Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.208.701
 
Tình yêu nhiệm màu
Mã Lam

 

 

I.

Quê hương La cách thành phố Sài Gòn vài trăm cây số, chiều nay ở đó ba của anh đang làm gì? Em gái anh đang làm gì? Một làng quê thanh bình yêu thương của anh, cây lá tốt tươi, dòng sông uốn lượn, nước trong soi gương. Giờ này bến sông đang ồn ào kẻ tắm người giặt rũ, tiếng reo hò bơi lội đuổi bắt của đám choai làng vang dội khúc sông chiều. Mấy tháng trước anh còn trong số choai choai đó, cũng nghịch ngợm hò la không kém đứa trai nào trên bến sông này. Trong làng chỗ nào anh cũng thấy đầy ắp kỷ niệm, gốc cây nào cũng biết tên, ngõ ngách nào cũng thân quen với anh. Nếu có trò chơi bịt mắt đi mộng du khắp làng gọi đúng tên từng ngõ, anh cũng xung phong tham dự vì tự tin mình sẽ giật giải cao. Làng quê thân thương là máu thịt của anh, đã in sâu trí nhớ anh. Mùi rơm rạ là mùi hơi thở của quê hương, nó đã nuôi anh lớn lên thành người hôm nay. Giờ đây bản thân anh đã đổi thay rồi, anh trở thành sinh viên một trường đại học có danh tiếng cả nước. Nhưng anh chưa quen cuộc sống mới nơi phố phường đô thị. Đi trên phố anh đâu nhìn ngang sang hai bên đường như đi trong làng mà cứ cắm đầu bước, thậm chí có tiếng gọi tên mình anh cũng không ngoái đầu lại; tất cả đều xa lạ với anh vì anh là thành viên mới của thành phố.

Chiều tan tầm đường phố người xe đông kịt, mặt đường giăng giăng kín mít xe hơi xe hai bánh, vỉa hè không còn lối cho người đi bộ chen chân. La đứng đợi xe buýt.Tuyến đường anh đi, trên xe hành khách đã quá đông nên không vào trạm rước khách mấy chuyến rồi. Chân anh đã quá nhức mỏi, từ trong trường ra trạm anh đi cũng khoảng hai cây số, đứng đợi xe mấy chục phút rồi, bụng lại đói meo sôi lên ùng ục. Tình trạng này anh đã quen, chỉ thương má chờ đợi nóng lòng đến mức độ nào. Gia đình có bốn người, ba, má, anh và cô em gái. Ba má tuổi trẻ đã qua nhưng tuổi già chưa tới, mà hai người đau ốm luôn. Ba thương binh hai trên bốn, hiện trong người mảnh đạn nguy hiểm chưa lấy được ra. Ba giảm khả năng lao động, tính tình thất thường, lúc vui lúc buồn, luôn hoang tưởng chiến tranh nên làm kinh tế dở không ai bằng.Vì thế trụ cột gia đình chuyển một tay má. Má tàn héo như bó rau cuối buổi chợ, gánh nặng cuộc đời trút lên đôi vai bé nhỏ này. Anh biết má gồng mình vì chồng vì con nụ cười héo hắt treo mãi trên môi. Kinh tế nhà anh trông chờ tiền trợ cấp thương tật của ba và mấy sào đất. Má vừa làm ruộng vừa buôn gánh bán bưng quanh quẩn chợ làng, đắp đổi qua ngày. Anh thương ba má nhưng không biết làm thế nào cho đúng. Một hôm nhân ba tươi tỉnh anh rụt rè thưa:

-Con xin ba má cho con... nghỉ học phụ má nuôi em ăn học. Ba lặng đi một lúc rồi trừng mắt:

-Má thằng La nghe con nói chưa? Mình nghĩ thế nào?

Má phe phẩy mo cau nhìn La trìu mến:

-Con nó nghĩ thế là phải...

Ba đặt chén nước xuống mặt bàn  nghe cái “cạch”:

-Đúng rồi, cha con tôi ở không đã quá lâu rồi chứ gì?

-Mình để em nói đã, con nghỉ thế em mừng lắm, mừng chỗ con đã biết suy nghĩ xót cha thương mẹ so với tuổi ham ăn ham chơi của các bạn đồng lứa...

-Ờ... Cha thở phào. Mình nói tiếp đi...

-Nhưng con biết trước mắt chưa nghĩ lâu dài. Ba má còn ráng được, con cứ lo học hành cho tốt, bằng với người ta ba má mừng rồi. Má lấy khăn chấm nước mắt, làm anh xúc động không nói được điều gì.

Má lý luận:

-Của để dành bằng tài sản con cái sinh làm biếng; bằng tiền vào túi con sinh tệ nạn; bỏ dạ dày con sinh bệnh tật;  bỏ đầu con sinh trí thức văn minh…

Kể từ đó anh chỉ biết ngày học một buổi một buổi giúp ba má. Học ở trường, thầy cô giảng đến đâu anh ráng tiếp thu thuộc bài đến đó, chỗ nào không hiểu anh hỏi kỳ hiểu mới thôi. Về nhà học bài anh chia ba phần: học ôn bài mới thầy cô vừa giảng; học ôn bài cũ; đọc bài mới ngày mai, đánh dấu những đoạn chưa hiểu mai trình bày với thầy. Cách học đó giúp anh mấy năm cuối cấp, kể cả thời gian ôn thi đại học không phải học thêm.

Trong lòng anh xốn xang khi nghĩ về ngày trúng tuyển đại học. Những năm cuối phổ thông là quãng thời gian áp lực nhất đối với anh, ba má chăm ẵm, dòng họ động viên, thầy cô khuyến khích... nếu lỡ không thi đỗ anh ăn nói sao. Mọi người hy vọng mình, mình trả lại thất vọng, mình là kẻ vô ơn. Sống trên đời ai cũng muốn giỏi giang không thua bạn kém em, nhưng nếu không may xui xẻo ai hiểu cho mình, ai thông cảm chia sẻ với mình? Như bạn anh không chịu đựng được sức ép, khi biết tin không trúng tuyển đã bỏ nhà đi luôn, rước đau khổ cho người thân lặn lội kiếm tìm. Trong tâm can anh cũng có lúc tưởng rằng mình gục ngã trước số phận, mặc đời cuốn trôi như bọt bèo trên sông nước. Hình ảnh ba đau đớn vì vết thương mỗi ngày, hình ảnh má sống lam lũ khô héo hiện lên là động lực mạnh nhất để anh đứng thẳng đón nhận thử thách cuộc đời. May mắn cho anh giấy trúng tuyển trong tay về khoe ba má, má ôm anh cười ngất. Ngược với má, ba bưng mặt khóc tu tu như đứa trẻ:

-Mi không đậu... mi chết với tau... chừ mi đậu... tau lại chết với mi...

 

II.

La ngồi trên xe buýt nhìn ra cửa, nhà phố hai bên loang loáng vút qua nhanh. Trong xe ngột ngạt, người đứng người ngồi kín mít. Một bác bằng tuổi ba dọ dẫm bước lên xe, anh lễ phép đứng lên nhường chỗ. Xe buýt là phương tiện công cộng hữu ích giúp việc đi lại của người dân trong thành phố, nhưng hoạt động loại phương tiện này chưa được người dân tham gia bền vững. Văn hoá xe hai bánh vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong thành phố đông dân nhất nước này, nó mang nhiều lợi ích cho người dân cũng gây không ít hệ luỵ tồi tệ khác cho phát triển đô thị. Xe buýt hiện tại chỉ phục vụ tầng lớp dân nghèo như học sinh, sinh viên, bà con nội trợ, người già, người tàn tật... Trong số hành khách tham gia nhiệt tình nhất với xe buýt là má và anh. Má luôn là người sáng suốt bình tĩnh nhất trong nhà. Gặp khó khăn ba chỉ biết khóc còn má lẳng lặng suy tính trước sau đón nhận thách thức như cây tre, gió đến rạp mình chống đỡ, gió đi hiên ngang vút cao. Má mềm dẻo mà vững vàng. Hôm đó má vỗ về ba, đợi ba đã nín lặng má ôn tồn:

-Mình đừng lo, em tính hết cả rồi. Con gái cũng đã tuổi mười lăm có thể vừa học vừa chăm sóc cho mình. Em và thằng La đi thành phố, con nó học em đi ở đợ hoặc buôn bán lằng nhằng nuôi con, may ra có tiền gửi thêm về cho mình nữa...

-Mình nói như đùa, ruộng đồng mình bắt tôi thay trâu cày à? Ba  trợn mắt cướp lời của má.

-Còn ruộng đồng... Má vén lại mái tóc thưa thớt bị gió buông rơi. Quê mình quanh năm cấy lúa mà không ra tiền; thu hoạch xong bán lúa trả tiền nước, tiền giống, tiền phân, tiền thuốc sâu và trăm thứ tiền nữa... là tay trắng, mất mùa khốn nạn nữa. Mình trả đất cho chính quyền, hoặc để hoang cũng được. Thời buổi này làm nông nghiệp ai đã sống bằng nghề nông? Nhà này nếu không nghề phụ thì chết hết lâu rồi.

-Tôi chỉ lo... mình đi không về. Ba anh bùi ngùi.

-Ơ hay, mình nghĩ xấu về em rồi. Mặt má đỏ lựng.

-Vợ thằng Ba xóm trên đó. Ba nổi cạu ngồi xoay lưng lại má.

-Chèn đéc ơi, mình giở trò ghen tuông tùm lum, không thấy quê với các con à trời?

Anh nhìn điện thoại em giờ, xe buýt chạy chậm làm anh trễ giờ dạy ghi ta rồi. Anh xuống xe, vội lấy xe đạp trong nhà gửi cấp tốc đạp tới khu biệt thự cao cấp dạy liền. Giờ này má về chưa? Má thật tội nghiệp, anh vào trường tập trung học má cũng kiếm việc làm ngay. Hai má con thuê căn gác rẻ tiền. Ban ngày anh đi học, tối về dạy kèm văn hóa hoặc dạy đàn. Má đi bán vé số, nhìn bề ngoài cứ tưởng ngon lành nhàn hạ, sáng lấy vé đi bán, chiều biết ngay lãi lời. Nhưng chân má rạc rời, đầu đội nắng dầm mưa, đi bộ hết phố này sang hẻm khác hàng chục cây số mỗi ngày. Má có một chuyện không biết thở than cùng ai, thành phố đông người, người tốt cũng nhiều kẻ cà trớn không ít; vé số chưa thấy đâu mấy chả đã nắm tay sờ... nón của má. Má nhục nhã muốn chết, có người còn theo má về tận nhà, may hàng xóm không ai biết; nếu người ta biết họ sẽ nghĩ gì về má? Sau một thời gian má dành dụm được lưng vốn, má chuyển nghề sang mua bán ve chai, lượm lặt đồ phế thải khắp hang cùng ngõ tận đắp đổi qua ngày. Má con sáng mờ mắt đã dậy, anh ngồi ôn bài, má cơm nước để chuẩn bị hai má con mang theo. Anh đi học, má mua bán. Đến khuya anh đi dạy về đã thấy má có nhà từ hồi nào, đã chuẩn bị cơm nước sẵn sàng. Má con ăn xong vừa khuya lắc khuya lơ.

Chiều nay anh đến dạy đàn bé Bi nhà quận trung tâm. Khu nhà Bi ở là khu VIP toàn loại biệt thự xây mới kiến trúc kiểu gothic pha phong cách Việt. Ba má Bi thuộc tầng lớp trung lưu trí thức, tác phong đài các, sang trọng khó gần, họ xét nét anh luôn. Anh dạy Bi đánh đàn tại phòng đọc trên lầu. Bi rất thông minh nên tiếp thu nhanh, tiếng đàn có hồn mượt mà ấn tượng. Chị Bi là sinh viên khoa quản trị kinh doanh, trường đại học RMIT Chi nhánh Châu Á. Cô khá tự tin và xinh đẹp, những ngày không có ông bà chủ ở nhà cô thường sang nghe anh đàn. Cô hay đề nghị anh độc tấu những bài cô thích. Anh cũng đệm đàn yêu cầu cô hát, cô hát rất hay, truyền cảm vì cô có học thanh nhạc lúc nhỏ tuổi. Cô và anh có lúc nói chuyện riêng tư không muốn cho em bé hiểu họ đối thoại bằng tiếng Anh, giọng cô thật chuẩn và êm ái. Những lúc như thế anh cảm tưởng đang sống trong bầu không khí thanh bình, tâm hồn lâng lâng dễ chịu. Trái tim trai trẻ của anh cảm nhận được từ giọng nói, ánh mắt, đoán biết được tình cảm của cô đối với anh mức độ nào. Anh không dám đáp lại tấm chân tình đó vì hoàn cảnh gia đình anh so với tính kiêu sang của ông bà chủ quá xa lạ nhau. Trớ trêu trong mắt ông bà chủ anh chỉ là một người làm thuê có chút ít văn hóa.

