Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.025
123.201.594
 
Người hỏi cung Đờ Cát bây giờ ở đâu?
Lê Phú Khải

Xin nói ngay, anh là Lê Mạnh Thái, sinh năm Canh Ngọ 1.9.1930 tại Cửa Việt, Triệu Phong, Quảng Trị. Hiện nay anh đang ở đường Giải Phóng, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Mấy hôm trước anh vừa gọi điện vào thành phố cho tôi, báo tin anh mới viết được một cuốn hồi ký mới, sau cuốn tiểu thuyết hồi ký "Hào Quang" mà tôi đã được đọc …

 

Anh Thái người tầm thước, giọng Quảng Trị không lẫn với ai được. Khi còn công tác ở Đài Truyền hình VN, lúc đó còn gọi là Truyền hình TW, ở cấp lãnh đạo …anh là người hay tranh luận gay gắt (Dân xứ Quảng gốc mà !), nhưng lại rất dễ thương, có khi còn dễ dãi với cấp dưới nữa. Anh Thái giữ quan hệ lâu dài với tôi kể cả lúc mỗi người đi mỗi ngả, kẻ Nam người Bắc … vì cả hai đều là dân viết lách, thích trao đổi, giao du ….

 

Lê Mạnh Thái từng chiến đấu tại Quảng Trị, Huế, Việt Bắc, Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ anh làm báo và công tác ngoại giao trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Sau hòa bình 1975 chuyển công tác về ngành truyền hình.

 

Thời đi học, anh đậu Diplôme (trung học đệ nhất cấp) nên tiếng Pháp khá. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ anh là sỹ quan quân báo cấp tiểu đoàn …

 

Khi Pháp đã thua trận ở Điện Biên Phủ nên Hội nghị Giơ-ne-vơ (5/1954) họ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và sẽ bớt trịch thượng hơn. Nhưng ở Giơ-ne-vơ phía Pháp âm mưu gì ; Nhằm đạt được những gì tối đa, tối thiểu, kể cả đường giới tuyến tạm thời và khu vực tập kết … Sau khi mất Điện Biên Phủ Pháp sẽ bảo vệ đồng bằng bắc Bộ như thế nào, sẽ bỏ đâu, co cụm về đâu … Nếu ký được Hiệp nghị Giơ-ne-vơ với phương án tạm chia hai miền Nam Bắc thì Pháp sẽ tổ chức phòng ngự ở miền Nam thế nào ? Âm mưu gì ? Đó là những câu hỏi ta cần phải biết ngay để bước vào hội nghị … Chính vì lý do đó mà Lê Mạnh Thái ngay sau ngày chiến thắng phải lên xe đuổi theo đoàn tù binh sắp sửa lên đường về các trại ở hậu phương.

 

Sáng 9.5.1954 anh lên xe và đi suốt đêm. Gặp Đờ Cát, y đang định ngủ trưa, Mạnh Thái đưa Đờ Cát đến một phiến đá lớn bên đường, một sỹ quan tù binh khác định đi theo làm cận vệ cho "tướng" nhưng anh xua tay ra hiệu lùi lại. Mạnh Thái bắt đầu hỏi chuyện Đờ Cát bằng việc hỏi thăm sức khỏe và việc ăn ngủ … Đờ Cát tỏ vẻ xúc động. Ông ta rụt rè rút điếu thuốc Bát - tô Mạnh Thái mời rồi trả lời :

 

- Từ khi rời căn hầm chỉ huy ở Mường Thanh đến nay tôi không được khỏe lắm, vì rất khó ngủ và ăn uống không hợp khẩu vị !

 

- Tôi nghĩ, mấy hôm nay, ông ăn uống quá thiếu thốn, không đủ lượng mà chất cũng chẳng có gì, không có thịt, trứng, sữa, rượu, cà phê … Nhưng tôi xin thành thật nói ; ông nên tập chịu đựng, tập làm quen với khẩu phần hàng ngày đi …ông và tù binh chỉ được cung cấp vậy thôi. Bộ đội chúng tôi từ binh lính đến chỉ huy cũng chỉ ăn uống giống hệt xuất ăn hàng ngày của các ông vậy thôi …

 

Đờ Cát có vẻ không tin nhưng không nói gì thêm… Mạnh Thái rót ra 1 cái cốc nhựa 1 ly sữa trong bi đông anh mang theo mời Đờ Cát.

 

Y hỏi : Nước gì mà đục vậy, thưa ông ?

 

- Đó là sữa đặc hộp tôi mua được ở Thuận Châu, cả thuốc lá nữa ….

 

Rồi Mạnh Thái rót ra cốc của mình, uống trước ….

 

Cả hai đều cạn đến giọt sữa cuối cùng ….

 

…. Bằng tiếng Pháp rất chuẩn, Mạnh Thái với tư cách người lính, "đề nghị" Đờ Cát với tư cách người chỉ huy trên phạm vi lớn phía bên kia, anh là người chỉ huy một phạm vi nhỏ phía bên này, sau một trận quyết chiến, hai bên đều có những điều "cần hiểu biết nhau hơn", "tôi nghĩ, tôi muốn học tập những điều tôi chưa biết" !

 

Đờ Cát đã trao đổi một cách thẳng thắn những suy nghĩ của mình. Y còn nói "Tôi rất quý mến những người sỹ quan trẻ phía bên tôi, tôi thường dìu dắt họ" … (Lúc đó Mạnh Thái 24 tuổi, Đờ Cát 55 tuổi). Nhưng trước khi kết thúc câu chuyện y yêu cầu một điều : - Những điều tôi nói với ông vừa rồi, chỉ là ý kiến cá nhân. Đó không phải là chủ trương của các nhà đương cục ! Ông đừng công bố với ai và đăng tải nó trên báo chí !!!

 

Mạnh Thái lấy bao thuốc Bát tô đã bóc từ lúc nãy, đặt vào tay Đờ Cát trước lúc đi … Đờ Cát đứng nhìn theo giây lát trước khi về chỗ nghỉ …

 

Mạnh Thái còn "trò chuyện" với Đờ Cát nhiều lần như thế, có lần nói đến việc chia giới tuyến, Đờ Cát nói vì bên phía Pháp chiếm nhiều dân hơn, nên lúc chia, Pháp phải lấy Nam Bộ và Trung Bộ, Việt Minh chỉ được Bắc Bộ ! Thái đã nổi nóng mắng Đờ Cát "Các ông làm như đất Việt Nam là sở hữu của các ông"!

 

Đờ Cát chữa : Tôi chỉ nói đến mức quản lý thực sự mà thôi !!!

 

Cũng có lần Đờ Cát thực thà nói, với tư cách một tù binh "trong tay các ông", tôi cầu nguyện cho tình huống thứ hai (tức Việt Minh thắng thế nếu còn tiếp tục trận chiến) để hai bên ký kết chấm dứt chiến tranh, ai về nhà nấy !!!                                               

 

(Theo Hào Quang, tiểu thuyết hồi ký của Lê Mạnh Thái - NXB Lao động 1997)

NGUYỄN TRÍ VIỆT

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 4084
Ngày đăng: 24.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tháng ở Nam kỳ-Phần I - Phạm Quỳnh
Một tháng ở Nam kỳ-Phần II - Phạm Quỳnh
Vĩnh biệt giáo sư Trần Quốc Vượng - Hồ Tĩnh Tâm
Vang dội Cái Ngang - Lê Tương Ứng
Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ? - Lê Phú Khải
TRẬN ĐÁNH chỉ được THẮNG không được BẠI - Lê Phú Khải
Di tích lịch sử Côn Đảo - - Nguyễn Đình Thống
Tiềm năng biển và đảo - Nguyễn Trọng Tín
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY - Trần Dũng
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường