Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.214.752
 
Nguyễn Thy Phương – Thầm lặng duyên quê và lóe sáng một nỗi niềm triết lý
Mai Bá Ấn

 

            Xuất hiện trước đám đông với trang phục tuềnh toàng cùng vẻ trầm tư pha một chút ngơ ngẩn, đó là Nguyễn Thy Phương. Nhưng khi đã vào cuộc thơ thì anh lại say thơ hơn cả người say rượu. Những lúc ấy, anh xem thơ là độc nhất, là một thiêng liêng bất khả xâm phạm. Anh đọc thơ đến say mê quên hết mọi thứ chung quanh và quên ngay cả bản thân mình. Ai mới gặp Nguyễn Thy Phương lần đầu, chưa hiểu tính anh thì một trong hai người sẽ dễ nảy ra xung đột. Anh sẽ xung đột trước nếu người mới gặp ồn ào chẳng chịu nghe thơ, xem thường thơ. Và người mới gặp sẽ xung đột trước nếu không chịu nổi những cơn say thơ đến quên cả trời đất của anh. Và vì thế, nếu hiểu được những phút giây say say tỉnh tỉnh của anh:

Những đêm say khướt trước thềm nhà

Ôm bóng nguyệt đang hôn giàn thiên lý

Có tỉnh say mới thấy mình thú vị

Hỡi gió trăng, mưa nắng bạn và ta (Say thi nhân).

và chơi thân cùng anh, ta sẽ được đón nhận ở anh những tình cảm rất chân thành.

            Sinh năm 1952 tại Nghĩa Thương, Tư Nghĩa, rồi vì hoàn cảnh gia đình, năm 7 tuổi, anh lại được gửi về quê ngoại Nghĩa Hiệp để được chăm nom. Tuổi thơ khổ nghèo, vất vả, chàng thanh niên Nguyễn Hiên (tên thật của anh) đã sớm giác ngộ cách mạng và dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đất nước hòa bình, anh tham gia phụ trách công tác Đoàn Thanh niên và sau đó chuyển sang làm Trưởng phòng Thể dục - Thể thao huyện Tư Nghĩa. Viết về Nguyễn Thy Phương, tôi chợt nhớ lại lương duyên gặp gỡ giữa anh và tôi cách đây đã hơn 30 năm chẳn. Đó là dịp Huyện Tư Nghĩa tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng (1975-1985), anh nhờ tôi viết thuyết minh và điều hành cuộc diễu hành mừng lễ. Vậy là, trên chiếc Honda Đăm thiếu nhớt, anh chở tôi đi khắp các xã trong huyện để lấy tư liệu thuyết minh. Nhiều lúc xe quá nóng máy, phải dừng lại xin nước để tạt vào cho máy nguội rồi chạy tiếp. Những năm tháng ấy, đời sống tuy nghèo khó mà vô cùng đẹp đẽ. Cái vô tư của người cán bộ phong trào gặp cái vô tư của một người cầm bút đã giúp chúng tôi góp phần cùng lãnh đạo huyện tổ chức một buổi lễ hoành tráng và thành công mà sau này dân Tư Nghĩa, ai ai cũng nhớ… Những ngày gần gũi ấy, tôi đã biết anh là người mê thơ, thuộc lòng đến từng bờ tre, gốc rạ trên từng địa bàn cụ thể của quê hương mình. Tôi nghe anh kể chuyện xưa mà cứ tưởng như mình lạc vào huyền thoại. Và tôi nghĩ, thơ Nguyễn Thy Phương phát nguồn từ nơi ấy. Đó là những chuyện ruột rà thuộc về quê hương mà cứ hễ thoát nó ra thì thơ anh cứ như con chim mất đi đôi cánh (muốn bay mà bay không lên được chỉ còn biết chạy, mà đã là chạy thì nhất định không phải thuộc tính của loài chim). Hơn 30 năm qua, đọc những sáng tác của anh, tôi nhận thấy, những cảm nhận ban đầu của mình về thơ anh ngày càng chính xác.

            Cũng như mọi nhà thơ, anh viết về nhiều chủ đề, nhưng dù có viết về chuyện đời, chuyện tình hay miên man cùng những triết lý sống mà mình chiêm nghiệm… thì anh cũng chỉ thành công khi đặt nó trên nền tảng của những cảm nhận đã thành máu thịt, ruột rà của chính cuộc đời anh với cái vùng quê mà anh sinh ra và thuỷ chung cả một đời. Mới đây, khi giới thiệu anh đọc thơ tại đêm Nguyên tiêu Đinh Dậu (2017), tôi đã từng viết: “Gắn bó một đời với dòng sông quê hương - dòng Vệ giang yêu dấu, thơ Nguyễn Thy Phương có đi xa về gần gì rồi cũng là những hoài niệm về câu chuyện một dòng sông”. Và đúng như vậy, anh đã cảm nó từ cội nguồn của những ngày cha ông khai nghiệp:

Nhớ khi người khai khẩn đất hoang

Trông viễn xứ mây hồng ngôn ngữ

Chính lúc ấy ca dao - tục ngữ

Cũng hình thành theo cánh võng nên thơ (Tình khúc dòng sông).

Có thể nói, đây là những câu thơ có cánh mà Thy Phương chỉ có thể làm ra trong trạng thái thăng hoa hiếm hoi của cảm xúc. Dòng sông Vệ vốn gần gũi bình thường gắn liền với những cánh đồng quê cùng những bến đò ngang dân dã bỗng chốc hóa thân thành dòng sông lung linh trong “mây hồng ngôn ngữ”, rất phù hợp với không khí huyền thoại về quá khứ của một thời lập đất khẩn hoang.

Tuổi thơ Nguyễn Thy Phương được ngoại hời ru theo nhịp võng bên rặng tre ven bờ sông Vệ và dắt dìu những bước đầu đời, chính vì lẽ đó, khi nghĩ về quê hương, anh nghĩ ngay đến hình ảnh bà ngoại với những vần lục bát vừa khoan thai như nhịp võng đưa lại vừa đằm sâu bằng một giọng triết lý mơ màng:

Mỏi mòn mắt ngoại mờ xa

Trăm năm tuổi thọ chắc là ngoại đi

Bên kia là cái kiếp gì

Mà ai cũng đến cũng đi nhẹ nhàng (Nhà ngoại tôi).

Dù gắn bó tuổi thơ nơi quê ngoại, lòng anh vẫn luôn hướng về nơi quê nội chôn nhau cắt rốn của mình với tất cả những nghĩa ân, cho dù hai quê cách nhau chỉ mấy quãng đồng. Và khi viết về quê hương với những địa danh thân thuộc, thơ Nguyễn Thy Phương vẫn ăm ắp bên trong một nét duyên thầm. Chính nét duyên này khiến những tên đất, tên làng đi vào thơ một cách tự nhiên như gương mặt đoan trang của một cô gái quê sáng lên dưới ánh trăng đêm khi tát nước ven đường:

Con hãy về thăm quê cha bến Lở

Nơi bát ngát đồng xanh lúa mượt mà ru với gió

Cánh đồng Dàng chợ Ngỏ miếng trầu cay

Mùa xương rồng trắng phau màu nước bạc

Trung Hòa vui câu hát tận Trường An

Những đêm trăng làng ta vai nặng gánh

Gà trở canh Tân Quang, Đập Quánh trở mình

Ai tát nước ven đường qua An Tỉnh

Chiếc tàn che nghe sáo vọng vực Hồng (Duyên quê).

            Lớn lên và chiến đấu nơi vùng quê ấy, tất nhiên, ở anh đã nẩy nở những cuộc tình và trở thành những hồi ức long lanh thời tuổi trẻ say mê gắn liền với một quãng đời cay cực của tuổi thơ chân lấm tay bùn. Quá khứ nối liền cùng hiện tại, lúc này, giọng thơ Nguyễn Thy Phương chân chất, thật thà đến đổi rất dễ thương:

Anh bước qua cầu lại gặp em

Em bối rối điều chi dồn trong ánh mắt

Có phải anh cậu con trai ngày nào

Hay mò cua bắt ốc

Bùn toét toe lưng rám nắng mương Chùa

Những đêm trăng hay thích đùa vui

Chơi ú tim đuổi bắt nhau dậy xóm (Duyên quê).

Từ giã xóm làng lên đường chiến đấu, lòng chàng trai vẫn luôn rưng rức nhớ quê sau mỗi trận diệt đồn thù và luôn vững một niềm tin ngày trở về giải phóng quê hương:

Mẹ ơi! lớn lên con làm lính xa nhà

Lửa chiến tranh khét đến từng chân rạ

Mang nỗi đau đi cùng trời cuối đất

Vẫn tin ngày gặp gỡ quê nhà...(Duyên quê).

Với quê hương thời chiến tranh, bằng cảm nhận đớn đau của một người đã từng dấn thân trong cuộc chiến, Nguyễn Thy Phương có những câu thơ thật sự làm lay động lòng người dù anh cũng chỉ cất lên những câu từ chơn chất bắt nguồn từ những câu chuyện của quê hương. Có thể nói không ngoa rằng, chuyện kể về một người thiếu niên mù nhận nhiệm vụ làm mật báo viên và hi sinh ngay chính trên vùng cát quê mình là một bài thơ vừa hiện thực lại vừa như huyền thoại. Bài thơ này, tôi chỉ dám trích ra và xin không phẩm bình gì thêm, vì tự bản thân câu chuyện đã là thơ:

Người hành khất ra đi

Đầu trần và chân đất

Chú Bi ơi! Chú Bi

Chú mù từ thưở bé

Ai vẽ chú con đường

Mà đi không vấp ngã

Lang thang khắp phố phường

Tìm bát cơm, hạt gạo

Nhen lên ngọn lửa hồng…

            Và cái chết của chú Bi đã trở thành “vô cùng” của một sự hi sinh, nở thành bông hoa đỏ tươi trên nền cát trắng:

Một tràng súng liên thanh

Xé tan tành ngực chú

Nơi chú hóa vô cùng

Chợt rực lên màu nắng

Đóa hoa trên cát trắng

Trên quê mình - Nghĩa An (Hoa trên cát trắng).

            Nét duyên quê đằm thắm, chân thành và không gian huyền thoại không chỉ hiện lên ở những bài thơ anh viết về chốn sinh thành của riêng mình mà còn lan tỏa đến những bài thơ viết về quê hương Quảng Ngãi:

Trà Giang ơi! Đâu nỗi nhớ riêng tôi

Bao thế hệ ấm trong nguồn sữa mẹ

Mòn vết thời gian sông trong tôi vẫn trẻ

Con rồng xanh vươn sức sống tình người (Điệp khúc dòng sông).

Cái duyên quê đó chính là “Bao thế hệ ấm trong nguồn sữa mẹ” và cái không gian huyền thoại kia hiện lên rất rõ nét trong hình tượng “Con rồng xanh vươn sức sống tình người” của dòng Trà giang chảy dài theo năm tháng.

Là một người thơ lớn lên từ trong cơ cực của kiếp nông dân nghèo khó, trưởng thành trong máu lửa chiến tranh và trở trăn cùng bao khó khăn trong cuộc sống thời bình, nên ở một góc độ khác, ta nhận ra thơ Nguyễn Thy Phương dù đằm thắm nét duyên quê vẫn sáng lên những triết lý khá bất ngờ và thú vị:

Tắm mẹ cuối thế kỷ

Mẹ cười - nguồn nước xa

Tắm mẹ đầu thế kỷ

Mẹ mừng nước thơm hoa… (Tắm mẹ).

            Giờ giao thừa giữa thế kỷ XX và XXI (2001), có một người đàn ông đã luống tuổi tắm cho người mẹ già để mẹ đón xuân sang quả là một hình ảnh đẹp. Rất thực, rất ân tình nhưng cũng đầy triết lý, trở thành một bài học đạo đức lay động đến tận đáy lòng của mọi người con. Còn với tình yêu lứa đôi, Nguyễn Thy Phương cũng để lại được những vần thơ rất gợi:

Chiều quên tắt nắng lưng đồi

Nhẹ tênh bóng núi, nặng đôi vai gầy

Gùi hoa nắng hội Sơn Tây

Đồi nghiêng em bước ngất ngây trời chiều (Khúc hát rừng xanh).

Bốn câu lục bát đằm thắm duyên quê và say tình đến độ “chiều quên tắt nắng” làm “ngất ngây cả trời chiều” thì đúng là say thơ và say tình như anh thì cũng đáng một lần say. Xen lẫn trong những khúc tình ca lứa đôi chân thành ấy, ta vẫn dễ nhận ra một giọng triết lý rất phiêu bồng của Nguyễn Thy Phương:

Nếu ta hiểu tận ngọn nguồn của gió
Thì yêu chi, nhớ để làm gì… (Hẹn một ngày mai).

“Yêu chi, nhớ để làm gì”? Không biết! Nhưng chính cái sự tù mù vì “không biết” ấy trong tình yêu, Nguyễn Thy Phương đã đưa đến cho người đọc những vần thơ tình yêu đầy ấn tượng. Đọc thơ Nguyễn Thy Phương, ai cũng dễ nhận ra được những bài thơ hay là những bài đạt đến độ chín muồi về tình và thăng hoa về cảm xúc. Và cũng dễ dàng nhận ra những bài thơ chưa thật sự chín khi anh cố ý nống ra những đề tài mang tính thời sự làm mất đi vẻ tự nhiên của cái nét duyên quê đằm thắm. Chuyên mục “Khuôn mặt Văn nghệ Quảng Ngãi” kỳ này xin giới thiệu trang thơ Nguyễn Thy Phương cùng bạn đọc xa gần.

CHÙM THƠ NGUYỄN THY PHƯƠNG

 

SAY THI NHÂN

 

Những đêm say khướt trước thềm nhà

Ôm bóng nguyệt đang hôn giàn thiên lý

Có tỉnh say mới thấy mình thú vị

Hỡi gió trăng, mưa nắng bạn và ta

Có những đêm thấy lòng sâu lắng

Bên ngọn đèn trang giấy gọi thi nhân

Người thiên cổ có về cùng ta chăng hỡi!

… Say thật nhiều tất cả một màu xanh

Vuốt mái tóc thấy mình già trước tuổi

Nở môi cười bỗng trẻ lại nhiều hơn.

 

DUYÊN QUÊ

                                                                   

Ngày xưa mẹ dặn - Nhớ nghe con

Mai lớn khôn dù ở nơi nào

Con hãy về thăm quê cha bến Lở

Nơi bát ngát đồng xanh lúa mượt mà ru với gió

Cành đồng Dàng chợ Ngỏ miếng trầu cay

Mùa xương rồng trắng phau màu nước bạc

Trung Hòa vui câu hát tận Trường An

Những đêm trăng làng ta vai nặng gánh

Gà trở canh Tân Quang Đập Quánh trở mình

Ai tát nước ven đường qua An Tỉnh

Chiếc tàn che nghe sáo vọng vực Hồng

Mương ngang đồng xanh ai đứng đó mà trông

Chim vui lượn mặt trời vàng nghiêng bóng

Đón em về ... gánh lúa ngược đường xa

Mẹ ơi! lớn lên con làm lính xa nhà

Lửa chiến tranh khét đến từng chân rạ

Mang nỗi đau đi cùng trời cuối đất

Vẫn tin ngày gặp gỡ quê nhà...

Mẹ ơi!

Mùa xuân về quê ta bến Lở

Làng sống lại rộn ràng khuya sớm

Ruộng lúa xanh xanh đồng vui mùa hợp tác

Ngồi bến Gành nghe mênh mang tiếng hát

Gió nồm man mác thổi hồn con...

Anh bước qua cầu lại gặp em

Em bối rối điều chi dồn trong ánh mắt

Có phải anh cậu con trai ngày nào

Hay mò cua bắt ốc

Bùn toét toe lưng rám nắng mương Chùa

Những đêm trăng hay thích đùa vui

Chơi ú tim đuổi bắt nhau dậy xóm

Lại phút nhìn bỡ ngỡ tim anh

Và em - có phải em?

cô bé thuở nào

qua cầu sợ té

bước lên đò sợ nước chảy đò nghiêng...

Bến Lở ơi! Ngày trước lở duyên

Nay về gặp lại

"Tóc thề trước gió lay lay

Thương em anh sợ gió bay tóc thề"

Nồng nàn thắm đượm tình quê

Quê cha bến Lở ngày về thương thương.

                                      Quê Nội, 1986


 

TÌNH KHÚC DÒNG SÔNG
                         Tặng Ly Phương.

 

Tình khúc nào ẩn hiện trong anh
Như ngày em qua cầu Sông Vệ
Sông thì cạn- tình sâu như bể
Khó khôn nguôi - Trạm phố một thời gian
Nhớ khi người khai khẩn đất hoang
Trông viễn xứ mây hồng ngôn ngữ
Chính lúc ấy ca dao - tục ngữ
Cũng hình thành theo cánh võng nên thơ
“Mít ngon ngọt múi thơm xơ
Em về sông Vệ không bơ vơ buồn”
Và còn đó- vòng tay kỷ niệm
Chưa sang trang trên giấy học trò
Tình còn đó
Con đò, bến nước
Nơi em qua tìm cuộc sống- cội nguồn
Và còn đó- lúc em buồn
Sông sóng động
Phố quên đèn, trăng cũng lướt nhanh
Kỷ niệm nào riêng giữa em- anh
Mà sông Vệ
Mãi gọi thành Tên gọi.

 

 

TẮM MẸ

Tắm mẹ cuối thế kỷ

Mẹ cười - nguồn nước xa

Tắm mẹ đầu thế kỷ

Mẹ mừng nước thơm hoa…

Gần trăm năm đời mẹ

Đã xây đắp vun trồng

Nguồn nước xanh chất sống

Thơ con hồng màu son.

 

NHÀ NGOẠI TÔI

Nhà ngoại tôi có ba gian

Nằm giữa đồng xanh trải nắng vàng

Những sáng đẹp trời nghe chim hót

Mỗi chiều gió nhẹ cánh diều bay

Tôi về với ngoại năm lên bảy

Từ tuổi thơ ngây mãi đến giờ

Ngoại thường trăn trở những đau thương

Chất chồng nước mắt vầng khăn trắng.

Nhớ khi bom đạn hủy xóm làng

Lưng còng dắt cháu đi chạy nạn

Không quên trang vở chút quà con

Hạt cơm, miếng cháo dành cho cháu

Rau măng ngoại chỉ để phần mình

Mỏi mòn mắt ngoại mờ xa

Trăm năm tuổi thọ chắc là ngoại đi

Bên kia là cái kiếp gì

Mà ai cũng đến cũng đi nhẹ nhàng

Ngoại ơi! Con muốn thời gian

Chậm quay để ánh trăng vàng ngoại trông

Để trong giây phút bồi hồi

Ngoại tôi đi khắp non ngàn thiên thu.

 

Hương thời gian

Nếu được làm phép quay thời gian

Tôi sẽ đưa em về dĩ vãng

Gặp tuổi thơ mình

Cô bé hoa khôi diễm lệ

Nếu được làm phép quay thời gian

Tôi sẽ quay ngược lại

Đưa em về tuổi xuân

Sống một thời vàng son lộng lẫy

Nếu được làm phép quay thời gian

Tôi sẽ quay nghiền nát

Những khổ đau vụng dại

Chạm đến tay nàng

Em là viên ngọc quý

Thần vệ nữ trong tôi

Trước em tôi là người có tội

Vì lời thơ non trẻ trang tình

Hương thời gian không bao giờ trôi…

 

ĐIỆP KHÚC DÒNG SÔNG

 

Tôi biết, lòng suối không thể sánh dòng sông

Dòng sông không sánh cùng biển cả

Hỡi dòng sông muôn đời vất vả!

Vẫn tươi màu hoa lá bốn mùa vui

Nghiêng Ấn trời con nước êm xuôi

Về với biển gửi phù sa cây trái

Tháng năm nào phai giọt mồ hôi.

 

Trà Giang ơi ! Đâu nỗi nhớ riêng tôi

Bao thế hệ ấm trong nguồn sữa mẹ

Mòn vết thời gian sông trong tôi vẫn trẻ

Con rồng xanh vươn sức sống tình người

Những đêm trăng

Ai gảy khúc Trường Xuân

Để họa sĩ nói lời bằng cây cọ

Bút thi nhân trên giấy hỏi lòng mình

Thương vầng dương rạng rỡ gọi mai về.

 

 

 

 BỖNG NGHE

 

Bởi chưa duyên

Đến được cùng em

Chùng tiếng hát

Hòa nơi phố thị

Người gửi tình

Ta giữ nỗi riêng tư

Theo nét bút

Hồng lên từng khuôn mặt

…Kìa lá rơi

Ai vội nhặt

Ép vào thơ

Giăng nỗi nhớ đường tơ

…Trong kẻ lá.

Những bài viết về Nguyễn Thy Phương (Tham khảo):

                

Lời giới thiệu về Nguyễn Thy Phương

              (Nhân buổi ra mắt tập thơ Duyên Quê tại thị trấn Sông Vệ)           
      

Ngày hôm nay có một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thy Phương anh cho ra mắt tập thơ "Duyên Quê" với bạn đọc tại thị trấn Sông Vệ.

Cuộc đời của Thy Phương luôn nặng nợ và gắn liền với thơ ca; anh yêu thơ và say mê thơ văn từ thời gian còn học ở bậc phổ thông. Có thể trong quá trình hoạt động của mình anh không đạt được đỉnh cao về danh vọng tiền bạc tài sản... nhưng anh sẵn sàng hy sinh chấp nhận khổ đau để đạt nguyện ước là làm nô lệ suốt đời cho tình yêu “Thơ ca”. Mặc dù chưa qua một trường lớp nào về văn chương nhưng anh có kiến thức khá sâu về lĩnh vực này; đặc biệt là anh có thể đọc thuộc một số bài thơ đoạn văn về những bậc thi nhân nổi tiếng trong nước và thế giới của bạn bè thi hữu mà anh quen biết. 56 bài thơ trong thi phẩm "Duyên Quê" được giới thiệu với bạn đọc là một phần trong những sáng tác của anh. Hàng ngày chúng ta có thể bắt gặp Thy Phương ngẩu hứng đọc một bài thơ hoặc một vài câu thơ của mình anh tâm sự: "Hãy nói chuyện thơ văn với tôi rồi sau đó bạn hãy nói về đề tài khác!...".

Tôi vừa là một người bạn học với Nguyễn Thy Phương từ thời tiểu học và trung học; sau này vừa là người cùng sinh hoạt trong Hội VHNT Quảng Ngãi và cùng tham gia nhóm "Thiên Bút Thi Hữu". Chúng tôi thường xuyên tâm sự trao đổi và chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống. Nguyễn Thy Phương thường nặng lòng về quá khứ về những kỷ niệm trải nghiệm trong chiến tranh mà anh là người trực tiếp tham gia lúc hành quân lúc ở hầm sâu địch hậu, lúc băng suối vượt đèo... Ở đâu đó trên những vùng miền quê hương nơi mà anh đã từng đặt dấu chân từng chiến đấu từng đổ những giọt mồ hôi và cả những giọt máu của mình. Trong mỗi hạnh phúc của chúng ta có một phần công sức không nhỏ của Nguyễn Thy Phương chúng ta trân trọng và biết ơn những đóng góp của anh trong sự nghiệp chung của đất nước. Nhân buổi giao lưu giới thiệu tác giả - tác phẩm này thay mặt nhóm Thiên Bút Thi Hữu và bạn bè thân hữu tôi xin chúc nhà thơ - thương binh Nguyễn Thy Phương có được sức khoẻ tốt nạp được nhiều năng lượng mới để sáng tác và tiếp tục cho ra đời những tác phẩm hay.

            Nguyễn Thy Phương là người có phương pháp sáng tác không giống ai lạ lùng và độc đáo. Mỗi ngày anh có thể ngồi vài giờ ở quán để lai rai nhâm nhi vài cốc bia, tí mồi hoặc vào ban đêm anh đốt nến làm ánh sáng đối diện với chính mình. Anh hồi tưởng chiêm nghiệm quá khứ với hiện tại; đôi lúc lại bật ra những câu thơ xuất thần anh ghi vội ra giấy; sau đó anh nhờ bạn bè thi hữu góp ý sửa chữa. Có một số bài thơ và những câu thơ hay của Nguyễn Thy Phương được ra đời từ không gian và điều kiện như vậy. Ngoài ra Nguyễn Thy Phương còn sở hữu một gia tài vô giá khiến những người yêu thích văn chương sưu tầm cổ vật trong đó có tôi phải thèm khát muốn chiếm hữu nó! Anh lưu giữ một số bút tích của một số nhà văn nhà thơ nổi tiếng Việt Nam, cất giữ một số kỷ vật thời chiến tranh của những đồng đội, bạn văn mà anh từng quan hệ tiếp xúc. Anh xem đó là những bảo vật không tặng lại cho ai và cũng không cho ai mượn; cẩn trọng trong việc bảo quản nó được anh mang theo trong quá trình chuyển nơi ở tạm. Trong số tác phẩm của anh còn có một truyện ngắn với vài chục trang viết anh lấy tựa đề: "Trái tim người lính". Đây chính là những ghi chép cảm nhận trải nghiệm của anh trong những ngày quê hương còn trong lửa khói đạn bom... Những nhân vật trong truyện chính là những đồng đội, người dân trong vùng giải phóng đã cùng với anh chiến đấu mà mục tiêu duy nhất là giải phóng quê hương đem lại ấm no và hạnh phúc. Rất tiếc có nhiều lý do về khách quan chủ quan nên tác phẩm này chưa ra mắt được với bạn đọc.

            Nguyễn Thy Phương còn là hình mẫu của một trái tim nhân hậu với đồng lương hưu và trợ cấp thương tật của anh nhưng khi bắt gặp cảnh đời éo le khó khăn anh sẳn sàng chia sẻ đồng lương ít ỏi của mình để giúp đỡ họ. Bạn có tin không? anh sẳn sàng đi bộ để nhường chiếc xe máy cà tàng của mình cho người học cùng lớp mượn làm điều kiện sinh nhai. Anh hết lòng giúp đỡ bạn bè thi hữu bà con lối xóm khi gặp phải khó khăn, anh nhận thấy đó là việc cần phải làm. Sự giúp đỡ vô tư thật lòng không vụ lợi từ chối việc trả ơn và xem công tác từ thiện là tâm nguyện của mình. Trái tim nhân hậu còn thể hiện là ngày đêm anh cầu nguyện trước vong linh người đã khuất hãy ban ơn lành cho quốc thái dân an phù hộ cho những người đang sống. Có lần anh gọi điện thoại cho tôi mà giọng đầy cảm xúc nghẹn ngào: "Bạn  ơi! Mình đang đứng trước mộ Hồ Văn Sơn (bạn học cùng lớp ở Trường trung học Văn Hiến đã hy sinh) mình nhớ nó quá!..." Những giọt nước mắt sẻ chia với người đồng chí cùng chiến đấu với mình đã nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất quê hương cho đất nước được tự do - độc lập.

            Nguyễn Thy Phương cuộc đời và sự nghiệp thơ văn không thể tóm tắt giới thiệu trong vài trang viết những tác phẩm của anh sẽ mãi tồn tại với thời gian. Thi phẩm "Duyên Quê" được ra đời với bạn đọc ngay trên quê hương Sông Vệ chính là sự cố gắng nổ lực và quyết tâm rất lớn của Thy Phương trong đó có sự đóng góp công sức của anh em trong nhóm "Thiên Bút Thi Hữu" của các cơ quan hữu quan của bạn bè bà con và gia đình. Một lần nữa xin thay mặt Ban tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm Duyên quê của nhà thơ Nguyễn Thy Phương tôi xin tuyên bố khai mạc buổi giao lưu giới thiệu tác giả - tác phẩm chúc buổi giao lưu thành công tốt đẹp và xin chân thành cảm ơn các vị khách quý đã dành thời gian quý báu đến tham dự buổi giao lưu này./. 

  Đầu thu, 2008

  Hồ Nghĩa Phương               

                                                                         

 

Cảm nhận về Tập thơ “Duyên quê” và nhà thơ Nguyễn Thy Phương

 

 NGUYỄN ĐỨC BA

Thy Phương vừa ra mắt tập thơ “Duyên quê” – một tác phẩm đầu tay đã được thai nghén trong gần 40 năm qua. Thy phương tên thật là Nguyễn Minh Hiên, sinh ngày 10/12/1952 quê quán xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. Hiện nay anh sống tại thị trấn Sông Vệ là hội viên Hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi sinh hoạt trong nhóm “Thiên Bút Thi Hữu”

Buổi lễ ra mắt khá trang trọng, ấm cúng với sự chào đón thân tình của đông đủ các thân, thi hữu và người yêu thơ.

Trong số các vị khách quý hôm đó có:

– Nhạc sĩ Trần Xuân Tiên – PGĐ Đài PTQ

– Nhà văn, Nhà thơ Nguyễn San

– Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ngô Đình Long

Trưởng BTC Nhà thơ Hồ Nghĩa Phương (Nhóm Thiên Bút Thi Hữu) đọc lời khai mạc rất mặn mà, thắm nghĩa bạn bè, đượm tình quê hương, khắc họa lên chân dung của một Thy Phương hêt sức bình dị, chân chất, mộc mạc của một anh nông dân thứ thiệt nhưng cũng hết sức cởi mở, thẳng thắn, bộc trực và hừng hực một tấm lòng yêu văn thơ.

Sau phần nghi thức là đến phần giới thiệu một số bài thơ hay của tác phẩm: “Nắng” “Tình” ” Chiều Sông Vệ ” ” Chiều Bến Thóc” do các “nghệ sĩ nghiệp dư”Văn Thành, Tô Hoàng, Thủy Nguyên, Vĩnh Đàm… đọc và diễn ngâm

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là các bài thơ được phổ nhạc: “Nhạc tình”, “Thương cánh vạc bay” nhạc Nhất Phương, “Điệp khúc dòng sông” nhạc Huy Vũ. Đặc biệt nhất là “Hương thời gian” nhạc của Ngô Đình Long do chính nhạc sĩ hát tặng, cả thính phòng im lắng, ngỡ ngàng. Nhiều người đã lật lại tập thơ dò lại lời trong bài hát và mới thực sự tin rằng chỉ có nhạc mới xứng đáng là người bạn tri kỷ của thơ ca. Lời bài thơ không phải quá đặc sắc, ấy vậy mà khi kết hợp với các tiết tấu của nốt nhạc, giai điệu bài hát mới thơ mộng, trữ tình và ngọt ngào làm sao!

******

Phần lớn thơ của Nguyễn Thy Phương là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa và những trải nghiệm cuộc đời. Thật hiếm, khi trong cuộc sống yên bình này lại có một người, một thương binh đi ra từ cuộc chiến tranh viết lại và viết lên những vần thơ mộc mạc, chân chất nhất không sợ ai chê cười, ngôn từ thì bình dị không trau chuốt cầu kì. Nhưng đọc thơ Thy Phương chúng ta thấy cả một tình yêu bao la, một lý tưởng sống, một khát vọng sâu sắc trong anh và một sự trân trọng vô bờ bến đối với một quá khứ hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vừa mới đi qua.

Có lẽ nên bắt đầu bằng những vần thơ nhẹ nhàng rất mộc nhưng đầy duyên dáng trong thơ anh:

Nhà ngoại tôi có ba gian

Nằm giữa đồng xanh trải nắng vàng

Những sáng đẹp trời nghe chim hót

Mỗi chiều gió nhẹ cánh diều bay

Tôi về với ngoại năm lên bảy

Từ tuổi thơ ngây mãi đến giờ

Ngoại thường trăn trở những đau thương

Chất chồng nước mắt vầng khăn trắng.

Nhớ khi bom đạn hủy xóm làng

Lưng còng dắt cháu đi chạy nạn

Không quên trang vở chút quà con

Hạt cơm, miếng cháo dành cho cháu

Rau măng ngoại chỉ để phần mình

Mỏi mòn mắt ngoại mờ xa

Trăm năm tuổi thọ chắc là ngoại đi

Bên kia là cái kiếp gì

Mà ai cũng đến cũng đi nhẹ nhàng

Ngoại ơi! Con muốn thời gian

Chậm quay để ánh trăng vàng ngoại trông

Để trong giây phút bồi hồi

Ngoại tôi đi khắp non ngàn thiên thu.

