Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.221.309
 
Cung trầm tưởng, sự thăng hoa
Nguyễn Đức Tùng

 

 

tặng BS Nguyễn Duy Sản

 

 

 

Nhịp điệu, thời tiết, mùa màng cây cỏ, sự tuần hoàn của hủy diệt và hồi sinh là động lực của thơ Cung Trầm Tưởng. Từ những bài đầu tiên, khác với các nhà thơ cùng thời, Cung Trầm Tưởng chọn đi con đường riêng, mở rộng biên giới của ngôn ngữ trong giới hạn của thơ có vần điệu.  Lịch sử của một nhà thơ khác với tiểu sử một cá nhân. Lịch sử ấy gắn liền với nơi chốn người ấy sinh ra, lớn lên, sống và viết, nhưng không theo trật tự thời gian. Yeats, thi sĩ nước Anh, nói rằng vào năm mười tám tuổi bạn trở thành chính bạn, và từ đó về sau suốt cả đời còn lại, bạn chỉ thêm vào các chi tiết. Cung Trầm Tưởng làm những bài thơ đầu tiên vào khoảng tuổi ấy hoặc trẻ hơn. Nhưng suốt cả đời sau không chắc ông chỉ bổ sung các chi tiết, mà còn có thể đi qua những khúc quanh ghê gớm.

Giai đoạn làm thơ trong tù, mười năm sau 1975, là giai đoạn đặc biệt, khi ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng chuyển hóa thành một ngôn ngữ khác, vừa hiện thực hơn vừa huyền ảo hơn.

 

Nắng nhói như kim khêu thương tích

Thuyền mây từng mảng vỡ lênh đênh

Trong trăm nghìn mảnh trời kia vỡ

Có một đời ta trôi bấp bênh

 

Chủ nghĩa siêu thực ảnh hưởng tới nhiều nhà thơ miền Nam thời ấy, thật ra là sự phát triển đến cực đoan của chủ nghĩa lãng mạn. Một nhà thơ siêu thực xem bài thơ là sự kiện, là vật thể độc lập, và như vậy ngôn ngữ tồn tại như một bằng chứng của tình yêu và đời sống. Sự bất ngờ của ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng trong một số bài thơ ông viết những năm cuối của miền Nam, hay trong trại cải tạo sau này, thể hiện sức tưởng tượng dồi dào, là khởi đầu của khuynh hướng siêu thực.

 

Điển chế thơ bằng ngôn ngữ đôi,

Ý nâu xen lẫn nghĩa hung vàng.

Như trong xanh hứa của màu mận

Nghe vỡ eo sèo trái nẫu đen.

 

Căn cước cá nhân và căn cước tập thể là những khái niệm quan trọng. Đó là sự mô tả khả năng của chúng ta tham dự vào số phận người khác, hạnh phúc và khổ đau của người khác, ta vào những bi kịch cá nhân và đất nước, cùng chia sẻ gánh nặng của đau đớn, bệnh tật, hoạn nạn, sự thua cuộc, nói cho cùng là danh dự của người viết.

 

Mưa rơi, đêm lạnh Sài Gòn

Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi

 

Quê hương là nơi bạn chờ dịp để trở lại. Khi chúng ta còn trẻ, những tác phẩm ở lại với chúng ta lâu hơn tác giả của chúng. Khi chúng ta lớn lên, những tác giả ấy tìm cách quay lại, ở lâu hơn tác phẩm, như bạn cũ tìm nhau, cuộc đời đi tìm cuộc đời. Mặc dù nổi tiếng sớm, có nhiều bài thơ được phổ nhạc, nhưng trước 1975, Cung Trầm Tưởng làm thơ không nhiều. Sau đó, số lượng sáng tác của ông vượt lên, trở thành một trong những người viết nhiều nhất vào giai đoạn tù đầy.

 

Lều dựng thô sơ đứng đụng đầu

Lối vào nhớt nhát rét bùn bâu

Ngô ăn trong rá còn loang máu

Của ngón tay đan đứt vì vầu

 

Theo tác giả, vầu là một loại tre, thân to, mình mỏng nhưng rắn, dùng để làm nhà. Khi lần đầu tôi đọc cùng lúc những bài thơ thời Paris của Cung Trầm Tưởng và những bài ông viết sau này, tôi gặp khó khăn nối kết chúng vào nhau. Có một đứt đoạn tàn nhẫn, có lẽ không phải của ngôn ngữ mà của đời sống. Về sau tôi dần nhận ra chính sự đứt đoạn ấy, giữa một ngôn ngữ lãng mạn và một ngôn ngữ hiện thực pha lẫn siêu thực, là sự đứt đoạn tất nhiên, là bước nhảy vọt của ý thức, và như vậy là chuyển biến tất phải xảy ra ở một người sống hết mình với lịch sử đất nước.

