Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.067
123.234.133
 
Mộ Nguyễn Du
Trần Công Nhung

 

 

 

  Lần đi săn ảnh ở Ghềnh Son (1), tôi được một cụ già đãi trà lúc trời còn tối mờ sương. Chén trà trong sương sớm đầy thi vị. Lúc uống trà tự nhiên tôi chợt nhớ hai câu thơ nói về trà- rượu- trăng- hoa. Hai câu hai ngả, tôi nhập lại và cho đó là thơ cụ Nguyễn Du, lại còn thắc mắc không hiểu sao cụ Tiên Điền bảo: "Khi rượu sớm khi trà trưa”. Về sau có một độc giả, anh Vĩnh Quý cho biết: “Cuốn sách của ông hay, nhưng ông phê cụ Nguyễn Du tầm bậy”. Hỏi ra, đúng là tôi tầm bậy thật. Cụ Tiên Điền không nói “rượu, trà” mà “cờ, rượu”.

                                    Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

                               Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

                                   (Kiều)

Tôi xấu hỗ và ân hận, thầm hứa sẽ đến tận mộ cụ để tạ lỗi.

Từ Cửa Lò tôi đón xe buýt về Vinh. Hôm ở Hà Nội vào,  Taxi từ  Ga Vinh đi Cửa Lò hết 80 nghìn hai người, trong khi xe buýt, một người 6 nghìn, mà thời gian cũng chỉ thế. Xe buýt thả khách tại ga Vinh, tôi tìm một taxi đi Nghi Xuân. Sách văn lớp Đệ Tứ (lớp 9) ngày trước  đều ghi rõ: “Thi Hào Nguyễn Du người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh”.

Nghi Xuân qua cầu Bến Thủy là đến, không  xa mấy. Mặc cả cho có lệ rồi lên xe. Anh tài xế có vẻ cũng văn nghệ. Xe anh hát toàn nhạc dân ca, những bài đặc sệt giọng miền Trung:

              “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh,

              nhớ dòng sông La,                       

                         nhớ biển rộng quê ta...”.

Bài ca chợt đưa tôi về trại cải tạo A30 của những năm phong trào vượt biển lên cao nhất. Hàng tuần mỗi tối thứ bảy đều có văn nghệ trại. Buổi văn nghệ nào cũng “...nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh...”, tôi như nhập tâm. Cho dù có nặng lòng ân oán vì thời cuộc, tôi thấy bài nhạc có những đoạn rất hay.

Lúc nghe anh xe giới thiệu: “Cầu qua sông Lam”, tôi nhờ anh đỗ xe để chụp cảnh sông Lam núi Hồng (sông La là một nhánh của sông Lam). Dòng sông rộng êm đềm nhưng không tấp nập thuyền bè như sông Hương. Chếch về phía Nam, núi Hồng Lĩnh hiền hòa ở đó từ bao đời nay...Quê  Hương Việt Nam là cả một màu xanh mườn mượt, biển xanh, sông xanh, đồng lúa xanh, núi đồi xanh...màu xanh nối dài thấu tình người đi xa. Thấy mà không thể không thương không nhớ. Tôi đi bộ qua chiếc cầu mới tinh và “hiện đại” như nhiều chiếc cầu của Âu Mỹ, tai nghe văng vẳng “Nhớ cánh đồng muối trắng, tình sâu mấy nghĩa nặng, biển ta lại nhớ rừng...”. Hướng Trường Sơn  cảnh đẹp gợi cảm hơn, sinh động hơn chứ không lặng lờ như cái đẹp của đồng bằng xuôi về biển cả.

Qua cầu, bác tài nhắc tôi: “Chú chụp về bên kia lấy ảnh trụ ống khói, đó là dấu tích duy nhất còn lại trong “thời kỳ chống Mỹ”. Lúc nãy anh cũng nhắc tôi đi chụp “tượng đài”, tôi ậm ự  “tượng đài tôi chụp nhiều lắm rồi, anh biết chỗ nào hay, lạ, chỉ dùm”. Tôi đứng lặng, nhìn sông nhìn núi rồi bất giác nhìn về cả chuỗi ngày đã qua, bao nhiêu kỷ niệm của ấu thời  gắn bó với đồng ruộng nương khoai. “Quả đầu mùa hạt sương mai lung linh nỗi nhớ – Trâu ơi ta về đồng cỏ mênh mông”.  “Người bạn nhỏ” đến nhắc thầm “ Xong chưa, đi”.

Xe rời quốc lộ 1 ở ngã ba Gia Lách, chạy men theo hữu ngạn sông Lam. Nhìn  bảng hiệu hàng quán hai bên  thấy tên đường đề Nghi Xuân. Chạy chừng mươi phút, xe rẽ vào con lộ nhỏ, ngang qua một khu nhà hình chữ U mái ngói còn tươi, dãy nhà ngang ở giữa đâm mái lên 1 tầng phụ, theo lối  thường thấy ở các tự viện. Trước sân,  có bức tượng đen cao lớn. Anh xe bảo “Khu Lưu Niệm Nguyễn Du”. Tôi nói với bác tài: “Mình chạy một vòng rồi trở lại”.

   Chu vi khu lưu niệm khá rộng. Tôi nghĩ bụng: “thế mới xứng với một Thi Hào”. Quành ra phía sau, thấy có cổng gỗ đã hỏng, tôi hỏi anh xe:

  -    Mình vào đây được không?

-           Dạ được, để em đưa xe ra đậu phía trước.

-           Vâng, rồi tôi đi dần ra.

Nhiều cây cao bóng rợp, cảnh thanh vắng, lối đi lát gạch, trang nghiêm sạch sẽ. Ba ngôi nhà cổ, hai ngôi vừa, một ngôi khá lớn, nằm song song cách  nhau một khoảng sân. Nhác thấy có mấy người đang đi về phía một ngôi “miếu” bên trái, tôi vội qua nhập bọn. Nhóm du khách vào thắp hương trong nhà thờ cụ Nguyễn Du. Tôi bước vào đứng trước bàn thờ với mọi người, trong lúc họ lay hoay đốt nhang khấn vái, tôi yên lặng cúi đầu thầm niệm: “Kính bạch Hương Linh cụ Nguyễn Du, tôi là hàng chiu chít, đã có lần vì ngu dốt nghĩ nhầm về Cụ, nay tôi đến xin tạ lỗi với Cụ. Kính mong Cụ rộng lòng tha thứ  cho”. Trước khi lui ra tôi đọc mấy dòng khắc trên bảng đá: “Nhà thờ Nguyễn Du do Tiến Sĩ Nguyễn Mai và Hội Khai Trí Tiến Đức xây dựng lại năm 1940”.

Tôi đi dần về phía khu nhà lưu niệm, lòng thảnh thơi. Tôi ngắm pho tượng to hơn người thật, một văn nhân thời xưa, khăn đống áo dài, tay cầm bút lông, dưới có ghi:  “Đại Thi Hào Nguyễn Du 1765 –1820”.

Tự nhiên nghe tiếng chào của một thiếu nữ:

-           Dạ, chú mới vào từ cửa sau?

-           Sao cháu biết? Mà cháu là...

-           Dạ, cháu là hướng dẫn viên, thấy chú chưa mua vé ...

-           Thế à, chú xin lỗi, vậy để chú đi mua vé. Vé bán ở đâu và bao nhiêu một vé?

Người con gái chỉ cho tôi  ngôi "nhà bảo vệ" phía trái cổng vào và vui vẻ nói:

-           Không sao chú, mời chú tiếp tục xem rồi lát mua vé cũng được.

  -   Cảm ơn cháu. Lúc vào cổng sau, chú thấy 3 ngôi nhà cổ, đấy là nhà gì hả cháu:

-           Dạ, hai nhà Tư Văn để bình Thơ Văn,  nhà Bảo Tàng, kia là nhà thờ.

-           Có người bảo nhà bảo tàng nguyên là một  đình làng?

  -   Dạ đúng thế, đó là đình  chợ Trỗ trên Đức Thọ đưa về năm 1963, đình làm bằng gỗ mít trên 200 năm. Tức cùng thời với Nguyễn Du.

Cô gái đưa tôi đi một vòng, vừa giải thích những điều tôi thắc mắc.. Nhà Bảo Tàng, nơi trưng bày nhiều tài liệu tranh ảnh minh họa một số tác phẩm của Nguyễn Du, những kỷ vật của Thi Hào như : Nghiên mực, đĩa mai hạc Nguyễn Du được tặng trong thời gian đi sứ, nậm và chén uống rượu, gạc nai treo áo, địa bàn đi săn.

Vốn dĩ trong người mang sẵn di tố  tài hoa, phóng khoáng, uyên bác của cha (Nguyễn Nghiễm) và mẹ (Trần thị Tần) gốc người Bắc Ninh, duyên dáng, giàu lòng nhân ái, say mê văn nghệ dân gian, cụ Tiên Điền rõ ràng đã thừa hưởng nguồn mạch của 3 dòng văn hóa: Hà Tĩnh, Thăng Long và Kinh Bắc. Gặp lúc thời cuộc đổi thay (Lê, Nguyễn), gia thế suy sụp, người hay đau ốm, Nguyễn Du thường theo phường săn, lên núi Hồng Lĩnh, và theo dân chài ra khơi đánh cá. Cụ cũng tham dự những buổi hát ví hát dặm của trai gái trong vùng, đi vãn cảnh nhiều nơi... Có lẽ đây là thời kỳ cụ Nguyễn Du có cuộc sống phong phú nhất, chuẩn bị cho kiệt tác Kiều ra đời sau này.

