Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.206.711
 
Bút ký triết học số 11
Nguyễn Văn Thượng

 

Viết ngày 22/06/2017

 

Trong giới trẻ hiện nay đang nổi lên trào lưu làm Vlog, mà nhân vật chính xuất hiện trong các Vlog đó thường là những người còn khá trẻ. Các vấn đề xung quanh đời sống hàng ngày được họ nhắc tới, thể hiện bởi muôn vàn biểu cảm khác nhau. Và gần đây trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những clip bạn trẻ hào hứng nói về sex, ví mình là những chuyên gia giảng giải về tình dục cho bạn bè. sự táo bạo nói về sex, cộng thêm muôn vạn lời tục tĩu được các Vlogger tuôn ra. Trong khi phụ huynh ngán ngẩm  thì những người đồng trang lứa lại tỏ ra đồng tình và thích thú với cách nói về sex thẳng và thật của các Vlogger. 

 

Thêm nữa, Facebook được các bạn trẻ sử dụng để phục vụ những sở thích quái đản và suy đồi như việc đăng tải những bức ảnh hở hang, khoe thân thể. Những bức ảnh của các bạn trẻ, ban đầu có thể chỉ là cái chúm môi, phồng má, nháy mắt, chỉ một số ít thích chụp ảnh “nửa kín nửa hở”. Nhưng rồi những bức ảnh hở hang chút chút đó lại nhận được nhiều like, nhiều comment ủng hộ. Những chủ nhân bức ảnh cứ tưởng mình hot, mình được quan tâm và càng ngày càng thích chụp những bức ảnh hở hang hơn, lôi kéo theo việc hình thành khuynh hướng có nhiều bạn trẻ hơn mỗi ngày “nghiện” phơi thân; hễ online không sexy, không hở là không chịu được...!

 

Đáng lẽ theo thời nay, mọi tiến bộ phải nhờ đạo đức làm gốc thì những chuẩn mực luân thường đạo lý lại bị té nhào xuống. Nếu một ai đó phản kháng những trào lưu ấy, muốn vực dậy tinh thần đang suy đồi, vô phương hướng của nhiều bạn trẻ thì tất nhiên phải cần sự hậu thuẫn từ mặt bằng đạo đức xã hội vững chắc, nếu không sẽ điêu đứng té nhào trước cơn “mưa đá thời văn minh truyền thông kỹ nghệ số ảo”. Bênh vực cho chuẩn mực đạo đức ư? Điều đó cũng rất thực tế, không cao xa gì; đạo đức căn bản chỉ cần xuất phát từ ý niệm hết sức đơn giản: phàm đã là một nhân vị sinh tồn trên hoàn vũ, có một vận mệnh chính đáng, thì phải giữ gìn những sự vẻ vang trong hành trình đời sống của mình, nghĩa là gìn giữ lấy những đức hay tính tốt mà một con người đáng có, khiến cho họ vượt trên bản năng giống loài và được tha nhân đem lòng kính trọng. Đạo đức là phương pháp gọt giũa nhân cách như hòn ngọc được mài qua những khó khăn, như thanh sắt được tôi luyện trở thành ngọn kim sáng lấp lánh thì thì mới gọi là đạo đức được. Khổng Tử giáo huấn đệ tử rằng: “Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi” nghĩa là mình tốt thì trời đất giúp thêm cho, mà mình đã nghiêng đổ thì trời đất lại xô đạp thêm. Thầy Mạnh Tử cũng khẳng định cho ta biết: “Nhân tất tự vũ nhi hậu nhân vũ chi” nghĩa là mình có tự khinh mình thì người ta mới khinh mình.

 

Những tiêu chuẩn đạo đức mà mỗi một cá nhân, vô tình hoặc cố ý, dựa vào đó để phán xét xấu tốt, phải trái, đúng sai tương đối chủ quan, có người thích phê phán hay tán thành dựa vào đạo đức học Mác xít, có người pháp giới Phật giáo và có người chọn luân lý Công Giáo. Tất cả đều là những nguyên tắc điều hợp hành vi đạo đức, vốn được hiểu là một hành động trong bối cảnh tương quan liên nhân vị.