 

Bao thanh xuân ảo vọng bị chôn vùi

Đồng lúa mới chết non từng nhánh mạ

 

Điều gì cho phép chúng ta nghĩ rằng ngôn ngữ của một nhà thơ là gắn bó với kinh nghiệm cá nhân, thay vì, tiếng nói cộng đồng? Đó không những là mối quan hệ giữa người viết và đề tài mà còn là phong cách tiểu sử. Một ngày mùa thu năm 2014, khi đứng trong cửa sổ một khách sạn nhỏ ở Aix-en-Provence, trời mưa vừa dứt, tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ sau đây của ông.

 

Chân phương lòng thấy nao nao

Với muôn thương mến lên cao hôn trời

 

Đó là sự chuyển hóa siêu việt (transcendence). Ông viết bài thơ này năm 1954. Hơn hai mươi năm sau, 1977, nhà thơ sẽ phải viết những câu khác, ở Hoàng Liên Sơn, cũng mùa thu.

 

Lá rơi rừng ngập lá rơi

Quanh tôi thu đến bằng trời kín mây

 

Có vẻ như sự chung kết đã được báo hiệu. Một cách lặng lẽ, không tuyên ngôn ồn ào, sử dụng thể thơ bình dân, lục bát, Cung Trầm Tưởng từ sớm gieo vào thơ Việt những hạt giống đầu tiên của lối viết mới, lối nghĩ mới, vượt ra khỏi khuynh hướng tiền chiến, lãng mạn và tượng trưng. Bằng cách nào? Bằng ngôn ngữ bất chợt, rời rạc, xuất thần, lối nói hồn nhiên, các bước nhảy liên tưởng (leap associations), các hình ảnh gần với siêu thực. Thơ như một tấm gương phản chiếu chính mình: trong những bài thơ thời trẻ có hạt giống của những bài ông sẽ viết sau này, trong những bài viết sau này, nhất là giai đoạn lao tù, có bóng dáng của bài thơ thanh xuân.

Nếu một người đã từng:

 

Lên xe tiễn em đi

Chưa bao giờ buồn thế

Trời mùa đông Paris

 

Thì có lúc sẽ:

 

Ngày tiễn em về nghĩa đoan thê

Núi chơ vơ đứng sững ê chề

Trong từng chiếc lá thu vàng rụng

 

Lịch sử của tự do của dân tộc chúng ta là lịch sử của thất bại, tan rã, mất mát. Vậy thì thơ ca và ngôn ngữ có thể làm được gì? Nhà thơ phải giữ cho được trong ngôn ngữ của mình kiến thức, tư tưởng, tình yêu, sự bao dung và phản kháng, cảm hứng và chiêm nghiệm, và truyền lại điều ấy bằng ngôn ngữ và ký ức. Chúng ta chỉ làm được một điều duy nhất: chống lại quên lãng. Âm nhạc, sự trùng điệp, sự hiệp vần, phép luyến láy, nhịp điệu, nói chung là sự lập đi lập lại, là đặc tính cố hữu của thơ ca, và là phương pháp duy nhất mà con người như những nạn nhân có thể nuôi dưỡng ký ức trong trầm tích quá khứ. Hàng trăm năm. Sau khi các cấu trúc chính trị đã biến mất.

 

Kể từ đó trên phong nhiêu trái đất

Những mùa vàng ủ đợi cuối đường hoa

(Sài Gòn 1988- Saint Paul 2008)

 

Khuynh hướng sử dụng các thể thơ như sự lưu giữ ký ức, từ rất sớm, ở Cung Trầm Tưởng là đặc biệt lâu bền, khuynh hướng này trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa hai thế giới, cũ và mới, thanh bình và hỗn loạn, tự do và tù tội, lãng mạn và hiện thực, ca ngợi và phản kháng, khuôn mặt của tình yêu và khuôn mặt trong gương của nó. Ông là nhà thơ của hai thế giới ấy, cùng lúc.

 

Đời ngoài mỗi lúc một cao thêm

Khi ta mỗi lúc một xương mềm

 

