Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.162
123.203.522
 
Bút ký triết học số 05
Nguyễn Văn Thượng

 

 

Trong đời sống, để sáng tỏ một việc gì đó cho người khác thấy hoặc làm cho ai đó tin vào nhận định của mình, thì rất cần đến lập luận, khi muốn người khác ủng hộ lập trường của mình thì cần biện luận, khi muốn đả phá sai lầm trong quan điểm hay thực hành nào đó thì cần đến biện bác. Trên thực tế cuộc sống chỉ có thể tin vào nhận định của ai đó khi nhận định đó có căn cứ đúng đắn, dựa trên những sự thật được thừa nhận. Chẳng hạn, chứng minh tính bền vững thì phải đưa ra luận chứng, lập luận chặt chẽ. Trong khi khẳng định một luận điểm nào đó là đúng sự thật (thay vì nêu bằng chứng), vận dụng lí lẽ, dẫn chứng phải được lựa chọn thật tiêu biểu, trình bày rõ ràng, phong phú càng có sức thuyết phục.

 

Không có con đường tắt nào đi đến thuyết phục triệt để thực sự công luận. Trái lại, lập luận giả tạo, phiến diện và nguỵ tạo lại có thể đạt được tính thuyết phục trên bình diện đại chúng một cách nhanh chóng. Một lúc nào đó, chúng ta nghĩ rằng lập luận của chúng ta trống rỗng và mình đang bị kiểm soát bởi những dữ kiện và lý lẽ sai lầm mang những hậu quả bi thảm đi kèm mà khó bác bẻ được. Người ta thường dựa vào uy thế đám  đông trong những cuộc tranh luận. Thuyết khách thường sử dụng khả năng hùng biện của mình, lợi dụng truyền thống, tình cảm, quyền lợi, thói quen suy nghĩ của đám đông để tranh thủ cảm tình và sự ủng hộ của đám đông đó, tạo áp lực buộc người tranh luận đối mặt phải chấp nhận quan điểm riêng của mình đưa ra. Trong kiểu lập luận dựa vào dư luận, thay cho việc  đưa ra luận cứ và chứng minh luận điểm, thuyết khách cho rằng luận điểm của anh ta là đúng vì có nhiều người công nhận như vậy. Đây là lập luận thường thấy, thể hiện đôi khi xảo ngữ, giả ngôn lại thành tựu, vì nhiều người cho là đúng mà vẫn chưa đảm bảo tính  đúng đắn chân thật của luận  điểm; nhiều người chấp nhận luận điểm ấy vì nó hợp cách suy nghĩ, hợp tầm hiểu biết của họ.

 

Thường thấy, lập luận xã hội đôi khi dựa trên sức mạnh số đông. Ví dụ, trước con đường nhà tôi, thiên hạ vứt rác bừa bãi. Có người quăng rác ra đường cách công khai, có người lẻn bỏ vào giữa đêm, nếu chẳng may bị nhân viên thu dọn đường phố nhắc nhở thì gân cổ lên:  “Ở khu phố này, người ta làm vậy, có sao đâu?”. Đó có phải lập luận đúng? Không, đó là nguỵ biện và rất nguy hiểm khi nó ăn sâu vào tập quán thiếu trách nhiệm vệ sinh công cộng. Ngụy biện được sử dụng rất nhiều trong đời sống xã hội. Đó là những cách lập luận quanh co, đánh đổi khái niệm, mơ hồ nước đôi, phản logic khiến người khác phải hiểu sai sự thật. Tuy nghe có vẻ đúng nhưng ẩn sâu là thói quen dối trá cố ý và đầy thủ đoạn. Cũng có lúc, nguỵ biện không quá phức tạp như vậy, mà ngay cả chính bản thân chúng ta đã ngụy biện mà không hề biết là mình ngụy biện.

 

Lập luận giỏi đóng vai trò quyết định thành bại cũng khá lớn; nhưng nhiều khi trong tranh luận để đi tới sự đồng thuận, lập luận giả cũng được xen vào khiến con người ta tư duy theo lối mòn, lập luận thiếu sắc bén, vô căn cứ, thường đuối lý mà không biết rằng mình đang đuối lý, để rồi cuối cùng nói những lời có phần xúc phạm người khác. Đó cũng chính là lý do chúng ta lại có thuật ngữ "anh hùng bàn phím", ám chỉ những thanh niên tay gõ ra toàn những lời lẽ thiếu căn cứ, mang tính xúc phạm là chủ yếu. Để thành công trong lập luận, phản tính và nắm vững lý chứng, nguyên tắc suy luận có vai trò vô cùng to lớn. Nhận thức đúng đắn và bác bỏ nguỵ biện trong đời sống mới có thể giúp tiến bộ. Lập luận chính đáng được hỗ trợ cách trực tiếp nhờ quan sát, làm thí nghiệm, trải nghiệm, nhờ lượng thông tin tiếp nhận từ thực tiễn. Để có được lập luận hiệu quả, phải rút ra nhiều thông tin khác từ các thông tin đã có, tức là phải suy luận. Với một tinh thần tư duy, mỗi người đều có thể có tầm nhìn xa, nhìn rộng, luôn nhìn lại chính mình cách khách quan nhất để vượt lên. Lập luận khách quan, khoa học với niềm tin từ kho tàng tri thức và tài nguyên vô giá là sự kiên trì học hỏi và khai thác tốt những nguồn thông tin từ cuộc sống sẽ là nguồn lực hỗ trợ khắc phục khiếm khuyết quá khứ và lớn lên từ mọi thất bại để vươn đến những mục tiêu lớn lao, cao thượng với khao khát dồn sức, dốc lòng nắm bắt mọi vận hội để phát triển.

 

Nếu trong đời sống người ta thích biện bác hơn tư duy thì sẽ dễ nghiêng về nguỵ biện hơn là lập luận khách quan và thực tế. Điều đó giải thích phần nào nhiều kẻ thắng được lời nói nhưng hiệu quả thuyết phục nhân tâm thì chưa đạt mức tối ưu. Thông tin đa chiều, góc nhìn rộng, phương pháp khoa học rất thuận lợi cho những lập luận đích xác mang lại sự tiến bộ, nắm bắt vận hội của chính mình. Người có đầu óc lập luận hiệu quả luôn luôn ý thức phải biết nhìn lại mình, biết học hỏi, biết nhận ra sự thật, nắm lấy cơ hội và đặt mục tiêu phát triển đúng khả năng của mình. Óc tư duy luôn luôn buộc người ta nghĩ lại xem đã cập nhật được những điều mới mẽ hay chỉ khư khư ôm lấy quá khứ không đón nhận đổi thay tất yếu. Mọi thứ ngày nay đều thay đổi rất nhanh, khó có gì tuyệt đối đúng mãi mãi, lập luận cũng không thể theo chủ quan hay quá khứ mãi. Óc phê bình, biện luận thường không hài lòng với quá khứ, không cố giữ mô hình cũ, không để cho mình ngủ quên trên chiến thắng.

 

Nhưng, dù lập luận giỏi, thu hút dư luận đồng tình thế nào cũng không bằng lập luận xuất phát từ lòng thành thật, luôn luôn bao giờ thành thật thì mới có khả năng vững bền. Lập luận giỏi, nắm được nhiều kiến thức, thu được nhiều cảm tình công luận mà chủ trương lọc lừa, xảo trá, gian ngoa sẽ chuốc lấy thất bại. Tự nhiên mọi người cũng sẽ dần dần thấy ngay một nguyên lý chung, tính đứng đắn, chân thành, luôn luôn biết tôn trọng những quyền lợi người khác và giữ cho mình một sự chân thành tuyệt đối cùng với những người chung quanh mới nắm được quy luật tồn tại. Vì thế lập luận cho chân lý là một chuyện đương nhiên để thành công.

 

Để bảo toàn được thiên chức làm người của cá nhân là nguyên tắc đầu tiên, chính lòng chân thành là nêu cao nhân cách. Con người nếu sống trong xã hội, vấn đề chân thành càng phải được bảo toàn. Lập luận, nói năng, ứng đối để chung quanh khâm phục khởi phát từ tấm lòng thành thật, từ chuyện khâm phục lòng thành thật trong lập luận, mới có thể nói đến những vấn đề mật thiết lâu bền. Lập luận thành công chính là chân thành tuyệt đối và chỉ có tồn tại trong sự thật, mới đem đến chiến thắng thực sự trong đời.

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 1934
Ngày đăng: 14.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút ký triết học số 04 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 3 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 2 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 01 - Nguyễn Văn Thượng
Hư vô qua tư duy triết học - Võ Công Liêm
Albert Camus, 50 năm sau ngày mất (1960-2010). Ông hoàng của triết học Phi lí - Hiếu Tân
Martin Heidegger "Sự thật của hiện hữu" - Võ Công Liêm
Kant "Một lối phê bình triết học" - Võ Công Liêm
Tình yêu triết học - Võ Công Liêm
TRIẾT HỌC NGHỆ THUẬT - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả