Từ lâu, hắn thôi uống cà phê vĩa hè. Lần nầy, nhảy đâu ra thằng chận đường. Tiếng la lớn chưa rõ đứa nào, là ai? “Ê…vô cà phê chút đi. Haiz, quá lâu không gặp mặt”.
Sơn, thằng chận đường hiện ra với bộ mặt chờ thời, mừng rỡ. Hắn ngang nhiên đoạt chìa khóa xe, nói bằng được “cà phê - chỉ treo đầu heo thôi - đây nhậu bình dân là chính”. Hết thoát. Thằng nầy có thân nhân nước ngoài không phải lo “quản cuộc áo cơm” - quá rảnh rỗi - hắn dư thừa thiên khiếu: chuyên “hốt chuyện” chỗ nầy đem “làm quà” chỗ khác. Bản chất vô hại, hắn chỉ là thằng ưa “viễn du trên cạn”.
“Chào buổi sáng”: hai thằng làm ngay một số chai, dĩa hến xào, bánh tráng. Tất nhiên, cuộc chuyện kiểu “chỉ nói mày nghe thôi” càng lúc càng tràn trề hào khí. Loại “hào khí sủi bọt” khiến mặt bàn hắn ngồi không mấy khi khô ráo.
Bị thằng chận đường “dẫn độ” vào vĩa hè tới giờ, hắn chỉ có gật gù nghe “mệt nghỉ”. Mãi cho đến khi thấy cần thiết, mới nhỏ giọng thăm dò “nặng bụng, đái đâu mày?”. Thằng chận đường khoát tay, oang oang không vấn đề “Băng qua bên kia đường. Chỗ bụi cây có bình phong chữ đỏ…đó đó”. Hắn chỉ rẻo đất nhỏ bên kia đường có vẻ um tùm đầy hoang phế. “Có…sao không?” “Xùy, không hậu quả nghiêm trọng. Đái đi, thoải mái”.
Xả xong “bầu tâm sự” hắn nhìn quanh mới biết đây vốn mặt tiền một miếu am gì đó. Nay chỉ còn cái bình phong. Nó được tận dụng để kẽ các câu chữ bằng chất sơn loại tốt. “À ra thế, khẩu hiệu”. Những câu chữ cũ rích, loại “hết đát” ba, bốn mươi năm có lẻ. Chữ cũng đã nhiều tróc lở, tù mù mặc rêu bám cỏ leo… Thì ra, chữ cũng phải “tự diễn biến” luân hồi.
Vạch đám cỏ hoang cao tới vai, hắn chỉ mới nhìn qua không đọc kỹ cũng đã quá biết câu gì… Nhòe gì thì nhòe, những cái chữ như “ưu việt”, “lương tâm nhân loại” vẫn rành rành ra đó. Lạ thật? đã một thời treo hoài trên cửa miệng chúng sanh. Nhưng giờ thì đã quá ít - cực kỳ ít, đúng hơn là không - đâu còn ai nhắc đến chúng?
Lão chủ quán đợi khách về chỗ ngồi rồi mới nói. Ông ta cho là “chú thích cần thiết” khi chỉ xuống đế giầy của hắn:
-Đen đen không phải cức đái gì đâu. Là toàn xác cà phê ra cả. Chỗ đó tốt um lên, nhờ vậy kín kín cho quý khách tiện thể…
Chủ quán đắc ý về “hanh vận” đời mình:
-Coi coi…trước đây vĩa hè dài đâu chưa trăm mét, mọc cả đống quán ra chụp giựt. Mất khách dần, đói “ngáo mép” với nhau. Cuối cùng, chỉ lão già nầy “trụ được”. Ha ha…tài giỏi bí quyết ma gì, hả? Nếu không có bình phong kia giải quyết “vụ việc”… Gần tôi nhất chớ sao nữa. Nhờ nó mà “độc bá quần hào” không đứa chó nào sánh được. Coi như “phép lợi thế” đời tôi.
Ai nấy bật cười, cùng đưa mắt ngó qua “bình phong nghĩ không ra”. Mặc dầu, đã đành thành phế liệu nhưng mẹ tổ ai dám động vào đây chi? Cho nên sự “sống mãi” của loại nầy cho tới “phút bù giờ” vẫn “tất yếu khoa học”. Một vị đại triết gia từng có ý “tôi tư tưởng tức là tôi tồn tại”. Hắn không khỏi ưa nổi lên tràng cười rộ khi muốn ngài triết gia kia tái sinh để được hỏi thêm chút ít “có phải tồn tại nào cũng y như kiểu tồn tại tư tưởng trước mặt tôi?”.
Lão chủ quán tiết lộ thêm “thiên cơ” về tài năng sắp đặt:
-Quan trọng nhứt, phải có cái bụi cây che chắn. Ra đứng tồng ngồng coi sao được, hả? Bứng cây đem trồng à? Chỉ tổ cái cớ cho chúng sanh đâm thọc. Tốt, đổ bã cà phê hằng ngày đi…Cứ thế, thêm cọng rau, nước vệ sinh chén bát liên tù tì. Chẳng mấy lúc cỏ mọc cao xanh tốt. Đấy, xin quý khách… Tự nhiên.
Lão “tự sướng” còn cho phép thêm câu “thiền học lóm”:
-Cái đó gọi “chim bay giữa hư không, chẳng hề lưu dấu tích”.
Hắn liền bái phục sáng tạo của lão quán cóc một câu:
-Nghệ sĩ quán cóc. Tôi ca ngợi loại tác phẩm sắp đặt của ông là đích thực. Nó không phải chỉ đơn giản để làm trò và giải trí.
-Nói thật. Mấy chú không đến đái, sao tôi còn có chén cơm ăn?
(vườn tượng – 24/4/2017)