Lời thưa của tác giả: Lại Giang và Côn Giang là tên của hai con sông chính chảy qua một vùng bình nguyên Trung Việt. Tác giả muốn dùng tên của hai con sông này để thay cho địa danh của một miền quê cũ yêu dấu của mình - nơi chan chứa, lung linh những huyền thoại về Võ Thuật...
Xứ Lạc Việt, nước Văn Lang thời bấy giờ, thanh thiếu niên, học sinh ở các trường Trung Học, thường không bị lệ thuộc vào những tổ chức có tính cách chính trị, tuyên truyền như các hội đoàn, hay đảng đoàn mà chúng ta thường thấy sau này. Lúc bấy giờ có ba khuynh hướng, phong trào có tính cách tự phát trong đám thanh thiếu niên phải kể là phong trào: lưu bút ngày xanh, luyện tập võ nghệ, và thành lập các thi văn đoàn.
Học sinh trong trường trước khi nghỉ hè thường mua một cuốn tập bìa cứng, đẹp, mỏng dày tùy ý, chuyền cho những người bạn trong lớp mình để viết những trang cảm nghĩ, những lời nhận xét, những kỷ niệm về trường lớp, những mảnh vụn tâm tình về mình, về bạn bè trước khi chia tay về nhà nghỉ Hè trong 3 tháng.
Những trang lưu bút được chép tay thời bấy giờ cũng thiên hình vạn trạng. Có bạn đem về nhà nghiền ngẫm nắn nót viết bằng viết lá tre chấm vào bình mực tím để trang viết của mình trông cho thêm mỹ thuật, mộng mơ. Dùng ngòi bút lá tre chấm mực, khi viết nét chữ đưa lên hay kéo xuống, nặng nhẹ, đậm lợt khác nhau làm cho bài viết trở nên nắn nót công phu, trông có vẻ lung linh hơn. Có bạn lấy một cánh hoa khô ép vào trang sách để tặng nhau rồi ghi lại những dòng thơ học trò ngộ nghĩnh.
Nghỉ Hè! Học trò nào nghe hai tiếng trên mà không thích! Trong cái thích của sự tự do không bị ràng buộc về bài vở, lại được gần gũi bên gia đình, cha mẹ anh em, tuy cũng có mang chút ít vấn vương về trường xưa bạn cũ! Rồi đây mình sẽ có được 90 ngày tự do rong chơi cho thõa chí, muốn làm gì thì làm, muốn lội xuống đồng câu cá bắt cua, muốn lên non trui rèn thêm võ thuật, hay theo bạn chài ra biển chèo ghe...Thời gian này không còn mệt nhọc, lo lắng, bận rộn chuyện học hành nữa.
Để nói lên tâm tình của những cậu học trò nhỏ xa quê ra tỉnh học vào những dịp nghỉ Hè, Xuân Tâm trong tác phẩm lời chim non đã ghi lại những cảm xúc của mình lúc xa trường xa bạn để về quê sau một năm cùng nhau mài đũng quần trên ghế nhà trường, nay đọc lại đây chúng ta thấy cũng không quá đáng chút nào.
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết
Đoàn chim non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.
Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ
Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt
Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
(trích Nghỉ Hè trong tập Lời Chim Non của Xuân Tâm)
Dịp nghỉ Hè ở Qui Thành của tỉnh Bình Đê thuộc nước Văn Lang thời bấy giờ chắc cũng tương tự như những ngày nghỉ Hè ở các nơi khác. Mỗi năm cứ đến mùa Phượng Vĩ, hoa phượng nở đỏ cả một vùng trời là anh chị em các bạn của Thuận chuyền nhau lưu bút. Thuận còn nhớ trong lớp có một người bạn tên Cường hiền lành ít nói, cũng ở quê lên tỉnh học. Nhà trọ của Cường gần trường lại có một cây trứng cá, tỏa bóng mát sau hè, cả bọn học trò nhỏ cùng lớp thường hay tụ họp dưới tàn cây trứng cá này mà nói chuyện trên trời dưới đất trước khi cùng nhau đi vào lớp học. Trong tập lưu bút Cường viết cho Thuận rất dong dài nhưng chỉ có một chi tiết bằng một hàng ngắn gọn như sau đã làm cho các bạn trong lớp đọc qua hết sức chú ý:
- ...Hè này mình sẽ dành trọn 90 ngày theo ông Nội học đường roi nghịch..."
Như các bạn đã biết, cuốn lưu bút cầm tay thường được chuyền tay nhau viết nên những dòng viết của người viết trước, ngoài chủ nhân của cuốn lưu bút ra, thì những dòng chữ này cũng được các bạn viết sau đọc được. Đây là chỗ của các bạn của Thuận có dịp đọc được lời tâm sự tỉ tê mà Cường đã dành cho Thuận, và rồi các bạn trẻ này lại dùng những dòng chữ này và phá cái thực tâm non trẻ của Cường đã vô tình tiết lộ, nỉ non với Thuận.
- Chà! Thằng này biết võ mà lâu nay giấu im ỉm, không cho ai hay! Có đứa lại nói.
- Thằng này coi bộ nhà quê, biết võ cua võ còng thì có, võ nghệ gì mà dám nói đường roi thuận nghịch, thiệt là tào lao hết chỗ nói rồi!
- Thằng này lên hạng giỏi rồi, đường roi thuận học 6, 7 năm chưa hết nay còn đòi học đường roi nghịch nữa mới bảnh chứ!
Thậm chí có đứa còn phá tợn hơn, thấy áo của Cường bị rách bên hông nó còn xé to ra thêm coi thử thằng này có nóng mặt lên mà xổ võ ra coi chơi. Mấy đứa bạn có đứa còn bẹo tai, vuốt mũi nhưng không thấy Cường phản ứng gì nên dần dần chúng cũng tha Tào mà bỏ qua cho Cường lỡ dại thố lộ tâm tình của mình lên lưu bút của Thuận ngày nào. Chỉ nghe Cường phàn nàn.
- Thôi đừng xé áo tao nữa, nó rách ra thêm ngày mai vào lớp áo rách to coi kỳ lắm, coi chừng bị thầy phạt đuổi ra khỏi lớp, bắt về thay áo khác cũng không chừng, mà tao thì không còn áo nào khác để thay.
Thực ra mẫu tâm tình của Cường là chuyện thiệt. Cường quê gốc An Vinh.
"Trai An Thái, gái An Vinh..." hay "Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh."
Những địa danh, An Thái, An Vinh, Thuận Truyền, Tuy Phước, Nhơn An, Hàng Rang, Bàng Châu, Đập Đá, Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn, An Lão, Vân Canh... ở tỉnh Bình Đê này đều là những địa danh có thiệt và cũng là những làng võ nức tiếng một thời. Thanh niên , trai tráng trong làng quê xóm nhỏ ai ai cũng đua đòi học võ đến độ quên ngủ, quên ăn. Nói đến địa danh An Thái mà nhắc đến võ thuật phải nhắc đến ông Tàu Sáu, có tục danh là Diệp Trường Phát. Nói đến võ nghệ, phải gia công luyện tập, không chuyên cần luyện tập dầu có giỏi đến bao nhiêu, bỏ lâu cũng đành bỏ sông bỏ biển mà thôi.
Trong lời Khuyên Học Trò, ông Tàu Sáu có dặn rằng:
Anh em luyện tập phải gia công,
Bày vẽ như ri đã hết lòng.
Qua lại đừng quên tay chích phụng,
Tới lui nên nhớ ngựa song long.
Đơn đao tuy chắc e còn nhẹ,
Thất bộ theo bồi thế mới xong.
Trong cuộc giữ gìn cho kín đáo,
Còn bao nhiêu thức nói cho cùng.
(Trích thơ của Diệp Trường Phát.)
Nói đến luyện tập phải nhắc đến thời gian, mà dụng cụ đo đếm thời gian điều cần nhất phải có là cái đồng hồ.
Lúc bấy giờ không có ai là có được chiếc đồng hồ. Rất ít người có được món hàng xa xỉ này. Để đo đếm thời gian người ta dùng một cây nhang. Học võ cũng như tát nước, nhổ cỏ, cày ruộng... hay công việc gì khác người ta đốt cây nhang lên để làm mức thời gian. Đứng tấn cho hết một cây nhang, tát nước cho hết cây nhang là có người khác ra thay. Trong các bạn cùng lớp của Thuận, ai có đồng hồ trên tay đều được coi như có tài sản lớn trong mình.
Thuận bạn của Cường, cũng là cậu học trò nghèo từ quê lên tỉnh, nhưng may hơn những cậu học sinh khác chàng được ở trọ học tại nhà người cậu của mình có tên là ông Thừa Bích. Đối với con cháu trong nhà ông không lấy tiền nhà chỉ cần một hai tuần về quê chở lên bao gạo là đủ. Nghe người ta kể lại rằng vào cái thời của ông, thời Pháp thuộc, khi đậu bằng Diplôme xong, học trò có hai đường lựa chọn. Một là ra làm quan Nam Triều, tức là làm công chức cho phía nhà Vua thì gọi là Thừa Phái, nếu ra làm với Pháp quốc thì gọi là Thầy Thông (tức Thông Phán, Thông Ngôn.)
Lúc bấy giờ ông Thừa Bích được bổ làm Thừa Phái tại huyện Sông Cao, tỉnh Phú Dành. Vừa xa nhà lại còn trẻ nên ông thường ngụ tại huyện đường để trực tiếp giải quyết những chuyện thường ngày của huyện.
Một đêm nọ ông nghe đám lính trong huyện đồn rằng họ vừa bắt được một tên cướp, giỏi võ, ở tỉnh Bình Đê vào trong này ăn cướp và hiện đang giam trong nhà giam của huyện mình. Vừa tò mò, vừa nghĩ tình đồng hương nên ông cho lính giải phạm nhân lên cho ông hỏi việc.
Khi gặp tên cướp, ông nhận thấy người coi cũng đậm thấp, khuôn mặt trông hiền hậu, không hung ác gì mà sao lại chọn nghề ăn cướp. Cách nói năng nhỏ nhẹ, ăn mặc trông giống như một nông dân nơi quê cũ của ông. Tuy lớn tuổi hơn ông, nhưng lời lẽ lễ phép, hết sức biết điều và có vẻ hối hận về việc làm của mình.
Sau nhiều đêm gặp gỡ tâm sự, hai bên như đã hiểu nhau. Ông Thừa thì trong bụng cũng muốn giúp đỡ người đồng hương bị nạn được tha về sớm, còn tên cướp thì cảm phục cái thần thái uy nghi của ông Thừa nên hai bên có nhiều thông cảm. Từ từ tên cướp mới thố lộ tâm tình. Ông ta tên thiệt Hồ Ngan quê ở An Vinh, biết võ từ khi còn rất nhỏ, do cha mẹ truyền lại. Đường roi của ông là tuyệt kỹ! Thấy ông giỏi võ nghệ bọn cướp rủ ông đi theo, ông không trực tiếp cướp của người ta mà chỉ xuất hiện khi nào bị người dân đuổi bắt. Lúc ấy bọn cướp bỏ chạy trước, còn ông đứng lại đàng sau dùng côn, roi của mình mà múa lên vùn vụt cho bà con sợ hãi hoảng hốt không dám chạy theo bắt chúng. Tóm lại ông chỉ phụ trách ông việc chận (đoạn) hậu. Ông kể cho ông Thừa nghe rằng khi ông múa roi chỉ thấy lằn roi chứ không hề thấy bóng người. Đường roi của ông như vũ bão không ai dám lại gần, nhưng trận vừa rồi quyền, cước, côn, roi làm sao chịu nổi súng đạn của Tây!
Ông Thừa Bích thấy Hồ Ngan chẳng qua là một hảo hán gặp nạn, nên cũng thương tình. Ông khuyên lần này nếu được cho về sớm thì đừng theo đám ăn cướp mà làm chuyện bậy nữa. Lo chí thú làm ăn, luyện tập võ nghệ để giúp đời, chứ đừng hại đời. Để cảm kích cái tình tri âm tri kỷ, Hồ Ngan nổi hứng muốn dạy cho ông Thừa Bích một bài thảo cổ truyền để kỷ niệm về sau. Bài thảo roi mà ông Thừa Bích học được của Hồ Ngan là bài thảo Thiền Sư.
Mấy mươi năm sau, khi về sống tại Qui Thành, những đêm trăng sáng ông Thừa Bích đem côn ra múa lại bài này cho con cháu xem và đọc khẩu quyết như sau:
Bài Thiệu của Thảo Thiền Sư
Chấp thủ song âm, bái tầm long thế
Hoành khai hổ khẩu phục địa lôi
Lang thiên thám thỉnh hồi tam chiến
Lập bộ lôi công phá ngũ môn
Thối bộ song khai xà lang nghịch
Lão ông thám thỉnh lập trung thiên
Tấn nhứt thiền kiên liên thủ thế
Long hồi thối bộ phóng trường thương
Lạn đả tàn dâng kinh thiên chấn địa
Long hối ngọc chuẩn sào phủ đả ngư (ngưu.)
Bái tổ sư
Lập như tiền.
(Chú thích: Tác giả ghi lại theo trí nhớ, không biết đúng sai. Sau này có tra cứu thêm các bài thiệu võ thuật nhưng không thấy bài nào có khẩu quyết như trên. Mục đích ghi lại này để ngày sau có ai biết được mà bổ túc cho đầy đủ, để lâu không ai biết, sợ bài thiệu bị thất truyền.)
Ở đây cũng nên nhắc lại những kỷ niệm mà Thuận có được trong những năm trọ học tại nhà người cậu này. Nhà của cậu mợ Thừa nằm trên một trong bốn lô đất song song bên nhau mà những chủ nhân của ba lô đất còn lại đều là những bà con anh em của mợ Thừa. Bốn lô đất này nằm quay mặt ra đường Lê Lai. Nằm đấu lưng của bốn lô này là bốn lô đất khác mà chủ nhân cũng loay hoay trong dòng bà con của mợ Thừa và quay mặt trông ra đường Ngô Vương. Hai căn nhà bìa của tám lô đất nói trên đều cất gần hết phần đất của mình. Chỉ còn bốn lô đất giữa đều cất lưng chừng nửa lô nên khoảng giữa phần đuôi sau của tám lô đất nói trên còn một vùng đất trống, có xây một cái giếng để cho tám căn nhà dùng chung và trồng vài cây mãng cầu dai làm cảnh cho vui. Chính khoảng đất trống này là nơi ông Thừa thỉnh thoảng vào những đêm trăng sáng rút côn ra múa võ cho con cháu coi chơi.
Một lô đất trong số bốn lô quay ra đường Ngô Vương là lô đất trống. Vào những năm tháng đó chiến tranh, giặc giã nổi lên tứ tung, vùng quê không còn yên bình nữa. Dượng Thái là em rể của mợ Thừa cho cất nhà thật lớn trên lô đất trống nói trên. Nhà có nhiều phòng, vừa để dành cho thuê và làm nơi trú ngụ cho cả gia đình đông đảo của dượng. Dượng Thái khi cất nhà ông không dùng thợ tại Qui Thành mà gọi nguyên đám thợ ở dưới quê lên để bàn tính chuyện cất nhà. Nhà xây ba tầng đổ bê tông cốt thép. Đám thợ dưới quê lên là đám thợ nhà quê, thường thì chỉ biết xây nhà lá mái hay nhà ngói bằng vôi theo kiểu cũ, nhưng không hiểu sao đám thợ này lại biết xây nhà theo bê tông cốt thép là kiểu mới du nhập vào tỉnh này trong vài năm gần đây thôi.
Đám thợ kể cũng đông chừng khoảng hai chục người, vừa ăn vừa ở tại chỗ để làm nhà cho dượng Thái. Dượng Thái khi xưa nghe nói có làm thầy thuốc và dạy học trò trong làng nên thường nghe đám thợ gọi dượng bằng anh Giáo. Nói đến dượng Thái, Thuận có nhận xét rằng người dượng này có lối xử thế rất hay, trong làng qua những người thợ theo dượng lên xây nhà ai ai cũng đều mến phục, không phân biệt là quốc gia hay là cọng sản, ai dượng cũng đối xử thân tình, tuy không thích cọng sản, không thể ở lại trên quê, cũng bỏ nhà cữa ruộng vườn mà chạy, nhưng dượng cũng không làm gì để mất lòng mấy ông thuộc giai cấp công nông này.
Trong đám thợ nói trên có một anh tên Chi, cỡ tuổi hơn 30, trung niên, biết đờn cò. Cứ đêm đêm buồn hay nhớ nhà không biết anh thường đem đờn cò ra kéo ò e cho đám con nít trong xóm có cả Thuận ngồi nghe.
Những đêm ông thừa Bích nổi hứng đem roi ra múa thì anh Chi cũng như một vài anh em khác trong đám thợ ngồi xem. Có một anh thợ khác trong nhóm tên Minh cũng đôi khi bàn tán võ nghệ và anh cũng hứng lên tự mình ra múa bài Ngọc Trản và đọc khẩu quyết nguyên thủy như sau:
Ngọc trản ngân đài
Tả, hữu tấn khai thập tự
Liên diệp liên hoa
Đả sát túc, tọa, hồi mai phục
Tấn đả tam chiến
Thoái thủ nhị linh
Hoành tả, tọa, bạch xà lan lộ
Hữu hoành sát thanh long biên giang
Phụ tử tương tùy
Hoành hữu, tọa, bạch xà lan lộ
Tả hoành sát thanh long biên giang
Phụ tử tương tùy
Hồi tàng địa hổ
Song phi, triển dực
Hạ bàn đoản đả
Hồi tiễn tọa khai cung
Huỳnh long quyển địa
Tấn đả song quyền
Hoành tả, phục hạc khai linh
Trực tiền quyển địa
Tấn/tiến đả song quyền
Hoành hữu, phục hạc khai linh
Trực tiền quyển địa
Tấn, đả song quyền
Hướng, hậu đả thập tự
Diện tý
Hồi, tẩu mã giang tiên
Bái tổ, lập như tiền
Anh Minh cũng chịu khó dịch nghĩa như sau:
Chén ngọc đài bạc
Tiến, mở thế thập tự bên trái và bên phải
Liền lá liền hoa
Đánh sít chân, tọa thế "hồi mai phục"
Tiến, đánh ba bận
Lui, hai tay sắc sảo
Xoay trái, tọa thế "Bạch Xà lan hộ"
Chém ngang bên phải bằng thế "Thanh Long biên giang"
Thế cha con nương tựa nhau
Hoành bên phải, tọa thế "Bạch Xà lan hộ"
Hoành bên trái quét thế "Thanh Long biên giang"
Thế cha con nương tựa nhau
Trở về thế rắn hổ đất núp
Đá song phi rồi thế chim cuốn cánh
Đánh vắt mâm dưới
Về, tọa, xổm mở cánh cung
Thế rồng vàng cuốn đất
Tiến đánh hai đấm
Xoay trái, thế "phục hạc khai linh".
Thế cuốn đất, đánh thẳng phía trước
Tiến đánh hai đấm
Xoay phải, thế "phục hạc khai linh"
Thế cuốn đất, đánh thẳng phía trước
Tiến đánh hai đấm
Chuyển phía sau đánh thế chữ thập
Mặt nhìn hướng Tý (hướng Bắc)
Trở về thế "tẩu mã giang tiên"
Bái tổ, đứng như trước.
(Trích bài thiệu Ngọc Trản Thần Công.)
Khi nghe anh Minh đọc khẩu quyết của bài quyền Ngọc Trản chỉ nghe anh Chi đọc khác như sau:
Ngọc trản ngân đài
Tả hữu tấn khai
Liệng diệp liên ba
Hoành tả tọa
Đả sát túc tọa hồi mai phục
Song phi triển dực
Thoái thủ nhị linh
Hoành tả tọa, bạch xà lan lộ
Hoành hữu tọa bạch xà lan lộ
Phụ tử tương tùy
Hữu hoành sát thanh long biên giang
Tả hoành sát thanh long biên giang
Hồi tàng địa hổ
Tấn đả tam chiến
Hồi tiễn tọa khai cung
Huỳnh long quyển địa
Đoản đả hạ bàn
Hoành tả phục khai linh
Hoành hữu phục khai linh
Trực tiền quyển địa
Hướng diện Tý, hậu đả thập tự
Hồi tẩu mà giang tiên
Bái tổ sư lập như tiền.