Một hôm anh vừa bước vào nhà nghe trên phòng đọc tiếng bà chủ oang oang:

-Tai sao má cứ nghe Khánh lúc nào cũng anh La... anh... La... là sao? Má nhắc lại, nó chỉ là một kẻ dạy thuê mà thôi. Tiếng cô gái đáp trả không kém gay gắt:

-Con biết, anh ấy là một người tốt có tương lai chứ không như ba má nghĩ!

Bả thấy anh dưới chân cầu thang đang bước lên bả liền chuyển giọng:

-Thầy đàn đến nè. Bi đâu?

Bóng cô gái chạy vụt vào phòng riêng rồi đóng sập cánh cửa.

Hôm nay hoàng hôn xuống nhanh, ánh nắng chiều le lói trên những nóc nhà cao tầng. Anh phóng xe, cố tình lạng lách qua mọi phương tiện trên đường. Anh đi được một quãng dài, mồ hôi đã đổ ra thành dòng ướt hết lưng, áo sơ mi dán chặt vào da làm anh khó cử động. Trời sập tối, không khí oi nồng ngột ngạt, mây đen kéo kín, sấm chớp loằng ngoằng như muốn xé rách không gian. Anh ráng đạp xe đến biệt thự thì trời trút đổ cơn mưa.

Sài Gòn mùa mưa luôn bất chợt, nước trên không trút xuống ào ào, gió giật rít từng cơn, hàng cây hai bên đường cúi rạp. Anh bấm chuông hy vọng qua camera sẽ có người mở cổng sớm. Nhưng anh đã bấm mấy lần chuông mà không thấy động tĩnh nào. Mưa vẫn tơi bời. Anh nép mình vào góc cổng. Bỗng tiếng loa trên cao dội xuống:

-Khánh con không cần phải kêu người làm mở cổng, để má nói. Tiếng bà chủ gay gắt át cả tiếng mưa:

-A lô... vì đi dạy trễ anh đã bị mất việc.

-M... á…

-...

 

III.

Phi cơ hạ cánh, chạm đường băng tiếng bánh xe rít trên đường nghe rợn người, tiếng cản gió đôi cánh như tiếng thở phào của phi trường mừng chuyến bay về đích an toàn. Bầu trời nước bạn đang vào thu xanh ngắt một màu. La bước vào phòng chờ lấy hành lý. Vinh dự cho anh sau mấy năm làm việc trong công ty, hôm nay anh xuất ngoại tham gia hội nghị ngành nghề, anh sẽ trình bày tham luận của mình về bảo vệ môi trường. Loan một thiếu nữ xinh đẹp đang du học tại nước này ra sân bay đón. Anh em lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cùng nhau xếp va ly nhanh chóng vào sau xe. Anh lên ghế ngồi sát bên Loan tình cảm trìu mến, hai tâm hồn thật đồng điệu yên bình như hai anh em ruột thịt. Xe từ sân bay về trung tâm thành phố chạy tốc độ cao, hình ảnh nhà cửa sân vườn lạ lẫm của nước bạn hiện lên chạy vụt về phía sau vội vã. La nhớ lại mấy năm trước lần đầu tiên gặp Loan trong hoàn cảnh thật trớ trêu. Khi má Khánh cho thôi việc bất ngờ, anh lững thững dắt xe đội mưa quay bước về, tâm hồn cô liêu trống rỗng. Anh không tiếc việc làm, vì trình độ dạy của anh có nhiều người giới thiệu cho con em bạn bè, một đồn hai, hai đồn bốn... lịch làm việc của anh dày kín. Anh chỉ tiếc mối tình đầu đang nhen nhóm trong anh. Dưới mưa gió tơi bời anh chẳng thấy lạnh lẽo vì đôi mắt Khánh đang đốt tim anh bỏng rát. Anh và Khánh thế là hết vui cười, thế là hết cảm hứng những ngón đàn bốc lửa, thế là hết giọng hát nồng nàn những ca khúc thiết tha...

