Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.211.165
 
Hoành
Hồ Tĩnh Tâm

1.

Khi học tại trường huấn luyện hạ sĩ quan của Quân khu Tả Ngạn, tôi với Hoành chạm trán nhau lần đầu.

Bấy giờ tôi đá tiền đạo cánh phải cho B2, Hoành là trung vệ thòng của B1. Đón  đường bóng của đồng đội, tôi băng ngay xuống góc phải khu cấm địa. Cầm chắc cú sút. Vậy mà Hoành ở đâu lù lù xuất hiện. Hắn dùng vai huých tôi văng ra ngoài. Lăn mấy vòng rồi nằm dài ra, tôi hy vọng được hưởng cú 11 mét. Vậy mà trọng tài Duy Ly lại thổi công nhận Hoành huých vai đúng luật.

Khi có bóng trở lại, tôi lại một mình đột phá.  Vẫn là Hoành lùi xuống, chặn đứng tôi trước vạch  16 mét 50. Tôi giật cùi chỏ về phía sau để trả đũa. Hoành nổi nóng xọc giò, khiến tôi lăn ra, tóe đom đóm. Chuyến này được hưởng cú phạt, nhưng tôi lại sút bóng bổng lên trời.

Trước giờ cơm chiều, tôi xuống suối tắm, Hoành cười hề hề: "Xí xóa nhé! Sức anh càn lướt tôi sao nổi". Qủa là Hoành to thật. To như con gấu. Bạn bè gọi hắn là Hoành Pa Chi Khơ. Nghĩa là vừa to, vừa tồ, vừa trực tính.

Đêm ấy tôi trực gác phiên hai giờ sáng. Gió bấc hun hút. Đói và lạnh, tôi với Cường mò xuống nhà bếp. Ăn vụng như lính ấy mà. Nhưng Hoành vẫn ma mảnh hơn. Mới tới gốc dẻ đầu hồi nhà, tôi đã nhận ngay ra con gấu Pa Chi Khơ khệ nệ soong quân dụng từ trong bếp chạy ra. Hắn chựng lại, rồi rỉ vào tai tôi: "Không phải chỉa đâu. Mấy thím nhà bếp cho đấy! Muốn ăn thì ra gộp đá! Phải mất cả tuần gạ gẩm chứ ít gì". Cả một soong quân dụng ngô bung, vậy mà ba chúng tôi ngốn sạch. Hoành vừa ăn vừa nói: "Phải tán mấy thím cho ngọt vào. Mất gì lời khen. Với con gái là cứ phải hót như khướu mới được".

Tốt nghiệp khóa huấn luyện, chẳng biết vì sao cấp trên lại cử tôi làm B phó; Hoành thành A trưởng của tôi. Từ đó Hoành xưng em với tôi ngọt xớt. Với nữa, Hoành mới xong lớp 10, còn tôi đã gần xong năm thứ nhất đại học. Cọng thêm một năm đúp vỡ lòng, tôi hơn Hoành những hai tuổi.

Tôi nhớ vào cái đêm Đài đưa tin Vích To Ha Ra bị Pi Nô Chê xử bắn ở sân vận động Chi Lê, Hoành mời tôi một đùm xôi lạc to tướng. Hắn nói: "Con bạn cùng làng lên thăm, đêm nay anh cho em ra nhà khách của C nói chuyện". Kỷ luật là không được cho lính ngủ lại nhà khách, vậy mà Hoành lặn cả đêm. Sáng ngày hắn khều tôi ra, biếu hẳn một gói Thăng Long. "Anh ạ! Chết mà không biết mùi đời thì uổng lắm! Em những hai lần rồi đấy! Hoàn toàn tự nguyện chứ không nhọc xác tán tỉnh gì. Lần đầu ấy mà, em run lắm".

Chẳng biết có thật không, hay là Hoành bịa ra. Nó kể lúc đang học lớp 10, cô bạn cùng làng rủ lên Mai Sưu thăm người anh họ. Cả hai đèo nhau bằng xe phượng hoàng màu cánh trả. Qua phà Lục Ngạn được  gần mười cây số thì mắc mưa. Con đường đất đỏ nhảo ra như bột nếp, đến đẩy xe cũng không nổi. Mây kịn kịn che khuất cả trăng, Hoành với cô bạn phải dừng lại trú mưa trong cái quán bán chè xanh, chè vối bỏ không bên đường. Gió thổn thức. Rừng thổn thức. Nhoi nhói rét đêm thổn thức, cột hai người lại với nhau. Nghe Hoành kể sao mà dễ thế. Cứ liều mạng là xong. Hắn còn viện cả thơ Chế Lan Viên ra: Lòng riêng cô gái tuổi đôi mươi, thầm kín hằng mong một sức trai. Cường nói Hoành toàn bốc phét. "Hồi học chung lớp 10 với em, hắn làm gì có đận nào đi Mai Sưu.  Còn cái đêm nó xin ra nhà khách, em đi kiểm tra gác, rình xem nó có làm gì không, chỉ thấy nó ngồi hút thuốc. Chả là cô gái còn có mẹ đi theo. Tin nó có mà tin mèo đứt đuôi".

 

2.

Khi theo đoàn 5056 vào Nam, lúc trú quân ở A Tô Pơ, Hoành lại dúi cho tôi một vắt xôi. "Em đổi tấm ảnh con bạn cho thằng Lào Lùm, được cả ký nếp đấy. Anh có tấm ảnh cô bạn nào không? Rồi thì cũng không giữ được đâu anh ạ! Cất ảnh con gái trong túi là xui lắm! Mà kim chỉ cũng đổi được con gà hay miếng thịt rừng đấy. Giữ mà làm gì!".

Tôi có bức ảnh của Phụng, nhưng đổi thì tiếc lắm. Trước ngày lên đường, tôi với Phụng từng có mấy tiếng ngồi với nhau bên bờ sông Công. Tóc nàng đẫm ánh trăng, chảy tràn xuống hai bờ vai, đổ như thác trên lưng. Vầng trăng mỏng mảnh dưới sông sóng sánh soi vào mắt nàng, lóng lánh lóng lánh như thể trên đời này không có gì đẹp bằng. Tôi không dám nhìn thẳng vào đó. Đơn giản là tôi sợ. Phụng với tôi thay nhau nói những chuyện đẩu đâu trên sao kim sao hỏa. Đến lúc Phụng trao tôi cuốn sổ tay nhỏ như bàn tay thì chúng tôi ra về. Sáng ngày tôi mới biết, trong cuốn sổ có tấm ảnh khổ bốn sáu, giắt vào trong miếng họa báo bọc bìa sổ.

Hoành đã vài lần được tôi cho xem tấm ảnh. Nó hỏi: "Thế… anh đã được hôn chưa?".  Tôi nhớ là sau mấy lần im lặng, có một lần tôi đã gật đầu. Và đã gật rồi thì lần sau nó hỏi tôi cũng gật. Gật và tưởng tượng ra mùi hương nhu sao mà thơm thế. Rồi tôi bắt đầu bịa, khi Hoành mắc võng nằm cạnh tôi trong rừng khộp. Tôi bịa ra sự mịn mượt của làn da. Tôi bịa ra mùi ngất ngây của gò má. Thấy Hoành nghệt mặt, tôi nghĩ bụng: Đúng là thằng này bốc phét. Mình bịa ra mà nó còn tin, thì thứ gì mà nó không bịa. Tôi leo thang, bịa thêm một nấc nữa. Hoàng ngồi hẳn dậy, túm lấy tay tôi, hỏi: "Thế… cái ấy?..". Tôi không dám bịa chuyện tày trời, vì tôi sợ bốc phét bị trời đánh.  Hoành thở dài thườn thượt: "Tiếc nhỉ? Chỉ có hai người bên bờ sông mà chỉ ném cuội xuống nước thì… tiếc nhỉ!".

Khi tiểu đoàn dừng lại ở Bù Đốp, sau bữa cơm chiều toàn cơm nếp nấu với đậu xanh, Hoành rủ tôi: "Anh em mình tranh thủ nhảo ra phố đi. Hồi chiều em lượn một vòng rồi. Có tới mấy cửa hàng. Cô bán hàng nào cũng đẹp!". Cả tháng trời hun hút dốc cao vực thẳm, thèm nghe tiếng cười con gái tới thắt ruột, tôi lập tức đóng bộ gabađin Tô Châu theo Hoành ra phố núi.

Phố là phố rừng thời chiến, nhưng so với Mai Sưu grát thì nó ăn đứt. Quen xếp hàng mua bằng tem phiếu, lần đầu tiên tôi thấy hàng hóa ngồn ngộn mà cứ có tiền là mua được; chẳng cần phải xếp cục gạch dằn chỗ.

Không biết bằng cách nào, Hoành có một tờ năm trăm đỏ au, mới cáo cạnh. Nó mua một gói rubi đỏ. Thơm ngây ngất. Vậy mà Hoành nhún vai: "Thua Tam Thanh anh ơi! Chẳng qua vì cô bán hàng cả đấy. Ngữ ấy mà vào tay em…". Đúng là thằng láo địa. Rubi mà nói thua Tam Thanh giá hai hào. Nhưng cô gái thì hắn nói đúng. Phụng của tôi cũng đến thế là cùng.

 

3.

Đến Sroaivieng, tiểu đoàn chuyển tôi qua vô tuyến điện. Từ đó tôi ít gặp Hoành.

Cho đến khi trung đoàn vượt búng Bình Thiên biên Giới, tiến sâu vào đứng chân trên vùng An Phú, tôi mới gặp lại Hoành; là bởi D1 của chúng tôi thành lập tổ tác chiến cơ động, vượt sông Tiền luồn sâu vào Tân Châu, săn lùng thiết giáp chiến đoàn 56, Hoành từ B trinh sát được điều tới bổ sung. Tổ cơ động săn lùng này do tham mưu trưởng tiểu đoàn Nguyễn Văn Ngôi phụ trách. Chúng tôi có tất cả mười hai người, được giao nhiệm vụ phải hạ bằng được một xe tăng hay xe lội nước, để chuẩn bị mở màn cho chiến dịch mùa mưa.

Vượt sông Tiền khoảng hai tiếng, chúng tôi bị lạc luẩn quẩn giữa đồng đưng héo xác ra vì nắng. Tham mưu trưởng dùng ống nhòm nhìn thấy một gò me keo, liền kéo rốc tất cả chúng tôi đến đó. Gò nhỏ, chỉ có một cái chòi với lớt phớt vài cây me keo trụi lá, trơ ra những gai những hốc. Cái chòi là của một gia đình nông dân, lít nhít tới mấy đứa con.

Khi tới nơi, Hoành hỏi đứa bé gái nhỏ thó:

- Ê nhỏ! Biết núi Nổi ở đâu không?

Con bé nghe vậy, liền sửa thế đứng chàng hảng, chống nạnh khuỳnh khuỳnh, Nghênh đầu lên, nói:

- Người ta vầy mà nhỏ!

Tham mưu trưởng cười vả lả:

- Xin lỗi nghe cô Hai! Đằng mình cả mà.

Bấy giờ cô bé mới thỏng tay xuống, nói chỏng lỏn:

- Vô nhà uống nước đi! Có anh Hai tui ở trỏng.

Cô bé thứ Năm, tên Lụa. Mười sáu tuổi mà không chịu làm con nít. Cô nói như ra lịnh: "Con Thắm lẹ lên! Bắc nước dì làm vịt nấu cháo đãi mấy ảnh". Lụa bẻ ngoéo đầu vịt coi gọn bân. Thấy tôi đứng xớ rớ, Lụa nói: "Núi Nổi mị bên Vàm Trà Dên, Tân An, lội  sáng đêm chưa chắc tới. Tới đó hổng có ai dẫn đường, nội lạc tre rừng đủ chết. Mấy anh nghỉ chiều nay đi. Đi giờ này, giữa đồng đụng trực thăng, hổng có đường mà chạy à nghen!".

Không biết nghe chủ nhà nói sao đó, tham mưu trưởng cho chúng tôi ngủ lại một đêm trên gò. Tôi giữ máy PRC25, nên được nằm trong góc nhà, nhưng không thể nào nhắm mắt nổi. Muỗi cỏ kêu như sáo thổi, đốt nhoi nhói. Chừng chợp mắt được, bỗng nghe tiếng con nít khóc ré lên. Bật chiếc đèn cổ ngoéo soi vào cái mùng trảng giăng giữa nhà, tôi thấy Hoành nằm cuộn lưng tôm ngay dưới đít con bé Lụa. Thằng nhỏ sáu tuổi đã ngồi dậy khóc thút thít. Nó bị chuột đồng chun vào gặm gót chân, lủng tới thịt, máu rịn ra ưng ửng.

Hoành chui ra khỏi mùng. Nghiu nghỉu như chuột cống ăn trộm trứng gà. Lụa nói tỉnh khô: "Mắc cỡ gì nè. Còn chỗ thì cứ chun vô ngủ cho đỡ muỗi đốt. Giải phóng gì nhát hít hà! Đêm mơi đụng tụi nó, biết còn sống không".

Qủa nhiên đêm sau chúng tôi đụng tụi M113 giữa đồng trống.

Đang đi, mắt tôi vụt lóa lên bởi đèn pha sáng quắc. Xe lội nước ém dưới đìa cạn, đồng loạt gầm lên nhả đạn. Chúng tôi lâm vào cảnh phơi lưng dưới hỏa lực bắn thẳng. Tình thế ngặt địa, nhưng mấy tay hỏa lực B41 vẫn nổ súng được. Hoành lăn tới chỗ tôi, hét: "Theo phương án 1". Tôi hiểu là rút về gò me keo.

Lăn tới được khúc đìa cạn, tôi theo Hoành nhảy xuống đó mà rút ra ngoài.

Kể cũng lạ. Không hiểu tại sao tụi xe lội nước lại không bắn nữa, và cũng không truy đuổi. Chúng chỉ bắn pháo sáng lên trời. Nhờ vậy mà cả tổ săn lùng rút được ra ngoài. Ai cũng nguyên vẹn, chỉ trừ tham mưu trưởng bị sứt mất cái dái tai bên trái. Ông chửi: "Má nó! Mình rình nó lại bị nó rình. May mà tao có vợ rồi, chớ không, hòa bình ế nhệ ra. Còn tụi bây ráng giữ nghen! Thịt da con gái Tân Châu mịn như lụa, thơm như mùi bắp nướng, ngọt như xoài thanh ca. Đã lắm!".

Gần sáng, tôi giương ăng ten bảy đốt, liên lạc được với tiểu đoàn. Chính trị viên lệnh chúng tôi trở về cứ nhận nhiệm vụ mới. Hoành nói: "Hút chết. Nhưng cũng may được ngửi cái mùi khét nắng của con nhỏ. Mười sáu tuổi là trăng rồi chứ còn gì. Ở làng em cũng chấm một con bé tên Lụa, bí thư đoàn xã; ngủng ngoẳng tới phát ghét!".

 

4.

Hoành to khỏe, chắc chắn cái khoản ấy cũng khỏe. Bởi thế nó mới hay đặt chuyện tầm phào. Nó nói bà Trần Lệ Xuân láu cá, sinh ra lũ thiên nga phượng hoàng để đấm mõm tụi Mẽo, chứ điệp báo cái quái gì. Rồi Hoành chém tay thề với bạn bè: "Tao mà vớ được một con ngỗng nào, tao xào liền cho bỏ công vượt Trường Sơn. Ngu gì để cho tụi Mẽo nó xài. Thề có trời đất đấy!". Hoành vớ được một con ngỗng thật.

Tiểu đoàn hành quân ròng rã mấy đêm liền thì về tới kinh Ô Nước Đục.

Triển khai đội hình xong lúc sáu giờ sáng. Tám giờ sáng ăn ngay một trận pháo dàn cấp tập. Dứt trận pháo, tôi hay tin trinh sát tóm được một mệ thiên nga phượng hoàng, với chiếc máy PRC77.

Trời ạ! Tôi không thể tin được vào mắt mình. Giặc gì mà trắng như bông bưởi, đẹp tới không chịu nổi. Bộ tạng nhắm chừng chỉ hai mươi, hai mốt là cùng. Lính tráng K bộ hay tin, anh nào cũng tìm cách ghé chỗ tham mưu trưởng, liếc một cái cho biết.

Đến chiều, tiểu đoàn trưởng lệnh cho tôi với Hoành dẫn độ cô gái về E bộ. Đây là việc của cánh trinh sát, của trợ lý bảo vệ tiểu đoàn, sở dĩ tôi được phân công là do có lệnh đi nhận thêm máy tăng cường, nhận thêm mấy lố pin khối cho A vô tuyến điện.

Chúng tôi ra đi vào lúc sập chạng vạng mặt người. Hoành ngồi lái, tôi ngồi mũi, cô gái ngồi ở giữa xuồng. Nước đang lên nên chúng tôi bơi trở vô đồng khá dễ. Khoảng chín giờ, chúng tôi cặp xuồng vào bờ, leo lên gốc ô môi ngồi nghỉ. Dải Ngân Hà vắt ngang trời, lóng lánh như sắp chảy òa xuống mặt đất. Hơi đồng rười rượi. Cô gái ngồi tựa gốc cây, tôi với Hoành ngồi hút thuốc cách đó vài mét. Anh chàng vừa hút vừa nhìn lom lom cô gái, cái yết hầu chạy lên chạy xuống như đang nuốt nước bọt.

