Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.139
123.227.347
 
Đinh Lê Vũ và bài thơ tình già...
Phan Nam

 

KHI MÌNH GIÀ

 

Sau này khi mình già 
Em da nhăn tóc bạc 
Anh rúm ró chỏng chơ 
Ngồi chỗ mô cũng dựa...

Sau này khi mình già 
Mình còn yêu nhau không? 
Tình già không là lửa 
Tình già êm như bông

Sau này khi mình già
Con cái bỏ đi xa 
Nó sống đời của nó 
Ta sống đời của ta.

Sau này khi mình già 
Mình yếu như lau sậy 
Mình mềm như cánh hoa 
Thời gian như nước chảy 
Đời là giấc mộng xa.

Sau này khi mình già 
Anh mong mỗi ngày qua 
Em vẫn còn ở đó 
Hôn anh nụ hôn già 
Anh vẫn còn ở đó 
Ôm em vòng tay già

Mặc xác thân khốn khó 
Mình yêu tình hoan ca.

ĐINH LÊ VŨ.

 

Đôi lời cảm nhận của Phan Nam:

 

 Qua những con chữ đầy mộc mạc, giản dị, không hiểu sao đầy cuốn hút, ảm ánh trong tôi. Đó là những bài thơ rất cẩn trọng với từng con chữ, xác lập hình ảnh đầy thi vị và suy tưởng, với nhiều xúc cảm vui buồn lẫn lộn. Tôi chưa “già” để đọc bài thơ, nhưng vẫn hình dung cái sự thật hiển hiện trước mắt, giống như những đóa hoa ngoài kia, luôn ngập tràn hương sắc, dẫu ta có phủ nhận vẻ đẹp của chúng, thì chúng vẫn căng tràn sức sống, tận hiến cho đời. Tựa đề bài thơ “khi mình già” chia sẻ về tâm tư tuổi già, nhưng không phải cái thần thái của những va vấp, chiêm nghiệm, trầm tư mà lại hát lên bản tình ca của tình yêu, của hạnh phúc, của thi ca trọn vẹn và lấp lánh. Đó là điệp khúc “sau này khi mình già” lặp đi lặp lại đến 5 lần như cơn lốc nhấn chìm mọi khó nhọc và già úa xuống vực thẳm, để ánh tà dương đủ sức chiếu rọi khoảng trời niềm tin trong cuộc đời còn lắm đẹp tươi. Khổ thơ đầu, tác giả viết:

 

Sau này khi mình già

Em da nhăn tóc bạc

Anh rúm ró chỏng chơ

Ngồi chổ mô cũng dựa...

 

Đó là hiện thực đầy nghiệt ngã, dù không muốn cũng phải chấp nhận. Nhưng tôi tin đằng sau con chữ là sự trân trọng người bạn đời đã cùng ta vượt qua bao nhiêu thác ghềnh để cùng “dựa” vào nhau ngắm cây đời lên xanh. Vẻ đẹp không tuổi nằm ở trong tâm hồn, phác lộ kỷ niệm bạc màu, chạm vào đâu cũng nhớ, cũng thương, cũng tràn đầy xúc cảm. Một nụ hôn, một đóa hoa dành cho nhau trân quý khôn cùng, khi mối tình ấy được chuyển thành những nghi vấn đáng yêu:

 

Sau này khi mình già

Mình còn yêu nhau không?

Tình già không là lửa

Tình già êm như bông

 

Những câu hỏi tu từ xuất hiện rất nhiều trong thi ca, thế nhưng câu hỏi ngơ ngẩn thế này có lẽ xuất phát trong tâm hồn một người “già” còn yêu đời lắm, phải không nhỉ? Hỏi và không cần trả lời. Hỏi không xuất phát từ lý trí mà xuất phát từ con tim. Câu hỏi chứng tỏ một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống của chính tác giả, một người cũng không còn trẻ nữa nhưng tình cảm thì luôn luôn dâng trào như những đợt sóng ngầm cuộn trào trong tim. Ở khổ thơ này, tôi thích nhất hai câu: “tình già không là lửa/ tình già êm như bông”, tác giả dùng biện pháp so sánh đầy tinh tế và ám ảnh. Ai cũng biết khi người ta sống, gắn bó với nhau bằng cái nghĩa nhiều hơn là cái tình, dẫu ngọn lửa không còn rực rỡ như ban đầu nhưng vẫn âm ỉ cháy, mặc kệ bao giông gió cuộc đời. “Tình già” êm ấm, trắng trong như sợi bông lặng lẽ thắp lên giữa đời thường, thật cảm động làm sao. Ôi, tình già, biết bao nhiêu cho đủ. Chỉ cần một nụ cười hằn lên trên đôi mắt sâu hoắm, đôi má nhăn nheo, lọn tóc bạt phơ vương vãi khắp sàn nhà... cũng đủ làm hơi ấm lan tỏa. Dẫu có lúc những băn khoăn, nỗi buồn và khoảng trống bắt đầu hiện hữu: “Sau này khi mình già/ Con cái bỏ đi xa/ Nó sống đời của nó/ Ta sống đời của ta”. Lời khẳng định chắc nịch chứng tỏ tình già cũng mạnh mẽ, can trường, vun vén cho nhau, hỏi người trẻ mấy ai làm được. Nếu được như thế chắn chắn sợi dây tâm hồn đã hóa làm một, hai bạn “già” đã hiểu nhau đến từng cử chỉ, từng lời ăn, từng tiếng nói, từng ánh mắt, từng nụ cười, từng thói quen... của nhau. Nghệ thuật so sánh được tác giả sử dụng nhuần nhuyễn trong khổ thơ thứ năm:

 

Sau này khi mình già

Mình yếu như lau sậy

Mình mềm như cánh hoa

Thời gian như nước chảy

Đời là giấc mộng xa.

 

Đây là khổ thơ rất đặc biệt, gói gọn nỗi niềm cũng như lo lắng cho quãng đường còn rất dài phía trước, chắc chắn ai cũng phải trải qua giai đoạn “già” đi trong cuộc đời, thế nhưng rồi cảm giác mong manh mơ hồ vẫn án ngự, rụng rơi. Những điều ai cũng biết, cũng thấy, cũng phải đối mặt, nhưng mấy ai dũng cảm để nói, để tỏ bày. Già yếu, buồn bã, cô đơn, sợ hãi... được khắc họa qua hình ảnh “lau sậy”, “cánh hoa”, “nước chảy”, biết là vậy những vẫn đẹp và nồng thắm, đẹp đến nỗi giấc mộng huyễn hoặc bung nở những niềm vui mới, phác họa bức tranh mới của hạnh phúc. Hãy chạm nhẹ vào tận sâu tâm khảm để lắng nghe hơi thở của tuổi già thong thái, an nhiên, tự tại. Viết đến đây, không hiểu sao, lời bài hát chảy vào hồn tôi cũng thật tự nhiên: “nỗi muộn phiền ngày tàn hơi thở/ em thấy không cõi đời vô vọng” (lời bài hát “mắt lệ cho người”, Từ Công Phụng). Khi chạm vào tận sâu cùng cõi đời, để ta biết trân quý những khoảnh khắc nhỏ nhoi của đời thường, dẫu giọt lệ nóng hổi lẩn khuất đâu đó giữa đếm tối muộn mằng. “Đời là giấc mộng xa”, nhưng khi tĩnh tâm ngắm lại, ta trân trọng quãng đời mặn nồng, sâu sắc, đẹp đẽ, khi bóng hình đôi ta còn in dấu trong ngôi nhà cũ kỹ. Khổ thơ tiếp theo của bài thơ xác lập cho riêng mình cõi giới của sự tin tưởng, nhận diện vẻ đẹp của lòng yêu thương luôn luôn đong đầy:

 

Sau này khi mình già

Anh mong mỗi ngày qua

Em vẫn còn ở đó

Hôn anh nụ hôn già

Anh vẫn còn ở đó

Ôm em vòng tay già

 

Thật ấm áp và thi vị, thật ngưỡng mộ đôi bạn già, hằng ngày vẫn thắp lên giai điệu ấm áp của tình yêu, đối với mỗi người và đối với cuộc sống. Mỗi dòng thơ như tiếng nói chân thành được cất lên đầy cảm động, đó là bản tình ca được hát đi hát lại nhiều lần lắm nhưng vẫn còn thắm thiết, chưa bao giờ cũ kỹ, nhàm chán. Trong một tạp văn của mình, tác giả Đinh Lê Vũ viết: “Thôi thì, cứ tự nhủ lòng, nếu còn giữ được lòng ngưỡng mộ điều kỳ diệu, sự háo hức trẻ thơ với điều sắp tới, và sự thú vị với trò chơi cuộc sống thì hãy nghĩ là mình vẫn đang còn trẻ, tuổi già vẫn còn xa lắm!” (Đinh Lê Vũ, già). Hai câu cuối là minh chứng cụ thể và hùng hồn cho những gì tác giả khẳng định trong tạp bút “già”: “Mặc xác thân khốn khó/ Mình yêu tình hoan ca”, xác thân già cỗi không đáng sợ bằng tâm hồn già nua. Tình yêu của đôi ta vẫn hằng ngày vượt qua bao trở ngại nhỏ nhặt của đời thường để hát lên bản tình ca nhiệm màu, vô biên của cuộc sống. Khi đôi ta nắm tay nhau, ta sẽ đủ sức mạnh san sẻ nỗi vui niềm buồn đến tận cuối con đường. Trên cõi đời này, mấy ai làm được?

 

Tiên Phước, 13.08.2017

 

 

 

Phan Nam
Số lần đọc: 2000
Ngày đăng: 30.08.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tính khái quát trong kịch Của tác giả Thanh Hương - Tuấn Giang
Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại - Cao Thị Hồng
Thanh Thảo, tôi chào đất nước tôi - Nguyễn Đức Tùng
Đọc bài thơ Hương Dương Cầm của Nguyễn Thanh Lâm - Đặng Xuân Xuyến
Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa dưới những góc nhìn đa diện - Nguyên Cẩn
Một sắc hoa ban – Đa sắc tâm hồn - Phạm Đình Ân
Nhớ Phạm Ngọc Lư - Nguyễn Lệ Uyên
Vài lời tản mạn về "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại" - Đặng Xuân Xuyến
Đến với thơ Đương Đại (*) - một góc nhìn mới về Thơ hôm nay - Yến Nhi
Mảnh vụn ký ức - Phan Văn Thạnh