền địa văn hóa vốn vô cùng phức tạp.

Tôi nhớ lần tham gia hội thảo về các đặc trưng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long tại trường đại học Cần Thơ, khi tiến sĩ Nguyễn Hồng Nam giới thiệu ông là người đọc lời dẫn, ông đã cười mà nói với hội nghị: "Tôi sinh ra ở Hà Nội, sống ở Hà Nội, vốn liếng về Nam Bộ có bao nhiêu mà dám đọc lời dẫn". Rồi ông lại cười rất tươi mà nói tiếp: "Tôi chỉ có học hàm chứ không có học vị tiến sĩ, thành ra tôi chỉ xin trình bày một vài quan điểm cá nhân của mình". Vậy mà ông rành rẽ tới mức uyên thâm về văn hóa Chăm, văn hóa Hoa, văn hóa Óc Eo, văn hóa Khơmer Nam Bộ; người nghe tưởng như ông luôn đủ sức để có thể nói ngày này qua ngày khác mà vẫn không hết được những gì ông biết. Nhưng có điều ai cũng thấy, Trần Quốc Vượng rất ít nói dài.

Tiến sĩ Lê Hồng Lý nói với tôi: "Đi tìm hiểu cội nguồn các di sản văn hóa dân gian, phải học theo cách của thầy vượng. Thầy Vượng ông ấy khôn lắm, tới đâu cũng "giả ngu", nghe được gì cũng "giả ngớ ra" như chưa hề biết. Vậy chứ những người thông tuệ như thầy Vượng thì nước mình có được bao nhiêu". Rồi Nguyễn Hồng Lý bật mí: "Thầy Vượng rành rẽ cả phong thủy lẫn tướng số. Ông ấy giỏi tới lạnh lùng". Tôi không hiểu tiến sĩ Nguyễn Hồng Lý dùng chữ "giỏi tới lạnh lùng" theo nghĩa nào, chứ cứ để ý thì thấy giáo sư Trần Quốc Vượng trong các cuộc "bù khú" với bạn bè bao giờ cũng rất ít nói; dường như ông ưu tiên thời gian để lắng nghe, dù cái điều ông đang nghe không đáng giá lấy một xu. Sau này, khi đã biết được đôi chút về phong cách và cung cách của giáo sư Trần Quốc Vượng, tôi vẫn thường nói với bạn bè: chớ dại mà hợm mình nói hết ra những gì mình biết, phải học "giả ngu" như Trần Quốc Vượng thì mới khôn ra được. Trần Quốc Vượng là tác giả của biết bao nhiêu đầu sách về sử học, về khảo cổ, về văn hóa, vậy mà ông có khoe ra đâu, lúc nào ông cũng làm như không biết một mảy may gì về cái điều mà người khác cứ tưởng mình là biết hết. Văn hóa là vô cùng vô tận, là thiên biến vạn hóa theo thời gian; với văn hóa thì không thể áp đặt, không thể đem văn hóa của dân tộc mình để gán ép cho văn hóa của dân tộc khác. Khi tôi ngộ ra sự thật tết cổ truyền của chúng ta là vào tháng 3 chứ không phải vào đầu tháng giêng âm lịch theo người Trung Quốc, tôi mới vỡ ra nguồn gốc Môn - Khơmer của dân tộc mình. Tết với người Trung Quốc có thịt mỡ, câu đối, nhưng tết của người Việt ngoài thịt mỡ, câu đối còn có thêm dưa hành với bánh chưng, bánh tét. Ấy là sự phát triển để hình thành nên một nền văn hóa khác. Chính sự giao lưu giữa các nền văn hóa đã sản sinh ra những loại từ như "chó má", "tre pheo", "vườn tược". "Chó", "tre", "vườn" là tiếng Việt, "má" là tiếng chỉ "chó" của người Tày (to ma), "pheo" và "tược" là tiếng chỉ "tre" và "vườn" của người Mường. Cũng như "hằm bà lằng" là xuất phát từ tiếng Ba Na mà ra. Khi ngộ ra điều này tôi mới thấy chúng ta rất vô lý khi phân biệt giữa văn hóa dân tộc và văn hóa hiện đại. Hình tượng phối giống của từng cặp nam nữ trên mặt trống đồng cách đây mấy ngàn năm chẳng lẽ không hiện đại hay sao? Người phương Tây ăn thịt, ăn cá đựng trong hộp sắt, chẳng lẽ hiện đại hơn chúng ta ăn thịt, ăn bánh gói trong lá dong, lá chuối? Như vậy đúng ra là phải nói văn hóa dân tộc và văn hóa ngoại tộc, văn hóa cổ truyền và văn hóa đương truyền. Chính giáo sư Trần Quốc Vượng bằng sự uyên thâm của mình đã đặt ra cho chúng tôi tranh cải thế nào là làng văn hóa, ấp văn hóa. Thật phi lý khi làng này được công nhận là làng văn hóa, còn làng kia thì lại không. Văn hóa là những giá trị vật chất và phi vật chất đã tồn tại từ bao đời nay, có thứ văn hóa từ xưa tới nay vẫn phù hợp với lối sống đương đại, có thứ văn hóa đã phải khuất lấp hoặc biến thể trước dòng chảy ào ạt của thời gian. Ngày xưa văn hóa "trai năm thê bảy thiếp", ngày nay văn hóa "một vợ một chồng", ấy là nếp sống văn minh theo thời đại, không thể gọi ngày xưa là không văn hóa được. Làng có lối sống đẹp là làng văn minh, chứ làng nào mà chẳng có truyền thống văn hóa của mình. Lễ hội đâm trâu là một nét văn hóa. Cho trai gái sống thử với nhau bảy ngày trong rừng trước lúc thành thân cũng là một nét văn hóa. Cái nào tới nay còn phù hợp thì giữ lại, thì bổ sung cho văn minh hơn, đẹp hơn; cái nào thấy không còn phù hợp thì bỏ đi. Tuy tiếp xúc với thầy Vượng không nhiều lắm, nhưng tôi lại học được ở thầy nhiều lắm.

