Về địa lý thì Sài Gòn là thành phố HCM.
Nhưng thực ra, nói đến TP HCM là nghĩ đến sự quản lí hành chính, sự xô bồ của cuộc sống, sự kẹt xe, sự ngập nước, sự nóng bỏng của thị trường nhà đất, thị trường chứng khoán…
Nói đến Sài Gòn thì khác. Nó là quá khứ của hiện tại và hiện tại của quá khứ đan xen nhau, là nếp nghĩ, nếp sống, là kỷ niệm… Nó là văn hóa, là tinh túy của lịch sử. Là 300 năm chắt lọc của thời người mang gươm đi giữ nước đến ngày nay…
Như là tên Tèo, tên Tý thuở ấu thơ ta thường gọi nhau khi trở về quê hương dù mái đầu đã bạc.
Tôi thích Thương Quá Sài Gòn của Nguyễn Minh Nữu là vậy.
Sài Gòn của anh là nét xưa, phố vắng trên con đường mưu sinh. Sài Gòn với ô Bàn Cờ, thương xá Tax, Kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ…Sài Gòn nhắc về dấu chân vào Khai Trí, Xuân Thu,Vĩnh Bảo, Tự Lực…những nhà sách nỗi tiếng một thời.
Sài Gòn của Hoài niệm.
Nhưng dậm nét nhất trong bức họa là Sài Gòn của tình bạn. Sự đan nối giữa quá khứ và hiện tại với bạn bè trong anh một Sài Gòn ấm áp tình người. Một bạn văn, một nét vẽ. Có khi thoáng qua trong trí nhớ. Có khi mô tả chi tiết ánh mắt, nét cười. Có khi không đối mặt mà anh đến với bạn bằng một vòng ôm ấp áp từ phía sau lưng.
Những bạn đời, bạn văn anh đã quen và tôi cùng từng biết, từng quen, từng đọc nhau khi Sài Gòn xa nhớ, khi Sài Gòn thổn thức, và khi Sài Gòn cô đơn… trong nỗi buồn nhân thế.
Là Nguyên Minh, Đoàn Văn Khánh, Trương Văn Dân – Elena, Hiếu Tân, Hoàng Kim Oanh, Ngô Thị Mỹ Lệ, Đặng Châu Long, Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Đỗ Hông Ngọc, Thân Trọng Minh, Đoàn Đình Thạch, Quách Mạnh Kha, Miên Đức Thắng, Nguyễn Phú Yên, Lê Ký Thương, Trần Hữu Dũng, Đoàn Thị Phú Yên, Vũ Trọng Quang, Nguyên Tâm, Trần Hữu Hội, Trần Võ Thành Văn, Lại Quang Nam, Phạm Thành Châu, Hoang Hưng, Trần Hoài Anh, Kiều Huệ,Trần Hương Giang, Nhật Chiêu…và rất nhiều, rất nhiều nữa…
Mấy chục năm xa xứ. Nguyễn Minh Nữu trở về Sài Gòn như ta về quê trèo lên cây ổi trước hiên nhà, ra sau vườn tìm lại ánh mắt bạn gái đánh rơi thuở nào. Và lắng nghe tiêng ru của mẹ còn văng vẳng...
Cách đây 6 năm, tôi gặp anh trong buổi ra mắt Quán Văn số đầu tiên. Phải đến số 40 tôi mới gặp lại anh. Gần đây nhất, tôi và dịch giả Hiếu Tân được cùng anh và Ngô Thị Mỹ Lệ, Đặng Châu Long, Đoàn Văn Khánh trên gác xép “chuồng cu” của nhà văn Nguyên Minh khi Thương Quá Sài Gòn lên khuôn.
Giáp cửa sổ “chuông cu” là sân bay Tân Sơn Nhất, vài phút con chim sắt lại đậu về hay cất cánh bay lên.
Giữa ánh trời chói chang, tôi thấy Sài Gòn dịu lại, như có một cơn mưa bóng mây, một cơn nồm về từ phía biển, khi thấy người ra đi ngoái lại vì …Thương Quá Sài Gòn.