Đêm đẹp như huyền thoại, vậy mà tự dưng bị xé nát ra bởi đạn pháo. Chắc chắn là tụi sư 7 đã ngửi thấy mùi trung đoàn chúng tôi vượt biên giới, đứng chân dọc theo sông Tiền. Pháo chụp, pháo phát quang quăng miểng veo véo. Pháo khoan nổ rùng rùng chuyển đất. Trận pháo kéo dài chừng hơn mười phút. Dứt trận pháo, tôi nhìn quanh quất, nhưng không thấy cô gái thiên nga phượng hoàng ở đâu. Hoành hộc lên tức tối: "Ê, con điệp! Mày trốn đâu rồi hả?". Chỉ có tiếng gió đồng hụ hụ trên tàng ô môi.

Thốt nhiên tôi nghe tiếng rên dưới dòng kinh. Thì ra cô gái đã nhảy xuống đó để trốn pháo. Thấy cả hai chúng tôi chỉa súng xuống, cô gái vội lật bật trèo lên. Tấm áo bà ba bị rách toạc một bên vai, nhìn rõ máu rịn ra thành dòng trên ngực. Vết thương chỉ là một vết cứa ngắn ở phần mềm. Hoành ném cho cô ta miếng băng gạc có keo dính, nói dằn giọng: "Tại mày gọi pháo chứ ai mà khóc. Ông quạt cho một băng bây giờ!".

Cô gái quay mặt vào gốc ô môi, xoay xở tự dán miếng băng gạc lên ngực. Hoành gắt: "Làm giặc mà cũng xấu hỗ à? Quay lại dây cho ông xem nào! Ông nội mày ăn chay mấy tháng nay, không biết mai có còn sống nữa không. Lột ra đi!".

Nghe Hoành nói, cô gái hoảng sợ ngồi thụp xuống, vòng hai tay ôm lấy bầu ngực. Hoành qùy xuống, chỉa súng vào cô gái. "Ông xử mày ngay đây con ạ!". Cô gái quay mặt lại, khóc thét lên: "Mẹ ơi! Mẹ…ẹ!".

Bấy giờ tôi tưởng là Hoành sẽ xử bằng một loạt đạn, nên đã định chạy tới ngăn lại. Nhưng bỗng nhiên Hoành phá ra cười: "Cũng biết sợ, biết xấu hỗ à? Đẹp như cô em thì không có nhiều đâu. Chết uổng lắm. Thôi, cuốn xéo đi cho rồi!". Hất chéo khẩu AK báng gấp ra sau lưng, Hoành đá vào chân tôi: "Thả mẹ nó cho rồi! Bắn giết nhiều mà làm đếch gì!".

Không hiểu sao lúc đó tôi lại nghe theo Hoành. Chiếc xuồng bị pháo bể nát, nên tôi cũng lững thững khoác súng đi theo Hoành, dọc theo dòng kinh. Đầu ong ong u u vì mặc cảm tội lỗi dám tha cho con điệp. Tôi không muốn ngoái lại chỗ cây ô môi ấy. Chúng tôi chỉ cần bịa ra một cớ gì đó là sạch tội. Bom đạn sẽ xóa tất cả. Chiến tranh là như vậy.

Nhưng… hình như nỗi ám ảnh cứ ghì chân tôi lại. Rõ ràng là cô gái đang lẻo đẻo đi theo chúng tôi. Lúc này ai là kẻ trốn chạy? Chúng tôi hay là cô gái? Hay chính là bầu trời đen bóng lấm tấm muôn ngàn vì sao kia? Tôi thấy thương cô gái tới muốn khóc nấc lên. Tại sao một cô gái đẹp nhường ấy lại gọi pháo nả vào chúng tôi nhỉ? Nếu cô ta là Phụng thì tôi sẽ làm gì?

Hoành đứng phắt lại, khiến đầu tôi đập đánh chát vào báng sắt gập của khẩu tiểu liên sau lưng anh ta.

- Không trốn đi mà tìm lối sống à?

- Em… sợ!

- Sợ gì? Lộ đá về chợ Tân Châu chỉ cách mấy cây số.

- Em biết. Nhưng em… sợ.

- Sợ cái con khỉ! Thả cọp về rừng, chúng ông không sợ thì thôi, làm điệp như cô em việc quái gì phải sợ.

Cô gái nghe Hoành nói òa ra khóc.

Hoành nhìn tôi lắc đầu:

- Cô ta sợ cho anh em mình đấy! Anh thấy không? Chiến tranh như một trò đùa. Sáng nay cô ta là giặc. Thế mà đêm nay… cô ta lại sợ cho anh em mình.

Tôi biết là cô ta sợ chúng tôi bị kỷ luật chiến trường vì tội tha bỗng tù binh. Nhưng tôi lại mù mờ không hiểu, vì sao Hoành lại muốn thả cục mỡ trước miệng mèo. Sông nước mênh mông, đồng rộng ngút ngát. Lỡ Hoành có nổi hứng làm ẩu như anh ta từng thề độc, cùng lắm chỉ đòm một phát là xong. Pháo vừa dập xong, đổ thừa dễ như bỡn. Ai mà biết. Thế mà Hoành lại nảy ra ý thương người, thương đứa gọi pháo bầy, giáng cho tiểu đoàn một trận tơi bời khói lửa.

Và… ba chúng tôi, ai cũng chìm trong suy nghĩ của mình, cứ lặng lẽ bước đi.

Cô gái đi giữa. Tôi đi phía sau. Hoành đi ở phía trước. Trông anh ta gù gù, to lớn như con gấu. Cô gái thì cứ chúi chúi, lả xuống như nhánh liễu.

Bỗng Hoành dừng lại, xoay phắt người, dùng cả hai tay túm lấy vai cô gái, nói rít qua kẻ răng: "Ông tha chết cho thì cút đi! Cứ lẻo đẻo như cái đuôi, coi chừng ông nổi máu thì đừng có mà trách!".

Nhờ nhờ dưới sáng sao, tôi thấy đôi mắt Hoành đỏ ngàu lên, rùng rùng tia thèm khát. Có lẽ cô gái cũng linh tính thấy điều đó. Cô ngồi sụp xuống,  vòng cả hai tay ôm lấy một chân của Hoành, khóc nấc lên từng chặp. Tôi đang đứng ngớ ra thì cô gái vụt đứng dậy, chắp tay xá tôi và Hoành mỗi người mấy cái, rồi sấp ngửa chạy xuống khỏi bờ kinh, hụp hửi lội băng đồng về phía lộ đá. Màn đêm bát ngát, nhanh chóng nuốt chửng cô ta vào cái miệng đen ngòm của nó. Hoành phun nước miếng đánh vèo qua kẻ răng, thở phào một cái, nói như vừa trút được cả ngàn khối chì trong ngực: " Thoát nợ! Khỏi lo còn đứa nào ở trên cậy thế nhòm ngó, sinh ra hư hỏng. Đố nó còn dám vác máy vô đồng!".

 

5.

Tới E bộ, trong khi tôi lo thủ tục bàn giao giấy tờ cho Ban quân lực, lo nhận máy và pin bên quân khí, Hoành tranh thủ vọt đi đâu đó. Đến chiều anh ta trở lại, mặt roi rói như hoa. "Đi! Anh đi đây với em. Gặp thằng bạn cùng làng làm tài vụ, nó cho hai ngàn. Em đã mua cây Ara với bịch trà củ măngcho tụi nó. Còn lại em đãi anh bia con cọp. Uống cho biết! Tụi khỏe trên này sướng như tiên, ngu gì mình không sướng một trận". Tay trợ lý quân lực nghe mùi la ve con cọp, đòi xáp theo tháp tùng.

Ba chúng tôi lội bộ chừng nửa tiếng, tới được cái chòi cất chung chiêng, nửa trên bờ, nửa trên mấy cây tràm dầm chân dưới nước. Tôi không ngờ ở cứ E bộ lại có dân, có quán bán tạp hóa, bán bia. Bà chủ quán chừng ngót ngót ba chục, ngực căng vồng, hơ hớ như hai trái vú sữa trắng ngoại cỡ, cứ hễ cúi xuống một cái là phô cả ra. Hoành rỉ tai tôi: "Vợ cán bộ khu đấy. Chịu chơi như gấu". Tranh thủ lúc bà ta quạt lửa nướng khô sặc rằn, tôi hỏi: "Sao biết?". Hoành cười hềnh hệch. "Hồi trưa em với tay tài vụ nốc mỗi đứa hai chai rồi. Bà ta cũng uống đấy. Anh cứ mạnh dạn mời rồi nắm tay mà hôn. Bà ấy biết thương cánh lính trận sống nay chết mai. Đừng sợ, đừng nhát nhé!".

Quả nhiên bà vợ của ông nào đấy uống dữ thật. Khi ngà ngà, bà ta còn dựa cả đầu vào vai tôi, cười khùng khục. Còn Hoành, anh ta cứ rối rít. "Uống thêm nhé chị Hai! Chị Hai vui quá đổi!". Và cứ thế, anh ta liên tục cầm bàn tay chị Hai mà hôn. Chừng tay trợ lý quân lực cườm cườm tới bến, thấy Hoành vòng tay ôm eo chị Hai mời uống, không hiểu sao anh ta vằn mắt hỏi: "Có phải mấy ông xực con nhỏ rồi ém nhẹm ngoài đồng phải không? Nhìn cung cách này, đừng có mà lừa tôi bằng bom pháo". Hoành nghe vậy, nổi xung thiên. "Ông dám xuống tiểu đoàn tìm một đứa mà xực không? Ngày nào tiểu đoàn không bị chúng nó gọi pháo bửa xuống đầu. Chết khối ra đấy!". Chị Hai thấy vậy, lên tiếng: "Mấy em cự nự nhau làm gì. Còn hai chai, uống hết đi rồi về. Thời chiến, có vui cũng vui chút đỉnh thôi".

Cả ngày hôm sau, tôi phải chạy ngược chạy xuôi tất tả mấy bận, mới nhận đủ cơ số pin, cơ số máy. Gần chiều, lúc nhận xuồng chuẩn bị trở về, tay trợ lý quân lực  dúi vào tay tôi tờ năm trăm, nói: "Cầm lấy mua ít thuốc hút cho anh em. Trên này, dầu gì tụi tôi cũng đỡ hơn".

Lúc đi được hơn nửa đường, leo lên bờ ngồi nghỉ, Hoành vừa bụm tay che lửa thuốc lập lòe, vừa nói: "Kể ra thằng quân lực ấy cũng được. Chẳng qua vì nó nghiêm quá, thấy em hôn tay chị Hai túi bụi, nó ghen nên bày đặt". Nói xong, Hoành dúi cho tôi cái bình toong nước.  Nhìn tôi ngửa cổ uống ngon lành, Hoành cười. "Kể ra nó hỏi cũng đúng. Sao anh em mình lại thả không nó nhỉ? Phí cả của trời. Ngữ ấy, về tới căn cứ, thể nào chẳng cặp với đám sĩ quan làm tiền. Con Lụa làng em thua nó một trời đấy anh ạ!".

 

6.

Khi sư 9 của ta rút một bộ phận chủ lực tăng cường cho căn cứ Ô Tà Sóc, tình hình chiến trường Tây Nam Bộ đang rất căng thẳng.  Suốt một dọc núi Dài từ Ba Chúc xuống Lương Phi, qua Tức Dụp, không ngày nào là không bị máy bay quần thảo, sút rốc két, ném bom và xua quân đột kích. Có ngày, bom xăng cháy rừng rực ở Tức Dụp. Có ngày núi Dài bị bom tấn chà đi xát lại. Quân ta quân địch chạm trán mỗi ngày, quân số của cả hai bên sút giảm vùn vụt. Trung đoàn tôi nhận  được lệnh phải điều bớt một số lực lượng vượt qua sông Hậu, tăng cường xung lực và hỏa lực cho bạn.

Đang là trinh sát, Hoành được điều qua hỏa lực ĐKZ 82, với lý do vì anh ta to khỏe. Chuyện này cũng tại do tôi mà ra.

Số là lần đó, tiểu đoàn tôi đưa một bộ phận nhỏ về Tân An phối hợp cùng du kích đánh nhỏ lẻ, có nhiệm vụ quấy rối vùng ruột Tân Châu, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực ta chuyển hỏa lực mạnh từ Campuchia xuống Tây Nam Bộ. Tôi được giao nhiệm vụ tăng cường vô tuyến điện phối hợp. A vô tuyến cử đi hai máy, máy của tôi là máy trung chuyển, chuyển tiếp tin tức từ tiền duyên Tân An về D để báo lên E bộ.  Do thiếu tay máy, tôi xin tiểu đoàn trưởng để Hoành bổ sung phụ máy cho tôi. Vậy là lần nữa, tôi với Hoành thành một cặp.

Máy tiền duyên đeo bám vùng Ô Lôi thôi, Ô Bà Cả, Ô Ông Nẩm, núi Nổi. Tổ máy có ba người. Máy trung chuyển chỉ có tôi với Hoành, hoàn toàn độc lập ở Ô Răng. Hợp đồng của chúng tôi là cứ nửa tiếng lên máy một lần; và cứ ba lần thì đổi tần số liên lạc, trong trường hợp bị phá sóng, hay trường hợp khẩn cấp, thì đổi tần số theo quy ước đặc biệt mà chúng tôi đã hẹn trước với nhau.

Đến nơi, tôi không ngờ người được phân công giúp đỡ chúng tôi lại là một cô du kích còn rất trẻ, tên My. My trông dìu dịu như bông mận, nhỏ con nhưng lạnh lẹ; đi đứng, nói năng hay làm bất cứ việc gì cũng nhanh thoăn thoắt.  Mới thấy Hoành cô đã nói: "Chèng ơi, người bự con như anh mà lạc trong rừng tre Ô Răng vài ngày, hông kiếm được thức gì ngoài tre, chắc chết đói vì không biết đường ra". Đúng là cả vùng Tân An này tre mọc bít bùng như rừng, mà lại tuyền một thứ tre gai vun vút, lủa tủa cành gai nhọn liễu. Chính nhờ tre ken dày mịt mịt mà giặc rất khó đánh vào, rất khó tiêu diệt du kích của ta. Tôi lợi dụng những cây tre cao ngời ngợi này giăng dây phát sóng, buộc nối vào cần ăng ten bảy đốt. Có vậy mới đủ sức liên lạc với ăng ten lá lúa của máy tiền duyên. Hai chúng tôi chỉ có mỗi một việc là thay nhau lên máy. Chuyện nước nôi, cơm canh đều do một tay My lo lắng sắp đặt. Nếu như không có My, chắc chắn chúng tôi không biết xoay xở ra sao giữa ngun ngút rừng tre của vùng đất chang chang nắng lửa này.

Ngày thứ nhất liên lạc thông suốt.

Ngày thứ hai máy liên lạc hụp hửi, gián đoạn mấy lần. Tiếng súng rộ lên chỗ này chỗ nọ. Tin cuối cùng: Du kích và bộ đội địa phương đánh hạ đồn núi Nổi. Đồn trưởng chém vè theo ruộng lúa cao vượt đầu trốn thoát.

Ngày thứ ba, máy tiền duyên đề nghị trực liên lạc liên tục. Mặt trận nhỏ đã mở khắp nơi trong xã. Địch đã mắc mưu dồn quân về cứu nguy, đường biên trở nên trống trếnh. Hoành chửi thề: "Mẹ kiếp! Tụi nó đụng trận ì đùng, còn mình thì ngồi đây ăn chực cơm nước cô My. Cổ thấy thế này, cổ coi chủ lực tụi mình ra cái thá gì".

Ngày thứ tư. Ngày thứ năm. Ngày thứ sáu. Mặt trận vùng ruột Tân Châu rộ khắp nơi như bắp rang.

Ngày thứ bảy, máy trung chuyển của chúng tôi đã bị trinh sát điện tử của địch phát hiện. OV10 bay quần quần tìm kiếm. Rồi pháo 105 nả vào rừng tre. Rồi trực thăng quần đảo sút rốc két và xả đạn trọng liên như mưa. Giờ thì tới lượt Hoành đứng ngồi không yên, lo lắng cho My ra mặt. "Tụi mình ngồi một chỗ, có gì còn chui xuống hầm, chứ cô ấy cứ đi lại như con thoi, coi chừng dính đạn bất tử".

Tới ngày thứ chín. Buổi chiều không thấy My trở lại như thường ngày, cả hai chúng tôi đều nóng ruột nóng gan như lửa đốt. Hoành đề nghị để anh ta nong ra ngoài đi tìm, nhưng tôi không đồng ý. Cần phải giữ liên lạc với mặt trận. Một trong hai chúng tôi, lỡ ai có việc gì, còn có người chuyển tiếp sóng. Hơn nữa, địch đánh rát, có thể My phải chờ đến tối. Nhưng suốt cả tối hôm ấy, My vẫn không xuất hiện. Gần sáng, D bộ lệnh cho chúng tôi gọi máy tiền duyên cùng máy trung chuyển trở về cứ, hai bên tạm thời ngưng liên lạc để giữ bí mật. Tôi với Hoành quyết định đi tìm My.

