Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.165
 
Nhà thơ Yến Lan và sự hâm mộ : Trích Hồi ký “Người thi sĩ của Bến My Lăng”
Lâm Bích Thủy

                                                                                                                                                                                 

 

 Xin thú thật là trước đây tôi ít quan tâm đến công việc và những ảnh hưởng từ độc giả đến với ba tôi. Nhưng khi có lời khuyên, cụ thể là nhà thơ Giang Nam, đạo diễn Nguyễn Khánh, nhà văn Mai Ngọc Thanh, các nhà thơ trẻ Nguyễn Hòa, Mang Viên Long v.v. .: “Cô nên làm cái gì đó cho Yến Lan. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng gia đình cô mà còn là trách nhiệm lớn đối với nền văn học dân tộc. Bởi ông là một nhà thơ suốt cả đời tâm huyết cho quê hương và cái chữ. Ông là nhà văn hóa có trách nhiệm với người và với đời. Ông hội đủ cả tài, tâm và tầm, mấy ai được như thế.  Trước lời khuyên chân thành đó tôi cho là chính đáng.

Nhưng, tôi hơi do dự: Cậu em tôi, nhà thơ Lâm Huy Nhuận, lẽ ra nó phải làm công việc này má hắn cứ im lặng như thóc; còn tôi, khi còn là học sinh, môn văn chả bao giờ có được điểm 3 (điểm Liên Xô). Công việc này quá nặng, liệu tôi kham nổi không? Nghĩ đi nghĩ lại, tôi không thể không làm. Với kiến thức hạn hẹp về văn học buộc tôi phải cố gắng hết sức. Ngay từ đầu tôi tìm đọc những bài viết về ba tôi, đọc hồi ức của cha, của những người đồng nghiệp của ông .v.v.. ; học cách viết và thử viết bài gửi trên weblogs, các Báo, Đài; tập nhìn sự nghiệp của cha bằng cái nhìn của người yêu văn học v.v ..

 

 Từ việc tìm hiểu về cha qua thơ, tôi đã nhận ra một chân dung người thi sĩ với nét đẹp tâm hồn, lẽ sống và tình nhân văn của cha mình đối với đời: Hơn 80 năm cuộc đời, và hơn 60 năm cầm bút, thì nỗi buồn, sự mất mác ở ông nhiều hơn niềm vui và cái được. Nhưng, bù lại ông có được trái tim của đông đảo độc giả từ mọi miền đất nước và cả những người đang sống ở nước ngoài. Họ đọc thơ ông, và nhận diện được chân dung ông - người thi sĩ đầy nhân nghĩa qua những vần thơ giàu nghệ thuật và nhân văn của ông.

  Bởi, trong cuộc sống, ba tôi bằng lòng với những gì mình có như một chàng trai trẻ; hạnh phúc và vui mừng mỗi khi nhận được thư bạn đọc. vào dịp Lễ, Tết, hay ngày sinh. Từ những nơi xa xôi: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Cái Bè cho đến tận Huyện Thốt Nốt v.v…thư tới thăm và động viên ông. Có thể nói đó là những tình cảm không thể ngờ từ phía khách thơ dành cho một nhà thơ bị oan trái trong thời NVGP như Yến Lan-cha tôi.

  Ví dụ:- Ai có thể tưởng tượng được, hơn năm mươi năm trước đây mà có người còn thuộc lòng cả tác phẩm kịch thơ “Bóng giai nhân” của ba tôi:

 

   Thuở ấy, vào năm 1941 anh mới lên mười tuổi, cho đến đầu năm 1994, khi Hội Sân Khấu Việt Nam nhã ý muốn xuất bản vở kịch thơ “Bóng giai nhân”; cậu bé” đó nghe được nhà thơ Yến Lan, tác giả vở kịch lại không còn bản thảo. “Cậu” liền viết thư vào yêu cầu được chép lại theo trí nhớ của mình để bản thảo trở về với cha đẻ của nó như “Châu về hộp phố”   Đây là bức thư bao hàm nhiều ý nghĩa, tôi xin chép lại toàn bộ để bạn thấy được tấm lòng của anh dành cho nhà thơ Yến Lan:

 

Thanh Hóa- Ngày 07 tháng 2 năm 1994

Nhà thơ Yến Lan kính mến,   

 Tôi là Lê Ngọc Thanh, giáo viên Trường Trung Học Lam Sơn Thanh Hóa, cái tên này chẳng thể gợi cho bác biết được điều gì chỉ xin nói lên sự việc. Số là những năm trước Cách mạng Tháng Tám, các anh tôi đang dạy học có tổ chức dạ hội và tập các vở kịch thơ trong đó có vở “Bóng giai nhân”. Tôi nhớ vở kịch đó đánh máy hoặc có bản chép tay để phân vai chứ không có bản in typo. Tôi, lúc đó khoảng 10 tuổi, (sinh năm 1933) đang học tiểu học, không phải loại người lớn để dự vào việc ấy. Tôi chỉ được giao cho giữ bản kịch và chép vai giúp các anh. Đọc kịch bản cảm thấy hay, chứ chưa chắc đã hiểu, tôi chép vào sổ tay để ngâm nga rồi thuộc. Hai hồi đầu, tôi nghĩ là thuộc chính xác còn hồi ba có lẽ chưa đầy đủ. Năm mươi năm qua bác cũng biết là bao nhiêu biến động, không làm gì còn bản ghi nữa. Đôi khi tự đọc các đoạn thơ này lên hoặc cho vài bạn khác nghe, cũng là sinh hoạt tinh thần trong những ngày gian khổ chống Pháp, hoặc chống Mỹ, lấy những vần thơ đẹp để động viên mình và động  viên  nhau.

  Một lần anh Vũ Ngọc Khánh có cho tôi biết bác-nhà thơ Yến Lan đã không còn bản thảo. Tôi nghĩ rằng nếu chép lại để gửi trả lại nhà thơ bản thảo này (nếu quả là đã mất) thì cũng có nhiều ý nghĩa, trước hết là để trả ơn người đã sinh ra nó và cũng để cho đời khỏi mất những vần thơ đẹp. Tuy vậy tôi cũng không biết được địa chỉ của bác. Trong khi đó thì tôi sống khó khăn, bao nhiêu ràng buộc. sách báo cũng ít được xem. Gần đây tình cờ tôi xem một tờ tạp chí Văn Nghệ cũ được biết bác mừng thọ 70 tuổi ở Bình Định. Rất tiếc là không kịp gửi bản thảo này vào dịp đó mong bác thứ lỗi. Còn về nội dung ghi lại chắc không tránh khỏi nhiều thiếu sót trong bộ óc của một trẻ em 10 tuổi và 50 năm qua thì khó thể nói được điều gì chắc chắn. Nhưng nếu đọc lại chắc bác có thể hậu chỉnh lại được. Nếu điều đó có ích gì đối với nhà thơ thì quả là vinh dự cho một người đọc như tôi. Xin gửi bác lời chào trân trọng

Kính mến

Ký tên: Lê Ngọc Thanh 

  

Thư của anh đến kịp để xuất bản sách tháng 12.1996. Thật là một món quà vô cùng quí giá khiến ba tôi phải thốt lên “Thật quá bất ngờ”

 - Còn chàng thanh niên yêu thơ ở tận Hậu Giang cũng muốn nói với nhà thơ rằng,

Nhà thơ Yến Lan kính mến

Qua đọc báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật” số 13. Ngày 7/4/91. Ở trang 15 nhà văn Mang Viên Long và Võ Châu Cửu, đăng vài nét về nhà thơ. Cháu cảm nhận quá, nên viết ít hàng gửi đến bác. Cháu chúc bác luôn vui khỏe dồi dào sức khỏe để sáng tác thêm cho đời những áng thơ trác Việt . Trước khi nói lên cảm nhận của mình, cháu xin tự giới thiệu. Cháu là Đoàn Thành Nhớ hiện công tác ở CAND xã Thành Quới, huyện Thốt Nốt Hậu Giang. Đọc đoạn thơ ở tuổi 70 của bác, cháu rất phục”:

“Người ta trối già, tớ chối già…” Tự đáy lòng cháu rất cảm kích….

 

  Mừng sinh nhật năm 1986 tròn 70 tuổi, từ Quảng Ngãi, nhà thơ Phú Sơn gửi mấy câu thơ:

Mừng Yến Lan bảy mươi tuổi

Mừng anh bảy chục cái xuân xanh

Lòng lão trong veo thơ thắm tình

Bên “Bến My Lăng” nhìn én liệng

Trăng xưa bạn cũ bóng vờn quanh

         11/1986 (Phúc Sơn)

 

Sinh nhật lần thứ 73, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, tặng câu đối: “Nẫm niên dư Bắc thượng Nam qui tứ hữu thi đàn do lưu văn nghệ sử/ Thất tuần ngoại triêu ngâm mộ vịnh nhứt sinh hoa bút trường thán nguyệt vân thiên.  Dịch ra-một đời ra Bắc về Nam có mặt với thi đàn, một đời “hoa bút” để rồi “trường thán nguyệt vân thiên.

 Vũ tiên sinh đã nhè nhẹ vỗ đúng nỗi đau và sự bất lực của thi sĩ”.  Nhà thơ cười hiền:

 “Ông phê tôi ngửa mặt mà than dài với trăng mây, xét cho cùng cũng là chỗ bấu víu của văn nghệ sĩ mọi thời thôi mà”. Lê Hoài Lương

 

 Năm 1991, các anh chị em văn nghệ sĩ thị trấn An Nhơn và Hội văn học nghệ thuật Bình Định xuất bản tập thơ “Cầm chân hoa” và “Tuyển tập Yến Lan” nhân dịp sinh nhật tuổi 75 của ông. Đó là tấm thịnh tình mà quê nhà dành cho, khiến ông cảm động lắm. Thực ra, việc làm này đối với các nơi khác là bình thường, nhưng với Bình Định, là sự ưu tiên đặc biệt, không có ai một lúc được xuất bản 2 tập thơ; vì trong Tuyển tập có cả phần thơ của “Cầm chân hoa“ do Chi hội Văn Hóa huyện cụ thể là nhà thơ Đặng Tấn Tới tuyển chọn, đang hoàn chỉnh để kịp mừng ngày sinh của Yến Lan. Nghĩa là có “Cầm chân hoa” thì không “Tuyển tập”, và ngược lại. Vì kinh phí “Quỉ bảo trợ văn nghệ sĩ lão thành” chỉ chi một lần. Nhưng, điều này không hề ảnh hưởng tình cảm của anh em Văn nghệ sĩ và Lãnh đạo huyện dành cho nhà thơ của Bến My Lăng.

  Ba tôi đã rất xúc động nói “trong cái rủi có cái may, con người không phải lúc nào cũng gặp bất hạnh!”

  Cảm động hơn, Tập thơ vừa ra đời thì vài ngày sau, tại nhà riêng, hàng chục lá thư từ các nơi gửi đến đề nghị:

  “Xin bậc tiền bối gửi tặng cho cháu tập thơ”(thư kèm 4.000 đồng lộ phí) Mới đầu ba tôi không hiểu gì cả. Thì ra nhà thơ Mang Viên Long tế nhị maketting, quãng cáo ở báo Tuổi Trẻ để chóng phát hành sách hộ nhà thơ.

 Việc này, tuy nhiêu khê và mệt; vì cứ nhận được thư, nhà thơ phải ra Bưu điện gửi sách cho từng ấy bạn đọc. Chả là bạn nào cũng muốn có được “chữ ký của tiên sinh Yến Lan”. Và ai đó đã làm thơ tặng ông 

Từ thuở tóc xanh, nay tóc bạc rồi

75 năm - thước đo đời thi sĩ

Giữa biển dâu biết ai người tri kỷ

Những ngọn đèn-đứng gác giữ hồn tôi..

Nợ dương trần chưa trả hết đấy thôi

Túi thơ hãy đong thêm, còn vơi đấy

Bến My Lăng khách gọi đò chẳng thấy

Đò đến rồi chẳng thấy Bến My Lăng…

(Qui Nhơn đêm tháng 4 năm 1991)

  Kính tặng thi sĩ Yến Lan

  Cháu mừng bác vào năm 83 Trời cho

                        Sáng dậy chim ngừng hót

  Mừng thay ta chưa già

  My Lăng thuyền trăng đợi

  Người xa! Ta không xa

     (Hà Nội, Xuân 98)

 

 Từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Khôi, thư vào cho ba tôi viết:

  Hà Nội ngày 4/7/1995

  Lão thi sĩ Yến Lan kính mến

Tôi đã yêu thơ của thi sĩ từ khi tôi còn là cậu học sinh trường cấp 2. Có lẽ ngoài bến My Lăng ra, vẫn còn bâng khuâng trước “Trưa hào hoa mình lụa /Thương trời ngẫn ngơ xanh.”

 Hôm nay lại đọc “Sống bù” của thi sĩ lòng những bồi hồi buồn vui.. Ôi lão thi sĩ, một trong “Tứ linh” của đất Bình Định, đã ngoài “bát tuần” mà còn làm được thơ–thật là hạnh phúc vô cùng của một đời người. Hơn 1 thế kỷ đất Bình Định đã trải qua nào nhà Nguyễn, rồi Pháp đô hộ, Nhật đảo chính, Việt Minh dành chính quyền, rồi lại Pháp xâm lược, rồi Mỹ Diệm, Mỹ Thiệu rồi giải phóng…80 năm đã trải của thi sĩ đâu có “êm đềm như si” như kẻ hậu sinh này thèm ước..

 Cái mà thi sĩ để lai cho đời là “Bến My Lăng” là “giếng loạn” bất tử.  Tôi đã say ánh trăng mờ ở xứ dừa quê thi sĩ, hồi học lớp 9 (1956), đã nghiền “Lại về tỉnh nhỏ”,  tôi nhớ mãi . người đưa thư, “áo vải tây vàng 2 vai đã  vá” Thi sĩ không bằng Lý-Đổ nhưng kém chi Từ Không Thự, Trường Kế ngày xưa..

  Ôi vinh quang thuộc về nhà thơ không phải là đao to, búa lớn, chỉ 4 từ “gió lén mơn râu” có thể sánh với “Bạch Vân thiên tải không du du” rồi

  Biết lão thi sĩ đang ốm nặng ở đất quê nhà, từ đất Thăng Long thành - người học trò nhỏ  đã yêu thơ của thi sĩ xin có lời thành tâm gửi vào xứ dừa Bình Định thăm hỏi thi sĩ, mong rằng lão thi sĩ vượt qua cơn hiểm nghèo, tâm hồn luôn là “màu xanh không nói nghĩa biệt ly

Kính thư

Nguyễn Khôi  - Công tác tại Hội đồng của Q. Hội

 

 Sự lắng đọng của khách thơ Nguyễn thị Khánh Minh:

Kính gửi tiền bối “Đêm đọc thơ Yến Lan” (Mạo muội ghi lại vài cảm xúc khi đọc “Cầm chân hoa” của tiền bối)

Khế của đời là trái

Khế của người là mơ

Lau của đời là sậy

Lau người bạc ánh thơ

           

Hồng đời chỉ là hoa

Hồng người chan chứa ý

Cầm chân bản tình ca

Thương ai cầm mộng mị

 

Giàn trầu bình thường ai

Mùa thơm bàn tay trái

Giàn trầu thơ về mãi

Ngan ngát giọng-hò-trăng

                       

Người đời cùng nhau chuốc

Rượu óng ánh tiếng cười

Bên chùa ai ngồi uống

Sóng-sánh-tiếng-chuông khơi

Còn nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng:

   Mỗi lần ghé thăm và tạm biệt nhà thơ Yến Lan, tôi không thể nào không mang theo những cảm giác đẹp và buồn. Đẹp và buồn như khung trời Bình Định với bâng khuâng mây nước cổ thành, với những bóng đại thụ uy nghi dường như đã có những tầng rễ cắm vào huyền thoại. Đẹp và buồn như vầng trăng hoang lương trên Bến My Lăng với người lái đò say trăng đầu gối sách…Trong cảm giác chung ấy, cái vóc dáng mảnh mai của ông trước cửa tiễn đưa chợt trở thành nỗi trở trăn, lay động trong nắng sớm đầu xuân…               ( An Nhơn Mồng 9 tháng giêng Quí Dậu – NTM)

 

Một bài viết trên mạng:

.KHÓI (308)- YẾN LAN

Dear đại Huynh TPN, chư Huynh Tỉ Muội, cả nhà.

 KHÓI là một bài thơ bốn câu hay của Yến Lan (1917-1998). Yến Lan tên thực là Lâm Thanh Lang  Yến lan là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có Bóng giai nhân – kịch  thơ, Bến My Lăng,  Gái Trữ la (kịch thơ), tuyển tập thơ tứ tuyệt…Nhưng theo đệ thì ngoại trừ bài Bến My Lăng quá nổi tiếng, Yến Lan có thể coi là một cây tứ tuyệt hàng đầu của thế kỉ 20. Yến Lan kết bạn thành nhóm thơ tứ linh, còn gọi là nhóm Bàn thành tứ  hữu gồm Hàn Mặc Tử , Chế Lan Viên và Quách Tấn được Hoài Thanh, Hoài Chân giới thiệu trong Thi Nhân Việt nam…. 

   Yến Lan cũng từng được nhiều giải văn thơ và năm 2007 dược giải thưởng Nhà nước. Mà thôi, trích ngang về Yến Lan thế là đủ. Đệ muốn ” tào lao” chút it “râu ria’ liên quan đến nhà thơ… hình như chuyện này với đệ lí thú hơn chuyện năm sinh tháng đẻ, quê quán, huân huy chương, sai lầm, tác phẩm tiêu biểu…của nhà thơ. Công  thức và sáo mòn quá…….

    Tại sao lai là Yến Lan nhỉ, trước đó hình như là Xuân Khai và vài tên khác cơ! Hay là liên quan đến vợ hay người yêu , hoặc giả có thể như cái tích đánh vần  “trân huyền trần” rồi thành bút danh của nhà thơ Huyền Trân (lời kể trong hồi kí của Nguyễn Huy Tưởng  và của Tô Hoài). Đệ hóng hớt ra chuyện vợ của nhà thơ Lâm Thanh Lang là bà Nguyễn Thị LAN, thế là giải mã được 50% ! Còn YẾN ???:

  Vợ Yến Lan trước khi lấy chồng chơi rất thân với cô bạn gái tên là Yến, hai người ước với nhau sẽ lấy chung một ông chồng để suốt đời bên nhau. Ông này biết chuyện trên, mới  lấy bút danh từ tên của đôi bạn gái Yến và Lan theo lời ước lạ kì, thế là từ đó bút danh Yến Lan ra đời và tồn tại mãi mãi.

   Điều rất cảm động với đệ là Yến Lan – một nhà thơ có lập trường “vững”, đã bí mật cưu mang  từ Hoàng Cầm, Văn Cao, đến Phùng Quán, Lê Dạt…chứ ko ngoảnh mặt làm ngơ như một số người khác…Nhiều người ghen với hạnh phúc của vợ chồng nhà thơ khi đã ngoài tuổi Cổ lai hi chẳng chịu xưng hô với nhau bằng Ông, Bà mà khi râu tóc bạc phơ vẫn cứ anh anh em em ngọt sớt ở cái thời mà chưa về hưu người ta đã vội tôn nhau lên CỤ, thật đáng nể !!! Đệ là người duyTình, duy Nghĩa nên rất kính trọng những người sống có tình có nghĩa…

    Thơ bốn dòng của Yến Lan  như một chuyện kể mini, chả đâu vào đâu mà rất có duyên, đệ thích thú lắm, mà đã thích thú thì đệ dịch say sưa lắm…Dịch ra tam ngữ, chỉ mới ê a qua phone với lũ bạn tây tàu, chúng nó chả biết nguyên tác ra sao cũng bảo  đệ là ” Nghe Thích quá !!!”. 

  Bài Khói này đệ dịch ra Ăng lê lâu rồi, bây giờ vốn khá hơn , tỉa lại tí chút, làm thêm Frăng xe và Hán. Tiếng Việt vẻn vẹn có 4×7= 28 từ, đệ chuyển ra ngũ ngôn Hán có 4×5= 20 từ nên hơi gượng, nhưng tụi bạn Tàu vẫn hiểu và… thích !

 

Lạc đề một hồi, đệ lại nhớ đến Yến Lan và  những nét “râu ria” về ông, ấy chính nhờ những nét đó mà đệ hiểu thêm về đức độ, tài năng của Yến Lan và dám dịch thơ ông để yêu ông thêm. Đệ muốn có thêm nhiều người Việt ở hải ngoại, nhiều người nước ngoài khắp năm châu bốn  biển cùng yêu Yến Lan như yêu Tản Đà, Nguyễn Bính, Huyền Trân,  Hồ Dzếnh…Với đệ yêu các nhà thơ lớn của đất nước cũng chính là yêu đất  nước mình…Những năm tháng tha hương, bất kì ông tây bà đầm nào,hoặc anh Hàn quốc  chị Nhật bản nào nói với đệ rằng : tôi yêu TĐ, NB, hay yêu HT, H Dz… thì chả cần đến một nửa tích tắc suy nghĩ, đệ kl được ngay: đây là những người bạn tốt biết yêu VN và đệ lập tức  yêu quý họ…

  Dưới đây là các bản đệ dịch bài Khói của Yến Lan kèm mấy câu tứ tuyệt đệ viết về bài Khói của Yến Lan và các bản tự dịch ra Pháp, Anh, Hán tuy ngô nghê, quê mùa nhưng chân thành hết nói.

   KHÓI

(Yến Lan)

Đêm nao thế sự cũng đem bàn

Mẩu thuốc đầy vơi cái gạt tàn

Nhẩm lại bao nhiêu câu hỏi lớn

Lẫn vào khói nhẹ gió xua tan.

 

SMOKE

(Poem by Yến Lan – Translation by TMCS)

 Every night the world affairs are discussed

And the cigarette butts fill the ashtray.

Reviewing the major debated questions,

They realize all of them- in their opinion-

That the wind has blown away…

 

FUMÉE

(Traduit par TMCS)

 Chaque nuit les affaires du monde sont discutées

Et les mégots de cigarettes remplissent le cendrier.

En révisant les grandes questions ayant été débattues,

On réalise qu’elles ont été mêlées

Dans la fumée légère dont le vent a emporté.

 

(燕蘭詩相梅居士譯)

 

毎夜談時局                                                                        

煙頭常滿缸.

至今撿大事:

風刮煙中藏!

  À, suýt nữa tôi quên nhắc tới anh chàng Hồng Tâm. Đây là cậu học trò của ba tôi trước CM. Tình cảm của anh đối với thầy Yến Lan phải dùng từ nghiện mới đúng. Anh sống ở TP/HCM, sau giải phóng anh về quê cố tìm gặp lại thầy-người đã dạy anh kỷ năng sống để làm người.

  Khi biết tôi là con của nhà thơ đang ở Sài Gòn. Ngày giỗ nào của ba tôi anh cũng đến thắp cho ông nén tâm hương và lầm rầm trước di ảnh ông: “Nhờ ơn đức thầy mà em được như hôm nay, thầy đã cho em ánh sáng của niềm tin và hoài bảo để vươn lên làm người…”.

   Nghe lõm được lời anh tâm sự; tôi có cảm giác như – ba tôi nhà thơ Yến Lan là Thần tượng đích thật của anh vậy.

 

Đi vào sáng tác của ba và các bài viết về ông, tôi như vỡ ra nhiều điều. Không hiểu sao, những bức xúc của mọi người về vị trí của ba tôi lại nhiều vậy. Đây là vấn đề khó nói, khó giải bày. Nếu không tế nhị dễ bị hiểu nhầm, khiến đọc giả nghĩ rằng tôi không khách quan khi viết về cha. Thay vì tự viết những lời tâm huyết của người con đối với cha, tôi trích bài viết từ các nhà thơ, nhà báo để bạn đọc dễ tiếp nhận và đánh giá công minh về ba tôi hơn.

 “Yến Lan là nhà thơ bậc thầy từng được gọi “cây đại thụ, một bảo tàng, một thư viện sống của văn chương Bình Định, của văn chương Việt Nam” và là “một thi tài thực sự đặc sắc” trong tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc. Kinh qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, len lỏi đến ngóc ngách sâu thẳm của con người, thơ Yến Lan dần có vị thế trong lòng độc giả. Từ lâu, nhà thơ có vị trí trong phong trào Thơ mới, trong thi đàn Việt Nam hiện đại. Không chỉ nổi tiếng với Bến My Lăng huyền hoặc, Yến Lan có nhiều công lao quan trọng khác trong nền thơ ca dân tộc. Thế nhưng, việc đánh giá và phổ biến thơ Yến Lan trong đời sống văn chương vẫn chưa tương xứng với những giá trị đích thực của ông”. 

“…có thể nói với một nội lực phong phú, Yến Lan luôn giữ được bản sắc tâm hồn mình, viết thơ mình, biết cân bằng xưa và nay giữa rất nhiều biến động của ngoại cảnh.

   Vị trí của Yến Lan lớn, nhỏ đến đâu trong thi đàn nước nhà, điều đó còn chờ sự lắng đọng của thưởng thức, phẩm bình và thời gian. Nhưng có điều dễ thấy ở Yến Lan ông là một thi tài thật sự đặc sắc.   (Trần Ninh Hồ)

 

  Các nhà thơ trẻ nhận ra ông qua lời tựa của Văn Cao:

Nhận xét của Văn Cao hoàn toàn đúng với thơ Yến Lan, không phải chỉ thời đó mà còn cả các tâp thơ mới xuất bản sau này. Quả Yến Lan luôn thể nghiệm thơ mình. Ông chuyển từ thơ đường luật sang Thơ mới và ngược lại. Ông yêu Francis Jammes nhưng cũng mê Lý Bạch, Đổ Phủ. Ông vững vàng trong bút pháp Đường luật nhưng rất tài hoa trong thơ mới ngay từ những tác phẩm mới trình làng vào những năm 1933->1936

          “Yến Lan và Bến My Lăng”- Đăng Vũ

Anh cố vượt lên nỗi buồn, để có những bài thơ mới mẻ như “Lại về tỉnh nhỏ” hay khỏe khoắn như “Bài ca hợp tác thôn tôi”.  Vốn giỏi về lối thơ khắc họa nên anh thành công trong “lại về tỉnh nhỏ” (Tỉnh nhỏ/cô em/nằm xem kiếm hiệp), không lấy gì làm lạ, nhưng người từng làm những câu thơ sang trọng đến nỗi Bích Khê cũng phải tấm tắc khen, mà trong “Bài ca hợp tác thôn tôi” lại thể hiện được cả lời ăn, tiếng nói của bà con nông dân vào thơ thì quả là một cố gắng rất lớn.

Đến ngày con lẫy con chơi

Đến ngay rộng vai, dài vế

Cái khó đan vào cái dễ

Nan mốt, nan hai

Nuôi viêc ăn làm từ hạt muối củ khoai

Gian khổ không dừng sức lớn..

                        Hoài Anh

 

Kính Chị .

   Đời người thi nhân để lại một vài bài khiến người khác nhớ về mình là đã đủ, đạt yêu cầu. Trong tuyển tập thi ca, suy cho cùng ban biên tập cũng chỉ chọn ra một hai bài là tối đa, cho dù người ấy có làm hàng ngàn bài như XD , HC …. đi chăng nữa. Nhớ năm xưa trong tuyển tập XD đã đòi hơn ba bài đã chịu lời thị phi cùa văn giới. Phải nhường chỗ cho người khác . XD kém ! ….

    Bác Yến Lan,  người thi nhân trong xã hội miền Bắc không khụy sống lưng vào giữa các thập niên-58-62 càng đáng kính hơn nữa. Đoạn sau tôi không rõ lắm. Chị đã có một người Cha như thế là rất đáng tự hào. Ông là người con của đất Tây Sơn thật đáng yêu. Chính sự đáng kính của ông khiến cho người khác nhắc đến tên ông với tấm lòng trân trọng.

Xin đừng so sánh ông với người khác cho dù người đó có là CLV ,XD hay QT….đi nữa .

   Xin chúc mừng Chị đã có một người cha già đáng yêu . Cần chi phải có con trai mới gọi nối dõi tông đường! Một người con gái như Chị đã làm được nhiều điều cho người Cha già đáng yêu của mình như thế khiến người Thi nhân bên kia thế giới chắc hẳn Bác rất hài lòng .

 Xin chúc mừng Chị .

 

Kính

laiquangnam 

 

 

Lâm Bích Thủy
Số lần đọc: 1619
Ngày đăng: 12.10.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (phần 22) - Ở Đà Lạt mênh mang sương khói cuộc tình - Trần Dzạ Lữ
Làm vợ thi sĩ - Lâm Bích Thủy
Trường Sainte Marie, Phú Xuân, ký ức một thời xa vắng - Sâm Thương
Sao ứng với đời tôi đến thế - Lâm Bích Thủy
Hoa lửa đất Tây Đô - Nguyễn Thanh
Đến phù cát để…mở luân xa - Từ Sâm
Kỷ niệm vần thơ đầu đời của tôi - Trần Thoại Nguyên
Hoang Tưởng Nhân Ngày Thiếu Nhi 1 – 6 - Phạm Nga
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 19) Phan Kim Thịnh, chủ bút tạp chí Văn Học) - Trần Dzạ Lữ
Chiếc cầu ký ức - NP Phan
Cùng một tác giả
Tình lên ngơ ngác (truyện ngắn)
Chàng Ngốc (truyện ngắn)
Thư cảm ơn (sự kiện)