Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.601
 
Buổi sáng đầu tiên
Sâm Thương

 

    Buổi sáng thứ năm ngày 01 tháng 9.1960, đó là ngày khai gỉảng niên khóa mới của trường Quốc Học và cũng là ngày đầu tiên tôi chính thức được nhận là học sinh lớp Đệ Tam của trường.

     Mới 5 giờ sáng, mẹ tôi đã đánh thức tôi dậy, chuẩn bị đưa tôi đến trường. Mặc dù tôi đã thưa với mẹ tôi là tôi đã lớn và tôi có hẹn với mấy đứa bạn trong xóm sẽ cùng đến trường bằng xe đạp. Và mẹ hiểu cho, là tôi cũng mong ngóng ngày này biết bao… Nhưng mẹ tôi không đồng ý với lý do hôm nay là ngày đầu tiên tôi chuyển tới trường mới, một trường công lập chắc chắn còn rất xa lạ đối với tôi. Vì trước đây; tôi chỉ toàn theo học  các trường tư thục:  từ lớp vỡ lòng  của một trường làng nhỏ cạnh nhà bà nội tôi ở Bến Ngự, đến trường Sainte Marie, Phú Xuân,  rồi trường Saint Denis, Phưởng Đúc của các sư huynh dòng Trái Tim (Sacré Coeur), đến trường Tiểu học Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang , cũng thuôc dòng Trái Tim, đến trường  Pellerin( Bình Linh) do các Sư huynh  dòng Jean Baptiste de La Salle (1651-1719) điều hành,  rồi trường Providence ( Thiên Hựu)... nên tôi hiểu được niềm vui cố tình không bộc lộ trong lòng mẹ tôi vì kể từ năm học này cho đến hết năm Đệ Nhất, tức 3 năm nữa, tôi khỏi phải trả học phí.  Đối với gia đình tôi đó là một số tiền khá lớn để trang bị cho tương lai của tôi.  Do đó, tôi phải  đành chấp nhận lý lẽ của mẹ, theo lời mẹ, tôi cứ việc để xe đạp ở nhà, cùng đi bộ với mẹ. Nói đúng, cho đến thời điểm đó, mẹ tôi vẫn không thay đổi cách nhìn về tôi, luôn coi tôi là một đứa trè mới học vỡ lòng, cần có mẹ đi bên cạnh hướng dẫn. Trong giây phút  đó, tôi  cảm thấy không vui, vì muốn chứng tỏ mình đã lớn, có ảo tưởng tự  lèo lái cuộc đời mình được, ít nhất là chuyện tôi đi học sáng nay mà không nhất thiết phải  phiền  đến mẹ . Nói vậy thật ra, trong tận cùng  của tâm hồn, tôi vẫn ước mơ luôn được mẹ tôi coi tôi như  một đứa trẻ để được yêu thương, chiều chuộng…dù hiện tại, khi đặt bút viết bài này tôi đã không còn trẻ, phần khác mẹ tôi cũng đã khuất núi, tôi không còn nghe tiếng gọi thân thiết của mẹ tôi mỗi buổi chiều khi tôi  bước vào ngưỡng cửa trở về nhà..

 

    Khi còn nhỏ, tôi sống với bà nội và mẹ tôi ở Bến Ngự, nhà nằm trên con đường nhỏ song song với đường rầy xe lửa giữa dốc Nam Giao và dốc Bến Ngự. Đó là nhà của bà cố ngoại tôi, bà Cả Mè, chuyên sản xuất mè xửng, trước năm 1954, bán buôn theo những chuyến tàu hỏa ngược xuôi Bắc Nam, một thương hiệu đã được biết đến trong nghề làm mè xửng ở kinh thành Huế.

    Lần đầu tiên cắp sách đi học, mẹ tôi xin cho tôi đến học vỡ lòng với ông giáo làng ngay cạnh nhà, cách nhà  cố  ngoại tôi một hàng rào chè tàu, thỉnh thoảng tôi vẫn chui hàng rào qua lớp những khi thức dậy trễ, cũng như tự đi về, nên không có chuyện mẹ tôi phải đưa đón. Vì mẹ tôi còn bận phải phụ cho ông cậu(em ruột bà nội tôi) buôn bán ở cửa hàng cạnh chợ Bến Ngự.

    Khoảng năm l950, mẹ tôi thôi phụ buôn bán với ông cậu, cùng gia đình chuyển đến khu đất được ba tôi thuê lại và xây dựng làm nhà ở từ một người chuyên kinh doanh cây trồng ở Thể Môn nhân( Cửa Ngăn) phường Phú Thạnh…

    Đến cuối niên khóa 1952, khi tôi chuẩn bị bị rời trường Sainte Marie, Phú Xuân,  để chuyễn đến nội trú ở trường Saint Denis,  Phường Đúc thuộc các Sư huynh dòng Trái Tim ( Sacré Coeur) . Đồng thời, gia đình tôi cũng phải  chuyển về gần nhà bà ngoại tôi ở Phú Xuân, Kim Long vì người chuyên kinh doanh cây trồng, hết hợp đồng phải trả  lại cho chủ đất.

 

    Từ cầu Bạch Hổ (1), thay vì đi thẳng lên Chùa Thiên Mụ (2), nhà chúng tôi rẽ phải, xuống dốc, dọc theo sông đào Kẻ Vạn (3), hết bức tường thành cùa giòng họ Phạm, đến đường hẽm đi vào Phú Mộng, là bà ngoại tôi, đến nhà cô họ tôi,  rồi mới đến nhà tôi. Những nhà kế tiếp trên con đường này( sau năm 1975 đường được đặt tên là Phạm Thị Liên), là những gia đình tôi từng tiếp cận và thân tình  cho đến  năm 1963, sau khi tốt nghiệp Tú tài 2 tôi vào Saigon vừa đi học vừa đi  làm báo kiếm sống… Và nay nhà tôi  cũng  đã  không còn nữa, mà thay bằng  những hộ mới định cư, vì ba mẹ tôi và các em tôi đều chuyển vào Sàigon sinh sống.