Mới đầu chúng tôi còn ngắm hướng mặt trời để lặn lội đi tìm. Chứng mặt trời lên đỉnh đầu, chúng tôi mất phương hướng, càng lúc càng bị lạc giữa rừng tre ngút ngát. Không tìm được nguồn nước nào, cả hai khát cháy cổ; nước miếng đặc quánh lại, cuống họng khô không khốc, đắng nghét. Khi mặt trời chếch về phía Tây, chúng tôi mới xác định được hướng, đi lần về nơi hàng ngày My vẫn tìm vào với chúng tôi.

Tới chiều, khi đã hoàn toàn tuyệt vọng, tôi bỗng nghe tiếng Hoành la lên cách đó vài mét, lạc cả giọng: "My! My ơi! My!". Tôi chạy tới, thấy Hoành ngồi bệt dưới đất, ôm chặt đầu My, lắc lấy lắc để. Một viên trọng liên bắn trổ từ sau lưng ra trước ngực phải của cô. Máu loang khắp tấm thân nhỏ nhắn, tràn xuống mặt đất cả vạt. Máu ấy là máu của My. Đã khô cong và bong lên như vết rạn sơn mài.

Hoành dành phần cõng My tìm về cứ.

Khi ra tới con rạch, lợi dụng ánh sao nhờ nhờ ướt lạnh, Hoành lột quần áo cô gái đem xuống sông giặt sạch. Rồi anh cõng cô xuống nước, kỳ cọ tấm thân của cô một cách kỹ lưỡng. Mắt anh ráo hoảnh, không một ngấn nước, nhưng đờ dại, thất thần.

Ba ngày sau chúng tôi mới tìm về được tới cứ. Xác My chúng tôi phải dùng dao găm moi đất, dùng lá tre lót và phủ lên, liệm tại một gò me keo mà tôi không còn nhớ là chỗ nào.

Khi tìm đến trình diện tham mưu trưởng, dườngnhư tôi và Hoành đều đã lả ra vì đói và kiệt sức. Vậy mà tham mưu trưởng vẫn chỉ vào Hoành mà cười. "Thằng này ô dề như con gấu ngựa, kỳ này về hỏa lực nghen mầy!"

Vậy là Hoành thành xạ thủ ĐKZ, sung về chi viện cho căn cứ Ô Tà Sóc.

 

7.

Năm 73, nhờ lúc nhỏ có học bơi ở hồ bơi Tăng Bạt Hổ, khu Hai Bà Trưng, Hà Nội, tôi thoát chết trong gang tấc ở cù lao Ba Thu. Số là khi Mỹ tuyên bố đình chiến để rút quân, trung đoàn tôi ùn ùn kéo qua cặm cờ chiếm đất, tuyên bố vùng giải phóng. Thấy chủ lực về, bà con sợ có đánh lớn, dùng ghe xuồng thoát hết đi nơi khác. Chừng Thiệu phản hiệp định, dùng tiểu hạm đội nhỏ trên sông vây đánh, chúng tôi càng lúc càng lâm vào hoàn cảnh không nguồn tăng viện, cuối cùng phải mở đường máu tìm lối thoát. Tôi nhờ khoác súng sau lưng, hụp hửi lặn trốn đèn pha soi bắn, thả trôi theo con nước mà vào được đất liền.

Còn đồng đội tôi, hy sinh không biết bao nhiêu mà kể.

Khi lui về bên kia sông Trăng biên giới chỉnh quân, tình cờ tôi gặp Cường- bấy giờ là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn thuộc tỉnh đội An Giang. Cường đang quấn băng trắng toát trên đầu, chờ dưỡng sức để về tuyến trên. Gặp nhau, chưa kịp nói câu nào, Cường đã ôm chầm lấy tôi, khóc nấc lên. "Thằng Hoành chết tức tưởi lắm anh ơi! Chết đói chết khát, chết mòn mỏi từng ngày. Xót lắm anh ơi!".

Phải tới ngày hôm sau, Cường mới đủ sức trấn tỉnh kể cho tôi nghe về sự ra đi mòn mỏi của Hoành. Lúc về tăng cường bảo vệ căn cứ Ô Tà Sóc, Cường được điều về làm phân đội trưởng trọng liên 12ly8, chốt giữ ngay trước miệng hang dồ Ma Thiên Lãnh. Ngày nào cũng vài chục trận đối đầu với phản lực, phi pháo. Anh em lần lượt thay nhau ra đi, thay nhau nằm xuống, nhưng trận địa phòng không vẫn được giữ vững. Cho tới trận Cường bị mảnh bom chém gãy bốn cái xương sườn,  thì cấp trên phải điều Hoành từ phân đội ĐKZ tới thay anh chỉ huy phân đội. Bấy giờ là lúc đang trưa, lúc máy bay ít đánh nhất trong ngày, anh em bày cơm ra miệng hang ăn với nhau. Xong bữa cơm thì Cường và một chiến sĩ nữa cũng được thay thế, cùng nhau xuống núi.

Xuống khỏi dồ núi cao dốc, lởm chởm đá tai  mèo, Cường theo dân công núi Dài đi dần vào rừng tầm vông. Lúc đang qua suối cạn, bỗng nghe rền một tiếng nổ chói chát. Nhìn lên, thấy phía dồ Ma Thiên Lãnh khói bụi mịt mù. Đoàn dân công dừng lại, cắt người chạy ngược lên cứu thương binh tử sĩ. Lát sau, nhiều bà con nông dân cũng hò nhau hối hả chạy lên. Nượp nượp nượp nượp. Linh tính về một điều không lành bóp nhói tim Cường.

Đêm đó khi giật mình thức giấc, Cường nhìn thấy một cô y tá đang trực bên giường của mình. Thấy anh mở mắt, cô y tá đổ cho anh mấy muỗng sữa, rồi thốt nhiên òa ra khóc. Trong cơn đau, cô cứ nhắc đi nhắc lại: "Mấy anh trên đó chắc chết quá! Hòn đá nặng mấy chục tấn! Mấy chục tấn!".