Đó là sự chiêm nghiệm. Lịch sử của người Việt trong thế kỷ qua là lịch sử của đấu tranh, ly tán. Thơ lục bát, các thể thơ có vần là phương cách nối kết chúng lại, các mảnh rời ấy của lịch sử và tâm hồn. Mặc dù không phải bao giờ cũng thành công, và tránh khỏi gượng ép, nhìn chung Cung Trầm Tưởng nối kết những thế giới khác biệt của ông và nâng sự liên kết này lên thành thăng hoa. Dù cũng lấy cái nhìn phi lý làm trọng tâm, cho cuộc đời là sự nghịch lý, tồn tại là bi kịch, như từ thời du học ở Pháp, Cung Trầm Tưởng đứng riêng một góc giữa các nhà thơ khác. Ông hình như lúc nào cũng có một điều gì để nói, sắp nói. Ngôn ngữ được sử dụng trước hết như phương tiện biểu đạt, và nhà thơ như một kẻ sinh ra trong hoàn cảnh bất ngờ, may mắn hoặc bất hạnh, chứng kiến khung cảnh ấy, bi kịch ấy, bí mật ấy. Ông có nhu cầu muốn làm chứng, có sự chân thành bảo vệ đối với sự thật và các nạn nhân. Vì vậy nhiều bài thơ của ông có tính chính xác; việc sử dụng chữ trong một câu, sự ngắt dòng, sự chọn lựa thể thơ, tuy không phải không có ngẫu hứng, đã diễn ra với nhiều đắn đo, cân nhắc. Dù không phải là người hay sử dụng ngôn ngữ đường phố, có vẻ như ông sẵn sàng đưa vào thơ thứ tiếng nói bình dân, thân mật, tự nhiên một cách bất ngờ. Điều sau cùng này, không phải dễ nhận ra.

 

Lên xe tiễn em đi

chưa bao giờ buồn thế

trời mùa đông Paris

suốt đời làm chia ly

 

Tiễn em về xứ mẹ

anh nói bằng tiếng hôn

không còn gì lâu hơn

một trăm ngày xa cách

 

Ga Lyon đèn vàng

tuyết rơi buồn mênh mang

cầm tay em muốn khóc

nói chi cũng muộn màng

 

Hình ảnh của lá cỏ, tuyết, dòng sông, đèn vàng, sỏi đá, tuổi trẻ, Paris và miền Nam nước Pháp, thiên nhiên với nét hoang dã, đêm tối, tạo nên không gian của nhà thơ. Đó là một trong những bài thơ rất sớm của Cung Trầm Tưởng, dễ hiểu, trong suốt, ngôn ngữ đẹp, nhưng vẫn chứa lãng đãng nỗi nghi ngại bất an, một tình yêu đầy lo âu khó giải thích.  Ngôn ngữ trong bài thơ không cầu kỳ, không có từ Hán Việt, có sao nói vậy, mà đẹp. Như vậy, tiếng Việt, sau nhiều thế kỷ phát triển, đã có thể biểu tả một tâm trạng phức tạp, một cảnh đời khá xa lạ, tận phương Tây, mà vẫn đủ sức chuyên chở tâm tình người xa xứ, sầu mộng, xao xuyến.

Freud cho rằng quá trình thăng hoa là một trong những thành tựu lớn nhất của tâm trí con người. Đã khắc sâu vào tâm khảm từ nhiều năm trước, nhưng khi tôi đến đó, đèn trên sân ga Lyon không vàng mà đỏ rực trong tuyết. Tôi tin rằng nó chỉ đỏ với tôi. Thơ viết ở Paris, về một tình yêu ở nước Pháp, mà vẫn hoài niệm. Hoài niệm vốn là cốt tủy của người Việt. Cung Trầm Tưởng từng nhắc đến quan niệm của Paul Valery: "bài thơ là một sự ngập ngừng kéo dài giữa âm và nghĩa" (Le poème, hésitation prolongée entre le son et le sens). Có những sửa đổi của nhà thơ qua nhiều năm sẽ còn để lại tranh luận, như :

Ga Lyon đèn vàng

Tuyết rơi buồn mênh mang

Sửa thành:

Ga Lyon đèn vàng

Tuyết rơi cuồng mênh mang

Hay là:

Trời mùa đông Paris

Suốt đời làm chia ly

Sửa thành:

Trời mùa đông Paris

Rét cắt nghìn phân ly

Riêng tôi, tôi thích những câu thơ cũ. Vì nhạc tính trong chúng cao hơn. Chữ của chúng tự nhiên hơn.

Thơ tình Cung Trầm Tưởng, một số bài được Phạm Duy phổ nhạc, sẽ còn ở lại với những người yêu nhau, những người trẻ tuổi hoang mang vào đời. Một bài thơ trừu tượng có thể là một bài thơ tình hay một bài thơ đầy kỷ niệm. Tuy nhiên, bài thơ ấy hẳn phải đi qua bộ lọc giữa một bên là lý trí một bên xúc cảm. Có một sự pha trộn khó giải thích giữa thơ lãng mạn, chịu ảnh hưởng phần nào của thơ Pháp thời trước và thơ thế sự, thời sự. Có một sự trộn lẫn giữa những câu thơ thô ráp, gần như vụng về, và những câu bay lượn, xuất thần. Ông là một người kể chuyện, về những hoàn cảnh gần như cực đoan, sự say mê, cái chết, sự lạc đường, tội ác, chiến tranh. Nhà thơ là người có đức tin tôn giáo, tôi nghĩ; và các hệ thống ký hiệu và tượng trưng, các biểu tượng, là gần gũi với tác giả. Câu chuyện về cuộc đời mình từ những ngày mới lớn, du học, trở về miền Nam phục vụ trong không quân, tù đầy, định cư ở nước ngoài là những chặng đường được kể lại không những bằng câu chuyện mà còn bằng các nguyên mẫu văn hóa và giai thoại. Và có khi thoảng mùi tình dục.