Anh Chi giải thích rằng:
- Học võ cũng như học văn, khi mới bắt đầu ai cũng phải học chữ cái cho thuộc, xong đến khâu ráp vần rồi mới tập đánh vần, khi đánh vần xuôi, vần ngược xong (thuận, nghịch) mới bắt đầu tập đọc rồi viết chính tả, rồi mới học kim văn, cổ văn, thi, phú rồi mới học dần đến triết lý văn chương. Khi xưa những ông tổ của các bài quyền đều là những người có học vấn uyên thâm và võ công thuộc hạng thượng thừa. Khi lập thiệu cho một bài thảo quyền hay côn họ đều nhắm vào hai mục đích, thứ nhất từng câu đều là những thế đánh riêng biệt mỗi thế đánh có câu thiệu kèm theo mục đích là cho đệ tử dễ nhớ, và mục đích thứ hai là khi đọc lên nghe phải thật hay thì bài thảo phải có vần điệu như thơ. Cho nên khi anh học ông thầy có giải nghĩa chỗ này và nói rằng bài quyền ngọc trản là một bài cổ thi (thơ cổ) chứ không phải vần điệu khúc khắc khó thuộc như anh Minh đã đọc. Không ai biết hai bài thiệu trên ai trúng ai sai, nhưng đọc qua bài thiệu mà anh Chi nói ai cũng công nhận vần điệu hay hơn và dễ thuộc hơn. (Chú Thích: Theo Võ Sư Phan Siêu, thì bài thiệu của quyền Ngọc Trản Thần Công là một bài Từ của danh tướng Lý Thường Kiệt, không biết đúng sai, cũng nên ghi lại nơi đây để rộng đường dư luận.)
Công việc cất nhà của dượng Thái cứ tiến hành theo nhịp của đám thợ quê, chừng hơn ba tháng sau thì đã đổ bê tông trên nóc của lầu ba. Một buổi chiều sau khi đi học về thì Thuận cùng thằng Tích con dì Tích nhà bên và mấy đứa trẻ trong xóm rủ nhau lên lầu ba coi thợ đổ cốt pha. Trên lầu ba lúc này thì gạch đá tùm lum, sắt thép lởm chởm, ông thợ cả thường rầy la đám con nít không được trèo lên đây chơi rủi té ngã thì nguy. Trong lúc mấy người làm tiểu công trộn hồ cho anh Chi cùng các thợ khác đổ bê tông, thì thằng Tích không biết lớ ngớ làm sao chạy tới chạy lui vấp ngã và từ trên từng ba rơi xuống đất. Anh Chi đang cầm chiếc bay trên tay để chuẩn bị công tác đổ hồ, chỉ thấy anh vất chiếc bay sang một bên và anh như con chim én vụt bay theo thằng Tích mà rơi xuống đất. Anh rùn hai chân khi chạm đất và đưa bàn tay phải ra đỡ lưng cho thằng Tích rồi nhẹ nhàng để thằng Tích xuống. Thằng Tích mặt xanh lè, cắt không còn giọt máu, vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nếu không có bàn tay nâng đỡ của anh Chi. Sau khi đỡ thằng Tích xuống anh Chi dặn rằng đây là chỗ làm con nít chạy chơi dễ gây tai nạn lắm, đừng lên chơi chỗ này nữa.
Đêm ấy, má thằng Tích cùng dì Thái nghe đám thợ kể lại chuyện xảy ra, hết lòng cảm tạ cử chỉ nghĩa hiệp của anh Chi. Nếu không có anh Chi bay xuống đỡ thằng Tích thì chắc giờ này nó phải nằm trong nhà thương và không biết sống chết thế nào. Hai dì, má thằng Tích và dì Thái cấp tốc ra chợ mua cho anh Chi một thùng xoài tượng trái nào trái nấy thật to biếu anh Chi để đền ơn. Chỉ nghe anh Chi nói:
- Thấy người dưng gặp hoạn nạn nếu mình giúp được thì giúp huống chi đây lại là người nhà của mình. Em làm công cho anh Giáo mà thấy cháu anh gặp hoạn nạn chẳng lẽ ngồi nhìn, hai chị biếu xén lễ nghĩa làm chi cho em thêm tổn đức. Chẳng lẽ em không lấy thùng xoài, nhưng hai chị đã có lòng cho, thôi thì cứ chia nhau cho anh em mỗi người một trái để lấy thảo.
Đêm ấy mấy đứa trẻ trong xóm, bạn bè của Thuận ai cũng năn nỉ anh Chi dạy võ. Ai cũng khen anh Chi thủ pháp quá nhanh, hay còn hơn mấy ông trong gánh hát xiệc sơn đông mãi võ nữa. Chỉ thấy anh cười cười rồi nhắc khéo rằng:
- Đó chẳng qua là phép "Liệng diệp liên ba huỳnh tả tọa trong thảo Ngọc Trản Thần Công" đấy mà! Liệng diệp tức là chiếc lá bay trong gió, mấy em sau này học thuộc sẽ làm được như anh chứ có khó gì! Mấy em ai muốn học võ phải cúng tổ một con gà giò thì anh mới dạy cho.
Một tháng sau thì nhà cất xong xuôi, cả bọn nhóc của Thuận không thấy ai cúng con gà giò mà anh Chi cũng chẳng dạy ai, và rồi cuối cùng thì anh cũng theo đám thợ mà trôi giạt về đâu chẳng biết, chỉ còn để lại trong lòng bọn trẻ trong xóm một nỗi nhớ thương một người anh vui tính thường kéo đờn cò!
Nghỉ Hè xong, Thuận gặp lại Cường có hỏi trong ba tháng Hè vừa rồi mầy có học võ với ông Nội của mày hay không, làm ơn chỉ cho tao vài miếng đặng dùng để phòng thân. Chỉ thấy Cường cười cười không nhắc đến võ nghệ nữa. Một buổi chiều khi tan trường về lẽ ra Cường về nhà luôn vì nhà Cường ở gần trường nhưng hôm nay Thuận rủ Cường ra quán Bạch Tuyết ăn kem. Hai đứa vừa qua khỏi khúc đường Võ Đông Sơ thì thấy có hai người bạn nữ cùng lớp là Hương và Hồng cùng đi trên đường Võ Đông Sơ để về nhà. Hương, Hồng đi trước, Cường và Thuận lẻo đẻo theo sau. Vừa qua khỏi một quán Bar bán rượu trên ngả tư của đường Võ Đông Sơ và Tăng Bạt Cọp thì trong quán có một người quân nhân ngoại quốc say rượu từ trong quán Bar bước ra. Người lính này cao to vừa đưa tay tính ôm hai người bạn gái Hương, Hồng nhưng cả hai cô đều né kịp. Kịp đến khi Thuận và Cường vừa trờ tới. Hương, Hồng lật đật chạy về phía hai người bạn cùng lớp và núp sau lưng. Tên lính ngoại quốc khi vồ hụt hai cô gái, lại thấy có hai cậu học sinh đứng chận trước mình. Tên lính liền xoay qua trút nỗi giận lên đầu hai học sinh bé nhỏ, chỉ đứng chưa tới vai của tên lính ngoại quốc này. Tên lính cung tay đấm một quả thôi sơn về phía Cường. Như có chuẩn bị từ trước, Cường đưa bàn tay nhỏ của mình lên nắm chặt vào cú đấm của đối phương và vặn mạnh về bên phải, chân phải Cường đưa lên tạt mạnh vào hai chân của tên lính, chỉ thấy tên lính tung người lên cao ngã lăn tròn theo cú vặn mạnh của Cường và té trên mặt đường nằm một đống. Cường điểm mặt tên lính và xổ liền một câu tiếng Anh không biết nó đã học thuộc khi nào, nó vừa điểm mặt người lính ngoại quốc vừa nói:
-We are students at C Đ high school. You come here as friend or ally , not an invader or ruler; otherwise we will drive you out of this land at any cost!
(Xin mạn phép dịch nghĩa: Chúng tôi là học sinh của trường Trung Học CĐ. Anh đến xứ chúng tôi như là một người bạn hay một người đồng minh, không phải là kẻ xâm lăng hay người thống trị; nếu không chúng tôi sẽ đuổi anh ra khỏi xứ sở này với bất cứ giá nào!)
Mặc cho tên lính nằm rên rên trên đường, bốn người bạn học trò bỏ đó mà đi. Hương, Hồng đi về phía nhà Thờ còn hai người bạn nhỏ quẹo ra phía rạp hát trong thành phố và vào quán kem Bạch Tuyết. Khi đang ăn kem Thuận hỏi Cường sao mầy gan quá vậy mầy dám chống lại tên lính to con gấp hai tụi mình. Cường chậm rải cắt nghĩa.
- Sức tụi mình không chống lại sức mạnh của nó đâu. Đây chỉ là dùng sức của nó để đánh lại nó mà thôi. Khi nó tung cú đấm ra, nó dồn sức vào trong cú đấm, tao dùng lòng bàn tay chụp lấy cú đấm của nó và xoay, khi xoay tức là mình đã mượn sức nó xoay cả con người của nó và cú tạt chân ngang là dùng sức nó để làm cho nó mất thăng bằng và bị té lộn mèo. Nếu nó không té theo chiều xoay của tao, hổ khẩu của nó sẽ bị gãy bỡi sức mạnh của nó đánh ra. Trong võ thuật người ta thường dùng sức địch để đánh địch là vậy. Động tác khi đưa ra phải thật chính xác và nhuần nhuyễn. Chừng nào mày bái tao làm sư phụ thì tao mới dạy cho. Cường tuy dạng người ít nói khi có người lạ, nhưng đối với bạn bè thân thì đôi khi anh chàng này cũng cứ tía lia.
- Môn phái của mày có được thằng đệ tử như tao thì phúc ba đời cho môn phái của mày rồi! Mày không chịu dạy không cho tao thì thôi, kẻ học giỏi như tao sức mấy mà chịu bái mày làm sư phụ!
- Mày học giỏi cái búa, chứ học giỏi gì! Để tao giảng khoa học cho mầy nghe mà mở rộng tầm mắt nghe con. Vừa rồi tên lính ngoại quốc đưa tay đấm thẳng về phía chúng mình, sức mạnh đó có thể ví như một lực đi thẳng về phía trước, giả dụ như sức mạnh của một mũi tên. Nếu chúng ta dùng vật cản để đương cự lại thì mũi tên sẽ xuyên phá tùy theo sức mạnh chịu đựng của lực cản, chuyện này mình không làm được vì sức của mình yếu hơn sức của nó nhiều, nhưng tao dùng thủ pháp xoay cú đấm của nó, tức là tao đã làm lệch đi lực đi thẳng và khiến cho lực của nó bị trệch ngang, đồng thời chân quét ngang khiến cho nó phải mất trọng tâm mà buộc phải xoay mình theo cái lực mà nó đã tung ra. Mầy thấy chưa, chỉ cần hai động tác đơn giản mà tao đã áp dụng được hai nguyên lý cơ bản nhất trong vật lý và toán học là lực và trọng tâm. Thế mà mày xưng giỏi, đòi học kỹ sư, kỹ sư của mày thì sờ điện thì điện giựt, sờ máy thì máy cán đó nghen con!