Khi chiếc máy bay thứ 13 chúi xuống ném bom, cơ số đạn của phân đội đã hết, anh em được lệnh rút vào hang. Và giây phút định mệnh ấy ập đến.  Hai trái bom tấn nổ cao phía trên miệng hang, làm cả một khối đá khổng lồ đổ sụp xuống, chẹn kín miệng hang; khủng khiếp còn hơn cả trăm ngàn lưỡi hái tử thần. Công binh được điều đến, nhưng không có phương tiện khoan phá tảng đá kinh hoàng. Phương án nổ mìn thì không thể được. Mọi phương án khác đều không thể được. Tất cả chỉ còn biết nhìn nhau mà khóc. Bà con cả dọc dài Lương Phi hay tin, cũng chỉ biết lặng nhìn nhau mà khóc. Rồi bà con bàn nhau tìm cách luồn ống trúc đổ nước, đổ sữa vào hang. Nhưng không nước nào có thể chảy vào được tới bên trong. Cái chết cứ lặng lẽ bò dần vào hang từng ngày, từng giờ, bằng cả đói và khát.

"Em không ngờ đó là bữa cơm cuối cùng với anh em. Chỉ có mấy miếng khô cá, mấy trái dưa leo, mấy trái ớt hiểm, mấy ngụm nước. Hoành ơi! Hoành ơi!".

Cường lả ra. Rủ rượi như tàu lá chuối gặp mưa.

 

8. ĐOẠN KẾT NÀY BẠN ĐỌC TIN HAY KHÔNG?

Năm 1993, tôi heo đoàn văn nghệ sĩ Vĩnh Long đi tham quan Bảy Núi. Tại chân đồi Tức Dụp, đoàn được Hội Văn học Nghệ thuật An Giang tiếp đãi trong nhà hàng lớn, sau khi đã leo núi cả buổi sáng trở xuống. Lúc đó tôi rất ghét uống bia, nên rủ Thanh Hồng lủi ra ngoài kiếm rượu đế.

Chúng tôi tìm được một cái quán rất lý tưởng, có cái sân rộng chìm trong vòm vòm lá biếc. Quán mở nhạc ghitar classicque êm dịu. Bà chủ quán trắng hồng, có gương mặt phúc hậu, nhìn rất cảm tình. Tôi ngồi quay mặt vào trong quầy ba gian nhà ngoài. Trong đó có mấy chàng, mấy nàng Tây bụi đang ngồi ăn cơm dĩa, uống soda chanh đường. Họ nói chuyện rất nhỏ với nhau, và tỏ vẻ rất hài lòng trước một bữa ăn ngon.

Không hiểu sao tôi có cảm tình với bà chủ quán này ngay từ lúc đầu mới thấy. Gương mặt ấy, ánh nhìn ấy, giọng nói ấy, toát ra cái gì đó khiến khách có thể tin tưởng, an tâm rằng mình sẽ được tiếp đón đúng mực.  Và bởi vậy, thỉnh thoảng tôi lại kín đáo đưa mắt ngắm bà ta. Vài lần như vậy, tôi phát hiện bà ta cũng đang kín đáo quan sát tôi. Khi Thanh Hồng gọi tính tiền, bà ta nhẹ nhàng bước đến, nhỏ nhẹ hỏi tôi.

- Thưa ông, có phải ông từng sống ở Tân Châu thời chiến tranh không ạ?

- Vâng! Nhưng sao bà lại hỏi như vậy? Có điều gì chăng?

- Ồ không! Ông giống một người đã giải thoát cho tôi. Đúng ra là còn một người nữa. Tôi nghe bạn anh ấy gọi ảnh tên Hoành.

Hoành ư? Tại sao người đàn bà này lại biết Hoành. Trái đất ba phần tư nước mắt, con đường trong quỹ đạo vũ trụ của nó tính bằng năm 360 ngày, lẽ nào đã đến chu kỳ lặp lại nhanh và bất ngờ như vậy! Tôi xốn đau trong ngực, như đang chạm vào một nỗi đau nhức nào đó; rất cụ thể, nhưng cũng rất mơ hồ, rất khó diễn tả ra thành lời.

- Nhưng làm sao bà lại nhận ra tôi?

Người đàn bà nhẹ nhàng kéo ghế ngồi xuống. Mấy giọt lệ trào ra từ hai bên khóe mắt.

- Xin lỗi! Vậy là tôi đã không lầm. Vết sẹo chạy dài từ tai ông xuống cằm, làm sao tôi quên được.

Có tiếng líp xe đạp kêu lách tách sau lưng. Quay lại, tôi thấy một cô bé dong dỏng mặc áo dài trắng, tóc thắt bím, thả hai lọn tóc dày trên đôi bờ vai tròn trịa.

- Con gái tôi. Cháu học lớp 12. Chào bác đi con!

 

Có thể bạn đọc cho rằng tôi cố tình bịa ra chi tiết này để cứu vãn một kết cục quá thê thảm. Và có thể bạn còn cho rằng tôi bịa quá vụng về, quá dở. Nhưng xin bạn hiểu cho rằng, tôi đã sống sót qua hàng trăm trận đánh, đã hàng trăm lần lang thang đi thực tế trên mọi nẻo đường gồ ghề của tổ quốc, và tôi nghiệm ra rằng: trên mặt đất này, dưới bầu trời này, không chuyện gì là không thể xãy ra!

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3142
Ngày đăng: 09.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hội chợ - Phan thị Vàng Anh
Kịch câm - Phan thị Vàng Anh
Một nửa sự thật - Phạm thị Ngọc Liên
Thật Mặt - Trọng Huân
Đôi mắt - Trần hữu Lục
Bức hoạ - Trọng Huân
Chuyện Trên Đường Phố - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hoa cho người sống - Trung Trung Ðỉnh
Phất phơ quá khứ - Trầm Hương
Người con gái năm ất Dậu - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)