 

Em vào lấp lánh sương bay

Và se sắt thổi heo may đầy giường

 

Một lối viết được sinh ra từ khoảnh khắc đặc biệt, tựa như những tai biến trong đời bạn hay giây phút bừng tỉnh. Nhà thơ lãng mạn trở thành người viết hiện thực. Sự thay đổi như thể chính nó là biểu hiện của sự phản kháng trước hết đối với tính chất thơ mộng, lý tưởng hóa của văn chương.

 

Mai sau thịt thắm da liền

Cái yêu khác trước cái nhìn khác xưa

Cái tin vô cớ xin chừa

Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau

 

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng thường xem thơ mình như một quá trình (*). Tôi nghĩ như thế là hợp lý vì những biến đổi nội tại trong thơ ông phù hợp với lịch sử mấy mươi năm của đất nước.

 

Thành quách điêu tàn gạch đớn đau

Tường xiêu cửa mất mái u sầu

Mười hai năm xéo dày viên ngọc

 

Đó còn là một buổi chiều tôi đi dọc bờ sông, đi qua những vườn cây xanh biếc, ngát thơm, nhớ đến thơ ông.

 

Cố tri khóm hạnh bây giờ

 

Có phải là cây hoa almond hay không mà tôi thấy chúng buông lả ngọn bên tường vôi trắng. Không phải ý nghĩa, mà chính là một chữ, âm điệu chữ ấy, như một sự vật, trong mối quan hệ với ngôn ngữ Việt, làm nên thi tính, tính thơ, của chúng.

 

Em về giữa lúc khuya sang

Mênh mông đức hạnh dịu dàng ưu tư

 

Thơ tràn ngập nơi chốn. Về căn nhà chúng ta, khu phố cũ, hàng xóm. Về những đồ đạc trong nhà, cửa sổ sơn lam, buổi sáng mặt trời lặn, hàng hiên mưa, người thanh niên ngồi nghe gió thổi trên trang giấy. Thơ ông như của một người tình, một người lính, một người tù, một công dân. Đó là bốn loại thơ, bốn chặng đường, bốn chủ đề.

 

Hãy ưỡn ngực hít sâu vào khí sớm,

Chẳng thuộc riêng ai trời đẹp của muôn lòng

Mùa xuân đến đều chia cho muôn khắp

Kẽm gai nào rào chắn được trời trong

 

Những kinh nghiệm cá nhân hòa cùng với những sự kiện tạo nên thứ bi ký của chiến tranh và hòa bình. Nhờ nghệ thuật so sánh và ẩn dụ, ông mang người đọc đến gần hơn bằng hình ảnh đặt bên nhau:

 

Bãi nhăn nhàu vết lăn xưa

Một xe thổ mộ giờ trơ gỗ gầy

 

Mối quan hệ phức hợp giữa hiện thực và giấc mơ không bao giờ được giải quyết xong. Thơ Cung Trầm Tưởng đầy những mảnh ghép của hiện thực và giấc mơ, cũng như thời gian giữa ngày và đêm, giữa ánh sáng và bóng tối, sự tương tác của chúng là bất tận. Thơ kể về sự luân chuyển đất trời, mới mùa xuân hoa trái đã tàn tạ cuối đông, rồi trở lại, cũng như diễm phúc của tình yêu và trừng phạt của xa cách. Thơ không thể dành cho mọi người, vì không phải ai cũng có khả năng đáp ứng với nhịp điệu, không phải ai cũng có nhu cầu và năng lực nhìn vào đời sống bên trong của mình. Để có khả năng nhìn vào đời sống bên trong, một người cần có ít nhất hai thứ: niềm vui thú đối với ngôn ngữ cũng như một người có sở thích đối với thể thao hay hội họa, có người không, và khả năng xem xét đời sống của mình từ phía khác, và từ điểm khác trong thời gian. Cung Trầm Tưởng tìm nhiều cách để vượt thoát hoàn cảnh, và để tự chứng minh, vì nhu cầu của đời sống tâm linh và của hướng thượng, lịch sử phải trải qua mất mát, lấy chính cuộc đời mình làm trải nghiệm lịch sử, khi ông quyết định ở lại. Thơ Cung Trầm Tưởng có những bài giản dị và những bài phức tạp, cần tập trung chú ý, như thể điều mà tác giả muốn đề cập tới bị che khuất đâu đó giữa những chữ.