Nhà bên đường có tiếng lách cách mở cổng, một chiếc dù to che đầu, một cánh tay mềm ấm kéo anh vào nhà:

-Con có việc gì mà đi trong mưa? Con không sợ cảm lạnh sao? Một bà má trạc tuổi má anh trách móc. Anh trả lời lí nhí cho qua rồi nhìn xung quanh phòng khách lạ lẫm. Căn phòng rộng, bài trí đơn sơ nhưng có gu thẩm mỹ, chấm phá là một bức sơn dầu treo tường mang phong cách ấn tượng. Bà lấy khăn khô cho anh lau đầu ướt:

-Loan ơi, lấy cho má lọ dầu. À lấy thêm bộ quần áo trong nhà của ba nữa nha. Bà gọi vọng lên lầu.

-Để làm gì hả má? Một thiếu nữ mới lớn suýt soát tuổi em gái anh đi ra, trên tay lọ dầu và bộ quần áo, chợt thấy khách lạ dừng lại. Chào anh, anh... là...

-Là anh con đó. Bà cười vui vẻ.

Thế là anh và Loan trở thành anh em từ đó, tình bạn thật giản dị. Loan kém em gái anh một tuổi. La và Loan chơi thân với nhau thật chân tình vì thế hai gia đình rất ủng hộ đôi bạn trẻ, nhưng đến nay chuyện tình cảm hai người vẫn chưa đến đâu.

-Em học vất vả không? La sửa lại gọng kiếng quay sang hỏi Loan.

-Em học năm cuối vất vả anh ạ, suốt ngày ngồi trong thư viện tìm tài liệu làm đồ án.

-Hôm qua má sang nhà để gửi quà. Má dặn đủ chuyện đến giờ gặp em anh quên hết trơn hết trọi.

-Má kỳ ghê. Mặt cô đỏ bừng mắc cỡ.

-Má vẫn coi em như bé bé bằng bông đó. Anh ngoạc miệng trêu Loan càng thẹn thùng đấm vai anh thùm thụp:

-Anh thì... Hai anh em cười sặc sụa.

…Trên bục cao La bước xuống trong tiếng vỗ tay rào rào của hội nghị, anh rất hài lòng bản tham luận mình mới trình bày đã gây nhiều sự chú ý không ngờ của các đại biểu. Nếu tham luận này áp dụng cuộc sống ích lợi của nó cho cộng đồng khó mà đong đếm được. Hội nghị kết thúc nhiều người lao đến tặng hoa chúc mừng thành công của anh. Anh sững sờ đến đứng tim vì trong số người đó anh nhận ra Khánh.

-E... m...

-...

Anh dìu Khánh ra đến hành lang:

-Anh nhớ em lắm... Anh thì thào. Anh không ngờ lại có ngày hôm nay... Khánh vội lau nước mắt:

-Anh... Sao không kiếm em?

-Anh sợ... em khổ...

-Anh biết không... không tìm ra anh... em còn đau... khổ... hơn...

Ngồi xuống ghế, Khánh kể vắn tắt cho anh biết: Từ lúc anh quay đi những ngày sau đó trong nhà cô có nhiều biến động. Cô nhớ anh, muốn kiếm tìm mà không biết tung tích nơi nào. Cô hy vọng trong điện thoại di động của ba má sẽ có số của anh. Cô tìm thời cơ mãi mới lục được điện thoại thì hai người đã xóa số anh từ lúc nào rồi. Sau đó má bị kỷ luật do nhiều năm cùng đồng bọn chuyển tiền thu phí vệ sinh nơi công cộng sang tổ chức Công đoàn cơ quan để chia nhau gây hậu quả nghiêm trọng. Má bị mất chức giám đốc, không phải tù còn may mắn. Ba thu xếp cho Bi du học, có ý định cả nhà định cư nước ngoài nhưng em cương quyết không đi. Em có cuộc sống của riêng em. Ba má biết em đợi chờ, cũng hối hận vì đã thô lỗ với anh, hơn nữa biết tính em lì lợm cỡ nào nên không ráng ép. Bi du học trước, ba má thu xếp đất đai tài sản rồi sang sau. Em ở lại một mình buồn nên thường xuyên sang đây thăm gia đình. Hôm qua em đọc tạp chí biết hội nghị này có người Việt đọc tham luận tên giống anh, em đến đại, cầu mong phép mầu phù hộ giấc mộng được gặp anh thành sự thật, thế mà trúng phóc.

Anh kể hoàn cảnh gia đình mình cho Khánh nghe: Sau mấy năm má anh làm ăn khấm khá lên từ một người thu lượm ve chai trở thành đầu nậu ngành này một vùng rộng lớn. Má vừa nhàn hạ vừa có thu nhập cao. Má mua đất rồi làm nhà rồi đón ba và em gái đến ở. Gia đình qua mấy năm ly tán nay đoàn tụ cả nhà ai cũng mừng, nhất là ba.Sức khỏe ba trở lại gần như trai trẻ, ba phát tướng ngoại hình như Tây, tính tình lúc cười lúc khóc có giảm. Má còn đẹp hơn, quần áo đầu tóc mô đen, sang trọng không kém người gốc Sài Gòn. Em gái anh cũng học xong đại học. Trong nhà người ăn kẻ làm đông nghịt từ sáng đến tối. Nhưng anh vẫn thấy không khí gia đình thiếu thốn cái gì đó không gọi được ra tên. Một hôm anh đi xem phim với Loan, đèn trong rạp phụt tắt, màn hình bắt đầu hiện ảnh thì thấy hàng ghế trên một đôi lớn tuổi sang trọng bước vào, người phụ nữ ngả đầu tựa vai người đàn ông âu yếm. Qua ánh đèn anh nhận ra ba mình và cô bạn của ba, họ cùng sinh hoạt Câu lạc bộ Cựu Chiến binh Phường. Người ta thường lo ngại con cái mình sa ngã nhưng không biết rằng dễ sa ngã nhất chính bố mẹ chúng. La vội lấy lý do đau bụng kéo Loan ra về, cô ngạc nhiên khó hiểu; ba đã kịp nhận ra anh. Anh ra ngoài rạp nhận được tin nhắn:

“Các con đã trưởng thành, bây giờ ba mới bắt đầu tìm kiếm lại hạnh phúc đời mình”…

…Từ xa Loan ôm bó hoa đi tới phía hai người:

-Em xin chúc mừng thành công mỹ mãn của anh!

-Cám ơn em! Anh xin giới thiệu đây là Khánh bạn gái của anh còn đây là Loan... Anh ngạc nhiên hình như hai người đã biết nhau lâu rồi.

-Anh khỏi phải giới thiệu, chúng em sống cùng phố mà. Loan nhanh nhảu. Nhưng hôm nay em mới biết anh quen chị Khánh nha, anh dấu kín thế?

-Mấy năm nay ảnh trốn kỹ quá, chị cũng mới bắt gặp lại ảnh! Cả ba người ôm nhau cùng cười vui vẻ.

…Ngoài cửa kính cuối thu nước bạn đang có tuyết rơi, những bông tuyết như những bông hoa trắng tinh khôi thi nhau hạ cánh xuống đất, trải thảm trắng cho cả vùng rộng lớn. Từ bé đến bây giờ anh mới biết tuyết là gì và trái tim anh bây giờ cũng mới biết yêu là gì!

Yêu nhau rồi tim đập rộn như thế nào!

Ôi tình yêu nhiệm màu!

 

Mã Lam
Số lần đọc: 1523
Ngày đăng: 30.06.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc hội ngộ câm - Trương Văn Dân
Nụ hôn đầu, tình yêu cuối. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Duyên - Trần Yên Hòa
Những bàn tay - Trương Đình Phượng
Thất hứa - Tiểu Nguyệt
Em đẹp em có quyền! - Nguyễn Hoàng Vũ
Sắp đặt phế liệu chữ - Trần Hạ Tháp
Hơi thở của quỷ truyện - Võ Anh Cương
Chuyện ngủ - Đặng Xuân Xuyến
Quyền được rên - Lê Mai