Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.636
 
"Những chữ qua cầu tâm linh" - Những trang văn tâm huyết, lấp lánh ý niệm tâm linh
Nguyễn Nguyên Phượng

 

 

 

 

    ( Đọc tản văn – tiểu luận “Những chữ qua cầu tâm linh” của Triệu Từ Truyền – NXB Thuận Hóa 2017)

 

      Tập Tản văn &Tiểu luận “Những chữ qua cầu tâm linh” của nhà thơ – nhà nghiên cứu triết học Triệu Từ Truyền gởi đến bạn đọc năm 2008 với 21 bài viết. Một nổ lực đầy tâm huyết của tác giả. Tập văn này được tái bản – NXB Thuận Hóa năm  2017, tác giả đưa thêm vào 06 bài mới: Vì sao văn học Việt nam tụt hậu?,Vì sao loài người làm thơ?, Tâm linh và sáng tác, Dòng chảy lục bát, Từ Trần Nhân Tông đến Trần Đức Thảo, Thành tựu của tư duy Trần Đức Thảo nhằm hoàn thiện chủ kiến về mối tương tác năng lượng tâm linh và sáng tạo thi ca.

      Đặt những viên gạch đầu tiên cho một khuynh hướng mới, đề xuất một trường phái mới trong sáng tác văn học, sáng tạo thi ca Triệu Từ Truyền – Triệu Cung Tinh (tên thật là Triệu Công Tinh Trung) đã có hơn nửa thế kỉ làm thơ, xem thơ ca là lẽ sống đời mình. (Với tám tập thơ đã xuất bản, tầm vóc thi ca của anh trong dòng chảy văn chương Việt Nam đương đại đã được khẳng định) 1.Tính từ những dòng đầu cho bài viết Những chữ qua cầu tâm linh tại Gia Định năm 1995, Nhà thơ đã trãi qua hơn 20 năm tư duy, chiêm nghiệm. Nhưng nếu tính từ dấu chân của chàng trai họ Triệu bước vào ngôi đền thiêng văn chương năm 1962 với tập thơ Tình Phượng, rồi sau đó đã tỏ bày những suy tư về cội nguồn thi ca trong “Tuyên ngôn” của nhóm Bộ lạc mới – 1966 (Thơ là  những ngôn -ngữ -cử -động…) 2 vượt qua bao bất trắc, nhọc nhằn của đời mình anh đã dày công học tập đắm mình nghiên cứu, tư duy có đến 50 năm xây dựng cho mình nền tảng triết học Tây phương, Đông phương và kiến thức Vật lý đương đại sau này. Và tập tản văn – tiểu luận Thi ca, Triết học nói trên nhà thơ nêu chủ kiến về vai trò của tâm thức trong sáng tác văn chương, cội nguồn làm nên thành tựu văn chương là năng lượng tâm linh chính là quả ngọt thơm anh thu hoạch khi đã vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”! (Triệu Từ Truyền sinh năm 1947).

 

     Bàn luận về vai trò của tâm thức không gì khác là quan niệm mỹ học của Triệu Từ Truyền trên nền tảng căn cơ văn học Việt Nam và phương Đông. Từ sự phân tích lời ngẫm ngợi xếp loại tầng bậc văn của văn nhân trong bài viết “Suy nghĩ về câu nói của nhà Nho Nguyễn Tư Giản”, tác giả luận giải gắn kết tương tác bốn yếu tố “ thần, khí, thể, cách” và minh họa sống động qua thơ của Tú Xương, Thâm Tâm để phát hiện và đề xuất một khuynh hướng và cao hơn nữa là một phương pháp tiếp cận, cảm thụ văn chương, thi ca – phương pháp tâm linh : “Đối với phương Đông, không câu nệ vào hình thức diễn đạt là thư tình hay tiểu thuyết, là tả chân hay siêu thực là hậu hiện đại hay tân hình thức…mà hàm lượng văn học trong bài viết là tùy thuộc thần khí toát lên từ thể cách”. Với phát kiến đó, tác giả làm nổi rõ vai trò tâm thức trong sáng tác văn học. Tâm thức lung linh, phát sáng trong các tác phẩm văn thi hào của dân tộc Việt Nam và thế giới Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát,... Rabindranath Ragore, Paul Valéry, Yves Bonnefoy, Kenzaburo Oe, Erek Waicott,...mà tác giả soi chiếu kể cả trong sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tiếp nhận bằng tâm hồn đồng điệu tri âm cùng tần số sóng tâm linh, người thưởng thức văn học – thơ ca đích thực thành người đồng sáng tạo chỉ khi “giữa nhà thơ và độc giả luôn nâng cao tri thức và tâm thức ngang tầm thơ, cùng với nhạy cảm là bản năng riêng có, hai bên mới thật sự là tri kỉ của nhau”. (Thơ là dòng năng lượng)   

 

             Về thành tựu sáng tác thi ca, Triệu Từ Truyền đã dồn   tâm huyết vào một loạt bài viết có đến hàng trăm trang đậm đặc tư tưởng triết học: Những chữ qua cầu tâm tinh, Thơ là dòng năng lượng, Tâm linh và sáng tác, Từ Nhân Tông đến Trần Đức Thảo,Thành tựu của tư duy Trần Đức Thảo… khảo sát, chỉ ra cội nguồn sáng tạo văn chương, đặc biệt là thi ca. Lời chữ của thơ  phải băng qua chiếc cầu tâm linh để trở thành linh tự. “Sáng tạo thơ chính là ở thần khí của bài thơ, thi sĩ chiết ra từ dòng năng lượng tâm linh hoà nhập vào ngôn ngữ thơ tạo ra dung lượng mỗi bài thơ…” (Những chữ qua cầu tâm linh - NXB Văn Học - 2/2008). Một loạt vấn đề như Tâm linh là gì? Năng lượng tâm linh sinh ra từ đâu, do đâu? Thế nào là bản chất của năng lượng tâm linh, hiện tượng luận biện chứng tâm linh (một thành tựu của tư duy triết gia Trần Đức Thảo) vv… mời gọi người đọc cùng chiêm nghiệm. “Tâm linh là khái niệm chỉ những năng lượng ở ngoài năng lượng vật chất, nghĩa là nhà vật lý không tìm thấy electron, notron, proton và những hạt hạ nguyên tử khác, kể cả photon trong dòng năng lượng ấy. Năng lượng ấy do tương tác của: Những vũ trụ (tạm gọi là vô hình) khác với vũ trụ mà con người đang sống và quan sát được; Ý thức tối của vật chất tối; Ý chí, khát vọng, đam mê của con người còn lại sau khi thân xác đã mất đi; Và còn nữa mà lời chữ của loài người không mô tả hết được, có thể nhận biết được bằng trực cảm hay thiền quán”. (Tại sao Văn học Việt Nam tụt hậu ?)

Bằng kiến quan triết học Tây phương nổi trội là triết học Đông phương tác giả lý giải đầy thuyết phục và đã chỉ ra cội nguồn của năng lượng tâm linh, cách thể nghiệm năng lượng tâm linh vào sáng tác thơ và văn chương nói chung. “Tâm linh sẽ can thiệp đúng lúc vào sáng tác của văn thi sĩ, quyết định phút xuất thần của thiên tài cho ra những tác phẩm hay, độc đáo, tối ưu.” (Bài đã dẫn trên). Tất nhiên vị ngọt của quả thơm còn kèm vị đắng tương tác cho trọn vẹn hậu. Dẫu biết lời thẳng hẳn sẽ đau lòng. “Tuy vậy, không phải người cầm bút nào cũng được năng lượng tâm linh tương tác hoàn hảo, tương tự như mỗi bộ não cấp độ trí tuệ không ngang nhau. Người sáng tác thiểu tâm linh như thiểu trí, thiểu tâm linh còn trầm trọng hơn, thiểu tâm linh không thể có tác phẩm đặc sắc được”. (Tâm linh và sáng tác). Với Triệu Từ Truyền, chủ thể sáng tác ở bất kỳ thời đại nào đều phải thiết yếu hòa nhập, sống cùng –  sống trong cộng đồng xã hội – nhân loại, trước tiên phải sáng tạo trong hành vi xã hội, một hành vi dữ dội của chính đời mình (Những chữ qua cầu tâm linh), soi rọi bản thể từng bước vun đắp chiếc kén bao bọc tâm linh bằng “dày công tịnh tâm, trong điều kiện minh mẫn và lương thiện”.

 

       50 năm cho hành trình sáng tạo đau đáu khát vọng nhân văn. (Lời tựa Tập văn của Triệu Từ Truyền - Nguyễn Nguyên Phượng)3 Triệu Từ Truyền còn đau đáu trở trăn góp công sức để Văn học Việt Nam không tụt hậu với văn học thế giới.  Tác giả nghiêm túc chỉ ra sự đứt đoạn không kế thừa dòng chảy của văn học Hán Nôm từng có bề dày 7 thế kỉ . Chỉ ra sự giáo điều, bó hẹp của tri thức thẩm mĩ do giáo dục về triết học, văn hóa, khoa học cùng với cách quản lí xã hội chưa tạo ra được môi trường xã hội, tri thức hiện đại cho chủ thể sáng tác lẫn người thưởng thức văn học đương đại! Trong đó dòng năng lượng tâm linh mang tính quyết định. (Tại sao văn học Việt Nam tụt hậu?). Chỉ ra sự đồng thuận giữa thiền sư Trần Nhân Tông và triết gia Trần Đức Thảo dù phương thức diễn đạt có khác nhau, một bên là thi pháp phương Đông – một bên là lập luận triết học đều cùng vươn tới sự tự do của con người, bản ngã và vũ trụ  “cần hòa nhập lẫn nhau mới thật sự có tự do, thanh thản và sáng suốt” (Từ Trần Nhân Tông đến Trần Đức Thảo). Chỉ ra phẩm tính hiện đại . Hiện đại thực chất là đỉnh cao hoàn hảo trong cả không gian lẫn thời gian…Hiện đại là viên kim cương đủ tuổi, được nhận biết bất kỳ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Lòng nhân là hiện đại yêu người, thương người - nhân tâm được Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hemingway, Victor Hugo diễn đạt bằng tâm thức hiện đại trong tác phẩm của mình. (Tâm thức hiện đại). Với những trang viết mang dấu ấn của phong văn biên khảo mạch lạc nhưng đong đầy tứ thơ (Từ Vũ), Triệu Từ Truyền làm sáng lên niềm tự hào về các thiền sư, triết gia, những nhà thơ, nhà tư tưởng của dân tộc Việt đích thực là những nhân tài văn học ngang tầm văn học nhân loại. Và phải chăng người đọc cũng dễ nhận ra niềm tin, niềm kỳ vọng hết mực chân thành của tác giả vào giới tầng cầm bút sáng tạo văn chương, thi ca thấu hiểu, sở đắc bút pháp tính linh, cội nguồn năng lượng tâm linh mới có thể cống hiến cho đời tác phẩm vươn tới đỉnh cao tâm thức về lòng nhân góp phần khơi dòng nền văn chương Việt hòa vào biển lớn văn học nhân loại mênh mang, cuộn sóng.

 

     Triệu Từ Truyền đã từng thể hiện hành vi dữ dội trong đời mình (một thủ lĩnh của phong trào HS.SV thời chống Mỹ ở miền Nam trước năm 1975, hai lần bị bắt giam tù đày Côn Đảo. Năm 1984 rời bỏ cương vị quản lí Nhà nước để chuyên tâm sáng tác văn học). Với sáng tạo thi ca cũng là một nhà thơ luôn dữ dội đổi mới, bứt phá (Cung Tích Biền) 4. Giờ đây, sau 20 năm chiêm nghiệm, trăn trở tìm tòi - tính thời điểm từ năm 1995, tác giả lại tiếp nối hành vi dữ dội trong sự nghiệp cầm bút của mình, đặt nền tảng ý niệm triết học tâm linh, đề xuất một quan niệm sáng tác văn chương mới: chủ thể sáng tạo bằng dòng năng lượng tâm linh mới làm nên những tác phẩm hay, độc đáo, tối ưu.

     Lần tái bản này, tập Tản vản – Tiểu luận “Những chữ qua cầu tâm linh” tích chứa 27 bài viết đặc sắc gởi đến bạn đọc. Quả ngọt thơm giờ đã trao tay. Tiếp nhận và đồng thuận kể cả phản biện, bổ sung quan niệm sáng tác mới, tầm nhìn mới này tôi tin rằng tác giả luôn mong chờ, tin cậy bạn đọc khi lần giở từng trang bài viết lấp lánh ý niệm tâm linh.

 

                     Xuân Lộc, 1/1/2017

                                              

            (1) Đêm lên cơn dài – Bộ lạc mới, 1965; Bên dòng Măng Thít- 1986; Dật dờ trong sương – 1990; Mảnh vỡ hồn nhiên – 1994; Va chạm hư                   không -1999; Mặt cắt cõi ngoài – 2006; Tuyển thơ song ngữ Việt – Pháp, 2011, Hạt sứ giả tâm linh – 2016.

(2)Trích “ý thức Thơ’ của nhóm Bộ lạc mới năm 1966 (Triệu Cung Tinh – Triệu Từ Truyền, Từ Kế Tường, Trần Hồng Nhan – Nguyễn Tôn Nhan): “ Thơ là những ngôn - ngữ - cử - động, chứ không phải như ngôn từ xuất phát từ triệu cửa miệng hàng ngày. Ngôn - ngữ - cử - động có thể chất chứa ý nghĩa hoặc tự nó xuất hiện ý nghĩa trong tâm trí con người…”

(3),(4) Bài viết “Triệu Từ Truyền, hành trình thơ, hành trình khát vọng nhân văn” – Nguyễn Nguyên Phượng, “Tình trí, thực mộng một cách hồn nhiên thổn thức” – Cung Tích Biền, (Triệu Từ Truyền – Dòng thơ giữa đôi bờ tri thức và tâm thức, NXB Trẻ 2013)

Nguyễn Nguyên Phượng
Số lần đọc: 1877
Ngày đăng: 12.05.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giới thiệu cuốn “Lịch sử tính hiện đại” của Jacques Attali - Hiếu Tân
Nguyễn Lương Vỵ "Thơ nhìn rõ mặt thấy muôn năm" - Lê Ngọc Trác
Đời cho vay chút tình riêng xa nhà - Lê Thiếu Nhơn
"Vi, viết vụn" mà nhớ dai - Phan Trang Hy
Chế Diễm Trâm và "nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng" - Đào Tấn Trực
Tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung: Lời hiệu triệu của một dân tộc trước đại họa - Nguyễn Anh Tuấn
Tác giả - tác phẩm: Những thăng hoa của cảm xúc - Minh Tứ
Tâm thức văn hóa việt trong một thời tôi từng có của Nguyễn Huy Hoàng - Cao Thị Hồng
Bảng Lảng cùng mây... - Nam Hưng
Đọc sách: Những suy diễn về địa danh trong tập “Trời cao đất thấp chúng ta thì…” - Phan Chính
Cùng một tác giả
Bạn cùng thời (truyện ngắn)