(Nhà ngoại tôi)

Rồi khi lớn lên:

Lớn lên con làm lính xa nhà

Lửa chiến tranh khét đến từng gốc rạ

Mang nỗi đau đi cùng trời cuối đất

Vẫn tin ngày gặp gỡ quê nhà

(Duyên quê)

Tình yêu quê hương, đất nước là thế nhưng trong anh vẫn chung thủy ngọt ngào với tình yêu lứa đôi:

Tằm non ăn lá dâu tơ

Em về Sông Vệ bến thơ thuyền tình

Sương xanh rạng ánh bình minh

Em là tất cả hành trình đời anh

Quen nhau đường thẳng ngõ quanh

Em và Sông Vệ trở thành niềm riêng

(Tình)

Còn đây mới thực và đáng yêu làm sao:

Làm xong được một bài thơ

Đem khoe với vợ để chờ tiếng khen

Vợ rằng ai hạnh phúc bằng

Thơ hay như thế tặng bằng “nụ hôn:”

( Chờ )

Không chỉ mộc mạc, đáng yêu, thơ anh cũng vô cùng sâu sắc khi anh viết về một người đồng chí nuôi giấu anh dưới căn hầm bí mật, đó là đồng chí Nguyễn Tới bí danh “Bi”. Một bài thơ mà theo tôi đáng đưa vào sách giáo khoa lắm chứ:

Trên bãi cát trắng phau

Bóng dừa nghiêng chắn lối

Tiếng sóng vỗ ầm vang

Người hành khất ra đi

Đầu trần và chân đất

Chú Bi ơi! Chú Bi

Chú mù từ thưở bé

Ai vẽ chú con đường

Mà đi không vấp ngã

Lang thang khắp phố phường

Tìm bát cơm, hạt gạo

Nhen lên ngọn lửa hồng

Bữa cơm thường dọn ra

Chờ mấy anh dưới cát

Lên cùng chung ngồi xơi

Chú Bi ơi! Chú Bi

Chú đâu thấy bầu trời

Đỏ vàng hay xanh tím

Sao chú thấy con tim

Của những người đồng chí

Đang được chú ấp yêu

*****

Giặc càn qua xóm bãi

Trong căn hầm dưới cát

Bấy giờ chỉ còn lại

Cờ và súng liên thanh

Một tràng súng liên thanh

Xé tan tành ngực chú

Nơi chú hóa vô cùng

Chợt rực lên màu nắng

Đóa hoa trên cát trắng

Trên quê mình – Nghĩa An.

(Hoa trên cát trắng)

Không nên nghĩ Thy Phương chỉ có thế thôi! Thơ anh đôi lúc cũng xuất thần với những tứ thơ rất lạ không kém phần độc đáo và uyên bác. Anh là một người con rất hiếu thảo, luôn giữ đạo lý và gia giáo. Bước vào thế kỷ 21 rồi, vậy mà anh vẫn giữ lấy nếp nhà: Tắm giao thừa cho mẹ để gột rửa những đau buồn, cực khổ, khó nhọc trong năm cũ, mong đón một năm mới an lành, no ấm, đủ đầy… Chính vậy anh mới có bài thơ hết sức độc đáo:

Tắm Mẹ

Tắm mẹ cuối thế kỷ

Mẹ cười – nguồn nước xa

Tắm mẹ đầu thế kỷ

Mẹ mừng nước thơm hoa…

Gần trăm năm đời mẹ

Đã xây đắp vun trồng

Nguồn nước xanh chất sống

Thơ con hồng màu son

Và đây là bài thơ “Điên” của anh, mênh mang những nỗi niềm:

Những đêm say khướt trước thềm nhà

Ôm bóng nguyệt đang hôn giàn thiên lý

Có tỉnh say mới thấy đời thú vị

Hỡi gió trăng, mưa nắng bạn và ta

Có những đêm thấy lòng sâu lắng

Bên ngọn đèn trang giấy gọi nàng thơ

Người thiên cổ có về cùng ta chăng hỡi!

Say thật nhiều nhưng tất cả một màu xanh

Vuốt mái tóc thấy mình già trươc tuổi

Nở môi cười bỗng trẻ lại nhiều hơn.

(Say thi nhân)

Hay là một cảm xúc thần tiên bất chợt:

“Ô hay! Chút năng vô tình ấy

Cháy tiếp hồn anh giữa góc thơ

Là khi em vẽ màu trăng chếch

Tựa ánh sao hoang lạc giữa hồn”

(Nắng)

Thy Phương như tôi được biết anh chưa bao giờ có năng khiếu âm nhạc, ấy vậy mà trong nhiều bài thơ của anh nó rất gần gũi, gắn kết với âm nhạc và đây cũng là một phát hiện rất tự nhiên.Thơ hay chưa chắc phổ được nhạc, nhưng nhạc đã phổ vào thơ rồi thì biến hóa vô cùng:

Hương thời gian.

Nếu được làm phép quay thời gian

Tôi sẽ đưa em về dĩ vãng

Gặp tuổi thơ mình

Cô bé hoa khôi diễm lệ

Nếu được làm phép quay thời gian

Tôi sẽ quay ngược lại

Đưa em về tuổi xuân

Sống một thời vàng son lộng lẫy

Nếu được làm phép quay thời gian

Tôi sẽ quay nghiền nát

Những khổ đau vũng dại

Chạm đến tay nàng

Em là viên ngọc quý

Thần vệ nữ trong tôi

Trước em tôi là người có tội

Vì lời thơ non trẻ trang tình

Hương thời gian không bao giờ trôi…

*******

Nói đến Thy Phương không thể không nói đến con người thật của anh và những gì bạn bè, người thân nhìn nhận về anh. Ở cái làng Vạn Mỹ (Sông Vệ) ai mà không biết anh và thơ anh. Người ta ví anh là “Bùi Giáng”của cái làng này:

Thy phương hùng hục làm thơ

Như là Bùi Giáng phá bờ bắt cua.

Anh làm thơ, say sưa với thơ và hết mình với thơ. Viết được một câu thơ, một bài thơ đối với anh là một quá trình lao động thực sự cả về sức lực và tinh thần. Ta hãy đọc bài thơ của Mạc Trường Thiên viết về anh:

Nguyễn Hiên ơi! Nguyễn Hiên

Là tục hay là tiên

Đang tỉnh hay đang điên

Kệ cuộc đời đâu bể

Đến “ngu”như người hiền

Cạn dăm ly – độc thoại

Túi đầy thơ – rỗng tiền.

Người ta kể về anh với nhiều giai thoại, nếu như ai đã từng ngôi nhâm nhi với anh chắc chắn không quên:

Cạn ly ghắp miếng thịt Cầy

Cảm ơn thượng đế món nầy quá ngon…

Mời anh nhắm thử món này

Diêm vương có hỏi – trên này có thôi

Ai đó đã tức cảnh viết ra câu này, khi đó nhà anh còn nằm trên một đám ruộng, chơ vơ đơn độc như không dấu được nỗi cô đơn hiu quạnh và nghèo túng của anh. Phía trước mặt nhà là con đường mà ngày ngày các bà vẫn thường họp chợ, sau nhà là con mương thủy lợi Thạch Nham để thỉnh thoảng các bà, các cô ra đấy trút nỗi buồn;

Trước chợ, sau mương giữa nhà thơ

Nước chảy ro re ghé mắt nhòm

“Con cúi”nghiêng nghiêng cười khép nép

Nhà thơ nhép mép, chép nên thơ.

Không những chỉ làm thơ, nhiều khi trong câu nói đùa nhưng rất thâm thúy gây không ít khó chịu cho các anh cán bộ địa phương. Tính cách anh là vậy cứ ưa nói ngang, nói ngạnh không sợ mếch lòng ai. Chính vì thế mà hôm ra mắt tập thơ anh có mời đầy đủ các vị Bí thư, Chủ tịch thị trấn nhưng không thấy vị nào đến, không biết có phải họ ớn cái cách “ăn nói” ngang xương của anh không. Thực lòng mà nói tôi cũng không mấy thiện cảm với lối sống “lãng tử” quá lố của anh. Không biết trong cõi lòng sâu kín của anh còn gì chưa xuất tiết ra thơ, chỉ biết anh rất cô đơn, sống như người vô gia cư (?) rày đây mai đó trong người lúc nào cũng có chút men, lúc nào cũng chỉ nói đến thơ văn.Tôi biết anh từ sau ngày quê hương giải phóng, hình ảnh của anh người chỉ huy đám thanh, thiếu niên chúng tôi tham gia các buổi lao động công ích vét mương, đào kênh và các cuộc mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng … mới oai hùng làm sao. Thế hệ chúng tôi còn nhớ mãi tiếng hét “Ra lửa” của Nguyễn Hiên và chính tiếng hò hét ấy mà nay mới có kênh An Chỉ, Sân vận động và một số công trình khác ở cái thị trấn này …

Thơ anh thì rất thực, nhưng anh phải sống với những gì trong lành, chứa đựng những hoài bão cao đẹp trong từng ý thơ anh viết để xứng đáng với một quá khứ hào hùng của một thời trai trẻ thì lòng mới thực được anh Phương ơi!Uống rượu để làm thơ, xin anh đừng đem thơ ngâm vào rượu thì tiếc lắm thay. Muốn viết, muốn nói và muốn chê anh thêm tí nữa, nhưng viết gì, nói gì thì cuối cùng cũng xin tỏ lòng ngưỡng mộ, trân trọng trước một con người thơ, một nghị lực vô bờ bến của anh … Ra mắt bạn đọc tập thơ, đứa con tinh thần đầy tâm huyết này là một sự cố gắng không hề mệt mõi của anh – Đó là một sự hy sinh trọn vẹn của người Nghệ sĩ dành cho niềm đam mê. “Thích chí hơn phú quí” phải không anh! Mong rằng sau “Duyên quê ” sẽ còn những: Hồn quê, Dáng quê, hay Làng quê gì đó nữa để góp thêm những bông hoa tươi đẹp vào vườn hoa thi ca Quảng Ngãi. Chúc anh sức khỏe và thành công.

  Tháng 8/2008

Nguyễn Đức Ba


---------------------------------------------------

Tập thơ “Duyên quê” của Nguyễn Thy Phương

   HÀ QUẢNG

Nhà thơ Nguyễn Thy Phương và tôi là người cùng quê, cùng sinh hoạt trong Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh và là thành viên nhóm thơ “Thiên Bút Thi Hữu” nên quan hệ thân thiết với nhau từ lâu. Khi anh đưa bản thảo tập thơ “Duyên quê” cho tôi đọc và nhờ góp ý, tôi nhận thấy anh là một trong những người sẵn sàng chấp nhận khổ đau và trong khổ đau “Nàng thơ” đã giúp anh niềm tin để vượt qua bao khó khăn đời thường để sống cho thơ và vì thơ. Tôi có cảm giác anh giống như nhà thơ Aragông (Pháp) “nương tựa vào thơ đi giữa thế gian” (ý của nhà thơ Ngô Thế Oanh). Thơ của anh hầu hết đi vào đề tài muôn thuở đó là tình yêu quê hương, đất nước, gần gủi với cuộc sống và những trải nghiệm cuộc đời.
Quê nội của anh ở xã Nghĩa Thương, năm lên bảy tuổi anh lại về sống bên ngoại tại xã Nghĩa Hiệp và hiện tại anh lại sống bên dòng sông Vệ. Chính những mảnh đất này đã nuôi dưỡng hồn thơ và chắp cánh ước mơ sáng tác thơ của anh. Ngôi nhà bà ngoại mà anh đã sống cả tuổi thơ, thời đi học được anh ghi lại bằng những câu thơ thật giản dị, chân thành:

Nhà ngoại tôi có ba gian

Nằm giữa đồng xanh trải nắng vàng

Những sáng đẹp trời nghe chim hót

Mỗi chiều gió nhẹ cánh diều bay…

(Nhà ngoại tôi)

Sống ở quê ngoại nhưng tâm hồn anh luôn hướng về quê nội. Hình ảnh quê nội đã trở thành nguồn cảm hứng trong thơ, nó gắn liền với cánh đồng, ánh trăng, lời ru… với cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, êm đềm thơ mộng ở miền quê:

Nơi bát ngát đồng xanh, lúa mượt mà ru với gió
Cánh đồng Dàng, chợ Ngỏ miếng trầu cay
Mùa xương rồng trắng phau màu nước bạc
Trung Hoà vui câu hát tận Trường An…

(Duyên quê)

Nghe theo lời mẹ dặn khi lớn lên: “Con hãy về thăm quê Cha – bến Lở…”. Nhưng rồi:

Lớn lên con làm lính xa nhà
Lửa chiến tranh khét đến từng chân rạ
Mang nỗi đau đi cùng trời cuối đất
Vẫn tin ngày gặp gỡ quê nhà…

(Duyên quê)

Cuộc đời của Nguyễn Thy Phương đã đi qua chiến tranh – hoà bình, có những cung bậc thăng trầm khác nhau nhưng những điều ấy không hề nguội lạnh chất nghệ sĩ say thơ trong anh. Cái say của anh là cái say của thi nhân:

Ôm bóng nguyệt đang hôn giàn thiên lý
Có tỉnh say mới thấy mình thú vị
Hỡi gió trăng, mưa nắng bạn và ta…

(Say thi nhân)

Say rồi, anh đi tìm hiểu cái say, cũng như anh muốn cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu nhưng rồi không có lời vọng lại dành cho riêng anh một cách trọn vẹn. Chúng ta hãy nghe lời tâm sự của anh:
Nếu ta hiểu tận ngọn nguồn của gió
Thì yêu chi, nhớ để làm gì…
(Hẹn một ngày mai)

Dòng sông Vệ gắn bó với anh trong cuộc sống thực tại, anh muốn viết nhiều về dòng sông này với một tình yêu tha thiết gắn liền với kỷ niệm và hoài niệm về những điều đã trải qua trong cuộc đời anh:

Nắng mai rực rỡ sông sương

Nhớ về sông Vệ con đường em yêu

Nương dâu nghiêng áng may chiều

Nhấp nhô ngọn sóng ấp yêu đôi bờ

Dòng xanh xanh cả giấc mơ

Yêu em từ thuở câu thơ mới thành…


(Chiều sông Vệ)

Hay là:

Tằm non ăn lá dâu tơ

Em về sông Vệ bến thơ thuyền tình

Sương xanh rạng ánh bình minh

Em là tất cả hành trình đời anh

Quen nhau đường thẳng ngõ quanh

Em và sông Vệ trở thành niềm riêng…

(Tình)

Anh tiếp tục viết về quê nội, quê ngoại, thị trấn bên sông… Mong rằng, anh sẽ có những bài thơ thật hay về quê hương như tâm nguyện của anh. Trong tập thơ này còn một số bài có những câu thơ thật mộc mạc, chưa được trau chuốt về ngôn ngữ… khi đọc lại thơ mình, chính anh sẽ nhận ra điều đó.
Mong bạn đọc gần xa đón nhận tập thơ “Duyên quê” của Nguyễn Thy Phương với nhiều niềm vui và trân trọng về một lãng tử yêu thơ, sống hết mình cho thơ và mãi mãi vì thơ./.

 

"TẮM MẸ" MỘT BÀI THƠ SÂU SẮC

          

 Huỳnh Vân Hà


                     Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Nguyễn Thy Phương lang thang trên con đường làng ven sông Vệ; trong tôi anh như một chàng lãng tử. Nhưng khi tiếp xúc tâm sự với anh và nhất là đọc thơ anh tôi càng nhận ra rằng: Anh vẫn đau đáu một tình yêu thơ cuộc đời anh gắn bó với quê hương với con người bằng những câu thơ đôn hậu và chân thực đến không ngờ!

            Tôi vinh hạnh được là một trong những người đầu tiên đọc bản thảo tập thơ "Duyên quê" tập thơ mà anh đã bao ngày ấp ủ để sớm ra mắt bạn đọc. Nhiều bài thơ trong tập với những cung bậc tình cảm khác nhau được thể hiện khá tinh tế sâu sắc và để lại trong tôi những cảm giác êm đềm mới mẻ. Khép tập thơ hình ảnh về người mẹ trong thơ anh vẫn là một ám ảnh khôn nguôi...

            Tập thơ của anh tuyển chọn gồm năm mươi sáu bài trong đó có tám bài thơ được viết về mẹ điều này chắc hẳn không phải là sự tình cờ hay ngẫu nhiên. Vì theo anh "Bà mẹ Việt vốn Tiên Rồng thuở trước" (Dung Quất) và "Bao thế hệ ấm trong dòng sữa mẹ" (Điệp khúc dòng sông). Chính vì vậy anh có nhiều bài thơ thành công như: "Duyên quê" "Con đường" "Vĩnh hằng" "Lời ru của mẹ"... Riêng tôi không thể quên được bài thơ ngũ ngôn "Tắm mẹ" vỏn vẹn với hai khổ thơ ngắn:

Tắm mẹ cuối thế kỷ

Mẹ cười - nguồn nước xa

Tắm mẹ đầu thế kỷ

Mẹ mừng nước thơm hoa...

Gần trăm năm đời mẹ

Đã xây đắp vun trồng

Nguồn nước thanh chất sống

Thơ con hồng - màu son

Thời điểm sáng tác bài thơ này tác giả nói rất rõ: Cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI. Cái thời khắc chuyển giao giữa hai thế kỷ âý (người ta gọi là "Thời gian nghệ thuật") thiêng liêng và ý nghĩa!

            Và trong khoảng khắc thiêng liêng ấy; một sự việc bình thường là: "tắm mẹ" lại trở thành một sự kiện trọng đại trong "gần trăm năm đời mẹ" và cuộc đời của đứa con ở độ tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh".

            Hình ảnh và niềm hạnh phúc đơn sơ giản dị "Mẹ cười mẹ mừng..." sao đẹp đến lạ thường! Đọc đoạn thơ rồi nhìn lại bản thân ta sẽ giật mình tự hỏi: "Với mẹ ta đã bao giờ...?"

            Phân tích bấy nhiêu thôi cũng đã thấy chiều sâu của bài thơ. Song ta cũng chỉ mới "thẩm thấu" một nửa một mạch cảm xúc khác tôn thêm vẻ đẹp của bài thơ - đó là hình ảnh nguồn nước:

            Cuối thế kỷ: nguồn nước xa

            Đầu thế kỷ: nước thơm hoa

Hình ảnh nguồn nước đã có sự biến chuyển theo dòng chảy thời gian để rồi nhà thơ khái quát"Nguồn nước thanh chất sống" thành nguồn dinh dưỡng vô tận cho "Thơ con - hồng màu son". Phải chăng qua bài thơ qua tấm lòng hiếu thảo của một người con tác giả muốn đưa ra một thông điệp: Chính nguồn sữa không bao giờ cạn của mẹ dòng nước mát lành của tình yêu thương đã tạo nên hồn thơ trong sáng thánh thiện cho con người?

            Quả thật nét tài hoa của Nguyễn Thy Phương chính là ở chỗ: Chỉ vỏn vẹn có 30 chữ và với âm điệu trầm lắng thiết tha mà anh đã đưa ra những mối quan hệ đa chiều: quá khứ - hiện tại không gian - thời gian; tình mẹ - con; riêng - chung; thơ ca và cuộc đời.

            Tắm mẹ là chuỵên bình thường; nhưng tắm mẹ "cuối thế kỷ" và "đầu thế kỷ" là một tứ thơ lạ và độc đáo. Vì vậy theo tôi tác giả đặt tên bài thơ là: "Tắm mẹ hai thế kỷ" thì bài thơ sẽ ấn tượng hơn nhiều.

            Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thy Phương đã có bài thơ hay về mẹ về những ngọn nguồn đã nuôi dưỡng tâm hồn anh và thơ anh. Thật đáng mừng trong vườn hoa thi ca Quảng Ngãi và tập "Duyên quê" lại có thêm một bông hoa đẹp./.

 

  Đầu Hạ 2008

 


 

Mai Bá Ấn
Số lần đọc: 2197
Ngày đăng: 03.09.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khuynh hướng lý luận - phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Đinh Lê Vũ và bài thơ tình già... - Phan Nam
Tính khái quát trong kịch Của tác giả Thanh Hương - Tuấn Giang
Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại - Cao Thị Hồng
Thanh Thảo, tôi chào đất nước tôi - Nguyễn Đức Tùng
Đọc bài thơ Hương Dương Cầm của Nguyễn Thanh Lâm - Đặng Xuân Xuyến
Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa dưới những góc nhìn đa diện - Nguyên Cẩn
Một sắc hoa ban – Đa sắc tâm hồn - Phạm Đình Ân
Nhớ Phạm Ngọc Lư - Nguyễn Lệ Uyên
Vài lời tản mạn về "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại" - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả
Hoa mai chùa cổ (truyện ngắn)