    Ở khu vườn nhà mới, vốn của bà nội tôi mua lại nhiều năm trước, được bố trí và xây dựng  cho phù hợp với nhu cầu của chúng tôi, không nặng về phô trương, mà thật sự chúng tôi cũng không có khả năng phô trương, cũng như  không có ý đồ phô trương. Tuy không được bao bọc bởi một rừng hoa như  ở cửa Ngăn, nhưng bù lại, khu vườn của chúng tôi rộng hơn và có nhiều cây cối đã sinh hoa kết trái như măng cụt, mít, ổi, chuối, đào, dâu, thơm…

 

Năm 1955,  lại một lần nữa,nghe lời góp ý của cậu tôi, mẹ tôi chuyển tôi  học nội trú ở trường Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện   Phú Vang …

     Sau khi rời trường Lại Ân. Tôi  theo học trường  Pellerin, rồi trường Providence … là những trường tôi đã trải qua trong thời niên thiếu trước khi tôi đến được với trường Quốc Học, sau khi tốt nghịêp Tú Tài 2, tôi vào Saigon vừa đi làm báo, vừa ghi danh học Văn Khoa.

     Ở trường Saint Denis, tôi  theo chế độ nội trú, hằng tháng mẹ tôi vẫn có thói quen đến trường đón tôi về và đưa tôi trở lại sau mấy ngày nghỉ lễ hoặc  cuối tuần. Mẹ tôi không bao giờ để tôi tự đi về một mình, trong khi các bạn đồng lứa với tôi, phần lớn  tụi nó tự  đi về, mặc dù nhà của tụi nó xa hơn nhà tôi nhiều như có đứa ở tận Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên… Kể cả sau này, tôi cũng chỉ biết quanh quẩn trên con đường từ nhà đến trường, và từ trường về nhà, họa hoằn lắm, tôi mới có dịp đi lang thang với bạn bè trong những giờ nghỉ học bất thường  vì thầy bệnh hay một lý do nào đó.  Không biết có phải vì vậy mà tôi có vẻ “ngố”,  hoặc nhà quê hơn… có thể do vậy mà tôi  thiếu tự tin, ít hoạt bát hơn so với các bạn đồng trang lứa, mà chỉ thích trầm ngâm, suy tưởng.

 

     Ở trường Sainte Marie, không nói làm chi, vì trường cách nhà tôi không xa, chỉ 20 phút đi bộ. Nhưng khi chuyển đến học trường Saint Denis, ở Phường Đúc, tôi không nghĩ  là mẹ tôi tiết kiệm hay hà tiện khi không chịu đón xe đò ở dốc cầu Bạch Hổ đi chợ Đông Ba, rồi từ Đông Ba đi xe đò lên Long Thọ, xuống Phường Đúc thay vì dẫn tôi đi bộ từ nhà qua Cầu Đen ( theo cách gọi của người dân ở đây, vì cầu được sơn màu đen , cũng có người gọi cầu Xe Hỏa,nhưng đúng ra là cầu Dã Viên ), đi hết đường Huyền Trân Công Chúa, qua khỏi nhà thờ Phường Đúc  rẽ trái lên dốc, khoảng 20 m là đến trường Saint Denis;  hoặc đi bộ lên Kim Long, qua đò, cập bến Phường Đúc, chỉ trừ những ngày mưa bão. Thỉnh thoảng, tôi cũng không tránh khỏi càu nhàu hoặc thắc mắc về lý do mẹ tôi đã chọn đi theo cách đó. Nhưng mẹ tôi không hề giải thích, mà chỉ nhìn tôi cười, nụ cười hiền lành bao dung, nên tôi đã vội quên ngay, không nhắc đến nữa.  Mãi sau này, khi lớn lên  tôi mới hiểu mẹ tôi thường ngày bận rộn với công việc kiếm sống, nên những khi có dịp đi với tôi, mẹ tôi muốn dùng những phút giây đó để tâm tình cũng như  những câu chuyện mà mẹ tôi đọc được ở đâu đó.

 

    Mẹ tôi  không được đến trường nhiều, chỉ mới học đến đệ ngủ thì ông ngoại tôi đã không cho học tiếp. Nghe nói hồi còn sống, ông ngoại tôi thường thổ lộ với bạn bè: “con gái không nên cho học nhiều, học nhiều chỉ để viết thư  tình cho trai”.. Nhưng bằng vào những gì có được từ những năm tháng được dạy dỗ bởi  anh ruột bà ngoại tôi, một ông cử thất sũng, bất mãn với thời thế, bất mãn với chính bản thân. Mẹ tôi ảnh hưởng tính phóng khoáng và ham đọc của người cậu, vớ sách gì cũng đọc, cọng với sự kèm cặp của ông cậu. Nhưng  mẹ tôi   hầu như không được chuyện trò với ai. Có lẽ mẹ tôi chỉ tìm thấy được  niềm vui khi được trao đổi, trò chuyện với con cái, mà tôi là đứa con trai lớn nhất nhà, sau khi anh tôi mất vì bạo bệnh, khi lên hai tuổi.

 

     Buổi sáng hôm đó, mẹ tôi cương quyết đưa tôi đến trường dù biết tôi đã học  đến lớp đệ tam,  mặc đồng phục quần xanh nước biển, áo chemise trắng, trên túi áo có thêu tên, phía dưới là chữ QUỐC HỌC , hai bên, mỗi bên một gạch ngang màu xanh ( Đệ nhị hai gạch và Đệ nhất ba gạch ). Xem ra, cũng hách xì xằng lắm chứ! Thế nhưng,  mẹ tôi vẫn cương quyết  không nhượng bộ, ít ra là muốn dẫn tôi đến trường trong ngày khai giảng niên khóa. Tất nhiên, dù rất thất vọng nhưng tôi vẫn không muốn làm buồn lòng mẹ tôi, tôi mặc áo quần và không quên kiểm soát lại đống sách vở đã cẩn thận bỏ vào cặp từ tối hôm trước.

