Bây giờ người ta không viết tạp văn theo kiểu các cụ Lỗ Tấn, Ngô Tất Tố, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng… nữa nên khi người viết tẩn mẩn tra khảo hết Từ điển thuật ngữ văn học (1994) đến Từ điển văn học bộ mới (2004) về khái niệm “tạp văn” thì mới “ngộ” ra nhiều điều mà điều trước tiên là sách vở lí luận văn học đang có khó dùng thật bởi lắm khi chẳng còn…hợp thời! Đành đánh liều đọc thẳng vào những tạp văn của những tác giả nổi tiếng hiện nay như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, Dạ Ngân, Lý Lan, Tạ Duy Anh, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Giang... , dĩ nhiên, cũng không bỏ qua một vài cây bút tạp văn trẻ trung, ăn khách như Nguyễn Trương Quý (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau) để tự trang bị vốn sống/lí luận cho mình về một thể loại hiện đang được mùa trên nhiều mặt báo. Càng đọc càng nhận thấy tạp văn (có khi được gọi là tạp bút, tản văn, tản mạn…) quả thật là một thể loại văn học tự do đặc biệt. Ở nó có sự giao thoa giữa văn chương và báo chí, giữa tự sự và trữ tình, giữa miêu tả và biểu hiện. Tùy từng tác giả, nó có thể là tùy bút, hồi ức, tự truyện, đoản văn, nhàn đàm…Thậm chí, nhà văn Bảo Ninh còn cho rằng tập tạp văn chọn lọc Ký ức vụn của nhà văn Nguyễn Quang Lập có thể gọi là “truyện ngắn không hư cấu” hay “tiểu thuyết” đều được. Như thế mới là/đúng là Tạp văn. Thích gọi “tạp văn” là “tản mạn”, nhà thơ Đỗ Trung Quân phát biểu: “Tản mạn khó viết hay không là tùy người. Nhưng tản mạn là gì? Thì tôi nói nó có thể viết gì cũng được. Và viết kiểu nào cũng được” (người viết nhấn mạnh). Vậy là, tạp văn cũng không giới hạn cả đề tài lẫn bút pháp nên có người đã định nghĩa tạp văn là “một loại tản văn có nội dung rộng, hình thức không gò bó”. Tạp văn không trói buộc bất kì ai nên nó đã, đang và sẽ là mảnh đất “nhiều màu mỡ lẫn màu sắc” mời gọi các ngòi bút chuyên và không chuyên tìm đến vỡ vạc, khai hoang, cày ải, thâm canh…
Trong số những cây bút tạp văn hiện góp mặt trên tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận (VNNT), thi thoảng chúng tôi bồi hồi gặp lại một gương mặt đáng chú ý, một người con gái của vùng đất nắng gió Phan Rang giờ đang tha hương lập nghiệp tận Sài Gòn. Tác giả Vương Fương Anh. Có vẻ như là tên khai sinh song tôi ngờ đây là nghệ danh. Có điều, đối với một cây bút, nghệ danh nhiều khi không quan trọng bằng chính chân dung tinh thần mà cô/anh ấy tự họa. Chân dung này hiện lên bàng bạc, thấp thoáng trên từng tác phẩm. Đậm nhạt khác nhau tùy theo thể loại. Đi vào tạp văn, chúng ta càng có điều kiện tìm hiểu chân dung tự họa của tác giả bởi nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, “nếu như truyện là một không gian hoàn toàn tưởng tượng với những nhân vật tưởng tượng thì tạp văn có lúc nhân vật chính là mình, nói tiếng nói của chính mình, giải tỏa được nhiều tâm tư tình cảm của mình”[1]. Phần lớn những tác phẩm của Vương Fương Anh đăng trên tạp chí VNNT thường có kiểu nhân vật trữ tình trung tâm là chính tác giả. Và những tạp văn của chị thường gần với tùy bút nhiều hơn. Gọi những tác phẩm mini ấy là những tiểu phẩm trữ tình để tách hẳn chúng với “phần lớn tạp văn mang yếu tố châm biếm, trào lộng, đả kích”[2] của các cụ trước đây. Tiểu phẩm gần đây nhất của Fương Anh, VNNT số 73, mang cái tên ngồ ngộ: Ẩm thực là nỗi nhớ (ÂTLNN).
Sao “ẩm thực” lại “là nỗi nhớ”? Lâu nay, người đọc quen với kiểu tư duy của những nhà - văn - đàn - ông như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn…cứ nghĩ ẩm thực là văn hóa, văn hóa ẩm thực. Giờ thoạt nhìn tiểu phẩm của VFA thấy cây bút nữ này có cách trình bày món ăn tinh thần chứa chan “kì vị”. Là món ăn, tất nhiên, không ai bày ra chỉ để ngắm. Song, cũng bởi là món ăn người ta đã công phu, cẩn trọng chế biến, trình bày nên mình không thể “ăn sống nuốt tươi”. Người Việt thường có thói quen thưởng thức món ăn bằng nhiều giác quan nên trước khi nhấm nháp tưởng cũng nên ngắm nghía tổng quát trước đã. Có ngắm nghía mới thấy tác giả đặt tên món ăn của mình quá đúng. Tên của tùy bút hàm chứa cấu trúc trữ tình của tiểu phẩm. Tác giả viết về ẩm thực quê nhà qua những hoài niệm. Những hoài niệm ấy cứ giăng mắc, đi về giữa hai nơi chốn, Sài Gòn và Phan Rang, đọng lại quanh những thời điểm quan trọng, đáng nhớ đối với nhân vật trữ tình: Tết; lần đầu tiên trông thấy biển hiệu nhỏ “Đặc sản Phan Rang” ở Sài Gòn; sinh nhật; lần cùng người bạn miền Nam ăn bánh canh Phan Rang “tại Nguyễn Huy Lượng, quận Phú Nhuận”; 1/5 năm ngoái đưa người bạn “miền Đông gian lao mà anh dũng” về quê chơi…Trong những thời điểm ấy, FA chọn Tết mở đầu cho những ghi chép tản mạn của mình bởi nhờ có những ngày Tết rảnh rổi gặp bạn gặp bè chị mới có dịp lắng lòng, nhẩn nha “ngốn ngấu những kỉ niệm một thời”, những kỉ niệm luôn gắn kết với những món ăn, thức uống. Những lần ăn uống khó quên bởi “ăn bằng cảm xúc”, bằng cả trái tim, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu có của mình. Một lần ăn uống là một lần được cùng nhau hòa mình, tắm gội, bện chặt với cảnh vật và con người chốn quê để lòng “ngập tràn hạnh phúc và thấy yêu quê hương mình hơn bao giờ hết”.
Xưa, ông bà trầm ngâm bảo “ăn một mình đau tức…”, giờ, đám trẻ nhơn nhơn nói rằng “gặp nhau ăn uống mới vui”, quả thật chả sai tí nào. Cứ đọc suốt tạp bút này, ÂTLNN, mà xem, điều ấy vẫn y nguyên. Chỉ mỗi mở đầu là chưa thấy nhân vật trữ tình “chiến đấu” với các loại bánh mà thôi. “Chưa thấy” chứ không phải là “không thấy” bởi có thể tác giả cố tình không kể, hoặc giả không tiện kể ra chứ với một người đã từng “kinh qua” bánh xèo, bánh căn, bánh canh, bánh bèo…thì thật là khó khi chỉ đơn thuần “nhìn đứa em gái cắn ỏn ẻn từng miếng bánh xèo” mà chịu bấm bụng…Bản thân tôi từng có nhiều ngày tò mò, đoán định những đoạn tự sự, miêu tả cảnh ăn của tác giả cùng với bạn bè để nghiệm ra rằng “con gái thật là…khôn!”