- Thôi đừng dóc tổ nữa ông trời ạ! Khi nãy còn bày đặt nói tiếng Anh tiếng U (là USA) mới ghê nữa chứ! May mà thằng lính khi nãy hơi say rượu cho nên mày thắng nó dễ dàng, nếu không nó nắm đầu mày và tao khệnh cho vài cú là thấy ông bà cho hết bốp Tề Thiên!
Nói thì nói cho qua lề, nói đùa với nhau cho vui chứ trong thâm tâm Thuận cũng phục tài của thằng bạn mặc áo rách này.
- Mày tưởng tao sợ nó sao? Tao còn một độc chiêu nữa là "Độc Xà Thám Nguyệt", tao cho mầy biết chiêu này là chiêu thức mà ông Phan Thử học trò của ông Nội tao dùng để đánh một thằng huyền đai đệ ngũ đẳng Thái Cực Quyền của nước củ sâm phải nằm quay trên đất. Tao mà ra chiêu này thì gió thảm mưa sầu, nhật nguyệt cũng tối thui luôn!
- Mày còn nhớ không năm ấy là năm mà nước củ sâm lấy danh nghĩa là đồng minh của Mỹ đưa quân vào nước mình để làm bờ đê ngăn chận phong trào cọng sản tính kế lan tràn xuống Đông Nam Á. Nước củ sâm có hai sư đoàn chi viện một sư đoàn tên là Cọp Mạnh thì đóng trong vùng tỉnh Bình Đê của mình còn sư đoàn kia tên là Rồng Xanh thì nghe đâu đóng quân trong vùng đèo Cả hay vùng đất Chàm Rang Rí cũng không chừng. Vì nghe danh tỉnh Bình Đê là cái nôi của võ thuật Việt nên mấy chàng củ sâm dự tính ra oai, dương oai diệu võ cho Thái Cực Quyền của chúng nó. Tụi nó kéo qua những võ sư tinh hoa của chúng từ huyền đai ngũ đẳng trở lên và bày đặt biểu diễn võ của chúng tại sân vận động của tỉnh mình. Bữa đó ông nội tao bảo tao dắt ông đi coi chúng biểu diễn. Mầy cũng biết rồi nhà tao nghèo nên bữa đi coi biểu diễn ông nội tao phải ngưng cày ruộng một bữa và đi theo tao xuống Qui Thành. Ông tao đi chơn không, quần ống cao ống thấp cuộn dây lưng, mặc một bộ đồ bà ba trắng ngã màu cháo lòng sau lưng thì rách dùng vải đen vá lại, đầu đội nón mê.
Tao cũng rán chen kiếm một chỗ gần đặng coi cho tận mắt quyền cước của tinh hoa võ thuật của nước củ sâm. Sau gần hơn hai tiếng đồng hồ coi tinh hoa của củ sâm biểu diễn như bay qua vòng lửa, chặt chồng gạch, nhảy tung qua đá bể tấm ván do mấy cao thủ đang cầm thật chặt trong tay. Biểu diễn những bài quyền cơ bản vân vân và vân vân. Ông tao có nhận xét rằng bộ xe ( bộ tay) của võ thuật này chỉ hàm chứa nội công chắc và mạnh chứ không uyển chuyển. Bộ ngựa ( bộ chân) đơn điệu và chậm thua xa bộ ngựa của võ ta mình. Chỉ có cú đá là lợi hại! Cú đá rất mạnh, nhưng nếu gặp cao thủ né tránh được cú đá thì đó chính là chỗ chết (đìểm yếu) của môn Thái Cực Quyền. Đó chỉ là quyền thuật dùng để biểu diễn cho đẹp mắt và chỉ dùng tranh thắng với những kẻ tay ngang không biết võ mà thôi. Nếu gặp kẻ biết võ ta thì đó là điều khắc kỵ. Võ mình khi bắt bông linh hoạt, đôi xe tiến lui hoành tả hữu linh động là võ thuật mang tính chiến đấu cao, khi ra quyền là dứt điểm, xung sát và quyết liệt - Võ mình là võ xung trận! Cứ coi cách ra đòn và cách hành quân của ông Thơm là mình biết liền. Trận Hà Hồi, Ngọc Hồi, Rạch Gầm và Kênh Xoài Mít (có sách chép Kênh Xoài Mút), Mỹ Tho, cách triệt địch tài tình, nhanh chóng là biết võ mình kỳ diệu biết bao nhiêu! Hôm đó tao không còn nhớ rõ là ngày nào chỉ biết có một đoàn võ thuật củ sâm đến làng thách đấu. Ông tao thì già cả chậm lụt còn tao thì còn quá trẻ kinh nghiệm còn non. Cả đoàn đứng trước sân nhà ông tao xí xô xí xào, tên nào cũng cằm bạnh mặt vuông, tay chân cuồn cuộn bắp thịt cười cười, nói nói cứ như là chỗ không người. Lúc ấy Phan Thử đệ tử của ông nội tao vừa đi thăm ruộng về, quần xăn ống thấp ống cao, đi chân đất và bùn thì còn bám ngang mặt. Vừa để chiếc cuốc xuống đầu hè thì nghe tiếng xí xô xí xào rồi. Nghe người thông ngôn cho biết hôm nay đòan võ thuật của nước củ sâm muốn lên An Vinh kiếm cao thủ võ thuật An Nam để thi tài. Họ đã chờ từ sáng đến gần tròn bóng mà chẳng có ai dám ra thi đấu chắc là võ Bình Đê này chỉ là có tiếng mà chẳng có miếng gì toàn là một đám co đầu rút cổ hèn yếu mà thôi.
- Như mầy cũng đã thấy rồi, đất nước mình cứ ì ạch mãi mà không tiến được và gặp kẻ ngang ngược lộng quyền đè đầu cỡi cổ thì cứ ngậm miệng làm thinh là cũng bỡi, cũng tại cái chỗ này. - Dân mình hiền hậu quá! Ít kẻ dám hung hăng, quả quyết như ông Nhạc ông Thơm. - Coi những kẻ hung tàn như cành khô, cán gẫy.
- Trước khi đấu qua thông ngôn hai bên hứa hẹn đấu nhau giao hữu thôi và Phan Thử nhận lời. Ông cởi chiếc áo rách treo tòn teng trên cành cây ổi, đi chân không và còn mặc nguyên quần dài đi thăm ruộng về. Tên võ sĩ củ sâm thì mặc nguyên bộ đồ nhà binh chân đi giày bốt đờ sô trên túi áo có thêu nắm đấm màu đen với dấu hiệu ngũ đẳng huyền đai. Sân của nhà tao thì rộng, khi ra so quyền thì Phan Thử nhỏ con hơn, tên kia thấy thế cứ tấn công tới tấp, hết quyền tay cho đến quyền chân, cú nào cú nấy như trời giáng Phan Thử cứ né tránh mà không đánh trả. Cho đến khi tên kia dồn Phan Thử gần sát nhà thì nó tung ngay một cú đá thần tốc uy lực dữ dằn, Phan Thử né hụt, cú đá của tên võ sĩ củ sâm trúng ngay cây cột chống hàng hiên, mà mày biết không cây cột chống làm bằng gỗ kiền kiền to bằng cây trụ điện để chống hàng ba của căn nhà lãnh đủ cú đá của tên củ sâm và căn nhà rung rinh gần như muốn sập. Lúc ấy Phan Thử biết rằng tên này không phải đấu nhau giao hữu như đã hứa mà muốn đấu sát phạt sanh tử chứ không phải chuyện chơi. Hơn mười phút trôi qua cả hai vờn nhau không phân thắng bại, một bên cứ ra tay thần tốc uy lực vô song còn một bên nhờ bộ ngựa nhanh nhẹn mà cứ tìm đường né tránh hoài. Phan Thử quyết định kết thúc trận đấu và chờ cho tên võ sĩ kia tung ra cú đá sấm sét thứ hai. Khi tên kia bước trái qua và chuẩn bị tung mình thì Phan Thử dùng ngay chiêu "Độc Xà Thám Nguyệt" hụp xuống và dùng ngựa song long tiến sát về phía đối phương và chỉ cần một cú đấm thẳng vào hạ bộ của đối phương tên võ sĩ kia văng xa hơn tám thước và nằm một đống trên sân nhà. Bữa đó tao có diện kiến tại chỗ nên có dịp kể lại cho mày nghe như vậy. Tao biết từ đó về sau tụi nó cũng hận tụi mình nên sau này gặp lúc nước nhà suy yếu chúng bày đặt qua đây cưới vợ để có dịp nhục mạ dân tộc mình mà mình không biết! Ông tao thường nói rằng võ ta mình là một trong những nét văn hóa lớn của dân tộc, cũng gần như truyện Kiều vậy! Người biết thì mới quí, kẻ không biết, ngu dốt, vô tri thì cứ xem như cục đá nằm vất va, vất vưởng ở bên đường, chứ đâu biết rằng đó là ngọc quí!
- Thôi thì mày là số một, vừa giỏi võ lại biết dụng văn, vừa biết ứng dụng vật lý, khoa học mà mình học được của các thầy ở nhà trường vào cuộc sống vào những hoàn cảnh hiểm nghèo của mình để mưu sinh thoát hiểm! Mày văn võ song toàn mai này còn hy vọng thi đỗ kỹ sư để nở mày nở mặt với đời, hết nghèo hết khổ, hết bận áo bố quần bô, còn tao chỉ mong sao học cho hết Trung Học xong thì về nhà theo nghiệp cha ông mà làm nghề cày ruộng. Thôi ăn kem xong để cho thằng cày ruộng này trả tiền. À! thứ Bảy này mày có nghe thằng Tuấn mộng mơ rủ tụi mình đi họp để thành lập thi văn đoàn gì đó hay không?
- Thôi mày ơi! Vừa nói chuyện võ xong lại nói đến chuyện văn, mày không sợ thiên hạ cười cho rằng tụi mình chỉ là những tên khoác lác! Tao không dám nói nữa đâu! Mà thôi muốn kể chuyện đời tao nghĩ chúng mình hãy để dành khi khác...
Toronto, Canada. Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa...
(*) Trích một phần trong bài viết: -"Hợp Đồng Qua Báo Chí" hay nguyên tắc:"Cái Gì Anh
Thấy là Cái Gì Anh Được"