    Đúng 6:15 giờ, mẹ  tôi bước ra khỏi nhà thì con chim nhỏ trên cành cây cao trong vườn nhà tôi thường lệ cất tiếng hót từng hồi dài… tôi cắp cặp chạy theo. Đi bên cạnh mẹ, tôi bắt gặp  cặp mắt chế nhạo của một đứa bạn trong xóm. Mặc kệ, tôi bắt đầu hiểu tôi đã lớn khi chỉ còn khoảng hơn một tiếng đồng hồ nữa, tôi chính thức là học sinh trường Quốc Học.

 

    Gần đến dốc cầu Bạch Hổ, tôi nhìn thấy những toán học sinh đi học ở những trường  xa, có người đi bộ, có người đi xe đạp và những người bán hàng gánh từ phía trên chợ Thông đổ về Đông Ba, với đôi gánh trĩu nặng trên vai nhưng vẫn nói cười vui vẻ. Bất chợt, khi ngang qua ngôi nhà hàng ngày tôi vẫn đi qua, một cái nhìn làm tim tôi xao động, một cảm giác đặc biệt khó tả, mà tôi chưa từng trải qua khi bắt gặp một  đôi mắt tròn xoe bên  cổng rào chăm chú nhìn tôi. Đó là đôi mắt  của cô láng giềng học lớp đệ ngũ trường Đồng Khánh.  Sáng nay, cô cũng áo dài trắng, tóc xoã ngang vai, chuẩn bị đến trường dự lễ khai giảng. Không biết sao hôm nay  cô nhìn tôi với cái nhìn không giống mọi ngày, có vẻ là lạ hay do lòng tôi bất ngờ đổi thay, trở chứng? Tôi cố giấu cảm xúc bằng cách bước vội lên trước mẹ tôi, giả như  không nhìn thấy cái nhìn của cô. Nhưng lòng tôi thì rộn ràng như mở hội.

 

        Qua đến chân  cầu Xe Lửa, đối diện với đội giang thuyền, mà trước năm 1954 là đồn hiến binh của quân đội Pháp, trước mắt tôi là một đám đông xúm xít bu quanh. Tôi không ngăn được tính tò mò, hỏi ra mới biết:  một cô gái bị tình phụ nhảy xuống cầu tự tử. Cô  muốn tự tử nhưng  có lẽ lại sợ đau đớn và không muốn mặt mày bị thương tích làm xấu đi, nên  không dám nhảy thẳng xuống sông mà chỉ để thân người tuột xuống từ từ theo dốc cát. Nhưng  khi chân cô  chạm  mặt nước,  cô chợt tỉnh, hoảng hốt  lớn tiếng kêu cứu và cô đã  may mắn được cứu sống.

    Có lẽ, nếu mẹ tôi không kéo tôi đi, không  nhắc nhở tôi hôm nay là ngày gì thì không biết đến giờ nào tôi mới rời khỏi đám đông. Tôi vẫn có chứng tật tò mò. Tôi muốn  tìm hiểu những lý do,  động lực nào đã  thúc đẩy một cô gái xinh đẹp, tuổi đời còn rất trẻ như cô lại  trầm mình tự vận. Cái gì  đã  thúc đẩy cô gái đó phải đi tìm cái chết? Cuộc sống bi thương và nghiệt ngã đến thế  sao? Vậy thì  con đường dẫn tới hạnh phúc ở một thế giới khác hay để chấm dứt nỗi khổ đau ở trần gian này? Câu hỏi đó hình như đã  luôn theo đuổi, ám ảnh tôi. Và sự kiện  cô gái tự tử không chết đã  trở thành cảm hứng cho tôi viết truyện ngắn Đêm không có mặt trời  sau này.

    Khi chúng tôi đến gần đầu cầu bên kia, thì có tiếng còi xe lửa hụ lên những hồi dài báo hiệu tàu sắp  qua. Mọi người đang đi trên cầu lại phải  vội vã đi nhanh, để kịp tránh tàu. Vì  chiếc cầu nầy  thiết kế  chỉ dành cho tàu hỏa, nên khoảng cách giữa tàu và lối đi rất hẹp, lại càng không có chỗ cho những người đi xe đạp hay bất cứ loại xe nào khác.

 

    Qua khỏi cầu, đang đi trên đường Huyền Trân Công Chúa. Bất ngờ, có tiếng la “ Ơi ới”.  Mẹ tôi, tôi và tất cả những người đang đi qua đó đã  hoảng hốt nhảy lùi lại, xô dạt ra, tránh một chiếc xe nhà binh như con ngựa điên hùng hổ chạy  ngược chiều về phía Long Thọ. May mà không có điều gì  đáng tiếc xảy ra, nhưng cũng phải mất mấy phút mọi người mới hoàn hồn và tiếp tục cuộc hành trình của mình. 

    Còn mẹ tôi thì lại tiếp tục kể cho tôi nghe câu chuyện về một một nhà sư bị “hàm oan, bị kết tội hủy hoại đời của người con gái xinh đẹp. Chuyện kể rằng: “Trong ngôi làng đó, có một cô gái xinh đẹp và nổi tiếng hiền thục; ngoài ra, trong ngôi làng đó, có một vị sư rất đổi đạo hạnh. Tất cả các chàng trai và đàn ông đều mơ ước được nàng chấp nhận lấy làm chồng. Thế rồi , bất ngờ cô gái “không chồng mà lại có thai ”cả làng đều phẩn nộ, cha mẹ nàng khi hay tin vừa xấu hổ, vừa phẩn nộ, tìm cách truy vấn, ai là tác giả cái bào thai. Lúc đầu nàng nhất định không nói, nhưng khi cha mẹ nàng cương quyết gặn hỏi , nàng đành thú nhận tác giả cái bào thai chính là của vị sư trù trì   ngôi chùa trong làng, vốn nổi tiếng đạo hạnh. Thế là, đàn ông, con trai của làng đèn đuốc gậy gộc lên chùa cật vấn nhà sư tại sao làm chuyện xấu xa, ô uế. Đêm đó, nhà sư sau khi nghe đám đông vạch trần tội lỗi của mình, đã không lên tiếng phủ nhận mà chỉ buột miệng nói:” Thế à?”  rồi kêu mang đứa trẻ vào chùa nuôi  dưỡng.

 

    Câu chuyện của mẹ tôi vẫn được tiếp tục: Mười ba năm sau, tình hình coi có vẻ lắng dịu, cô gái mới thú nhận với cha mẹ nàng,  tác giả của bào thai không phải của sư trụ trì mà là của chàng thanh niên ở làng bên. Các chàng trai , đàn ông trong làng, một lần nữa thất vọng lại đèn đuốc gậy gộc kéo nhau lên chùa xin lỗi nhà sư. Khi nghe kễ lễ sự tình, nhà sư chỉ biết chấp nhận chịu đựng, không hề lên tiếng giải thích, lòng thanh tịnh dửng dưng, nhìn mọi người thốt lên:” Thế à?” rồi cho người mang đứa trẻ trả cho mẹ nó, lòng thanh tịnh, không vui, không buồn.

     Qua khỏi  cầu Ga, rẽ qua đường Lê Lợi thì đã 7 giờ 15, Mẹ tôi lên tiếng thúc dục tôi mau đến trường, mặc dù chặng đường đi đến trường không còn xa. Lúc đó, tôi mới bắt đầu đưa mắt nhìn quang cảnh chung quanh.

   Trên các ngã đường,  học sinh  khắp nơi từ  Nguyệt Biều, Làng Quán , đến  Kim Long,Văn Thánh, rồi  Nam Giao… đổ  về. Con đường Lê Lợi với hai hàng phượng vĩ rực rỡ dẫn đến hai  trường Quốc Học, Đồng Khánh, từng toán đi bộ, đi xe đạp như một dải lụa bạc uốn khúc. Các cô đội nón bài thơ, vành lá nghiêng nghiêng, che không kín mặt, để lộ nét dịu dàng yêu kiều trong buổi sớm mai. Tà áo lụa trắng của các cô thỉnh thoảng bay tốc lên theo bước  chân, để lộ ống quần trắng bó sát  ẩn hiện  cặp đùi hồng hồng thon thon, có sức hấp dẫn lạ lùng . Các cô đi xe đạp thì  vừa đạp xe vừa cười nói tíu tít, một tay giữ  lái, tay kia kéo tà áo phía sau, nửa muốn che giấu, nửa muốn phô bày  những đường nét khêu gợi một cách kín đáo của mình. Cỏn những chàng trai, hẳn phần lớn họ cũng  học ở trường Quốc Học vì cũng sơ - mi trắng tay cụt và quần xanh nước biển như tôi. Họ trao đổi, nói cười như muốn bộc lộ một  cái gì đó cho thêm phần duyên dáng, lịch lảm trước đôi mắt của những người đẹp đang len lén nhìn về phía họ hay ít ra, họ có ảo tưởng  mình  đang được nhìn, được chú ý. Tôi đi bên cạnh Mẹ, với tâm trạng của một con gà trống mới lớn rút mình lại, muốn nhìn, muốn ngắm  cho thật thỏa thích những đóa hoa khoe sắc , nhưng còn e ngại, không dám .

 

    Đến trước cổng trường, nói đúng là cổng phụ phía bên trái, Mẹ tôi mới chịu chia tay: “Con vào đi!” . Tôi theo đám học sinh con trai vào trường. Vì cổng chính trên đường Lê Lợi chỉ dành cho  các thầy cô và nữ sinh các lớp đệ nhất. Bước qua khỏi cổng, tôi quay lại nhìn mẹ tôi một lần nữa trước khi theo dòng người lũ lượt vào bên trong, tôi đã nhìn thấy trên khuôn mặt của cả một đời nhọc nhằn lao khổ vì chồng vì  con của Mẹ tôi ánh lên một nụ cười. Tôi bậm môi nhìn mẹ gật đầu như ngầm nói với mẹ tôi rằng: “Con đã hiểu tại sao sáng nay mẹ cương quyết đưa con đến trường. Con thật sự cảm thấy kiêu hãnh vì đã có mẹ, có tình thương của mẹ”

    Bọn học sinh Đệ tam chúng tôi bước vào trong sân trường không phải lóng ngóng quá lâu để chờ vào lớp. Điều quá mới mẽ đối với tôi, và có lẽ cũng với những bạn mới nhập học như tôi. Chúng tôi háo hức nhìn về phía cổng trường, mà thật ra mở tròn mắt nhìn về hướng đó không chỉ đám học sinh Đệ tam mới nhập học, mà hầu hết tất cả các nam sinh Đệ nhị, Đệ nhất cũng đều hướng mắt về phía cổng chính: từ ngoài, từng toán nữ sinh đệ nhất mỗi người mỗi vẻ trong tà áo trắng, đủ kiểu,  đang khoan thai  ôm cặp trước ngực bước vào, dáng các cô uyển chuyển, sinh động và hấp dẫn không thua gì bước chân của những người mẫu trên sàn diễn trước những ánh mắt si dại, phấn khích của đám con trai mới lớn như tôi. Ngược lại, các cô cũng biết mình đang ” bị nhìn”, đã trở nên e thẹn lúng túng, lại càng làm các cô trở nên quyến rũ, đáng yêu hơn.

 

    Trong khi hồn chúng tôi đang bay bổng theo những tà áo trắng, thì một hồi kẽng đều nhịp mạnh mẽ  vang lên, cắt ngang giấc mơ ngắn ngủi. Chúng tôi chuẩn bị sắp hàng ngay ngắn vào vị trí đã được chỉ dẫn để làm nghi thức khai giảng. Vị trí các lớp  Đệ tam ở chính giữa, đối diện với cổng trường , cạnh hội trường. Dọc theo hai dãy lầu, bên phải là các lớp đệ nhất và thầy cô, bên trái là các lớp đệ nhị.

