Giữa những người lưu vong, Thường Quán là kẻ trở lại.
Ở đó, thơ anh nhìn thấy thế giới như lần đầu tiên.
Sự trở lại trước hết là với một quê hương. Nhưng đối với Thường Quán, hành trạng ấy phức tạp, trừu tượng hơn. Đó là sự trở lại với giấc mơ đầu đời, tự do cô độc, với thiên nhiên, tình trạng không chia cắt, trở lại với sự phá vỡ những thành kiến và dối trá. Anh từ chối đi con đường quen thuộc, trong văn chương và trong ý thức chính trị, tập lắng nghe những giai thoại. Bao giờ nghĩ về Thường Quán tôi cũng hình dung một người ngồi bên ngạch cửa, hỏi chuyện tâm tình người quen cũ, già, cùng tuổi, trẻ hơn, lắng nghe trong đêm không những tiếng động của chiến tranh và hòa bình, của đau khổ và chia ly, của cái tốt đã thất bại và cái xấu đang chiến thắng, mà còn lắng nghe hương của đêm, thì thầm của tình yêu đã mất, tiếng gàu nước róc rách trong thành giếng cũ, tiếng rồ máy xe, tiếng của buổi sáng chuẩn bị từ phương Đông, của khoảng cách, thân xác.
Con về rửa tay đi thắp hương sao mọc
đứng dậy lại một người đen thẳm lại hát
những đường gân thanh quản nổi vồng
Trong căn nhà tối tiếng một người đàn ông gọi
('Hồ Cầm')
Không phải vô tình mà một tập thơ của anh có tên "Hải đảo, trở lại", trong đó có đoạn thơ trích trên đây (*). Sự chú ý là bản chất của thơ trữ tình. Đó là thước đo của tình yêu và tương kính, của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Thơ Thường Quán dành để đọc chậm, khó nhớ thuộc lòng, mặc dù thơ anh có tính âm nhạc. Đó là thứ âm nhạc nội tại, tiếng nói từ bên trong của một người, và của chính bạn. Do đó, cấu trúc của âm nhạc ấy, tiếng nói ấy, là một cấu trúc riêng, không thuận theo phép tắc thông thường, bạn cần lắng nghe một cách riêng biệt, chăm chú và hồi tưởng riêng biệt. Đọc Thường Quán, bạn cần một không khí cho nhà thơ, hay ngược lại, nhà thơ cần đi với bạn tới một cõi riêng, của người đọc. Tính thơ của ngôn ngữ nằm ở khả năng phát sinh trí tưởng tượng. Hình ảnh, các chữ, phép tu từ, cấu trúc văn phạm và thay đổi cấu trúc ấy, số chữ trong một câu, sự dừng lại và dừng lại đột ngột ở cuối câu, sự vắt dòng, các tập hợp khác nhau của âm thanh, có khả năng thăm dò sâu ký ức và tiềm thức. Như một nhà thơ đương đại, Thường Quán đứng giữa trung tâm của chủ nghĩa hiện đại, như một người cùng sáng tác trong hai ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh, anh đứng giữa đường biên sáng và tối, trong và ngoài, mạnh và yếu, quê hương và lưu vong. Như một người đứng trên các đường biên, tất anh cũng thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại, thuộc về thể nghiệm, mạo hiểm, bẻ gẫy, sự kỳ quặc. Các nhà thơ hiện nay, đặc biệt ở các nước phương Tây, đa năng hơn bao giờ hết, một số có thể cùng lúc làm thơ, viết văn, viết phê bình, tham gia vào nhiều thể loại, một số tham gia vào các hoạt động ngoài văn học. Khuynh hướng này làm thay đổi ngôn ngữ thơ ca, ở đó sự phân biệt, sự phân loại, tính trường phái, tính dân tộc, tính màu da, các khuynh hướng chính trị, ngày càng bị xóa mờ, mặc dù còn lâu mới biến mất. Điều này giải thích vì sao một số nhà thơ như Đinh Linh, Thường Quán có thể di chuyển không mấy khó khăn giữa các cương vực ngôn ngữ, tương tự như trường hợp của, chẳng hạn, Milosz, Lorca.
của những hải đảo, quần đảo, những biển đảo trào
tắm trong vùng hồ quang, mặt trời đi qua năm tháng, những bàn chân
giữ trong những đôi tay ân cần
rồi một hôm bị cắt, bị trói bằng dây thừng, bị kéo đi, treo lên, đóng đinh, trong, ngoài,
dưới, trên
cát – ấm, như bao giờ vẫn vậy, đang thở
Sau sự kiện ngày 11 tháng 9, 2001, từ Vancouver tôi bay đến Nữu Ước, qua một phi trường chuyển tiếp, người ngồi nằm la liệt. Tôi nhìn thấy những bài thơ dán trên tường, in trên những tờ báo bình thường không in thơ, trong các trạm chờ của đường tàu điện ngầm, các hành lang bệnh viện và thư viện nơi tôi đi qua, những cột đèn đường của khu phố da đen thường dán đầy các hình phụ nữ khỏa thân quảng cáo cho các hộp đêm. Tôi nhìn thấy tiếng nói của sự phản kháng đối với tội ác. Tôi nhìn thấy con người tập hợp lại quanh ngôn ngữ, tôi nhìn thấy ngôn ngữ tập hợp lại trong con người, tôi nhìn thấy sức mạnh của thơ ca trong những thời kỳ khủng hoảng và thử thách. Vậy thì thơ ca có thể làm được gì? Hoài niệm và suy nghĩ. Phản kháng và thương yêu. Vậy chưa đủ sao?
Bạn đặt tên giùm đi
khoảnh khắc nhìn ra bắt được
một hơi nắng
một mùi khói
khi cùng lúc thấy quen một ai đang băng qua
cùng độ mất hút gì
bất khả
Trưa như ở một bến xe
bữa ăn của một người xếp xong va li
(Ghi, ở góc Mc Fadden Avenue and Brookhurst Street OC)
Thơ Thường Quán nói về sự nguôi ngoai, cứu chuộc, sự gọi trở lại đời sống nguyên thủy, tình yêu ban đầu, sự đối diện với cái chết và lãng quên. Anh đã thiết lập xong một khung cảnh của viễn xứ, ở trên đường đi của sự trở lại anh đã thiết lập xong ngôi nhà của mình, hải đảo của mình, giữa sóng nước của thời thế, tối và sáng của lịch sử.
So one looked
There was a departure, there was even travel
Half a lifetime, half a world, half a century
Circling, dervish
(‘Minimalist’, to Nguyễn Đức Nguyên, Sydney)
Đọc anh cần đọc lai rai ngày này ngày khác, cho đến khi bạn hóa thân vào, lắng nghe, ngẫm nghĩ, chia sẻ. Bạn biết niềm hy vọng nào chờ đợi, bạn biết lịch sử lâu dài của một cơn mưa, bạn biết cơn mưa đang tới, bạn biết một người đàn bà, bạn biết cô ta đã chết, ở một nơi nào đó, sau ngọn núi, sau căn nhà bỏ hoang, mặt trời đứng đợi, đỏ, đặc quánh.
You are following a path looping around many roads
air-borne dust in pure sunlight
after a train station, its abandoned rails, you reach a gate:
a gateway indeed to that city
in mind, in promise
To it, yes, landing, falling in, whatever means it would take,
but this is rather sudden,
the footing is being shifted a degree
(‘November, Homage to Phùng Nguyễn’)
Mùa hè năm nay của tôi: tiếng trẻ con cười đùa la hét, chim sẻ nhảy nhót trong bụi sơn trà, Hải đảo, trở lại, của Thường Quán, qua bưu điện, nằm chờ trên băng ghế dưới vòm cây, thoảng mùi cà phê. Tập thơ đầu tiên của anh xuất bản ở trong nước, là tiếng dội lại từ một đời sống vừa ở bên ngoài, vừa ở bên trong, là thứ tiếng nói mơ hồ nhưng sâu thẳm.
Dưới đáy hồ những thân rùa trăm năm
và lịch sử
Dưới đáy hồ những cánh tay rễ đâm trồi ra từ đất mục
sống sót
Một trong những đặc điểm quan trọng của thơ là xung đột, hay sự phối hợp có tính xung đột, của những cảm giác khác nhau, như sự tàn lụi và khởi đầu, như sự giản dị và phức hợp, sự im lặng ở tâm một cơn bão, một tấm gương như một sự vật. Anh thường xuyên nhắc nhở chúng ta nghệ thuật là giản dị, sự khó hiểu không nằm ở ngôn ngữ mà ở chiều sâu của xúc động và các tứ thơ, ở kiến thức và văn hóa, ở khả năng rung động và chia sẻ với người khác. Trong thể thơ tự do, mà anh thuộc vào, trong sự vắng mặt của các khuôn mẫu, sự cân đối nhịp nhàng của vần điệu, câu thơ của anh trở thành đơn vị duy nhất để xây dựng nhạc điệu của bài thơ. Câu thơ trở thành khí cụ. Sự chọn lựa giữa một thứ ngôn ngữ giàu âm nhạc, có tính du dương và một ngôn ngữ thường ngày, văn xuôi, thậm chí có phần trúc trắc, không phải bao giờ cũng dễ. Chính sự cân bằng ấy, chứ không phải là sự di lệch về một phía, đặc biệt là về phía "du dương", mà một bài thơ tự do kéo về phía mình, mang chứa trong nó, cái mà chúng ta có thể gọi là tính thơ của ngôn ngữ.
Vì người chẳng về được
nên tôi tới
vì người chẳng về được khi sống
nên sông này
vì người chẳng về được giờ tim nói, mình dừng đây nghe
nên giòng chảy muộn
vì người chẳng về được, khi vin tay thành cửa sổ nhìn dãy phố Brooklyn không ngủ
thoáng nhìn lần cuối
nên bây giờ băng trôi
vì ngưòi chẳng về được, quán cà phê hầm, đôi vai và người cổ cao gầy
những năm gió lùa không tạnh
(‘Neva’, In Memoriam Iosif Aleksandrovich Brodsky (1940-1996))
Thơ Thường Quán man mác khí vị của một vùng thiên nhiên, nửa thành phố nửa hoang dã, của xứ sở mà anh định cư đã mấy mươi năm. Anh chịu ảnh hưởng ra sao của các nhà thơ địa phương và quốc gia của Úc, của các nhà thơ tiếng Anh, ví dụ T S Eliot, Ezra Pound, Les Murray, Gig Ryan, Lisa Gorton chẳng hạn, thật khó biết. Sự đậm đà, sự cởi mở, tính hài hước nhẹ nhàng, đôi khi trừu tượng, nặng về mô tả, khả năng kể chuyện ngắn gọn và chính xác, sự cô độc, sự bất thường của khí hậu và tính cách, sự khắc nghiệt, sự sắc bén và tha thứ.
A city cut out of paper
country of dysfunctional seagulls
eyes, all eyes, from the housing,
bruised, soft husks
or dire hopeless bells, September
of plane trees
Tôi có dịp hỏi tác giả về cây plane trees của anh, cây tiêu huyền, thứ cây tôi chưa bao giờ gặp, nhưng chúng được mô tả trong hình dung của tôi hệt như cây sycamore ở Canada. Cây ngô đồng? Sự kết hợp với người khác là một khả năng đặc biệt không phải ai cũng có, nhưng đó là khả năng sống sót của một tộc người, đặc tính ấy cao hơn sự thích nghi với môi trường, kỹ năng , sự tài giỏi, nhiều đức tính khác. Những bài thơ không thành công của Thường Quán ngược lại có ngôn ngữ sơ lược, được đặt xuống quanh những cấu trúc rời rạc, trong khi chúng không bộc lộ chủ đề từ sớm; sự hướng tới trừu tượng quá nhanh và lan tỏa, mất định hướng; sự kết thúc không dẫn tới những khúc quanh của nhận thức hay tình cảm. Điểm yếu của ngôn ngữ của thơ anh, tuy vậy, không dễ nhận ra.
