Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.018
 
Phố xưa, có một ngôi nhà
Tiểu Nguyệt
    
     Ông Thành xếp quần áo và những đồ dùng cần thiết vào cái túi xách, ông đi lên đi xuống rồi lại nằm lên giường nghĩ xem thử còn thiếu gì không. Ông Thành mỉm cười một mình, lắng nghe niềm vui, niềm hạnh phúc đang trở về. Nghĩ đến Thụy là lòng ông bổng xao xuyến như thuở mới lớn, cái thuở vừa biết yêu, biết mộng mơ xa xôi. Trái tim đã trải bao năm tháng thăng trầm, khổ đau của ông vẫn rung động, vẫn hồi hộp như ngày nào. Thụy không đẹp nhưng có cái gì đó cuốn hút khi ông nhìn thấy cô lần đầu tiên, với chiếc khăn choàng trắng nổi bật trong buổi tiệc cưới con của người bạn. Thế rồi ông Thành ngạc nhiên hơn, khi cô bước lên sân khấu để góp vui một tiết mục theo lời mời của MC. Thụy điềm tĩnh giới thiệu về bài hát mà chính cô là tác giả lời thơ được một người bạn cô phổ nhạc. Bài thơ nói về tuổi học trò hồn nhiên với những ước mơ trong sáng, đã làm ông xúc động. Giọng cô sâu lắng, cảm xúc diễn tả hết những ước mơ của một thời tuổi trẻ. Ông Thành lắng lòng thưởng thức. Có một cái gì đó trong ông như bừng sống dậy, và trái tim tưởng đã cằn khô vì  bao nỗi bất hạnh của ông lại rung lên theo từng lời hát. Tình yêu đã trỗi dậy mãnh liệt trong ông sau mấy mươi năm ngủ yên chăng?
 
         Cuộc đời ông Thành có được bao năm hạnh phúc khi mà mọi thứ bên ông đều thay đổi, sau cuộc biển dâu mùa xuân năm 75? Từ một Phó trưởng ty Xã hội được mọi người trọng vọng, rồi làm một “phó thường dân” không có nghề nghiệp gì, phải bương chải vất vả làm đủ nghề, đủ việc để kiếm sống. Người ta thuê gì ông Thành cũng nhận làm, không ngại gian khổ; hết lòng vì gia đình, mong vợ con được đầy đủ, ấm êm. Ông Thành đau khổ, hụt hẫng tưởng chừng không gượng nổi và lao vào rượu bia giải sầu khi người vợ thân yêu của ông đã từ bỏ ông ra đi. Ông Thành đắm chìm trong những cơn say để quên đi tất cả, rồi một ngày trong cơn say, ông bỗng nhiên nhận ra đời sống này vô cùng quí giá, ông không thể đánh đổi với một con người bạc nghĩa. Ông Thành vô cùng bàng hoàng, vì suýt chút nữa men rượu đã giết chết cuộc đời ông và tương lai của hai đứa con nhỏ dại của ông.
 
      Ông như vừa thoát ra khỏi cơn mê. Ông lao vào làm việc không kể ngày đêm, làm đủ thứ nghề; nào sửa xe đạp, thợ điện, làm vườn, trồng trọt, ai cần việc gì ông cũng làm mong kiếm tiền để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Giờ đây các con ông đã thành đạt, đã yên bề gia thất; ông cảm thấy đời ông đã được an ủi, bù đắp phần nào cho tháng năm còn lại của đời người.
      Lần đầu gặp, Thụy có hơi bỡ ngỡ đôi chút, khi thấy một người đàn ông đứng tuổi, mang cành hoa lên sân khấu tặng cho cô. Thụy thấy vui khi nhận cành hoa từ tay ông Thành trao tặng một cách trân trọng, trông ông điềm đạm trong dáng vẻ lịch lãm của người trí thức văn  nghệ, đã làm cô ấn tượng. Chỗ ngồi của Thụy đối diện với chỗ ông Thành ngồi ở bàn phía bên kia, cho nên ông Thành và Thụy đôi khi bắt gặp ánh mắt của nhau. Ánh nhìn của ông Thành đã khiến cô giật thót người mà chính cô cũng không hiểu vì sao lại thế. Ánh mắt ấy như quyến luyến, như gần gũi, có sức hút như nam châm mà cô đã từng bắt gặp ở đâu đó từ xa lắm mà cô nghĩ mãi chẳng nhớ ra. Thụy lảng tránh ánh mắt của ông Thành, nhưng vì tò mò nên một lát cô lại nhìn qua chỗ ông như vô tình; để rồi, mỗi lần bắt gặp ánh mắt cô, ông mỉm cười gật đầu chào. Khi tiệc cưới sắp tàn, ông Thành bước lại chỗ Thụy làm quen:
     -Chào em! Cho phép anh ngồi bên em một lát được không?
     Thụy nhìn ông Thành - cúi đầu chào:
     -Dạ! Xin anh cứ tự nhiên.
     -Em là bạn ba mẹ cô dâu hay người nhà? 
     Thụy mỉm cười nhìn ông Thành thân thiện:
     -Dạ! Em là bạn thời sư phạm với Hồng - mẹ cô dâu, anh ạ!
     -Vậy à? Anh là bạn thời sinh viên của ba cô dâu, vậy chúng ta cũng là bạn nhau rồi.
     Thụy cười hiền lành:
     -Em không dám đâu ạ! Làm sao em dám làm bạn cùng anh kia chứ!
     -Sao lại không? Hay em chê anh… không xứng làm bạn.
     Thụy hốt hoảng:
     -Dạ không phải đâu ạ! Em có gì mà dám chê với khen ai, anh cứ đùa.
     Ông Thành cười gượng:
     -Vậy mà anh nghĩ – ông ngập ngừng giây lát, anh già quá không xứng bạn với em.
     -Trời ơi! Anh nghĩ vậy tội cho em quá.
     Ông Thành rạng rỡ:
     -Vậy làm bạn nhé! Anh tên Thành, sáu lăm tuổi; hiện sống ở nhà số 108, đường Hằng Thuận - thị trấn Phố Xưa thuộc huyện An Phú, hai con, không vợ.
     Thụy cười khúc khích:
     -Thật vậy ư? Anh nói giống như tự khai lý lịch không bằng.
     Ông Thành cười lớn:
     -Có sao anh khai vậy, đúng sự thật, có gì gian dối anh xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
     Thụy cười khanh khách:
     -Anh vui tính thiệt đấy, anh làm em vui lây. Mới nhìn anh, là tự nhiên em đã tin anh rồi.
     Ông Thành ngạc nhiên: 
     - Thiệt hả em? À, vui mà cũng lây hả em? – ông Thành bỗng cười lớn, Em tên chi vậy?
     -Anh hỏi gì cơ? Thụy lơ đãng hỏi lại.
     Ông Thành dạn dĩ:
     - Anh muốn biết tên em - lại cười, em cũng khai lý lịch đi rồi mình cùng ký luôn.
     Thụy đăm chiêu:
     -Em là Thụy, con gà là tuổi của em, nhà ở Mỹ Á.
     -Sao em không nói chuyện chồng con?
     Thụy dí dỏm:
     -Chuyện chồng con khó nói quá anh ơi!
     -Sao khó nói? Nếu đã có lòng thành, thì không có gì khó cả, em ạ!
     -Chồng chê - Thụy che tay lên miệng, cười - chồng bỏ mà nói ra người ta cười cho nữa.
     Ông Thành nghiêm nét mặt:
     -Người xinh đẹp, hiền lành như em mà chê, mà bỏ thì người đó chắc có đôi mắt “bị sao rồi”!
     -Mắt sáng lắm đó anh, không cần mang gương mà đọc sách vanh vách.
     Cả hai cùng cười, tiếng cười đã làm họ cởi mở hơn, gần gũi hơn và họ đã trao đổi cho nhau địa chỉ liên lạc. Đúng là cơn gió nhân duyên tình cờ đã đưa họ gặp nhau và rồi đến với nhau khi tuổi đã xế chiều. Tình yêu đã làm tâm hồn họ trẻ lại. Người này nghĩ gì đều trùng hợp ý của người kia. Lạ chưa! Không hiểu sao họ lại giống nhau nhiều như vậy, có lẽ họ đã có nhân duyên từ nhiều đời nhiều kiếp, bây giờ mới đến thời điểm được gặp nhau chăng? Nghĩ vậy, nhưng ai mà biết được chuyện từ muôn kiếp trước, chỉ biết rằng họ cuốn hút nhau trong cái nhìn đầu tiên; rồi dần dần họ yêu nhau lúc nào chẳng rõ. Thụy như người trở về từ cõi chết, ông Thành là chiếc phao đã cứu cô trong cơn hoảng loạn. Thụy đau đớn khi Tấn - chồng cô, đã bỏ cô chạy theo người phụ nữ khác, cô ta trẻ trung, xinh đẹp và giàu có; cô không sao sánh bằng, đành chấp nhận ly hôn để anh ấy ra đi. Thụy ngụp lặn trong khổ đau, không thể nào thoát ra được; dù người thân, bạn bè cố khuyên can. Thụy mặc cảm với mọi người chung quanh, cô luôn nghĩ mình thấp kém nên không giữ được chồng. Nhưng rồi cô tự ý thức can đãm nghĩ rằng: “Nếu người đã quyết ra đi, thì không thể nào níu giữ chân người - hạnh phúc không thể là sự van xin, ngoài bài ca chia tay”. Thế rồi theo thời gian lặng lẽ trôi qua, cô cũng đã nguôi ngoai đi phần nào, coi như duyên hết, nợ dứt. 
     Thụy yêu quí ông Thành hơn, khi biết rằng ông có cùng ước mơ, hoài bão với mình. Trong một lần Thụy ghé thăm Hồng - bạn thời sinh viên của cô, Thụy đã nghe Hồng nói nhiều về ông và đã làm cô xúc động. Ông Thành luôn giành thời gian để tìm mọi cách cứu giúp, thăm những người neo đơn, nghèo khó; mang đến cho họ niềm vui, niềm hạnh phúc tinh thần, hay với những món quà dù bé mọn. Ông Thành hiểu hơn ai hết nỗi cô đơn, nỗi khổ đau vì thiếu cha, thiếu mẹ của những đứa trẻ mồ côi; cho nên ông luôn nguyện với lòng, sẽ chăm lo cho các em, để các em bớt đi phần nào nỗi bất hạnh. Rồi Thụy hiểu ông hơn chút nữa qua những lời ông tâm sự với cô, rằng: “Anh mơ ước từ lâu lắm rồi, nếu có đủ duyên lành,  đủ điều kiện, anh sẽ kêu gọi bằng hữu, người thân xây dựng một bệnh viện nhỏ, có thể bắt đầu bằng ngôi nhà Tình Thương giành cho trẻ em, cho những người nghèo. Anh sẽ đi quyên thuốc men, dụng cụ y tế ở những người bạn là dược sĩ, bác sĩ, chủ nhà thuốc cả trong và nước ngoài, liên hệ với các tổ chưc Y tế trợ giúp y bác sĩ  khám chữa bệnh; tất cả sẽ miễn phí. Người góp công, người góp của, cùng xây dựng một bệnh viện tình thương như thế; nhưng tiếc quá, dù đã có bao kế hoạch, mà chưa thực hiện được, luôn canh cánh bên lòng”. Thụy ngưỡng mộ ông Thành hơn, khi biết tấm lòng ông luôn hướng về thiện nguyện. Thụy ước sao sẽ có ngày cùng ông Thành thực hiện ước mơ mà ông hằng ấp ủ, sẽ cùng ông làm những việc có ý nghĩa ấy cho cuộc sống hữu hạn, khổ đau, tạm bợ, mong manh nầy. Càng hiểu ông Thành, Thụy càng trân quý tình yêu ông Thành giành cho mình và xem đó là “món quà đặc biệt” mà Thượng Đế đã ban tặng cho cô, khi tuổi gần xế chiều. Thụy đã luôn chia sẻ cùng ông về mọi nỗi vui buồn hằng ngày, và đáp lại, ông đã thương nhớ, thăm hỏi cô mỗi sáng chiều.
 
     ***
 
     Ông Thành mang cái xách trên vai, đi bộ vào con đường có hai hàng cây xanh mát. Đây rồi! Đường Hằng Thuận - ông mỉm cười, đưa mắt dò trên những bảng số nhà, ông dừng lại số nhà 108; lấy chìa khóa từ túi xách mở cổng, ông bước vào sân. Căn nhà nhỏ chung quanh trồng hoa thật nhiều, đủ các loài hoa ông yêu thích. Đây là nhà của ông Quýnh (bạn thời trung học của ông Thành). Ông Quýnh mua căn nhà dưới phố để tiện việc mua bán, căn nhà này không có người ở nên ngày nào ông Quýnh cũng phải chạy về đây quét dọn và tưới nước cho hoa. Hôm ông Thành ghé lại thăm bạn, ông Quýnh mở lời:
     -Căn nhà 108 của tớ không người ở, hay cậu thu xếp về đây sống đi, nhà sẵn có mọi vật dụng, không cần lo chi cả. 
     -Tụi mình lâu lâu gặp nhau vài hôm là đủ, ở lâu là chán nhau liền.
     Ông Quýnh nghe bạn nói, cười lớn:
     -Tớ không chán chút nào, có cậu tớ thấy vui. Hay cậu có người nào cứ đưa về đây sống, mình hoan nghênh. Già rồi cần có người để chia sẻ vui buồn chứ cậu!
     Ông Thành cười theo bạn:
     -Trời ơi! Già rồi, lại lận đận, làm gì có ai mở lòng ra với mình hả cậu?
     -Ừ! Ai nói già không tình yêu? Sống mà không có tình yêu thì coi như ngày không có mặt trời…
     Ông Thành giơ tay cười:
      -Cậu vẫn “văn vẻ hoa bướm”như xưa, Thôi, cậu đưa cho mình một chìa, khi nào mình ra, có cái mà mở cửa. Coi như mình thuê nhà cậu vậy.
     Ông Quýnh thấy bạn giơ tay, cười ha hả:
     -Được. Chìa khóa đây, cậu muốn ở với ai tùy ý; mình sẽ không tính tiền nhà đâu, cho cậu mượn đó.
     Ông Thành nhận chìa khóa nhà bạn đưa, cẩn thận cất vào túi xách. 
    Thỉnh thoảng ông Thành ra thị trấn Phố Xưa thăm chơi, ghé lại căn nhà 108  nghỉ ngơi, riết rồi ông coi như nhà mình. Căn nhà nho nhỏ, cửa sổ phòng khách ngó ra vườn là khóm hoa Cánh Bướm mong manh vàng rực. Trên cửa sổ là hai bình dây Trường Sanh phủ xuống xanh mát, khi ngồi nơi đây ta cảm thấy rất an bình. Căn nhà xinh xắn, đã sạch sẽ, nhưng ông Thành vẫn quét dọn, lau chùi lại để đón Thụy. Ông Thành dọn dẹp xong nhà cửa, lấy điện thoại bấm số:
     -Alo! Em sắp tới chưa? Anh chờ em ở cà phê Hoa Vàng đó nhen, ra  khỏi thị trấn, rẻ phải hai trăm mét là tới.
     Ông Thành lật đật đóng cửa đến quán cà phê chờ đón Thụy, ông cố nén niềm xúc động. Ông chọn chỗ ngồi sát bên hòn non bộ có nước chảy róc rách vừa đẹp, vừa mát. Ông thảnh thơi đốt một điếu thuốc, nhìn ra phía ngoài cổng để có thể thấy Thụy khi cô bước vào. Ông nghĩ, lát nữa đây khi gặp Thụy mình sẽ như thế nào, phải làm gì? Trái tim ông bỗng rộn lên khi vừa thấy Thụy bước vào cổng, đảo mắt tìm ông. 
     Ông Thành bước ra, giọng ngập ngừng:
     - Chào em! Em đi đường có mệt không?
     -Dạ! Em không sao, anh đến lâu chưa?
     Tay chân hai người như dài thêm ra. Ông Thành cầm lấy bàn tay Thụy bóp nhẹ như thầm cảm ơn cô đã đến bên đời ông -  nhìn sâu vào mắt Thụy:
     -Anh mới đến, mình ngồi uống nước, nghỉ một lát rồi đi ăn cơm nhé!
     Thụy nhìn ông ngượng ngùng:
     -Dạ! Em rất hạnh phúc…
     Ngồi yên vào ghế, tay xoay xoay ly cam vắt, Thụy có dịp nhìn sâu vào mắt ông Thành, cảm thấy từ đôi mắt dịu hiền kia tỏa ra bao tình cảm yêu thương ấm áp . Cô thoáng nghĩ đến tấm hình ông đã gởi cho cô năm ngoái, với lời chú thích “Nơi làm việc của anh” đã làm cô chú ý; rồi những bài thơ ông gởi tặng sau đó đã làm cô xúc động vô cùng. Thụy mỉm cười nhìn ông yêu thương, trìu mến. Những câu thơ ông gởi cô đã giữ kỹ trong lòng - đó là những tâm sự, lời tỏ tình dễ thương, thật sâu đậm.
      Gặp em cơn gió tình cờ,
     Mà sao tình đã như tơ tóc rồi.
     Giọng em sâu lắng, xa xôi
     Gieo vào anh những bồi hồi, bâng khuâng.
     Nét nhìn, ánh mắt trong ngần,
     Sao đời em chịu gian truân giữa giòng.
     Anh như con suối xanh trong,
     Đợi em ghé bến giữa giòng phù du.
     Bao ngày canh cánh mặc dù,
     Lời thơ chỉ để thiên thu nhớ người.
     Đầu tiên Thụy cũng nghĩ như ông, lời thơ chỉ để thiên thu nhớ người; thế nhưng hình bóng ông đã tràn ngập trong trái tim nhỏ bé của cô. Và cô đã yêu ông tự lúc nào cũng chẳng rõ, chỉ biết rằng cô rất nhớ ông và luôn nghĩ về ông với những gì tốt đẹp nhất.
     Hai người đi ăn cơm rồi về căn nhà 108 Phố Xưa. Bước vào phòng, ông Thành dạn dĩ hẳn ra. Ông cười - nói khẽ:
     -Cho anh ôm em nhé, em yêu!
     Thụy ngượng ngùng trong vòng tay ông. Ông Thành hôn lên má, lên chiếc cổ trắng của cô nhẹ nhàng. Nụ hôn nồng nàn, ngọt ngào quá đã làm đỏ bừng đôi má Thụy. Cô nói lí nhí:
     -Em hạnh phúc lắm, cảm ơn anh!
      Họ yên lặng nằm bên nhau; có lẽ cùng đang lắng nghe tiếng đập của yêu thương đã bao tháng ngày chờ đợi. Tay họ nắm chặt nhau, nằm yên với bao cảm xúc. Thế rồi, họ như đôi tình nhân đã lạc nhau từ kiếp nào nay đã tìm thấy nhau. Ông Thành quay lại, ôm cô thật chặt trong lòng - ông thì thầm:
     - Anh yêu em! Yêu em…
 Thụy rươm rướm nước mắt hạnh phúc trong lòng ông - cô thì thào:
    - Cảm ơn anh đã đến  với cuộc đời em, em yêu anh!
    - Ta phải cảm ơn nhau, em yêu ạ!
    -Dạ! Cảm ơn nhau!
     Thụy hôn lên khuôn mặt phong sương mà phúc hậu của ông, cô thủ thỉ:
     -Em không nghĩ cuộc đời mình lại được gặp anh thế này, ý trời cả phải không anh?
     Ông Thành bóp nhẹ bàn tay đang run rẩy của Thụy, trấn an:
     -Đúng vậy! Duyên số cả em ạ! Em đừng lo nghĩ gì hết, mình đã hết lòng vì gia đình; giờ đây ông Trời bù lại cho mình hạnh phúc cuối đời, coi như an ủi mình đó em ạ.
     Thụy cười khúc khích:
     -Em có sao đâu, tình yêu đến bất cứ lúc nào trong đời anh ạ!
     Ông Thành hôn lên môi, lên má Thụy; những nụ hôn mà ông tưởng chừng đã lịm tắt sau mấy mươi năm.
     Ông Thành mở toang cánh cửa sổ, những tia nắng hanh vàng rọi vào phòng. Cơn gió chiều như đang reo vui trên những khóm hoa tươi tắn trước sân.
 
 
           06/2017
 
 
 
Tiểu Nguyệt
Số lần đọc: 1684
Ngày đăng: 28.09.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
16/ Hồi - Phương Uy
Tháng bảy mẹ đợi con về - Bùi Thanh Xuân
Xứ Mù (The Country of the Blind) - Hiếu Tân
Con muốn bơi lội như cá - Trần Quang Phong
Cơm mẹ nấu - Bùi Thanh Xuân
Đừng bao giờ là tôi ! - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Khép - Phương Uy
Ngõ cụt - Lữ Quỳnh
Bà năm Bình Định - Tiểu Nguyệt
Những đôi cánh và những cái miệng - Trương Đình Phượng