Bản thân tôi cũng hay đi đây đi đó, nhưng so với giáo sư Trần Quốc Vượng thì thấm vào đâu. Mỗi năm ông dành hẳn ra 200 ngày để lang thang điền dã kia mà. Trong lời tự bạch in ở cuối một tập sách của mình, Trần Quốc Vượng đã viết, "theo khoa tử vi học, số phận tôi là "ngọn lửa đầu non" (sơn đầu hỏa) và thân phận tôi là "dịch chuyển" (thân cư thiên di)". Phải chăng vì điều đó mà mới một tuổi Trần Quốc Vượng đã từ Hà Nội theo gia đình vào tận sài Gòn và Nam Vang, để rồi đến cuối mùa thu của đời mình ông vẫn còn tham gia những chuyến hành trình bất tận. Giáo sư tiến sĩ Tô Ngọc Thanh có lần nói với tôi: "Ông Trần Quốc Vượng khỏe lắm, vừa tháo bột vì gãy chân đã lại khăn gói leo núi ở Quảng Trị, Quảng Nam, rồi vào ngay Miền Nam dự hội thảo và giảng bài". Tôi hoàn toàn tin vào điều đó, bởi lẽ suốt mấy ngày ở Trà Vinh, ngày nào tới bữa cơm ông cũng ngồi cầm canh lai rai với cánh lính trẻ chúng tôi. Lính trẻ còn có người sợ rượu, chứ Trần Quốc Vượng thì ai mời cũng nâng ly đụng đánh cộp một tiếng ra trò. Vậy mà giờ này giáo sư đã ra đi, cây đại thụ sử học Việt Nam đã thăng thoát vào cõi muôn trùng của ta bà thế giới.

Trời xanh thăm thẳm, nỗi niềm này biết bao giờ nguôi được.

 

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 4491
Ngày đăng: 08.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vang dội Cái Ngang - Lê Tương Ứng
Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ? - Lê Phú Khải
TRẬN ĐÁNH chỉ được THẮNG không được BẠI - Lê Phú Khải
Di tích lịch sử Côn Đảo - - Nguyễn Đình Thống
Tiềm năng biển và đảo - Nguyễn Trọng Tín
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY - Trần Dũng
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 2 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 3 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)