. Hình như, cây bút nữ này có ý đồ giấu biệt “giới tính” những người bạn ẩm thực của mình? Chữ “bạn” hồi đó giờ hết sức linh hoạt, mềm dẽo, ỡm ờ…Người ta rủ nhau ăn uống thường trong phạm vi hẹp gọn, thân tình. Đỡ phải xã giao, ý tứ mất ngon; cốt để thong thả thư giãn, tâm sự. Có điều chuyện ăn uống không chỉ “thu hẹp” mà còn “mở rộng”. Dân mình ăn uống ở đâu, khi nào không đơn thuần chỉ vì khoái khẩu, khoái dốc bầu tâm sự mà còn vì ghiền khung cảnh, không khí, con người. Ăn uống, chuyện trò với bè bạn tâm giao song cũng “tranh thủ” ngắm nghía, nghe ngóng xung quanh. Mới hiểu vì sao người ta thích những món bình dân, những “quán cóc liêu xiêu”, những giọng quê quen thuộc, gần gũi. Những món ăn uống bình dân như bánh xèo, bánh căn, bánh canh, cà phê… giờ đây nơi nào chả có. Cái chính là hương vị vùng miền – hương quê, vị quê - dậy lên từ chất liệu, nước dùng, người làm, kẻ ăn, cách thức chế biến… Vậy là những kẻ nhớ quê cứ phải đi tìm những địa chỉ hàng quán dân dã, hiếm hoi mà từ người bán đến kẻ mua phần đông rặt ròng chất giọng Phan Rang khó lẫn. Là cư dân Phan Rang ai lại chẳng mong được ăn bánh xèo, bánh căn đúng kiểu Phan Rang, giữ nguyên đặc thù chất liệu bánh và nước dùng. “Vừa ăn lại vừa được xem đôi tay thuần thục đổ bột, xoay, lật bánh như múa của người nướng”. “Những chiếc bánh xèo nhỏ, giòn, vàng rộm nhân tôm mực tươi tắm mình trong chén nước chấm (…) ăn kèm với rau sống, dưa leo”; những chiếc bánh căn “không nhân hoặc nhân trứng” ăn kèm với xoài bằm chấm vào “nước cá hoặc mắm nêm” mang “một vị ngon khó tả, khó quên”. Tôi chưa phải là dân ghiền bánh căn, bánh xèo, vậy mà, ở gần phố biển trên 20 năm, tự nhiên cũng muốn trở thành “thổ dân miền gió nắng” đâm mê rau sống bánh xèo, nước chấm cá ngừ, mực tươi bánh căn…Thỉnh thoảng ghé ăn không chỉ là “điểm tâm đoàn kết” với vợ con mà còn là để nhớ, để thương một thời độc thân vui vẻ qua rồi…
Riêng về bánh canh, cây bút sành ăn VFA quan sát, miêu tả, giới thiệu, thực hành đến là chi li, sinh động, hấp dẫn từ khâu chuẩn bị, chế biến, thẩm định đến cả cách thức, thái độ ăn uống. Cả đoạn tạp văn trở nên nổi nét, nổi hình nhờ biết pha trộn nhuần nhuyễn nhiều loại hình ảnh (thị giác, vị giác, khứu giác, thính giác, xúc giác), nhiều loại văn (tự sự, biểu cảm, nghị luận, trữ tình…). Ở chỗ này có lẽ nghệ thuật viết văn và nghệ thuật ẩm thực đều là nghệ thuật pha trộn chăng? Những món ăn từ “đặc sản Phan Rang” VFA tâm đắc, đặc tả phần nhiều là những món khoái khẩu của chị em. Chị cũng có dịp nhắc đến một vài món khác như cà phê Cỏ Hồng, cơm gà Khánh Kỳ. Vậy là vừa đủ, vừa phải. Để người ta nhấm nháp món này mà vẫn thòm thèm món kia. Để những ai khi rời xa biết đâu còn “hẹn ngày tái nạm”. Phan Rang hãy còn dê núi Ninh Bình, cá chốt Đầm Vua, tôm cua Đầm Nại, bánh hỏi Phước Khánh, bắp hầm âm phủ, dông cát bảy món…hứa hẹn, mời gọi mọi người. Ẩm thực góp phần nối liền muôn triệu trái tim bởi có kẻ nói rằng con đường từ trái tim này đến trái tim kia có thể ngang qua bao tử?