 

Hành vi đạo đức không chỉ được biểu hiện ra bên ngoài bằng các hoạt động tay chân, mà ngay cả một ý nghĩ hay đánh giá về một người nào đó. Immanuel Kant định nghĩa hành vi đạo đức như sau: "Các nguyên tắc thực hành là các mệnh đề bao hàm một sự quy định phổ biến với ý chí; và sự quy định này chứa đựng dưới nó nhiều quy tắc thực hành”. Friedrich Engels đã khẳng định: “Xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế cửa xã hội lúc bấy giờ”. Như vậy, mỗi giai đoạn xã hội có giai cấp, đều có học thuyết đạo đúc riêng đúc kết từ những sai lầm có thật trước đó. Vậy, có thể suy nghĩ, chính những “sản phẩm” trong phong cách sống của giới trẻ phản ánh thực tiễn đang diễn ra trước mắt chúng ta là hệ quả hoặc là triết lý đạo đức của một hình thái xã hội đã sai, hoặc là nền giáo dục không đáp ứng được hoặc đã thực hiện sai đường lối giáo dục theo đúng học thuyết đạo đức của hình thái xã hội hiện tại.

 

Trong xã hội theo một chuẩn mực mà người trẻ được giáo dục và đào luyện đã bộc lộ những sai lầm trong đường lối triết lý hay trong cách thực hành. Không ai có thể phủ nhận giá trị nhất định của một học thuyết đạo đức đối với sự phát triển xã hội. Friedric Engels nhận định rằng: “thứ đạo đức hiện nay đang tiêu biểu cho sự lật đổ hiện tại, biểu hiện cho lợi ích của tương lai, tức là đạo đức vô sản, là thứ đạo đức có một số lượng nhiều nhất nhưng nhân tố hứa hẹn một sự tồn tại lâu dài”. Nên biết, trong một xã hội có giai cấp, tư tưởng đạo đức thống trị trong xã hội là tư tưởng đạo đức của giai cấp giữ địa vị thống trị về kinh tế xã hội. Giai cấp ấy đã vận dụng mọi nguồn lực xã hội do mình chiếm lĩnh để tuyên truyền, giáo dục và thể chế hoá tư tưởng đạo đức của mình thành những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức trong toàn xã hội, biến nó trở thành thước đo đánh giá, điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội cho phù hợp với lợi ích của nó. Vậy, tất cũng phải chịu trách nhiệm về sự tha hoá, suy đồi đạo đức “rầm rộ” trong xã hội mà nó chi phối với đầy tật xấu khó chữa trị: dửng dưng, ích kỷ, tham lam vơ vét, bạo lực học đường, gian thương không kiểm soát, thủ đoạn tranh giành lợi ích nhóm, gian dối trong thi cử khoa bảng. Tất cả, có nguyên nhân từ sai lầm trong học thuyết hoặc sự yếu kém trong thực hiện học thuyết đạo đức của mình chứ không phải từ sự phá hoại của “các thế lực thù địch” bên ngoài.

 

Hành vi đạo đức là cái được con người lựa chọn và đánh giá dựa trên lương tâm con người để thực hiện việc làm có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, được lương tâm đồng tình và dư luận tán thành. Nếu lợi ích xã hội là tiêu chuẩn khách quan của các giá trị đạo đức thì cần phải xác định mức độ phù hợp của học thuyết đạo đức hiện thời đối với với yêu cầu của tiến bộ xã hội. Giá trị đạo đức không hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh và tính đúng đắn của dư luận. Khi ta cố tình “định hướng dư luận” có lợi cho kẻ thống trị, biến “công luận” trở thành sức mạnh to lớn trong việc điều chỉnh đạo đức theo ý kẻ thống trị thì dư luận bị thao túng ấy đâu thể trở thành “công cụ lợi hại” trong việc điều chỉnh hành vi đạo đức xã hội mà chỉ là “thành trì” che chở những lực lượng thống trị xã hội.

 

Nhận thấy, chỉ riêng khía cạnh đạo đức tính dục hiện thời trong một bộ phận khá đông giới trẻ, thì rõ là những chuẩn mực đạo đức cá nhân tự khẳng định hiện thời đa phần sai lệch với chuẩn mực đạo đức xã hội tiến bộ. Giá trị đạo đức trong xã hội quá nhạy cảm, cầu thị mà thiếu việc tu dưỡng, rèn luyện cho phù hợp với chuẩn mực nhân văn thì thật đáng tiếc cho cả một thế hệ không tiếp nhận được chuẩn mực hành vi đạo đức đúng đắn để làm người tiến bộ.

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 2329
Ngày đăng: 05.08.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút ký triết học số 10 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 9 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 08 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 07 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 06 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 05 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 04 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 3 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 2 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 01 - Nguyễn Văn Thượng
Cùng một tác giả