    Trong buổi lễ khai giảng, trước tiên, Thầy Đinh Qui, Hiệu trưởng  đeo kính trắng gọng vàng, đĩnh đạc  bước ra trước máy phóng thanh, với nội dung vắn tắt, Thầy tuyên bố năm học chính thức được khai giảng và khuyên tất cả các học sinh tôn trọng nội quy của trường cũng như chăm chỉ học hành, để không phụ lòng thầy cô và cha mẹ, sau này đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

 

    Sau đó, lớp nào vào lớp nấy. Khối lớp Đệ tam  chúng  tôi ở dãy nhà sau, gần sân vận động. Tiếp sau lớp Đệ Tam B9 của tôi  là B10  và các lớp Đệ tam  ban C. Tại sao tôi học ban B ( Khoa học Toán),  mà không học ban C ( Văn chương và sinh ngữ ) hay ban A ( Khoa học Thực nghiệm ) mặc dù tôi rất dốt toán, bạn bè cùng học với tôi ai cũng biết.  Tôi học ban B, mà không do tôi chọn lựa, đó là quyết định của ba tôi. Chính ba tôi làm hồ sơ rồi đến văn phòng trường nộp, xin cho tôi vào học ban B. Ba tôi vốn không thích chuyện văn chương thi phú, một phần, theo như cách ba tôi thổ lộ, mà không phải để giải thích với tôi: Ba tôi có một người em gái, tức cô tôi, khi cô còn trẻ là một thiếu nữ xinh đẹp, đàn hay hát giỏi ... Trong số những  người theo đuổi cô tôi có một người là thi sĩ, tính tình  rất  bay bướm, dù sau nầy đã lập gia đình và có con  với cô tôi rồi, ông ta vẫn tính nào tật ấy, hết án tỉnh cô này đến theo đuổi cô khác, làm cô tôi bao phen  sống dở, chết dở. Mà mỗi khi bị chồng  phụ tình, cô tôi thường tìm đến với ba tôi khóc lóc kể lể. Mặt khác, tôi biết trong thâm tâm ba tôi vẫn kỳ vọng  sau này lớn lên tôi có thể trở thành kỹ sư công chánh hay cầu cống gì đó. Nhưng tôi đã phụ lòng ba tôi, môn Tóan học không gây cho tôi một chút hứng thú nào, trái lại, tôi lại thích xem hát đình, hát chợ, từng để tâm hồn bay bổng, đắm  say theo những Greta Garbo, Vivien Leigh, Marlon Brando, Rita Hayworth, Ingrid Bergman, James Dean, và Marilyn Monroe.v.v.. trong các bộ phim được chiếu trên màn ảnh rạp ciné  Tân Tân hay Châu Tinh ở Huế. Giấc mơ đó như một nghiệp dĩ  đã đeo đuổi tôi cho đến tận bây giờ, không dứt bỏ được.  

           

    Bước vào lớp, có lẽ mới là ngày đầu, nên chưa một ai trong chúng tôi  dám trổ mòi nghịch ngợm, quậy phá. Lớp tôi có 54 học sinh. Tôi ngồi bàn thứ hai bên trái,  Nguyễn Hữu Hiệp  ngồi cuối cùng, đến tôi, rồi Hoàng Trọng Tân và cạnh  lối đi là Lê Văn Thu. Còn những bạn khác phải  một thời gian sau tôi mới biết tên và gần gũi  như  Nguyễn Quang Thiệu, Đặng Hữu Phú, Lê Văn Nhơn, Trương Minh Sinh, Trần Hữu Nho,  Phan Văn Quả, Dương Văn Phúc, Cao Trọng Đường, Hồ Viết Sắc, Phạm Đăng Tú, Nguyễn Văn Tú ( sau này đổi tên là Nguyễn Văn Kim) , Nhiêu Khánh  Đàm, Lê Tôn, Phạm Văn Tịnh, Võ Bá Thương, Lê Thái, Đặng Văn Nghi, Lê Gia Trung Hậu, Lê Văn Ngọ,  Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Hoa, Liên Bang, và Nguyễn Văn Tuần v.v… và lớp trưởng của tôi, người cao lớn, đẹp trai là Phan Tiểu Dương, ngồi ở bàn cuối. Tôi nhìn lên bảng đen, chưa có một dòng chữ  viết bằng phấn nào trên đó, rồi quay nhìn khuôn mặt của từng  đứa bạn mới từ nhiều nơi tụ về đây và lờ mờ hiểu ra, cuộc đời tôi từ nay sẽ gắn bó  với những con người đang hiện diện trong căn phòng nhỏ bé này, có thể chỉ trong vòng 3 năm hoặc ít hơn, nhưng  đây chính  là ngã rẽ quan trọng của đời tôi, cũng như cuộc đời của các bạn tôi.

    Tất cả chúng tôi ngồi im lặng chờ đợi, thỉnh thoảng mới có tiếng xầm xì  ở dãy bàn cuối. Chỉ mấy phút sau, một thầy bước vào lớp, chúng tôi cùng đứng lên,thầy chào chúng tôi bằng  nụ cười trên môi. Đó là một người đàn ông khá điển trai, áo quần thẳng nếp, chiếc cà vạt hơi trễ trên cổ áo, tuy thầy  hơi gầy, nhưng có sức cuốn hút đặc biệt.

 

    Thầy đặt cái cặp lên bàn, rồi quay lại, vẫn nụ cười thân thiện. Thầy tự giới thiệu, giọng thầy sang sảng:”Tôi là Ngô Kha  phụ trách dạy các em môn Việt Văn và Công dân giáo dục; đồng thời tôi còn là giáo sư Cố vấn lớp Đệ tam B9 này”. Thầy vừa nói xong, cả lớp chúng tôi đồng thanh vỗ tay, reo hò tở mở.. dù chúng tôi chưa biết thầy là người thế nào. Vì đây là cuộc gặp gỡ  đầu tiên giữa thầy và chúng tôi.

    Chờ cho đến khi tiếng vỗ tay, reo hò chấm dứt. Thầy nhìn thẳng chúng tôi  nói :” Bây giờ tôi sẽ trình bày với các em  bài học hôm nay: Chúng ta thử phân tích thân phận người của người  phụ nữ trong  trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm  của Đặng Trần Côn:Thuở trời đất nổi cơn gió bụi .Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên …

    Thành thật mà nói, bây giờ, tôi không còn nhớ hết những gì  thầy đã nói trong bài giảng, nhưng theo cảm nhận của tôi lúc đó, Thầy đã đưa ra những lập luận sâu sắc và độc đáo, thật sự có phần tác động đến những suy nghĩ của tôi sau này. Tôi đưa mắt nhìn  quanh, những khuôn mặt hồn nhiên của bạn bè tôi  đang háo hức ngước  lên, mắt mở sáng. Vẫn chỉ có tiếng nói của thầy. Có lẽ tất cả chúng tôi đang  bị cuốn theo  giọng nói hùng hồn và say mê của thầy.

    Hai tiết học ( mỗi tiết 55 phút ) đi qua thật nhanh, tiếng kẽng báo hiệu giờ ra chơi vang lên làm tôi giật mình quay trở về với thực tại. Tôi và cả lớp đứng dậy chào thầy  như cái máy. Nhưng đầu óc  tôi thì vẫn còn lãng đãng ở một chân trời nào đó trong giấc mộng tương lai chợt tới.

     Đến hôm đó, chúng tôi  không còn ở tuổi mà giờ ra chơi lại tập họp nhau từng toán  đánh bi, đánh đáo  hoặc chạy nhảy đuổi bắt như  thời học  tiểu học. Chúng tôi tự cảm thấy mình đã lớn và phần đông,  chúng tôi từ các  trường khác nhau  tụ hội về đây, chưa từng quen biết nhau, họa hoằn lắm mới có một vài bạn biết nhau, nên giờ ra chơi đầu tiên,  chúng tôi vây quanh  dưới gốc liễu trước lớp,  hỏi han trò chuyện làm quen với nhau.

 

    Rồi giờ chơi cũng qua mau, chúng tôi xếp hàng, tuần tự bước vào lớp tiếp tục học hai giờ Anh văn. Trong khi, chúng tôi chưa kịp  trở lại trật tự , thì  bóng một phụ nữ dáng vẻ  thanh thoát và nhẹ nhàng  bước vào, chúng tôi đứng dậy đón chào cô. Đó chính là cô giáo Anh văn của chúng tôi: Cô Hà Thị Phong,  theo như lời cô tự giới thiệu bằng tiếng Anh. Cô nói  giọng mũi, phát âm thật chuẩn như một phụ nữ  Anh quý phái, theo như  nhận xét của đứa bạn thầm thì bên tai tôi ( mặc dù hắn chưa từng gặp một phụ nữ quý phái Anh bao giờ, có thể hắn chỉ được thấy trên phim). Tôi cũng được  cho biết thêm: cô tốt nghiệp Luật khoa và văn chương Anh Mỹ tại Đại học Sài Gòn. Có một điều thật bất ngờ, cô không quá lạ lẫm đối với tôi, vì cô cũng ở  Vạn Xuân, nhà tôi cách nhà cô khoảng chừng 200 m, đi thẳng từ nhà tôi vào, chưa tới chợ Vạn Xuân, rẽ vào cống Phú Mộng. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy cô ngồi trên xích lô đi ngang qua mỗi sáng mỗi chiều, nhưng  tôi  không biết rõ cô là ai, làm gì. Bây giờ, cô trở thành cô giáo của tôi, lòng tôi không khỏi nhen nhúm một chút  hãnh diện và sự kính trọng ấm áp dành cho cô  vì được làm hàng xóm, cũng như  học trò cô.

 

    Tôi nhớ không nhầm, hình như trong buổi học hôm đó, cô đã hướng dẫn  chúng tôi tuần tự  mỗi đứa kể một câu chuyện ngắn , rất ngắn bằng tiếng Anh để cô  nghe  cách phát âm và vốn ngữ vững  của chúng tôi. Thế là cả lớp chúng tôi được dịp cười nghiêng ngữa, vì nội dung chuyện kể hài hước cũng có, hoặc do trình độ chúng tôi còn  yếu kém,  thiếu ngôn ngữ để diễn tả, người trình bày cũng như người nghe giống như hai kẻ điếc đối thoại với nhau

     Trong khi dõi theo những câu chuyện kể của các bạn, tôi  cố moi từ trong ký ức một câu chuyện mà tôi đã đọc  để chuẩn bị đến lượt mình. Cuối cùng, tôi đã nhớ đến một trong những câu chuyện mẹ tôi đã từng kể cho tôi. Đó là câu chuyện mà danh họa  Leonard de Vinci kể cho người mẫu của ông, nàng Mona Lisa, mà mãi sau này  tôi mới biết được xuất xứ của nó.

    Câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, từ khi chưa có thành Rome. Có một người nghèo, sinh được bốn người con trai: ba người con lớn thông minh, dĩnh ngộ. Riêng người em út thì dở dở, ương ương. Suốt ngày anh ta lầm lì không nói, chỉ thích lang bạt giang hồ,  ngắm nhìn dáng vẽ  thơ mộng của núi, sự hùng vĩ của biển, sự bao la huyền bí của bầu trời đêm và luôn trầm ngâm suy tưởng.

    Một hôm người cha, biết mình sắp từ giã cuộc đời, ông cho gọi các con đến bên giường và trăn trối: “Ta chẳng còn sống bao lâu nữa, sau khi chôn cất ta xong, các con hãy đi đến bất cứ chân trời góc bể nào để tìm hạnh phúc, mỗi con hãy học lấy một nghề để nuôi thân được” .

    Làm theo di chúc của cha, họ thỏa thuận với nhau là ba năm sau sẽ cùng trở về khoảng rừng trống quen thuộc mà họ thường đến kiếm củi và sẽ kể cho nhau nghe kết quả học nghề của mình.

    Thấm thoát ba năm trôi qua, người anh cả về trước nhất. Anh học được nghề mộc. Anh đốn một cây to, đẽo gọt và tạc thành hình một cô gái. Người thứ hai về đến, nhìn thấy cô gái bằng gỗ, liền quyết định may cho cô gái một bộ quần áo lụa tuyệt đẹp, vì anh muốn chứng tỏ nghề may của anh tinh xảo thế nào. Người thứ ba cũng về đến, nhìn thấy bức tượng gỗ mặc bộ đồ lụa xinh đẹp , anh nảy sinh ý muốn trang điểm cho cô gái bằng những viên ngọc quý và đồ trang sức tinh xảo, vì anh học được nghề kim hoàn. Riêng người em út trở về mà không học được nghề gì cả. Anh chỉ biết nghe tiếng nói của đất, của cỏ cây, của muông thú. Biết đường đi của các thiên thể và còn biết hát cả những bài ca tuyệt diệu. Anh nhìn cô gái bằng gỗ với áo quần lộng lẫy và trang sức quý giá. Nhưng đúng là một pho tượng không biết đi đứng, không biết cười nói, nghe nhìn. Anh liền vận dụng năng khiếu nghệ thuật của mình  để làm cho cô gái trở nên sinh động. Và anh đã cất tiếng hát; đồng thời thổi linh hồn  vào thân xác của cô gái. Nàng chợt mỉm cười và thở hắt ra một hơi dài..

     Ba người anh lúc đó đang nấp sau bụi cây, chạy ùa về phía nàng và đồng thanh kêu lên:”Ta đã tạo ra nàng, nàng phải là vợ ta”. Nhưng cô gái đã vội nói:”Ai đã tạo ra tôi , xin nhận làm cha. Ai đã may mặc và trang điểm cho tôi xin nhận làm anh. Còn anh, ( cô gái chỉ vào người em  út),  anh đã cho em  có được tâm hồn và đã dạy em biết sống, chỉ riêng anh mới thực sự là chồng em…”

 

      Lớp Đệ nhất B6, Quốc Học niên khóa 1962-1963, một ngả rẽ của Đệ tam B9

    Khi cô giáo xuống nhìn vào sổ, đoán biết sắp đến lượt mình, tôi  chuẩn bị ra khỏi hàng ghế bước lên bảng.  Bất ngờ tiếng kẽng vang lên, cô giáo nhìn xuống chúng tôi mỉm cười, nụ cười  thật  hiền : “ Hẹn các em trong giờ học tới” Cô giáo nói và xấp sổ lại. Một chút hụt hẫng,  nuối tiếc chen lẫn với  cảm giác như vừa trút khỏi một gánh nặng, vì thực ra, tôi cũng không dám tin khả năng mình có thể diễn đạt được câu chuyện mà mình muốn kể hay không. Tôi quơ vội chồng sách vở nhét vào cặp, len lỏi giữa đám đông,  bước thẳng ra cổng.  Mẹ tôi  đang đứng dưới gốc cây phượng đối diện với cổng  phía bên kia đường, đưa tay vẫy tôi.

     Buổi học đầu tiên  của chúng  tôi đã diễn ra như  thế đó! Gần năm mươi  năm qua đi. Những đứa bạn cùng lớp, cùng trường, có thể trước  sau vài  ba năm  ngày ấy  là “những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, là chứng nhân và cùng  gánh nhận  biết bao  khổ đau cũng như hạnh phúc nghiệt ngã của một  thế hệ có  hoàn cảnh lịch sử đặc biệt”.  Bây giờ kiểm  lại không còn mấy đứa, đứa sống  trong nước, đứa định cư ở  nước ngoài, đứa về với cõi vĩnh hằng không một lời từ giã. Vật cứ đổi,  sao cứ dời! Biết nói chi đây?

 

         5.9.1960

 

 

1. Cầu Bạch Hổ: Cầu mang tên Bạch Hổ hoặc Lợi Tế bắc qua sông Kẻ Vạn – con sông đào nối sông Hương với sông An Hòa, tạo nên nhánh phía tây của tuyến thủy lộ gọi là Hộ Thành Hà. Cầu vốn được dựng bằng gỗ khoảng năm Mậu Thìn 1808, đời vua Gia Long. Thoạt tiên, công trình này mang tên cầu Bạch Hổ. Tới đời vua Minh Mạng, năm 1839 cầu được đổi tên là cầu Lợi Tế.                                                                                  

2. Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây, đối diện, bên kia sông là làng Nguyệt Biều. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây có thể nói là ngôi chùa cổ nhất của Huế.

3. Sông Kẻ Vạn: Sông đào ở phía Tây Kinh thành, còn gọi là Hữu Hộ Thành hà, thuộc hai làng Phú Xuân và Vạn Xuân, Kim Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Sông được đào năm 1805 dưới thời Vua Gia Long. Thời ấy, dọc bờ sông là các trại thủy quân, có âu thuyền để neo đậu và tu sửa định kỳ các loại thuyền bè. Sau đó gia đình lính thủy dần dần định cư ven bờ khu vực làng Vạn Xuân, từ đó dân chúng gọi là làng Kẻ Vạn. Cũng từ đó, khu vực này hình thành bến đò và chợ Kẻ Vạn. Sông đào Kẻ Vạn còn gọi là sông Kim Long, sử ghi là Hữu Hộ Thành Hà, Sông Kẻ Vạn phía Bắc cùng với sông Bạch Yến chảy vào sông đào Hữu Hộ Thành Hà, phía Nam thông với sông Hương.

