Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.176
123.203.989
 
Bút ký triết học số 08
Nguyễn Văn Thượng

 

Viết ngày 19/06/2017

 

Khi bước chân đến giảng đường vào buổi sáng đầu tháng Mười năm 2000, tôi đối mặt với lòng tin phổ biến cho rằng triết học chỉ là một phiên bản ấm áp của chủ nghĩa cá nhân, củng cố thêm chủ nghĩa ái kỷ mặc nhiên, và phê phán lòng ngụy tín. Chắc chắn đây là cái nhìn khá rập khuôn của một trường phái triết học chính yếu được lý luận và giảng dạy trong giảng đường, các lý thuyết đầy tính tranh đấu về công bằng xã hội lẫn các cương lĩnh thực hiện chúng qua con đường xoá bỏ giai cấp và phê phán gắt gao niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, tôi lại say mê với khuynh hướng hiện sinh chủ nghĩa, cho dù nó nhấn mạnh đến việc trở thành một cá nhân phê phán trước sau về xã hội với khuynh hướng phục tùng và ưa hưởng tiện nghi vật chất, tìm kiếm sự an toàn không dám cởi mở, mạo hiểm mở những chân trời mới, và khiêu khích chủ nghĩa bảo thủ nghèo trí tưởng tượng kìm hãm ý chí và sự sáng tạo. Và thế là tôi lao theo những tư biện về những bất tất của đời sống xét như là đời sống đã được nghiệm sinh trong hiện sinh. Triết gia nào đó đã nói, đời sống phải được hiểu theo hướng ngược về quá khứ. Theo tôi, đời sống phải được sống theo hướng tiến về tương lai đầy sáng tạo, táo bạo và kiên nhẫn.

 

Viết và sống từ thời sinh viên để tránh triệt để loại lối phụng sự triết học giả hình cổ súy cho thói tự mãn, tham lam, vụ hình thức theo hướng nghèo hèn và chịu đựng trong khi đó lại hưởng lợi từ sự đồng nhất triết học - một dòng sông chảy xiết với các thế lực chính trị và kinh tế hám lợi và chết cứng trên lợi ích nhóm. Tôi đi theo chân lý đầy quả cảm để tích luỹ kinh nghiệm suy tư mà tôi biết hết sức rõ ràng rằng sẽ phục vụ cho sự công bằng của công luận, tức góp cái nhìn và mạo hiểm thử tách mình ra khỏi triết lý vo ve bên tai rất hay nhưng rỗng trong cách thực hành. Và, dĩ nhiên tôi phải trả giá đắt cho những lối suy tư “lập dị” thời sinh viên triết học bằng sự nhạo báng, châm biếm và thành trò cười giữa giảng đường với những mệnh đề bắt bí của giáo sư về tình trạng hiện sinh và tồn tại của Thượng Đế. Đi theo suy tư cá nhân trong thời thụ huấn ở giảng đường đã làm cho tôi phải sự tránh né của những sinh viên khác khi đi tản bộ trên những con đường vòng quanh khu vườn sinh học của trường mà tôi yêu thích.

 

Tôi không ở cấp bậc cao nhất để phê phán, tôi làm công việc quan trọng của trí năng là đi tìm kiếm sự thật mà thôi; có lẽ bạn bè tôi chưa bao giờ cảm nhận được lòng nhiệt tình ấy đối với điều đó. Tôi cảm nhận được nỗi u hoài đối với cái gì đó chưa biết, cái gì đó xa xôi, khiến tôi luôn khát khao được cảm nhận được những chiều sâu cuộc sống hiện sinh. Tôi được dạy phải đi vào triết học với lòng thành thực chân phác và kiên định tránh xa sự hèn nhát và thói đạo đức giả. Trong tôi vang lên mạnh mẽ tiếng kêu gọi cho tinh thần sẵn sàng bị quấy rầy vì chân lý một sắc sảo và mãnh liệt. Tôi không tin chân lý đàng sau các cuộc cách mạng và đám đông thực hiện những cuộc cách mạng. Tôi ghét hữu khuynh hay tả khuynh mà thích thái độ công tâm, tỉnh táo và quân bình. Chính lòng yêu mến sự thật là điểm xuất phát cho tôi đi vào hiện sinh với sự nhạy cảm với cảnh ngộ hiện sinh của người nghèo và bị áp bức. Tôi ít quan tâm đến những sự kiện xảy ra bên ngoài cửa sổ phòng làm việc, và hướng sự quan tâm đến đời sống nội tâm; chú trọng đến lòng khoan dung xã hội, hơn là đến những cuộc bạo loạn nhân danh bất công xã hội vốn là động lực của bạo động. Khi đó, tôi đặt mình vào đam mê với biến đổi tâm hồn chứ không phải sự biến động xã hội mà người ta chọn như giải pháp ưa thích.  Hoán cải nhân cách là cần thiết hơn và trọng tâm của cách mạng xã hội, chiến thắng hoàn cảnh bằng cách thẩm trị được chính cái tôi cuồng nhiệt, ưa bạo loạn của cá nhân để sáng suốt tìm kiếm con đường không đi ngang qua sự huỷ diệt, đạp đổ và miệt thị.

 

Chuyện xưa kể rằng, có một vị vua ngày đêm lo lắng về sự an nguy cho vương quốc của mình, về kho báu và đặc biệt về ngai vàng của mình. Ông không tìm thấy bình an trong cuộc sống; các vị quan trở thành mối nghi ngờ, và tương lai trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi cho ông. Sống bất hạnh trong sợ hãi, khép kín, luôn bao bọc mình bằng sự bảo vệ của binh lính và gươm giáo. Một ngày nọ, từ tử cấm thành nhìn xuống đám dân nghèo, vua thèm muốn được như họ, họ rất đơn sơ, chất phác và không một chút lo lắng cho tương lai. Quá tò mò lối sống của dân nghèo, vị vua quyết định hóa trang thành người ăn mày để tìm hiểu nguyên nhân nào đã làm cho những dân nghèo được bình an như vậy. Ngày kia, vua giả dạng người ăn mày gõ cửa một người nghèo để xin ăn. Người nghèo mời người ăn mày vào và cùng chia sẻ một ổ bánh mì với thái độ hạnh phúc và yêu đời. Vị vua giả dạng hỏi: “Điều gì đã làm ông hạnh phúc như vậy?”. Người nghèo đáp: “Tôi có một ngày rất tốt. Tôi sửa giày và kiếm đủ tiền để mua ổ bánh cho buổi tối nay”. Vị vua giả dạng hỏi tiếp: “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ngày mai ông không kiếm đủ tiền mua bánh mì?”. “Tôi có niềm tin vào mỗi ngày. Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”, người thợ đáp.

 

Sau khi ra về, vị vua muốn thử niềm tin của người thợ giày. Vua ra lệnh cấm những người sửa giày dép hành nghề. Khi biết bộ luật mới ban, người thợ giày nhủ thầm: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”. Ngay lập tức ông thấy một vài phụ nữ đang gánh nước ra chợ bán rau, ông xin được gánh nước thuê cho họ. Và hôm đó, ông kiếm đủ tiền để mua bánh mì cho buổi tối. Trời tối, vị vua dưới dạng người ăn mày lại tới thăm người nghèo. Người thợ sửa giày vẫn giữ thái độ ung dung, hạnh phúc với ổ bánh mì của mình. Hôm sau, vua cho ra lệnh cấm không cho phép hành nghề gánh nước thuê. Và cứ như thế, người nghèo đã thay đổi nhiều nghề khác nhau, nhưng nơi ông vẫn luôn có sự bình an và tin tưởng vào triết lý sống từng ngày của mình. Còn vị vua vẫn không thể nào hiểu nổi sự bình an và niềm tin của người nghèo kia. Mỗi lần bị cấm hành nghề, người nghèo vẫn thản nhiên tin rằng: “ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.

 

Vì quá tò mò trước triết lý sống của người nghèo này, đức vua ra lệnh và dàn xếp để người nghèo làm lính cho cung điện. Thật đáng thương, người nghèo không được phát lương hằng ngày, mà phải hết tháng ông mới nhận được thù lao. Mặc dù vậy, ông đã bán lưỡi gươm và có đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Tối đến, ông vẫn có bánh mì và vẫn hạnh phúc. Vị vua giả dạng tới thăm ông và hỏi: : “Hôm nay ông làm nghề gì mà kiếm tiến mua bánh mì?”. “Tôi được làm lính cho vua”, người nghèo đáp. Ông cũng đơn sơ kể rằng: “Làm lính nhưng nhận lương vào cuối tháng, nên tôi đã bán lưỡi gươm thật và đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Sau khi có lương, tôi sẽ chuộc lại lưỡi gươm thật và như thế tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn. Hiện nay tôi đang dùng lưỡi gươm bằng gỗ”. Nhà vua giả dạng hỏi tiếp: : “Nhưng nếu ông phải sử dụng tới gươm vào ngày mai thì sao?”. Người thợ sửa giày thản nhiên: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.

 

Quả thật, hôm sau người ta bắt được một tên trộm và bị kết án xử chém. Vua yêu cầu người nghèo trong trang phục lính thực hiện việc này. Vì nhà vua biết rằng, với lưỡi kiếm gỗ, người đàn ông này sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ. Và như vậy để xem niềm tin vào triết lý sống từng ngày của ông có thể giúp được hay không? Tên tử tội quỳ xuống chân anh lính và van xin được tha mạng vì còn vợ và con nhỏ. Người đàn ông nhà nghèo trong trang phục lính nhìn đám đông xung quanh và hô lớn: “Lạy Đấng tối cao, nếu người sắp bị hành quyết này là người có tội, thì xin cho con được phép thi hành lệnh của vua. Còn nếu anh ta vô tội, xin hãy biến lưỡi gươm này thành gươm gỗ”. Ngay tức khắc, ông rút lưỡi gươm ra và quả thực thanh gươm bằng sắt đã biến thành gươm gỗ. Đám đông đồng thanh la lên: “Đây là phép lạ”. Vị vua truyền lệnh tha tên ăn trộm đồng thời tiến đến người lính nghèo thú nhận rằng: “Trẫm chính là người ăn mày mỗi tối tại nhà ngươi. Từ nay trở đi, trẫm muốn ngươi là bạn và là quân sư cho trẫm. Ngươi hãy dạy cho ta cách sống lạc quan và bình an”.

 

Tôi không thích những triết lý “trừu tượng” thiếu sự chứng nghiệm trong thực tại và thiếu quán chiếu nội tâm chân thật trước Thượng Đế. Tôi dấn thân vào triết học, dù tôi rất nhỏ nhoi, để quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng, để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong “thân phận” làm người chứ không thể tự ẩn khuất mình trong suy tưởng của kẻ khác, cũng không ngủ trong tháp ngà và lơ lững suy tưởng trên mây và giả vờ, uỷ mị...

 

Ngày 19/06/2017

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 1903
Ngày đăng: 24.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút ký triết học số 07 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 06 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 05 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 04 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 3 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 2 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 01 - Nguyễn Văn Thượng
Hư vô qua tư duy triết học - Võ Công Liêm
Albert Camus, 50 năm sau ngày mất (1960-2010). Ông hoàng của triết học Phi lí - Hiếu Tân
Martin Heidegger "Sự thật của hiện hữu" - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả