Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.151
123.226.562
 
Loạt suy tư "Thức tỉnh cùng H. Béla" Bài 01: Ánh sáng từ trong tâm hồn
Nguyễn Văn Thượng
 
 
Diogène, triết gia Hy Lạp thời Đại đế Alexandre là hình ảnh khởi cho suy nghĩ sáng nay. Đã nhiều lần hoàng đế mời Diogène tham dự triều chính ông đều từ chối để chọn dấn thân cho minh triết - không phải thuần túy cho triết học duy lý siêu hình như Platon, hay các triết gia của những trường phái Hy Lạp cổ đại. Diogène theo trường phái thiên nhiên, khổ hạnh, chống phân biệt chủng tộc, coi rẻ danh vọng, tiền bạc, thoát khỏi dục vọng, khinh thường mọi lý luận triết học siêu hình, nhất là thế giới ý niệm của Platon. Một trong những triết gia quan hệ của học phái Khuyến nho tại Hy lạp thế kỷ thứ IV trước Thiên Chúa (413-323). Ông đề xướng: Phải coi rẻ học vấn trọng văn bằng, danh vọng, tiền của, tự giải thoát mình khỏi mọi dục vọng, tập khắc chế đến cùng những nhu cầu của mình, sống thuận theo thiên  nhiên. Diogène sống rất đơn giản: đi chân không, ngủ dưới cổng các đền thờ, ở trong một cái thùng tròn thay thế cho cái nhà, che thân bằng một tấm vải mà thôi. Một hôm, triết gia thấy một em bé uống nước bằng cách bụm hai tay lại và hứng nước, triết gia tự bảo: “Thằng nhỏ này cho mình biết rằng: mình vẫn có một vật thừa”. Nói xong, triết gia đập bể cái chén uống nước của triết gia dùng hàng ngày. Người ta gặp triết gia đi trong thành phố Athènes, giữa ban ngày mà xách một đèn sáng. Ai hỏi làm gì buồn cười thế thì triết gia trả lời: “Tôi tìm một người”. Diogène xa rời lý luận triết học, mà tiên sinh cho là thiếu thực tế và rườm rà. 
Triết học, nói cho cùng, giống hệt một đứa trẻ con truy nguyên mọi thứ mà nó phải sống, phải thực hiện mà không hiểu tại sao. Thực tại vẫn diễn ra trong im lặng và thách thức con người: Tôi là ai ? Tôi từ đâu ra ? Tôi đến đây làm gì ? Tôi đi về đâu ? Đứa trẻ con triết học có lúc gào khóc cật vấn hư vô, có lúc bạo loạn tự đặt ra những nguyên tắc tưởng chừng sẽ giải thích tất cả nhưng lại giống tiếng khóc oa oa, vì nó không vươn tới đượt Chân lý cách viên mãn mà mãi là tiếng quấy khóc lên thinh không tìm tiếng trả lời như trống dồn, chuông reo. Triết học vẫn chưa tìm ra câu trả lời bản chất nhất, đúng đắn nhất có thể được coi là chân lý. Than ôi, có phải vì “chân lý là cái lý có chân” vun vút chạy theo dòng cuồng lưu đời sống biến dịch như Héraclite từng quan niệm ? Platon phán : “triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên”, đi tới hoài nghi trước bế tắc của con người trong thực tại. Hư vô, hư vô, ngươi là ai mà đã giết chết hàng vạn triết gia trong nước mắt bi tráng của sự cố gắng vươn lên đốt cháy mình trước mặt trời lộng lẫy và cháy bừng bừng...
Trong ánh sáng mặt trời xiên xiên qua trang giấy mỏng, đọc thấy: "Kẻ xuất phát từ cái vô tận sẽ tìm thấy bản chất của sự vật. Chừng nào kẻ sáng tạo còn có cảm hứng, sự vật còn đó, nếu kẻ sáng tạo hết quan tâm, sự vật hỏng rữa. Cái ta gọi là lực tương tác lẫn nhau (gravitácio) chính là trọng lực cá nhân trong sự vật." (x. Hamvas Béla, Unicornis, Dịch giả - Nguyễn Hồng Nhung). Chúng ta không phải là thực thể duy nhất tồn tại trong cuộc sống này. Ngược lại, ta gắn bó và đồng thời tồn tại, chịu sự chi phối của tất cả những sự vật khác. Mọi sự vật quanh ta đều có liên hệ chặt chẽ đến cuộc sống của ta. Con người không thể mất đi tư duy triết học, đó là con đường của khối óc, lý trí đi tìm ánh sáng, ý niệm chân chính mạch lạc, để không còn biết cô đơn, day dứt. Như vậy, mới có thể thoát khỏi thời kỳ mê cuồng của thần rượu nho Dionysos, trong khoái lạc hiện sinh kiểu Dương Chu, để chậm rãi và vững vàng bước lên đỉnh cao trang nhã, mực thước của cái đẹp sang trọng mang tinh thần và thi pháp Apollon như nghệ thuật trác việt Hy Lạp đã đạt tới, hay trong cảm hứng thi ca quý phái, bay bổng, mẫu mực Đường thi.
Hamvas Béla viết Unicornis, hay Sacra Scientia không phải từ xuất phát điểm quen thuộc của nhiều trường phái triết học: con người khổ vì trí tuệ, bất an vì triết học. H. Béla tìm thấy sự ngơ ngác hồn nhiên trước cuộc trần, nhưng không có sự hoài nghi trước vũ trụ, không cay cú mà rất bình thản tự lục vấn mình và tìm ánh sáng từ huyền thoại, từ thành quách văn minh cổ xưa hay trong đống đổ nát hiện sinh những mầm giống con người thực sự. Nếu loay hoai với triết học và chôn mình trong lập luận hàn lâm, sẽ chỉ còn những "cây sậy thuần túy" mà mất đi những "Con Người" (viết hoa). Con người trong suy tư của H. Béla tuyệt nhiên không phải là một cây sậy có tư tưởng như Pascal từng tôn vinh, cũng không phải như Réne Descarter thao thức triết học trong đầu lại để tồn tại. H. Béla đi tìm ngay khi nằm ngủ, không ở trong tình trạng mất tư duy mà leo tới cõi sơn cùng thủy tận , băng qua hàng vạn thung lũng, tìm đến với những khoảng trời minh triết…
Ông - Hamvas Béla đã chọn Đời Sống trên cao từ trong ánh sáng của chính tâm hồn mình ứng xử với đời hơn chọn Triết Lý Sống dưới vòm trời, chọn Minh Triết vươn lên cao hơn - Minh Triết Thiêng Liêng - hơn là Triết lý chợ cá đời thường giảo hoạt, kinh tài. Đó có phải là Đời Sống Lớn mà ông mặc niệm? "Đời Sống Lớn là đời sống của một người bình thường, còn đời sống của đám đông là nhà thương điên và rạp xiếc. Bí mật của một Con Người Lớn: đấy là người duy nhất không có bí mật. Đấy là người mang tính phổ quát, tự nhiên, giản dị và mang tính người thực chất.
- Ở những kẻ khác chỉ toàn là những điều bí mật, giấu diếm, rối loạn, ngoại lệ, che đậy, bê bối, đặc quyền, đặc tính, méo mó, điên rồ, như trò hề rạp xiếc. Chỉ từ một Con Người Lớn tôi biết ai là người thực chất.
- Chừng nào tôi còn cho rằng một Con Người Lớn là ngoại lệ, chừng đó vị trí của tôi vẫn bất hạnh như của nhiều kẻ khác. Tôi bắt buộc phải nhìn thấy Con Người Lớn sinh ra đã như thế. Không có cách khác. Trong ý nghĩa rằng: người ấy không chỉ bình thường mà còn khỏe mạnh và đầy tính người, và tôi đã đạt đến thực chất." (Unicornis, Hamvas Béla, Dịch giả: Nguyễn Hồng Nhung, p.6/99)
Quá trình sống là biểu sinh của tư duy thông qua ngôn ngữ mà phản ánh hiện thực khách quan. Tư duy là sự phản ánh tồn tại, Minh triết phản ánh tồn tại của thiên thần trong con người cũng như vô thần tính phản ánh bản năng muông sinh trong con người được kích hoạt não bộ cấp cao. Khi nói về vấn đề cơ bản của triết học, Friedrich Engels đã viết: "Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy với tồn tại"(x.  C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.403.). Vậy là, cách nào đó, Engels khẳng định tư duy và tồn tại cũng là mối quan hệ giữa ý thức và vật chất, vòng tuần hoàn luân hồi trong vật chất và không thể vươn lên bầu trời mà H. Béla đang sống với tư tưởng nở rộ hương thần thánh thuần khiết của mình với Đấng ngồi trên Tòa Khôn Ngoan đàm đạo Minh Triết cùng Ông mỗi ngày. 
Nếu tri thức, với K. Max, đóng vai trò cốt lõi của ý thức, thì Minh Thức, trong H. Béla đóng vai trò cốt lõi trong đàm thoại với Minh Triết trong H. Béla, Ông luôn Thức Tỉnh một cách kỳ lạ để đàm thoại cùng ánh sáng từ Thượng Đế đi qua các nền văn minh nhân loại và tư tưởng của Cao Nhân. Có thể so sánh một cách hình ảnh rằng, tri thức như là "hạt nhân" của ý thức, Minh Thức là hạt nhân của tâm hồn. Tri thức là kết quả của quá trình nhận thức của con người về thế giới hiện thực, làm tái hiện trong tư tưởng những thuộc tính, những quy luật của thế giới ấy và diễn đạt chúng dưới hình thức ngôn ngữ hoặc các hệ thống ký hiệu khác thì Minh Thức là kết tinh của sự tương tác cao thượng cùng Minh Triết - Ánh Sáng của Thượng Đế mà H. Béla đang vinh hạnh bước chân vào ngưỡng cửa quan chiêm. Như vậy, Minh Thức nói chung có một ý nghĩa cao thượng hơn ý thức vì nó quyết định cho niềm vui thanh thoát siêu việt chứ không phải thú vui của sự lệ thuộc vào một yếu tố phong trần, thế tục nào đó. 
Tính vô thần và bi quan trước thực tại đã góp phần đưa triết học duy lý phương Tây tới chỗ cùng đường. Luôn còn đó rất nhiều thứ vô lý trong cuộc đời, phi lý trong vũ trụ vẫn tồn tại. Bế tắc trước vấn đề con người đi từ đâu tới trái đất này, nó được Chúa tạo ra hay loài vượn tạo ra, vẫn là cái vượt qua sự hiểu biết, vượt qua cái có lý của con người. Thế giới này sinh ra do tất định hay ngẫu nhiên ? Rằng có Thượng đế và linh hồn hay không? Nếu K. Marx góp phần vào công cuộc làm bế tắc triết học bằng nhận định đại loại như lý trí của con người có thể nhận thức được toàn thể vũ trụ, giải thích được mọi hiện tượng của thế giới hiện tồn thì H.Béla rất dịu dàng mời các tâm hồn theo mình tìm Minh triết bằng sự dịu dàng và cương quyết trước hừng đông không hề chủ quan, áp đặt định kiến giới hạn của con người lên vũ trụ vô hạn vốn một hạn chế chết người của triết học Hy Lạp với câu cách ngôn rất nổi tiếng của triết gia thời cổ đại Protagoras : “ Con người là thước đo vạn vật”. H. Béla đi trong vườn nho mà Thượng Đế mời ông vào như người thợ canh tác và cho thấy vạn vật đang đo đạc lại con người, để xem coi "lũ làng" còn đủ kích thước tinh thần và văn hóa để ở trọ thêm vài trăm năm nữa trên trái đất để cãi lý và cậy mình kiểu thông thái triết học hàn lâm ngó lơ chân lý thiêng liêng, giày xéo tâm hồn bằng hư vô và ma trận ngôn ngữ bồng bềnh nữa không. 
H. Béla quá thuần phác nghiệm sinh đầy chất thấu thị của con người, kiểu như câu thơ Nguyễn Trãi : “Hoa thường hay héo cỏ thì tươi”, “ Nước chảy không mòn bóng núi” hay câu thơ tuyệt diệu của Nguyễn Gia Thiều : “ Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán / Chết đuối người trên cạn mà chơi”…
 
Mỹ Tho 05-10-2017
 
 
 
Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 1484
Ngày đăng: 06.10.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi cuối cùng ba tôi đến - Lâm Bích Thủy
Trò chuyện với cây bút nữ Tiểu Nguyệt “Con đường đến với văn chương” - Mang Viên Long
Tổng quan nghệ thuật rối nước - Tuấn Giang
Dọc đường văn nghệ ( phần 20) Ông Khai Trí với tuyển thơ Tình Việt Nam và Thế giới. - Trần Dzạ Lữ
Buổi sáng đầu tiên - Sâm Thương
Cuộc đời yêu dấu - Nguyễn Đức Tùng
Giới thiệu tác phẩm (23) - Hoa vỡ - thơ của Hoàng Vũ Thuật (HVT) - Từ Sâm
Giới thiệu - tác phẩm (24) - Mùi hương của...cát - Từ Sâm
Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại - Nguyễn Khôi
Văn chương và nghệ thuật - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả