Từ nhận xét của ca sĩ Tùng Dương về phong trào hát “bolero” khiến gây sóng dư luận,tôi lại nhớ ý tưởng trong một bài viết cách đây không lâu,xin được ghi lại .
Tùy ‘gu’ thưởng thức,không phải ai cũng thích - nhưng đúng là nhạc tình bolero không bao giờ chết !
Có thể nói kể từ dịp ca sĩ Chế Linh - ông vua nhạc “sến” về nước làm Live show “30 năm tái ngộ” 21.10.2011,giữa lòng thủ đô Hà Nội,và sau đó lần lượt nhiều ca sĩ hải ngoại từng nổi tiếng một thời với dòng nhạc này như: Giao Linh,Hương Lan,Phương Dung,Thái Châu,Ý Lan,Mạnh Quỳnh,Phi Nhung,Quang Lê... trở về nước biểu diễn,Bolero trỗi dậy mạnh mẽ.Từ chỗ được hát tại phòng trà và phát hành băng đĩa,nhạc bolero gần như áp đảo trên những sân khấu lớn,trong các chương trình Sol Vàng,Tình khúc vượt thời gian.Và giờ đây dù bị “no ứ” nhưng một bộ phận đông đảo công chúng cũng vẫn chưa ngán,vẫn chờ,vẫn đợi hàng tuần để Solo cùng Bolero,Tình Bolero (THVL1),Thần tượng Bolero(VTV3)...
Vì sao giữa sự lên ngôi của nhạc trẻ,nhạc hiện đại,sự ưu đãi dành cho nhạc đỏ (những giai điệu tự hào)…,bolero vẫn có chỗ đứng riêng,gần gũi với nhiều thế hệ,tầng lớp khán giả ? Nhạc sĩ Đài Phương Trang cho rằng :“Bolero có sức sống lâu bền như vậy là do ca từ cũng như nhạc điệu mỗi bài hát dễ tạo nên cảm xúc khi nghe. Qua câu chuyện được kể trong từng tác phẩm,tình cảm và tâm tư của các nhân vật gặp được sự cộng hưởng của nhiều tâm hồn đồng điệu.Trong bối cảnh xã hội trước và sau năm 1975,con người dù ở tầng lớp nào cũng chất chứa nhiều tâm sự. Những bản tình ca bolero đã chạm được đến góc sâu kín nhất đó nên nhiều người,nhiều thế hệ nhớ và hát chúng"(*)
Nhạc sĩ Bảo Thu nhận xét: "Các nhạc sĩ Việt Nam đã khéo kết hợp nhạc bolero với các làn điệu dân ca truyền thống,tạo nên những giai điệu mượt mà,dễ đi vào lòng người.Có thể nói,bolero giống như một sự cách tân nhạc cổ của người miền Nam".(*)
Làm giám khảo nhiều cuộc thi truyền hình gần đây,danh ca Phương Dung ghi nhận thêm : “Điều đáng mừng là những bài hát bolero không bị quên lãng mà ngày càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt… - Bolero thấy vậy chứ không phải dễ hát,cá nhân tôi thấy những ca sĩ miền Bắc đa phần chưa thể hiện hết tinh thần bài hát,có lẽ do bolero là đặc thù của văn hóa Nam bộ.Phần nữa,họ đem học thuật quá nhiều vào bài hát,mà bolero thì không cần phải quá kinh viện hay kỹ thuật.Các em sau này thì cũng không hiểu được bolero cũng như bối cảnh,xuất xứ để hát đúng tinh thần tác phẩm".(*)
Bolero trỗi dậy.Các cuộc thi truyền hình thực tế gây sốt.Mùa đầu,"Solo cùng bolero" - do đài truyền hình địa phương (tỉnh Vĩnh Long) phối hợp với Công ty Truyền thông Khang tổ chức,đã gây choáng ngợp khi có gần 6.000 người chen chân,đội nắng đến đăng ký vòng sơ tuyển.Mùa hai con số đó là hơn 20.000 thí sinh! Người tham gia đủ mọi thành phần,từ giáo viên,bác sĩ cho đến người chạy xe ôm, đạp xích lô, các cô, cậu học trò... Để vào được vòng bán kết,người tham gia thi phải vượt qua hàng trăm thí sinh khác.
Ca sĩ Ánh Tuyết - bà chủ phòng trà ATB tại TP HCM chia sẻ: “dòng nhạc này (bolero) sẽ không bao giờ chết được.Dù rằng có người chê "sến" nhưng với vẻ đẹp về ca từ,giai điệu,các ca khúc nhạc trữ tình thường là đề cập về tình yêu,thân phận con người mà tình yêu và thân phận con người thì thời nào cũng có,cũng cần”.(*)
Trên đây là những gì đang diễn ra “nhãn tiền” . Thời điểm 1993,trong câu chuyện trao đổi với nhà báo Đỗ Văn - người dẫn chương trình Thúy Nga Paris By Night số 19,cố nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận định:“…Tôi nghĩ rằng vào lúc này không phải chính trị,kinh tế cứu được con người Việt Nam sau gần 50 năm chiến tranh và hận thù,chỉ có tôn giáo và nghệ thuật cứu rỗi được thôi…”.
Vâng – cùng với tôn giáo,chính nghệ thuật trong đó có đờn ca tài tử,cải lương,và bolero đã góp phần hàn gắn xoa dịu,khỏa lấp khoảng trống văn hóa bị truy quét vội vã,tàn nhẫn sau 75. Bolero trở lại ồ ạt,xét cho cùng trước sức mạnh của văn hóa phương Nam,không một thế lực nào có thể ngăn chặn dập tắt !
Tôi đề cập đến Bolero là vì vậy.
(Saigon,tháng 7/2017)
*Tham khảo nguồn internet – newvietart.