Trong nhà chính của khu lưu niệm, thấy chưa trưng bày gì nhiều. Đáng chú ý là tập Kiều gồm 3250 câu viết trên giấy khổ lớn (1m2x1m6) theo lối thư pháp, nặng 75kg. Công trình do Nguyệt Đình và 6 họa sĩ thực hiện tại Huế năm 2002 trong 6 tháng. Bên cạnh có vài tượng của Thi Hào bằng thạch cao. Các tượng lớn nhỏ đều cùng một nét tạc, nhẹ nhàng thanh thoát, khẳng khái mà hiền hòa. Cô hướng dẫn cho biết, Nguyễn Du không có hình ảnh  để lại, chính quyền tỉnh Nghệ An đã mở một cuộc thi tạc tượng, dựa theo ý  của hai tập thơ: Thác Lời Trai Phường Nón và Sinh tế  Trường Lưu Nhị Nữ Văn. Toàn quốc có 16 điêu khắc gia tham dự. Kết quả, tác phẩm của Lê Đình Bảo được chọn.

Mùa này miền Bắc nóng nổi tiếng, nhưng ở đây, sáng nay  trời như có gió hiu hiu, thong thả dạo quanh khu lưu niệm, dưới bóng cây...tôi không thấy mình bị thúc hối bất cứ thứ gì. Cô gái có giọng nói nhẹ thật nhẹ. Ai bảo giọng Nghệ An Hà Tĩnh khó nghe? Tôi cứ tưởng như  tiếng chim hót. Tôi ngõ ý xin chụp một vài ảnh về mái tóc, cô gái vui vẻ và còn tỏ ra rất quen thuộc trong “dáng thế”. Điều này chứng tỏ  đã có nhiều ống kính ngắm nhìn mái tóc dài óng ả của cô. Trong khi chụp ảnh tôi hỏi:

-           Cháu làm đây đã lâu chưa?

-           Dạ đã mấy năm, cháu là hậu duệ đời thứ tám của Nguyễn Du.

Tôi ngạc nhiên nhìn lại cô Hướng Dẫn, ngay từ đầu tôi đã ngờ ngợ, cô gái có vẻ đẹp sáng hơn bình thường, ánh mắt và nụ cười như ẩn những nét tinh anh. Ngay cái tên Vân Huyền cũng rất hợp với mái tóc. Tôi sực nhớ :

-           À còn mộ cụ Tố  Như ở đâu cháu?

-           Dạ trong đây chừng cây số, cháu đưa chú đi.

Dọc đường, Vân Huyền cho biết nhiều chi tiết rất lạ về  Nguyễn Du:

Mất năm 1820, năm 1824 con trai Nguyễn Ngũ cải táng mộ cha về xứ Đồng Mát, sau dời về xứ Đồng Thánh, đặt trong vườn nhà Nguyễn Du ở Tiên Điền. Nơi đây mỗi năm nước lụt ngập mộ nên mộ lại dời một lần nữa. Hồi đó khoa phong thủy còn hiếm, thầy địa lý không có, hai người cháu trong giòng họ Nguyễn đi tìm huyệt mộ bằng cách bưng một hương án, trên có nhang đèn và một con cò bằng gỗ. Hai người cứ đi, nơi nào con cò rơi xuống thì đó là nơi đặt mộ Nguyễn Du.

Cụ Tiên Điền qua đời lúc mới 65, có 18 người con với 3 bà vợ. Bà cả một con, bà hai một con, bà ba (thiếp) 16 con.

Khu mộ phần không rộng lắm, kiến trúc theo lối hoa viên bỏ ngõ. Rào tường thấp chung quanh. Vân Huyền nói:

  -   Đây là mộ Nguyễn Du. Ngôi mộ được sửa sang lại  sau ngày có bài thơ vủa Vương Trọng.

-   Sao lại có chuyện liên quan đến một bài thơ?

  -  Dạ, nhà thơ Vương Trọng một hôm về thăm mộ Nguyễn Du, ông thấy ngôi mộ của một đại thi hào sao quá thảm, nên đã làm một bài thơ đăng báo. Bài thơ đã đánh động dư luận các giới, từ văn học đến chính quyền và lan ra  quần chúng. Các giới rất đỗi xôn xao...

Chúng tôi đã vào đến nhà bia, ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, bốn cột to chắc, bia bằng đá xanh, cỡ 1m x 2m, có dòng chữ  “Danh nhân văn hóa thế giới- Đại thi hào Nguyễn Du”. Phía sau là phần mộ, được làm bằng đá mài đen đơn giản, nóc bằng, có chừa rảnh đất trống. Tôi thấy ngôi mộ rất vững mạnh nhưng thô, đường nét tương phản với chiếc lư nhang cũng bằng đá chạm trổ tinh vi, mang sắc thái văn hóa cổ. Trang trí quanh khu mộ phần, chỉ vỏn vẹn hai cây thiên tuế trước nhà bia, hai cây tùng sau lưng mộ, dọc theo rào tường, nhiều lỗ trồng cây còn bỏ trống.

Tôi vẫn bị chuyện bài thơ ám ảnh nên quay lại hỏi cô gái:

  -   Lúc nãy cháu có nhắc bài thơ đã làm xôn xao dư luận, cháu đọc cho chú bài thơ được không?

-    Dạ, bài thơ khá dài.

Người con gái trầm ngâm nhìn ra xa và bắt đầu:

                                   Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên,

                                Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây.

                                Ngẩng trời cao cúi đất dày.

                                Cắn môi tay nắm bàn tay của mình.

Cô gái ngưng đọc và lẩm nhẩm mấy giây, (có lẽ xúc động nên trí nhớ bị đứt đoạn) rồi à một tiếng, cô đọc tiếp:

                                Một vùng cồn bãi trống trênh.

                                Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề.

                                Ngút tầm chẳng cánh hoa lê.

                                Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non,

                                Xạc xào lá cỏ héo hon.

                                Bàn chân cát bụi lối mòn nhỏ nhoi.

                                Lặng yên bên nấm mộ rồi,

                                Chưa tin mình đã đến bên mình tìm.

                                Không cành để gọi tiếng chim,

                      Không hoa cho bướm mang theo nắng trời.

                                Không vầng cỏ ấm tay người,

                               Nắm hương tảo mộ thắp rồi lại xiêu.

                               Thanh minh trong những câu Kiều,

                               Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân.

                               Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân,

                               Bắt phong trần để phong trần riêng ai.

                               Bao giờ cây súng rời vai,

                               Nung vôi chở đá tượng đài xây lên.

                               Trái tim lớn giữa thiên nhiên,

                                   Tình yêu nối nhịp suốt nghìn năm xa

                               (Vương Trọng)

Tôi cúi đầu lắng nghe, không ngờ bài thơ làm cho tôi cảm động không cầm được nước mắt. Tôi nghe: “Dạ hết”. Tôi biết  bài thơ đã hết mà sao âm vang vẫn còn. “Ngẩng trời cao cúi đất dày”. Có những lúc không biết kêu ai. Đúng thế.

-           Bài thơ đăng báo vào năm nào cháu?

  -   Dạ năm 1982 trên báo quân đội, sau đó có nhiều cuộc hội thảo về mộ Nguyễn Du, và mãi đến năm 89, công trình  xây dựng mới bắt đầu, kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

Nắng đã lên cao, trời này ở Hà Nội nóng phải biết, thế mà nơi đây cảnh đẹp và ấm lạ lùng. Chúng tôi trở lại khu lưu niệm để làm “nghĩa vụ”. Tôi cũng không quên tán tụng mái tóc đẹp của cô hướng dẫn và cảm ơn cô thật nhiều. Lúc giã từ, tôi hát nho nhỏ “ Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh...”. Nhưng làm nghệ thuật, chúng ta thường quên những thực tế cần thiết cho đời sống. Vào Nha Trang, tôi mới chợt nhớ điều đó và đã vội gởi qua đường bưu điện món quà nho nhỏ về cho cô gái của  núi Hồng sông Lam.

 

                                                                        

_______________

(1) Ghềnh Son trang 117 QHQOK tập 1 

Caption:  h1: Tượng Nguyễn Du, h2: Hậu duệ của Thi Hào Nguyễn Du

Trần Công Nhung
Số lần đọc: 1701
Ngày đăng: 28.05.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai đã bênh vực cho ông giám đốc Sở Văn Hóa dốt nát nói liều? - Nguyễn Anh Tuấn
Siêu hình hiện sinh và trừu tượng hiện hữu - Võ Công Liêm
Tuyên ngôn bất hủ và lời hứa thiêng liêng bị đe dọa - Nguyễn Anh Tuấn
“Việt Phương, chất nồng say trầm tích” - Nhã Thuyên
Nhận biết ý nghĩa của nghệ thuật - Võ Công Liêm
Nhà thơ Thành Tôn và những hình ảnh tận tụy với văn học - Trần Văn Nam
Những Dời Đổi Địa Hình và Mối Hoài Cảm Thi Ca - Trần Văn Nam
Nhờ có sai lầm mà Yến Lan được nhắc tới - Lâm Bích Thủy
Vài ý nghĩ vụn về chuyện làm văn - Võ Công Liêm
"Bàn tay nhỏ dưới mưa" tiểu thuyết của Trương Văn Dân - Hoài Huyền Thanh
Cùng một tác giả
Mộ Nguyễn Du (tiểu luận)