Chiến tranh một chữ tôi không thèm nói, tôi chối từ
Nước! Nước! Lũ trẻ con chạy trong đêm tối
Ôm những chiếc bát đất nứt nẻ, rách miệng
Tay chúng quơ quơ, mắt thì nhắm, chị chỉ dẫn chúng làm sao
Cho được nhẹ và rằng này dịu dàng
('Sông Hàn')
Trong khi đó ở những đoạn bất ngờ khác, mặc dù có lẽ được viết tự nhiên, gần như không cố gắng, anh lại đạt được động lực ngay từ câu đầu tiên, sự thăng bằng chỉ sau vài khởi động, như một người chạy trên đường đua:
được tin
tôi về nhà trong bóng đêm không bật công tắc
tay để đúng vào cuốn sách của anh
thắp ba cây nhang
đọc lại sách
đi ngủ trong tiếng sóng
(‘Tưởng niệm Cao Xuân Huy’ - 12.11.2010)
Tôi đã từng trải qua một kinh nghiệm cá nhân như thế, khi nghe tin một người bạn thân qua đời, chỉ thiếu ba cây nhang. Nhưng đêm ấy tôi không viết được bài thơ nào, chỉ nằm nghe tiếng sóng vỗ trên mặt biển khuya như một tảng thạch đen tan vỡ. Là người ít nói, khá tiết kiệm chữ, nhưng tiếng nói của anh cất lên đúng lúc, dịu dàng nhưng rõ ràng, kêu gọi sự đối thoại từ bỏ sự cô độc, tiến gần đến những giao tiếp tinh thần. Sự quý mến của anh đối với bè bạn là nổi bật giữa nhiều nhà thơ khác, nhưng đó là một tình bạn sâu xa, lặng lẽ, như người quen sống trong không khí tự do, vượt qua dễ dàng các ranh giới, không chú ý đến các ước thúc tầm thường. Thường Quán có lẽ không phải là nhà thơ theo chủ nghĩa sinh thái và có ý thể hiện trong thơ tư tưởng của mình, tuy thế thơ anh bàng bạc khung cảnh thiên nhiên, và đó là một thiên nhiên vừa độc lập với con người vừa hướng tới con người.
Đã từng đứng dưới một thân cây chưa được đặt tên
đã từng hỏi những dấu trầy
vạch nào đã đóng dấu chiều
một ngôi sao để mọc ngay ngắn
Tốc độ chậm rãi, sự tự giải thích, sự chú thích bên lề, sự xen kẽ các chi tiết này nọ, những nhận xét của tác giả về các nhân vật, trong khi đối với một số người làm rối rắm thêm câu chuyện kể, thì với một số người khác mang lại động lực cho bài thơ, năng lượng của nó, tiến độ của nó, sức xuyên thấu. Ngôn ngữ của anh pha trộn một thứ vừa phổ thông vừa địa phương, vừa của người Việt thuần phác, vừa của người xa quê lâu ngày:
Để đứng với những cột ống khói thở, thở
để đi với tiếng đập đập, mèo hoang
để sống, chỗ ngán ngẩm, đám người
và anh, sự chung cùng
a, cái chung không mặt mũi
(‘Đứng & Rời bỏ’)
Nhưng nhờ điều ấy, sở trường hoặc sở đoản, mà ngôn ngữ của Thường Quán có sức công phá ít gặp ở các nhà thơ cùng thời. Một thứ ngôn ngữ và ý tưởng lạ, mới mẻ, lật lên như đất cày vỡ, bốc mùi đất ẩm, mùi hơi khói, sự hoang dại. Hoang dại là một trong những đặc điểm của thơ Thường Quán, một nhà thơ sống thành thị rõ ràng.
hoa trà bắt đầu một mùa nữa rồi
kẻ về lúng túng trong vườn hạ muộn
di tay đẩy chiếc tách ra xa
mở những chiếc hộp thư ba mươi năm
trên sàn thông mối mọt
quơ tay vào chỗ này một chiếc mái in
đụng trán vào chỗ kia một chân đèn đá
những cái tên bi ca
(‘Rằm Tháng Hai’- after Fukushima)
Thơ anh cần nhiều hiểu biết liên văn hóa và liên thời gian. Sự cô độc ở Thường Quán là sức mạnh. Tôi thấy những dây mơ rễ má của số phận, những nhẫn nại bồi hồi của xứ sở, nhìn thấy gốc rễ của cây cối, mùa màng, và do đó, sự an tâm. Chính vì thế, điểm mạnh mà cũng là điểm yếu của thơ Thường Quán là lạ lùng, bí ẩn, hoang dại, nhưng không tách biệt, cô lập, cô đơn, hủy hoại, sầu cảm. Thấp thoáng sự phán xét xã hội, rất ít tính hài hước hay ít nhất là ít sự hài hước lộ liễu, thơ anh là một loại thơ đầy văn xuôi và trữ tình. Sự kết hợp ấy khó, kể cả với anh. Vì viết là kể lại. Viết là mang câu chuyện của mình đi qua cuộc đời, để nó biến đổi dưới tác động của thời gian, làm cho cuộc đời riêng tư của một cá nhân trở thành không riêng tư nữa.
That year, 1955, near Tran Hung Dao Street
when the city was offering its coffee like the last meal
you had already become one with the large trees,
('In Memoriam Bruce Keller', Years, Elegy, 2012) (**)
Tôi nghĩ đến địa lý, khoảng cách, nơi chốn, môi trường, địa chất học. Nếu bạn có thể nhìn thấy trong một vật hóa thạch dấu vết của thời gian, hàng trăm năm hay hàng triệu năm, bạn cũng có thể nhìn thấy trong ngôn ngữ của anh các dấu vết ấy, thậm chí rõ ràng hơn. Có một sự bền bỉ, nửa kiên nhẫn, nửa bướng bỉnh trong thơ Thường Quán, với chất giọng ít thay đổi, kiểu trầm tư điềm đạm nhưng cương quyết, phong cách gần như thách thức về tinh thần. Anh cũng sử dụng nghệ thuật nhiếp ảnh trong nhiều trường hợp, cắt rời, di chuyển nhanh. Bất kể những mô tả có phần chi tiết và dày dặn trong một số bài thơ, Thường Quán có khả năng thăm dò sâu trong thời gian, đi ngược lại lịch sử của các yếu tố, sự sinh thành của chúng, của chia rẽ và thương yêu, của đau khổ và may mắn, tìm thấy trong lịch sử các lục địa và các hải đảo, lịch sử của con người và mỗi dân tộc đau khổ, đứng lên từ đầu gối, từ homo erectus đến homo sapiens. Sự tỉnh thức của anh trước hết là đối với các tội ác, với danh nghĩa giả tạo như khai phóng, như giải phóng dân tộc, xâm lược và vệ quốc, và lịch sử bị che dấu của một truyền thống bạo động. Thơ anh có thông điệp không? Tôi cho rằng có. Nhưng đó là một thông điệp kín đáo, không thể tách ra khỏi các câu thơ, chúng không phải là mục đích, mà là kết quả tất nhiên của việc đọc. Đó là một thứ thơ nhiều tình yêu, các sự kiện sôi nổi, đau khổ, tan vỡ và gặp lại. Sự chờ đợi và trở lại.
