Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.035
 
Ngón chân cái
Nguyễn Trọng Nghĩa

Đa số những người khó ngủ thường tìm giấc ngủ bằng cách uống thuốc ngủ, nếu không sợ bị hại sức khoẻ, hoặc là đếm, bắt đầu từ một. Thạch thì không, anh tìm giấc ngủ bằng cách nghĩ đến ngón chân cái của mình. Cách này Thạch học được ở người anh bà con nhân một hôm người anh này tán chuyện tào lao với bè bạn, và Thạch lẹ làng áp dụng, dù hiệu quả thường không cao. Người anh bà con nói, nếu khó ngủ thì khi nằm xuống chỉ chăm chăm nghĩ đến ngón chân cái của mình, nghĩ ở đây không có nghĩa nghĩ ngón chân cái có hình thù thế nào, đóng vai trò gì... mà cứ nói thầm: ngón chân cái... đừng để bất cứ một ý nghĩ nào khác chen vào đầu, như vậy, đến khi nào cảm giác ngón chân cái của mình tê tê là có "vấn đề".

Hai ngón chân cái của Thạch lớn khác thường, có lẽ chính vì thế mà Thạch lẹ làng áp dụng. Hồi nhỏ ba Thạch dạy đi đường sình phải bám thật sâu hai ngón chân cái cho khỏi ngã. Thạch nghe theo, lúc ấy anh chỉ mới bốn, năm tuổi, và anh đã đi trong sình lầy, trơn trợt đến lúc trưởng thành bằng hai ngón chân cái. Cái lợi của cách đi này là ít khi ngã, còn cái hại: hai ngón chân cái ngày càng lớn ra, không cách nào ngăn nổi, dòm rất chướng mắt. Ban đầu Thạch có hơi lo, nhưng dần rồi cũng quen - đó là Thạch quen chứ người khác khó quen, bởi dân nhà quê như Thạch thường lớn cả bàn chân chứ hiếm có ai chỉ phát triển hai ngón chân cái. "Mình là con người đặc biệt", - Thạch nghĩ và thích thú với ý nghĩ đó. Trên thế gian này, không, ít ra thì trong những người Thạch đã gặp không ai có cặp ngón cái như anh. Vậy thì đặc biệt chứ còn gì nữa. Chỉ có điều, cái "đặc biệt" này để làm gì, có lợi hay có hại thì Thạch không nghĩ tới.

Gần đây có một cô gái hỏi Thạch rằng, sao hai ngón chân cái của anh bự quá vậy. Câu hỏi này phần nào đã nói lên mức độ thân mật giữa hai người: cô gái biết ở Thạch mọi bộ phận trên cơ thể điều bình thường, chỉ có hai ngón chân cái khác thường. Thạch đành "ngậm cà na", nghĩa là không biết trả lời sao. Chẳng lẽ bảo đó là dị tật? Nói thật Thạch cũng không muốn, vì Thạch hơi ngại cái thành phần xuất thân (nông dân) của mình. Tất nhiên lúc bấy giờ hai ngón chân cái của anh đã "hưu" lâu rồi. Thạch nghĩ: Ông già (là ba anh) ác thiệt! Xúi dại ám hại thằng con cưng. Mấy bữa sau cô gái đem trao Thạch lá thơ do cô viết. Thạch vừa cầm thơ thì cô quay gót. Thạch đọc: "Em không đủ can đảm nói thẳng với anh nên đành mượn bút thay lời viết đôi dòng tâm sự...". Nội dung chủ yếu của "đôi dòng tâm sự" là cô rất có cảm tình với Thạch nhưng không thể có cảm tình với mấy ngón chân cái của anh. Cho nên đây là biệt thư. Vậy mà trên góc tờ giấy lại ghi biệt thự. Tại sao cô lại viết biệt thự? Ý đồ gì? Ám chỉ cái gì? Muốn nói rằng cô ta giàu có còn anh nghèo hèn? Hay muốn chọc quê anh rằng, hai ngón chân cái của anh là cả một gia tài (có thể mua được biệt thự?) Thạch đặt ra hơn hai mươi giả thuyết xung quanh chữ biệt thự mà không thấy giả thuyết nào có cơ sở. Anh băn khoăn mấy tháng liền. Đêm nằm cứ trằn trọc với cái biệt thự, nửa khuya tỉnh giấc Thạch lại tự hỏi: "Cô ta muốn ám chỉ cái gì?"

May sao ông anh bà con chỉ cho bài học thật đúng lúc, cũng chẳng phải chỉ riêng cho Thạch, mà anh tình cờ nghe lóm. Lúc ấy người anh bà con còn đọc hai câu thơ rằng, anh xa quê đã hai mấy năm trường nhưng vẫn cứ ăn cơm tập thể và nằm giường cá nhân. Nằm giường cá nhân thì lạnh lắm, khó ngủ, người anh nói, cho nên phải nghĩ đến ngón chân cái.

Đêm đó khi tắt đèn đi ngủ, Thạch nói thầm: "Hôm nay không có biệt thự con mẹ gì nữa mà chỉ có ngón chân cái thôi. Biệt thự nó hành hạ ta như vậy đủ rồi." Thạch nằm xuống, nói thầm: ngón chân cái, ngón chân cái... Thế là cuối cùng ta đã tìm được cách trị cái biệt thự. Thằng cha anh mình đúng là loại quái gở, không hiểu ai bày thằng chả cái trò này. Nhưng thiệt không hiểu nổi cô ta muốn ám chỉ cái gì? Hay cổ chỉ vô tình chấm lộn dấu nặng? Có thể lắm chứ. Vậy mà sao lâu nay ta không nghĩ tới khả năng này? Thôi, phải rồi! Cô ta chấm lộn dấu nặng, không bôi xóa được, ngại viết lại lá thơ, có vậy thôi. Trời đất! Nhưng chắc vậy không, hay còn ẩn núp ý nghĩ sâu xa nào mà ta chưa hiểu? Lại biệt thự. Thôi, dẹp. Ngón chân cái, ngón chân cái... Rõ ràng cô ta chấm lộn dấu nặng. Chính ta cũng hay lộn như vậy. Có lần thay vì thanh niên ta lại viết thanh niện. Biệt thư là lá thư vĩnh biệt, nhưng vì tay còn đang trớn cô chấm thêm dấu nặng. Chỉ có vậy thôi. Ngón chân cái, ngón chân cái... Phương pháp này coi bộ không bằng đếm. Đếm còn có cái mốc để tính, đằng này... Ngón chân cái...

Thạch cố đếm xiết một hơi dài không cho ý nghĩ khác xen vào nhưng chẳng thấy ngón chân cái tê tê như lời ông anh nói. Cuối cùng Thạch mới vỡ lẽ: Ông anh bà con của Thạch chỉ có một chân. Nghe nói mấy năm ở ngoài Bắc ông ấy là người hùng, một thời lừng lẫy. Có lần phải ra tay cứu đàn em, ông đã nhảy tàu (xe lửa) trong lúc tàu đang chạy nhanh. Kết quả cây quẹt gãy một chân, hàn lại không dính nên ông quyết định cắt vụt. Ông kể lại như vậy. Còn có một chân nên ông ta nghĩ đến ngón chân cái là có lý, bởi vậy nó mới tê tê. Tuy nhiên Thạch vẫn cứ áp dụng. Anh tiếp tục lầm thầm về ngón chân cái rồi nghĩ: "Kể ra cũng buồn thiệt. Chỉ vì hai ngón chân cái mà cô ta đành đoạn cắt đứt tình nghĩa. Hãy đợi đấy! Chưa chắc cô tìm được người nào hơn tôi đâu."

Nghĩ thì nghĩ như vậy nhưng Thạch quyết định bằng mọi cách phải che đậy cho được hai ngón chân cái của mình, như là che nỗi nhục, đồng thời xa lánh giới nữ. Thạch biết giới nữ và hai ngón chân cái của anh như nước với lửa, không thể cùng tồn tại bên nhau. Thạch mua đôi dép da thật lớn, cố ép hai ngón chân cái vào phần trong quai. Thạch làm bằng cả ý chí. Anh nghĩ: "Khi nào chinh phục xong hai ngón chân cái ta sẽ đi chân trần tìm đến giới nữ, và có thể ta sẽ đi chân trần cả đời. Còn khi gặp lại cô ấy ta sẽ đi bằng hai tay chứ không thèm hai chân, để cho cô ấy thấy. Thạch quyết định dù gặp cô ấy bất cứ nơi đâu, ngay cả giữa chợ, anh cũng sẽ "lộn mèo" đi bằng hai tay, hai chân nghiêm, thẳng diễu qua ngang mặt cô ta mà sẽ không một lời chào hỏi.

Có một người bạn cũ nhỏ hơn Thạch vài tuổi ghé ngang qua chỗ anh ở. Người bạn ngồi trên xe nói vọng vào bảo Thạch đến chỗ anh ta vào sáng hôm sau, còn dặn thêm rằng Thạch phải chọn mặc bộ quần áo đẹp nhất. Nói xong người bạn lui xe. Thach không hề suy tính, coi đó như nghĩa vụ rồi có mặt vào sáng hôm sau. Người bạn bảo Thạch bỏ áo vô quần rồi liệng trước mặt Thạch đôi giày mới bảo Thạch mang. Thạch nhận thấy dù đã hết sức cố gắng nhưng hai ngón chân cái của anh vẫn cứ trơ trơ ra, không hề tóp lại được chút nào. Khó khăn lắm Thạch mới xỏ chân vào được giày. Người bạn nhờ Thạch đi ký dùm một hợp đồng mua bán. Anh nói mọi thủ tục đã bàn kỹ rồi, bây giờ chỉ còn mỗi động tác ký, nhưng anh không tiện đứng tên. Người bạn nói thêm đây là dịp để Thạch làm quen với giới kinh doanh nên việc ăn bận phải coi trọng. Thạch cười, nói: "Tướng anh là tướng ăn trộm trâu, chú diện cho anh cỡ nào thì người ta cũng biết". Là nói vậy chớ Thạch đồng ý với quan điểm của người bạn: sự kiện này rất quan trọng, đây là dịp để Thạch tiếp xúc với giới kinh doanh. Thạch thầm mang ơn thằng bạn và cảm động với ý nghĩ rằng, bạn bè không bỏ rơi anh.

Khi đứng lên để ra xe hơi thì có một trục trặc nhỏ: vì giày chật quá không đi được nên Thạch bị trẹo chân làm một ngón chân cái đau điếng, đến độ tươm cả mồ hôi mới rút được chân ra khỏi giày. Thach có linh cảm, sau cú sẩy chân này cơ hội tiến thân đã vuột khỏi tay anh. Anh sẽ không còn dịp nào tiếp xúc với giới kinh doanh nói riêng, và với xã hội văn minh, nói chung. Từ nhỏ đến lúc trưởng thành Thạch đi trong bùn sình nhưng chưa bao giờ bị ngã, giờ chỉ còn vài bước chân để bước đến một chỗ đứng cao hơn thì anh lại sẩy chân. Anh nghẹn ngào nói với người bạn: "Anh thiệt có lỗi với chú!" Người bạn nói: "Thôi anh ạ, có gì đâu. Để tôi nhờ người khác. Buồn là buồn cho anh. Mà tôi cũng tệ, khi không quên phứt hai ngón chân cái của anh".

Thạch nghĩ thầm: "Người bạn của ta quá độ lượng, thậm chí không thèm rầy ta một câu. Còn ta là một tên vô lại."

Từ sau sự kiện trên, Thạch bỏ ý định chinh phục hai ngón chân cái của mình vì Thạch hồ nghi kết quả của nó. Có lần anh định viết thư cho mục "Thắc mắc biết hỏi ai" nhưng sợ cô bạn gái đọc được rồi cười, nên anh thôi. Chỉ có quyết định xa lánh giới nữ là anh còn giữ. Ý nghĩ về cơ hội tiến thân cũng không còn làm anh buồn và băn khoăn mà trong anh có niềm băn khoăn mới: anh biết anh có trọng tội với người bạn đã có ý nâng đỡ anh và anh đang tìm cơ hội để chuộc lại lỗi lầm.

Một hôm người anh bà con tìm Thạch, bảo rằng ngày mai ông cưới vợ, chấm dứt cảnh ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân đã kéo dài hai mươi mấy năm trời. Ông biểu Thạch làm rể phụ vì Thạch chưa vợ. Thạch đồng ý với điều kiện không mang giày. Hôm đám cưới người anh bà con, Thạch xém chút nữa cười bể bụng: Cô gái đã chê hai ngón chân cái của anh giờ sở hữu chỉ được có một ngón chân cái.

Còn cơ hội chuộc lỗi với người bạn đợi hoài sao không thấy. Đêm đêm Thạch vẫn băn khoăn, khi nào băn khoăn quá không ngủ được thì Thạch lại đếm thầm ngón chân cái và hình như có lần anh nghe nó tê tê...

Nguyễn Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 2930
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Lambada (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)
Cuốn sách thiếu (truyện ngắn)
Ngón chân cái (truyện ngắn)
Trễ tàu (tuyển truyện)
Trái đắng (truyện ngắn)
15-Khỉ thật! (truyện ngắn)
Thiêu thân truyện (truyện ngắn)
Chết trẻ (truyện ngắn)
Xa xứ (truyện ngắn)