 

Thơ là nho mà cũng là sim,

Mỗi chữ buông sang tiếng hạc cầm.

Như trong vó cất của ngựa bạch

Có nhạc chim hồng vỗ cánh cam.

 

Trong thời đại của thơ tự do, nhà thơ vẫn trở lại với lục bát, và làm mới chúng bằng trước tác hồn nhiên. Đối với nhiều người, thơ có khả năng biến đổi (transformative power), sau những kinh nghiệm đau xót, nhà thơ không thể không thay đổi cái nhìn đối với cuộc đời, sự rung cảm, sức nghĩ, sự khôn ngoan, sự thông thái minh triết. Chúng ghi dấu ấn lên thơ Cung Trầm Tưởng: đời sống nội tâm của chúng ta là lớn lao, vừa phản chiếu hiện thực bên ngoài vừa vận động theo quy luật riêng. Nhà thơ muốn không những ghi lại hiện thực ấy mà còn chuyển hóa chúng thành diễn biến tâm linh. Thành sự cứu chuộc.

 

Đời tù bất trắc mây vô định

Lá cỏ ngày nào sẽ rụng rơi

Phiến tròn sẽ gẫy khô từng phiến

Giữa chốn hoang vu tịch mịch đời

 

Chúng ta không biết đâu là sự quan sát đâu là sự khổ đau (**). Người đọc nhìn thấy sự băng qua của thời tiết, sự chuyển động của mùa màng, nỗi xúc động nén lại. Tôi muốn nói khác hơn: tính trừu tượng trong thơ Cung Trầm Tưởng đã được cụ thể hóa, và biến đổi đi dưới sức ép của ngôn ngữ. Mặc dù có sự tương thích giữa hoàn cảnh xã hội và đời sống nội tâm, vì trong khi đời sống bên ngoài được phản chiếu vào nội tâm, thì một cá nhân, một cách vô thức, cũng tìm cách thế tồn tại thích nghi. Bi kịch lịch sử do vậy chính là bi kịch cá nhân và ngược lại. Ý thức tập thể, những tâm trí được tập hợp lại, chỉ mở rộng các kinh nghiệm của bi kịch. Không phải chỉ những nhà hình thức chủ nghĩa mới tin rằng âm điệu của thơ góp phần làm nên ý nghĩa của chúng.

 

Đêm mùi cỏ dao

Thở nồng trang sách

Gió cuốn ào ào

Mùa tất bật

 

Là những câu được khắc vào không gian, làm nên không gian, cho một hay nhiều thế hệ. Và trong trường hợp cực đoan, như trong thơ phổ nhạc, hay ca khúc Trịnh Công Sơn chẳng hạn, chính âm nhạc đã tạo thêm hoặc tạo ra ý nghĩa cho các ca từ. Cả hai, đến lượt chúng, sinh ra một trường hiện thực khác. Đối với một số nhà thơ, văn chương đi ra từ đời sống hàng ngày, là sự ghi chép của hiện thực, văn chương và đời sống đi song song với nhau, như hai tấm gương chiếu vào nhau, như hai đoàn tàu chạy cùng một chiều, cùng một tốc độ, hình ảnh của các cửa sổ đối với nhau không thay đổi. Đối với một số nhà thơ khác, đời sống đầy biến động, thơ là cái bật lên từ biến động bất thường, từ những hoàn cảnh cực đoan, do đó cái bình thường không có chỗ đứng trong thơ của họ. Như việc sử dụng các ẩn dụ phức tạp của các nhà thơ gần đây. Sự phức hợp ấy tạo ra bởi hình ảnh giàu có và liên kết rối mù, chồng chéo, không thể giải thích một cách dễ dàng.

 

Đàn đúm, dập dìu chợ bắc qua

Lam len xen tím, lục leo chàm

Gió như máu tưới nuôi cơ thể

Nhiệt đới choang choang bật choé hồng

 

Thơ như thế đã tràn ra khỏi mạch thơ vần điệu, mà ôm lấy thơ tự do.

Trong thơ Cung Trầm Tưởng, thấy dấu vết của tình dục, mối quan hệ phân tâm học, những biến đổi gần như ảo ảnh, những chuỗi kết hợp ngôn ngữ đáng ngạc nhiên ở một người thuộc thế hệ của ông. Thơ có những thăm dò sâu vào tình yêu, tình dục, nghi lễ của tình yêu, nghi lễ của tình dục. Không phải ngẫu nhiên mà có một bài thơ của ông được đặt tên là Lễ Chiều, hình như được viết trong những ngày ông còn ở trên rừng núi, đang tù tội.

 

Khi anh đến thăm em thì trời hửng ấm

Nước suối hoen trong hang những nhũ thạch mềm

 

Tuy nhiên không chỉ âm điệu hay từ ngữ là đặc tính quan trọng nhất của bài thơ, thậm chí là những đối tượng nghiên cứu độc lập, mà chính sợi chỉ xuyên suốt bài thơ, tức ý nghĩa của nó, làm nên sức mạnh, sự hấp dẫn. Bài thơ nói về điều gì, trong hoàn cảnh nào, nói với ai, bởi ai. Bài thơ bắt đầu khi anh đến thăm em. Hoặc khi ngày vỡ ngọt từ múi quả cam, hoặc khi thơ là nho mà cũng là sim, khi một người chúm môi huýt náo tang thương. Có một pha trộn rất mạnh giữa khuynh hướng vần điệu và khuynh hướng văn xuôi hoá.

 

Nhìn nhau thấu đáy Kỳ Cùng

Cho sau còn ngấn thủy chung thì thầm

 

Trong khi thơ vần điệu có tính dân tộc thì thơ tự do có khả năng vượt qua biên giới, giao hòa với các dân tộc khác. Nhà ngôn ngữ học Jakobson cho rằng hình ảnh và ngôn ngữ thơ ca đã được tạo ra trong các thể có vần ngay từ xưa, giữa những người không biết đọc, biết viết, vì đó là hình thức không những để dung chứa thông tin lớn, mà còn là cách thuận tiện giúp ghi nhớ dễ dàng. Ngôn ngữ của ông là ngôn ngữ của chuyển giao, của tượng trưng, biểu tượng. Điều gì nối kết chúng với nhau để tạo nên câu chuyện kể? Ký ức đến trước, ngôn ngữ đến sau. Nhưng ký ức là diễn trình, không phải là kho tàng, có khởi đầu, có biến đổi, ngôn ngữ không phải chỉ là những ký hiệu như các mã số, chỉ định một lần là xong. Cả hai đều tự mình lớn lên, được sáng tạo mỗi ngày, nuôi dưỡng và phá hủy cùng lúc. Tôi mốn nói lại: ký ức của chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta có thể được nuôi dưỡng, có thể được dung nạp, hay có thể bị ghét bỏ, bị xua đuổi, bị huỷ diệt, tùy theo những kẻ làm chủ xã hội là ai. Sự đứng im, cái chết, hay sự bất lực của mỗi cá nhân và mỗi công dân, không tạo ra tiếng động hay âm nhạc: kẻ thù của con người, trong mỗi con người, muốn bạn im lặng.

 

Người về trong lúc tàu đi

Rớt nhanh một nét tường vi hoang đường

 

Bất kể lịch sử đã xảy ra như thế nào, sự thật đã xảy ra như thế nào, các thế hệ người đọc, liên tiếp nhau, sẽ không tin vào chúng. Họ chỉ tin vào một lịch sử được kể lại một cách chính thức. Chỉ có một thứ văn học duy nhất đối với thế hệ trẻ là văn học được phép. Các nhà thơ thực sự chống lại điều ấy. Dễ hiểu là khuynh hướng phản kháng của Cung Trầm Tưởng bộc lộ rõ hơn trong thời kỳ lao tù. Tuy nhiên, đó vẫn là loại thơ trữ tình cá nhân, nặng tính tiểu sử hơn là phán xét chính trị, là những ghi chép hiện thực hơn là lời kêu gọi và sự suy tưởng xã hội. Trước sau ông vẫn là nhà thơ trữ tình, với cái nhìn bi quan xuyên suốt nhiều năm trước đến sau này. Ngay trong những bài thơ sớm nhất ở miền Nam, nỗi buồn của ông vẫn riêng biệt, lạ lẫm:

 

Chim tấp nập về reo chuông báo thức

Chiếc đồng hồ rạo rực của tâm tư

 

Sự tiếp cận với hiện thực hình như không đồng đều, chưa kể có những thời gian dài không thấy ông sáng tác. Ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng một mặt dịu dàng, đầy âm điệu, đẹp, một mặt gai góc, thể nghiệm, huyền bí. Sự kết hợp như vậy là lạ lùng, như một bức tranh nửa tối nửa sáng, như một ý thức nửa tươi trẻ nửa già dặn, khi dòng sông thời gian vừa trôi nhanh vừa chảy sâu.

 

Đứng sao cho vững tâm hồn

Sống sao cho cái u buồn thăng hoa

 

Cung Trầm Tưởng có những nỗ lực để tránh lập lại mình, với những mức độ thành công và không thành công khác nhau. Điều gì đáng nhớ lại, điều ấy là quan trọng nhất. Lịch sử được nhớ lại bởi các câu chuyện cá nhân nhiều hơn bởi các sự kiện khách quan. Ý thức được điều ấy, cầm giữ sự thật trong tay, quay trở lại tìm kiếm khi đánh mất, dò đường theo chúng, nuôi dưỡng chúng, là ý thức cao nhất của người làm thơ trong một xã hội nhiễu nhương.