4. Leonardo da Vinci tên đầy đủ là Leonardo di ser Piero da Vinci, sinh ngày 15.04.1452 tại thị trấn Vinci  vùng Tuscan, thuộc thung lũng hạ lưu sông Arno. Ông sống cùng cha là công chứng viên Ser Piero. Ngay từ nhỏ, Leonardo da Vinci đã yêu thích âm nhạc, vẽ và tạo hình. Có một lần, cha của Leonardo mang những bức vẽ của con trai tới nhà người bạn thân là Andrea del Verrocchio - họa sĩ nổi danh ở Florence thời bấy giờ. Verrocchio đã rất kinh ngạc về tài năng thiên bẩm của Leonardo da Vinci và quyết định trở thành thầy của Leonardo.

Từ năm 1470 - 1477, Leonardo làm việc tại xưởng vẽ của thầy. Trong bức tranh “The Baptism of Chirst”, chính Leonardo là người đã vẽ hình thiên thần trẻ quỳ bên dưới giữ áo choàng cho chúa Jesus. Điều này khiến Verrocchio nhận ra rằng tài năng của Leonardo đã vượt xa ông. Và kể từ đó, Verrocchio đã không vẽ thêm một lần nào nữa.

Năm 1472, ông được ghi nhận là một bậc thầy tài năng trong Guild of St Luke - một phường hội họa và y sỹ uy tín. Từ năm 1482, Leonardo da Vinci bắt đầu làm việc như một họa sĩ độc lập và chuyển đến Milano để thực hiện tượng đài kỵ sĩ theo mong muốn của công tước Ludovico Sforza. Bức tượng kỵ sĩ cao 7 mét được hoàn thành vào cuối năm 1493.

Trong khoảng thời gian từ 1495 - 1497, Leonardo vẽ một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của ông, bức bích họa “Bữa ăn tối cuối cùng” trong nhà thờ Santa Maria delle Grazie theo yêu cầu của Ludovico Sforza. Năm 1980 nhà thờ cùng với bức tranh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Tháng 12.1499, Leonardo rời thành phố Milano đến Firenze. Năm 1500, Leonardo được các thầy tu dòng Servite ở nhà thờ Santissima Annunziata, Florence cấp cho một xưởng làm việc riêng. Năm 1502, với tư cách là một kỹ sư và kiến trúc sư phục vụ Cesare Borgia (con trai Giáo hoàng Alexander VI), Leonardo đã đi khắp nước Ý. Sau khi vẽ tấm bản đồ gây ấn tượng của Imola, Leonardo được thuê làm kỹ sư trưởng về quân sự của Cesare. 

Ngày 18.10.1503, Leonardo da Vinci gia nhập Hội đoàn Thánh Luke. Trong 2 năm tiếp theo, ông thiết kế và vẽ bức tranh tường về trận đánh ở Anghiari.

Từ năm 1503 đến khoảng năm 1507, Leonardo hoàn thành bức họa “Mona Lisa” (hay còn gọi là “La Gioconda”). Bức tranh được phỏng đoán là bức chân dung của Lisa del Giocondo, vợ của một người buôn bán tơ lụa tại Firenze. Đôi mắt và nụ cười của nàng Mona Lisa tạo ra một sự bí ẩn, cuốn hút kì lạ. Những cái bóng ở khóe miệng và mắt là lý do khiến chúng hấp dẫn. Cho đến ngày nay chưa một ai có thể sao chép lại được nụ cười trong bức tranh này.

Leonardo da Vinci mất ngày 02.05.1519 tại Amboise, Pháp. Trong cuộc đời của mình, Leonardo Da Vinci còn là chủ nhân của nhiều phát minh và ý tưởng khoa học đi trước thời đại, điển hình như:

5.Mona Lisa: Mona Lisa (La Gioconda hay La Joconde, Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo là một bức chân dung thế kỷ 16 được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence bởi Leonardo da Vinci trong thời kì Phục Hưng Italia. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại bảo tàng LouvreParis, Pháp với tên gọi Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo.

 Bức tranh là một bức chân dung nửa người và thể hiện một phụ nữ có những nét thể hiện trên khuôn mặt thường được miêu tả là bí ẩn. Sự mơ hồ trong nét thể hiện của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt, và sự huyền ảo của các kiểu mẫu hình thức và không khí hư ảo là những tính chất mới lạ góp phần vào sức mê hoặc của bức tranh. Có lẽ nó là bức tranh nổi tiếng nhất từng bị đánh cắp và được thu hồi về bảo tàng Louvre. Ít tác phẩm nghệ thuật khác từng là chủ đề của nhiều sự chăm sóc kỹ lưỡng, nghiên cứu, thần thoại hoá và bắt chước tới như vậy. Một sự nghiên cứu và vẽ thử bằng chì than và graphite về Mona Lisa được cho là của Leonardo có trong Bộ sưu tập Hyde, tại Glens Falls, New York.

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 1761
Ngày đăng: 30.06.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc đời yêu dấu - Nguyễn Đức Tùng
Giới thiệu tác phẩm (23) - Hoa vỡ - thơ của Hoàng Vũ Thuật (HVT) - Từ Sâm
Giới thiệu - tác phẩm (24) - Mùi hương của...cát - Từ Sâm
Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại - Nguyễn Khôi
Văn chương và nghệ thuật - Võ Công Liêm
Trần Dzạ Lữ "Một đời thơ thơm ngọt nước Hương Giang" - Lê Ngọc Trác
Nhớ lại một thập niên văn nghệ giải phóng Tây Đô - Nguyễn Thanh
Tử vi hoa - theo Thần số học - Nguyễn Hồng Nhung
Giới thiệu tác giả - tác phẩm (19) - Tôn Phong - Gửi Phùng Quán - Từ Sâm
Đi tìm địa danh Bình Tuy - Phan Chính
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)