Chắc là mấy chiếc thuyền thúng luờn quờn?
Cũng chẳng phải
Bọn vàng rượt?
Thì đã
Rồi sao
Tóm lại là không được, xem nào, bắt đầu từ đâu
Tính ngược chắc
Thời Mao tắm Dương Tử sau những trận hãm không tắm
Vệ binh hồng
Bị chúng tẫn đấy
Bác của Ðại Việt vái lạy, qui đầu Bắc hướng
(‘Giữa đám thuyền thúng’)
Đối thoại rời rạc, nhát gừng.
Như được trích nguyên từ đời sống tươi, thô ráp, chảy máu. Thơ ấy có thể tạo ra cảm giác thách thức, không yên ổn, sự khuấy động, sự bất an, mặc dù đôi khi một cách dịu dàng. Không phải là anh làm rắc rối thêm cho ngôn ngữ, mà chính vì anh cố gắng bày tỏ qua một ngôn ngữ khá giản dị những ý tưởng phức tạp hơn thế nhiều. Thơ Thường Quán vì vậy có thể cần những chú thích bên lề, nhưng không phải sự giải thích.
Bài thơ không cần ai giải thích. Thơ dung chứa và hoài thai.
Có một phân vân lưỡng lự của nhà thơ khi anh phải chọn lựa mô tả chính mình, vẽ lại chân dung mình, kể lại tiểu sử. Đất nước nơi anh định cư từ những năm 70, cách một đại dương, những sự trở về rất sớm những năm đầu 90, sự kết bạn với các nhà thơ thời Nhân văn Giai phẩm, thời đổi mới, có lẽ đã giúp ích nhiều cho Thường Quán trong việc thâm nhập trở lại không khí tiền chiến, không khí phản kháng của trí thức Việt Nam, trí thức Hà nội, giúp anh đi xuyên qua dễ dàng hơn nhiều người biên giới giữa Nam và Bắc, giữa cái gọi là chính nghĩa và cái gọi là phi nghĩa, giữa trong và ngoài, giữa đúng và sai. Các bài thơ ở thời điểm khác nhau vẫn nối kết vào nhau, như thể chúng là những khúc rời của một bài thơ dài, mặc dù bạn khó tìm thấy sự nối kết ấy ở bề mặt: đề tài, chủ đề, nhân vật, sự kiện. Ký ức không những chỉ lưu giữ, mà còn là tấm gương soi, không những là hoài niệm mà còn là suy nghĩ, khám xét. Anh là người khám phá ngôn ngữ, dừng lại trước bức tường, đi vòng quanh chúng nếu không thể vượt qua, nhưng không bỏ cuộc, tìm thấy ở giữa những bức tường, khung cửa hẹp, la porte étroite, tìm thấy trong bức tường những kẽ nứt của thời gian; muốn đi xuyên qua chúng, bạn cần thẩm mỹ mới, sự lắng nghe mới, tốc độ mới.
Some even claimed seeing your single act
in a blue jumper
hanging on a clothe-line in the sun
like all their childhood and youth
lumped into one
(‘Elegy to Thanh Tâm Tuyền’)
Sự lắng nghe là lời kêu gọi của các nền thơ đương đại. Là một nhà thơ trữ tình có phần riêng tư và cá nhân, thường không biểu lộ các ý kiến trực tiếp về các vấn đề xã hội và chính trị, tính tình có phần kín đáo, Thường Quán dồn hết năng lực biểu hiện vào thơ ca, vì thế thơ anh trở thành tiếng nói tiêu biểu của trí tuệ và tâm hồn một người trí thức, sống xa đất nước nhưng vẫn giữ trong tay sợi dây ràng buộc, không chia cắt. Cuống rún chưa lìa của anh có lẽ, cũng như ở nhiều người Việt khác, không bao giờ bị cắt đứt. Nếu nhiều tập thơ của anh là tác phẩm của sự lưu vong, sự hòa nhập vào xã hội mới, sự hoài niệm, thì tập Hải đảo, trở lại là sự sẵn sàng cho đời sống ngày hôm nay, sự thu xếp một cuộc đời tuy bình dị nhưng giàu có, tuy an bình nhưng phản kháng, sự thịnh nộ ngấm ngầm. Bất chấp đời sống xa xứ, Thường Quán là nhà thơ đứng gần những vấn đề của đất nước, cảm thức công dân.
Đi trong đêm tối hát bằng thơ ca
sự sống bao kẻ nhân danh ta ném đi không thương tiếc
không thiết cảm tạ
nhưng những đời cá thức đêm ăn chút bùn đất
nếu chẳng vì ta
thì chắc vì một lưỡi câu chịu trận
Ai vô đây. A, đốm lửa ma trơi lận đận
Trong bài thơ ‘Thư cuối năm gửi anh Phùng Quán’. Sự khó hiểu của thơ anh không nằm ở bí mật, mà nằm ở sự khác lạ của cách tiếp xúc, như thể người nói hay nhân vật trong bài thơ đang đứng ở một môi trường giao tiếp khác, như thể giữa những điều anh nói, có một sự biến đổi, như thể giữa người nói và nhân vật kia, trong một bài thơ cụ thể, có một giao ước ngấm ngầm, một kinh nghiệm riêng tư, tuy chỉ có hai người chia sẻ, nhưng lại không cần được giải thích, như thể người đọc nếu tham dự vào câu chuyện của anh, tức khắc sẽ ở vào vị trí có thể hiểu được toàn bộ. Thơ Thường Quán, vì thế, trên một phương diện khác, cũng không cần đến các chú thích. Tính chất làm mới ngôn ngữ, tính chất vui chơi, ý thức xã hội, khó nhận ra trong thơ anh bởi đa số người đọc, không phải vì chúng không tồn tại, mà ngược lại chúng có mặt khắp nơi nhưng tự nhiên ngẫu nhiên, ngay từ đầu.
rồi bạn sẽ đứng vào gần như đúng ngày mùa hè đó
tay bạn vịn vào thành cầu
vùng nước mở
nước đứng cùng bạn
ngày mang một màu làm rớt chìm, bạn sẽ
hất ngược đời sống xơ xác nâu khô này
('Huế, 1.4.2011’ để nhớ anh Diễm Châu)
Điều mới mẻ, hấp dẫn của thơ anh nằm ở ý thức xã hội cùng một lúc với tính riêng tư mạnh mẽ. Anh sử dụng những chữ, kể những câu chuyện, những giai thoại, than thở và mơ tưởng, nhớ lại và diễn tả, bằng một phương cách như thể anh và người đọc biết rõ chúng, như hai người đàn ông ngồi trong một căn phòng, không có việc gì làm, không có sự kiện nào xảy ra, đã nói hết những điều cần nói của ngày hôm trước, chờ đợi một tương lai gần, đầy ắp sự kiện, và trong khi chờ đợi ấy họ trao đổi những câu ngắn, rời rạc, đầy ý nghĩa, nhưng bạn đứng ngoài phòng, và không bước vào, bạn sẽ thấy chúng hết sức riêng tư, bí ẩn. Ngôn ngữ là thế giới riêng. Để vào thế giới ấy bạn phải bước qua cánh cửa, có người mở được, có người không. Người đọc có hai cách, hoặc dọn mình cho một không khí yên lặng, tĩnh mịch, hoặc thản nhiên bước qua cánh cửa, như thể thế giới ấy thuộc về mình, là của mình, ngôi nhà xưa mà mình trở lại. Có lẽ Thường Quán cũng có cùng một phong cách như thế khi anh đến với những chủ đề mới mẻ, bao giờ cũng hồi hộp và nhẹ nhõm như kẻ trở về. Gió và nắng phương Nam, sóng biển, cây cối; giọng điệu của Thường Quán vừa có tính cụ thể vừa trừu tượng, vừa là thơ tình vừa là những suy nghĩ triết lý, khúc bi ca (elegies). Có một sự gián đoạn trong nhiều bài thơ gây ấn tượng collage, mặc dù có thể anh không thực hành kỹ thuật ấy.
Cuộc đời của một nhà thơ có khi ở ngoài tác phẩm, có khi chính là tác phẩm. Tác phẩm của anh có khi ở ngoài thông điệp, có khi chính là thông điệp. Khi nào nhịp điệu của bài thơ chính là nhịp điệu của thế giới, sự hòa hợp, thăng bằng mới được sinh ra. Những kẻ chống lại nhịp điệu tự nhiên, cưỡng bách sự thay đổi sớm hơn tự nhiên, tạo ra những biến động sau một đêm, thúc đẩy cái chết đến sớm hơn, hay cố sống lâu hơn cuộc đời mình, cố sở hữu nhiều hơn sự sở hữu của một người, những kẻ ấy chỉ gây ra sự đau khổ cho mình và cho người khác. Hãy xem xét cách mở đầu một bài thơ và cách kết thúc một bài thơ. Mở đầu:
Giờ muộn ,
những ghế bàn
phòng ốc lữ quán hoa lai dài trắng là
sự ngồi lại
một hơi kèn
Kết thúc:
Căn nhà còn dư một chuyện nhỏ
một người mất chưa chôn cất
mang khuôn mặt của
giờ muộn
(‘Giờ muộn’, gửi Đinh Từ Bích Thủy)
Bài thơ không phải là một lịch sử, mà là một lối kể lại lịch sử ấy, chấm phá, nhát gừng, lát cắt dọc hay cắt ngang. Nhưng nó mở ra cho tôi và có sức mang tôi trở lại. Lạ thật, những bài thơ của Thường Quán, và của một số người khác, phải nói là không nhiều lắm, thực là thế, hiện nay là hiếm, lúc nào cũng đủ sức mang tôi trở lại.
Sao Nam trôi dạt sáng đưa về
Mây sớm tin ngày mái nhà ven biển
Em còn ngủ cây đeo sương trong thoáng gió muối bể
Hoa hồng duy nhất của bao quãng nắng
Tiếng chim qua khuya sẽ đánh lên tiếng ngân của một trao tay đêm và ngày
Sự đáp vọng trong rừng sau của trở về của cất bước
(‘Bài nguyên đán’, với Q)
Sự tập hợp rời rạc làm cho ngôn ngữ của anh trở thành một biểu tượng, hay những dấu hiệu. Sự giao tiếp của anh với người đọc thông qua dấu hiệu và bước nhảy. Những bước nhảy từ một quỹ đạo hình ảnh, quỹ đạo ký hiệu, từ một quỹ đạo diễn ngôn tới một quỹ đạo khác. Thật ra không phải đến thời kỳ của thơ hậu hiện đại, điều này mới được nhận ra. Trong thơ, điều này tồn tại từ lâu. Anh không những di chuyển từ bài thơ này sang bài thơ khác, mà trong một bài thơ, các bước dịch chuyển đột ngột cũng có thể xảy ra.
Ngày phong quang, đừng hỏi
bóng sao xanh
sắc độ cháy mắt beo rừng bật nhảy
ở cấp thang này, ở ngàn phố ấy
một hành tinh, một sớm, một điều
câu nói cũ, bàn tay sờ chạm trước
nhám thô, ngưng lại, một phút giây
(‘Ngày phong quang’, gởi Vương Ngọc Minh)
|
Sự thay đổi vị trí các chữ trong câu là áp đảo và làm rối loạn tính trữ tình, phá vỡ các thức điệu (mode) và giọng điệu (tone). Thơ trữ tình của Thường Quán có nhiều hơn một nhân vật; nhân vật không chỉ là cái tôi của tác giả. Hãy đọc thử một bài thơ thật cô đơn của anh.
Tiếng chó sủa trong đêm buồn bã
Đêm tối không tiếng chó sủa còn buốt lạnh hơn
Dọc bìa một cánh đồng những chiếc quán làm tôi run rẩy
Sờ vào cổ
(‘Dọc bìa một cánh đồng’)
Cổ họng là tiếng nói, là sự sống. Sự khác biệt lớn nhất giữa các nhà thơ viết tiếng Việt hiện nay, trong nước hoặc hải ngoại có lẽ không phải là cuộc tranh cãi giữa lối làm thơ cổ điển có vần và thơ tự do hay giữa lối viết nhiều lời nhiều chữ và lối viết tiết kiệm, ngắn gọn. Thậm chí cũng không phải là giữa hiện đại và hậu hiện đại, hay giữa hai thứ mù mờ đó và những kẻ địch khác của chúng. Đó là sự khác biệt giữa quan niệm cho rằng bài thơ là một cánh cửa mời gọi và quan niệm cho rằng nhà thơ không có nhiệm vụ mở cánh cửa ấy. Trong sự quan sát của tôi, những năm gần đây, thơ đương đại ngày càng tiến về hướng thứ hai. Đó là một tin vui hay đó là lời cảnh cáo? Thơ Thường Quán nằm ở đâu trên trục phân chia này, tôi tự hỏi. Thơ anh là một sự đóng cửa không cố tình. Hình như anh không phải là người có những chủ trương rõ rệt về trường phái và làm thơ để diễn tả các quan điểm của trường phái mình.
một bờ tường quét vôi nửa chừng
giàn bông giấy gai toàn phần
bão đã qua
Khó có thể cho rằng cửa của bài thơ đang mở lớn, bạn chỉ việc bước vào. Nhưng rõ ràng đó không phải là một cánh cửa khóa kín. Tôi có cảm giác rằng chỉ cần chịu khó tìm cách mở nó ra, bạn sẽ gặp một gương mặt ấm áp của chủ nhà. Rượu đã rót sẵn ở Melbourne, xin mời. Đọc thơ là đi tìm cái không biết, đi tìm những kinh nghiệm khó diễn tả bằng lời. Bài thơ bao giờ cũng nằm trong những hạn chế được dựng nên bởi ngôn ngữ, bởi văn hóa, bởi các quy luật về âm thanh. Khi khởi đầu một bài thơ, thi sĩ vốn không thể định trước được hình dạng của bài thơ ấy. Thể thơ nhiều khi là kết quả của một quá trình sáng tạo, hơn là cái đã được định sẵn. Thể của bài thơ do đó không chỉ là vẻ bề ngoài, có nghĩa là hình thức, mà còn là cấu trúc của bài thơ ấy, không những là cấu trúc của bài thơ ấy mà còn là yếu tính của nó. Nhà thơ bao giờ cũng được quyến rũ bởi cái không biết, được lôi kéo về phía ấy trong quá trình sáng tác. Jung cho rằng trong sáng tạo, nhận thức là sự cản trở, làm tổn thương tính uyên nguyên của sáng tạo. Thơ chống lại sự kêu gọi, tính giáo huấn, sự khẳng định, thậm chí những câu hỏi của anh cũng không trực tiếp. Tập thơ Hải đảo, trở lại là một tập thơ mỏng, nhưng được chọn lọc kỹ, gồm những bài thơ mới viết gần đây, có những mối liên lạc mật thiết nhưng phức tạp. Cảm xúc của anh dày đặc, sự liên lạc với sự vật là mật thiết, do vậy đó cũng là khuyết điểm: khi sự liên hệ với thế giới là mật thiết thì tính chất hài hước, sự nghi ngờ, tra vấn, sự đặt câu hỏi, sẽ bị nhòa mờ. Do vậy, một mặt thơ Thường Quán không phải là loại thơ nặng về cảm xúc, lại cũng không hẳn là một loại thơ khách quan, với những quan sát lạnh lùng, những nhận xét châm biếm hoặc chế nhạo, vẫn thường gặp trong nhiều nhà thơ đương đại khác. Anh yêu mến ngôn ngữ, yêu mến cuộc đời, các nhân vật của anh cũng chịu ảnh hưởng ấy, vì vậy mà dù được tổ chức dưới nhiều hình thức đối thoại, đó vẫn là sự đối thoại giữa hai người bạn, ít thách thức. Đó là điểm mạnh và điểm yếu của thơ Thường Quán. Mối quan hệ giữa nhà thơ và thế giới, sự chấp nhận, sự thương thảo, sự hòa hợp, dệt nên màu sắc của những bài thơ điêu luyện của Thường Quán. Hình ảnh và ẩn dụ được sử dụng tinh tế, kích thích sự tưởng tượng, mời gọi xúc động.
ở một quán ăn tứ xuyên
thì đúng là bạn ngồi xuống
với đúng là bóng tối ấy
ở ngoài đường, những ngọn đèn cao chụp vàng
Tôi đã từng tới một quán ăn tương tự, nhưng đâu đó khác, ở Vô Tích, trong bóng tối cầu thang mờ ảo, hình nhân bằng sáp chân dung của người chủ tiệm ngồi đó, nửa mời gọi thực khách, nửa ngáng chân họ. Đọc câu mở đầu, tôi phải đọc tiếp, như được mời tới, thì bạn sẽ bước vào, thú thật, với chút háo hức.
nguyễn tường tam cũng là thử nghiệm
chưa tới ba mươi
(‘Thơ rời ở A.N.U’, gởi đặng thơ thơ)
Bài thơ là một sự vật. Hình như thơ ngày càng trở nên không cần thiết đối với nhiều người, nhưng ngược lại đối với một số ít người khác, chúng càng trở nên quan trọng hơn hẳn. Ít người đọc biết rằng chỉ có một số nhà thơ là thích hợp với họ, những nhà thơ khác bất chấp tài ba và tiếng tăm, không phải là thứ cần thiết đối với người đọc ấy. Chỉ khi nào nhận thức được điều này, một người đọc thơ mới bắt đầu có sự chú ý thích đáng, dành cho một số các nhà thơ, một số ngôn ngữ. Và trong trường hợp ấy, thơ mang lại cho bạn điều gì? Chống lại sự trống rỗng. Làm đầy sự vô nghĩa, tính hư vô, sự bất hạnh của tồn tại, bằng ý nghĩa. Con người cần lớn lên, để bước đi bằng suy nghĩ và tình cảm của mình. Nhịp điệu của nông thôn, nhịp điệu của thành thị, nhịp điệu của đất và trời, mang bạn đi. Tôi nghĩ, đó là sự trở lại.
cut, roped, shifted, hanged up, nailed, in, out, under, over dirt-warm, ever so, breathing
rồi một hôm bị cắt, bị trói bằng dây thừng, bị kéo đi, treo lên, đóng đinh, trong, ngoài,
dưới, trên
cát-ấm, như bao giờ vẫn vậy, đang thở
(‘Thursday April 21, Canberra’)
Thơ Thường Quán là thơ của cái hiện tại. Tôi muốn nói là một hiện tại rất gần, sát sườn, lập tức, một thứ thời gian không chuẩn bị, một hiện hữu như đất, như nước, như đường phố mà chúng ta đi, như chỗ ngồi bên cửa sổ. Chính sự sống tức khắc ấy là diễn tiến, quá trình, không dừng lại, không thành tựu cuối cùng. Thơ Thường Quán có một vẻ u hoài, không hẳn là buồn chán, sầu cảm, như nụ cười man mác, cái nhìn đằm thắm, sự hiểu biết rộng lượng, cái nheo mắt cuối đường. Không phải là một thứ thơ để đọc lúc lâm nguy. Thơ ấy có thể không cứu vớt bạn. Nhưng nếu có một người nào cần phải sống cuộc đời ý nghĩa hơn cuộc đời đã qua, nếu có một người cảm thấy cần sống một cuộc sống đầy đủ hơn, nếu có một người nào cần đến khả năng tự xem xét cuộc đời mình từ góc khuất lặng lẽ, thơ của Thường Quán dành cho người ấy. Như khi ban mai mát lạnh trước lúc mặt trời lên, bạn đến ngồi trên bến xe đò vắng vẻ, người thuê ghế bố còn ngủ, trước khi thế giới trở nên chộn rộn, bạn ngồi đó một mình, an tĩnh, tử tế. Không lâu sau đó bạn sẽ lao vào ồn ào kia, xô đẩy kia. Không ai ngăn được cả. Nhưng mỗi ngày, giây phút ấy trở lại. Thơ, như hải đảo, trở lại.
Về trong nước nôi
bóng cờ đại hành phai sắc
cành si vục đầu uống ngớp sóng gió đánh
quá trưa trán người rễ lạnh
dòng nước toác rãnh ngực cà phê xốc mạnh
tiếng dâu da Em đã là giấc thức
(‘Dấu Nước’- 1997, Talawas chủ nhật 10-2006)
Tính chất không cố gắng, ít dùng phép tu từ, không có những câu thơ và những chữ đặc biệt chói sáng. Tính chất ấy làm cho ngôn ngữ Thường Quán gần văn xuôi, đời thường, nó chính là cuộc đời. Vậy thì, bạn hỏi, tính thơ của một ngôn ngữ nằm ở đâu? Nằm trong sự dội đi dội lại của các âm tiết, nhịp điệu như hơi thở của các câu dài, ngắn. Những câu ấy dù văn xuôi hóa đến đâu vẫn không phải là thứ tiếng mà chúng ta nói mỗi ngày. Tính cách tượng trưng của chúng làm một ngôn ngữ trở nên có tính thơ ca. Thơ Thường Quán giản lược đến tối đa các yếu tố vần điệu, chỉ để lại chất tinh ròng của thi tính, ở đó tư tưởng và xúc cảm lấy lại hơi thở của chúng.
Tuyết thực có rơi
Trận tuyết đầu
Nơi anh đứng
Dấu thập tự bên trong vòng rạch phấn
Giữa những căn trại
màu đờm xanh thiếc rỉ
[có phải mô tả như vậy là đúng một màu?]
Cổng Trời, họ gọi
Vòng trong của những trại
Ung Thư
Tuyết trong thơ anh
Và thơ
Tới
Không phải từng phần nghèo khổ
Mà từng trận lớn
Khi nó rơi
Như tiếng kêu chim én điên ngày
Bay thẳng
Giữa trời
Xanh thế nào!
Xanh làm sao!
Tôi giữ thì hiện tại
Như anh giữ màu trắng kia
của tim mình
(‘Tuyết’, Tưởng niệm thi sĩ Nguyễn Chí Thiện )
Không có gì giống với một cuộc đời sắp tàn. Không có gì giống một nhân loại đi đến cùng đường. Không có gì giống một dân tộc đang tự hủy hoại mình trong ngày cuối. Thơ Thường Quán không kêu gọi, không khẳng định một điều gì, gần như bình tĩnh thản nhiên kể lại sự tích của chúng ta, sự gặp gỡ, tình yêu, tai nạn, tan vỡ, hồi phục, lòng tha thứ, chúng làm nên thức tỉnh của lương tâm và lý trí, trước hết là lý trí. Đôi khi giữa những câu thơ dài, chúng ta bắt gặp một câu, vài ba câu, một hình ảnh gợi đến haiku Nhật Bản. Có một sự căng thẳng, một sức ép về mặt tâm lý, bên trong những bài thơ có bề ngoài hiền lành, đôi khi mang tính điển chế (occasional poetry), tuy nhiên đó chỉ là những gặp gỡ tình cờ, những ghi chú muộn, trên dọc đường dài mà anh đi. Các chi tiết không lặp lại. Những giây phút lạ. Sự chớp tắt.
Một anh én
bay vút thẳng
Hớp nắng vào cổ ấy
đánh lửng một tiếng ngân
Núi trở lại
('Hồ Kagawaguchiko')
Có lẽ Thường Quán không phải là người mê say các chủ thuyết và các trường phái; tôi chưa đọc ở đâu anh tự cho mình là người thuộc chủ nghĩa nào. Các hình ảnh siêu thực, sự buồn rầu nhẹ nhàng mà rối loạn, vì chúng mang theo quá nhiều sức nặng trong chiếc lông vũ, bay muộn trong một ngày mặt trời sắp lặn, như trong một câu thơ dấu phẩy và dấu chấm được gieo ở gần cuối, hay sự dừng lại và xuống dòng xảy ra lúc câu thơ gần như đi quá đà, tới mép miền vực. Nhịp điệu trong thơ anh vì vậy lúc nào cũng có chút hụt hẫng, xao xuyến, âm thầm. Vị trí của Thường Quán trong thơ Việt khó xác định như của Đinh Linh và một số nhà thơ làm thơ song ngữ, viết thẳng trong tiếng Việt hay tiếng Anh, nhưng giá trị của thơ anh là ở chỗ vẫn mang tâm hồn xứ sở, là giá trị của một ngôn ngữ vừa hoài niệm vừa đầy ý thức, đẹp và mênh mông như tình yêu, quý giá và dễ vỡ. Đọc anh cần im lặng, như sự im lặng trước giấc ngủ, sự im lặng khi bạn vừa thức dậy, gà sắp gáy, nếu nơi bạn ở vẫn còn được phép nuôi thứ động vật ấy, nơi tôi ở thì không, như sự im lặng trước giấc mơ. Một thứ thơ sinh thái, nhưng đó là thiên nhiên bên trong, sống động và nhịp điệu. Thường Quán sống nhiều năm ở một châu lục xa tổ quốc, cũng như những lưu dân khác, sống hai cuộc đời, nhân đôi hai tâm hồn, mở hai khung cửa. Sự kết hợp có phần lạ lùng giữa cảnh vật của quê cũ và quê mới, nước Việt và nước Úc xa xôi quả thật bộn bề như người mới đến một căn phòng rộng, hành trang đặt xuống, chiếu chăn chưa trải, mải ôm nhau, kể lể năm tháng đã qua. Đã hơn bốn mươi năm, chuyện của họ không dừng lại. Thường Quán đi xuyên qua giữa những người ấy, thì thầm, gật đầu, mỉm cười, gần như rong chơi. Phép làm thơ ngẫu nhiên, nhưng vẫn ý tứ, của một người ghi chép lịch sử, để lại dấu vết, không phải của riêng mình, mà của một cộng đồng, như món quà tặng anh đã nhận được và sẽ trao đi. Cuộc đời là tặng thưởng, tìm kiếm là vô vọng nhưng đáng khen ngợi, sự kết thúc không xảy ra nếu bạn không đến đó. Bạn từng yêu thương, nhưng yêu thương không phải là cứu cánh, bạn từng đau khổ, nhưng đau khổ không phải mục đích. Bạn vượt qua phân biệt yêu thương và căm hận, hay gần như vượt qua, ở chỗ đèn vàng, bạn nghĩ, ồ biết đâu. Thơ Thường Quán có lẽ thiếu tính hài hước, thiếu châm biếm, mỉa mai, chỉ trích, nhưng không phải vì thế mà ý thức xã hội ở chúng phai nhạt; nhưng để nhận ra chúng, người đọc cần nhiều cố gắng hơn so với các nhà thơ khác. Thường Quán sử dụng trí nhớ, nhưng thường xuyên thách thức và khám xét bản chất của trí nhớ ấy, làm cho chúng sáng lên bởi cọ xát. Anh là tiếng nói của thơ đương đại. Có lần, gởi cho tôi mấy dòng thơ phóng túng, ngẫu cảm, mà rất Thường Quán.
NDT, ah!
Bạn tới
trao cỏ cây
chẳng đi lấy bình tích
chẳng đưa tay tháo gỡ
chỉ ngồi, chỗ ngồi đấy
khoanh nắng
(thì đúng là trên đùi, bạn ghi nhận)
nguyên vẹn cũ càng
vì ngày mai
kẻ ấy biết
Bạn đã bắt đầu nhận ra chất giọng ấy, của người thơ ấy, phải không?
Sự lặp lại, nhẩn nha. Sự đọc chậm. Lặp lại là hình thức tồn tại của thơ ca trong thời gian. Ý thức về sự thiếu sót của ngôn ngữ, về sự bất toàn của khả năng giao tiếp, khởi đầu từ ý thức từ chối lòng tin vào các sự thật được phô bày, truyền tụng. Đối với nhà thơ, các sự kiện không phải là sự thật, chính cảm nhận của con người đối với các sự kiện ấy mới là sự thật. Thơ Thường Quán tiêu biểu cho điều ấy. Vì vậy người đọc muốn lắng nghe. Đọc anh, tôi hình dung một cách rõ ràng nhân vật phát ngôn trong mỗi bài thơ. Kẻ ấy đối với tôi, tất nhiên là một người đàn ông trung niên, đã xong xuôi mọi bổn phận, đã gác lại tất cả, và tự mình đi đến chỗ hẹn một mình, không chuẩn bị, không tự vệ, tuy không quá cả tin nhưng cũng không hoài nghi, tới đó như một buổi chiều ghé xuống thăm một góc vườn, một bãi biển. Một hải đảo. Hay một tình yêu, tất nhiên. Mục đích của đời sống là dâng tặng, là mang lại cho người khác, là duy trì sự cân bằng động giữa cá nhân và tập thể, giữ gìn quyền tự do và quyền được sống hạnh phúc trong một sinh thái cân bằng, mục đích ấy tuy có thể quá xa vời đối với chúng ta hôm nay, không thực tế, bạn nói, không mang lại những thay đổi cụ thể cho thế giới, nhưng chính là mục đích của văn chương. Không phải thế, thì văn chương chỉ là phù phiếm.
Tôi thuộc về, do vậy tôi tồn tại.
(*): Hải đảo, trở lại, Thường Quán, xuất bản lần thứ nhất bởi AJAR Press, www.ajarpress.com, 2016, với lời đề tặng của tác giả "của Ngọc Quỳnh, Kenneth Trọng-Tuệ, Cecile Nam-Quyên, Bradley Nguyên-Hưng", với ba bài thơ thay lời bạt, một của nhà thơ Dương Tường, một của nhà thơ Huy Tưởng, một của nhà thơ Nguyễn Đức Nguyên.
(**): Years, Elegy, Nguyễn Tiên Hoàng, Vagabond Press, Sydney 2012.