 

Em xanh gương nước ao hồ hạ

Bão đến miền em chết dịu hiền

 

Trong khi các nhà thơ khác tìm cách nén chặt bài thơ của mình, loại trừ các yếu tố thừa, làm cho năng lượng của một bài thơ tăng lên, thì trong nhiều trường hợp, Cung Trầm Tưởng làm ngược lại, hoặc bằng cách mở rộng biên giới của một bài thơ, đưa vào chúng nhiều dữ kiện của đời sống, những chi tiết cá nhân và riêng tư mà nhiều nhà thơ khác có thể loại ra, hoặc bằng cách liên kết các bài thơ với nhau, trong một chủ đề hay một dải băng tần các xúc cảm. Như một hệ quả, trong thời gian ngắn, ông có thể làm nhiều bài thơ cùng lúc, chúng vừa khác nhau, vừa phối hợp, như một chuỗi các bài thơ, hay một hình thức mà nhiều nhà thơ hiện nay gọi là trường ca. Tôi đang nói đến khả năng liên kết các sự vật, sự liên tưởng gần và liên tưởng xa, giữa các hình ảnh, giữa hình ảnh và nhịp điệu, giữa quá khứ và hiện tại, các khía cạnh khác nhau của đời sống. Sự liên tưởng ấy bao giờ cũng có mặt ở các nhà thơ, nhưng ở Cung Trầm Tưởng là đều khắp, mạnh mẽ. Sự liên tưởng là khả năng chuyển động, như một thực thể chỉ tồn tại trong sự chuyển động. Thơ ông nhắc chúng ta về điều này: thế giới là hỗn loạn, lịch sử là không công bằng, nhưng tình yêu mà Thượng đế ban cho chúng ta là tặng phẩm quý giá nhất, sẽ tồn tại như viên ngọc sáng ngời, trên tay mỗi người, truyền đi, một cách có điều kiện. Vì tình yêu bị tác động bởi con người, hoàn cảnh, sự hèn nhát và lòng dũng cảm, tội ác và sự làm chứng.

 

Sum suê cây tủa tân hình học

Duỗi cánh tay thần đẩy mây lên cao

 

Tình yêu ấy nếu sống qua thời gian, sẽ trở lại, chiếu sáng. Trong một thế giới ngày càng thay đổi, sự dị thường ngày càng được dung nạp, sự di chuyển từ phía này qua phía khác, sự đảo lộn và xem xét lại, ngày càng dễ xảy ra. Đọc thơ Cung Trầm Tưởng trong tâm thế ấy, trong sự chấp nhận tính nối kết tương đối, một trật tự ngày càng rời rạc, sự tự làm mới, tự hủy và trở lại, có lẽ là cách đọc đúng đối với nhà thơ này, tôi nghĩ. Đã có một lần, thơ ông vui vẻ xiết bao, hạnh phúc xiết bao, nhưng ngay trong ngày ấy, chúng ta không để ý rằng ông cũng từng đau xót, chúng ta không nhìn thấy, không đọc được. Bây giờ người đọc của ông sau bấy nhiêu năm đã trưởng thành hơn, tất nhiên, và sẽ có lúc họ quay trở lại, như một người đi xa thế nào cũng có lúc trở về căn nhà cũ, nhìn ngắm chỗ ngồi, bậc cửa, vết mực trên tường, hòn đá vỡ, không phải chỉ để nhớ lại, mà còn để đi tìm câu hỏi cho giây phút hiện tại. Bởi vì ký ức làm nên sự tỉnh thức. Ký ức làm nên tỉnh thức: đó là thơ Cung Trầm Tưởng. Thơ tình yêu và thơ thời tù đầy dâu biển. Thơ phản kháng và thơ triết học. Ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng có tính tượng trưng, ký ức về tuổi thơ, và tình yêu như một ký ức, bao giờ cũng được biểu hiện như những hình ảnh hoặc chói sáng hoặc êm đềm quyến rũ. Hình ảnh ấy chính là biểu tượng.

 

Mời em đến cuối cùng ta

Ngất ngây chiêng trống đậm đà trầm mê

Cành vườn lá tược sum suê

Cắn đôi trái cấm môi tê sẫn sờ

 

Trong khi tình yêu mơ hồ như sương khói thì cái nhìn có tính trẻ thơ vào thế giới lại trong suốt, càng trong suốt khi người ta tới gần. Sự bất ngờ trong lục bát Cung Trầm Tưởng, một thể thơ vốn gồm âm điệu khó thay đổi, khó làm mới, chính là sự ngỡ ngàng của tuổi thơ trước thế giới, của trái tim đang yêu trước cái đẹp, trước trái tim khác.

 

Trái mai sau trái thơm nồng

Lời thơ nhân ái về đong đầy hồn

 

Lục bát là sự lặp lại ở mức cao các vần, các nhịp điệu, và trong nhiều trường hợp, hình ảnh và ý tưởng. Sự lập lại ấy tạo ra lý thú, tạo ra một thứ tiếng nói thì thầm, bí mật, yêu dấu, của một tuổi thơ đã mất, được dừng lại, được gọi về. Trong thể lục bát, sự di chuyển giữa các thời quá khứ, hiện tại, tương lai trở nên dễ dàng, có lẽ vì thể thơ ấy trong khi ràng buộc về hình thức thì lại cho phép sự rời rạc và mơ hồ về hình ảnh và ý tưởng. Như một người mất quê hương, một đứa trẻ mất cha mẹ, không nhớ gì ngoài ký ức hình ảnh mà chỉ có thơ ca mới mang lại. Đó là định nghĩa của biểu tượng. Tính chất tượng trưng của thơ Cung Trầm Tưởng xảy ra không chỉ vì bút pháp hình ảnh mà cũng vì cái nhìn, ý thức, tâm trạng trẻ thơ ấy. Các đứa trẻ sau này khi lớn lên, vì họ cũng phải lớn lên, mãi ngạc nhiên không hiểu vì sao thế giới này lại đổ vỡ đến thế, kẻ thù lại độc ác đến thế, bạn bè lại hèn nhát đến thế. Điều khác biệt là, sự bi phẫn chỉ dừng lại một lúc với chúng ta, rồi quay đi, trả lại cho chúng ta cái thi vị của đời sống, vẻ đẹp của con người, sự cả tin của thời thơ bé. Sự cả tin ấy là sự kiện tâm linh, là một niềm tin tôn giáo, là khả năng nhìn thấy trong đau khổ hôm nay bóng dáng hồi sinh của ngày mai, của sự đi tới, của luân chuyển của vòng đời, bất tuyệt.

 

 

(trong loạt bài Đọc Thơ)

 

Chú thích:

(*) Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ, NXB Tiếng Quê Hương, Virginia 2012. Khi trò chuyện với tác giả bài này, và trong một thư riêng, nhà thơ Cung Trầm Tưởng cũng nhiều lần nhắc đến khái niệm "hành trình" của sáu mươi năm sáng tạo, với những bài thơ theo ông là tiêu biểu như: Thai nghén, Mùa thu Paris, Nguồn cơn, Tiếng gọi đầu năm, Kỳ cùng, Bài ca níu quan tài, Khoảng cách, Núi và Suối một huyền sử, Ngôn ngữ đôi, Tận cùng Mán, Sáng ký về người tình đầu.

(**) Trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê, ông nói: "Người thi sĩ phải đảm nhận cái đau khổ của dân tộc mình. Qua ngôn ngữ. Tạo ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ của đau khổ."

(http://thuykhue.free.fr/stt/c/nc-ctt.html)

Nguyễn Đức Tùng
Số lần đọc: 2158
Ngày đăng: 04.05.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Phan Trọng Tảo: giờ đã sang thu * - Yến Nhi
Tiếc cho miền yêu xanh biếc - Nguyễn Anh Tuấn
Tình yêu đẹp như vần thơ tuyệt bút - Nguyễn Thanh
Những giọt buồn tinh khiết và biểu tượng trăng - Nguyễn Anh Tuấn
Chim trắng bay về "vườn cũ" - Nguyễn Thanh
Chàng trai ấy bây giờ ra sao? - Đặng Xuân Xuyến
Võ Chân Cửu "Phủi bụi cho những con chữ long lanh rực sáng" - Lê Ngọc Trác
Hoàng Trần Cương, ngôn ngữ quê hương - Nguyễn Đức Tùng
Dran - khối tình trong thơ Trần Vấn Lệ - Kiều Minh Mạnh
Người dưng nhưng đâu phải là người xa lạ! - Nguyễn Bàng
Cùng một tác giả
tạp bút 2 (tạp văn)
Chiếc Radio cũ (truyện ngắn)
Con mèo của Takashi (truyện ngắn)
Cây Sài Gòn (tạp văn)
Nồi Bánh Tét (truyện ngắn)
Trái tim (truyện ngắn)
Cô dâu (truyện ngắn)
Trưa Hoàng lan (truyện ngắn)
Mao ở Vũ Hán (truyện ngắn)
Xập xòe én liệng (truyện ngắn)
Câu thơ lục bát (tiểu luận)
Halloween (tạp văn)
Đêm Ukraine (điểm sách)