Chiều ba mươi Tết, Thạch đạp xe từ sở về nhà. Ở sở hôm nay có liên hoan nhẹ cuối năm và anh có uống chút bia. Nhà vắng. Khoảng sân trước trống hoang. Ngày thường ở nhà còn mấy đứa em, chúng đi đi về về, nhưng tết đứa theo chồng, đứa theo vợ, nên nhà chỉ còn mình ông già, là cha anh. Thạch về, trèo lên võng, đưa. Tiếng đám con nít lao nhao ngoài đầu hẻm. Gió luồn từ nhà trước ra nhà sau. Trên lầu, ông già ngồi một mình trước bàn cờ, một mình điều binh khiển tướng. Ông vốn con nhà lính. Có lẽ trong cuộc đời binh nghiệp của ông, ông bị bại nhiều trên trận mạc nên giờ đây muốn chiêm nghiệm lại thế cuộc.
Mọi năm Thạch đi chợ hoa vào chiều ba mươi, giờ đó hoa rẻ. Anh đạp xe đến các điểm bán hoa hẻo lánh chớ không đi chợ trung tâm. Những năm hoa ế, anh mua về nhà cả đống. Năm nay cũng vậy, nhưng vừa định dắt xe ra thì chú em Út, em ruột của Thạch về, chú về một mình, không vợ con và coi bộ hơi buồn. Chú để nguyên đồ dài, đi tới đi lui, không nói năng gì. Thạch thấy vui bởi sự có mặt bất ngờ của thằng em. Về nhà vào lúc này mà không cùng vợ con chắc chỉ có cãi lộn. Vợ chú Út đẹp, người mảnh mai, tha thướt, chỉ kẹt hơi khó tánh. Có lần giận chú Út, thím ra ngủ ngồi ngoài hành lang cả đêm. Còn chú Út, thường ngày cưng chiều vợ như cưng chiều con nít, vậy mà hôm đó tỏ ra cứng tánh; chú chui vô mùng ngủ khì, không thèm năn nỉ một lời. Thạch chứng kiến hết màn kịch, từ đó thấy phục và có cảm tình ngầm với chú em.
Anh hớn hở rủ: "Tôi với chú đi chợ tết?" Nhưng liền đó anh nghĩ :"Mình làm sao vậy cà? Tại mấy ly bia ở sở rồi. Ai lại rủ chú Út đi chợ tết". Chú em thoáng lúng túng, không dám nhìn thẳng vào anh rồi gật đầu.
Trên xe Thạch tự hỏi, từ ngày "trưởng thành" tới giờ, chú Út chưa chở anh hay có chở mà anh quên? Trước đây chú Út cũng đi xe đạp, mà xe đạp cả nhà đều có nên không ai chở ai. Lớn lên chú cưới vợ rồi sắm xe Hon da - thì tất nhiên chú chở vợ chứ chẳng lẽ chở anh? "Như vậy nó chưa chở mình chớ không phải mình quên" - Thạch khẳng định rồi nghĩ tiếp: "Bây giờ mình nên ngồi khít vô người chú hay ngồi xê xê ra? Bạn bè chở, mình muốn ngồi sao thì ngồi, còn chú Út là em ruột nên mình phải ngồi sao coi cho được". Thạch ngồi xê ra, hai tay bấu xuống yên sau giữ một cự ly cần thiết, mặc dù ngồi vậy hơi bất tiện. Do Thạch xê dịch nên xe đột ngột bị lắc. "Chắc chú Út đương khó chịu? Đúng, bởi mình là một thằng già đầu mà không nên thân". Thạch mạnh dạn ngồi sát vào, hai tay ôm hông chú em. Độ vài phút sau anh lại nghĩ, anh em ruột ai lại ôm nhau như tình nhân, làm như anh là thím Út không bằng! Thạch buông tay ra. Chú em ngồi im không tỏ thái độ gì. "Chắc mình làm chú sượng. Lẽ ra thì không nên rủ chú đi chợ tết".
Thạch nhớ cũng một dịp liên hoan anh đã uống gần hai chai bia rồi ba hoa với người ngồi cạnh, ba hoa những gì anh thiệt lòng không nhớ. Hôm sau chú Quang - chú em bạn thân cùng sở nói đó là cô Yến-tài-vụ. Thạch mắc cỡ quá. Cả tháng trời anh tránh gặp mặt cô. Nhưng cuối cùng biết tránh không được (vì cô phát lương cho mọi người) nên nhân một dịp thấy cô dắt xe ra khỏi sở muộn, Thạch quyết định phải xin lỗi: "Cô Yến hôm nay về muộn?" Anh nói. Cô gái giật mình, thét :"Ý trời! Chú làm cháu hết hồn". "Sao hôm nay cô đi một mình vậy, cô Yến?" "Dạ, thì thuở giờ cháu vẫn đi một mình". Thạch nghĩ, không khéo người đẹp tưởng anh trổ mòi tán tỉnh... nên anh định thanh minh rằng, ý anh muốn nói sao hôm nay cô không đi cùng với chị em bạn, nhưng cô Yến đã leo lên xe, phóng đi. Thạch vội phóng theo. Anh hỏi: "Nhà cô Yến ở đâu lận?" Cô nói ở quận Năm. Thạch xin phép được đưa cô một đoạn đường bởi vì "tôi có chuyện muốn nói với em". Cô Yến nói: "Dạ, không dám làm phiền. Cái đó tùy chú". Thạch linh cảm câu chuyện phát triển theo chiều hướng xấu nhưng không thể rút lui. Hai xe chạy song song mà anh không nghĩ ra câu xin lỗi. Mồ hôi nhểu ròng ròng hai bên màng tang. Lúc sắp nghẹt thở thì Trời cũng phù hộ: "Cô Yến à, ở đời có khi sống đến già cái đầu mà đôi lúc hành động như thằng con nít. Ý tôi muốn nói tôi đó, cô Yến. Nếu như tôi đã... có gì không phải với cô, mong cô bỏ qua cho". Cô Yến nói không có gì. Họ là hai chú cháu. Xe chú chú đạp, xe cháu cháu đạp, vậy thôi, không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Thạch nói vấn đề không phải nằm ở chỗ đó, vấn đề nằm ở cái chỗ mà anh nghĩ rằng anh đã ít nhiều xúc phạm đến cô. "Đó là chuyện thường. Người như chú cháu gặp hoài". Thạch nói: "Không phải vậy đâu cô Yến à. Tôi không phải..." Nhưng đến đây cô Yến đột ngột quẹo vào một con hẻm rồi nói "bái bai". Hôm lãnh lương, cô Yến nhìn Thạch cười cười. Từ đó anh thấy lương bổng thiếu hẳn ý nghĩa.
Lần này cũng tại mấy ly bia mà anh đã phạm thêm một sai lầm: rủ chú Út đi chợ Tết. Chuyện thiệt khôi hài! Rủ chú Út đi chợ Tết! Tự nhiên anh la lên: "Xe chú chạy còn ngon quá!" - là nói cho chú em đỡ sượng chứ anh biết gì về xe cộ. Chú Út vẫn ngồi im. Thạch nghĩ cần phải nói thêm câu gì nữa và anh nói rằng năm nay pháo nổ coi bộ không xôm bằng năm ngoái. Chú em lầm lì gật đầu.
Tới chợ hoa, chú Út tự chọn hai bụi hồng trắng theo ý mình. Thạch móc túi lấy tiền nhưng chú nói: "Anh để tui!". Ba tiếng gọn lỏn như ra lệnh.
Chuyến trở về Thạch có cớ ngồi sát chú Út, hai tay mạnh dạn bám sườn chú. Thạch không thấy sượng. Xe chạy nhanh, chút đã tới nhà.
Nhà đang có khách. Khách ở quê ra, khá đông. Họ lên thành phố để hôm sau ra sân bay đón người thân, một anh Việt kiều từ Hoa Kỳ (anh này vượt biên mấy năm trước, nay trở về xứ sở để đón tết cổ truyền. Anh bảo cả nhà đi đón cho vui, bù lại cái lần đi âm thầm, lén lút. Mọi phí tổn anh sẽ chịu). Chú Út chào khách xong lên phòng mình. Thạch nằm võng nhìn đám cháu gái lăng xăng qua lại, kẻ tắm rửa, người chuẩn bị cơm nước. Đám cháu gái này có đứa kêu anh bằng cậu, đứa kêu bác, đứa nào nhìn cũng ngộ... Thiệt lòng, nhóm người lớn Thạch còn nhớ mang máng vì những năm chạy loạn họ có tới lui nhà anh. Còn đám cháu gái, rủi có gặp nhau ngoài đường chắc cũng xem như người dưng nước lã.
Khuya, theo sự xếp đặt của ông già, Thạch lên ngủ với chú Út, nhường chỗ của mình cho khách. Chú Út mặc quần xì, tay cầm sách ra mở cửa. Thạch nói ba bảo anh lên ngủ với chú vì nhà đông khách quá. Chú Út nói: "Vậy thì vô đi!" Thạch lưỡng lự vì chú Út ăn mặc khá hở hang, nên nói: "Chú để cửa chút tôi lên". Rồi anh giả bộ xuống thang chứ kỳ thực thì không xuống bởi cả nhà đã tắt đèn đi ngủ. Đứng trong bóng tối chỗ đầu cầu thang Thạch nghĩ: "Chú Út mặc đồ coi sang mà cởi đồ ra xấu quá. Cặp giò như hai cọng tăm, đít teo, be sườn lòi..." Chừng năm phút sau anh khiêm tốn đẩy cửa. Chú em nằm đọc sách, mặc thêm cái quần xà lỏn xanh. Thấy Thạch vào chú xích người nhường chỗ. Thạch tự hỏi mình có nên cởi đồ dài ra hay không? Không cởi thì nực mà cởi thì bất tiện. Chú Út mặc thêm quần rõ ràng có ý muốn kín đáo. Do đó Thạch quyết định chỉ cởi áo dài thôi. Nhưng cởi rồi anh không biết móc vào đâu vì chỗ nào cũng toàn đồ lót phụ nữ, quần xì cái xanh cái đỏ, áo cọt xê cái trắng cái đen treo, giắt khắp nơi. Thạch cuộn tròn chiếc áo đặt cạnh đầu nằm, nằm xuống. Anh tự hỏi, thím Út chỉ có một mình mua chi nhiều quá làm sao dùng hết. Mà loại này cần gì đẹp, cần gì màu mè. Liền sau đó anh day qua tính toán xem nên nằm và ngủ nghê như thế nào cho hợp lẽ, bởi xem ra giường của chú em chỉ đủ rộng đối với đôi vợ chồng trẻ, còn với hai người đàn ông thì chật, với hai anh em ruột lại càng quá chật. Khi Thạch nằm xuống, chú Út có bỏ sách và nói rằng, chú không ngờ nhà có khách và thật khó hiểu bởi chú không biết chút gì về họ. Thạch nói: "Tôi biết. Hồi năm Mậu Thân họ có tới lui nhà mình vì dưới quê động. Lúc đó chú còn nhỏ xíu nên chú không nhớ". Thạch định nói thêm rằng, hồi đó, cái hồi đám người chạy lọan tá túc nhà anh, đêm nào anh cũng chở chú Út ra cầu Chữ Y bắt dế. Nếu nói về dế chắc chú còn nhớ. Nhưng thôi, anh em ruột không nên tâm sự như bạn bè. Thạch thấy việc anh không nhắc lại với chú Út về "những kỷ niệm của thời thơ ấu" là đúng.
Chú Út còn cầm sách nhưng hình như hơi mất tự nhiên. Thạch liếc trang sau đọc thầm: "... cái phàm ngã hữu hình hữu hoại không thể làm việc này mà đó là cái chân ngã thâm diệu, cái mà ta gọi là thượng đế ngự trong ta và muôn loài đã khiến con rắn bỏ đi, và... " Chú Út buông sách, tắt đèn. Thạch nằm im không dám cục cựa. Trong bóng tối, mùi đàn bà từ tấm nệm toả ra. Tuy chưa cưới vợ lần nào nhưng Thạch đã có vài dịp làm quen với mùi vị phụ nữ - cũng là những lần vụng trộm, thiếu tự nhiên, song phải nói rất hấp dẫn. Tất cả những trò khỉ này đều do chú Quang "đạo diễn". Chú này nhỏ hơn Thạch gần hai mươi tuổi, rất vui tánh. Có lần chú kể rằng, ở quê chú có ông hơn năm mươi tuổi mới cưới vợ. Sau đêm tân hôn ông khóc sưng bụp hai con mắt. Người ta hỏi tại sao, ông trả lời: "Nếu biết cưới vợ sướng vầy thì tôi cưới hồi mười hai tuổi". Chú cười khơ khớ, nói: "Tôi nghi ông nữa cũng vậy". Thạch nghĩ: "Mình đang nằm chỗ hằng đêm thím Út vẫn nằm. Thím ngủ như thế nào ta? Đẹp như thím chắc ngủ khỏa thân..." Bất ngờ chú em lăn qua ôm anh, miệng nhai nhóp nhép. Trường hợp này thì Thạch chưa nghĩ tới. Phải làm sao đây? Rồi anh quyết định nằm im vì sợ chú Út giật mình thì cả hai đều sượng, mà chắc anh là người sượng nhiều. "Phải biết vầy hồi nãy mình đến ngủ với chú Quang - Thạch ân hận - Nếu mai kia thím Út biết mình đã nằm chỗ thím từng nằm, đã nhìn thấy hết mớ quần áo lót, đã... thì chắc thím sẽ mất tự nhiên. Thím sẽ chửi chú Út, coi thường mình, tại vì mình như thằng con nít, hơn bốn mươi tuổi đầu mà không biết suy nghĩ, dám mò lên ngủ chung với chú Út - mà ngủ chung với chú Út đâu có phải là chuyện thường!"
Chú em lại giở thêm quẻ mới: Rúc đầu vào cổ Thạch, miệng thì thào những gì anh không hiểu nổi, tay quờ quạng mò tìm lung tung. "Cái này thì không được, - Thạch nói thầm - chú ấy sẽ phát hiện ra ngay". Anh mạnh dạn lăn qua một bên, giả bộ ngáy như thật.
Chú Út bật đèn. Đồng hồ chỉ đã đến giờ giao thừa. Thạch có cớ "thức dậy". Anh nói: "Tôi ngủ mê man như chết hổng biết gì". Rồi anh hối hận, lẽ ra không nên nói như vậy. "Bây giờ tôi phải xuống dưới "đón giao thừa" - Anh nói thêm rồi bước ra khỏi phòng. Khi xuống thang, Thạch thắc mắc, tại sao anh lại dễ dàng đồng ý ngủ chung với chú Út? Thiệt không tài nào hiểu nổi.
Mọi năm Thạch còn có nhiệm vụ phải đốt pháo. Nhà chỉ toàn người lớn nên không ai mê pháo, bởi vậy đã bao năm rồi anh làm nhiệm vụ này một mình: một mình đốt, một mình thưởng thức. Giờ thì không. Anh mở ti vi ngồi xem một mình. Liệu anh còn "đón giao thừa" kiểu này đến bao giờ? Thạch thở dài. Tết rồi. Anh đứng dậy bước ra sân, đưa tay rờ nhẹ mấy bông hoa...
Sau giao thừa khá lâu, Thạch trở lên phòng chú em, không phải để ngủ tiếp mà để lấy cái áo trên đầu nằm. Anh quyết định tìm chú Quang để hỏi ý kiến.
- Theo chú nghĩ, - Thạch đặt vấn đề với chú em bạn cùng sở - tôi là thằng anh thì tôi có quyền mời thằng em của tôi đi chơi hay không? Chú nên thiệt tình với anh vì đây là vấn đề rất quan trọng.
- Xét về phương diện gia đình, theo tui, anh là thằng anh thì tức nhiên anh có quyền mời thằng em ruột của mình đi chơi. Nó có đồng ý đi với anh không, đó lại là vấn đề khác. Còn anh, với cương vị thằng anh, anh nên xác định rõ chơi cái gì, ở đâu và như thế nào bởi chơi có nhiều loại chơi. Tóm lại anh phải chủ động vì anh mời người ta. Trong thời gian chơi anh nên tỏ ra vui vẻ, lịch thiệp để cho thằng em nó ngán anh. Phải không nè?
- Chú nói thiệt đó chớ?
- Tui nói thiệt.
- Ngày hôm qua tôi rủ chú Út, thằng em ruột của tôi, đi chợ tết. Vậy mà nó giận, chú biết không, nó giận tôi! Mà tôi có làm gì sai quấy? Tôi chỉ rủ nó đi chợ tết.
- Anh Út làm vậy là không đúng, bởi nói về luật thì anh có quyền rủ thằng em mình chớ. Tui không biết anh Út là loại người nào, học thức hay bình dân. Nếu loại học thức người ta sẽ từ chối khéo, còn bình dân thì huỵch tẹt: tui không đi. Vậy thôi, chớ mắc mớ gì phải giận? Cái sự giận không nói lên được gì cả, không nói lên được anh là hạng trí thức hay bình dân; cái sự giận còn nói lên rằng anh là con người không có bản ngã, mà cái bản ngã - đó mới là điều quan trọng. Anh Út khó hiểu thiệt!
- Như vậy có nghĩa là tôi trúng hay nó trúng?
- Anh trúng là cái chắc.
Thạch thấy yên tâm được một vấn đề, vì vậy anh quyết định không trình bày lại, trên xe anh đã ngồi như thế nào và nói những câu gì. Tuy vậy anh vẫn băn khoăn với những câu nói trống trơn. Xe chú chạy còn ngon quá là cái gì? Năm nay pháo nổ coi bộ không xôm bằng năm ngoái là cái gì? Nếu đem phân tích thế nào cũng có vấn đề trong đó. Thạch nói tiếp:
- Đầu hôm nhà tôi có khách. Ông già biểu tôi lên ngủ với nó. Nó bận quần xì ra mở cửa. Khi tôi trình bày vậy vậy, nó nói "Vậy thì vô đi". - Thạch cố nói bằng giọng bình thản - Chú Quang nghĩ sao về câu nói này?
- Câu nói nào? "Vậy thì vô đi" à? Chỗ này anh Út không có gì trật cả. "Vậy thì vô đi" là câu nói tán đồng, nghĩa là anh Út chấp nhận đề nghị của anh. Câu nói này không hàm chứa nội dung gì sâu xa, ý của anh Út muốn xác định thái độ của mình với đối tượng đề nghị là anh...
Thạch ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng anh quyết định không nói thêm về chuyện anh đã nằm chỗ hằng đêm thím Út vẫn nằm, đã nhìn thấy hết mớ đồ nhỏ của thím. Tệ hại hơn là thứ mùi toả ra từ tấm nệm... Anh nghi vấn đề này có liên quan đến đạo đức...
Mờ sáng, Thạch ra về. Ở nhà chỉ còn mỗi mình ông già đang ngồi trước bàn cờ tự điều binh khiển tướng. Đám khách đã ra phi trường. Chú Út đi đâu không rõ. Thạch trèo lên võng, đưa. Tiếng đám con nít lao nhao ngoài đầu hẻm. Gió Tết luồn từ nhà sau ra nhà trước.